Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Cao Huy Khanh VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 – 2012: NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

Kỳ 116 – 18.6.2012

1.161 - Chân Tín
THỜI NÀO CŨNG ĐẤU TRANH CHỐNG CHẾ ĐỘ
Linh mục Thiên Chúa giáo sinh 1919. Sống ở TPHCM (2012).
Thời VNCH cùng đồng đạo Nguyễn Ngọc Lan nổi tiếng chống chế độ Thiệu - Kỳ theo Mỹ, chống chế độ lao tù bất công kiểu quân phiệt, đấu tranh cho quyền tự do dân chủ quần chúng. Chủ trương tạp chí Đối Diện tập hợp giới trí thức Thiên Chúa giáo tiến bộ và thiên tả nói lên nguyện vọng đó.
     Nhưng sau 1975 khi đã có thời gian nhận chân thực tế chế độ mới Cộng sản cũng không hơn gì trong việc thực hiện quyền con người như trên nên lại tiếp tục phản đối chính quyền Cộng sản. Đòi hủy bỏ Hiến pháp 1992, tẩy chay bầu cử Quốc hội chỉ thể hiện quyền tự do dân chủ giả tạo “làm vì” mà thôi.
     Vì vậy năm 1990 bị bắt quản thúc tại huyện Cần Giờ xa xôi xem như cách ly khỏi TPHCM.
Được dư luận nước ngoài lên tiếng bảo vệ, in phổ biến rộng rãi cuốn “Hồ sơ Chân Tín” phê phán chế độ Cộng sản VN bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, đấu tranh phi bạo lực của công dân.
Cho nên năm 1993 được chính thức trả tự do về lại cư trú tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế ở TPHCM nơi từng là “đại bản doanh” của linh mục quá cố Nguyễn Ngọc Lan.
Từ đó xem như bị quản thúc tại gia và mặt khác có lẽ do đã lớn tuổi nên cũng ít thấy hoạt động mạnh mẽ sôi nổi như trước nữa.

1.162 - John C. Schafer
CUỘC TÌNH TÁO BẠO ĐẤT CỐ ĐÔ
Giáo sư đại học Mỹ về hưu sinh khoảng 1944. Sống ở Mỹ (2012).
     Năm 1968 là sinh viên tình nguyện Mỹ từ một tổ chức xã hội phi chính phủ đến Đà Nẵng dạy tiếng Anh, sau đó ra Huế dạy tiếng Anh ở ĐH Huế.
     Chính tại đây đã làm quen với nhạc Trịnh, làm bạn với Trịnh Công Sơn.
Và cũng tại đây nảy nở mối tình nên thơ với một cô sinh viên học trò chính gốc đất thần kinh con nhà gia giáo học ĐH Sư phạm Anh văn.
Cô này sau đó tốt nghiệp ra Quảng Trị dạy học đã quyết định làm đám cưới với ông thầy người Mỹ trẻ trung tài hoa bất chấp sự ngăn cản của gia đình. Thời đó ở xứ cố đô nặng phong kiến, việc con gái lấy chồng nước ngoài còn khá hiếm hoi mà lại là chồng Mỹ khi đang sôi sục phong trào chống Mỹ xâm lược VN nên đây quả là một “scandal” xã hội!
     Vì thế không lâu sau đó người chồng Mỹ đành phải đưa vợ mới cưới về Mỹ sinh sống.
Dù bất đắc dĩ phải rời bỏ VN nhưng phải nói ông chồng Mỹ này là một người rất yêu mến VN thật lòng nên từ đó vẫn tiếp tục nghiên cứu viết báo in sách nhiều công trình về văn học nghệ thuật và lịch sử VN. Đặc biệt bây giờ với sự cộng tác gắn bó của người vợ VN trong công tác dịch thuật tác phẩm VN ra tiếng Anh làm tư liệu giúp chồng cũng như dịch các tác phẩm của chồng qua tiếng Việt.
Công việc đó vẫn được duy trì, tiến hành bền bĩ hơn 40 năm đến nay qua vô số đề tài văn hóa VN cả thời hiện đại lẫn cổ điển, cả VNCH lẫn Cộng sản không phân biệt. Đề tài âm nhạc có Trịnh Công Sơn, Phạm Duy; đề tài văn học gồm Lục Vân Tiên, Hoàng Ngọc Phách, Phạm Duy Tốn, Hồ Biểu Chánh, Cung Giũ Nguyên, Võ Phiến, Phan Nhật Nam, Minh Đức Hoài Trinh, Nguyên Ngọc, Lê Lựu, Nguyễn Minh Châu…
Cả 2 vợ chồng đã nhiều lần trở lại VN, về thăm Huế kỷ niệm một tình yêu không biên giới sâu sắc chung thủy.
Năm 2001 đã ra Hà Nội dự đêm nhạc kỷ niệm một năm mất Trịnh Công Sơn. Năm 2012 tác phẩm “Trịnh Công Sơn – Bob Dylan: Như trăng với nguyệt?” được in tại TPHCM qua bản chuyển ngữ của người vợ quê Huế.
    
1.163 - Nguyễn Văn Huyền
PHÓ TỔNG THỐNG “3 NGÀY”
Luật sư sinh 1911 tại Sóc Trăng – Mất 1995 ở TPHCM (85 tuổi).
     Thời Pháp du học Pháp ngành luật.
     Năm 1949 ra luật sư về hành nghề tại Sài Gòn. Từng làm luật sư biện hộ cho một số lãnh tụ Cộng sản bị Pháp bắt giữ truy tố tội chống chế độ như Hà Huy Tập, Nguyễn Hữu Thọ…           
     Sau 1954 tiếp tục làm luật sư ở Sài Gòn. Rất có uy tín trong giới Thiên Chúa giáo đồng đạo theo khuynh hướng tiến bộ nên được khuyến khích tham gia hoạt động chính trị. Năm 1967 đứng đầu liên danh Thiên Chúa giáo đắc cử nghị sĩ vào Thượng viện VNCH, được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.
     Cuối tháng 4.1975 được tân Tổng thống Dương Văn Minh (Phật giáo) mời làm Phó Tổng thống gọi là để cân bằng với lực lượng Thiên Chúa giáo.
Nhiệm vụ đầu tiên là lên đài phát thanh đọc lời hiệu triệu trấn an dân chúng về tình hình đất nước có nguy cơ sắp rơi vào cảnh hỗn loạn sau khi cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bỏ của chạy lấy người,  từ chức rồi lập tức được Mỹ hộ tống bay ra nước ngoài. Sau đó, ngày 28.4 dẫn đầu phái đoàn chính phủ VNCH vào Trại Davids (nằm trong sân bay Tân Sơn Nhất) để thương lượng với đại diện Cộng sản (thuộc 2 phái đoàn Cộng sản Miền Bắc và Mặt trận Giải phóng Miền Nam đang trong thời gian dự hòa đàm Paris lúc đó đã tạm ngưng) về việc ngưng bắn hòa giải dân tộc.
Nhưng thời điểm đó đã muộn cho việc này khi quân Cộng sản đang thắng thế chuẩn bị tiến vào Sài Gòn. Tiếp theo như mọi người đã biết, Tổng thống Dương Văn Minh đành phải ra lệnh binh sĩ VNCH “hạ vũ khí” chờ “bàn giao” chính quyền cho Cộng sản trong cảnh hòa bình tránh hai bên cùng là người Việt với nhau đổ máu thêm nữa.
Sau khi Cộng sản giành thắng lợi hoàn toàn, bản thân được ghi nhận công lao đóng góp cho hòa bình thống nhất đất nước liệt vào hàng nhân sĩ tham gia mặt Trận Tổ quốc VN vốn chỉ là một tổ chức chính trị quần chúng mang tính hình thức mà thôi, thực chất vẫn là do “Đảng lãnh đạo”! .
Đã vậy, từ trước 75 người nhiều bệnh tật gầy gò, sức khỏe đã suy yếu nên về sau cũng chẳng làm được gì nữa cho đến ngày qua đời lặng lẽ.
    
1.164 - Tô Thị Thủy
LÃNH TỤ SINH VIÊN TRANH ĐẤU TỪ BỎ CHÍNH TRỊ
Doanh nhân sinh 1946 tại Long An – Mất 2012 ở TPHCM (67 tuổi).
     Năm 1967 là sinh viên khoa Việt – Hán ĐH Sư phạm Sài Gòn.
     Nhưng không bao lâu hăng hái tham gia đi đầu trong phong trào sinh viên Sài Gòn xuống đường biểu tình liên tục chống Mỹ, chống chế độ Thiệu – Kỳ. Nhanh chóng trở thành một lãnh tụ sinh viên tranh đấu cùng thời với Huỳnh Tẫn Mẫm, Đoàn Kỉnh.
     Sau đó bỏ học tiếp tục hoạt động trong phong trào sinh viên trí thức chống Mỹ, chống Thiệu - Kỳ. Trong thời gian này gặp và kết hôn với một bạn chiến đấu học lớp trên đã được kết nạp Đảng.
     Tuy nhiên có điều khá lạ là sau ngày Cộng sản toàn thắng, chỉ có người chồng có ra mặt làm cán bộ ngành giáo dục song chỉ trong một thời gian ngắn rồi sau đó cả 2 vợ chồng đều âm thầm tự động… rút lui khỏi cơ quan Nhà nước! Có lẽ do đã thấy trước sự khác biệt, bất đồng quan điểm giữa lý tưởng đấu tranh chống Mỹ, chống Thiệu – Kỳ đòi quyền tự do dân chủ với chủ nghĩa độc đảng của Cộng sản.
     Thay vào đó, 2 vợ chồng bắt đầu bước vào con đường làm ăn, làm hàng xuất khẩu kinh doanh thành công từ rất sớm. Hầu như không còn dính líu gì đến quá trình một thời tuổi trẻ đấu tranh chính trị hết mình! 

1.165 - Trần Gia Phụng
SỬ GIA HẢI NGOẠI HIỆN ĐẠI
Nhà sử học Việt kiều Canada sinh tại Quảng Nam. Sống ở Mỹ (2012).
     Tốt nghiệp ĐH Sư phạm và ĐH Văn khoa Huế ngành sử địa. Ra trường đi dạy học tại Đà Nẵng.
     Sau ngày Giải phóng tiếp tục dạy học một thời gian rồi bỏ vào TPHCM sinh sống.
     Năm 1995 đi Canada diện thân nhân bảo lãnh.
     Bấy giờ mới chuyên tâm viết hàng loạt tác phẩm sử học về nhiều đề tài thời hiện đại mà mình từng là chứng nhân với quan điểm khác hoặc đối nghịch với cộng sản. Như về trận chiến Mậu Thân 1968, “Mùa hè đỏ lửa” 1972, lịch sử thuyền nhân VN, Miền Bắc sau hiệp định Gennève 1954, Hòa Hảo và nông dân Miền Nam, chính sách Trung Quốc đối với VN, quan hệ Mỹ – Trung Quốc, vấn đề Thái Bình Dương, trận chiến Hoàng Sa 1974…
Xen kẽ là những vấn đề lịch sử xa xưa hơn như nhà Tây Sơn, lịch sử Quảng Nam, chí sĩ Phan Châu Trinh, sự kiện Trung kỳ dân biến, những cuộc đảo chính cung đình, “Những câu chuyện Việt sử” (4 cuốn)…
     Công trình lớn đáng kể có bộ “Việt sử đại cương” (từ năm 1.400-1950) gồm 5 tập in từ 2007-2009.
    
1.166 - Trần Hữu Dũng
QUÊ HƯƠNG VÀ TOÀN CẦU HÓA
Giáo sư đại học Việt kiều Mỹ sinh khoảng 1941 tại Mỹ Tho. Sống ở Mỹ (2012).
     Con trai của cố bác sĩ Nhà giáo Nhân dân Trần Hữu Nghiệp (1911-2006), một trí thức Nam Bộ đi tập kết để lại vợ và con trai, sau 1975 trở về TPHCM dạy ngành y đại học và viết sách báo
     Con trai lớn lên ở Miền Nam, sau khi tốt nghiêp đại học vào làm Trung tâm Nguyên tử lực ở Đà Lạt. Năm 1963 được học bổng du học Mỹ.
     Tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế ra dạy đại học ở bang Ohio.
     Nhiều năm sau ngày thống nhất đất nước mới về TPHCM gặp lại cha lúc mình đã gần 50 tuổi.
     Sau đó vẫn trở lại Mỹ làm việc vì “Sống ở đâu cũng đóng góp được cho quê hương”.
Từ đó năm 2004 lập trang mạng nổi tiếng “Viet Studies” – và trang “Arts & Letters Daily” - chuyên giới thiệu tổng hợp những bài nghiên cứu kinh tế – xã hội – văn hóa quốc tế chất lượng cao viết về VN, được đánh giá là “bộ lọc trí thức” về đề tài VN. 
     Nhắm mục đích đưa VN hội nhập thế giới và ngược lại: “Toàn cầu hóa và yêu quê hương không trái nhau. Phải có một quê hương giúp toàn cầu hóa trọn vẹn đúng nghĩa hơn”.
     Làm tất cả học theo tấm gương người cha ngày xưa, đó là “sự hòa hợp giữa tính bộc trực thẳng thắn của người Nam Bộ và sự tế nhị của một người trí thức sống nhiều, biết nhiều, thấu hiểu và quan tâm đến người khác.”

1.167 - Trần Hữu Hám
“NGU CÔNG VIỆT NAM”
Cán bộ về hưu sinh 1928 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Thừa Thiên – Huế (2009).
     Là cán bộ cộng sản tham gia kháng chiến cả 2 thời kỳ đánh Pháp đánh Mỹ. Về hưu sống ở làng La Chữ.
     Giữa những năm 1980, thấy con đường trong làng chạy qua trước mặt nhà toàn đá tảng gập ghềnh kéo dài cả chục cây số làm trở ngại trẻ em trong làng đạp xe đi học lên Huế thật tội nghiệp bèn vác búa ra đập các tảng đá, nạy ra rồi tự tay đắp đất cho con đường bằng phẳng dễ đi hơn. Còn tận dụng các tảng đá đó làm rãnh thoát nước từ trên núi đổ xuống.
Làm cả một thời gian dài (sau rồi cũng có bà con làng xóm góp sức vào) kéo qua những năm 1990 mới tạm gọi là hoàn chỉnh dù lúc đó mình cũng đã thất tuần giống như tích cổ Trung Quốc có ông cụ Ngu Công gần 90 tuổi vẫn dẫn đầu đàn con cháu tay búa tay xẻng đục núi dời núi (đến 2 hòn núi) đứng chắn trước mặt nhà mình!
Không hề được ai trả công xá gì vẫn miệt mài làm cả chục năm như vậy, chỉ vì tâm nguyện “Mình làm việc nghĩa để đền ơn quê hương đã cưu mang gia đình trong những ngày miếng cơm còn xen lẫn củ sắn.”
Ngoài ra còn tự lập một “Bảo tàng nông cụ” gồm các mô hình những phương tiện, đồ nghề làm ruộng của nông dân như cái cày, cái bừa, cối giã gạo, máy xay gạo máy đạp nước … đặt ngay tại nhà cho bà con đến coi chơi.   

1.168 - Trần Kim Hùng
TỬ TÙ HAM HỌC
Tù nhân sinh khoảng 1966 tại Huế. Bị giam ở nhà tù Chí Hòa, TPHCM (2006).
     Con nhà có học, sau năm 1975 là sinh viên khoa Văn ĐH Huế năm thứ ba.
Nhưng nghe lời bạn bè rủ rê vượt biên mới bỏ nhà vào Sài Gòn cùng một người bạn âm mưu đến nhà một bà dì khá giả chờ lúc không có ai ra tay giết chết (siết cổ) rồi phá tủ cướp vàng và tiền chạy xuống Vũng Tàu tìm tàu vượt biên.
Tuy nhiên chưa đi được thì đã bị công an tóm gọn. Đưa về TPHCM ra tòa lãnh tội chủ mưu chịu án tử hình, bạn là đồng lõa tù chung thân.
May mà có cô bạn gái thời đại học thương tình cùng gia đình lục tìm hồ sơ cũ hồi trước từng có thời gian điều trị bệnh tâm thần ở bệnh viện còn lưu giữ để mang vào TPHCM nộp tòa án xin cứu xét giảm án. Kết quả được giảm xuống tù chung thân.
Người bạn gái chí tình kia trong suốt 3 năm sau đó thường xuyên đi thăm nuôi, rồi cũng đành chia tay theo gia đình đi Mỹ.
Còn lại một mình tiếp tục thụ án dài đăng đẳng từ năm này qua năm khác mà không còn ai đi thăm tiếp tế do cha mẹ già ở quê xa mà hoàn cảnh rất khó khăn. Nhiều lúc chán nản tuyệt vọng tìm cách tự tử đều không thành.
Dần dà cuối cùng bình tĩnh lại, dùng kiến thức đã học được của một sinh viên khoa Văn để tự xét bản thân tìm ra còn đường sống còn chống trầm cảm là con đường tự học. Tự học bằng cách tìm đọc bất cứ tài liệu sách báo nào có được hoặc mượn được, qua đó nghiền ngẫm bao ý nghĩa nhân sinh tự cổ chí kim để xây dựng cho mình một triết lý sống thanh thản chấp nhận cái giá phải trả cho tội lỗi của mình. Từ đó trở thành một tù nhân gương mẫu ai cũng kính trọng.
     Năm 2005 người bạn tù chung thân được ân xá ra tù về quê làm rẫy. Sau đó đến lượt mình được nhà tù bắt đầu gửi văn bản lên cấp trên đề nghị cứu xét cho ân xá chưa biết kết quả ra sao. 

1.169 - Trần Mạnh Cường (1)
LINH MỤC TUYÊN ÚY Ở LẠI
Tu sĩ Thiên Chúa giáo sinh 1942. Sống ở Đắc Lắc (2007).
     Nguyên thiếu tá tuyên úy Thiên Chúa giáo trong quân lực VNCH từng tốt nghiệp khoa Văn ĐH Văn khoa Sài Gòn.
     Bởi vậy sau ngày Giải phóng phải đi cải tạo khá dài ngày.
     Trở về ưu tiên được đi H.O song đã từ khước chấp nhận ở lại, xin được quay lại phục vụ giáo xứ tại Buôn Ma Thuột thực hiện lý tưởng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” theo tinh thần Thư chung của Hội đồng Giám mục VN năm 1980.
     Chấp nhận sông như vậy phù hợp với niềm tin bản thân: “Không đâu có thể yên bình bằng VN quê mẹ”.

1.170 - Trần Mạnh Cường (2)
TRẢ ƠN RỪNG, RỪNG TRẢ ƠN
Nong dân sinh 1950 tại Quảng Nam. Sống ở Nghệ An (2008).   
     Vào bộ đội đánh Pháp từ năm 1947.
     Năm 1954 tập kết ra Bắc, được bố trí về đơn vị ở Thanh Hóa rồi Nghệ An.
     Năm 1959 xin ra quân đi làm công nhân nông trường ở Nghệ An. Ba năm sau lấy vợ dân xứ Nghệ.
     Năm 1964 được gọi tái ngũ phục vụ cuộc chiến Miền Nam bắt đầu nóng bỏng. Được chuyển về đơn vị phòng không địa phương từng lập chiến công bắn rơi một máy bay Mỹ.
     Chiến tranh kết thúc, trở về lại nông trường cũ xin nhận một vùng đồi núi rộng đến 20 hecta còn hoang vu để khai hoang trồng rừng. Vợ con đều ngại làm không nổi nhưng vẫn quyết tâm làm từ niềm tin “Mình là bộ đội hàng chục năm được rừng che chở, lo gì không làm được kinh tế từ rừng.”
Bắt tay vào khai hoang, xong mới tiến hành trồng rừng. Chỉ thuê nhân công làm việc dễ, còn việc khó việc quan trọng đều tự tay mình làm (không có con trai đỡ đần) như phân bố khu vực trồng rau quả và cây ngắn ngày đem bán để lấy ngắn nuôi dài, khu vực trồng cây công nghiệp lâu năm…
Kết quả sau 30 năm đã hình thành nên một khu rừng đủ các loại cây trồng lớp lang nghiêm chỉnh, có khu rừng cây ăn quả, khu rừng cây làm nguyên liệu giấy… Còn dành ra một khu định làm khu du lịch sinh thái.
Cũng nhờ đó nuôi 7 con gái học hành thành đạt, con đầu vào Quốc hội, con thứ tư lấy bằng tiến sĩ ở Úc: “Rừng đã nuôi cả nhà mình như thế, còn gì hơn nữa!”
(Còn tiếp)
 https://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/ho-so-hau-chien/hosohauchienky116

Không có nhận xét nào: