Meena Alexander |
Meena Alexander
Trong bài nói chuyện tại Yale Political Union1 ngày
23/4 năm nay, Meena Alexander bắt đầu với một trích dẫn từ bài luận năm
1821 của Shelley, “Sự biện hộ của thơ ca”. Kết luận – “Thi nhân là
những nhà lập pháp không được thừa nhận của thế giới” – dẫn đến cuộc
tranh luận sôi nổi. Sau đây là phiên bản đã sửa chữa đôi chỗ của bài nói
chuyện mà Meena đã trình bày.
1
Cách đây không lâu, tôi có buổi đọc thơ ở Colorado, trong một hội trường có những cửa sổ rất lớn nhìn ra dãy Rockies. Tôi bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp thô ráp, góc cạnh của dãy núi mà chỉ cần quay đầu lại một chút, tôi cũng có thể nhìn thấy nó. Như thường lệ, sau phần đọc thơ lại có những ý kiến phát biểu từ phía dưới hội trường. Một phụ nữ với chiếc áo thun dài tay màu đỏ đứng dậy. Bà ta ở gần cuối hội trường chật ních người, và tôi phải căng mắt ra để trông thấy bà – nhưng giọng bà thì to, rõ và rành mạch.
Câu hỏi ấy dội vào những những bức tường: “Thơ có ích gì?”. Tôi nín thở. Bà ấy có thể là con gái của Plato đang chất vấn tôi. Tôi nhớ rằng khi ấy hội trường im phăng phắc. Tôi nghĩ: chẳng có gì, tôi chẳng thể nói gì. Tôi thốt ra mấy lời, những từ ngữ mà, tận một năm sau, tôi biến chúng thành tâm trạng chưa từng thú nhận trong một bài thơ. Bài thơ có tựa đề khá giản dị – “Question time” (Hỏi thời gian) – và nó sẽ được in trong cuốn sách của tôi, Birthplace with Buried Stones (Nơi sinh với những Hòn đá chôn giấu), sắp được xuất bản vào tháng 10/2013:
Hỏi thời gian
Tôi nhớ cạnh sắc hằn sẹo
Của dãy núi mà trăng trôi ngang qua
người đàn bà với chiếc áo thun màu đỏ,
Như tia lửa phát quang nơi gốc cây đã mục, như những bụi cây rực lên vì phồng giộp
Giơ tay đặt câu hỏi giữa căn phòng chật kín –
Thơ có ích gì?
Trên kia, những ngọn đèn nhấp nháy
Đường điện hẳn có vấn đề
Tôi quay lại và thấy trăng xoáy trong nước,
Dãy Rockies như rùng mình bởi một thứ ánh sáng màu hoa cà
Những sinh vật biển cắt thành tán lá trên trời
Trong bóng cây tôi và anh đã từng
Môi chạm môi, đùi lướt đùi,
Mơ về một quá khứ giải thoát cho những kẻ bị cầm tù trong đó.
Đứng từ xa tôi nhìn người đàn bà ấy và nói –
Chúng ta có thơ
Nên chúng ta không chết vì lịch sử.
Tôi cũng chẳng biết mình phải nói gì.
2
Có thể chúng ta nghĩ về lịch sử như là những gì thuộc quá khứ được giao nộp cho ký ức, được ghi lại bởi những người ở vị trí được làm việc này, quyền lực của họ là quyền lực của kẻ thao túng những hình thức ghi chép công khai. Nhưng có một dòng ngầm quan trọng của lịch sử mà tôi đã nhận ra: những bức thư, nhật kí, bản thảo, kí tự bí mật trên những mảnh giấy được lén lút chuyển ra từ chốn ngục tù. Với tôi, thơ, trong chủ ý của nó, vốn dĩ gần hơn với dòng chảy bị chôn giấu này; lãnh địa của thơ là những gì được cảm nhận từ trong sâu thẳm, từ “trong huyết quản và trái tim”, như Wordsworth từng viết trong những dòng thơ thâu tóm tư tưởng cốt lõi của ông khi suy ngẫm về quá khứ và bản chất bất khả của nó – tức là sự bất khả của ý thức khi muốn tìm cách quay về quá khứ.
3
Lãnh địa của thơ ca là những gì được cảm nhận từ sâu thẳm và về bản chất, không thể nói lên được; đó chính là thứ nghịch lý mà tất yếu thơ ràng buộc vào. Nhà thơ sử dụng ngôn ngữ giống như họa sĩ dùng sắc màu, chất liệu quan trọng nhất để hình thành tác phẩm nghệ thuật. Nhưng thứ ngôn ngữ được sử dụng hằng ngày quanh ta – trong những âm thanh, quảng cáo, hùng biện chính trị, báo chí – cần phải được thanh lọc để có thể được sử dụng như là chất liệu nghệ thuật.
Bài thơ, trong hành động tạo nghĩa của nó, quay lưng lại với vùng nghĩa đen của ngôn từ; tính chân thực của nó gắn liền với cái có thể được nó khơi gợi. Và hình ảnh được gợi ra này vụt lóe lên được là nhờ ký ức.
[…]
4
Trong khi thơ ca gắn bó với cơ cấu cảm giác ở con người, với sức mạnh cảm tính của sự hiện sinh của thân thể, với những kí ức lấy sức mạnh từ những cảm xúc được các giác quan đẩy lên cao độ, thì đồng thời nó cũng gắn với nơi chốn. Chính tại nơi chốn mà chúng ta định vị bản thân, đánh dấu chính mình trong quan hệ với những kẻ khác; chính tại nơi chốn, ta tồn tại. Nhưng điều gì sẽ xảy ra đối với quá khứ nếu nơi chốn ấy không còn, khi cảm giác bị gạt bỏ phũ phàng, khi chính sự lưu đày hay xê dịch mới đánh dấu những giới hạn của hiện sinh?
5
Tại sao ta lại cần thơ ca trong thời điểm thế này? Với tôi câu hỏi ấy nằm trong một câu hỏi khác: Việc chúng ta thuộc về một thế giới bạo lực thì có ý nghĩa gì?
Tôi nghĩ đến kho dữ liệu vô hình mà một chúng ta mang trong mình, đến sự tích lũy mang tính cá nhân sâu sắc các hình ảnh, âm thanh, mùi vị và những mảnh nhỏ của những thứ vật chất đôi khi bị phá hủy mà ký ức nhận về – và có lẽ đây là một cách khác để nghĩ về dòng sáng lấp lánh của đời sống bên trong vốn cấp ý nghĩa cho sự tồn tại của con người, tất cả những thứ đó sẽ kết tinh lại khi ta can đảm nói chữ “Tôi”. Chắc chắn đó là địa hạt của thơ ca.
6
Được nhấn mạnh ở phần trung tâm bài luận “Sự biện hộ của thơ ca” (1821) của Percy Shelley là những dòng mà trong đó, ông nhắc đến sức mạnh tự thân của bài thơ: “Nó tạo ra cho chúng ta một sự sống khác trong sự sống của chính mình. Nó biến ta trở thành cư dân của một thế giới mà so với nó, cái thế giới quen thuộc ta vẫn sống chỉ là sự hỗn loạn. Nó tái tạo cái vũ trụ thường ngày mà chúng ta là một phần trong đó và là kẻ tri giác nó, và nó thanh tẩy từ cái nhìn bên trong ta lớp phủ của sự quen thuộc, thứ đã che khuất nỗi ngạc nhiên của chúng ta về chính sự sống của mình.”
Cái thế giới đối nghịch ấy, cái sự sống khác trong sự sống của mình ấy, cái vùng khát vọng mà thơ ca khơi gợi nên ấy là gì? Chắc chắn có một sự thật lớn lao bị vùi chôn ở đây, một thứ gì đó liên quan đến trạng thái ngất ngây của ta, sự xuyên thấu của cảm giác mà lí tính thuần túy không thể tạo ra, một kiểu tạo nghĩa, mà thiếu nó, tất cả chúng ta đều có thể trở thành kẻ bị cầm tù bởi chính xác thịt của mình.
7
Đã có những thời kì trong lịch sử chung của nhân loại, ở một số nơi trên thế giới, có những nhà thơ và ca sĩ bị cấm đoán. Nhưng tại sao? Thơ có gì mà khiến người ta phải sợ hãi? Chính xác là vì sức mạnh của bản ngã sống động, thường biến mà thơ ca giải phóng - thứ khát vọng không bao giờ có thể bị ràng buộc bởi luật lệ hay pháp chế. Đó là sức mạnh của con người, là cấp độ tinh thần trong đời sống con người.
8
Bài thơ là một phát minh tồn tại bất chấp lịch sử. Hầu hết các sức mạnh trong đời sống thường nhật mà ta đang sống giờ đang hiệp lực để cản ngăn việc sáng tác một bài thơ. Có thể vẫn còn có không gian nào đó cho thơ được xuất bản, nhưng lại không có không gian cho sự sáng tạo: không có không gian đặc biệt nào nơi người ta được phép ngồi suy ngẫm, dẫu rằng trường đại học có thể vẫn còn một khoảnh rất nhỏ cho điều này.
Trong một thời đại bạo lực, nhiệm vụ của thơ theo cách nào đó là hòa giải chúng ta với thế giới và trao cho chúng ta một chút dịu dàng và thanh cao để ta có thể tồn tại trong thế giới này. Tôi tin sâu sắc vào điều đó, và tôi xem đó như một nỗ lực để dấn thân vào những sự phức tạp của thời đại này, thậm chí ngay cả khi chúng tàn bạo; nhưng thông qua đó, trong chừng mực nhất định, sứ mệnh của thơ là hòa giải chúng ta với thế giới – đó không phải là việc chấp nhận giá trị bề mặt hoặc đồng tình với những điều sai trái, mà là một sự hòa giải hiểu theo nghĩa rộng hơn, để chúng ta trở lại với tình yêu, với địa phận của trí tưởng tượng, về với không gian của cuộc sống trần thế hữu hạn.
9
Thơ là một thứ nghệ thuật bị bỏ rơi, nhưng không phải đối với những người sáng tác, mà đối với nhiều người khác . Tuy nhiên, có một đặc ân mà thơ ca đem lại, một điều, thật nghịch lý, lại khó nắm bắt bằng ngôn từ, một hối thúc mãnh liệt mà Shelley cố gắng khơi gợi trong luận văn “Sự biện hộ của thơ ca” – đó là nhiệm vụ cao cả và bất khả của thi sĩ trong lịch sử mà chúng ta có thể rút ra từ đó giải pháp cho ngày hôm nay
Mở đầu bài luận của mình, Shelley nói về vẻ đẹp và cách thức mà nhờ đó trực giác về cái mà ông gọi là “cái trật tự không thể phá hủy” được trao cho nghệ sĩ. Từ trực giác ấy mà dẫn đến sự xuất thần của đức tin. Ông cho rằng nghệ sĩ là “những người hình thành nên luật pháp, và những người lập nên xã hội dân sự”, tóm lại là, các nhà lập pháp: danh xưng dành cho họ trước đây.
Với tôi bây giờ, điều này dường như là một sự xuất thần nhưng không cứu được cho một cơ thể đang rơi tự do, tìm cách hạ xuống một không gian khả dĩ nào đó để có thể sống sót. Chắc chắn chúng ta hãy đừng đeo ý tưởng về sự lĩnh hội sâu sắc cái đẹp và “thế giới vô hình này” lên các nhà lập pháp thông thường bây giờ, đừng gắn nó với các quốc hội và nghị viện, các quy trình pháp lý và đại diện toàn quyền.
10
Tôi nghe những cái móc nhảy nhót.
Vạt áo cởi nút.
Một trái tim đang đập, đang thở
Nhưng chúng ta nên chăng? Chắc chắn một đời sống biết xúc động, rung cảm - và, tôi muốn nói thêm, thơ, theo nghĩa rộng nhất mà Shelley nói tới - rất quan trọng ngay cả với những nhà lập pháp và những quyết định được đưa ra. Bản chất của luật sử dụng súng và các vấn đề về nhập cư chỉ là hai ví dụ ta có thể nghĩ đến, rút ra từ các cuộc tranh luận gần đây của chúng ta.
Nhưng có lẽ đối với Shelley, cái bóng của lời tiên tri là những gì cho phép các nhà thơ có tư cách như những nhà lập pháp - theo đó, nhà thơ như “người giải thích sự huyền bí của một nguồn cảm hứng chưa được thấu tỏ; là tấm gương của cái bóng khổng lồ mà tương lai soi lên hiện tại”
Tôi nhớ đến bài thơ đáp lại Shelley của George Oppen. Trong một bài thơ có tên “Thảm họa”, Oppen viết:
những cuộc chiến phương tây
gió và bão
về chính trị tôi đã chán ngấy sự phù phiếm
của nhà thơ những nhà lập pháp
của cái thế giới
vô thừa nhận
Cái thế giới vô thừa nhận này là gì? Như thường thấy, đó là một thế giới nằm rất sâu để người ta có thể rơi nước mắt vì nó.
11
Tôi đã ở New York vào ngày 11/9. Thơ là một phương thức để người ta sống sót. Tôi đã viết trên những mẩu giấy nhỏ mình mang theo. Mọi người đọc to những bài thơ cho nhau, trên đài phát thanh, ở quảng trường Liên Hiệp Quốc và những nơi công cộng khác. Có điều gì đó ở bài thơ cho phép người ta biểu hiện được trạng thái mãnh liệt của cảm xúc vốn rất cần thiết trong thời gian khủng hoảng. […]
Tôi đã viết một chùm thơ được đặt tên “Sau đó có một hòn đảo”. Khi viết chùm thơ này, tôi đã liên tục tới khu Ground Zero [khu vực Trung tâm Thương mại Thế giới đã bị phá hủy trong vụ tấn công 11/9 – ND], cố gắng đến gần hiện trường nhất, quay trở lại nơi đây nhiều lần, như một cuộc hành hương. Địa điểm này nay đã như một nghĩa trang của hàng ngàn con người với mùi hôi thối của xác thịt và dây điện cháy. Một lần, khi đi qua phố Liberty, tôi bị ấn tượng mạnh bởi một cậu lính bảo vệ vòng ngoài hiện trường còn rất trẻ. Đó một cậu thanh niên đầy tàn nhang, nét mặt tươi tắn. Phía sau cậu là tường của tòa tháp phía Nam, một ông lão đã rất già dựa vào đó tạo dáng chụp ảnh, lũ trẻ nhỏ la hét đàn chim bồ câu trong niềm phấn khích, một nhân viên cứu hộ, đặt tay ôm cổ họng, khuôn mặt mệt mỏi tột độ, mặt nạ chống khí độc lủng lẳng bên hông anh ta.
12
Vào tháng sau đó, có một cuộc gặp gỡ tại một Viện nghiên cứu châu Á/người Mỹ gốc Á mới được thành lập. Tôi được đề nghị tham gia ban chủ tọa; cuộc gặp gỡ được tổ chức tại Trung tâm Cao học nơi tôi dạy. Đó đại loại là một dịp mà đúng ra tôi sẽ mặc một chiếc sari mà không cần đắn đo - nhưng giờ đây có điều gì đó làm tôi lấn cấn.
Hai trong số các sinh viên Nam Á của tôi trước đó từng gặp phải rắc rối khi mặc y phục phi Tây phương: người ta đã la hét, có kẻ ném cả chiếc túi giấy vào cô bé. Một người bạn kể với tôi qua điện thoại về lần ra ngoài một buổi tối ở Boston bị một người đàn ông la hét và nhổ nước bọt vào cô như thế nào.
Một sự ngờ vực đã lan rộng ra cộng đồng người châu Á, Nam Á, người da nâu – những người trông có vẻ như là người Ả Rập. Tôi muốn lựa chọn cuộc chiến của tôi. Tôi muốn có sự kiểm soát đối với những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống. Nếu việc tỏ ra khác biệt có thể trở thành điều nguy hiểm, thì sẽ thật vô nghĩa nếu ta chủ ý chấp nhận chịu đựng Tôi cần phải giữ năng lượng để viết, và tôi đang viết rất nhiều thơ.
Tôi cuộn chiếc sari của tôi lại thật khéo léo để không làm nhăn nó, đặt nó một cách cẩn thận trong một chiếc túi nilon mà tôi cắt từ phần giữa túi đựng sách của tôi. Trong toilet nữ tầng 4, tôi trút bỏ bộ quần áo và mặc chiếc sari lên mình. Tôi ngắm nhìn lụa lướt trên sàn lát gạch và không chớp mắt nhìn vào khuôn mặt mình trong gương.
Trông da mình thật tối, chất Ấn Độ không thể lẫn đi đâu được. Tôi cần suy nghĩ vượt qua nỗi e sợ. Sau này khi làm thơ, tôi nghe tiếng Kabir, thi thánh thời trung đại, hát cho tôi, cho tôi can đảm để sống cuộc đời của riêng mình. Đây là bài thơ tôi đã làm.
Kabir Hát trong Thành phố Những Tòa tháp Cháy
Thật đáng xấu hổ
họ làm mi sợ
nên mi lột bỏ chiếc sari của mình,
vò nát chúng thành một cuộn tròn
và rồi trải nó ra
trên sàn toilet.
Đốm lửa từ những tòa tháp
lẩn trốn qua nếp lụa.
Với mái tóc đen của mi
và làn da cháy nắng
mi chỉ là một đứa con của trái đất.
Kabir -người thợ dệt hát:
Hỡi loài người và loài chó
trong thời khắc buồn đau
quả đất đang quay của chúng ta
nhỏ lại.
13
Nghệ thuật trong thời đại chấn thương là một động thái dịch rất cần thiết. “Những mảnh vỡ của một chiếc bình,” Walter Benjamin viết, “được dính keo lại với nhau.”
Nhưng sẽ ra sao nếu như chất keo dính này lộ ra, các vết nối, vết nứt gãy?
Trong thời đại bạo lực, các tác phẩm nghệ thuật phải sử dụng khung của cái thực, nó làm công việc dịch một bản thảo dường như không đọc được, một thứ mã của sự phục hồi chấn thương.
Có vẻ như với tôi, trong nhịp điệu của mình, bài thơ, tác phẩm nghệ thuật, có thể kết hợp với nhịp điệu, âm hưởng của cái thực tại, của những bước ngập ngừng, những im lặng đột nhiên, những bùng nổ tàn bạo thành một chỉnh thể chặt chẽ. Để rồi, những gì được ráp lại với nhau không chỉ là một tác phẩm tồn tại như một vật thể trong thế giới, mà, trong sự hài hòa mà vẫn chực bất an của nó, trong cái bóng trải ra lấp lánh của nó, cho phép thế giới bước vào bài thơ.
Tôi nghĩ về nó như một sự tái tạo trả lại cho ta cuộc sống của ta, mong manh, bấp bênh.
14
Đôi lời để kết luận.
Tôi nghĩ về nhà thơ trong thế kỷ XXI như một người phụ nữ đứng sau cửa tối.
Chị ta là một người nội trợ, nhưng là một người nội trợ kì quặc.
Chị phân vân trong lối cửa tối. Chị cần phải ở đó bên ngưỡng cửa để tìm một sự cân bằng, để duy trì một mái nhà bên rìa của thế giới.
Chị đưa cả hai tay mình ra. Chúng sẽ giúp chị vững vàng, giúp chị tìm lối đi riêng.
Chị ta phải phát minh ra một thứ ngôn ngữ có thể biểu thị bởi nhiều thứ tiếng.
Về những gì mà chị viết, chúng trói buộc chị với cái hữu hình, đối diện với không gian công cộng, chúng đánh dấu sự nguy hiểm, đánh dấu niềm ham muốn.
Phía sau chị, trong bóng tối của ngôi nhà mình thông qua chị, chảy tràn ra những thứ ngôn ngữ mà không ai trong số những người chị biết sẽ có thể đọc hay viết được những ngôn ngữ ấy.
Những ngôn ngữ ấy tạo hình một thân thể bị mất2 bằng phương pháp khắc axit. Một thân thể tinh tế, sống động, không thể chiếm đoạt.
Nguồn gốc của mọi sự dịch.
Nguyễn Đức Tâm An dịch
Nguồn: Meena Alexander, “What Use Is Poetry?”, worldliteraturetoday.org
----
1 Câu lạc bộ tranh luận về các chủ đề chính trị xã hội tại Đaị học Yale, Hoa Kỳ.
2 Lấy từ chữ của Aimé Césaire trong tập thơ Corps perdu (NXB Fragrance, 1950). với tranh vẽ khắc axit minh họa củaPablo Picasso.
Cách đây không lâu, tôi có buổi đọc thơ ở Colorado, trong một hội trường có những cửa sổ rất lớn nhìn ra dãy Rockies. Tôi bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp thô ráp, góc cạnh của dãy núi mà chỉ cần quay đầu lại một chút, tôi cũng có thể nhìn thấy nó. Như thường lệ, sau phần đọc thơ lại có những ý kiến phát biểu từ phía dưới hội trường. Một phụ nữ với chiếc áo thun dài tay màu đỏ đứng dậy. Bà ta ở gần cuối hội trường chật ních người, và tôi phải căng mắt ra để trông thấy bà – nhưng giọng bà thì to, rõ và rành mạch.
Câu hỏi ấy dội vào những những bức tường: “Thơ có ích gì?”. Tôi nín thở. Bà ấy có thể là con gái của Plato đang chất vấn tôi. Tôi nhớ rằng khi ấy hội trường im phăng phắc. Tôi nghĩ: chẳng có gì, tôi chẳng thể nói gì. Tôi thốt ra mấy lời, những từ ngữ mà, tận một năm sau, tôi biến chúng thành tâm trạng chưa từng thú nhận trong một bài thơ. Bài thơ có tựa đề khá giản dị – “Question time” (Hỏi thời gian) – và nó sẽ được in trong cuốn sách của tôi, Birthplace with Buried Stones (Nơi sinh với những Hòn đá chôn giấu), sắp được xuất bản vào tháng 10/2013:
Hỏi thời gian
Tôi nhớ cạnh sắc hằn sẹo
Của dãy núi mà trăng trôi ngang qua
người đàn bà với chiếc áo thun màu đỏ,
Như tia lửa phát quang nơi gốc cây đã mục, như những bụi cây rực lên vì phồng giộp
Giơ tay đặt câu hỏi giữa căn phòng chật kín –
Thơ có ích gì?
Trên kia, những ngọn đèn nhấp nháy
Đường điện hẳn có vấn đề
Tôi quay lại và thấy trăng xoáy trong nước,
Dãy Rockies như rùng mình bởi một thứ ánh sáng màu hoa cà
Những sinh vật biển cắt thành tán lá trên trời
Trong bóng cây tôi và anh đã từng
Môi chạm môi, đùi lướt đùi,
Mơ về một quá khứ giải thoát cho những kẻ bị cầm tù trong đó.
Đứng từ xa tôi nhìn người đàn bà ấy và nói –
Chúng ta có thơ
Nên chúng ta không chết vì lịch sử.
Tôi cũng chẳng biết mình phải nói gì.
2
Có thể chúng ta nghĩ về lịch sử như là những gì thuộc quá khứ được giao nộp cho ký ức, được ghi lại bởi những người ở vị trí được làm việc này, quyền lực của họ là quyền lực của kẻ thao túng những hình thức ghi chép công khai. Nhưng có một dòng ngầm quan trọng của lịch sử mà tôi đã nhận ra: những bức thư, nhật kí, bản thảo, kí tự bí mật trên những mảnh giấy được lén lút chuyển ra từ chốn ngục tù. Với tôi, thơ, trong chủ ý của nó, vốn dĩ gần hơn với dòng chảy bị chôn giấu này; lãnh địa của thơ là những gì được cảm nhận từ trong sâu thẳm, từ “trong huyết quản và trái tim”, như Wordsworth từng viết trong những dòng thơ thâu tóm tư tưởng cốt lõi của ông khi suy ngẫm về quá khứ và bản chất bất khả của nó – tức là sự bất khả của ý thức khi muốn tìm cách quay về quá khứ.
3
Lãnh địa của thơ ca là những gì được cảm nhận từ sâu thẳm và về bản chất, không thể nói lên được; đó chính là thứ nghịch lý mà tất yếu thơ ràng buộc vào. Nhà thơ sử dụng ngôn ngữ giống như họa sĩ dùng sắc màu, chất liệu quan trọng nhất để hình thành tác phẩm nghệ thuật. Nhưng thứ ngôn ngữ được sử dụng hằng ngày quanh ta – trong những âm thanh, quảng cáo, hùng biện chính trị, báo chí – cần phải được thanh lọc để có thể được sử dụng như là chất liệu nghệ thuật.
Bài thơ, trong hành động tạo nghĩa của nó, quay lưng lại với vùng nghĩa đen của ngôn từ; tính chân thực của nó gắn liền với cái có thể được nó khơi gợi. Và hình ảnh được gợi ra này vụt lóe lên được là nhờ ký ức.
[…]
4
Trong khi thơ ca gắn bó với cơ cấu cảm giác ở con người, với sức mạnh cảm tính của sự hiện sinh của thân thể, với những kí ức lấy sức mạnh từ những cảm xúc được các giác quan đẩy lên cao độ, thì đồng thời nó cũng gắn với nơi chốn. Chính tại nơi chốn mà chúng ta định vị bản thân, đánh dấu chính mình trong quan hệ với những kẻ khác; chính tại nơi chốn, ta tồn tại. Nhưng điều gì sẽ xảy ra đối với quá khứ nếu nơi chốn ấy không còn, khi cảm giác bị gạt bỏ phũ phàng, khi chính sự lưu đày hay xê dịch mới đánh dấu những giới hạn của hiện sinh?
5
Tại sao ta lại cần thơ ca trong thời điểm thế này? Với tôi câu hỏi ấy nằm trong một câu hỏi khác: Việc chúng ta thuộc về một thế giới bạo lực thì có ý nghĩa gì?
Tôi nghĩ đến kho dữ liệu vô hình mà một chúng ta mang trong mình, đến sự tích lũy mang tính cá nhân sâu sắc các hình ảnh, âm thanh, mùi vị và những mảnh nhỏ của những thứ vật chất đôi khi bị phá hủy mà ký ức nhận về – và có lẽ đây là một cách khác để nghĩ về dòng sáng lấp lánh của đời sống bên trong vốn cấp ý nghĩa cho sự tồn tại của con người, tất cả những thứ đó sẽ kết tinh lại khi ta can đảm nói chữ “Tôi”. Chắc chắn đó là địa hạt của thơ ca.
6
Được nhấn mạnh ở phần trung tâm bài luận “Sự biện hộ của thơ ca” (1821) của Percy Shelley là những dòng mà trong đó, ông nhắc đến sức mạnh tự thân của bài thơ: “Nó tạo ra cho chúng ta một sự sống khác trong sự sống của chính mình. Nó biến ta trở thành cư dân của một thế giới mà so với nó, cái thế giới quen thuộc ta vẫn sống chỉ là sự hỗn loạn. Nó tái tạo cái vũ trụ thường ngày mà chúng ta là một phần trong đó và là kẻ tri giác nó, và nó thanh tẩy từ cái nhìn bên trong ta lớp phủ của sự quen thuộc, thứ đã che khuất nỗi ngạc nhiên của chúng ta về chính sự sống của mình.”
Cái thế giới đối nghịch ấy, cái sự sống khác trong sự sống của mình ấy, cái vùng khát vọng mà thơ ca khơi gợi nên ấy là gì? Chắc chắn có một sự thật lớn lao bị vùi chôn ở đây, một thứ gì đó liên quan đến trạng thái ngất ngây của ta, sự xuyên thấu của cảm giác mà lí tính thuần túy không thể tạo ra, một kiểu tạo nghĩa, mà thiếu nó, tất cả chúng ta đều có thể trở thành kẻ bị cầm tù bởi chính xác thịt của mình.
7
Đã có những thời kì trong lịch sử chung của nhân loại, ở một số nơi trên thế giới, có những nhà thơ và ca sĩ bị cấm đoán. Nhưng tại sao? Thơ có gì mà khiến người ta phải sợ hãi? Chính xác là vì sức mạnh của bản ngã sống động, thường biến mà thơ ca giải phóng - thứ khát vọng không bao giờ có thể bị ràng buộc bởi luật lệ hay pháp chế. Đó là sức mạnh của con người, là cấp độ tinh thần trong đời sống con người.
8
Bài thơ là một phát minh tồn tại bất chấp lịch sử. Hầu hết các sức mạnh trong đời sống thường nhật mà ta đang sống giờ đang hiệp lực để cản ngăn việc sáng tác một bài thơ. Có thể vẫn còn có không gian nào đó cho thơ được xuất bản, nhưng lại không có không gian cho sự sáng tạo: không có không gian đặc biệt nào nơi người ta được phép ngồi suy ngẫm, dẫu rằng trường đại học có thể vẫn còn một khoảnh rất nhỏ cho điều này.
Trong một thời đại bạo lực, nhiệm vụ của thơ theo cách nào đó là hòa giải chúng ta với thế giới và trao cho chúng ta một chút dịu dàng và thanh cao để ta có thể tồn tại trong thế giới này. Tôi tin sâu sắc vào điều đó, và tôi xem đó như một nỗ lực để dấn thân vào những sự phức tạp của thời đại này, thậm chí ngay cả khi chúng tàn bạo; nhưng thông qua đó, trong chừng mực nhất định, sứ mệnh của thơ là hòa giải chúng ta với thế giới – đó không phải là việc chấp nhận giá trị bề mặt hoặc đồng tình với những điều sai trái, mà là một sự hòa giải hiểu theo nghĩa rộng hơn, để chúng ta trở lại với tình yêu, với địa phận của trí tưởng tượng, về với không gian của cuộc sống trần thế hữu hạn.
9
Thơ là một thứ nghệ thuật bị bỏ rơi, nhưng không phải đối với những người sáng tác, mà đối với nhiều người khác . Tuy nhiên, có một đặc ân mà thơ ca đem lại, một điều, thật nghịch lý, lại khó nắm bắt bằng ngôn từ, một hối thúc mãnh liệt mà Shelley cố gắng khơi gợi trong luận văn “Sự biện hộ của thơ ca” – đó là nhiệm vụ cao cả và bất khả của thi sĩ trong lịch sử mà chúng ta có thể rút ra từ đó giải pháp cho ngày hôm nay
Mở đầu bài luận của mình, Shelley nói về vẻ đẹp và cách thức mà nhờ đó trực giác về cái mà ông gọi là “cái trật tự không thể phá hủy” được trao cho nghệ sĩ. Từ trực giác ấy mà dẫn đến sự xuất thần của đức tin. Ông cho rằng nghệ sĩ là “những người hình thành nên luật pháp, và những người lập nên xã hội dân sự”, tóm lại là, các nhà lập pháp: danh xưng dành cho họ trước đây.
Với tôi bây giờ, điều này dường như là một sự xuất thần nhưng không cứu được cho một cơ thể đang rơi tự do, tìm cách hạ xuống một không gian khả dĩ nào đó để có thể sống sót. Chắc chắn chúng ta hãy đừng đeo ý tưởng về sự lĩnh hội sâu sắc cái đẹp và “thế giới vô hình này” lên các nhà lập pháp thông thường bây giờ, đừng gắn nó với các quốc hội và nghị viện, các quy trình pháp lý và đại diện toàn quyền.
10
Tôi nghe những cái móc nhảy nhót.
Vạt áo cởi nút.
Một trái tim đang đập, đang thở
Nhưng chúng ta nên chăng? Chắc chắn một đời sống biết xúc động, rung cảm - và, tôi muốn nói thêm, thơ, theo nghĩa rộng nhất mà Shelley nói tới - rất quan trọng ngay cả với những nhà lập pháp và những quyết định được đưa ra. Bản chất của luật sử dụng súng và các vấn đề về nhập cư chỉ là hai ví dụ ta có thể nghĩ đến, rút ra từ các cuộc tranh luận gần đây của chúng ta.
Nhưng có lẽ đối với Shelley, cái bóng của lời tiên tri là những gì cho phép các nhà thơ có tư cách như những nhà lập pháp - theo đó, nhà thơ như “người giải thích sự huyền bí của một nguồn cảm hứng chưa được thấu tỏ; là tấm gương của cái bóng khổng lồ mà tương lai soi lên hiện tại”
Tôi nhớ đến bài thơ đáp lại Shelley của George Oppen. Trong một bài thơ có tên “Thảm họa”, Oppen viết:
những cuộc chiến phương tây
gió và bão
về chính trị tôi đã chán ngấy sự phù phiếm
của nhà thơ những nhà lập pháp
của cái thế giới
vô thừa nhận
Cái thế giới vô thừa nhận này là gì? Như thường thấy, đó là một thế giới nằm rất sâu để người ta có thể rơi nước mắt vì nó.
11
Tôi đã ở New York vào ngày 11/9. Thơ là một phương thức để người ta sống sót. Tôi đã viết trên những mẩu giấy nhỏ mình mang theo. Mọi người đọc to những bài thơ cho nhau, trên đài phát thanh, ở quảng trường Liên Hiệp Quốc và những nơi công cộng khác. Có điều gì đó ở bài thơ cho phép người ta biểu hiện được trạng thái mãnh liệt của cảm xúc vốn rất cần thiết trong thời gian khủng hoảng. […]
Tôi đã viết một chùm thơ được đặt tên “Sau đó có một hòn đảo”. Khi viết chùm thơ này, tôi đã liên tục tới khu Ground Zero [khu vực Trung tâm Thương mại Thế giới đã bị phá hủy trong vụ tấn công 11/9 – ND], cố gắng đến gần hiện trường nhất, quay trở lại nơi đây nhiều lần, như một cuộc hành hương. Địa điểm này nay đã như một nghĩa trang của hàng ngàn con người với mùi hôi thối của xác thịt và dây điện cháy. Một lần, khi đi qua phố Liberty, tôi bị ấn tượng mạnh bởi một cậu lính bảo vệ vòng ngoài hiện trường còn rất trẻ. Đó một cậu thanh niên đầy tàn nhang, nét mặt tươi tắn. Phía sau cậu là tường của tòa tháp phía Nam, một ông lão đã rất già dựa vào đó tạo dáng chụp ảnh, lũ trẻ nhỏ la hét đàn chim bồ câu trong niềm phấn khích, một nhân viên cứu hộ, đặt tay ôm cổ họng, khuôn mặt mệt mỏi tột độ, mặt nạ chống khí độc lủng lẳng bên hông anh ta.
12
Vào tháng sau đó, có một cuộc gặp gỡ tại một Viện nghiên cứu châu Á/người Mỹ gốc Á mới được thành lập. Tôi được đề nghị tham gia ban chủ tọa; cuộc gặp gỡ được tổ chức tại Trung tâm Cao học nơi tôi dạy. Đó đại loại là một dịp mà đúng ra tôi sẽ mặc một chiếc sari mà không cần đắn đo - nhưng giờ đây có điều gì đó làm tôi lấn cấn.
Hai trong số các sinh viên Nam Á của tôi trước đó từng gặp phải rắc rối khi mặc y phục phi Tây phương: người ta đã la hét, có kẻ ném cả chiếc túi giấy vào cô bé. Một người bạn kể với tôi qua điện thoại về lần ra ngoài một buổi tối ở Boston bị một người đàn ông la hét và nhổ nước bọt vào cô như thế nào.
Một sự ngờ vực đã lan rộng ra cộng đồng người châu Á, Nam Á, người da nâu – những người trông có vẻ như là người Ả Rập. Tôi muốn lựa chọn cuộc chiến của tôi. Tôi muốn có sự kiểm soát đối với những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống. Nếu việc tỏ ra khác biệt có thể trở thành điều nguy hiểm, thì sẽ thật vô nghĩa nếu ta chủ ý chấp nhận chịu đựng Tôi cần phải giữ năng lượng để viết, và tôi đang viết rất nhiều thơ.
Tôi cuộn chiếc sari của tôi lại thật khéo léo để không làm nhăn nó, đặt nó một cách cẩn thận trong một chiếc túi nilon mà tôi cắt từ phần giữa túi đựng sách của tôi. Trong toilet nữ tầng 4, tôi trút bỏ bộ quần áo và mặc chiếc sari lên mình. Tôi ngắm nhìn lụa lướt trên sàn lát gạch và không chớp mắt nhìn vào khuôn mặt mình trong gương.
Trông da mình thật tối, chất Ấn Độ không thể lẫn đi đâu được. Tôi cần suy nghĩ vượt qua nỗi e sợ. Sau này khi làm thơ, tôi nghe tiếng Kabir, thi thánh thời trung đại, hát cho tôi, cho tôi can đảm để sống cuộc đời của riêng mình. Đây là bài thơ tôi đã làm.
Kabir Hát trong Thành phố Những Tòa tháp Cháy
Thật đáng xấu hổ
họ làm mi sợ
nên mi lột bỏ chiếc sari của mình,
vò nát chúng thành một cuộn tròn
và rồi trải nó ra
trên sàn toilet.
Đốm lửa từ những tòa tháp
lẩn trốn qua nếp lụa.
Với mái tóc đen của mi
và làn da cháy nắng
mi chỉ là một đứa con của trái đất.
Kabir -người thợ dệt hát:
Hỡi loài người và loài chó
trong thời khắc buồn đau
quả đất đang quay của chúng ta
nhỏ lại.
13
Nghệ thuật trong thời đại chấn thương là một động thái dịch rất cần thiết. “Những mảnh vỡ của một chiếc bình,” Walter Benjamin viết, “được dính keo lại với nhau.”
Nhưng sẽ ra sao nếu như chất keo dính này lộ ra, các vết nối, vết nứt gãy?
Trong thời đại bạo lực, các tác phẩm nghệ thuật phải sử dụng khung của cái thực, nó làm công việc dịch một bản thảo dường như không đọc được, một thứ mã của sự phục hồi chấn thương.
Có vẻ như với tôi, trong nhịp điệu của mình, bài thơ, tác phẩm nghệ thuật, có thể kết hợp với nhịp điệu, âm hưởng của cái thực tại, của những bước ngập ngừng, những im lặng đột nhiên, những bùng nổ tàn bạo thành một chỉnh thể chặt chẽ. Để rồi, những gì được ráp lại với nhau không chỉ là một tác phẩm tồn tại như một vật thể trong thế giới, mà, trong sự hài hòa mà vẫn chực bất an của nó, trong cái bóng trải ra lấp lánh của nó, cho phép thế giới bước vào bài thơ.
Tôi nghĩ về nó như một sự tái tạo trả lại cho ta cuộc sống của ta, mong manh, bấp bênh.
14
Đôi lời để kết luận.
Tôi nghĩ về nhà thơ trong thế kỷ XXI như một người phụ nữ đứng sau cửa tối.
Chị ta là một người nội trợ, nhưng là một người nội trợ kì quặc.
Chị phân vân trong lối cửa tối. Chị cần phải ở đó bên ngưỡng cửa để tìm một sự cân bằng, để duy trì một mái nhà bên rìa của thế giới.
Chị đưa cả hai tay mình ra. Chúng sẽ giúp chị vững vàng, giúp chị tìm lối đi riêng.
Chị ta phải phát minh ra một thứ ngôn ngữ có thể biểu thị bởi nhiều thứ tiếng.
Về những gì mà chị viết, chúng trói buộc chị với cái hữu hình, đối diện với không gian công cộng, chúng đánh dấu sự nguy hiểm, đánh dấu niềm ham muốn.
Phía sau chị, trong bóng tối của ngôi nhà mình thông qua chị, chảy tràn ra những thứ ngôn ngữ mà không ai trong số những người chị biết sẽ có thể đọc hay viết được những ngôn ngữ ấy.
Những ngôn ngữ ấy tạo hình một thân thể bị mất2 bằng phương pháp khắc axit. Một thân thể tinh tế, sống động, không thể chiếm đoạt.
Nguồn gốc của mọi sự dịch.
Về tác giả bài viết: Meena
Alexdander (1951) là nhà thơ, học giả có uy tín quốc tế. Sinh tại
Allahabad, Ấn Độ, lớn lên ở Ấn Độ và Sudan, hiện bà sống và làm việc tại
TP New York, nơi bà được bầu chức danh Giáo sư danh dự khoa Văn học và
Ngôn ngữ tại ĐH Hunter.
Nguyễn Đức Tâm An dịch
Nguồn: Meena Alexander, “What Use Is Poetry?”, worldliteraturetoday.org
----
1 Câu lạc bộ tranh luận về các chủ đề chính trị xã hội tại Đaị học Yale, Hoa Kỳ.
2 Lấy từ chữ của Aimé Césaire trong tập thơ Corps perdu (NXB Fragrance, 1950). với tranh vẽ khắc axit minh họa củaPablo Picasso.
Nguồn: Tia Sáng
Trích lại từ phongdiep.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét