Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Bí ẩn trong tranh của Van Gogh

Lý giải họa phẩm của người nghệ sĩ tài hoa nhưng cả đời phải sống trong cảnh cô độc và bệnh tật...
Nửa cuối thế kỉ XIX, nền hội họa thế giới đã đón nhận một danh họa bậc thầy người Hà Lan - Vincent Van Gogh (1853 - 1890). Ông cho ra đời khá nhiều tác phẩm nhưng đáng buồn thay, cuộc đời ông lại là một chuỗi dài những tháng ngày bi kịch. Ông phải sống trong cảnh nghèo túng do tranh của mình không thể bán nổi cho ai. Trong suốt cuộc đời mình, ông chỉ bán được duy nhất bức tranh “Vườn nho đỏ”. Nhưng 100 năm sau khi ông qua đời, người ta đã dần nhận thức được giá trị những họa phẩm của vị danh họa người Hà Lan này.




 
“Vườn nho đỏ” - bức họa duy nhất bán được khi Van Gogh còn sống.

Và thế là tranh của ông liên tục phá những kỉ lục thế giới về giá bán, tiêu biểu phải kể đến một số tác phẩm như: “Hoa diên vĩ” - 53,9 triệu USD (khoảng 1.121 tỷ VNĐ), “Hoa hướng dương” - 40 triệu USD (khoảng 832 tỷ VNĐ) hay “khủng” hơn cả là bức “Chân dung bác sĩ Gachet” được bán vào năm 1990 với mức giá cao nhất mọi thời đại 82,5 triệu USD (khoảng 1.716 tỷ VNĐ) - tính theo giá trị ngày nay là gần 130 triệu USD (khoảng 2.704 tỷ VNĐ).





 
Bức "Chân dung bác sĩ Gachet" được bán với mức giá cao nhất mọi thời đại.




Những nhà sưu tầm họa phẩm hàng đầu trên thế giới nhận xét rằng, tranh của Van Gogh có một sức hút kì lạ đối với họ. Màu sắc gây cho người xem cảm xúc mạnh, nét bút thô, đường viền của hình ảnh lớn và chứa đựng đủ đầy nỗi đau khổ của một nghệ sĩ tài hoa nhưng cả đời phải sống trong cảnh cô độc và bệnh tật. Dù chỉ thoáng nhìn qua nhưng những đặc điểm trên khiến cho người xem không hề bị lẫn giữa tranh của Van Gogh với tranh của những họa sĩ cùng thời khác.




 
Danh họa Van Gogh.




Van Gogh ra đi khi mới 37 tuổi, để lại cho hậu thế một gia tài đồ sộ với hơn 2.000 tác phẩm ra đời trong 10 năm cuối của cuộc đời. Những bí ẩn đằng sau các bức họa phẩm Van Gogh cũng được giới mê tranh ráo riết “săn đón”. Cho đến ngày nay, bí ẩn về sự chính xác của các chi tiết thể hiện trong tranh của ông vẫn đang là một đề tài thú vị, gây nhiều tranh cãi và thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của giới mỹ thuật toàn cầu.


Tranh cãi xung quanh bức họa phẩm “Trăng lên”

Có lẽ, “Trăng lên” (Moonrise) là tác phẩm gây ra nhiều tranh cãi nhất trong giới sưu tầm tranh thế giới. Lý do là bởi quan điểm của họ về tên gọi của bức tranh thường không thống nhất. Có những người cho rằng, đáng ra tên gọi của bức tranh phải là “Mặt trời lặn”. Số khác lại không đồng ý với quan điểm này, cho rằng nên tôn trọng tên gọi của tranh thay vì đi tìm một cái tên khác dựa vào những quan sát chủ quan. Theo dõi bức tranh, chúng ta thấy rõ ràng một vật thể đỏ bầm nơi đỉnh núi, tuy nhiên chưa thể khẳng định chắc chắn rằng đó là Mặt trăng hay Mặt trời.


Bức “Trăng lên” được nhà danh họa người Hà Lan vẽ vào mùa hè năm 1889 ở tỉnh Saint-Remy-de, miền Nam nước Pháp. Thời điểm chính xác của cảnh tượng trong bức họa này luôn là một điều bí ẩn đối với những nhà nghiên cứu nghệ thuật hội họa. Thế nhưng, vào năm 2003, nhà thiên văn học Donald Olson tại Đại học Southwest, bang Texas, Hoa Kì đã giải mã được bí ẩn đó. Ông nhận định: “Chính xác là bức tranh được vẽ vào 21 giờ 08 phút, ngày 13/7/1889”.





 
Bức tranh "Trăng lên" gây nhiều tranh cãi trong giới sưu tầm tranh thế giới.




Olson đã cùng các cộng sự tới tỉnh Saint-Remy-de vào tháng 6/2002 để xác định khu vực đúng như mô tả trong bức họa. Sử dụng la bàn và những phần mềm thiên văn học để đo đạc hướng Mặt trăng xuất hiện trước mặt họa sĩ và độ cao của dãy núi phía chân trời. Cuối cùng, họ đã tìm ra được hai thời điểm mà Mặt trăng tròn nhô lên sau rặng núi tại đúng vị trí như mô tả trong tranh: ngày 16/5/1889 và ngày 13/7/1889.


So sánh với cảnh vẽ trong bức tranh - cánh đồng lúa vàng ươm đã được gặt, Olson đã khẳng định thời điểm đó chỉ có thể là vào tháng 7. Thực hiện thêm một số tính toán cần thiết, ông và các cộng sự đã thấy rằng, thời điểm trăng nhô lên vào ngày 13/7/1889 tại đúng vị trí của tranh là 21 giờ 08 phút. Một điều thú vị nữa là vào năm kỉ niệm sinh nhật thứ 150 của Van Gogh, vầng trăng trong “Trăng lên” sẽ được tái hiện lại chính xác. Theo tính toán của Olson, mỗi tháng, Mặt trăng đều tròn một lần nhưng nó chỉ quay lại đúng một vị trí trên bầu trời sau 19 năm.


Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi khác khiến các nhà nghiên cứu trước đó đã phải “điên đầu” tìm hiểu trong bức họa này: Cái bóng đen dưới chân núi do đâu mà có? Mặt trăng thì không thể tạo ra mảng bóng tối này rồi. Còn vào khoảnh khắc hơn 21 giờ đêm thì làm gì Mặt trời ló rạng? Olson đã giải thích khúc mắc này một cách đơn giản như sau: Van Gogh đã thực hiện bức tranh này trong 2 đợt. Ông bắt đầu tác phẩm vào lúc chiều tối và vẽ xong vào buổi sáng. Chính vì thế, chúng ta mới nhìn thấy trên bức tranh cảnh Mặt trăng đang lên vào lúc chập tối và bóng rợp dưới chân núi được ông vẽ thêm vào khi Mặt trời đã mọc.


Sửng sốt với họa phẩm “Ngôi nhà trắng buổi đêm”


Van Gogh có 5 bức tranh bầu trời đêm nổi tiếng, trong đó có bức “Trăng lên” vừa kể trên. Mỗi bức tranh đều khiến cho Olson nói riêng và giới mê tranh nói chung phải sửng sốt thán phục vì độ chính xác của các chi tiết thể hiện trong tranh, xét về mặt thiên văn học.




 
Bức “Ngôi nhà trắng buổi đêm”.




Vào năm 2001, Olson đã xác định một cách rất cụ thể thời gian mà Van Gogh vẽ bức “Ngôi nhà trắng buổi đêm” (The White House at Night). Olson đã tìm ra ngôi nhà đó trong thực tế và may sao nó vẫn giữ nguyên hiện trạng cho đến tận ngày nay. Ông thấy ngôi sao trong tranh chính là sao Kim, còn ánh nắng phản chiếu phía chân ngôi nhà trong tranh là vào giờ cuối cùng trước khi Mặt trời lặn, lúc đó là 7 giờ chiều. Sao Kim được vẽ muộn hơn nên khá sáng. Một chương trình máy tính tính toán rằng, sao Kim chiếu vào khoảng 8 giờ ngày 16/6/1890, chỉ 6 tuần trước khi Van Gogh tự tử. Từ đó, ông đã tính toán ra thời gian nhà danh họa vẽ tranh, vào “7 giờ chiều ngày 16/6/1890”. Xin được nói thêm rằng, nghe thì có vẻ lạ nhưng việc tính toán thời điểm dựa vào các chi tiết Mặt trăng, vì sao, Mặt trời… với chúng ta thì khó nhưng với một nhà thiên văn có óc quan sát tài tình như Olson, cộng thêm sự hỗ trợ của các phần mềm thiên văn thì đó lại là một việc hết sức đơn giản.


Bức “Ngôi nhà trắng buổi đêm” của Van Gogh có một lịch sử khá lận đận. Bức họa đã bị quân phát xít cất giấu khi bị lính Nga bắt trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Giới sưu tầm tranh thế giới nghĩ rằng tranh đã bị mất nhưng đến năm 1995, bức họa đã được tìm thấy và hiện đang được treo ở bảo tàng Hermitage ở St. Petersburg, Nga.


Nhiều bí mật trong họa phẩm nổi tiếng “Đêm đầy sao”


Cho rằng các bức họa của Van Gogh không hề được hư cấu, vào mùa hè năm 2005, Olson đã lên đường sang Pháp để thu thập thông tin về bức họa “Đêm đầy sao” (Star Night). Đây là một trong hai bức họa mà Van Gogh đã gửi cho em trai mình là Théo vào tháng 9 năm 1889 bằng một bưu kiện. Tháng 5 năm 1889, Van Gogh đã tới một tu viện để chữa bệnh tâm thần. Olson đã xác định được rằng, Van Gogh thực hiện bức họa khi nhìn qua khung cửa căn *ng của mình và điểm sáng trong bức tranh chính là một vầng trăng.




 
Bức "Đêm đầy sao".




Bên cạnh việc “Đêm đầy sao” được Olson xác định ra thời điểm Van Gogh thực hiện, bức họa này còn được các chuyên gia y học dùng để giải mã những bí ẩn khác về nhà danh họa có tài nhưng bạc mệnh. Van Gogh có một niềm say mê với màu vàng chói chang, trông đến nhức mắt - điều này được thể hiện qua hàng loạt bức họa của ông. Theo họ, Van Gogh nghiện màu vàng bởi ông luôn say sưa với thứ rượu ngải cứu. Khi pha vào loại rượu này một lượng xantonin (thành phần trong thuốc tẩy giun trẻ em), người uống vào sẽ nhìn thấy mọi vật nhuốm màu vàng.


Một số chuyên gia khác lại cho rằng, màu vàng trong tranh của ông có liên quan mật thiết tới chứng động kinh mà ông mắc phải. Để điều trị chứng bệnh này, theo đơn thuốc của bác sĩ Poli Ferdinand Gase, Van Gogh phải uống loại thuốc có tên Digitalis. Việc dùng thứ thuốc này sẽ khiến con bệnh nhìn thế giới xung quanh với “lăng kính màu vàng”. Bằng tài năng của mình, Van Gogh đã thể hiện rất chính xác lăng kính đó vào tác phẩm của mình.


Tiếc rằng, vào mùa hè năm sau, tháng 7năm 1890, nhà danh họa Hà Lan qua đời. Nếu may mắn, chắc hẳn Van Gogh sẽ còn để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm bất hủ với những bí ẩn thú vị hơn nữa.
 
Bài do Trần Ngọc Bảo gởi

Không có nhận xét nào: