Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Những năm cuối đời của nhà văn Bút Tre

Chân dung cụ Đặng Văn Đăng (nhà thơ Bút Tre)

Tôi đã nhiều lần qua lại cái bến Vực mà ông đã qua, cũng nhiều lần đứng trên con đò sang sông nhìn về cái làng giữa sông cách đó chừng vài ba trăm mét phía Ba Gò, xã Sơn Quang và tôi cũng từng làm thơ về bến sông này, nhưng vẫn không thể cảm nhận tự nhiên rất thật như ông: "Con đò dịch đít sang ngang/ Bên kia có một cái làng thò ra". Vâng, sự vật dịch chuyển thì đúng như thế, mà câu thơ Bút Tre viết, đọc lên cứ là lạ, buồn cười.

Ông với tôi là người cùng một làng. Ông ở thôn trong, tôi ở thôn ngoài. Làng Vạn Thắng này xưa vì đường sá chưa có, nên muốn đi ra ngoài phải qua sông Thao, sang thị xã Phú Thọ, rồi mới có ôtô, tàu hỏa. Khi ông nghỉ hưu về quê, tôi còn đang học phổ thông, lại là người cùng làng nên ít nhiều biết về ông, nhất là những năm tháng cuối đời của ông ở quê nhà.

Ông tên là Đặng Văn Đăng, sinh năm 1911. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông đi dạy học ở Tuyên Quang, rồi về dạy ở quê. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông thoát ly công tác ở Ban Thi đua Khu 10. Sau cải cách ruộng đất, ông được điều về Bộ Ngoại giao làm thư ký cho Bộ trưởng Ung Văn Khiêm một thời gian, sau đó ông lại về Phú Thọ, làm Trưởng phòng Thông tin, thuộc Ủy ban Hành chính tỉnh. Đến năm 1962, ông được đề bạt Trưởng ty Văn hóa tỉnh Phú Thọ.

Nhớ lại những năm 60 của thế kỷ trước, Đảng ta chủ trương các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Hưởng ứng cuộc vận động này, Nhà xuất bản Phổ thông bấy giờ cho phát hành nhiều tập sách in các bài diễn ca, văn vần dễ thuộc, dễ nhớ để tuyên truyền. Chẳng hạn phê phán nạn tảo hôn có bài "Trời mắc oan": "Chuyện đâu có chuyện nực cười/ Chú bé lên mười lấy vợ mười lăm/ Nửa đêm vợ bế đi nằm/ Chẳng may chú bé đái dầm ướt chăn/ Sáng ra nghe mẹ chữa rằng/ Đêm qua mưa dột ướt thằng con tôi/ Chuột kêu rúc rích đầu hồi/ Ai gây nên nỗi cho trời mắc oan".

Trong bối cảnh như thế, lại là Trưởng ty Văn hóa xông xáo nhiệt tình, ông Đăng cũng rất hào hứng sáng tác thơ, với bút danh Bút Tre, để tuyên truyền cho các cuộc vận động ngay tại tỉnh nhà. Ông viết về làng quê trung du đang từng ngày đổi mới: "Từ sông Lô đến sông Hồng/ Con đò ban sớm, cánh đồng chiều hôm/ Ngọt khoai, bùi sắn, thơm cơm/ Xanh tươi vườn tược, vàng ươm ruộng đồng". Hoặc cổ động cho phong trào trồng cây: "Cờ cắm, chữ chăng khắp nẻo đường/ Trồng cây ai đó hát trong sương…".

Ông Vũ Kim Biên là người nghiên cứu văn hóa dân gian, rất gần gũi với ông Đăng, hiện còn lưu giữ nhiều bài thơ của ông, nhận xét: "Bút Tre không bao giờ viết về những điều nhảm nhí và cũng không chủ định làm thơ gây cười, tuy nhiên ông vốn tính dễ dãi, đôi khi sa vào tự nhiên chủ nghĩa, viết nhanh, viết một lèo không cần sửa nháp, nên thường mắc vào các lỗi như: ngôn ngữ đơn giản, thô mộc, ít tinh tế, còn nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp; thấy vần là ghép làm cho ý thơ chạy lung tung, chuyện nọ xọ chuyện kia; có câu bí vần, tối nghĩa phải làm chú thích". Chính vì thế, mặc dù không chủ ý làm thơ gây cười, nhưng một số câu thơ của ông khiến độc giả khi đọc lên vẫn không nhịn được cười: "Tàu xe đi lại nhịp nhàng/ Thái Nguyên - Yên Bái, lại càng Lào Cai" hoặc:"Đồng Lương- Phú Lạc, Sai Nga/ Bao nhiêu lợn nái, trâu cà bấy nhiêu"… và một số câu khác không tiện trích ra ở đây. Từ năm 1962, chỉ trong vòng 1- 2 năm, ông đã sáng tác ba tập: "Quê hương Phú Thọ", "Phú Thọ lớn lên" và "Rừng cọ đồi chè". Với chức Trưởng Ty của ông lúc đó, ông quyết định cho in liền ba tập thơ. Khi các tập sách ra đời đã bị phê phán kịch liệt. Nhiều ý kiến từ Trung ương đến tỉnh, yêu cầu phải kiểm điểm rút kinh nghiệm từ công tác xuất bản, đến nội dung nghệ thuật, chủ yếu là sự non nớt, tùy tiện trong nghệ thuật thơ Bút Tre.

Ông Đặng Thành Phiến bên mộ cha mình - nhà thơ Bút Tre.

Ông Hà Văn Hiệt, nguyên Phó ty Văn hóa, người được chứng kiến và phải tham gia giải quyết sự việc lúc đó, cho biết: Mặc dù bị phê phán, nhưng ông Đăng vẫn không chịu. Ông cãi rằng: "Tôi chỉ làm vè tuyên truyền, ai cần đọc thì đọc, còn không thì tôi sáng tác cho tôi". Từ đó, Bút Tre vẫn sáng tác, nhưng không in một chữ nào nữa. Dư luận làng Đồng Lương bấy giờ, nhìn chung cũng không ai thích thơ Bút Tre và cũng không để ý lắm về hiện tượng này.

Năm 1973, ông Đăng nghỉ hưu, về quê từ cương vị Phó Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Phú. Ngày về vẫn chỉ có một chiếc xe đạp cọc cạch và một bọc sách đèo đằng sau. Về hưu, có thời gian, ông Đăng còn sáng tác nhiều hơn. Chị Vi Thị Lương, con dâu ông, năm nay 57 tuổi, kể lại: Ngày ông về, cả nhà ở trong ngôi nhà tuềnh toàng, hai hàng cột, tranh tre nứa lá. Nhà nghèo có gì ăn nấy. Ông thích nhất là món súp sắn. Nói là súp cho sang, chứ thực ra là sắn khô giã thành bột, rồi quấy thành cháo. Ốc, trai, rau cỏ ngoài đồng kiếm được thứ gì, nấu thứ ấy. Cái món súp này ăn một hai bữa là ngán tận cổ, nhưng không hiểu sao ông vẫn thích.

Về hưu, ông vẫn lao vào công việc rất nhiệt tình. Ông đề xuất với xã mở công trường làm sơn ta. Cây sơn ta ngày trước có bạt ngàn ở vùng đồi Đồng Lương, không hiểu sao một thời gian bị phá đi gần hết, nay khôi phục lại. Khi công việc đã kha khá, ông mời nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn ở Sở Văn hóa về tuyên truyền. Trước khi viết tiểu thuyết "Dốc nắng", nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đã viết bài ký sự "Ông giáo làng", trong đó có một phần nói về gia cảnh của ông Đăng. Khi bài bút ký in ra, tỉnh cảm thông đã yêu cầu ngân hàng cho ông vay tiền làm nhà. Với số tiền 1.500 đồng thời đó, ông đã làm được ngôi nhà mới. Ông nói với mọi người: "May có thằng nhà văn nó về nói hộ, mới được Nhà nước cho vay, chứ tự mình xin vay ngại lắm".

Số tiền ấy ông phải trả dần 9 năm mới hết. Hàng ngày, cứ lúc nào rảnh rỗi, ông lại đạp xe quanh làng, gặp ai cũng vào thăm nhà, nhưng không ngồi lâu nhà ai bao giờ, chỉ hai ba phút lại đi ngay. Một lúc ông qua cả chục nhà. Đồng Lương là làng đồi nên đường nhiều dốc, có lần ông đi xe đạp xuống dốc thì bị ngã. Nghe nói "bay" đi cả... hàm răng. Mới đây gặp chị Lương, tôi có hỏi chi tiết này, chị bảo người ta đồn thế thôi. Lúc ông ngã có văng hàm răng ra thật, nhưng đó là răng giả, chứ răng thật thì chết. Có một chuyện vui là không biết ông xin ở đâu về một số cây hồng giống trồng ở vườn, hàng ngày chăm sóc rất kỹ càng, và khi cây ra quả trông rất đẹp, ông liền làm bài thơ treo ở cổng: "Nhà anh có một vườn hồng/ Lung linh quả chín, đèn lồng cành tơ/ Cây hồng như ước như mơ/ Khách qua đường những ngẩn ngơ đứng nhìn/ Ai xem thì hãy thăm tìm/ Trái hồng như thể trái tim trên đời". Chỉ có điều cái giống hồng này quả không ăn được vì chát xít, sau đó ông lại phải phá bỏ. Rồi ông tổ chức đám cưới cho con, cũng có thơ chúc mừng: "Nắng vàng rực rỡ trước mùa đông/ Trăm họ chung vui việc vợ chồng/ Nhất Phiến - Lương Duyên đời cộng sản/ Pháo nổ râm ran với rượu nồng…".

Nhưng tâm huyết nhất của ông khi về nghỉ hưu ở quê, là ấp ủ viết về lịch sử 100 năm làng Vạn Thắng. Ông sưu tầm rất nhiều tài liệu, lại gửi thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rõ ý định và được tướng gửi thư về khích lệ. Ông say mê làm việc thâu đêm suốt sáng, viết hết tập giấy nọ sang tập giấy kia, tràng giang đại hải. Lịch sử làng mà viết thành thơ dằng dặc, không rõ sự kiện nào với sự kiện nào, nên không thành ra cái gì cả. Sau này ông Vũ Kim Biên vê,ì giúp biên soạn cuốn Địa chí xã, ông đã đóng góp những tài liệu vào cuốn sách này.

Tôi bảo anh Phiến (con trai ông Đăng) và chị Lương cho xem các tài liệu nhà thơ Bút Tre để lại. Chị Lương bảo bây giờ chẳng còn gì nữa, ông Vũ Kim Biên và ông Nguyễn Hữu Nhàn lọc lựa những thứ gì đọc được, lấy được, thì mang hết đi rồi. Nhưng chị vẫn hì hục ôm ra một bọc lớn, toàn một thứ giấy dang đã ngả màu vàng ố, chi chít chữ của nhà thơ Bút Tre. Ở các tờ giấy này, chỉ chỗ đánh các số 1, 2, 3… (đánh dấu chương, khổ, đoạn) thì tôi đọc được, còn thì không hiểu chữ gì và ông viết gì. Tôi đưa một tờ cho chị Lương và nói: "Chị quen chữ của ông, đọc giúp một đoạn tôi nghe". Chị cũng lắc đầu bảo: "Chữ ông em chỉ mình ông em đọc được, chứ chúng em cũng chịu". Nghe nói chỉ có một người là cô văn thư ở Sở Văn hóa Phú Thọ ngày xưa đọc được chữ của ông Đăng, còn chịu tất.

Đã 23 năm ông đi xa, giờ ông thanh thản yên nghỉ ngay trên mảnh đất vườn nhà. Mặc dù người đời vẫn nhắc tên ông, có thể họ vẫn gán cho ông đủ thứ để gây cười, nhưng chắc là ông không bận tâm, bởi cuộc đời ông là hiện thân của niềm vui sống, với một phong cách đơn giản đến xuề xòa, nhưng trong suy nghĩ thì ông luôn chân thành và nghiêm túc.

Tôi đã nhiều lần qua lại cái bến Vực mà ông đã qua, cũng nhiều lần đứng trên con đò sang sông nhìn về cái làng giữa sông cách đó chừng vài ba trăm mét phía Ba Gò, xã Sơn Quang và tôi cũng từng làm thơ về bến sông này, nhưng vẫn không thể cảm nhận tự nhiên rất thật như ông: "Con đò dịch đít sang ngang/ Bên kia có một cái làng thò ra". Vâng, sự vật dịch chuyển thì đúng như thế, mà câu thơ Bút Tre viết, đọc lên cứ là lạ, buồn cười. Chị Lương con dâu ông hiện giờ còn thuộc nhiều thơ ông, có lần hỏi về câu này, ông bảo sự thật nó thế thì ông viết thế, chả biết hay dở thế nào


Hà Văn Thể
Nguồn : http://vnca.cand.com.vn

Không có nhận xét nào: