Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Nhạc ngựa ru miền nhớ

27/03/2015 - 10:18 AM
Lâu lắm rồi, trên đường phố Sài Gòn hay cả miền Nam nói chung, hiếm mà thấy được một cỗ xe ngựa rong ruổi. Xe ngựa trong đời sống Việt giờ đây chỉ còn trong ký ức một vài thế hệ. Tiếng gõ móng lộp cộp trên đường và tiếng lục lạc, chỉ còn là những chuỗi âm thanh khiêm tốn gióng lên nỗi hoài niệm. Cỗ xe ngựa, phương tiện gắn liền với phố thị xưa, đang nhạt nhoà bên cạnh những hiệu xe đắt tiền, bóng bẩy.
Anh Mười - con trai ông Hai Sộp tiếp quản 12 chiếc xe thổ mộ của cha và cho các đoàn làm phim thuê.
Cùng với nhà thơ Trần Tiến Dũng, nhà nhiếp ảnh Trần Việt Đức… chúng tôi lên đường với ước muốn tìm lại chút hương vị của người Việt xưa, cùng nỗi thắc mắc rằng liệu ở Bình Dương lừng danh xe thổ mộ, có còn lại gì không? Đức thì soạn sẵn một bộ máy ảnh tốt nhất để ghi hình, còn nhà thơ Trần Tiến Dũng nói rằng nhất quyết phải mời được người xà ích để nhậu một bữa, hỏi chuyện đời cho đã nư!
Từ Sài Gòn lên Bình Dương cũng cả tiếng hơn, nhiều con đường vẫn còn hoang sơ, nhưng xe ngựa thì không còn thấy nữa. “Ngày xưa, Bình Dương là phố thị văn minh, con gái mặc áo dài xe ngựa quý phái là một hình ảnh độc đáo của người Việt”, Trần Tiến Dũng nói. Thời đại hôm nay thì con gái không còn tha thướt mà xắn quần phóng xe tay ga phân khối lớn, bịt mặt quấn khăn cười nói trên đường. Có lẽ chính vì vậy, khi xe chúng tôi quẹo vào ngõ nhỏ, đến nhà ông Hai Sộp, thấy bảng vẽ chỉ đường, có hình con ngựa kéo xe xưa cũ, ai nấy đều bồi hồi. Nơi đây gần như là chốn cuối cùng của miền Nam còn gìn giữ nghề xe ngựa. Ngựa được thương như người, có tên riêng. Xe thì được chăm chút như bạn đời.
Ông Hai Sộp qua đời lâu rồi. Ở xứ Bình Dương này, có đến trên 50 năm, người dân trong vùng tự nhiên thay cái tên cha sanh mẹ đẻ Trần Văn Hai tức Hai Sộp, bằng cái tên ông Hai Xe Ngựa. Ông Hai nổi tiếng về ngựa, về việc thiết kế xe thổ mộ mà người nước ngoài đến xem cũng phải tròn mắt ngạc nhiên. Con ông Hai kể rằng tự nhiên ông chuyển qua cái nghề lạ lùng này mà không ai giải thích được. Nhiều năm ông Hai chọn nuôi giống ngựa kéo xe, cũng như dùng nghề thiết kế mộc của mình tạo ra nhiều kiểu xe ngựa đẹp bất ngờ. Nghề xe ngựa của ông để lại, giờ chỉ còn một đứa con trai là anh Mười gìn giữ, nhưng cũng chủ yếu là bảo trì, nuôi ngựa và cho mướn xe ngựa để đóng phim, rước dâu hay diễu hành lễ lạc. Không ai có thể sáng tạo độc đáo như ông Hai nữa cả. Trong xóm, ai cũng nói, sau này mà anh Mười bỏ nghề, chắc Bình Dương mai một nghề xe ngựa.
Đôi khi, giữa phố thị mà thoáng thấy đâu đó bóng dáng một chiếc xe thổ mộ, có thể bạn sẽ thấy lòng mình dậy lên những ký ức bâng khuâng, những nỗi niềm khó tả... 
Vì vậy, đến Bình Dương xe ngựa mà không nhắc lại chuyện đời ông Hai Sộp là không đúng phép, mà đúng ra thì cũng không có gì hấp dẫn bằng sự nghiệp của ông.
Ông Hai trước đây là bác sĩ, làm việc tại bệnh viện lớn nhất Bình Dương. Sau năm 1975, ông bỏ nghề về nuôi ngựa, làm xe. Coi trong sách hình của phương Tây, ông Hai mê mẩn việc đóng chiếc xe ngựa cho người Việt thiệt đẹp, rồi chọn giống ngựa kéo xe cho ngon. Tưởng là chuyện chơi qua ngày, ai ngờ xe ngựa, xe thổ mộ thành sự nghiệp của ông Hai Sộp đến chết. Đời con cháu thừa hưởng danh tiếng và gia sản về xe ngựa của ông mà cũng sống được.
Anh Mười kể rằng ông Hai cứ suy nghĩ hoài chuyện giống ngựa kéo xe của người Việt luôn nhỏ con nên khi đặt mẫu theo xe Tây thì ngựa Việt kéo không nổi. Ông Hai bèn nghiên cứu thước tấc để tạo ra những kiểu một ngựa, hai ngựa, cho đến bốn ngựa với vóc dáng xe thích hợp cho người Việt, chất liệu cũng nhẹ nhàng hơn, không làm khổ sức ngựa. Khi các đoàn làm phim nước ngoài, cũng như các chuyên gia về lịch sử đến xem xe ngựa của ông Hai, ai nấy đều giật mình. Cách cải tiến của ông Hai Sộp độc đáo và tiện lợi, nhưng tiếc là không có sách vở nào ghi lại cho đời sau.
“Vậy xe thổ mộ thì sao anh? Vì sao gọi là thổ mộ?”, anh Đức hỏi. Con trai ông Mười thoáng bối rối. Vì lâu nay, người ta đến hỏi mướn xe, mướn ngựa, chứ có ai tìm hiểu loanh quanh vậy đâu. “Cũng không chắc, nhưng tui nhớ ông già làm cái mui xe giống như đống đất gò mả”, anh Mười nói, cười hiền lành. Nghề xe ngựa không chỉ mất dần, mà hứng thú để tìm hiểu về nó, gìn giữ… cũng phai tàn.
Sách xưa ghi lại, xe thổ mộ từng là loại phương tiện đi lại phổ biến ở đất Gia Định. Người Việt có loại xe một ngựa kéo bắt nguồn từ kiểu xe song mã sang trọng của Tây. Nhưng đường sá xứ Việt nhỏ hẹp và chưa tốt nên sau đó, được người dân miền Nam chế tác, cải tiến cho dễ đi. Thậm chí ở những miền quê sông nước, xe ngựa nhỏ gọn có thể lên ghe lớn mà đi. Xe ngựa Việt lạ ở chỗ dù chịu ảnh hưởng nhất định từ những chiếc xe ngựa của người Trung Hoa, nhưng lại lai kiểu cách phương Tây, tạo một nét riêng thiệt lạ. Bình Dương vẫn được coi là xếp sòng đóng, thiết kế loại xe này, cung cấp cho các viên chức, nhà giàu, người chuyên chở… cả miền Nam.
Các chi tiết sắc sảo kết hợp sắt, gỗ, da... làm nên vẻ đẹp tinh tế của xe ngựa
Không phải vô duyên mà ông Hai thích nghề xe ngựa, từ đời cha của ông Hai đã vậy. Anh Mười kể lại những buổi chiều sau khi cơm nước xong, trời còn tỏ, anh vẫn được cha cho lên xem ngựa đi dạo một vòng. Ai nhìn thấy cũng nể, người ngồi xe hãnh diện lắm. Thú vui lang thang lóc cóc cùng cha buổi chiều trên xe ngựa là kỷ niệm anh Mười không thể nào quên. “Ông già thương ngựa, thương xe lắm - Anh Mười kể - Ông chạy dạo một vòng rồi về, vừa đi vừa kể chuyện. Đó là thói quen mấy chục năm của ông già, chắc vì vậy mà khiến tui nhớ, tự nhiên nối nghiệp luôn”.
Anh Mười dẫn mọi người đi quanh nhà, ngó từng chi tiết của xe, rồi kể việc kỳ công làm một chiếc bánh xe ngựa như thế nào. Nhà anh Mười vẫn còn giữ di sản ông già để lại là 12 chiếc xe ngựa và thổ mộ, cùng một chuồng ngựa khoảng mười con. “Nhiều năm nay, xe ngựa chỉ còn dành cho mướn đám tiệc, quay phim thôi hà, nhưng sống cũng được”, anh thổ lộ. Thời giá, một ngày quay phim, người đánh xe và ngựa có thể thu được cỡ 1 triệu đồng. “Vô mùa cưới thì nhiều khi không còn xe cho mướn. Giới trẻ bây giờ thích đi diễu cảnh, rước dâu, chụp hình với xe ngựa dữ lắm”, anh Mười kể trong lúc ngồi nhậu cạnh bờ sông với cả đám. Trước đó, hứng lên, anh Mười kéo luôn chiếc xe thổ mộ, đặt dây cương rồi nhịp roi ngựa chở hết thảy ra bờ sông ngồi chơi cho biết.
Làm xe ngựa không dễ, làm cái bánh xe ngựa càng không dễ. Người ta phải đặt gỗ bo tròn đều đặn, gắn vào trục cho cân để ngựa kéo không ngã xe, không mất sức. Xe làm không cân, đi đường chỉ cần dằn một cái là lật. Nghề canh đều bánh xe (alignment) của mấy hãng xe hơi cần rất nhiều máy móc, nhưng hiểu sao ngày xưa, người ta có thể làm được việc canh bánh xe, độ nhún… của xe ngựa hoàn hảo đến mức khó hiểu như vậy. Vào khoảng năm 2006, nghề làm bánh xe ngựa ở Bình Dương, Hốc Môn, Long An… của người Việt lừng danh và giá rẻ đến mức mấy hãng phim của Đại Hàn chạy qua đặt hàng để làm phim cổ trang nườm nượp. Nhưng giờ thì đã ít người làm, xe cũng không còn thấy nhiều.
Ông Hai Sộp đẹp lão, lại đánh xe êm ru, nên sau năm 1975, nhiều hãng phim đến mướn xe, mời luôn ông già bận đồ bà ba rồi vô đóng phim luôn. Nét Nam Bộ và phong trần của ông Hai khiến nhiều phim như Đất phương Nam, Công tử Bạc Liêu, Người đẹp Tây Đô để ông vô hình mà khoái quá chừng. Anh Mười vô một ly, hứng chí kể: “Tui cũng được đóng phim nữa. Vì không biết điều khiển xe ngựa, nên khi họ mướn xe thì kêu tui đóng phim luôn, mà tui cũng đóng nhiều phim rồi lắm nghe!”.
Những chiếc xe ngựa ở Bình Dương, giờ chỉ nằm trong câu chuyện kể như vậy. Làm sao tả được những gì đã qua, nhưng vẫn ẩn sâu trong lòng của nhiều thế hệ người Việt. Tương tự như tiếng xình xịch của tàu đêm, tiếng chuông nhà thờ sớm mai, tiếng chuông chùa chiều tĩnh mịch… tiếng lọc cọc của bánh xe, leng keng của chuông nhạc ngựa… là những âm thanh, hình ảnh khiến ai từng biết cũng dễ nao lòng. Đôi khi, giữa phố thị mà thoáng thấy đâu đó bóng dáng một chiếc xe thổ mộ, có thể bạn sẽ thấy lòng mình dậy lên những ký ức bâng khuâng, những nỗi niềm khó tả như vậy.
Chia tay anh Mười, chúng tôi - những con người thích hoài niệm lặng yên trên đường về. Trời miền Nam phong lưu với những chuyến xe như vậy, và trời miền Nam cũng se sắt khi có dịp nhớ đến quá khứ gấm hoa. Xe cũng như người, cùng bay về trời và hư ảo trong những tháng năm đã mất.
Số đông tin rằng vì mui xe có hình giống nấm mộ đất nên xe được gọi là xe thổ mộ. Các nhà văn Sơn Nam, Nguyễn Nguyên thì giải thích “thổ mộ” bắt nguồn từ “thảo mã” nghĩa là loại xe ngựa chở cỏ của người Trung Quốc. Người khác cho rằng, trước đây việc chở quan tài để chôn xa phải dùng xe ngựa đưa đến chỗ đất (thổ) có mồ mả (mộ), nên quen gọi xe ngựa là xe thổ mộ. Ngoài ra, nhiều cụ già Bình Dương khẳng định, “thổ mộ” là “Thủ Dầu Một” do nói nhanh, nói gọn kiểu Nam bộ mà thành.
Bài Tuấn Khanh - Ảnh Trần Việt Đức

nguoidothi.vn

Không có nhận xét nào: