Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

Đạo lý trong “địa phương chí” Cao Thị Hoàng (Kỳ 2)


 Kết quả hình ảnh cho sông nước nam bộ



Đạo lý trong “địa phương chí” Cao Thị Hoàng (Kỳ 2)
 (Tiếp theo kỳ trước)

Dẫn tàn quân rút về Chùa Nổi. Giữa giây phút thập tử nhất sinh, nhờ tiếng chuông Chùa Nổi, bất ngờ Nhện Chúa được cứu sống. CTH viết:
“…Nhện Chúa dẫn tàn quân chạy thục mạng về Chùa Nổi. Vua Bọ Cạp thừa thắng xông tới, quyết truy đuổi tới cùng. Tự dưng Vua Bọ Cạp và đoàn quân khựng lại, tất cả tiêu tan nhuệ khí chích độc vào kẻ thù khi nghe tiếng chuông chùa ngân nga từ Gò Nổi vọng tới. Nhờ vậy, Nhện Chúa chạy qua cổng chùa và ẩn mình ở góc mái hậu viên. Vua Bọ Cạp định vào chùa, chợt thấy tượng Quán Thế Âm Bồ Tát đang đứng trên tòa sen, tay rưới nước Cam Lồ cứu nạn cứu khổ. Vua Bọ Cạp kinh sợ, cùng đoàn hùng binh hung hãn lặng lẽ rút lui qua ngõ Gò Ớt…”
Qua phân đoạn ngắn này, người đọc cảm nhận được chủ tâm của CTH nói về ảnh hưởng của giáo lý Phật giáo - - Một trong những truyền thống văn hóa lâu đời của nếp sống tinh thần người Việt.
Tác giả cho thấy, tính chất siêu hình của niềm tin tôn giáo, cách gì, cuối cùng cũng thắng được cái ác. Dù cho cái ác đó, có là bản năng tiên thiên ở một số sinh vật…
Từ đường dẫn vừa kể, CTH đưa người đọc tới phần kết của bài viết. Một bài viết mang tính chất địa dư chí, nhưng lại phối hợp được một cách tự nhiên đời sống của loài nhện, côn trùng phổ cập, quen thuộc với hầu hết mọi địa phương, khí hậu và, tính hướng thiện…(cũng là một trong những căn tính thiên - lương của con người… nhất là với những người dân miền Nam mộc mạc, chất phác)…
Tác giả mượn lời Sư trụ trì, “khai thị” cho chú tiểu về bản năng “hiếu sát… dù với một sinh vật nhỏ bé như con nhện…
“Lời khai thị” của Sư trụ trì, không chỉ khiến chú tiểu “bừng tỉnh” mà, ngay Nhện Chúa cũng:
 “…Kinh hãi nhận ra rằng thiện và ác, sinh và tử, tốt và xấu…chỉ cách nhau có một cái quay đầu. Bất giác, Nhện Chúa thấy cái Vô Thường của kiếp Nhện mong manh, đối lập hẳn với cái Thường Hằng của luật Nhân Qủa như một món quà Trời ban cho chúng sanh. Rồi, nhện phát tâm muốn cúng dường thân tứ đại cho chúng sanh để làm bài thuốc cứu khổ mọi loài…”
Tới đây, kịch bản phim truyện của CTH chuyển biến nhanh tựa một sát na (đơn vị căn bản đo thời gian theo giáo lý đạo Phật):
“- Bạch Tổ! Đệ tử xin cúng dường sanh mạng này…
“Nhanh như chớp, Nhện Chúa từ tay áo Sư phóng thẳng sang ngọn bạch lạp đang thắp sáng cúng dường trên bàn Phật."
Với tôi, tác giả không chỉ cho thấy sự thấm hiểu lẽ đạo nhuần nhuyễn (ứng dụng vào bản văn, như một phản xạ tự nhiên) mà, hiển nhiên, tác giả còn muốn truyền cho người đọc thông điệp về ý nghĩa thực sự, cuối cùng của một kiếp đời, không có gì đáng kể hơn những hy sinh, đem hữu ích đến cho người khác!.!
Chưa hết, ở những dòng cuối của tiểu phẩm “Nhện chúa ở hậu liêu Chùa Nổi”, CTH đã không quên đưa mạch văn của mình, trở lại với khung nền “địa phương chí” và, sự hiểu biết sâu rộng của tác giả về các bài thuốc gia truyền, môn thuốc dân tộc - - Một lãnh vực mà, không phải nhà văn, nhà báo hoặc chuyên viên nghiên cứu nào, cũng có thể có được.
Tác giả viết:
“Dưới ánh bạch lạp lung linh, nơi chánh điện Chùa Nổi, Nhện Chúa thắp sáng tình thương của Bồ Tát. Lấy thân mình làm thứ thần dược cho con người. Từ đó, người trong vùng và nghĩa quân Đốc Binh Kiều biết lấy màng tơ nhện trị: vết thương, chảy máu, thổ huyết… biết dùng thân thể nhện trị: Sa tinh hoàn, sâu răng, trúng gió méo miệng, đái dầm, viêm amydal, trẻ em kinh giựt, nha cam tẩu mã và các vết thương do côn trùng cắn…
“Đại Hồng Chung Chùa Nổi theo gió chiều quê, ngân nga khắp miền sông nước Phương Nam: Nhắc nhở lòng thành Nhện Chúa đối với nhân gian, nhắc nhở con người mang nợ chúng sinh!” 
(Kỳ sau: Tính nhân bản trong “địa phương chí” Cao Thị Hoàng)

14 Tháng Sáu 2016
Du Tử Lê

Nguồn : dutule.com

Không có nhận xét nào: