Địa-Phương-chí-Cao-Thị-Hoàng, lòng biết ơn của tôi.
(Kỳ 05)
(Tiếp theo và hết)
Vẫn phong cách của một người viết
“địa phương chí” ngoại hạng, bài “Con cá bống kèo vùng quê ngoại”
của CTH, với tôi, có dễ là bài viết mang nhiều tính ẩn dụ nhất, trong số những
bài viết đặc biệt của tác gỉa này.
Mở vào phân đoạn 3 chuyện “Con cá
bống kèo vùng quê ngoại” vẫn là một đoạn văn chan chứa thi tính, pha lẫn
chút văn chương dân giã:
“Long Hựu vào mùa gió chướng.
“Những cây so đũa nở bông trắng xóa
trong vườn, những dây đậu rồng đậu trái xanh mượt đang cố leo qua tường đất
bỏ hoang. Mùa gió chướng nhắc nhở mùa hội cá bống kèo. Có bông so đũa, có
trái đậu rồng xắt liễn, có từng khoanh ớt sừng trâu mỏng xéo... hòa tan cùng me
hoặc lá giang hay cơm mẽ... là chắc mẩm ba bó một giạ rằng mình, có nồi canh
chua cá bống kèo quê nhà vừa nóng hổi, vừa thổi, vừa húp hít hà...giữa những
ngày cuối thu đầu đông, mát trời ông địa!”
Để rồi mỗi đoạn văn kế tiếp là một
ẩn dụ được xây dựng trên tinh thần dân tộc, bản chất tự cường của người Việt…
qua những sự kiện thực tế của giai đoạn nhiễu nhương nhất của lịch sử hiện đại,
CTH viết:
“… Mẹ con cá bống kèo tận lực
đào hang thật sâu để tránh đạn pháo từ chi khu Cần Đước bắn xuống, từ Hạm Đội
ngoài biển bắn vào. Mấy đứa con thắc mắc, hỏi mẹ:
- Cái xứ Long Hựu có gì mà mình phải
bám miết vậy mẹ? Sao không bỏ đi quách cho rồi?
“Mẹ vừa lấy đuôi soi lỗ, vừa lấy
miệng cạp đất đổ ra ngoài.
“- Ở đâu quen đó. Đến nơi lạ chẳng
dễ gì. Vả lại, chiến tranh thì chỗ nào cũng chiến tranh. Tránh vỏ
dưa, trợt vỏ dừa, chớ được gì đâu.
“Sống chết có số và trời kêu ai nấy
dạ biết sao?
“Mẹ nói vậy là cố giấu bầy con biết
vết thương lòng của dòng họ kèo, vết thương dai dẵng và luôn chực chờ rướm máu
nếu ai đó vô tình chạm phải.
“Lúc mẹ tròn năm tháng tuổi - cái
tuổi bước vào ngưỡng xuân thì phơi phới - tình cờ mẹ nghe lén câu
chuyện giữa ông ngoại với bà ngoại về nỗi đau của dòng họ cá bống kèo.
“Rừng ngặp mặn do thiên nhiên
ban tặng chúng sinh trải dài theo bờ biển từ khu rừng Sát đến mũi Cà Mau: Cây
mắm, cây đước, cây sú vẹt, cây bần, cây tràm...đua nhau mọc lên chắn sóng giữ
đất. Muôn loài thủy sinh mặn lợ đoàn kết tình thương mến thương sinh sôi nẩy
nở. Trời đất sinh ra hai dòng cá bóng kèo. Dòng anh vây lớn, dòng em vây nhỏ;
cùng sống theo tinh thần chị ngã em nâng, nhưng tính khí anh em hoàn toàn khác
nhau. Anh say sức mạnh, lúc nào cũng muốn chứng tỏ đẳng cấp của mình qua cái
vây lớn cơ bắp. Ngược lại, em thích tung tăng bôi lội tự do trong miền đất
được sống, yêu thương và giúp đỡ mọi loài. Phúc chung dòng, họa khác giống!”
“Rồi một đêm đất tối trời mù,
anh bỏ xứ Long Hựu nước mặn đồng chua đi giang hồ phiêu bạt. Em ở lại chốn quê
chí thú mần ăn, sống cùng cái cực cái nghèo, bám đất giữ nước.
“Trong chốn giang hồ gió tanh mưa
máu, anh thần phục loài Cá Ngựa sống biển khơi; nhận Cá Ngựa làm Sư phụ, tình
nguyện làm thân khuyển mã hầu mong Sư phụ đoái thương truyền thụ bí kiếp thần
thông, để mai kia mốt nọ qui cố hương múa gậy vườn hoang khoe tài trí
hơn người, hô phong hoán vũ giựt le và mần cha thiên hạ. Cá Ngựa cũng
chẳng phải tay tầm thường. Nó biết tỏng tòng tong lỗ đít cá bống kèo vây lớn lỗ
đít mấy khía, biết tâm địa muốn gì; nhưng nó giả đò khù khờ không biết. Cái đó,
người đời thường bảo: Người khôn ăn nói nửa chừng / Để cho thằng dại nửa mừng
nửa lo.”
Từ những đặc tính riêng của loài cá
này (mà đa phần chúng ta không hề biết), CTH mượn lời “trưởng thượng” là ông,
bà ngoại bày cá này, để lai tỉnh nhân tâm, bằng những đối thoại dưới đây:
“… Tiếng bà ngoại tằng hắng có vẻ
tức tối, hỏi ông ngoại:
“- Bọn Cá Ngựa có phù phép gì ghê
gớm, khiến anh cá bống kèo vây lớn nhà ta khiếp sợ phải quỵ lụy nhục nhã như
vậy?
“Ông ngoại cười ngất:
“- Qua sông phải lụy lấy đò.
Người cao vì ta cúi xuống. Ngựa - kể cả ngựa Xích Thố - còn chưa sợ,
mắc mớ chi sợ Cá Ngựa?
“Ông ngoại ngưng một lát, rồi nói
tiếp:
“- Có điều, đôi mắt Cá Ngựa
nhô cao di động, thừa khả năng nhìn thấy kẻ thù hoặc con mồi mà không
cần di chuyển. Với một cái vòi dài để mút con mồi nếu như nó muốn, một cái đuôi
dài để giữ thăng bằng và bảo vệ mình khi gặp luồng nước dữ. Có lẽ, anh cá bống
kèo vây lớn mê là mê cái chỗ nầy!
“Có tiếng hớp nước của bà ngoại và
giọng trầm đầy ái ngại:
“- Nếu quả thực anh cá bống kèo vây
lớn mê đôi mắt nhô cao di động, cái vòi và cái đuôi dài... chẳng hiểu
anh có biết rằng, được những ngữ đó, Cá Ngựa trải qua một đời sống kỳ quặc
chẳng giống ai: Cá Ngựa cái đẻ trứng vào túi ấp của Cá Ngựa đực và Cá Ngựa đực
ấp trứng từ hai đến ba tuần thì trứng nở con. Cá Ngựa con chui ra như
Cá Ngựa đực đẻ. Đeo đuổi cái không thể sẽ rước họa vào thân, học cái không nên
sẽ hại dòng tộc chủng loài.
“Rồi bà ngoại quả quyết:
“- Cá Ngựa hoặc Cá Bống Kèo, cá nào
cũng là cá. Biết cá nào hơn cá nào mà tầm sư học đạo? Đã thân phận cá ắt im
lặng và cá sẽ đưa đến hệ quả thắng thua. Thắng thua từ cá,thì có nghĩa lý
gì trong cái man man trời đất chúng sinh? Người nợ chúng sinh, chớ chưa chắc
chúng sinh nợ người!”
Khoan nói tới khía cạnh những “thông
điệp” mà tác giả muốn gửi tới người đọc như: Hãy “tự lực, tự cường”, đừng cầu lụy
ngoại nhân, quay về với tinh truyền thống “anh em một nhà” thì, chỉ với những
hiểu biết cặn kẽ của CTH về cách thức truyền giống của loài cá ngựa, cũng đã đủ
thỏa mãn bản chất tò mò của độc giả!
Nhưng “thông điệp” CTH muốn gửi tới
người đọc của mình, không dừng ở đó. Càng bước về phần cuối chuyện, độc giả
không cần phải động não, cũng thấy ngay sự khác biệt giữa ý niệm thiện / ác;
luân lý và phi luân; Nhân bản và vong thân…
Thác lời “cá bống kèo”, CTH nhấn
mạnh:
“… Trong bầy con của mẹ, không phải
đứa nào cũng đồng ý với mẹ nhịn nhục ra đi. Có đứa muốn một trận sống mái cho
ra ngô ra khoai. Có đứa nói nó ít, ta nhiều và sợ chi cái lũ cá ngựa chống lưng
bọn cá bống kèo vây lớn. Có đứa bậm trợn và bức xúc hơn: ‘Sao mình không cậy
nhờ lực lượng cá thòi lòi, lươn, chình, chạch... hình thành liên minh chống bọn
chúng, giữ lãnh địa sinh sống lâu đời’. Hiểu nỗi lòng của các con, mẹ nói: “Ích
kỷ, lợi quyền gây thù hận, sẽ đau khổ và khó khăn khi hòa giải”. Rồi mẹ khuyên
nhủ các con như khuyên nhủ chính mình: ‘Đừng để ngày sau thiên hạ ghi câu
cõng rắn cắn gà nhà trong lịch sử cá bống kèo vây nhỏ’!
“Mọi chuyện tưởng rằng yên, nhưng
lại không yên; rõ là do đức cạn trí nông và thấy một ly nhích đi một dặm của
Trưởng lão cá bống kèo vây lớn, lần hồi đẩy giống nòi rơi vào đại họa diệt
chủng.
“Thu tóm xong lãnh địa của cá bống
kèo vây nhỏ, Trưởng lão trở thành lãnh chúa và tự cho mình có quyền năng vô
hạn. Lão dối trá và khoát lác rằng: ‘Sư phụ cá ngựa có sức mạnh tình dục vô
địch, còn lão và dòng tộc thì trong cơ thể chứa hàm lượng đạm tinh
khôi thiên nhiên vô tận’. Lời nổ rân trời lan rất xa và đến tai con người.
Gặp lúc gạo châu củi quế, kinh tế bao cấp khó khăn, con người ùn ùn đổ xô nhau
truy tìm và đánh bắt cá ngựa ngâm rượu làm thuốc, bán cho những kẻ suy yếu cái
đứng hàng thứ ba trong tứ khoái. Rồi rừng ngập mặn bị tàn phá, các loài thủy
sản ven bờ cạn kiệt, các ao nhân tạo nuôi tôm sú mọc lên như nấm, con cá bống
kèo bất luận vây lớn hoặc vây nhỏ đều vơi dần,vơi dần theo thói háo ăn sạch
sành sanh của con người. Lớp ăn, lớp phá, của trời nào chịu thấu; nói chi đến
của chùa!
“Về nương náo ở vàm kinh Nước Mặn
riết rồi cũng quen nước quen cái, tàu ghe qua lại chạy rần rất suốt ngày đêm,
mẹ con cá bống kèo vây nhỏ sống tạm ổn. Trong lúc đó, miền đất quê ngoại Long
Hưụ bắt đầu khai hoang phục hóa, chuyển vụ nuôi trồng; Trưởng lão
cùng dòng tộc cá bống kèo vây lớn bị người bắt giết gần hết và không còn đất
dung thân. Mẹ cầm lòng chẳng đặng, bắn tin đến Trưởng lão: ‘Mẹ sẵn sàng đùm
bọc, bởi nhiễu điều phủ lấy giá gương...’, bài học đầu đời mẹ từng thuộc khi
mới lớn. Hôm trùng phùng với Trưởng lão ở doi đất bồi, mẹ lờ đi chuyện cũ không
vui, mà chỉ nói:
“- Con vật nếu có
ác, thì cùng lắm chỉ ác do bản năng; nhất thời, cấu xé
ăn thị nhau rồi thôi. Con người ác, chẳng những ác do bản năng mà còn
ác do trí khôn; không những ác nhất thời mà còn ác lâu dài, hỗ trợ bởi mưu ma
chước quỷ. Người đối với người còn lạnh lùng vô cảm, huống chi đối với loài vật
chúng ta..”.
Đó là trích đoạn ở phân đoạn 4 của
chuyện “Con cá bống kèo vùng quê ngoại”. Ở phân đoạn này, CTH cũng
ghi lại cảnh những con cá bống kèo thấy một cô gái bị chen lấn rớt xuống dòng
kinh. Mọi người đứng nhìn! Cuối cùng một ông già phải nhảy xuống nước, cứu mạng
cô gái. Tác giả ghi lại, như một thí dụ điển hình về tính vô cảm của hiện thực
xã hội hôm nay:
“…Nỗi buồn của người nầy, lại là
niềm vui của kẻ khác. Tiếng khóc của sự khổ đau mất mát, lại là trận cười hả hê
được của. Con chim ngừng tiếng hót khi đồng loại gặp tai ương. Con người tiền
thầy bỏ túi, mặc đồng loại đói cơm thiếu áo. Trưởng lão thấm thía cho
cái nhân tình thế thái - mà thật ra, cái nhân tình thế thái nó tùy thuộc vào
cái hình thái xã hội cũng nên. Khó nói lắm! Định mệnh chưa hẳn, mầu nhiệm trong
tay Thiên Chúa chắc đâu?”
Trước khi ra khỏi chuyện “Con
cá bống kèo vùng quê ngoại” ở phân đoạn 5, áp chót, CTH trở lại với
một trong những thao thức, khắc khoải, âu lo của mình là: Mối ưu tư đau đáu về
tương quan máu / thịt giữa con người và thiên nhiên, về bản năng hay thú tính
của con người, khi nhấn mạnh:
“… Long Hựu bây giờ dẫu có bỏ
công đi tìm đỏ con mắt, cũng không dễ gì gặp con cá bống kèo thiên nhiên.
Ngần ấy năm thôi, con người tàn phá và xoay chuyển môi trường sinh thái biến
đổi chóng mặt và ngợp thở. Cái ăn và thức uống thời hiện đại, đã khéo léo và
len lỏi từng bước thống lĩnh cái miệng của mỗi con người trong gia đình, nhất
là những người trẻ.
“Cá bống kèo nuôi thường tự sự nhau
rằng: Tiên hiền thuở trước bị con người coi rẻ mạt, người giàu sang quyền thế
có bao giờ chấm mút món cá bống kèo? Hạng dân cùng đinh, manh lệ, từng bị liệt
vào hạng cá kèo. Dân nghèo đi coi hát, đi coi đá bóng...đi...tất tất đều bị
liệt vào cái hạng cá kèo! Nghĩ tội cho ông bà ông vải nhà kèo!
Nay thì cuộc đổi đời đã khác, tụi mình được người giàu sang quyền thế
tôn vinh Minh chủ đệ nhất thực trong cái rừng ẩm thực hồ lốn của con
người.
“Nghiệt nỗi, cá bống kèo do con
người nuôi thì mần sao sánh được sinh khí đất trời nuôi? Lòng người
sao so đo được lòng càn khôn vũ trụ? Cá bống kèo ngoài thiên nhiên phải
đến bảy, tám tháng tuổi trưởng thành. Cá bống kèo nuôi trong ao hồ chỉ cần
khoảng hai tháng rưởi đến ba tháng, đã nằm gọn trong cái nồi lẩu nghi ngút
khói chốn kinh thành. Con người cái chi cũng gấp gáp: Chơi gấp gáp, ăn gấp gáp,
mánh mun xào chẻ gấp gáp... chỉ có làm thì tà tà như chim Đa Đa, đít
bà xã xà xà! Điều cần biết để sống tốt thì họ ít biết, điều không nên
biết thì họ biết rành rẽ trên mức rành rẽ ở đời. Như thịt cá
bống kèo thơm và bổ dưỡng, giúp người đau yếu ăn lại sức. Nhớt bám thân cá bống
kèo, chính là vị thuốc thần kỳ tăng cường tinh lực cho cái bản lĩnh của quý ông
lẫn quý bà lạnh cảm. Xét cho cùng, câu ca dao dân gian ở Long Hựu từng khẳng
định: Trăm con Cá Ngựa ngoài khơi / Không bằng cục nhớt bám nơi lưng Kèo. Nó
cũng chỉ ra vì sao dân nhà quê nấu cá bống kèo để nguyên nhớt, chỉ hớt bọt khi
nước sôi. Đồng thời, cá bống kèo để nguyên con khi nấu nướng, vì cắt khúc cá sẽ
cứng không ngon. Đó là nói cá bống kèo thiên nhiên. Cá bống kèo nuôi bằng
kỹ thuật công nghệ với thức ăn tăng trọng, thìhình dáng mang vẻ con cá
bống kèo thứ thiệt, nhưng chất lượng chỉ có Diêm Vương thấu hiểu và Trung
tâm Ung Bướu mới rõ nguồn cơn.
“Thói thường, quyền lực
càng cao; của ăn của để thừa mứa trào họng, thì người ta càng
run vì sợ đau, sợ bịnh, sợ chết...lưỡi lắc léo, miệng nói cứng, nhưng thâm tâm
sợ đủ thứ sợ. Vì vậy, thường lui tới sư sãi, xây cất chùa chiền, đồng bóng bói
toán, vái lạy ngày đêm và thực hiện mọi phương tiện biện minh cứu cánh trường
sinh bất tử. Than ôi! Tần Thủy Hoàng không làm được, những kẻ hậu
sinh sao cãi nổi số trời!
“Thời hiện đại, người quay về tìm ăn
cá thiên nhiên mỗi ngày một nhiều - trong đó, có cá bống kèo - Cuộc tàn
sát cá mẹ lẫn cá con: Già không bỏ, nhỏ không tha đang diễn ra gay gắt và ác
liệt. Con cá hủn hĩn kho tộ, bầy cá ròng ròng kho tiêu...vốn thuộc người nghèo
khi xưa; nay là những món đặc sản xác định đẳng cấp của kẻ ăn. Ai dám chắc
rằng: Tiểu nhân hôm nay, ngày mai không là đại nhân?”
Và, đây là đoản văn ở phân đoạn 6,
như một tiếng thở dài có từ nỗi buồn chín nẫu, của tài hoa Cao Thị
Hoàng:
“…Từng cánh cò rạng đông đáp đồng,
báo hiệu một ngày mới trên miền quê ngoại Long Hựu. Con cá bống kèo thiên nhiên
tuyệt chủng vì con người và con người chết dần bởi con cá bống kèo nuôi. Quả
báo chăng? Có thể lắm chớ! Nhiều đêm Trưởng lão ngộ ra rằng:
Con người chém giết nhau từ cái ăn,
phúc họa từ cái lỗ miệng! Biết mà vẫn phải... mới đau!”
.
Với vốn sống phong phú, lại thụ đắc
kiến thức uyên bác (đặc biệt về những sinh vật bé mon, tôi tin, tương lai, sẽ
có một nhà văn nghiên cứu, phê bình văn chương, bỏ công viết nguyên một cuốn
sách về những cống hiến quý báu của Cao Thị Hoàng, y cứ trên những bài viết
mang tính “địa phương chí” chung cho đất nước của tác giả này.
Riêng, hôm nay, ở đây, trước khi
chấm dứt bài viết sơ quát của mình, tôi mong một ngày nào sẽ được gặp Cao Thị
Hoàng, để nói lời cảm ơn của tôi, về những gì tôi đã nhận, hưởng được từ
cõi-giới văn xuôi Cao Thị Hoàng!.!
Dám mong vậy thay.'
Du Tử Lê
(California, July 2016)
01 Tháng Mười 2016 dutule.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét