Trước đây, mỗi lần chở vợ đi chợ là một lần được thư giãn: anh tìm
quán cà-phê gần cổng, bình thản ngồi đọc báo hay vẩn vơ nhìn kẻ qua
người lại. Còn bây giờ thì anh thực sự “tham gia thị trường” rồi!
Từ khi anh đặt chân vào Sài Gòn, ngôi chợ ở cách nhà chỉ mươi phút
đi bộ này đã thành thân thuộc với gia đình anh. Anh ăn gạo muối,
thịt cá, rau quả của chợ đã gần 40 năm. Nhưng anh chỉ biết mùi chợ
từ xa, chỉ nghe mẹ và vợ kể chuyện giá cả lên xuống ở chợ trong bữa
ăn gia đình. Với chợ, anh là một người dưng không duyên nợ, thậm chí
còn có phần cảnh giác. Thỉnh thoảng vợ nhờ ra chợ mua món hàng nào
đó, anh cẩn thận cầm theo nhãn hiệu, ghi giá tiền và chỉ mang vừa đủ
số tiền cần mua.
Hồi anh còn nhỏ, mẹ bán hàng tạp hoá ngoài chợ Đồng Cát; gần Tết anh
ra chợ trông hàng cho mẹ, không lo nhìn hàng mình mà mãi nhìn người
ta mua bán, để mất hàng của mẹ, suýt khóc. Mấy người bạn của mẹ có
quầy hàng gần đó, thấy thương, mua bánh cho ăn. Lớn lên xa nhà, mỗi
năm về quê, anh đều đi vòng quanh chợ, nhưng không dám bước vào. Cậu
anh là thầy giáo ở Hà Nội đã nghỉ hưu, về thăm nhà, một hôm ra chợ
Đồng Cát ngồi ghế đẩu ăn một lúc mấy cái bánh xèo nóng hổi đúc ngay
tại góc chợ. Gia đình biết chuyện, cậu bị phê bình quá xá. Anh để ý,
thấy gần cổng chợ này, buổi chiều cũng có quầy đúc bánh xèo thơm
phức; ít lâu nữa về hưu anh cũng sẽ ra đó ngồi ăn như cậu, mặc cho
người nhà, đồng nghiệp hay học trò cười chê.
Thú thật, lần đầu tiên cầm tiền đi chợ lo bữa ăn cho gia đình, anh
hoang mang quá đỗi. Anh biết mình đang nhận một “sứ mạng” nặng nề
liên quan đến sức khoẻ cả nhà. Chao ôi, những người nội trợ bây giờ
đích thị là những người bảo vệ sự sống của cả một dân tộc. Biết bao
mặt hàng đẹp đẽ bày ra đó tưởng là nguồn dinh dưỡng cho con người mà
cũng có thể là nguồn chất độc. Con mắt thường của anh làm sao phân
biệt được. Anh bắt đầu “tự bồi dưỡng” kiến thức cho mình bằng cách
tìm đọc những bài báo viết về tiêu dùng, về an toàn vệ sinh thực
phẩm mà lâu nay anh chẳng thèm ngó ngàng đến. Anh rùng mình khi lên
mạng thấy cảnh người ta tái chế chân gà ung thối đem bán cho dân
mình.
Nếu có giải thưởng dành cho những người sốt sắng thực hiện chủ
trương “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, có lẽ anh là một trong
những khách hàng đầu tiên nhận giải. Có gì đâu, thịt gà thì anh mua
gà vườn, trái cây thì mua trái cây miệt đồng bằng, rau quả thì mua
rau quả Đà Lạt…Anh tránh xa những món gì có xuất xứ “lạ”. Nhưng nói
thật, để trở thành người đàn ông đi chợ thành thạo như hôm nay, anh
đã mấy lần trả học phí. Anh từng mua trứng gà “lạ” mà tưởng trứng gà
ta, nho “lạ” mà tưởng nho Ninh Thuận, đến khi về nhà mới hay mình bị
lừa. Mấy quầy hàng chơi xấu đó, đừng hòng anh quay trở lại.
Sự căng thẳng trong những lần đầu đi chợ rồi cũng giảm xuống dần,
thậm chí, khi đã “có nghề”, anh còn cảm thấy niềm vui mua sắm. Nhìn
bốn phía chung quanh, đâu phải chỉ mình anh là đàn ông đi chợ. Còn
có những ông già về hưu, những viên chức bậc trung. Chợ này dễ chịu
nhờ ít nói thách, nhưng khó chịu vì lấn chiếm lề đường quá đỗi. Có
lỗi của những khách hàng bận rộn như anh. Những sáng có giờ dạy sớm,
anh chỉ kịp rảo một vòng qua những quầy hàng ngoài đường, thế là góp
phần cho những chiếc xe máy dồn ứ lại trên con đường trước cổng chợ
vốn đã chật chội.
Hai ngày cuối tuần rảnh rỗi, anh mới gửi xe vào trong bãi, thong thả
dạo chợ, ngắm nghía và cân nhắc. Phía sau chợ có mấy bà mấy chị bán
cá rô, cá lóc ngon và rẻ. Hai năm nay anh đã thành khách quen của
họ. Có một cô nước da bánh mật, mắt sáng, ngồi bán cá cùng chồng. Vợ
làm cá, đánh vẩy, chồng cân cá, thu tiền. Hình dung chiều về, vợ
chồng rửa tay sạch sẽ, ngồi đếm tiền lời, nấu nồi cơm nóng ăn với cá
kho từ chỗ bán còn thừa, thấy cuộc đời dung dị mà hạnh phúc biết bao
nhiêu. Vậy mà vài hôm sau, ngay trước mắt anh, vợ chồng họ bị mấy
anh trật tự viên rượt đuổi, giật đổ cả thúng cá, phải chạy dạt
đi chỗ khác, vì tội không bán trong quầy đúng nơi quy định.
Bao nhiêu mồ hôi nước mắt đã đổ cho mình có được bữa ăn, đời mình
sao không biết ơn đời chợ. Những xã hội không có chợ là những xã hội
lạc hậu nhất. Chợ là văn minh, nhưng chợ cũng có thể là nơi dối
gian, lừa đảo. Khi mình là nạn nhân của chợ, thì mình cũng là nạn
nhân của chính con người. Nhưng anh còn tin vào chợ, nghĩa là vẫn
tin vào con người. Đi chợ, chuẩn mực và thước đo để anh chọn hàng
không chỉ là nhãn hiệu sản phẩm mà còn là gương mặt, giọng nói, nụ
cười của người bán hàng. Anh chọn mặt người để chọn mặt hàng. Anh
mua hàng và mua cả lòng tin vào con người.
Một cái Tết nữa sắp đến. Hàng hoá, thực phẩm lại bày bán ê hề giữa
chợ. Năm nay anh đã biết cách chọn hàng, anh sẽ sắm sửa để nhà mình
ăn một cái Tết giản dị, bình an với thịt cá, rau quả của dân mình
làm ra. Mình sẽ làm mâm cỗ cúng Tổ tiên với những món ăn truyền
thống, vì ông bà mình không quen với thực phẩm “lạ” đâu nghe em.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Trích lại từ http://www.viet-studies.info
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét