Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Cao Huy Khanh VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 – 2012: NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

Kỳ 110 – 16.4.2012 

1.101 - Phan Văn Tư
MẢNH ĐẠN NẰM TRONG PHỔI 36 NĂM
Nông dân sinh 1952 tại Vĩnh Long. Sống ở Vĩnh Long (2008).
     Không chỉ một mà tới 2 mảnh đạn nằm trong phổi 36 năm do năm 1972 đi phát cỏ làm ruộng thì bị trúng nhiều phát đạn vào ngực không biết từ đâu, của “phe” nào. Được đưa đi cứu cấp, chạy chữa xem như lành rồi.
     Nhưng không ngờ thực ra vẫn còn 2 mảnh đạn nằm sâu trong phổi không bị phát hiện. Mãi đến năm 2008 bản thân thấy bỗng nhiên hay đau ngực và ho ra máu mới đi khám bệnh chụp X-quang, bác sĩ viện quân y mới tìm ra 2 “thủ phạm giấu mặt” này. Được tiến hành giải phẫu an toàn. 

1.102 - Phi Nhung
HOÀI NIỆM ĐỜI MỒ CÔI
Ca sĩ Việt kiều Mỹ tên thật Phạm Phi Nhung sinh 1972 tại Pleiku. Sống ở Mỹ (2012).
     Trước 75, mẹ lấy chồng Mỹ nhân viên dân sự sinh ra mình rồi cha bỏ về nước để lại 2 mẹ con bơ vơ. Sau đó mẹ lấy chồng khác người Việt sinh thêm 5 con.
     Năm 2000 mới 11 tuổi thì mẹ bị tai nạn qua đời nên 6 chị em phải qua sống nương nhờ nhà ông ngoại bà ngoại, riêng mình phải bỏ học ra ngoài đi làm thuê việc lặt vặt lấy tiền nuôi đàn em khác cha. 
     Đến năm 1989 một mình đi Mỹ theo diện con lai.
     Trên đất Mỹ bắt đầu làm nghề lao động chân tay vất vả để sống còn từ quét dọn vệ sinh, bồi bàn đến may vá, tiếp viên nhà hàng. Có tìm người cha Mỹ nhưng vẫn biệt vô âm tín.
Theo đạo Thiên Chúa nên có tham gia hát trong dàn đồng ca nhà thờ nhờ hồi trươc thường quen hát ru em ngủ. Qua đó ngẫu nhiên được 2 đàn chị ca sĩ Hươg Lan và Trizzie Phương Trinh phát hiện thấy mình có giọng hát khá tốt  nên hết lòng dìu dắt (bắt đi học thanh nhạc bài bản đàng hoàng), giúp đỡ cho bước vào nghề ca hát.
Từ năm 1993 dần có tiếng tăm trình diễn sân khấu, thu băng đĩa ăn khách và cả đóng phim nữa, có chỗ đứng trong làng ca sĩ hải ngoại.
Nhờ hát được cả tân nhạc lẫn cải lương, giọng ca buồn có nét riêng và đặc biệt chất trữ tình dân quê chất phát mà thật thà từ tiếng hát đến phong cách biểu diễn (mặc áo bà ba, đội nón lá…): “Tôi cũng thấy mình quê trong bản chất không thay đổi được. Lắm khi cũng tự an ủi thì quê cũng hay chứ có gì mà phải suy nghĩ!”
Nhưng ấy chính là “thương hiệu” của cô, gần giống như Hương Lan vốn là thần tượng thủa nhỏ của mình.
Làm được bao nhiêu tiền đều dành dụm gửi về nuôi các em, xây nhà cho các em ở Pleiku.
Năm 1998 trở lại quê hương lần đầu tiên, lên Pleiku thăm mộ mẹ và ông bà ngoại. Những lần về sau bắt đầu trình diễn sân khấu được nhiều người ái mộ.
Năm 2007 gặp một sự cố đời tư (bị lừa tiền, người yêu bỏ rơi…) làm suy sụp tinh thần phải nghỉ hát ba năm, còn tính đi tu nữa tưởng đã mất hết tất cả. May mà sau đó được bạn bè, đồng nghiệp động viên an ủi mới gượng dậy được để tiếp tục sự nghiệp.
Đến nay vẫn chưa lấy chồng để toàn tâm toàn ý lo cho các em. Không chỉ thế, còn nhận thêm 13 trẻ mồ côi làm con nuôi xây nhà ở Bình Phước cho ở chung.
Như một sự hoài niệm về thời thơ dại cùng các em phải sống đời mồ côi: “Tôi không nghĩ mình làm được điều gì lớn lao mà thấy đây là việc mình cần làm thôi. Cuộc sống của tôi vất vả nhưng cũng gặp được những tấm lòng thì mới có được ngày hôm nay.”

1.103 - Phương Hồng Ngọc
MỘT LẦN HỤT ĐI PHÁP
Ca sĩ Việt kiều Pháp sinh 1964 tại Cần Thơ. Sống ở Mỹ (2012).
     Trước 75 là nữ ca sĩ chuyên hát phục vụ thương bệnh binh VNCH trong phong trào “Em gái hậu phương”. Lấy chồng là diễn viên kịch nói Ngọc Đức sinh 2 con.
     Sau 75 tiếp tục ở lại TPHCM đi hát sô ở các tỉnh.
     Cha là người Việt lai Pháp (ông nội lính Pháp viễn chinh lấy vợ Việt rồi ở lại VN luôn) nên năm 1977 gia đình được phép về Pháp lại nhưng lúc đó mình đang đi hát xa nhà hay tin về không kịp nên đành phải ở lại.
     Đến năm 1982 mới được cha bảo lãnh cùng chồng con qua Pháp.
     Tại Pháp may mắn được đi hát phục vụ kiều bào nên sống cũng tạm được. Nhưng hạnh phúc gia đình lại đổ vỡ, ly dị chồng rồi lấy chồng khác cải đạo Công giáo, sinh thêm một con gái. Theo chồng mới chuyển qua Mỹ sinh sống.
     Từ năm 2001 thường xuyên về VN vì chồng có công việc đầu tư kinh doanh ở TPHCM. Nhân đó tham gia nhiều hoạt động từ thiện giúp đỡ đồng bào nghèo, trẻ em khuyết tật nạn nhân chiến tranh…

1.104 - Ronald Humphrey
LÀM GIÁN ĐIỆP CHO CỘNG SẢN VN
Nhà báo Mỹ sinh 1936 tại Mỹ. Sống ở Mỹ (2012).
     Trong chiến tranh VN từng làm phóng viên ở VN, từ đó lấy vợ VN sinh 4 con.
     Trước 1975 trở về Mỹ thì VN giải phóng nên vợ con bị kẹt lại TPHCM. Tiếp tục làm trong ngành báo chí ở Phòng Thông tin Mỹ, viết bài thể thao cho báo The Seatle News. Lấy vợ Mỹ rồi ly dị.
     Năm 1987 bị FBI bắt giữ cùng với Việt kiều David Duong (Trương Đình Hùng, con của Trương Đình Dzu một chính trị gia đối lập chế độ Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu trước đây) vì tội gián điệp tuồn tài liệu mật về chính quyền Mỹ lấy từ Phòng Thông tin Mỹ cho cộng sản VN. Qua sự móc nối của Đại sứ VN ở Liên Hiệp Quốc và Đại sứ VN tại Pháp.
     Ra tòa năm 1982 biện hộ sở dĩ làm việc này để “trao đổi” với phía VN đáp lại bằng cách cho vợ con qua Mỹ đoàn tụ với mình. Lãnh án 15 năm tù.
     Tuy nhiên sau đó được giảm án ra tù sớm. Và vợ con ở VN cuối cùng cũng được qua Mỹ đoàn tụ. 

1.105 - Sơn Nam
NHÀ NAM BỘ HỌC “CHẬM MỘT CHUYẾN ĐÒ”
Nhà văn tên thật Phạm Minh Tài sinh 1926 tại Kiên Giang – Mất 2008 ở TPHCM (83 tuổi).
     Từng tham gia kháng chiến chống Pháp ở quê nhà Rạch Giá, có lúc làm tỉnh ủy viên ở Phòng Văn nghệ Xứ ủy Nam bộ dưới quyền ông Võ Văn Kiệt (sau này là thủ tướng chính phủ thời Đổi mới).
     Nhưng 1954 không đi tập kết mà ở lại Kiên Giang rồi 1955 lên Sài Gòn bắt đầu theo nghiệp viết văn, viết báo.
 Đang làm báo thì do từng có quá trình hoạt động cùng cộng sản đánh Pháp nên bị chính quyền Ngô Đình Diệm đưa vào sổ đen là thành phần bị nghi “thân Cộng”, vì vậy năm 1960 bị bắt giam ở nhà tù Phú Lợi tại Bình Dương.
Tuy nhiên sau khi điều tra kỹ thấy không có dấu hiệu “Việt cộng nằm vùng” gài lại miền Nam nên 18 tháng sau được thả về. Thực tế không hề nghe nói được Cộng sản giao nhiệm vụ gì ở miền Nam hoặc do bị “mất liên lạc” (?) nên không có hoạt động chống chính quyền.
Chỉ thấy từ đó tiếp tục viết báo chuyên tâm khai thác mảng đề tài lịch sử, văn hóa, phong tục, sinh hoạt dân Nam bộ mà bản thân mình gắn bó từ nhỏ (bút danh lấy họ Sơn là họ của bà mẹ nuôi người Khmer Nam bộ) qua sáng tác chủ yếu ký, truyện ngắn và bài khảo cứu. Nội dung gần gũi với cuộc sống người nông dân Nam bộ tay lấm chân bùn nghèo khó từ đời này qua đời khác: “Tôi là một đứa con có hiếu với dân ở dưới.”
Tất cả bài báo, sách in đều nói chuyện đời xưa đời nay chung chung với mục đích đề cao nền văn học dân tộc, văn hóa dân gian, văn hóa Nam bộ tránh đề cập đến vấn đề chính trị. Đồng thời giữ vững tư cách một “nhà báo tự do”, “nhà văn độc lập” không chạy theo chế độ VNCH cũng không tỏ ra thiên Cộng rõ ràng.
Lần lượt in nhiều tác phẩm giá trị: Sáng tác gồm “Hương rừng Cà Mau”, “Chim quyên xuống đất”, “Hình bóng cũ”, “Bà Chúa Hòn”…; khảo cứu có “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”… Văn phong độc đáo rặt chất Nam bộ dân dã mà tinh tế, sâu sắc.
Là người cầm bút chuyên nghiệp hoàn toàn sống bằng nhuận bút nên cảnh sống khá vất vả với gánh nặng gia đình nuôi vợ con. Bản thân người gầy còm đen đúa “xấu xí” giống hệt nông dân nghèo suốt đời chỉ đi bộ (không biết đi xe máy, có đi thì nhờ người khác chở) lang thang cả ngày ngoài đường lê la nơi này nơi nọ tìm chi tiết, đề tài, cảm hứng từ cuộc sống để viết. Từ đó có biệt danh “Nhà văn đi bụi”, “Ông già đi bộ”!
Sau 1975 gặp lại các đồng chí, bạn bè cũ một thời kháng chiến chống Pháp nhưng không được chế độ ưu ái vì xét ra chẳng có công trạng gì trong thời đánh Mỹ, nếu không nói là có khi còn bị nghi kỵ “hợp tác” với chế độ Sài Gòn! Bởi thế đã bị loại khỏi bộ “Từ điển Văn học” 2 tập đồ sộ in năm 1984, một thời gian dài vẫn nằm ngoài Hội Nhà văn VN!
Với thân phận “nửa nạc nửa mỡ” không phải Việt Cộng nằm vùng mà cũng không dính líu chế độ cũ nhiều thành ra như một thành phần nửa vời dở khóc dở cười. Đặc biệt về gia cảnh vợ con nheo nhóc càng gặp khốn khó hơn khi không có báo để viết kiếm sống nữa. Cả tủ sách làm tài liệu viết lách, nghiên cứu cũng bị vợ đem… bán ve chai! Khiến đôi khi không tránh khỏi ngậm ngùi rằng “Con người ta có khi chỉ chậm một chuyến đò, số phận đã đổi khác rồi!”
May mà còn cố nhân Võ Văn Kiệt bấy giờ là Bí thư Thành ủy TPHCM thông cảm thỉnh thoảng giúp cho cứu đói.
Cứ thế cho đến thời Đổi mới mới dễ thở hơn, bắt đầu từ việc năm 1990 được đạo diễn Pháp J. Arnaud trân trọng mời làm cố vấn về mặt lịch sử – phong tục cho bộ phim truyện “Người Tình” (phỏng theo truyện vừa của nhà văn nữ Pháp M. Duras thời trẻ từng sống ở Sài Gòn) quay năm 1991 ở TPHCM. Rồi được Bí thư Võ Văn Kiệt cấp nhà.
Từ đó được trân trọng mời tham gia các hoạt động lễ hội truyền thống, văn hóa dân tộc vùng đất phương Nam. Và viết báo, viết sách tiếp tục sự nghiệp phát triển văn hóa Nam bộ. Với một loạt tác phẩm: “Người Sài Gòn”, “Gia Định xưa”, “Bến Nghé xưa”, “Tục lệ ăn trộm” (khảo cứu); bổ sung truyện ngắn cho tập “Hương rừng cà Mau” (tổng cộng 66 truyện), “Một mảnh tình riêng”, “Dạo chơi”, “Hồi ký” (4 tập, sáng tác)…
Được một nhà xuất bản ở TPHCM mua bản quyền toàn bộ tác phẩm (hơn 40 đầu sách). Một truyện ngắn trong tập “Hương rừng Cà Mau” được đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh thực hiện năm 2004 sau đó đoạt nhiều giải thưởng cả trong lẫn ngoài nước.
Đường đời thăng tiến khá hơn nhiều nhưng cuộc đời riêng vẫn lận đận chuyện nhà không êm xuôi mát mái tới mức phải rời khỏi nhà đi sống nhờ ở một nhà văn hóa cấp quận cho đến cuối đời. Xui xẻo nữa năm 2007 bị tai nạn phải nằm liệt trên giường 2 năm trời đến khi qua đời không còn viết lách gì được nữa.
Thật lạ khi cả 2 nhà “địa phương học” hàng đầu cả nước – Sơn Nam nhà “Nam bộ học” và Nguyễn Văn Xuân nhà “Quảng Nam học” - đều phải trải qua một cuộc đời gian nan vất vả vì miếng cơm manh áo dưới cả 2 chế độ trái ngược nhau, đến cuối đời nếu có đền bù vật chất được đôi chút cũng không hưởng thụ được mấy! Thật là “số khổ” như người đời thường chép miệng thương cảm.
 Được tôn vinh là nhà Nam bộ học kiệt xuất hiếm có nhưng sau khi mất chỉ có một nhà lưu niệm tại Mỹ Tho do cô con gái sống tại đây tự đứng ra lập nên trong khi lẽ ra TPHCM nơi ông ngụ cư cũng là nơi thành danh hoặc quê hương Kiên Giang phải làm việc này. 

1.106 - Sơn Nguyễn
CẢI ĐẠO LÀM MỤC SƯ
Tu sĩ Tin Lành Việt kiều Mỹ tên cũ Nguyễn Sơn sinh tại VN. Sống ở Mỹ (2009).
     Sau 75 vượt biên qua Mỹ.
     Học ngành điện toán ra trường hành nghề thành công.
Năm 1995 bị tai nạn ô tô làm hôn mê sâu suốt 2 tháng, một phần cơ thể bị liệt. Trong thời gian đó, người thân đã mời một giáo đoàn đạo Tin Lành ở địa phương đến cầu nguyện thường xuyên cho mình vượt qua được cơn nguy hiểm.
Kết quả cuối cùng được cứu sống, tỉnh dậy rồi tập luyện hồi phục. Từ đó mang ơn giáo đoàn nên tình nguyện cải đạo từ đạo Phật qua đạo Tin Lành luôn.
Ban đầu tham gia hoạt động trong các chương trình truyền giáo, xã hội của giáo đoàn. Dần dà tu học trở thành mục sư từ năm 2009 phụ trách giáo dân Việt kiều ở một quật hạt thuộc bang Florida.

1.107 - Tạ Chí Đại Trường
LẬN ĐẬN SỬ GIA
Nhà sử học Việt kiều Mỹ sinh khoảng 1944 tại Khánh Hòa. Sống ở Mỹ (2012).
     Cha là cựu tỉnh trưởng Bình Định nhưng sau đó chuyển qua đối lập chính quyền Ngô Đình Diệm.
Bản thân tốt nghiệp thạc sĩ sử ĐH Văn khoa Sài Gòn. Trong thời gian này bắt đầu viết bài về nghiên cứu tiền cổ VN rồi qua các đề tài sử học chuyên biệt trên tạp chí Bách Khoa được đánh giá cao với quan điểm dân tộc độc lập không theo trường phái nào với nhiều phát kiến độc đáo, sâu sắc qua lối viết hấp dẫn.
Năm 1964 bị gọi đi sĩ quan Thủ Đức, sau đó nhờ chuyên môn sử học nên được rút về bộ phận quân sử thuộc Bộ Quốc phòng VNCH. Tiếp tục phát triển viết báo, viết sách chuyên đề sử học.
Năm 1970 tác phẩm “Lịch sử nội chiến VN 1771-1802” được tặng giải thưởng quốc gia chế độ cũ.
Chuẩn bị làm luận án tiến sĩ thì Giải phóng 30.4.1975. Mang lon đại úy nên đương nhiên phải đi cải tạo. Trong lúc đó về mặt chuyên môn, cuốn “Lịch sử nội chiến VN 1771-1802” bị chế độ mới cộng sản “cấm” vì quan điểm đề cao triều Nguyễn mà “chê” triều Tây Sơn vốn được cộng sản ca ngợi là anh hùng khởi nghĩa nông dân chống phong kiến áp bức.
Ra tù, năm 1984 đi Mỹ diện H.O.
Trên đất Mỹ trong 10 năm đầu hầu như đành đoạn tuyệt với nghiệp sử gia để lo bôn ba làm đủ các nghề để kiếm sống đến độ có lúc đổ bệnh luôn.
Khi cuộc sống dần ổn định mới có thì giờ quay lại với nghề sử học. Lần lượt in các cuốn “Những bài dã sử Việt”, “Thần, Người và đất Việt”, “Sử Việt, đọc vài quyển”, “Người lính thuộc địa Nam Kỳ” (luận án tiến sĩ)… Có cộng tácvới Trung tâm nghiên cứu VN ở Mỹ biên soạn công trình “Lai lịch người Việt tị nạn”....
Năm 1992 trở lại quê hương trong bầu không khí Đổi mới, bước đầu làm quen với giới sử học tiến bộ miền Bắc (gặp nhà sử học quá cố Trần Quốc Vượng). Trở về viết cuốn “Một khoảng VNCH nối dài” năm 1993 và “Việt Nam nhìn từ bên trong” (viết chung với Nguyễn Xuân Nghĩa) năm 1994.
Sau đó nhiều lần về lại, chứng kiến một số sách viết ở Mỹ được in lại tại VN từ năm 2000, riêng cuốn nặng ký nhất “Lịch sử nội chiến VN1771-1802” đến năm 2007 mới tái bản trong nước.
Cũng vì thế bị giới chống Cộng hải ngoại phê phán “thân Cộng, bài Quốc gia”!
Năm 2010 gửi kiến nghị đến Quốc hội VN công nhận Nghĩa trang Quân đội VNCH (Nghĩa trang Biên Hòa) là Chứng tích lịch sử vì “Chế độ nào cũng qua, chỉ có đất nước là tồn tại”, ký dưới là “cựu sĩ quan VNCH”.
Một kiến nghị muộn màng hầu như bất khả thi bởi trước đó vào năm 2006 chính quyền VN đã quyết định chuyển quyền quản lý nghĩa trang này từ Bộ Quốc Phòng qua cho tỉnh Bình Dương, dân sự hóa nó (thân nhân được tự do thăm viếng, tu sửa) đổi tên thành Nghĩa trang Bình An (ghép tên tỉnh Bình Dương với tên huyện Dĩ An trực thuộc). 

1.108 - Tạ Tỵ
“ÔNG TỔ” HỘI HỌA LẬP THỂ CHỌN CHẾT TRÊN QUÊ HƯƠNG
Họa sĩ Việt kiều Mỹ sinh 1922 tại Hà Nội – Mất 2004 ở TPHCM (83 tuổi).
     Thuộc thế hệ họa sĩ tiên phong của hội họa VN, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng các danh họa Bùi Xuân Phái, Lương Xuân Nhị, Văn Cao. Sau đó cùng tham gia kháng chiến chống Pháp.
Nhưng năm 1954 không ở lại miền Bắc mà theo dòng người di cư vào Nam.
Sống ở Sài Gòn, trở thành sĩ quan quân đội VNCH ngành tâm lý chiến.
Trong thời gian này tích cực sáng tác mở đường cho khuynh hướng vẽ tranh lập thể theo trường phái đại danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso tạo nhiều tiếng vang trong nước và quốc tế. Sau đó chuyển qua khuynh hướng hội họa trừu tượng. Còn vẽ ký họa rất tài hoa. Được xem là họa sĩ có tranh bán đắt giá nhất thời này.
Ngoài ra còn làm thơ, viết truyện, bút ký, kịch nhưng không đạt thành tựu bằng hội họa.
Ngày Giải phóng mang lon trung tá chiến tranh chính trị nên phải đi cải tạo. Sau khi được trả tự do đã vượt biên qua Mỹ năm 1982.
Trên xứ người tiếp tục vẽ trong đó có tác phẩm mang dấu ấn thời cuộc “Những mảnh đời tị nạn”.
Năm 2002 quyết định quay về nước an dưỡng tuổi già được 2 năm thì qua đời.
Cả Bảo tàng Mỹ thuật VN lẫn Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đều mua và lưu giữ tranh của ông trong đó có bức “Cất cánh” vẽ năm 1972 được xem là bức sơn dầu lớn nhất bảo tàng.

1.109 - Tạ Văn Hinh
CHỮ “NHẪN”
Doanh nhân sinh tại Hà Tây. Sống ở Hà Tây (2008).
     Đi bộ đội vào Nam chiến đấu ở Tây Nguyên, bị nhiễm CĐDC mà không biết,
     Sau chiến tranh xuất ngũ về Hà Nội làm công nhân công ty. Lấy vợ sinh 5 con đều mắc bệnh trầm kha lúc đó mới biết là do di chứng từ chất độc này. Đứa con đầu lòng mới 2 tháng tuổi đã bỏ bố mẹ ra đi, 4 đứa còn lại thì 2 em bị bệnh động kinh kèm chứng bại liệt teo cơ và 2 em trí óc chậm phát triển.
     Dù vậy vẫn cắn răng chịu đựng tìm cách làm ăn vươn lên mới có tiền lo cho đàn con bệnh tật. Từ đó quyết định xin nghỉ làm công nhân quay về làng lập hợp tác xã tự mình làm chủ mới có điều kiện phát huy hết khả năng và giấc mơ ấp ủ. Tự tay viết một chữ “Nhẫn” thật lớn dán lên tường trong phòng khách lấy đó làm lời nhắc nhở, động viên mình luôn cố gắng kiên trì nhẫn nại chấp nhận giấu nỗi buồn con cái để giữ vững tinh thần đấu tranh với số phận vượt lên hướng về tương lai tươi sáng hơn.
     Học tập kinh nghiệm các mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ thành công thời kỳ này mới đưa hợp tác xã chuyển nghề từ nghề làng truyền thống chuyên đan lát bò cót qua nghề đan mây tre lá hợp thời hơn. Hồi đầu dân làng chưa quen nên gặp khó khăn, vất vả nhưng vẫn kiên trì nỗ lực dần dà tự khắc phục, cải tiến nâng cao tay nghề làm ra sản phẩm bán chạy có thu nhập ổn định cho hơn 300 công nhân. Hợp tác xã được nâng cấp lên thành doanh nghiệp tư nhân.
     Từ hoàn cảnh bản thân đã tập hợp trẻ em khuyết tật ở địa phương về truyền nghề miễn phí rồi thu nhận vào làm.
     Tất cả thành công quy vào một chữ “Nhẫn” là bí quyết sống rút ra từ nỗi đau riêng chua xót phận người: “Hoàn cảnh gia đình mình như thế, nếu không nhẫn nại chắc tôi đã buông xuôi mọi thứ từ lâu rồi.”

1.110 - Tap Van Pham
NHÀ BÁO BỊ ĐỐT CHẾT
Nhà báo Việt kiều Mỹ tên cũ Phạm Văn Tập sinh 1939 tại VN – Mất 1987 ở Mỹ (48 tuổi).
     Đến Mỹ sau 1975 do cha bảo lãnh nhưng mẹ và 2 em gái còn ở lại. Năm 1981 vợ lập ra tạp chí “Mai”ở California, chồng làm chủ bút.
Tuy báo này chỉ chuyên về văn nghệ giải trí nhưng năm 1987 chủ bút lại chủ trương không đăng quảng cáo cho các tổ chức chống Cộng, ngược lại cho đăng thông tin các công ty ở Canada làm dịch vụ chuyển tiền và du lịch về VN. Có lẽ vì lý do đó mà tòa báo đã bị phe phái chống Cộng ném bom xăng vào trụ sở báo bốc cháy khi ông đang ngủ nên bị ngộp khói chết.
Sau đó tổ chức “Diệt Cộng Hưng quốc Đảng” (VOECRN) gửi thư đến báo Người Việt công khai thừa nhận mình là thủ phạm đốt toà báo nhưng không hiểu sao cảnh sát Mỹ vẫn nói điều tra… không ra thủ phạm!
Báo “Mai” vẫn tiếp tục ra do bà vợ và con gái điều hành.
(Còn tiếp)            

 http://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/ho-so-hau-chien/hosohauchienky110

Không có nhận xét nào: