Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Lời Dạy Nguyên Thủy của Thích Ca và Nguyên Lý Cơ Bản của Phật Pháp



Đại Ý:
- Không ai thật sự rõ biết những lời dạy nguyên thủy của Thích Ca Mâu Ni là gì.
- Mỗi tông phái trong Phật Giáo có những hệ thống giáo lý và kinh điển khác nhau, và có khi đối nghịch nhau.
- Tuy vậy có một số quan niệm cơ bản hầu như đều rất giống nhau trong mọi tông phái. Các quan niệm cơ bản nầy nói chung đều tụ quanh nguyên lý diệt khổ của Thích Ca. Các quan niệm nổi bật nhất là “vô ngã”, “vô thường” và nguyên lý “Tứ Diệu Đế”.
- Tôi cho rằng nói chung chỉ có các quan điểm cơ bản vừa nêu trên là lời dạy nguyên thủy thật sự của Thích Ca, và do đó là cốt tủy của Phật pháp.
Lời Dạy Nguyên Thủy của Thích Ca
Không ai biết những lời dạy nguyên thủy thật sự lúc còn sinh tiền của Thích Ca là gì. Đó là vì khoảng 500 năm sau khi ông qua đời thì các đệ tử mới bắt đầu ghi chép lại các lời ông dạy thành những tập kinh đầu tiên.
Trong Phật Giáo có hai giáo phái chính đó là Tiểu thừa (còn gọi là Nguyên Thủy hay Nam Tông) và Đại thừa (còn gọi là Bắc Tông). Trong phạm vi của mỗi giáo phái chính trên, có hàng trăm tông phái chi nhánh khác nhau. Mỗi tông phái có những hình thức và nội dung tín ngưỡng hoàn toàn khác hẳn với các tông phái khác.


Tông phái nào cũng cho rằng chỉ có kinh sách của mình mới là “chánh tín”, tức là lời Phật dạy thật sự. Tông phái nào cũng cho rằng những khác biệt trong các kinh sách khác là mê tín, ngoại đạo. Chỉ nội hiện tượng nầy thôi cũng đủ để chứng minh lời nhận định ở trên của tôi rằng không ai ngày nay biết rõ Thích Ca đã thật sự dạy gì khi còn sinh tiền.
Nếu dựa vào những dữ kiện trong lịch sử thì chúng ta có thể suy ra những điều sau đây:
- Những tư tưởng về sự sống và chết của Thích Ca rất mới lạ đối với quan điểm thời bấy giờ do đó có nhiều người không hiểu rõ ông muốn nói gì.
- Đa số người ta vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của Ấn Độ Giáo kể cả những quan niệm "đầu thai" và "luân hồi" của đạo nầy.
- Do đó qua 500 năm truyền khẩu thì các tăng sư đã vô tình làm ô nhiễm lời Thích Ca dạy bởi định kiến riêng của mỗi người, bởi ảnh hưởng của các tôn giáo khác, bởi phong tục tín ngưỡng dân gian, bởi áp lực chính trị trong tôn giáo.
Tuy vậy, có một số quan niệm trong Phật Giáo có vẻ như giống nhau trong đại đa số các tông giáo. Tôi gọi chúng là các nguyên lý cơ bản của Phật pháp.
Đứng đầu là những quan niệm diễn tả trong Tứ Diệu Đế. Tất cả kinh sách của tất cả tông phái đều công nhận và dạy về Tứ Diệu Ðế như một tiền đề cơ bản đầu tiên của Phật pháp. Tứ Diệu Đế, trong đó có 37 Phẩm Trợ Đạo, và các nguyên lý như Bát Chính Đạo, Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Định, v.v. được truyền dạy bởi hầu hết mọi tông phái Phật Giáo với nội dung giống nhau.
Những quan niệm liên quan trực tiếp với Tứ Diệu Đế như “vô ngã”, “vô thường”, “duyên khởi”, “giác ngộ” cũng vậy. Tuy nhiên, vài quan niệm nầy được nhiều tông phái diễn giảng dưới những màu sắc huyền bí; thí dụ như nhiều kinh sách cho là khi “giác ngộ” thì sẽ “nhìn thấy được quá khứ, tương lai và muôn vạn thế giới khác”.
Theo nhận xét của tôi, vì chỉ có những nguyên lý cơ bản của Phật Giáo đề cập ở trên là giống nhau trong kinh sách của hầu hết mọi tông phái nên rất có thể chỉ các nguyên lý cơ bản nầy là những gì Thích Ca đã dạy lúc sinh tiền.
Trong khi đó, hầu hết các quan niệm khác được mỗi tông phái hiểu và giảng dạy theo nhiều một cách khác nhau và nhiều khi trái ngược hẳn nhau. Vì vậy rất đáng nghi ngờ rằng các triết lý hay quan niệm nầy, cũng như những phương cách tu và hành đạo dựa trên chúng, đã được chế biến sau nầy bởi các tăng sư. Thí dụ như tất cả những gì liên quan đến trì chú, khoán bùa, bắt ấn, v.v. Tương tự cho những quan niệm như “Tây Phương Cực Lạc”, “đầu thai”, “luân hồi”, v.v.
Có 2 lý do để có thể kết luận một cách thích đáng rằng các ý niệm "Tây Phương Cực Lạc", "đầu thai" và "luân hồi" không phải là lời dạy nguyên thủy của Thích Ca:
1. Trong Tứ Diệu Đế và các quan niệm liên quan trực tiếp với Tứ Diệu Đế hoàn toàn không có gì nói về “Tây Phương Cực Lạc”, “đầu thai”, “luân hồi”.
2. Lúc sinh tiền Thích Ca không bao giờ giảng dạy hay trả lời các câu hỏi về các vấn đề nầy.
Cũng cần nói thêm là theo tôi thì sự kiện kinh sách hiện hành có thật sự là lời của Thích Ca hay chăng cũng không quan trọng lắm. Đối với tôi, sự chính xác và trung thực của lời Thích Ca dạy chỉ có giá trị lịch sử và tôn giáo chớ không nhất thiết là có giá trị triết lý.
Đối với tôi thì sự kiện Thích Ca đã có thật sự dạy một điều gì đó hay chăng không là việc chính yếu. Việc chính yếu, theo tôi, là biết dựa vào kiến thức và trí phán xét của mình để xem điều đó có thích ứng và thích hợp với nhân sinh quan và vũ trụ quan của mình không. Nếu thích ứng và thích hợp thì sử dụng, nếu không thì loại bỏ qua một bên. Việc một lời dạy có thật sự là từ chính miệng Phật Thích Ca hay không chỉ là thứ yếu.
Nói cách khác, ngay cả nếu Thích Ca còn sống và phát biểu một điều gì đó thì tôi vẫn sẽ suy xét và chiêm nghiệm kỹ càng. Nếu một triết lý (dù là của chính Thích Ca) mà không thích hợp với nhân sinh quan của tôi thì tôi cũng không đồng ý và không xử dụng. Và điều nầy theo tôi thì đi sát với chủ trương của Thích Ca là "áp dụng triết lý vào đời sống thực hành thay vì gắn bó với kinh sách một cách từ chương và mê muội".
Tôi cho rằng khi tìm học về Phật pháp người ta không nên bám víu khư khư vào kinh sách. "Khư khư" có nghĩa là cho rằng bất cứ cái gì viết trong bất cứ kinh sách nào cũng có giá trị tuyệt đối; là cho rằng những gì không có trong kinh sách là không đáng kể đến.
Nhiều Phật tử cho rằng nếu một bài kinh thật sự là lời dạy của Phật Thích Ca thì chắc chắn nó phải có giá trị hơn.  Điều đó có thể đúng, nhưng chỉ một phần nhỏ. Sự thật là không ai có thể xác định chính xác nếu một lời dạy nào đó trong quyển kinh nào đó có thật sự 100% từ Thích Ca hay không. Thế thì tại sao phải chú trọng quá đáng vào việc đó? Một lời dạy nếu có giá trị đối với một người thì bất cứ nó đến từ ai cũng vẫn sẽ có giá trị. Và tương tự cho trường hợp ngược lại.
Nhiều người có khuynh hướng tin sợ những tên tuổi, tước vị to lớn cao trọng. Điều đó thấy rõ trong việc nhiều người đi sao chép các bài thuyết pháp của các vị tăng sư nổi tiếng hay có tước vị nghe đáng nễ trọng về ngâm nga hay trưng bày như những báu vật mà không cần suy ngẫm xem giá trị thật sự của nó là gì.
Theo tôi thì khi đọc kinh sách cũng như khi đọc bất cứ tài liệu nào khác, chúng ta cần dùng trí phân tích cùng kiến thức thực tế mà phán đoán một cách nghiêm khắc xem cái gì có giá trị, cái nào không. Nên nhớ rằng kinh sách chỉ là những sự hiểu biết và diễn giảng của con người mà thôi. Kinh sách không có giá trị thiêng liêng hay huyền bí gì cả. Đọc với tư cách một giám khảo chớ đừng đọc với tư tưởng của một học trò từ chương.
Nhiều Phật tử cho rằng có những cuốn kinh có giá trị nhiều hơn các cuốn kinh khác. Thật ra thì không nên cho rằng kinh sách càng xưa cũ là càng có giá trị nguyên thủy và do đó càng đáng được quý trọng. Kinh sách xưa cũ có thể có giá trị lịch sử của chúng nhưng nội dung và tư tưởng chưa chắc đã mang giá trị thực dụng nữa.
Triết lý của Thích Ca cổ động giá trị thực dụng: nếu không thích ứng với đời sống là không có giá trị. Kinh sách được ghi chép và soạn thảo bởi các tu sĩ. Nội dung và tư tưởng của kinh sách thường phản ảnh nhân sinh quan và vũ trụ quan của những tác giả của chúng. Nhân sinh quan lẫn vũ trụ quan của những tu sĩ (dù có lỗi lạc thông thái đến mấy) cũng bị giới hạn bởi kiến thức nhân loại đương thời. Và kiến thức cũng như môi trường sống của nhân loại đã thay đổi rất nhiều trong vài thế kỷ gần đây.
Theo tôi thì ngoài kinh Phật ra thì còn có nhiều nguồn tài liệu khác để tìm hiểu về Phật pháp. Có nhiều sách, nhiều luận án và công trình khảo cứu về Phật Giáo trong những thập niên gần đây cung cấp những cách nhìn khác nhau về lý thuyết và triết lý Phật Giáo. Những quan điểm nầy dĩ nhiên không thích hợp với sự hiểu biết và phương cách thực hành của tất cả Phật tử nhưng nếu không tìm hiểu về chúng mà chỉ khư khư ôm ấp các tư tưởng xưa cũ hoài thì sẽ làm cho tầm nhìn của mình mãi mãi hạn hẹp.
Nguyên lý cơ bản của Phật pháp
Xin nói rõ là trong phần nầy tôi không nói về những gì tăng ni và đại chúng tín ngưỡng cũng như thực hành trong cái gọi là Phật Giáo của họ. Ở đây tôi chỉ muốn diễn giải chi tiết hơn về những nguyên lý mà tôi cho là cơ bản của Phật pháp vừa đề cập ở trên.
Hệ thống giáo lý của Phật Giáo chủ yếu nằm trong 3 bộ kinh điển gọi là Tam tạng. Ba bộ kinh nầy gồm Kinh tạng (ghi lại lời Phật dạy), Luật tạng (ghi lại các giới luật), và Luận tạng (ghi lại các lời luận giải, bình chú về giáo pháp của các cao tăng và học giả sau này).
Mỗi tông phái trong Phật Giáo có những hệ thống giáo lý và kinh điển khác nhau. Tuy vậy có một số nguyên lý cơ bản hầu như đều rất giống nhau trong mọi tông phái.
Nói về bản thể luận thì mọi tông phái đều truyền giảng về quan niệm “vô ngã” và “vô thường”.
Vô ngã có nghĩa là “không có cái tôi”. Quan niệm nầy cho rằng cá thể và bản thân của một người, cũng như tất cả sự vật và hiện tượng trong vũ trụ đều không có thật. Thế giới (nhất là thế giới hữu hình) là do sự hợp lại bởi các yếu tố vật chất (Sắc) và tinh thần (Danh). Có là 5 yếu tố (ngũ uẩn): Sắc (vật chất), Thụ (cảm giác), Tưởng (ấn tượng), Hành (tư duy nói chung) và Thức (ý thức). Danh và Sắc chỉ tụ hội trong thời gian ngắn rồi chuyển sang trạng thái khác, vì vậy “ không có cái tôi”.
Vô thường có nghĩa là “không vĩnh cửu”. Quan niệm nầy cho rằng bản chất sự tồn tại của thế giới là một dòng biến chuyển không ngừng. Không có điểm khởi đầu, không có điểm cuối cùng và cũng không có gì vĩnh hằng. Sự biến hiện của thế giới theo chu trình: sinh, trụ, dị, diệt.
Nói về sự giải thoát, mọi tông phái đều cho rằng Phật tử cần phải nhận thức và thực hành bốn chân lý gọi là Tứ Diệu Đế. Đó là:
- Khổ Đế: Đời là bể khổ. Có 8 nỗi khổ chính: sinh, lão, bệnh, tử, ái ly biệt (yêu mà phải xa), oán tăng hội (ghét mà phải ở gần), sở cầu bất đắc (muốn mà không được), thủ ngũ uẩn (khổ vì sự tồn tại của thân xác).
- Tập Đế (hay Nhân Đế): Mọi nỗi khổ đều có nguyên nhân. “Thập Nhị Nhân Duyên” là 12 nguyên nhân của sự khổ: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục căn, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử.
- Diệt Đế: Những nỗi khổ trên đều có thể bị tiêu diệt.
- Đạo Đế: Phương cách để tiêu diệt khổ, hay là giải thoát, là tiêu diệt vô minh (sự tăm tối, không sáng suốt); tiêu biểu và căn bản nhất là 8 con đường (Bát Chính Đạo):
. Chính kiến : hiểu biết đúng.
. Chính tư duy: suy nghĩ đúng.
. Chính ngữ: giữ lời nói chân chính.
. Chính nghiệp : Nghiệp có hai loại là tà nghiệp và chính nghiệp. Tà nghiệp phải sửa, chính nghiệp phải giữ. Nghiệp có thân nghiệp (do hành động gây ra), khẩu nghiệp, ý nghiệp.
. Chính mệnh: tiết chế dục vọng, giữ điều răn.
. Chính tinh tiến: hăng hái truyền bá chân lý của Phật. Chính niệm: hằng nhớ Phật, niệm Phật.
. Chính định: tĩnh tâm, tập trung tư tưởng nghĩ về Tứ diệu đế, vô ngã, vô thường…
Theo Bát Chính Đạo, con người có thể diệt trừ vô minh, giải thoát và đạt nhập Niết Bàn.
Bát Chính Đạo còn gọi là Tam học: Tuệ (chính kiến, chính tư duy, chính ngữ), Giới (chính nghiệp, chính mệnh), Định (chính tinh tiến, chính niệm, chính định)
Tương tự, mọi tông giáo đều dạy về hai giới luật cơ bản quan trọng là ngũ giới và thập thiện, quy định những điều mà những người theo đạo phải tuân theo.
Ngũ giới là Giới sát (không sát sinh), Giới đạo (không trộm cắp), Giới dâm (không tà dâm), Giới vọng ngữ (không được nói điều sai trái), Giới tửu (không uống rượu).
Thập thiện là về thân thì không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm; về khẩu thì không nói dối, không nói hai chiều, không ác khẩu, không thêu dệt; và về ý thì không tham lam, không giận dữ, không tà kiến.
Về thế giới quan thì hầu hết các tông phái đều cho rằng không có một vị thần linh nào đã sáng tạo ra vũ trụ và con người.
Có hai khái niệm về thế giới quan và nhân sinh quan mà nhiều người cho là nguyên lý cơ bản của Phật Giáo, đó là “luân hồi” và “nghiệp quả”.
Phái Đại thừa (có nghĩa là “cỗ xe lớn”) cho rằng con người có thể giác ngộ bằng tự lực và bằng tha lực tức bằng sự dẫn dắt của người khác, đặc biệt là của các vị Bồ Tát. Do đó phải “tự giác giác tha, tự độ độ tha” tức mình đã giác ngộ thì phải giác ngộ người khác. Trong khi đó, phái Tiểu thừa (có nghĩa là “cỗ xe nhỏ”) cho rằng mỗi người phải lo tu thân, giác ngộ chỉ bằng tự lực; không ai có thể cứu độ hay giải thoát ai cả.
Hai khái niệm “luân hồi” và “nghiệp quả” trên thật ra xuất phát từ Ấn Độ giáo và được thu nhập vào Phật Giáo bởi phái Đại thừa. Sau nầy một số chi nhánh của phái Tiểu thừa cũng chịu ảnh hưởng và truyền dạy hai khái niệm trên. Theo Phật Giáo thì sự vật mất đi ở chỗ này là để sinh ra ở chỗ khác; phái Đại thừa và một số chi phái Tiểu thừa thì cho rằng quá trình thác sinh luân hồi đó bị chi phối bởi luật nhân quả.
Một số tông phái Tiểu thừa “nguyên thủy” tuy giảng dạy về nguyên lý “nhân quả” nhưng không nhìn nhận các khái niệm “luân hồi” và “đầu thai” vì họ cho rằng chúng không phải là lời dạy của Thích Ca Mâu Ni lúc sinh tiền.
Phái Đại thừa và một số chi phái Tiểu thừa cho rằng khi đạt đến Niết Bàn là chấm dứt sinh tử, luân hồi. Một số tông phái Tiểu thừa “nguyên thủy” cho rằng Niết Bàn chỉ là một trạng thái bình an, sáng suốt cực độ của tâm thức.
Đứng giữa hai luồng tư tưởng rất khác biệt với nhau trên là vài khái niệm kể trên mà hầu như tông phái nào cũng đồng ý và công nhận là “chính pháp”. Đó là lý do tại sao tôi cho những khái niệm nầy là nguyên lý cơ bản của Phật pháp.

Nguyễn Nhân Trí

Nguồn : Internet

Không có nhận xét nào: