- Hồng Thanh Quang: Thực sự trong tâm thế công việc hiện nay, anh cảm thấy mình ở vai trò nào nhiều hơn, một nhà phê bình văn học làm báo hay một nhà báo làm phê bình văn học?
- Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa: Câu hỏi này quả khó trả lời, nếu đã tìm được đáp án và nghe theo lời người xưa bảo “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, có lẽ tôi chỉ nên chọn một trong hai. Nghĩ đi thì như thế, nghĩ lại và nhìn rộng ra, thử hỏi trong đời sống văn học nước mình tới hôm nay, có mấy ai làm phê bình văn học như một nghề duy nhất và đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của bản thân? Hầu như ai cũng có một nghề nghiệp làm phương tiện kiếm sống rồi mới viết phê bình. Điểm qua các nhà phê bình văn học trong nửa thế kỷ qua sẽ thấy, nếu họ không là giảng viên, giáo viên, thì cũng là nhà nghiên cứu hay nhà báo, biên tập viên… Không chỉ vì “cơm áo không đùa với khách thơ”, mà còn “không đùa với cả khách phê bình” nữa đấy. Cứ theo logic ấy và suy ngẫm, tôi thấy mình là nhà báo làm phê bình hơn là nhà phê bình làm báo. Chí ít thì có khi vài ba tháng, thậm chí tới cả năm, tôi không viết bài phê bình văn học nào, nhưng báo thì vẫn viết đều đều!
- Anh có cảm thấy thích hợp với vai trò hiện có của mình không?
- Thú thật là sau hơn 10 năm đứng trên bục giảng trường đại học, tôi đã thấy chán, chủ yếu vì với mỗi bài, tôi chỉ giảng ba lần là thuộc, dù liên tục bổ sung sự kiện, hiện tượng mới để phân tích cho sinh động thì vẫn không thoát ly khỏi nội dung cơ bản. Hồi mới làm biên tập viên ở Văn nghệ Quân đội tôi cũng thích, nhưng rồi lại chán, vì thời ấy Văn nghệ Quân đội ra mỗi tháng một kỳ, chuẩn bị xong một số là lại bàn bạc cho số sau, rồi suy nghĩ và cặm cụi tìm kiếm, chuẩn bị bài vở. Có lẽ “tạng” của tôi không phù hợp với cái gì lặp đi lặp lại mà quá giãn về thời gian. Từ hồi làm báo ngày, vất vả hơn nhưng tôi khoái, chủ yếu vì ngày nào cũng có vấn đề - sự kiện mới mẻ buộc phải đọc, phải xem - nghe, cần tiếp cận, phân tích cập nhật. Chỉ tiếc là tới khi sắp về hưu rồi mới tìm được công việc mình yêu thích!
- Câu hỏi này có vẻ hơi buồn cười nhưng tôi rất muốn biết trong quan niệm của anh, phê bình văn học là gì đối với sáng tác của các nhà văn? Đó là bạn đồng hành của nhà văn, tấm gương phản chiếu văn học hay “cái roi quất vào con ngựa sáng tác bất kham”?
- Đã vài lần tôi biểu lộ sự không đồng tình với quan niệm coi phê bình “định hướng cho sáng tác”, hay là “cái roi”. Tôi luôn coi phê bình là bạn đồng hành của nhà văn, và nếu có ý nghĩa thiết thực thì phê bình đưa ra các gợi ý (xin nhấn mạnh) để nhà văn tham vấn. Sáng tác là công việc tự thân, tác phẩm ra đời từ suy nghĩ, trải nghiệm, vốn liếng tri thức,… mà nhà văn là chủ thể, được “bảo hiểm” bởi tài năng của mỗi người. Nếu nhà phê bình “đọc” được giá trị của tác phẩm, giúp nhà văn phát hiện được các chiều kích nằm ngoài dự đồ của tác giả, giúp bạn đọc hiểu hơn về tác phẩm, thì nhà văn tìm thấy ở họ một người bạn tri kỷ. Nếu nhà phê bình “tán hươu tán vượn”, “vẽ rắn thêm chân” tán dương một tác phẩm xoàng xĩnh thì cũng không thể biến xoàng xĩnh thành tuyệt tác. Còn nhà phê bình đánh giá thấp một tuyệt tác thì cũng không thể biến nó thành xoàng xĩnh. Dạo nọ, dự một cuộc tọa đàm về văn nữ, sau khi cả chục nhà phê bình đọc tham luận xong, nghe mấy tác giả nữ phát biểu mà tôi buồn thay cho nhà phê bình. Các tác giả nữ đó nói đại ý: Chúng tôi viết khác chứ không như ý kiến của các nhà phê bình, các nhà phê bình chưa theo kịp chúng tôi! Đành rằng “ý tại ngôn ngoại”, nhưng khi chính người sáng tác không thỏa mãn với sự phê bình thì trước hết nên xem lại chính nhà phê bình!
- “Dĩ hòa vi quý” vốn là đặc tính nổi bật ở không ít người cầm bút phê bình sách. Theo cảm nhận của tôi, anh không hề có “phẩm chất” ấy nên hầu như bài viết nào của anh khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đều gây nên sóng gió. Điều này ảnh hưởng thế nào tới cuộc sống đời thường của anh?
- Không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống hàng này, tôi luôn là người ngay thẳng, có lẽ vì thế tôi không có khả năng chung sống với thói “dĩ hòa vi quý”! Dù quan hệ mật thiết với sáng tác, thì phê bình vẫn là một công việc khoa học và độc lập, vậy hà cớ gì phải e ngại? Tôi chỉ e ngại, xấu hổ khi tôi không luận chứng một cách thuyết phục về những điều mà bạn gọi là “gây sóng gió”. Khi đã tự ý thức để lựa chọn một phương cách làm việc hay một kiểu sống, cần phải biết chấp nhận mọi hay - dở mà phương cách làm việc, kiểu sống ấy đưa lại. Không ai có thể vừa làm “thế này” với mọi người, lại vừa đòi hỏi mọi người “thế kia” với mình được. Tôi luôn tôn trọng mọi người, nếu ai đó không thích phương cách làm việc và kiểu sống của tôi cũng không sao. Xã hội sinh động vì có nhiều cá tính khác nhau, chứ không phải vì nhiều cá tính giống nhau. Tôi biết, một số đồng nghiệp không thích tôi, nhưng tôi cũng biết họ không nghĩ tới chuyện khinh tôi.
- Từ quan sát của mình, anh thấy trong năm nay, có thể tìm thấy những sự kiện nào đáng kể trong đời sống văn học ở Việt Nam nói chung và trong hoạt động phê bình văn học nói riêng?
- Chỉ hai tháng nữa là hết năm 2013. Tuy lâu nay ít viết phê bình, song tôi vẫn theo dõi và xin nói luôn rằng, 10 tháng qua đời sống văn học vẫn “bình bình”, chưa có sự kiện - hiện tượng nào khả dĩ để coi là nổi trội. Riêng phê bình, luận văn của Nhã Thuyên làm “nổi sóng văn đàn” cả trên báo in và Internet buộc chúng ta cần quan tâm tới cả các phương diện mà dường như lâu nay chúng ta chưa quan tâm.
- Theo anh, có phải cho đến hôm nay chúng ta vẫn đang chịu ảnh hưởng của một dòng phê bình văn học gọi là “chụp mũ” hay không?
- “Chụp mũ” quả là một thủ pháp chẳng hay ho gì, nhưng nếu bảo phê bình văn học ở Việt Nam “vẫn chịu ảnh hưởng của một dòng phê bình văn học gọi là “chụp mũ”…” thì hơi thái quá, vì chưa đến mức như vậy. Tôi coi nhà phê bình nào phải sử dụng thủ pháp “chụp mũ” để đề cập tới tác giả - tác phẩm là nhà phê bình đã tự chứng tỏ mình bất lực. Tuy nhiên, từ quan sát và lý giải của mình, tôi thấy hiện khái niệm “chụp mũ” đang mang chứa nội hàm khá mơ hồ và đối lập nhau. Vì có trường hợp khi nhà phê bình đưa ra kết luận không vừa ý là người ta coi đó là “chụp mũ”, lại có trường hợp chỉ cần nhà phê bình đưa ra kết luận về một vấn đề tư tưởng - chính trị trong tác phẩm là bị coi ngay là “chụp mũ”. Và thường thì khi lên án sự “chụp mũ” người ta không bận tâm phân tích, xem kết luận có chính xác hay không, nhất là với kết luận về tư tưởng - chính trị. Nên tôi rất thận trọng khi thấy ai đó nói về “chụp mũ”. Quan tâm đến trường hợp nào, là tôi cố gắng xem xét ngọn ngành, cố gắng đọc trong các mối tương quan và tìm bản chất,… để tự lý giải. Tôi thấy, hình như “chụp mũ” đang được một số người sử dụng làm công cụ để bảo vệ người mình cần bảo vệ, “chụp” lại người bị coi là đã đưa ra ý kiến “chụp mũ”, che giấu hạn chế cốt tử mà bản thân không thể tự làm sáng tỏ? Đọc một số bài viết về “chụp mũ”, tôi cảm nhận như vậy, nên đó chưa phải là phân tích lý trí để đi tới kết luận cuối cùng.
- Những tác giả viết phê bình văn học nào gây được ấn tượng với anh? Vì sao?
- Từ đầu năm đến giờ, bài phê bình thật sự ấn tượng với tôi là Những bất cập và thái quá trong nghiên cứu văn học hiện nay của Nguyễn Thị Tịnh Thy trên tạp chí Sông Hương, bài Văn học cho thiếu nhi hay Văn học về thiếu nhi? của Hoài Nam đăng trên An ninh Thế giới Giữa tháng số 66. Có thể ai đó không chia sẻ với điều tôi ấn tượng, nhưng tôi có lý do của mình, vì nội dung mà bài viết của Nguyễn Thị Tịnh Thy và Hoài Nam đặt ra liên quan tới hai vấn đề tôi quan tâm đã lâu. Tuy nhiên cũng nên đề cập tới cả ấn tượng gây buồn cười nữa chứ, như sự xuất hiện hai thuật ngữ “ý hệ” và “biểu thuật” trong phê bình văn học chẳng hạn!
- Tôi đã đọc hầu hết các bài viết tập hợp trong hai cuốn sách của Hoài Nam và Đoàn Ánh Dương trước khi in thành tập. Nên khi in thành sách, tôi đọc không mất nhiều thời gian lắm. Có thể coi hai cuốn sách tiêu biểu cho lựa chọn của hai tác giả phê bình văn học trong bối cảnh một nền phê bình mà cả người đã gần tứ tuần cũng được coi là trẻ! Phê bình của Hoài Nam mang tính báo chí rất rõ, nhất là ở số lượng chữ, tuy câu chữ không nhiều nhưng tác giả này lại thường xử lý khá nhuần nhuyễn giữa yêu cầu của một bài báo với một vấn đề tri thức, học thuật và có ý kiến riêng. Còn phê bình của Đoàn Ánh Dương thì thiên về lý thuyết, nhất là lý thuyết mới mà anh thích thú. Có một điều thú vị là lý thuyết nào đã thích thì tác giả này say sưa ca ngợi, rồi cố nghiên cứu theo kiểu “gọt chân cho vừa giày”! Tôi đã hoàn tất một chuyên luận khoảng 15 nghìn chữ, bàn về một lý thuyết mới du nhập và được Đoàn Ánh Dương ca ngợi, cố gắng vận dụng để nghiên cứu văn học Việt Nam.
- Trong số những đồng nghiệp của mình hiện nay, anh cảm thấy gần gụi với những ai nhất?
- Trong công việc phê bình, tôi có một số người bạn thân thiết, đồng cảm và tôi nể trọng họ. Đôi khi viết xong một bài phê bình tôi nhờ họ đọc và đề nghị cho ý kiến phản biện. Nhưng ở đây tôi xin phép giấu tên, được khẳng định là “bạn của Nguyễn Hòa” thì rất dễ đưa tới cho họ những phiền lụy!
- Anh cảm thấy xa cách nhất với những cây bút viết phê bình văn học nào? Tất nhiên, anh có thể không nêu tên họ, nhưng tôi biết, anh là một người thẳng thắn?
- Câu hỏi thú vị đấy, nhưng tôi không băn khoăn khi viết ra tên của Bùi Việt Thắng, Nguyễn Văn Lưu, Phạm Quang Trung, Nguyễn Thanh Tú, Đỗ Ngọc Yên, Văn Chinh và Inrasara (nếu coi nhà văn, nhà thơ này cũng là nhà phê bình!),… Vì công việc nên tôi vẫn đọc họ, nhưng hầu như tôi không có khả năng “tiếp nhận” vô số điều mà các tác giả này đã viết.
- Hình như điều kiện xã hội thay đổi cũng làm thay đổi tính chất công việc và vai trò của người viết phê bình văn học. Anh có thấy như thế không?
- Tôi không nghĩ như vậy. Khi phê bình văn học đã trở thành một bộ phận cấu thành của đời sống văn học thì dẫu điều kiện xã hội thay đổi như thế nào, tính chất công việc, vai trò của người viết phê bình vẫn không thay đổi. Các vấn đề mới nảy sinh trong phê bình văn học là kết quả của tình trạng người làm phê bình chưa tìm được sự thích ứng với các thay đổi để tiếp tục khẳng định tính chất và vai trò, chứ không phải vì điều kiện xã hội đã thay đổi. Ví như khi sách in đã trở thành một loại hàng hóa, người ta cần PR để bán chạy; người phê bình sẽ đánh mất tính chất và vai trò nếu a dua giúp người ta bán các cuốn sách dù ca ngợi hết lời thì vẫn mất tăm sau vài ba tháng. Với các trường hợp đó, lỗi trước hết là ở nhà phê bình.
- Có người cho rằng, lối viết phê bình văn học theo kiểu như Hoài Thanh bây giờ không còn công dụng nữa? Anh có nghĩ như vậy không? Vì sao?
- Thời phê bình văn học Việt Nam hiện đại mới ra đời, phê bình văn học như của Hoài Thanh có thể giữ vị trí ưu thắng. Khi mà “ở nhà tây, đội mũ tây, đi giày tây, mặc áo tây” và sự ra đời của Thơ Mới đang là câu chuyện thời sự của xã hội và văn đàn, thì nhà phê bình phải cắt nghĩa trên một phương diện nhất định, và Hoài Thanh đã thành công với phê bình ấn tượng. Đến hôm nay, lịch sử - văn hóa đã chuyển dịch đến giai đoạn khác, liệu còn mấy ai bận tâm đến việc “ở nhà tây, đội mũ tây, đi giày tây, mặc áo tây”? “Tây” không còn là cái gì cần phải e ngại nữa, người Việt đã và đang chiếm lĩnh “tây” một cách tự tin. Rồi sự du nhập một số lý thuyết văn học từ nước ngoài đã làm cho phê bình thêm phong phú, đa dạng. Trong bối cảnh đó, phương pháp phê bình như của Hoài Thanh vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng không còn giữ vị trí ưu thắng so với trước đây.
- Trong những tên tuổi phê bình văn học các thế hệ trước, anh thấy những ai có thể là người vượt qua được thách thức nghiệt ngã của thời gian?
- Đối với phê bình văn học, tôi thường nghĩ tới giá trị của một thời, hơn là giá trị vượt thời gian. Ai đó xác định phê bình văn học không chỉ tiếp cận các tác phẩm văn học đương đại mà còn tiếp cận tác phẩm văn học quá khứ thì tôi vẫn nghĩ cái đương đại giữ vai trò nổi trội hơn, được nhắc tới nhiều hơn. Mà đương đại lại là một thực thể vận động, luôn nảy sinh những điều khác trước trong cuộc sống, tác phẩm, trong bản thân tác giả. Điều đó làm cho bài phê bình, dù là thành tựu cần ghi nhận, vẫn khó có thể tồn tại xuyên qua thời gian để bao hàm mọi điều “khác trước”. Cùng thời với Hoài Thanh, cần khẳng định thành tựu của Lê Thanh và Kiều Thanh Quế nữa. Hai tác giả này không kém Hoài Thanh mấy đâu. Chưa nói cuộc đời Kiều Thanh Quế còn là một nỗi bi tráng mà hình như chúng ta chưa công bằng với ông? Có thể vì tôi chưa đọc hết và đọc kỹ, có thể tôi khắt khe, nhưng quả thật là tôi chưa thấy có nhà phê bình văn học nào mà sự nghiệp của họ có khả năng vượt thời gian.
- Có ý kiến cho rằng, phê bình văn học ở Việt Nam chưa vươn lên được đúng tầm của nó... Anh nghĩ thế nào?
- Bạn đừng tự ái nếu thấy tôi cho rằng lâu nay chữ “tầm” đang được sử dụng như một khẩu ngữ thông dụng, hay một ngôn ngữ văn bản, chủ yếu giúp người ta khuếch trương khả năng của trí tuệ (nhiều khi khá mơ hồ!) hơn là khẳng định các giá trị đích thực và có khả năng hiện thực hóa. Khi mà câu hỏi về thành tựu và năng lực lý luận - thực tiễn của phê bình văn học chưa có câu trả lời khả dĩ thuyết phục thì không nên bàn tới “tầm” của lĩnh vực này. Tôi nghĩ, nên nói rằng, phê bình văn học chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển của văn học, của công chúng, của sự phát triển đời sống tinh thần xã hội thì đúng hơn.
- Theo anh, có hay không hiện tượng đánh giá sáng tác văn học theo cách nhìn về những tác phẩm báo chí đơn thuần?
- Càng gần đây tôi càng băn khoăn với câu hỏi: Phải chăng phê bình văn học đang ít nhiều chịu sự chi phối của báo chí? Vì báo chí không chỉ chi phối số lượng chữ của một bài phê bình sao cho đủ trang hay mục, mà còn chi phối cả việc nhà phê bình nên đề cập tới tác phẩm nào và đó thường là tác phẩm đang “hot” (theo cả nghĩa được ca ngợi lẫn “có vấn đề”). Thậm chí, lúc báo chí đang đồng loạt ca ngợi một tác phẩm nào đó, thì việc làm thế nào để có thể đăng báo một bài phê bình đưa ra đánh giá có tính “phản biện” cũng là một thách thức. Kể cả khi bài phê bình rất chính xác và có lý thì cũng không dễ được công bố đâu. Bài phê bình liên quan tới thầy cô hay bạn bè của người phụ trách nhà báo, của biên tập viên tờ báo nào đó thì còn khó hơn nhiều. Đôi khi có người hỏi tôi: “Ông sợ gì mà phải viết tắt ông ABC, bà XYZ? Sao không viết thẳng tên họ ra?”. Tôi chỉ biết cười méo mó mà trả lời rằng: “Viết rõ tên tuổi thì làm sao tờ báo lại cho đăng bài!”.
- Đã có những đánh giá rất khác nhau về giải thưởng năm nay của Hội Nhà văn Hà Nội. Cá nhân anh đánh giá thế nào về sự chọn lựa của lãnh đạo Hội Nhà văn Hà Nội? Xin anh lý giải chi tiết những quan điểm của anh về các tác phẩm đã được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2013?
- Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng căn cứ vào tiêu chí của họ, và như ông Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đã nói, thì các tác phẩm được trao giải năm nay đều “xứng đáng”. Đánh giá khác nhau như thế nào, tôi không bình luận, ở đây tôi chỉ đưa ra nhận xét cá nhân. Sau khi thấy Hội Nhà văn Hà Nội đã trao Giải thưởng thành tựu cho hầu hết tác giả tham gia “Nhân văn giai phẩm”, tôi tự hỏi: “Danh sách “Nhân văn giai phẩm” cạn kiệt rồi, năm 2013 là ai đây?”, và tôi bị bất ngờ với “giải thưởng thành tựu” dành cho sự nghiệp văn học của… Giáo sư (GS) Nguyễn Huệ Chi! Cũng ngẫu nhiên, đúng thời điểm GS Nguyễn Huệ Chi nhận giải thưởng thì tôi công bố bài Đôi điều gửi tới GS Nguyễn Huệ Chi, trong đó đưa ra một số câu hỏi và đề nghị Giáo sư trả lời, trong đó có mấy câu hỏi khá hệ trọng mà GS Mai Quốc Liên, GS Nguyễn Đình Chú đặt ra đã lâu nhưng chưa thấy GS Nguyễn Huệ Chi nói gì. Đồng thời, căn cứ vào việc GS Nguyễn Huệ Chi không nói rõ nguồn tài liệu ông sử dụng trong một bài viết, tôi đặt câu hỏi: Giáo sư “đạo văn” hay “phóng tác” từ Thượng sĩ hành trạng của Trần Nhân Tông? Câu hỏi chưa được trả lời, tức là nghi vấn vẫn tồn tại. Trao giải thưởng cho một tác phẩm như thế, liệu có phải là lựa chọn đúng? Đến đây, tôi nhớ tới sự kiện ngày 9-10 vừa qua, các ông bà Nguyên Ngọc, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Thị Bình chủ trì một cuộc tọa đàm về tác phẩm của tác giả Tràng Thiên. Tôi không hiểu tại sao họ không nói rõ đó là Võ Phiến - bút danh chủ yếu của Đoàn Thế Nhơn và được biết nhiều hơn so với bút danh Tràng Thiên? Nếu ở đây không có chuyện gì mập mờ, tại sao họ không nói rõ đó là Võ Phiến nhỉ?
- Nói một cách thành thực, liệu anh có hy vọng giải thưởng sẽ được công bố của Hội Nhà văn Việt Nam trong năm nay sẽ ít gây nên những ồn ào mang tính phê phán như giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội không? Vì sao anh lại có hy vọng như thế?
- Dăm năm nay, năm nào tôi cũng hy vọng và năm nào tôi cũng thất vọng! Tôi hy vọng vì nghĩ Hội Nhà văn Việt Nam sẽ chỉ chọn các tác phẩm xứng đáng để trao giải thưởng, sẽ không trao giải thưởng thật xum xuê để chứng tỏ văn học đang “lên hương”, thậm chí là để giữ uy tín cho giải thưởng sẽ không trao giải nào cả… Và tôi thất vọng vì hầu như sau khi giải thưởng công bố, báo chí chỉ để một cái “ô” nhỏ đăng danh sách giải thưởng, trích dẫn mấy đoạn từ báo cáo tổng kết, phỏng vấn tác giả được giải,… rồi tất cả nhanh chóng “vô tăm tích” trong đời sống văn học!
- Nhìn về tương lai của văn học và phê bình văn học Việt Nam, anh thấy mình là người bi quan hay lạc quan?
- Để lạc quan, cần có niềm tin vào nội lực của nhà văn và nhà phê bình. Từ phạm vi những gì tôi biết và hiểu, thì niềm tin ấy trong tôi không cao. Nói như vậy nhưng tôi không bi quan, vì tôi biết vẫn có những người tài năng, tâm huyết với nghề. Vấn đề là tạo cơ hội, điều kiện cho họ thể hiện.
- Cũng xin phép được hỏi về cậu con trai thần đồng của anh. Cháu Nguyễn Bình bây giờ còn tiếp tục sáng tác hay không? Đam mê văn học có ảnh hưởng như thế nào đến công việc học tập của cháu ở trường?
- Tôi không biết cụ thể, nhưng mấy lần gặng hỏi thì biết cháu đã viết xong 7 tập bản thảo Cuộc chiến với hành tinh Fantom, tập 8 đang viết dở. Như vậy là cháu hoàn thành bản thảo sớm hơn kế hoạch cháu tự đặt ra là kết thúc năm 2015. Tự học là chính, nhưng cu cậu viết văn bằng tiếng Anh, nghe - đọc - dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt khá tốt, riêng nói thì kém. Gần đây, không biết tại sao cu cậu lại say mê dịch phụ đề phim tài liệu khoa học trên Internet. Mới rồi, thấy Truyền hình cáp Việt Nam không phát chương trình phim tài liệu liên quan tới Việt Nam, cu cậu tìm trên mạng rồi dịch phụ đề đưa lên Youtube. Lục lọi mãi tôi mới phát hiện link của phần này là http://www.youtube.com/watch?v=gPQMV-2IvY0. Biết về tình trạng rất hay thay đổi đam mê của cháu từ năm 4 tuổi đến giờ, tôi hiểu cu cậu lại có một niềm say mê mới. Cháu học hành cũng bình thường, không thực sự xuất sắc. Năm vừa rồi cháu cũng đạt học sinh giỏi nhưng đứng thứ 22 trong lớp, tôi bảo: “Con học cũng khỏe ra phết nhỉ, đội trên đầu hẳn 21 bạn!”.
- Anh có muốn cho con mình lớn lên đi theo con đường làm nhà văn chuyên nghiệp hay không?
- Như đã nói ở phần trên và cũng đã đôi lần đề cập, tôi coi việc cháu viết văn là một sở thích hơn là một say mê có tính mục đích cho tương lai. Bước đầu cháu ít nhiều đã bộc lộ năng lực viết văn, nhưng để trở thành nhà văn chuyên nghiệp, cháu phải nỗ lực rất nhiều. Tôi cố gắng đi bên cạnh cháu không chỉ như một người cha, mà còn như một đồng nghiệp. Nếu thấy cần thiết thì góp ý để cháu tham khảo, tôi chưa bao giờ có ý định buộc cháu phải thế này, phải thế kia. Để trở thành nhà văn chuyên nghiệp, cháu phải tự thân trưởng thành, không ai có thể làm thay cháu. Là người sáng tác, hẳn là bạn đã biết, sáng tác chỉ có giá trị và có ý nghĩa khi nhà văn viết bằng chính nội lực, tài năng của mình. Cháu còn bé, nên cháu còn phải nỗ lực, vì thế, tôi không muốn, mà để cháu tự lựa chọn.
- Xin cảm ơn nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa!
http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/nhanvat/2013/10/57041.cand
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét