Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Cao Thị Hoàng, người bạn đồng hành với côn trùng sông nước miền Nam.(Kỳ 01)

Kết quả hình ảnh cho sông nước miền tây nam bộ
Lời giới thiệu:
Kể từ hôm nay, trang blog sẽ trích đăng lại những bài viết của Du Tử Lê trên trang dutule.com về tác giả Cao Thị Hoàng - một tác giả văn xuôi mới xuất hiện với giọng văn khác lạ và rất ấn tượng, đậm chất Nam bộ.
Xin phép anh Du Tử Lê được trích đăng lại và thành thật cám ơn trang dutule.com
THT




Cao Thị Hoàng, người bạn đồng hành với côn trùng sông nước miền Nam.(Kỳ 01)

Sự ra đời của những tác phẩm có tên “Dư địa chí” hay “Địa dư chí”, có dễ là một trong những lãnh vực biên khảo mang tính hiện thực xã hội sớm sủa nhất của lịch sử văn xuôi Việt Nam.

Theo Tự điển bách khoa toàn thư – Mở thì, người đầu tiên khai phá thể loại văn xuôi “Địa dư chí” là danh sĩ Ức Trai / Nguyễn Trãi, nhà Hậu Lê; tác giả của tác phẩm “Dư Địa Chí”, biên soạn năm 1435, theo yêu cầu của vua Lê Thái Tông.

Về tác phẩm “Địa dư chí” đầu tiên này, Wikipedia-Mở ghi nhận như sau:

“Cuốn sách viết bằng chữ Hán, ghi chép sơ lược về địa lý hành chính và tự nhiên của Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử.

“Căn cứ mục 1 trong Dư địa chí thì tác phẩm được làm vào năm 1435, đồng thời cũng đã xác định bờ cõi nước Đại Việt lúc bấy giờ. Tác giả viết:

“ ‘ Năm thứ hai niên hiệu Thiệu Bình (1935, đời vua Lê Thánh Tông), đức giáo hóa của nhà vua đã lan xa đến bốn chung quanh, các nước chu hầu đều đến triều cống. Hành khiển là Lê Trãi (vốn họ Nguyễn, năm 1428, được ban quốc tính họ Lê) bèn làm sách Dư địa chí tiến lên vua”.

“Và nói rằng:

“ ‘Nước ta mới mở gồm có sông núi, phía đông giáp biển, phía tây đến nước Thục, phía đông đến Chiêm Thành, phía bắc có hồ Động Đình…”

Sau này, các tỉnh, thành thường có một cuốn “Địa phương chí” ghi lại nguồn gốc, ranh giới cùng những nét đặc thù về đất đai, thiên nhiên, văn hóa, phong tục… và, những đặc tính riêng của địa phương đó.

Tuy nhiên, dù tác phẩm là công trình biên soạn của một hay nhiều người, thì cũng không hề nói tới thế giới sinh vật-côn trùng có ở địa phương ấy. Nói cách khác, cá nhân tôi chưa từng được đọc một bài viết nào đào sâu vào sinh hoạt của thế giới sinh vật, nhất là côn trùng trong thế giới cộng-sinh của đất nước Việt Nam.

Mãi gần đây, bất ngờ, nhà văn Cao Thị Hoàng (CTH) đã mở rộng cánh cửa cho người đọc bước sâu vào thế giới sinh vật - côn trùng của đất nước; đặc biệt là sông nước miền Nam, bát ngát. (1)

Qua những bài viết được đọc, với tôi, CTH không chỉ là một nhà văn của những trang “địa dư chí”, uyên bác như một nhà côn-trùng-học mà, kiến thức của CTH còn phong phú, giàu có ở cả khía cạnh lịch sử, truyền thuyết, ca dao, tôn giáo, văn học nữa…

Thí dụ bài viết tựa đề “Nhện chúa ở hậu liêu chùa Nổi”, nếu CTH không viết xuống, cá nhân tôi sẽ vĩnh viễn không thể biết nguồn gốc Chùa Nổi ở đâu? Vùng đất này đã trải qua những giai đoạn đặc biệt nào dọc theo lịch sử đã có trên 200 năm thăng, trầm của phần đất miền Nam xa xôi này. Đồng thời, tôi cũng không được biết sinh hoạt truyền giống của loài nhện - - một sinh vật quen thuộc, có mặt khắp mọi nơi trong đời thường; cũng như trong ca dao của Việt Nam.

.

Mở vào bài viết của mình, sau khi xác định địa giới của Cánh đồng Tuyên Bình, CTH mượn truyền thuyết Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, để giải thích nguồn gốc “Chùa Nổi” như sau:

“… Tương truyền rằng, quân Tây Sơn truy đuổi và dồn Nguyễn Ánh vào bước đường cùng nơi bờ bắc Sông Vàm Cỏ Tây. Nguyễn Ánh ngửa mặt lên trời than: “Ta đành gửi mạng nơi nầy!”. Bỗng một con cá sấu to kềnh từ dưới nước trồi lên, đưa lưng cõng Nguyễn Ánh vượt sông lẩn trốn vào Gò Nổi. Đương quang đãng, trời tối sầm; một trận cuồng phong dậy sóng, ngăn quân Tây Sơn truy sát. Sau khi thoát nạn, Nguyễn Ánh cho cất ngôi chùa trên nền Gò Nổi, dân sở tại và khách thập phương gọi là Chùa Nổi!” (2)

Để rồi ngay sau đó, CTH đã giới thiệu hai “nhân vật chính”: Nhện chúa, và kẻ thù không đội trời chung, “Bọ cạp chúa”một cách ngắn, gọn, bằng thủ pháp nhân cách hóa:

“… Nhện Chúa cùng bầy đàn không có bản địa riêng, không có quê hương; Đất lành chim đậu. Vì, không có bản địa riêng nên Nhện Chúa chẳng lao tâm khổ tứ trong việc chống giữ, được mất. Tưởng vậy là ngon cơm, nào ngờ trời chơi nghiệt, dựng kẻ thù bất cộng đái thiên của Nhện Chúa là Vua Bọ Cạp. Nhiều trận chiến sinh tử đã xảy ra giữ Nhện Chúa và Vua Bọ Cạp trên vùng đất Gò Hàn, vùng đất có một thời rực rỡ nền văn hóa Ốc Eo. Mỗi lần thua, Nhện Chúa lui dần về phía Gò Nổi…”

Tuy phe “Nhện chúa” nhiều lần thất thế trước phe “Bọ cạp chúa”, nhưng cũng như con người, dù ở trường hợp nào thì, nhu cầu sinh tồn, truyền giống vẫn không thể lãng quên. Do đấy, ở phân đoạn 2 của truyện, CTH đã đẩy mạch văn của mình, (như những tơ nhện) qua sinh hoạt truyền giống giữa nhện chúa và Tướng quân nhện đực:

“… Men theo dây tơ khung, Nhện Chúa bất chợt nhìn bộ phận sinh dục của mình và của tướng quân nhện đực, cùng phát sáng huỳnh quang dưới ánh nắng buổi trưa. Lòng Nhện Chúa rạo rực, quên hết phiền não thua trận. Tướng quân chẳng kém gì Nhện Chúa, cơn động tình khiến chàng dang chưn, ưỡn bụng, giương và rung vòi... như ngầm tâu rằng: Bẩm Chúa, bề tôi sẵn sàng! Nhện Chúa không vội gì vào ngay cuộc mây mưa, nàng mở khúc dạo đầu ân ái: Chìa bụng lắc qua lắc lại; cong chưn như múa...Chàng chịu hết siết, bốn cái ngàm hai bên miệng miết vào nàng, bốn cặp chưn hai bên đầu ngực bám quíu nhau, vừa híp vừa mở theo nhịp đưa và đẩy của chàng và nàng. Thời gian như chết trong cơn mê tình dục. Khoảnh khắc thăng hoa tràn đến, chàng còn đủ tỉnh táo sử dụng chiêu thức tuyệt kỹ: Tháo chạy, của quí ở lại! Nếu không muốn bị ăn thịt.

“Của quí chàng tách ra để lại nàng, nó có phận sự tiếp tục làm tình và bắn tinh vào lỗ sinh dục nàng như chàng đương giao phối.

“Tướng quân nhện đực sống sót sau cuộc ái ân với Nhện Chúa. Cả đàn nhện chúc mừng và vui ra mặt. Bởi mất Tướng quân, cậy ai chống đỡ sự tàn sát của Bọ Cạp.

(kỳ sau tiếp)

_______

Chú thích:

(1) Cách đây hơn một năm, chúng tôi nhận được bài viết thứ nhất (và nhiều bài sau đó), của một người ký tên Cao Thị Hoàng - - Viết về thế giới sinh vật - côn trùng. Vì nội dung đặc biệt của những bài viết có tính… địa dư chí của Cao Thị Hoàng, nên chúng tôi rất muốn liên lạc với tác giả… Nhưng, bất khả. Vì tác giả không ghi lại cho chúng tôi địa chỉ Email hoặc số điện thoại!

Cuối năm 2015, nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, viếng thăm bằng hữu ở miền nam Cali. Bằng vào tình thân riêng, ông tiết lộ cho chúng tôi biết Cao Thị Hoàng, là bút hiệu của nhà văn TBĐ.

Dù sẽ mãi ghi nhớ thiện ý của bạn, nhưng không vì thế mà, chúng tôi cho phép mình tự tiện đổi tên tác giả Cao Thị Hoàng, thành một tên khác! Trừ phi chúng tôi có được sự xác nhận chính thức của nhà văn TBĐ…

(2) Tất cả những trích đoạn của nhà văn Cao Thị Hoàng, trong loạt bài này vẫn được lưu trữ trên Web-site dutule.com; cũng như trên Tự điển bách khoa toàn thư – Mở (Wikipedia), ngay sau khi chúng tôi đăng tải.



04 Tháng Sáu 2016

Không có nhận xét nào: