Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Nguồn gốc địa danh Sài Gòn - Bình Nguyên Lộc

Ngay từ đầu thế kỷ hai mươi, người Pháp đã nỗ lực để tìm biết nguồn gốc của địa danh Sài Gòn, tên của một thành phố mà qua phong cách lãng mạn tây phương họ biến nó thành “Hòn Ngọc Viễn Đông” (La perle de l’Extrêm Orient), một cái tên đã được thông dụng từ lâu nhưng họ, và cả ta nữa, đều không biết nghĩa.


Vì thiếu tài liệu, tôi không thể trích dẫn tên của nhà học giả tiên phong đó, chỉ biết đại khái các đều sau đây. Ông ấy cho rằng Sài Gòn, người Cao Miên, chủ đất cũ của miền Nam nước Việt, gọi Là Prây Nokor. Prây là Rừng, Nokor là Quốc gia. Có thể Sài Gòn do âm của Prây Nokor mà ra chăng? Đây chưa hẳn là giả thuyết đáng tin cậy. Prây cũng có thể biến thành Sài. Nhưng Nokor có hơi khó biến thành Gòn lắm.

Riêng tôi thì tôi thấy giả thuyết này không đứng vững. Tôi biết cơ cấu của ngôn ngữ Cao Miên (tức Cam Bu Chia), nó không có khác cơ cấu Việt Ngữ, trừ một chi tiết nhỏ. Ta nói “ba con cá” thì họ nói cá ba con. Theo cơ cấu đó thì “Quốc Gia rừng” phải là “Nokor Prây”, chớ không thể là Prây Nokor được. Mặt khác, người Chàm gọi Sài Gòn của ta là Prây Kor, chớ không hề là Prây Nokor. Prây Kor, cũng cứ là tiếng Cao Miên mà người chàm vay mượn, có nghĩa là Rừng Bò. Có lẽ xưa kia ở đó người ta nuôi bò nhiều, trong rừng, hoặc là ở đó nhiều bò rừng.

Một ông Tây thứ nhì, cũng biết cơ cấu ngôn ngữ Cam Bu Chia như tôi, xác nhận rằng địa danh phải là Prây Ko, hoặc Prây Kor, chớ không thế nào mà là Prây Nokor được hết. Rừng quốc gia là cái gì? Người Cao Miên xưa đâu có biết khoanh rừng để tạo ra những cái National Forest như người Mỹ ngày nay. Nhưng cũng có đưa vào thuyết một điều mới lạ. Ông ấy cho là Ko, hoặc Kor, không phải chỉ có nghĩa là Bò, mà là có nghĩa là cây gòn, một thứ cây có công dụng y hệt như cây gạo của Bắc Việt.

Cambuchia: Ko(r); Lào: Gòn; Phù Nam: Gòn; Nam Kỳ xưa nay: Gòn.

Và ông ấy kết luận rằng Sài Gòn do Prây Kor biến ra. Prây biến ra Sài thì có thế chấp nhận được, nhưng Kor, sao không biến ra Cò, mà biến ra Gòn. Dịch chăng? Khó lòng mà có lý. Nếu dịch, thì dịch cả hai từ, chớ sao lại chỉ lấy âm từ thứ nhứt thôi, còn từ thứ nhì thì lại dịch?

Thế nên thuở ấy các nhà học giả ta mới xía vào, cho rằng xưa kia ta chặt cây gòn ở đó để làm củi chụm, mà Củi thì chữ nho là Sài. Thuyết của ta là cố gắng giúp cho thuyết thứ nhì của Tây có lý mà thôi, tức ta dịch cả hai từ, từ đầu Rừng, gượng gọi củi dịch ra chữ nho là Sài, còn từ sau Kor thì dịch ra tiếng Phù Nam là Gòn mà Nam Kỳ vay mượn.

Thiên hạ làm thinh sau thuyết của ta, vì không ai biết phải giải thích cách nào cho ổn hơn hai ông Tây và vài ông Việt nói trên. Nhưng nửa thể kỷ sau, sau năm 1954, thì có Vương Hồng Sển lên tiếng, không phải bằng một bài báo, mà bằng một quyển sách, quyển “Sài Gòn năm xưa”. Cụ Vương bác bỏ ba thuyết không vững trên kia. Theo cụ thì mọi việc xảy ra như sau, và có lấy tài liệu ở bộ sử địa Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức:

Trịnh Hoài Đức viết rằng sau khi Tây Sơn tàn phá thành phố lớn Nông Nại Đại Phố, ở Biên Hòa, thì người Tàu sống sót, trong đó có họ Trịnh, người Tàu lai, chỉ mới lên tám, chạy xuống phía dưới để lập ra một thành phố khác, nay truy ra là thành phố ấy là vùng Chợ Lớn ngày nay. Đa số người Tàu sống sót là người Quảng Đông. Họ đặt tên thành phố mới ấy là Đề Ngạn Thành. Đề Ngạn có nghĩa là “Nắm (vững) bờ sông”. Sông ở đây, chỉ là sông con, trỏ tả ngạn của con rạch Cầu ông Lãnh, đoạn nằm ở đại lộ Đồng Khánh ngày nay. Người Quảng Đông phát âm Đề Ngạn là Thầy Ngồl, và Thầy Ngồl bị Việt Hoá ra là Sài Gòn.

Đây là thuyết hữu lý nhất, so với ba thuyết trên, nhưng mà rồi lại sai, khi ta nghiền ngẫm sâu vấn đề. Những gì mà cụ Vương Hồng Sển nói ra đều đúng cả, chớ không phài là nói liều, bằng chứng là mãi cho đến ngày nay, người Tàu vẫn tiếp tục gọi Chợ Lớn là Thầy Ngồl, viết ra chữ là Đề Ngạn.

Nhưng tại sao rồi thì địa danh Sài Gòn, đáng lý gì chỉ trỏ Chợ Lớn thôi, mà lại trỏ Sài Gòn. chớ không trỏ Chợ Lớn bao giờ ? Đồng hóa chăng vì hai thành phố đó chỉ là một ? Không, không có vấn đề đồng hóa. Dưới đây là những gì mà kẻ viết bài nầy đã thấy vào năm 1928. Xin nhắc lại vài chi tiết về đời sống cá nhân riêng tư của người viết bài.

Cha mẹ tôi làm nghề buôn gỗ. Thể nên từ năm lên bảy (1920) tôi đã được dịp theo cha mẹ để đi chơi Sài Gòn. Nhưng chưa biêt rõ Sài Gòn đâu. Mãi cho đển năm 1928 tôi mới rời làng, sống hẳn ở Sài Gòn để theo học Trung học (Làng của tôi là làng huyện lỵ nhưng dưới thời Pháp thuộc, trong làng chưa có trường trung học như dưới thời ông Ngô Đình Diệm).

Vào năm 1928 thì tôi đã lớn xác và biết thật rõ về Sài Gòn. Sài Gòn và Chợ Lớn là hai thành phố khác nhau, cách biệt nhau bằng một vùng đất gần như là hoang vu, bề rộng của vùng đất hoang ấy ước đến sáu miles chớ Không phải ít. Sài Gòn chỉ tiến đến cái nơi mà nay là rạp hát Nguyễn Văn Hảo. Đại lộ Trần Hưng Đạo đã có rồi, tên cũ là đại lộ Galliéni. Có đường xe điện nối liền hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn. Từ rạp Nguyễn Văn Hảo (thuở ấy chưa xây cât) đi mãi cho tới chợ Hòa Bình (thuở ấy cũng chưa xây cất) là đồng không mông quạnh, thỉnh thoảng mới thấy một nhà gạch nằm giữa đồng. Trường Trương Vĩnh Ký mà tôi theo học, cũng cho nằm giữa đồng trống minh mông.

Thế thì làm sao mà có sự đồng hóa hai thành phố làm một trước năm đó được, vì trước năm đó hằng trăm năm, Sài Gòn đã được gọi là Sài Gòn rồi, mà khoảng cách thì lại còn xa hơn là vào năm 1928 nữa.

Đành là không thể biết sự thật, và tạm chấp nhận thuyết Vương Hồng Sển vậy.

Sau khi sách của cụ Vương Hồng Sển ra mắt độc giả thì một quyền sách khác được xuất bản, đó là quyền “Lịch sử xứ Đàng Trong” mà tên của tác giả tôi đã quên mất, nhưng còn nhớ khá nhiều những chương sách đó. Tác giả của quyển sử này bác bỏ thuyết Vương Hồng Sển bằng luận cứ sau đây, mà tôi chỉ nhớ đại khái thôi, và đây là nhắc lại chớ không phải là trích sách: “Có người cho rằng địa danh Sài Gòn là do địa danh Đề Ngạn, đọc theo Tàu là Thầy Ngồl. biến ra. Nhưng tôi chỉ tin theo tài liệu Cổ thôi là sử Trào Nguyễn, sử này viết tên của Sài Gòn là Sài Côn vậy Sài Gòn do Sài Côn mà ra.”

Thuyết này quá yếu về các điểm sau đây:

A) Nhưng còn Sài Côn thì do cái gì mà ra chớ ? Sài Côn, chữ nho có nghĩa là Cây gậy bằng củi? Sao vua chúa ta lại đặt tên một thành phố kỳ khôi đến thế chớ ?

B) Sử trào Nguyễn viết dưới thời Tự Đức, trong khi đó thì danh xưng Sài Gòn đã cò rồi hằng trăm năm trước Tự Đức. Thế sao dùng Sài Côn thời Tự Đức để làm căn bản được? Còn Sài Gòn đã có rồi trước Tự Đức thì do cái gì mà ra? Ta nên nhớ rằng vua Tự Đức là một ông vua Việt Nam mê Tàu nhất nước. Ông vua ấykhông bao giờ cho quan của ông đặt tên một thành phố là “cây gậy bằng củi” đâu, trừ phi tên đó là tên phiên âm mà ông vua ấy đành phải chấp nhận.

Thế thì Sài Côn chỉ là phiên âm của Sài Gòn, chớ không phải Sài Gòn là phiên âm của Sài Côn. Vã lại Sài Côn đã có âm Hoa Việt là âm rất quen tai với dân ta, thì dân ta mắc chứng gì mà lại đi phiên âm Sài Côn ra là Sài Gòn?

Ta đành chịu bí (chỉ tạm chịu bí thôi) và còn một điều khó hiểu nữa: Người Tàu gọi Sài Gòn của ta là Xi Cống viết ra chữ thì là Tây Cống. Tây Cống do cái gì mà ra đây? Có phải Sài Gòn bị Hoa hóa thành Xi Cống không? Nhứt định là không, vì Tàu Quảng Đông vẫn có âm Sài, họ không mắc chứng gì biến Sài ra là Xi. Nếu họ không có âm Gòn thì họ cũng gọi Sài Gòn là Sài Cống, mà không bao giờ là Xi Cống cả đâu.

Tôi tạm dẹp vụ Sài Gòn lại để làm việc khác nhưng không phải là đầu hàng vĩnh viễn. Sang tới đất Huê Kỳ này thì sự thật mới chịu lòi ra, mà lại lòi nhờ sự hiểu biết của người Hoa Kỳ này thì thật là oái oăm không thể tưởng được. Số là tôi có một người láng giềng, một vị bác sĩ y khoa trước kia ở Sài Gòn, sang đây ông ấy giúp cho tiểu bang Cali tiếp coi về Á Đông sự vụ. Ông ấy góp nhặt tất cả những gì mà người Mỹ viết về Á Đông, để nghiên cứu thêm, vì ông ấy thấy rằng người Mỹ biết nhiều hơn ông ấy, nhưng ông ấy chỉ nghiên cứu lịch sử, chủng tộc học, phong tục học, tôn giáo thôi mà bỏ sót ngôn ngữ học. Chính tôi, khách láng giềng, hưởng được các sách ngôn ngữ học mà ông ấy không dùng tới.

Trong một quyển sách nhỏ, nhan là “Cantonese Speaking Students” do California State Department of Education xuất bản, soạn giả cho biết rằng trong tỉnh Quảng Đông có đến sáu phương âm khác nhau. Mỗi phương âm ăn khớp vào với một vùng đất của tỉnh ấy, và có một vùng đất kia tên là Sài Gọng (có G cuối). Sách nói trên là sách tiếng Anh, nhưng có chua chữ Tàu. Sài Gọng được chua là Tây Giang. Tây Giang là một con sông khá lớn bắt nguồn từ xứ ta, nhưng chảy lên Quảng Đông để rồi đổ ra biển, cũng trong tỉnh Quảng Đông.

Tôi có kiểm soát lại sách đó, và thấy rằng tác giả có sai ở một điểm. Trong sách có nói đến phương âm Màn, Màn là Mân-Việt đó, và chắc chắn là sách ấy trỏ bảy phủ Triều Châu. Xin nhắc rằng nước Mân-Việt thời Tần Thủy Hoàng gồm bảy nhóm Mã Lai tất cả, gọi là Thất Mân, nhưng về sau nhà nước Tàu lại đặt một trong bảy nhóm ấy là nhóm Triều Châu, vào tỉnh Quảng Đông (sáu nhóm kia là Phúc Kiến) mà như thế thì âm Mân không phải là một phương ngữ Quảng Đông, mà là một ngôn ngữ riêng biệt.

Quan Thoại: Xữa là Ăn; Quảng Đông: Xực là Ăn; Phúc Kiến: Lim là Ăn; Triều Châu: Cha là Ăn.

(Chỉ có Quảng Đông là nói Ăn bằng tiếng Tàu, các nhóm Tàu Hoa Nam khác nói Ăn bằng tiếng Mã Lại). Nhưng diểm sai của quyển sách đó, không liên hệ đến việc tìm tòi của ta nên tôi chỉ nói qua vậy thôi, và trái lại muốn khen tác giả sách ấy là người biết nhiều, vì chỉ sai có một điểm nhỏ trong một quyển sách. Như vậy là giỏi lắm rồi.

Cái điều mà ta cần biết là đã được biết, đó là nguồn gốc của địa danh Sài Gòn (không G cuối) Sài Gòn do Sài Gòng mà ra, và đó là tiếng Tàu, không bị Việt hóa theo cái lối chữ nho, mặc dầu văn tự đã bị đọc sai ra là Tây Giang.

Thế nên tôi xin trình ra một thuyết mới, mặc dầu sự phát hiện địa danh Sài Gòng (tên tàu) cũng đã khá rõ ý nghĩa rồi, khá rõ đối với một số người, nhưng còn chưa rõ đối với đa số. Trước hết xin bác bỏ thuyết Vương Hồng Sển, không, theo luận cứ của quyển “Lịch Sử Đàng Trong”, mà theo luận cứ khác. Thầy có thể biến thành Sài, nhưng Ngồl biến thành Gòn thật khả nghi, mặc dầu cha tôi, mẹ tôi đều gọi Sài Gòn là Thầy Gòn, có thể xem đó là cái móc không gian giữa Thầy Ngồl và Sài Gòn. Nhưng cũng không chắc chắn lắm về vụ âm trung gian đâu. Cha mẹ tôi buôn bán với Chợ Lớn chớ không với Sài Gòn vì thuở ẩy người mình chưa lập vựa gỗ quí tại Sài Gòn như từ sau này, tại đường Hồng Thập Tự, có thể sau hai vị sanh thành ra tôi đã lấy âm Thầy của Thầy Ngồl, nhập lại với Gòn của Sài Gòn cũng nên.

Ta có thể nghĩ rằng Trịnh Hoài Đức không biết hết sự thật. Trịnh Hoài đức đã thú nhận rằng ông chạy về vùng dưới sau khi Tây Sơn tàn phá vùng Biên Hòa. Nhưng rồi ông không sống với người Tàu, mà theo mẹ, vốn là người Việt sống riêng ở làng Hòa Hưng (vùng khám Chí Hòa nay) và học với thầy Việt là cụ Võ Trường Toản, nhờ thế mà về sau họ Trịnh mới thi hội đỗ đạt và làm quan ở Huế, chớ học với thầy Tàu thì không sao mà đỗ được, cho dầu ông thầy ấy là Khổng Tử đi nữa, vì các cuộc thi của ta có cách thức khác Tàu, chỉ giống Tàu ở điểm thi cử văn chương nhiều hơn là thi cử thực tiễn. Năm chạy loạn, họ Trịnh chỉ mới lên tám, chưa biết gì cho thật rõ lắm. Ngày nay, đi từ khám Chí Hòa vào chợ Lớn, chỉ tốn có một cuốc tắc xi, nhưng vào năm Trịnh Hoài Đức - năm 1775 - thì hoàn toàn không phải như vậy.

Chắc bạn đọc ai cũng biết chợ Trương Minh Giảng, một vùng thương mãi trù mật. Ấy thế mà vào năm 1941 tôi tên đó chơi, để hóng mát thì nơi đó đồng không mông quạnh. Tôi hỏi một ông cụ nông dân ở đó về đời của ông cụ, ông cụ kể rõ một việc, trong đó có chi tiết sau đây. Từ bé đến lớn, ông cụ chưa hề đi Sài Gòn hay đi Chợ Lớn, vì cái lẽ giản dị là con đường Trương Minh Giảng với cây cầu Trương Minh Giảng chỉ mới có từ cuối năm 1938. Trước đó. không đi đâu được hết. Hòa Hưng còn xa hơn chợ Trương Minh Giảng nữa, thì có thể chú bé Trịnh Hoà Đức chẳng biết gì về Đề Ngạn đâu.

Thuyết của tôi là như thế nầy. Cái tên đầu tiên mà người Tàu đặt ra cho cái thành phố mà nay ta gọi Chợ Lớn, không phải là Đề Ngạn mà là Sài Gòng. Tại sao họ lại đặt như vậy? Là tại họ là người Quảng Đông gốc Sài Gòng (bên Tàu). Lối đặt tên đó giúp cho họ nhớ quê hương của họ. Ta lại không đặt tên cho khu Bolsa là tiểu Sài Gòn hay sao? Và đặt như thế, có phải chăng để mà nhớ Sài Gòn của ta hay sao chớ ?

Và Đề Ngạn, chỉ là tên thứ nhì do người Quảng Đông đến sau, họ không có gốc Sài Gòng (bên Tàu) nên họ thấy Sài Gòn vô nghĩa, họ phải đặt tên lại vậy. Và họ rất có lý mà đặt tên lại, vì bấy giờ thành phố đó đã phồn thịnh phần nào rồi nên mới mang tên là “Nắm Vững Bờ Sông” chớ thuở mới lập, nó chỉ là vài trăm nếp nhà lá, có nắm vững gì đâu mà đặt là Thầy Ngồi.

Vậy địa danh đầu, bị bỏ mấy chục năm, không dùng tới, đến khi Trịnh Hoài Đức lớn lên thì ông chỉ còn biết Thầy Ngồi (Đề Ngạn) thôi nên không hề nói đến Sài Gòn bao giờ.

Sau đó non một trăm năm thì Pháp chiếm cái nơi mà nay là Sài Gòn, nhưng thuở ấy được gọi là Gia Định kinh, vì Nguyễn Ánh không chắc mình sẽ lấy lại được Huế, nên xây thành ở đó và xem nơi đó là Kinh Đô của miền Nam, và miền Nam thuở ấy mang tên là xứ Gia Định. Thế rồi người Tàu ở Thầy Ngồl tràn ra đó để hợp tác với Pháp và Pháp đang cần người mà dân ta thì bỏ đi (xin xem tiểu sử Nguyễn Đình Chiểu, và các bạn sẽ thấy là dân ta bỏ Gia Định Kinh mà đi nhiều lắm). Người Tàu tràn ra đó, họ có tật đặt tên, bất kể tên của người bổn xứ. Sáng tác thì mất công lắm nên họ cứ lấy tên đầu tiên của Thầy Ngồl là Sài Gòng để gán cho thành phố thứ nhì mà họ tràn tới đông đảo và cũng thành công về sanh kế.

Tới đây thì ta cứ tưởng mọi việc đều xuôi chèo mát mái, vì thuyết này có vẻ ổn hơn thuyết Vương Hồng Sển.

Còn rắc rối ở cái điểm. Thế rồi tại sao Sài Gòn của ta không được Tàu chợ Lớn gọi là Sài Gòng, mà sao lại gọi là Xi Cống ?

Quá dễ hiểu. Khi Tàu ở Thầy Ngồl thành công rồi thì đồng bào của họ hay tin nên lại sang đây từng đợt, mà các đợt sau không đọc Tây Giang là Sài Gòng mà đọc khác, như quyển sách Hoa Kỳ đã cho ta biết khi nãy là ở tỉnh Quảng Đông có sáu phương âm (mà chúng tôi vừa loại bớt một). Họ đọc Tây Giang như sau:

a/ Sài Gòn; b/ Tsi Kiang; c/ Tsi Kang; d/ Xi Cống.

Ấy có thể nhóm sang đây đông đảo là cái nhóm đọc hai chữ Tây Giang là Xi Cống.

Nhưng vẫn chưa hết phiền đâu. Nay họ không còn viết ra chữ là Tây Giang nữa, mà là Tây Cống. Tại sao lại thế? Cũng dễ hiểu thôi. Cống là từ đồng âm dị nghĩa củ họ. Cống là sông, mà cống cũng lại trỏ nhiều thứ khác nữa. Đối với người đến sau, không có gốc ở Tây Giang. thì nói về Cống tức là Sông là chuyện vô lý, nhưng nói đến những Cống khác thì hay. Chẳng hạn, đất đó là đất mà người Tây Phương “cống” cho họ để họ nhờ đó mà làm giàu. (Thật ra thì chữ Cống về sau cũng chẳng phải là Cống sứ đâu, và nếu không có biến cố 1975, có thể Cống sẽ bị viết khác nữa, vì có rất nhiều Cống).

Tôi không còn gì dể nói về Sài Gòn nữa, nên xin phép bạn đọc viểt lạc đề vài câu. Trong quyển sách “Thời Đại Hùng Vương” của Hà nội (đây là sách hợp soạn), một tác giả đã viết đại khái: Chữ Giang của Tàu là vay mượn của dân phương Nam (ý tác giả muốn trỏ Đông Nam Á, bằng chứng là họ viết bằng chữ Công với bộ Thủy. Công có nghĩa là Sông). Tác giả ấy không hề cho biết Công là danh từ của dân tộc nào. Tôi xin trình ra danh từ của các dân tộc lớn ở Đông Nam Á thử xem sao:

lndonesia: Kali; Phù Nam: Ka-i; Nam Kỳ xưa nay: Cái (sông thật nhỏ trong Cái Mơn, Cái Thia, Cái Nhum, Cái Tàu vv… )

Mã Lai: Sungai; Việt Nam: Sông; Cam Bu Chia: Stưng; Lào: Nặm (sông nhỏ); Lào: Thađai (sông lớn, tức sông Cửu Long Gíang); Thái: Maê (sông nhỏ); Thái: Mê (sông lớn. tức sông Mênam): Chàm: Krong; lndonesia (riêng đảo Sumata): Kroeneng; Phù Nam: Bassac (sông lớn có bùn phù sa)

Chẳng thấy dân tộc nào có danh từ Công hay Kông mang nghĩa là sông. Các dân tộc nhỏ như Mạ, Sơ Đăng, Bà Na thì dùng danh từ Nước để trỏ Sông, mà cả dân tộc Lào, dã dựng nước rồi, cũng làm như thế, vì trong Lào Ngữ Nặm có nghĩa là Nước. Tác giả của quyển “Thời đại Hùng vương” có thể cải: “công” do Cống của Quảng Đông mà ra. Nói như thế thì có lý đó. Nhưng than ôi, khi đưa ra cái thuyết Công là Sông, thì tác giả ấy chưa biết rằng người Quảng Đông đã dọc Giang là Cống. Đó là điều mà tôi mới ra hôm nay, lần thứ nhất, trên quả địa cầu. Và sự thật thì Công trong tên con Sông Mê Kông, không hề có nghĩa là Sông đâu. Chính Mê mới là sông, đó là tiếng Thái, còn Kông là To, Lớn. Mà tác giả thì lại nghĩ đến MêKông .

Bình-nguyên Lộc

Theo INTERNET

Không có nhận xét nào: