Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Cao Thị Hoàng - Con cá bống kèo miền quê ngoại (Kỳ 04)


 Kết quả hình ảnh cho song nuoc mien tay


Cao Thị Hoàng - Con cá bống kèo miền quê ngoại (Kỳ 04)
 (Tiếp theo kỳ trước)

Cao Thị Hoàng tiếp tục gửi tới bạn đọc những gì, tuồng như có sẵn trong kho kiến thức cực kỳ phong phú. Nhưng với bài “Con cá bống kèo miền quê ngoại”, tác giả đã cho thấy mức độ giầu có của mình ở lãnh vực ca dao Nam bộ, nhiều hơn bất cứ một bài viết nào khác. Những câu ca dao đồng quê, không phải ai cũng biết (dù ở tuổi nào, trình độ nào).
Mở đầu với hai câu ca dao, được chọn làm phụ đề:
“Cá kèo mà gặp mắm tươi
Như nơi đất khách gặp người cố tri”
Tác giả đã dẫn người đọc hòa nhập vào “câu hò tình tứ trong đêm thanh vắng”:
“Ghe ai đỏ mũi, trảng lườn
Phải ghe Cần Đước xuống vườn thăm em”
Rồi:
“Người khôn ăn nói nửa chừng
Để cho thằng dại nửa mừng nửa lo”
Hoặc:
“Trăm con cá ngựa ngoài khơi
Không bằng cục nhớt bám nơi lưng Kèo”
Cũng với tiểu phẩm “Con cá bống kèo miền quê ngoại”, trong một đoản  văn, Cao Thị Hoàng khéo léo đề cập đến nhiều lãnh vực khác nhau. Từ địa phương chí, lịch sử kháng chiến chống Pháp, tới văn học và, đóng góp thiết thực của cá bống kèo, khi viết:

 “… Bầy cá bống kèo hãnh diện về quê ngoại Long Hựu của mình. 
Long Hựu là cù lao, cách ngăn huyện lỵ Cần Đước bởi con kinh Nước Mặn do thực dân Pháp đào, khi bình định xong Nam Kỳ lục tỉnh. Long Hựu từng giữ vai trò căn cứ hậu cần của nghĩa quân Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định, từng đóng góp sức người sức của vào đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu (*) đánh đồn Cần Giuộc, giết một số lính Tây và trừng trị tên Tri huyện sở tại. Tuần phủ Gia định Đỗ Quang thời bấy giờ, đã đích thân yêu cầu cụ Nguyễn Đình Chiểu viết ''Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc'', một áng văn bất hủ làm rung động lòng người: 
"Ôi!

Một trận khói tan
Nghìn năm tiết rỡ
...
Đau đớn mấy, mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều.
Não nùng thay, vợ yếu chạy tìm chồng, con bóng xế dật dờ trước ngõ
...
Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân.
Cây nhang nghĩa khí thắp nên thơm, cảm bởi một câu vương thổ."

(trích''Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc'')

“Công bằng mà nói, loài cá bống kèo Long Hựu đã tự nguyện biến đời mình thành con khô, con mắm ... làm thực phẩm dự trữ nuôi bạn nghèo, nuôi nghĩa quân những lúc khó khăn cái ăn…” 

Và, rất ý nghĩa khi qua lời kể của “Mẹ cá bống kèo” (hay Mẹ Việt Nam?) lịch sử của vùng đất nổi tiếng trong sử Việt, được nhắc lại, kèm theo ẩn dụ: Kể chuyện xưa, cảnh báo chuyện nay:

“Nói gì thì nói, tận đáy lòng mẹ cá bống kèo vẫn coi Long Hựu là quê ngoại yêu dấu của mình. Mẹ chứng kiến bao cuộc biển dâu trên vùng đất nghèo khó và đau khổ nầy. Mẹ khóc hết nước mắt, khi nhìn thấy từng bầy con chết ngạt vì những vết dầu loang trên mặt nước, do tàu chiến xâm lược Pháp đổ ra. Rồi mẹ và các con ngơ ngác, thao thức khi chúng xây pháo đài Rạch Cát (**) ở xóm Minh Long nhằm án ngữ sông Vàm Cỏ, sông Rạch Cát đổ ra sông Soài Rạp. Dòng chữ ghi ở cổng ''Ouvreges du Rach Cat 1910'' như thách thức và khẳng định sự hiện hữu của chúng…”

Là nhà văn có khả năng làm chủ mọi xung động tình cảm; kể cả niềm hãnh diện tổ quốc hay, tinh thần dân tộc… Cao Thị Hoàng đã dễ dàng trở lại với tâm bão của bài viết:   

“Xưa nay, dân bản xứ thắng quân xâm lược cũng nhiều. Thực dân Pháp, không tránh khỏi quy luật ngàn đời đó. Con cá bống kèo trở lại cuộc sống ên bình trên triền sông, bãi bồi Rạch Cát; trên ruộng lúa Long Hựu. Cá bống kèo đào hang khắp nơi muôn chốn, từng bầy rượt đuổi nhau bùn sình bắn tung tóe. Điệp trùng quân ngũ những cái đầu nhom nhom như hàng vạn trái mù u trôi thành giề theo dòng nước. Những chủ đáy thúc thủ và bất lực trước lực lượng hằng hà sa số kể cá bống kèo tranh nhau chui vào đáy. Sợ bễ đáy, rách lưới; chủ đáy đành xả đáy. Đêm đêm cá bống kèo nhảy soi sói theo ánh đèn dầu trai thay dầu lửa, chỉ nửa canh giờ cũng đủ nồi cháo cá bống kèo đặc quẹo và béo ngậy, năm bảy người ăn thừa mứa. Ruộng cấy lúa mùa chín vàng rỏ nước khô đồng, một vũng nước sềnh sệt có hàng chục con cá bống kèo nằm chồng lên nhau quấn quýt, thò lỏ mắt nhìn trời tháng giêng mây trắng. 
Mẹ cá bống kèo thường nhỏ to than thở với còng, cua, cá...chòm xóm chung quanh: Thiên nhiên ưu đãi con người, nhưng con người phụ bạc thiên nhiên. Có khi, nhẫn tâm hơn thế nữa! Cá bống kèo là món ăn của dân nghèo trắng tay cháy túi; bọn trọc phú, kẻ bề trên, dễ mấy ai thò tay thọc đũa thịt cá bống kèo. Người ta bắt cá bống kèo giạ nầy qua giạ khác, ủ phân trồng dưa hấu xanh da, đỏ ruột cát để lâu không đổ ruột hư thúi. Nỗi tiếng một thời: Dưa hấu Long Hựu, Long Trì... 
Sau mùa về biển lấy nhau và sinh đẻ, cá bống kèo quay trở lại đất cũ. Nó lặng ngắm giang sơn đổi mới, nó tự hào nhà trăm cột của phú hộ Hương sư Trần Văn Hoa, cất trên đất Cầu Ngang làng Long Hựu đầu thế kỷ 20. Nó phấn kích khi nghe bạn thương hồ đi ghe qua sông Rạch Cát, bất chợt hò câu hò tình tứ trong đêm thanh vắng: Ghe ai đỏ mũi, trảng lườn / Phải ghe Cần Đước xuống vườn thăm em? Nó phấn kích cũng phải thôi, bởi Long Hựu từ rất lâu nổi tiếng đóng các loại ghe xuồng - đặc biệt đóng ghe bầu - khắp vùng sông nước Nam Bộ. Thời gian bào mòn thế sự, vật đổi thì sao dời. Long Hựu tách ra làm hai: Long Hựu Đông, Long Hựu Tây. Nói cho vui, nếu Long Hựu Đông có nhà trăm cột, có Đồn Rạch Cát trên trăm năm, thì Long Hựu Tây có tay nghề tài hoa đóng ghe bầu tuyệt kỹ. Đôi mắt ở mũi ghe toát ra thần lực, khiến các loài thủy quái, hà bá...miền sông biển khiếp sợ mỗi khi nhìn thấy. 
Đối với con cá bống kèo, Long Hựu Đông hay Tây thì cũng chỉ là một Long Hựu mến yêu, một miền đất hứa của riêng mình.”

Ngoài tư cách nhà văn, tôi không biết Cao Thị Hoàng có còn là một nhà thơ? Chỉ thấy rằng, trong bất cứ bản văn mang tính địa dư chí nào, tác giả cũng có những đoạn văn tả cảnh nhiều thi tính. Cũng thế, trong “Con cá bống kèo miền quê ngoại” là:
“Long Hựu vào mùa gió chướng. 
Những cây so đũa nở bông trắng xóa trong vườn, những dây đậu rồng đậu trái xanh mượt đang cố leo qua tường đất bỏ hoang. Mùa gió chướng nhắc nhở mùa hội cá bống kèo. Có bông so đũa, có trái đậu rồng xắt liễn, có từng khoanh ớt sừng trâu mỏng xéo... hòa tan cùng me hoặc lá giang hay cơm mẽ…”

Hoặc:
“…Câu chuyện mẹ kể đã dứt từ lâu, bầy con vẫn còn đắm chìm trong suy nghĩ giữa tiếng pháo gầm xa theo con nước lớn.

(…)

“Tháng tư quê ngoại trời mưa sa giông 
Nhớ hôm ra đi, mẹ tần ngần dưới ánh nắng chiều phôi phai tràn mặt sông Rạch Cát, lòng mẹ hòa tan theo từng lọn đất phù sa và lón nước lợ vùng hạ khó nghèo…”
(Kỳ sau tiếp)
_______
Chú thích:
(*) Ngày 16.12.1861 (có sách ghi ngày 14.12.1861) (Chú thích của  CTH.)

(**) Còn gọi Đồn Rạch Cốc, khởi công xây 1903 và khánh thành 1910) (Chú thích của CTH.)

17 Tháng Bảy 2016
Du Tử Lê

Không có nhận xét nào: