TTT
Trần Áng Sơn
1937- 2014
Khoảng năm 1992 trong lần đầu tiên ghé quán cà phê vỉa hè của Huy Tưởng ở Tân Định, tôi được giới thiệu với một người lạ đang trầm ngâm một mình ở một chiếc bàn nhỏ ngoài vỉa hè rất hẹp. Anh gọn ghẽ khác với nhiều người cầm bút thời thóc cao gạo kém, trí thức văn nghệ lao đao đó. Lần đầu tiên tôi và Sơn gặp nhau như thế đó, luôn tiện tôi tặng anh tập thơ mỏng in sau hơn 15 năm tưởng đã bỏ viết lách. Tập thơ có là do một phụ nữ chưa quen biết có nhã ý giúp tiền cho tôi in thơ trước khi chị xuất cảnh ra nước ngoài. Nó thực ra không phải là tiêu biểu gì, chỉ là một số bài viết trong mấy tháng trước cũng không nhiều ham thích chi. Sơn nhận, nói lời cám ơn như thông lệ và thật tình cho đến khi đó tôi cũng chưa biết đến bút danh của anh, có thể do gần 20 năm tôi không còn quan tâm đến chuyện văn chương nữa. Nói hơi sâu về tập thơ sáng tác sau gần 20 hết viết nổi đó là tôi muốn nhắc đến cách vẽ người của Sơn qua thơ, sẽ nói ở phần sau. Trong thời gian ấy, Sơn viết tiểu thuyết mà theo Huy Tưởng nói nhỏ là viết để kiếm sống, loại văn chương của những năm mới cởi trói khi người đọc chán ngấy thứ văn chương đánh nhau, khao khát thứ tiểu thuyết đời thường mà tôi thật tình không thích thứ văn chương cởi trói này. Nhưng không hiểu sao tôi lại nghĩ đó là cách kiếm sống đàng hoàng, hợp lý trong bối cảnh những người viết cũ đầu tắt mặt tối trong mưu sinh. Và đó là cách mưu sinh hiệu quả nhưng không có tài năng không làm nổi…
Chúng tôi gặp nhau có một lần đó và bẵng đi cho đến 2013 tức hơn 20 năm mới tình cờ gặp lại qua Nguyễn Liên Châu mà nếu không có bạn này thì với tôi, tên của Sơn cũng chỉ loanh quanh qua cách kiếm sống bằng tiểu thuyết kiểu như nói trên. Tuy nhiên, tôi đã lầm và suýt nữa thì bỏ qua một người hoàn toàn có thể coi là bạn thân.
Sơn có tài và tôi nhận ra anh quá muộn! Anh đáng hơn là những tiểu thuyết kiếm sống mà tôi chỉ nghe qua chứ không còn nhớ gì, thật khủng khiếp, hàng trăm cuốn của Sơn đã xuất bản trong thời gian tôi như con cá lặn sâu xuống nước mà thật ra không biết để làm gì, vì sao lại vắng bóng! Từng ấy năm gặp lại nhưng Trần Áng Sơn không coi tôi là xa lạ, anh thân thiện một cách lịch sự chân thật mà không kiểu cách, dịu dàng, khiêm tốn, có phần nho nhã và tôi thích tính cách đó.
Hóa ra, Sơn không chỉ viết tiểu thuyết kiếm sống, anh còn là tác giả một bộ sách 3 tập “Những trang sách khép mở”viết về hàng trăm người làm văn nghệ, có người khi còn đi học tôi đã nghe tiếng họ, rất nhiều người trẻ sau 1975, từ nhạc sĩ, ca sĩ, nhà báo, văn thi sĩ…Viết về những người trước thế hệ mà không hiểu cách nào anh giao du với họ, Sơn tỏ ra không e dè; viết về lớp đi sau, ngòi bút của Sơn khá là ưu ái rộng rãi, còn với lớp đồng thời thi nhận định của Sơn rất sắc bén, không bơi móc, hạ bệ nhưng thẳng thắn một cách lạ lùng. “Cày” người ta, từng con người và nhất là văn phong, tư tưởng của họ, Sơn có những “đường cày” cụ thể, rất thẳng thớm, sắc sảo, nhiều phần chính xác, có sai chăng chỉ là chi tiết đời thường mà trong thời buổi sau 75 ít khi có được về nhau nếu không qua lại như trường hợp của tôi.
Đó, có lẽ chưa phải là Sơn làm văn học sử hay phê bình văn chương, theo tôi đó là nhật ký của một người viết về những người đồng thời trong giới cầm bút mà hoặc quen biết ngoài đời hoặc có đọc người đó. Nhưng Sơn không rong chơi qua bộ sách, anh làm việc lao động sáng tạo có mục đích. Ngòi bút hiền lành mà hóm hỉnh nhưng chân thực, công bằng của Sơn làm tôi tin tưởng.
Chẳng hạn viết về Ng. Đ. như một người tự tạo mình thành một James Dean thì…đúng quá! Và viết James ấy cần cù không từ một báo nào miễn sao có thể đăng bài thì cũng quá đúng về con người đó! Tôi mến tài năng đa dạng Ng. Đ.Nhưng tôi không thể không thấy anh là một vận động thành James Dean, hoa trong thơ văn Đ cứ luôn là hoa Dã Quỳ, nơi chốn (domicile- chữ của Đ) thì không thể nơi nào khác Đơn Dương. Cho nên tôi phục Sơn! Một số người khác như Ng.T. N, Tr.T.Tr cũng vậy, mỗi người một nét rất riêng, dường như Sơn vẽ ký họa bằng câu chữ không soi mói mà là vẽ cái thật thì phải!
Sắc sảo của Sơn trong lối này phải kể đến anh viết về “người biết quá nhiều” Phan Kim Thịnh. Không thân với Thịnh, hồi học ở trường CVA Sài Gòn tôi có biết anh, sức học cũng tầm tầm như tôi, không có gì xuất sắc ở Thịnh cả. Vào đời bằng nghề viết lách – làm báo thì đúng hơn - và thành công sớm, PKT được Sơn mô tả là loại người “Giảo giả vi nô, phây phây bán hiểu biết (theo tôi là thông tin chứ không phải kiến thức) thu bạc cắc dài dài. Tất nhiên anh phải khôn khéo, bản lĩnh, giỏi “lăng ba vi bộ” biết khai thác triệt để lời ông bà dạy bảo : Lưỡi không xương”. Nhận định về PKT như thế nhưng giữa Sơn và PKT lại là chỗ thân tình mới đáng nói về cách viết cuả Sơn! Hình như tình bạn giữa hai người trở nên tốt hơn!
Chắc là Nguyễn Thị Thụy Vũ có đọc những câu này của Sơn mô tả Thụy Vũ “Ngoại hình suôn đuột, ánh mắt băng giá, khiêu khích cũng chính là nơi nói nhiều nhất không cần đến ngôn ngữ. Đôi mắt lá răm như ông bà ta nhận xét, đã vận vào đời Thụy Vũ, đẩy người đàn bà này lận đận lao đao chẳng kém nàng Scarlette trong Cuốn theo chiều gió” và bà sẽ làm chứng cho ngòi bút dám đi vào nỗi đau của mình? Và không ít người lam chứng cho Trần Áng Sơn khi anh viết“Thụy Vũ còn viết khá nhiều truyện ngắn, theo suy nghĩ chủ quan của tôi, chính ở lãnh vực này mới là nơi Thụy Vũ thể hiện bút lực của mình một cách đầy đủ nhất…Tôi đã rùng mình khi đọc Hạt cơm của Phật. Trong không gian tưởng chừng là vô nhiễm, trước đức tin từ bi vô lượng, con người dù có thoát tục vẫn có lúc bị bản năng chế ngự. Bên cái thiện vẫn còn cái chưa hoàn hảo”
Trở lại phần đầu bài, tôi có nhắc đến tập “Bản Thảo Một đời ” tặng anh ngày đó. Giữa khoảng 20 năm không có thêm giao tình, Sơn viết “Nếu bảo rằng thơ CTC hay tôi không dám khẳng định nhưng tôi có thể nói ngay thơ CTC đích thực là thơ, anh làm thơ vì những gì thuộc về thơ cho nên anh có thể tự hào về những dòng thơ anh viết. Người ta nhớ đến anh theo phong cách anh hiện hữu chứ không vì những cái vay mượn của cuộc đời. Làm thơ được như anh, tôi nghĩ, không nhiều lắm.”
Bây giờ, Trần Áng Sơn đã từ trần ở tuổi 78, “Những trang sách khép mở” đã không còn dịp được tác giả san nhuận lại, bổ sung thêm cho nó mang vóc dáng một công trình văn học sử thay vì nhật ký, theo chủ quan của tôi. Với tôi một người chưa có thời gian để thân, chỉ mới nể nang, thì sự ra đi của Sơn thật đáng tiếc, tôi ít tiếc ai khi họ từ trần ngoại trừ Y Uyên năm xưa và Trần Áng Sơn bây giờ…
Tân An 19-5-2014
CTC
Chép lại từ http://caothoaichau.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét