Thứ Năm, 28 tháng 8, 2008

Tắp ghé bến chiều - truyện

Truyện ngắn
TỪ HOÀI TẤN

Mai ta đi, ồ áo vai cười
Tan tác một mùa đau đớn ấy...


Ra khỏi trại, Hoành không biết mình sẽ về đâu. Trong tấm lệnh tha, địa chỉ về là nhà Dì Kim, chị ruột của mẹ – người đã từng cho Hoành ăn ở trong những năm Đại học và sau đó là những ngày tháng dài của cuộc đời lính. Bức thư sau cùng Dì gửi cho Hoành khi còn ở trại, khuyên: “ Ba cháu hiện đang sống với các em ở Huế, cực khổ, cháu nên về phụ giúp gia đình, cháu là con cả trong nhà…”
Nhưng Hoành không muốn về nơi ấy. Chẳng còn một chút nao nức, mong nhớ, để khiến xui chàng trở lại quê cũ. Nơi ấy, chỉ có đi chớ không trở về. Mỗi người sinh ra và lớn lên, đã sống những năm đầy lãng mạn, thơ mộng ngút trời ở kinh đô xưa, đều mơ ước về một chuyến đi xa rời bỏ. Đi, hẵn sẽ không thành công trên đường đời, nhưng đi – chính là nỗi ao ước vượt khỏi một đoạn đời trầm trệ, buồn và khép kín giữa bốn bức thành cổ rêu phong.
Khi đặt bút khai báo nơi sẽ về nếu được tha, Hoành đã ghi địa chỉ Dì Kim. Và bây giờ – sẽ trở về đó, căn nhà của những năm tháng cũ, vắng vẻ và phai nhạt hết những ngày bề bộn tiếng vui xưa. Dì Kim đang sống với vợ chồng người anh út, quán sách lèo tèo, chờ ngày xuất cảnh đoàn tụ gia đình với ông anh đầu đã ra đi trước năm 75.
Ném lại tất cả vật dụng cho đám bạn còn ở lại trại, Hoành xách cái túi nhẹ hẩng với vài bộ quần áo còn tạm xài được, ra ngã ba Ông Đồn, chờ xe về thành phố.
Tối mịt, Hoành mới về tới nhà Dì. Thành phố sáng lóa, rộn rịp như ngày nào, vẫn cái vẻ hối hả mà dửng dưng. Ba bốn năm qua đi, ngoài đường nhiều xe đạp hơn và hầu như không thấy người đi thả bộ dọc lề đường. Ai cũng phải đua và chen, kiếm tìm và giành giựt lấy cuộc sống về phần mình.
Dì Kim mở cổng, mắt tròn xoe kinh ngạc:
“ Ủa, về sao không báo điện cho dì hay? ”
“ Cháu nhận lệnh bất ngờ vào nửa đêm, sáng là bay về ngay, làm sao thư với điện, việc nhà binh mà.”
Hoành nhìn quanh, Dì Kim hiểu ý:
“ Vợ chồng Phúc mới qua thăm nhà chị sui. Thôi vào nhà đi, tắm rửa, ăn cơm.”
Không khí ấm áp của những ngày cũ. Chỗ ngồi, góc hẹp trong nhà, đâu đó còn hơi hám của những người đã ra đi. Anh Phú, chị Quỳnh, chị Trang, chị Phương đã mỗi người một nẽo đời. Ngày tháng qua, và những người ở lại. Phòng ốc, bày biện như xưa. Dì Kim dọn lên phía sau bức tường phòng khách, một cái giường chiếc, kệ sách nhỏ, một cái “ table de nuit” bên cạnh, một cái bàn viết ngó ra sân nắng giữa nhà, căn phòng tối, vẻ buồn nhiều năm của người góa phụ đã mất chồng khi tuổi mới ba mươi.
Dì Kim bảo Hoành lấy thức ăn trong tủ lạnh, dì ăn rồi. Hoành nói thôi khỏi, dọc đường đã có làm ba miếng. Hoành xin phép đi đưa môt số thư từ cho bạn. Dì dặn nhớ về sớm, mai đi lên Phường trình diện rồi muốn đi đâu thì đi.
Buổi tối ngoài đường nhộn nhịp, mặt đường sáng lóa ánh điện. Hoành lẫn vào đám đông.
Ghé qua những địa chỉ, những ngôi nhà nằm sâu trong những vùng ngõ hẻm tăm tối. Gõ cửa, giới thiệu, trao thư. Ngồi, nghe những lời than thở cuộc sống, nỗi ngóng chờ của các bà mẹ, vợ, con, người thân của đám bạn cùng cảnh còn ở lại trong trại. An ủi, vỗ về: lần lượt rồi sẽ về, trước và sau.
Về, như cái kiểu của Hoành bây giờ: đậu nhờ, không phương hướng, đã nhìn thấy những ngày thất nghiệp. Có khi ở luôn trong ấy lại hay, Hoành nghĩ, nhưng có ai đổi chọn được cho ai?
Một cái quán cà phê cũ ở cuối con đường. Không thấy dáng cô gái ngồi sau quầy thu tiền dạo nào. Hoành bước vào.
Một vài ngụm cà phê, khói thuốc lãng đãng bay chập chờn về một quãng đời quá khứ. Đứa nhỏ gái chừng mười hai mười ba tuổi tới lui, phục vụ. Hoành kéo tay lại, cười hỏi: “ Chị đẹp em đâu? ”.
Đứa bé cười lửng lơ, chạy vào quầy. Hoành gác chân lên ghế, duỗi thẳng đám bắp thịt mỏi nhừ sau một buổi dong ruỗi. Những chuyện vặt vảnh, những ý nghĩ rời vụn trong trí nhớ. Sẽ bắt đầu lại ngày mai như thế nào, sẽ làm sao để bắt nhịp lại với cuộc sống. Về thăm ông già và đám em nhỏ? Về thăm lại mộ bà già – gần mười năm qua vẽ vời trong nỗi mệt mỏi giữa đời sống và cái chết, của một thời tăm tối và loạn lạc.

**
Giấy phép bên Công an cho có 10 ngày luôn ngày đi đường. Thật ra không phải là giấy phép, vì anh Trưởng Phường Công An bảo: đáng lý anh phải lên quận xin, nhưng tôi chứng anh học tập về, cho phép về thăm nhà mười ngày là đi đường được rồi. Anh Công an quen với Dì Kim nói thêm: “ đi đi, coi ngoài đó làm ăn được vào đây tôi cho cái giấy hồi hương luôn, Nhà nước đang khuyến khích đấy.”. Hoành cảm ơn anh Công an, cầm tờ đơn có “chứng thực” ra mua vé xe về quê.
Con đường thiên lý ngút ngàn những núi sông, đèo cao mây thấp. Cô gái cùng chuyến đi ngồi cạnh Hoành, nghiêng ngã trong giấc ngủ chập chờn dọc đường. Cô kể nhà cô ở cách Thành phố 15 Km về phía biển – hò hẹn với Hoành : anh về nhà chơi đi rồi biết. Hoành ừ hử cho qua chuyện.
Đã tới quê nhà, mưa. Mưa lất phất, đang còn là tháng giêng, vẫn chưa qua hết mùa mưa bão.
Xuống xe, hình như buổi chiều sắp hết, chỉ là một màu mây trắng đục. Chào cô gái, một đôi lời hẹn, chia tay.
Chiếc xe đạp thồ đưa tới nhà Ông già và mấy người em gái gần Cửa Sập trong Thành Nội. Ngôi nhà thuê mướn của người chú họ, rộng nhưng âm u giữa khu vườn rậm đặc vây quanh.
Ông già đi làm ruộng ngoài Quảng Trị, mấy cô em gái cách biệt không đầy ba năm nay trông lớn hẵn, các cô đang học cấp 3, một cô chuẩn bị thi vào Đại học. Một ít quà bánh, mấy cô mừng nhưng có vẻ buồn.
Ông già hai bữa sau mới về. Ông kêu: làm ăn thời buổi khó khăn, tới làm ruộng cũng gặp thất mùa, mưa bão liên miên, vốn liếng cạn kiệt, còn hy vọng mùa này, không biết có lấy lại được không. Hai cha con ngồi, có đêm suốt, bàn bạc, trù tính. “Hay là vào Nam ?”, Hoành đề nghị. Ông già bảo còn kẹt hùn hạp với người ta, hết vụ mùa này mới tính được. Ông kêu Hoành nếu không có gì làm, ở lại với gia đình năm sau vào một thể. Hoành nói giấy tờ tùy thân không có, không đăng ký tạm cư được, cũng lại phải vào trong ấy trình diện. Hoành chờ gia đình vào, còn có thời gian chuẩn bị nơi ăn chốn ở quê mới.
Không biết đây là lần thứ mấy ông già gồng gánh gia đình phiêu bạt tha phương. Lần thất bại đau đớn sau cùng để qui cố hương là cái chết của bà già. Một tai nạn bất kỳ trong cuộc chiến tranh ở một thị trấn miền núi. Ông đã dứt khoát : về quê là ở luôn tới chết. Nhưng cuộc sống không cho ai hứa hẹn một điều gì, cuộc sống mãi là sự bí ẩn và tàn bạo.
Lần này Ông lại ao ước ra đi. Một chân trời khác, một cuộc sống khác và cùng với đám con : bốn cô con gái chưa tới tuổi trưởng thành, lại lên đường!
Ông và Hoành về làng thăm mộ bà già. Mộ nằm trong khu nghĩa địa của dòng họ nội. Khu đất trước là vườn cây của ông nội, bây giờ do bác Cả chăm sóc. Khi Ông nội qua đời, gia tộc quyết định chọn nơi đây làm nghĩa trang cho dòng họ.
Đám cỏ xanh trên mộ như vẫn thương được chăm bón tốt tươi. Năm tháng qua đi, đã tám năm qua, cái thân thể thân quý ngày nào có lẽ đã vữa tan cùng với đất bụi vô tri. Nỗi niềm tang tóc cũng đã theo mây gió về trời. Chỉ còn lại chúng tôi, những người sống, ông già và lũ anh em Hoành, vẫn hằn sâu khôn nguôi sự đau đớn của mất mát, sự thiệt thòi của thiếu vắng, vẫn phải ngày ngày quay quắc, đọ mặt, trở trăn và ngã nghiêng cùng cuộc sống con người. Hoành không khóc được mùi mẫn như ngày nào khi nghe tin bà qua đời. Nỗi buồn đau sâu nặng đã hóa đá cả cõi lòng. Nén nhang thắp, mỗi người hoài tưởng xa xôi.
Những ngày về nhà, Hoành không đi đâu ngoài khỏi.Loanh quanh, sắp xếp chỗ ăn ngủ học hành cho mấy cô em gái, sửa sang tấm liếp che gió cho những ngày đông, những chiếc ghế ngồi bị nhổ đinh, vài ba công việc lặt vặt. Đọc không hết một cuốn sách, Hoành quên bẳng cả cái hẹn với cô gái cùng chuyến xe bữa trước.
Phép đi đường hết hạn hôm qua, Hoành phải trở lại.
Ông già đưa ra bến xe khách về Nam, ông khuyên lo mà làm ăn, lấy một cô vợ. Hoành cười, không một xu mà lấy ai. Ông bảo: hãy cứ làm rồi cũng có, không lẽ người nghèo trên trái đất này không có xu hào thì không lấy được chồng không cưới được vợ

***
Dì Kim đưa cái lệnh triệu tập cho Hoành:
“ Ở bên phường có lệnh gọi tập trung những người vô nghề nghiệp trong địa phương, họ đã lên danh sách chuẩn bị đi xây dựng vùng kinh tế mới. Họ chia từng đợt, mai cháu lên phường coi thử có tên đi đợt nào.”
Thấy Hoành trầm ngâm, Dì Kim nói:
“ Dì đã hỏi bên anh Thuận ở cầu đường, công ty có tuyển lao động phổ thông. Sẵn cháu ghé anh ấy xem giúp được gì. Hình như có công trình nào đó dưới Hà Tiên, giặc lại nổi bên Miên, cháu xin anh Thuận làm tại thành phố thì tốt.”

Phải kiếm một công việc làm, chỉ đủ nuôi miệng. đi đâu người ta cũng đòi hộ khẩu thành phố. Hoành không có tên ở bất kỳ ở một sổ hộ tịch nào, ngoại trừ sổ điểm danh hàng tuần ở trụ sở Công an phường mỗi sáng thứ bảy hằng tuần đến ký tên có mặt.
Anh Thuận cũng chẳng giúp gì được Hoành, bảo Hoành nếu muốn anh đưa đi Hà Tiên lao động nhưng chờ ba tháng nữa mới có đợt.
Hoành đi vẩn vơ hàng ngày, cả thành phố hình như không còn ai quen, mọi thứ đều đã khác và xa lạ.

Buổi sáng, Hoành dậy sớm hơn thường ngày, nhảy xe buýt xuống bến xe đi Long An. Hoành nhớ lời Thái - người bạn cùng về chung: nếu thất nghiệp không kiếm được việc gì làm sống qua ngày, đói quá về quê tao cuốc đất trồng mía. Hoành đi không báo cho Dì Kim vì bỗng dưng ngủ dậy, Hoành muốn làm một việc là ra khỏi thành phố này.
Bến xe khách inh ỏi tiếng rao hàng, những chiếc xe đẩy dạo bán đủ thứ trên đời qua lại với những cái lục lạc leng keng. Cả một đám đông múa may quay cuồng trên một khoảnh đất rộng hơn cả mẫu tây, xe nhỏ xe đời mới xe cũ từ thời Bảo Đại đậu san sát nhau chờ khách.
Đi loanh quanh ở bến xe Chợ Lớn, vu vơ đứng bên cạnh mấy cái xe bán thuốc lá lẻ, nhìn những hàng người sắp hàng trước quầy vé, chầu chực, nôn nóng, Hoành chưa biết mình sẽ mua vé xe về đâu.
“ Hoành! Ê Hoành! ”
Có tiếng kêu gọi đâu đó dội sóng ở sau lưng Hoành. Một người đàn ông đội chiếc nón nỉ sụp mặt, xung quanh người đầy xách, giỏ đệm, tay vẫy chàng. Hoành lại gần và nhận ra ông Phạm, một người bạn nằm cạnh giường trong lán trại ở núi rừng xa khuất trong những ngày còn tập trung. Ông Phạm được về trước Hoành mấy tháng.
“ Hoành phải không ?” Ông Phạm cười toét miệng, đưa tay ra bắt.
“ Chứ còn ai nữa ! Ông đi đâu đây ? ”
Ông Phạm hơn Hoành cả một con giáp, là bạn vong niên của chàng từ khi hai người được biên chế chung một lán trại sinh hoạt. Ông thuộc chuyện Tam Quốc, mỗi đêm thường kể cho cả lán nghe trước khi ngủ. Kể đến hồi ông Quan Công bị Lữ Mông rượt đuổi ở Mạch Thành thì đêm đó ông được mấy anh quản giáo gọi lên Ban chỉ huy Trại cách ly. Sáng ra anh em cả lán không thấy ông trở về và từ đó biệt tăm.
Bây giờ thì ông đang ở đây, mắt láo liên với mấy cái túi xách nặng trĩu các thứ khô cá, mực, thuốc lá, bánh kẹo, hành ngò, cải bắp ….
“ Bộ ông làm đám giỗ sao mua lắm thế ?”
Ông Phạm khoác tay :
“ Khoan đã nào, xách phụ tớ mấy cái túi này, còn mấy cái kia để đấy, sang bên đường uống nước nói chuyện sau.”
Trông ông tất bật, đen đủi hơn hồi còn ở trại. Ông ngồi yên vị hỏi Hoành:
“ Sao ? Uống gì ? Làm vài chai chăng ? Đi đâu phiêu lạc chốn này ?”
“ Bia thì nhất ! Ít thôi, ông còn về. À mà này, Ông về ở đâu ? Dạo đó nghe ông nói về ở thành phố làm ăn kia mà.”
Cô chủ quán đem hai ly đá, mấy chai bia mở nút kêu lốp bốp nghe như âm thanh quen thuộc cũ làm niềm hưng phấn trong lòng Hoành tự dưng trào dâng như bọt bia trên miệng ly.
Ông Phạm vui vẻ :
“ Nào, bỏ hết, cụng cái đã ! Chúc mừng cuộc đời !”
Hai người nuốt gọn hai ly bia đầy một hơi. Lại rót và mấy chai nữa đem ra.
“ Tưởng không còn gặp nhau chứ .”
“ Trái đất tròn mà, trừ khi ông xuống âm phủ.”
“ Này, tớ giải thích cho cậu. Về Long An, quê vợ. Thôi thì đành. Chứ ở Sài Gòn cả bầu đoàn thê tử làm cái gì cho đủ lấp mấy miệng ăn nhà tớ. Con cái tớ lớn cả rồi. Ông ngoại mấy nhỏ cho một căn phố ở chợ mới, mở tiệm hủ tiếu, ăn nhậu ì xèo, có dư chút đỉnh. Còn cậu ?”
“ Đang đói dài, sắp được đi xây dựng kinh tế mới nếu không tìm được việc làm hoặc hồi hương. Tính đi phu lục lộ nhưng xa tít mãi Rạch Giá Hà Tiên. Nhà bà dì neo đơn không ăn bám mãi được. Phải mau chóng lên đường, đi đâu cũng được, kiếm miếng ăn trước.”
Ông Phạm trầm ngâm giây lát, ông nói:
“ Cậu chịu làm công việc tay chân không ?”
Hoành cười:
“ Không làm tay chân thì làm bằng gì ?”
“ Thế thì ổn ! Về nhà tớ, ở quê.”
“ Ông nuôi ông còn chưa ấm thân, gánh thêm tôi e không xuể.”
“ Can hệ chi, Ông có việc của ông, tớ lo chuyện của tớ.”
“ Đi rửa bát đĩa cho ông hẵn ? Hoành đùa.”
“ Bậy ! Ai làm thế ! Nghe này, suy nghĩ đi: tớ hiện còn cái ba gác đạp, tài bến đầy đủ. Hồi mới về quê mua tính chạy đỡ qua ngày, kiếm cơm được lắm. Từ hồi mở tiệm, bán đắt, chẳng rảnh đâu mà chạy, vài ba bữa đi chở hàng chợ cho vợ thôi. Vợ tớ bảo bán nhưng tớ tiếc, dẫu sao cũng là kỷ niệm buổi cùng khổ. Cậu chạy, một mình dư ăn, nhậu chút đỉnh được. Ở nhà tớ, cam đoan là cậu chẳng dính dáng gì nhà tớ đâu mà ngại. Tớ lo mọi thủ tục cho.”
Thấy Hoành không nói năng, ông Phạm ngần ngại:
“ Không hạp hả ? Hay sợ cực ?”
Hoành vỗ vai ông, cảm động:
“ Ông quá tốt với tôi chứ. Việc ấy là nhất ! Sợ phiền gia đình ông thôi. Nhưng ở chung có bất tiện không, kiếm cho tôi thuê một cái phòng nhỏ cũng được ? ”
“ Ối dào, thuê mẹ gì, ở nhà tớ ! Này nhé , nhà còn cái gác gỗ ngoài vườn, có cổng rào riêng phía sau, cậu đi về tùy nghi. Cơm nước nhà có bọn nhỏ nấu, ăn chung. Nhà quán thức ăn không có gì quan trọng, đừng ngại, anh em khi khó gíup nhau, mai mốt cậu khá lên rồi tính tiếp.
Hoành biết tính ông Phạm hồi còn ở trại : chân thành, bộc trực, có bực bội ai đó ông nói ngay không nể nang. Sắp xếp như thế là lòng tốt của ông nhưng là ở nhà vợ, không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra, Hoành nghĩ thầm, thôi thì đành “nhắm bước đưa chân”, đã tới tình cảnh này rồi.
“ Thôi thì xin theo ông một phen.”
Ông Phạm cười hả hả:
“ Có thế chứ ! Tình anh em thôi cậu đừng nghĩ quẩn. Giờ có thể lên đường cùng dịp với tớ không ? Càng sớm càng tốt !
“ Được, nhưng tôi chạy về nhà Dì tôi báo một tiếng, thu xếp vài bộ đồ, nhờ bà báo cho Phường tôi về quê kiếm đất sản xuất khỏi kêu trình diện. Chờ nhé, không biết kịp xe không ? ”
“ Khỏi lo, đi chuyến sau. Tớ có “ba-ga” ưu tiên mà, đi chuyến nào cũng được cả.”
Hoành tất tã đứng lên đi, ông Phạm nói với:
“ Nhớ nghe, tớ chờ đây. Đừng có hứng bất tử bắt tớ ôm đống hàng này tới trời lặn đó !
“ Tin tôi đi. Nhất định sẽ theo ông mà.”

Xe dời khỏi thành phố, băng qua khúc đường nhựa lởm chởm đầy ổ gà là bắt đầu tiến ra ngoại ô, vào giữa ruộng đồng hai bên bát ngát. Làng mạc thấp thoáng sau những bờ tre cao oặt mình trong chiều gió lộng. Hết đoạn đường ổ gà, ranh giới giữa thành phố và huyện lỵ miền quê, là con đường đất bụi đỏ mù mịt. Xe đi giữa cánh đồng bưng mênh mông là trản bàng, đưng tự nhiên. Mặt nước lấp xấp của một vùng trũng rộng lớn đầu Đồng Tháp Mười, một màu vàng quánh đặc của lớp phèn dày khít. Lơ thơ bên lộ giới là hàng cây bạch đàn khẳng khiu, lớn không đều.
Ông Phạm đã báo trước cho Hoành: khoảng hơn hai chục cây số đường đất đỏ mới tới thị trấn ông ở. Ông nói: coi vậy chứ sung lắm, bởi là một huyện trung chuyển của tỉnh nằm cạnh biên giới, hàng lậu bên Miên nó tải qua, dân có khối việc để làm, các thứ dịch vụ đủ kiểu. Hoành hỏi Ông sao không đi buôn cho mau giàu ? Ông Phạm cười gạt tay: “Tụi đầu nậu nó nhiều vốn, nhiều tay em, lỡ keo này còn gầy cuộc khác, mình mà đứt một chuyến là đi đời, sạt nghiệp luôn. Làm ba cái vụ này không êm được, có lúc thôi. Tớ không ham.”
Nhà cửa bắt đầu xuất hiện đỡ thưa hơn, toàn lợp ngói, có vẻ như mới được xây dựng không lâu mặc dầu tường vôi bị loang lổ lớp bụi đỏ. Không có cái cửa nào được mở ra, hình như mọi sinh hoạt đều ở phía sau nhà.
Ông Phạm kể: mùa rồi xứ này trúng vụ đậu phộng, thiên hạ đua nhau len nhà ngói. Làm kiểng với lại khoe của thôi, có đám tiệc mới mở nhà trên, còn ngày thường ăn ở phía dưới. Thú vậy mà ! Một đời công lao cực nhọc, ăn mắm ăn muối mà làm ruộng làm màu, có khi cả mấy đời mới cất được một cán nhà ngói như thế, ai mà không trân trọng quý hóa được.
Hoành bảo: thế ông già vợ thì sao ? Có như vậy không ?
Ông Phạm: Ạ, ông già tớ khác, ông “mô đẹc” hơn chút, giàu truyền thống, tiệm hủ tiếu nổi tiếng mấy chục năm từ trước chiến tranh, ông về hưu truyền bí nghệ lại cho vợ tớ, con đầu mà, lại có ít tiền gửi tiết kiệm ngân hàng dư xài hàng tháng, con cái tươm tất cả.
Hoành đùa vui: Ông là chúa xứ rồi, vậy mà kêu nỗi gì ?
Ông Phạm: Hồi mới về lạ nước lạ cái cũng buồn lắm, ở thành phố quen về đây lạ lẩm, nghe vắng quạnh bạn bè, công việc cũ, với lại sống bên vợ cũng có cái mặc cảm thế nào ấy. Riết rồi quen, số phận nó như thế, thân cư thê mà. Được cái vợ tớ hiền lành, không đua đòi, một lòng một dạ, nên khi được về sum họp vẫn còn là “người của mình”.
Một thoáng buồn vơ vẩn làm im ắng câu chuyện giữa hai người.

Tài xế xe hàng hầu như đã quen mối, xe đổ ngay trước quán hủ tiếu sát đường, tấm bảng hiệu dựng trên lề: “Tiệm cơm – hủ tiếu Xuân Xanh”
Ông Phạm lật đật bước xuống xe, kêu gọi người nhà inh ả.
“Xuống chứ ! Tới nơi rồi”. Ông réo Hoành đang lơ mơ trên băng ghế.
Nhà trệt, tường xây, lợp ngói đỏ, phía trước hàng hiên rộng lợp bằng giấy dầu. Xuất hiện ngay cửa vào là một người đàn bà trung niên chánh gốc Nam bộ, mặc bà ba, quần lãnh đen, nhìn kỹ trông ngoài bốn mươi, miệng cười tươi tắn, đôi mắt tỏ vẻ ngạc nhiên về người khách đứng bên cạnh ông chồng.
Ông Phạm lại bên vợ : “Này em, đây là bạn anh hồi ở trại, anh mời về chơi.” Và quay sang Hoành: “Vợ tớ đấy.”
Bà Phạm gật đầu chào: “Mời anh vào nhà”
Người lơ xe tiếp tục chuyển đồ trên mui xe xuống đất. Ông Phạm kéo tay Hoành đang đứng tần ngần : “Vào đi ! vào nhà tự nhiên thôi, anh em cả” rồi ông lớn giọng kêu: bây đâu đem đồ vào đi.
Ở nhà dưới đi lên mấy cô gái nhỏ, tuổi xấp xỉ trên dưới hai mươi, hỏi chào ông Phạm: Ba mới về, cúi đầu chào Hoành. Cô nào nom cũng xinh. Ông Phạm giới thiệu: Ba đứa, con gái cả ! Đây là hai đứa lớn vừa nghỉ học phụ mẹ nó, nhỏ út còn đi học. Rồi ông bảo Hoành ra sau rửa ráy luôn tiện xem cho biết chỗ.
Sau nhà là cả một khu vườn nhỏ tương đối rộng và thoáng mát. Oåi, chùm ruột, mãng cầu ta, xoài… và một số cây kiểng xung quanh vườn, trồng ngổn ngang đây đó. Một cái gác gỗ nằm ở cuối vườn, có bắc cầu thang lên xuống, có lẽ trước đây là nơi ở của người giữ vườn.
Ông Phạm nói:
“ Caí gác này coi vậy chứ tình lắm. Những đêm rảnh khách, tớ thường leo lên nằm hóng gió, thư thư đầu óc. Ngày nào cũng tính với toán, bia bọt rượu chè ăn uống loăng quăng. Mấy đêm trăng thì tuyệt. Để hôm nào anh em ta thưởng thức một bữa !
Hoành đứng tần ngần bên giếng nước nhìn quanh quất. Giếng chắc chỉ để tưới cây, nền giếng loang lở gạch đá.
Hoành quay sang ông Phạm hỏi:
“ Này ông à, ông có nói vụ tôi với bà xã chưa? ”
Ông Phạm khoác tay:
“ Ối dào, cậu đừng lo. Tớ bảo được mà, chả sao cả. Ta nghỉ ngơi, cơm nước xong hẵn tính. À mà cậu mang đồ lên gác đi, giao cho cậu đó, thử xem vừa ý không. Giường chiếu sẵn, chắc bụi đầy, cậu dọn dẹp tắm táp. Tớ lên nhà lát lên ăn cơm.”
Căn gác nhỏ, rộng đâu chừng ba thước vuông. Một chiếc giường đơn, cái bàn con bên cạnh, giá sách xiêu vẹo – toàn sách giáo khoa cấp 3, trông bề bộn và bụi bặm.
Hoành quày quả một lát cũng xong đâu vào đấy. Nhìn lại căn gác cũng tạm ổn. Ngồi trên giường, ngó mông ra cửa sổ, Hoành bỗng chợt cười khan một mình. Không thể ngờ là mình lưu lạc đến đây. Căn gác và những ngày trọ học xưa cũ ở thành phố ấy, lan man suốt một thời trẻ, chập chờn rồi xa khuất. Biết bao dâu bể của cuộc đời.
Một cô bé mười hai mười ba tuổi – chắc là con út của Ông Phạm, đứng dưới gác nói vọng lên:
“ Ba mời chú lên ăn cơm.”
Cô ta nói xong chạy vụt vào nhà. Hoành bước xuống, vươn vai mấy cái rồi lửng thửng đi. Hòa và nhập vào một cuộc sống khác như vậy đó. Bao nhiêu năm qua, Hoành đã bước trên những bờ chông gai, quay quắc, phiền muộn, có khi lại buông xuôi, có khi là hăm hở. Đã từng muốn vực dậy cuộc đời mình, thỏa thuận với ngày tháng bằng những công việc bình thường, không nghĩ suy không ưu tư, bằng những buổi chiều ngây dại với nhiều ly rượu. Nhưng Hoành cũng đủ để nhận ra mình kém cỏi và ù lì như số kiếp. Số kiếp ? Đó là một điều gì đó đáng nực cười.
Bữa ăn rất tươm tất, cả nhà đều đã ngồi vào bàn. Buổi trưa khách quán vắng. Bà Phạm người nhỏ nhắn, có vẻ khoan dung và con mắt như đã quen với sự có mặt của một ngưới đàn ông lạ trong nhà. Mọi người ăn uống từ tốn, hầu như không có tiếng động. Ông Phạm nói như lời giới thiệu về gia đình mình:
“ Nhà có bấy nhiêu người, còn một cô em vợ nữa đấy nhưng nay về nhà trông chừng cho bà ngoại đi xóm. Dì ấy chưa chồng, phụ nấu với bà xã, này cậu Hoành, cũng được đấy.
Cả nhà cười vui, bà Phạm gắt nhỏ chồng:
“ Ông nói “nhây” không à, cậu đây là dân thành phố ai mà thèm gái quê.”
Hoành đỡ lời:
“ Chị đừng nói vậy, thời buổi giờ thôn quê là nhất, chủ trương nhà nước đang đưa dân đi xây dựng kinh tế mới chị không thấy sao. Tôi mà có chỗ được như vầy là số một rồi.”
Ông Phạm nói chen vào:
“ Vậy thì cậu nên lo làm công tác dân vận trước với bà chị đây là vừa rồi ”
“ Chỉ sợ bà chị không chấp nhận thôi.” Hoành nói
“ Cậu yên chí đi, cũng như tôi thôi. Này nghĩ xem, hồi ấy tôi cũng oai phong lắm chứ bộ, không hiểu sao lại phiêu lạc tới chốn này, lại găp bà xã đây. Đúng là duyên nợ.
“ Cái số nó vậy thôi, ai mà biết được.”
Bữa cơm vui, ấm, nhiều tiếng cười đùa. Không khí gia đình đã lâu Hoành mới cảm thấy lại. Cô con gái lớn ông Phạm có vẻ ít nói hơn hai cô em. Cô có đôi mắt to đen láy rất đẹp. Ông Phạm muốn khui vài chai bia mừng bạn. Cô con gái út chỉ chờ có thế, cô chạy nhanh vội đi lấy bia, mở nắp có vẻ rành rọt. Hình như việc uống bia bọt lúc ấy là việc hiếm, họa hoằng có khách quý.
“ Cậu tự nhiên như trong nhà đi – bà Phạm vui vẻ – mấy khi ông nhà tui gặp bạn cũ. Hồi mới lấy nhau tụi này cũng tơi tã, rán mần ăn mới có của dư của để, rồi con cái. Cậu coi ngọt nước ngọt cái ở đây lập nghiệp luôn với anh em cho có bạn.”
“ Cũng mong như vậy chị, chị coi ai đó mần mai cho tôi luôn đi ”
“ Cậu đừng lo, ăn thua nơi cậu thôi. ”
Cơm nước xong, ông Phạm đưa Hoành xuống sau nhà, chỉ cho xem cái xe ba gác trông cũng còn khá.
“ Cậu nghỉ ngơi khoẻ chiều mát đem ra chùi rửa một chút, đồ đạc còn tốt, chọn ngày xúât hành được rồi. À để tớ báo qua ban lãnh đội một tiếng. Nhập gia tùy tục. Ở đây cũng có đội đoàn ngon lành lắm. Nhậu một chầu, toàn anh em cả.”

Hoành trở lại căn gác của mình. Không ngủ được chàng lôi mấy tờ báo trong xách ra đọc lơ mơ. Thoảng hương một loài hoa lạ lùng ngoài cửa sổ đưa vào nhè nhẹ giữa bóng chiều nhạt nhòa của một ngày thu. Ba mươi tuổi. Rồi sẽ qua. Tam thập nhi lập chăng ? hay là lại lang bang như ở thành phố cũ. Những chặng đường không tỏ mặt phía trước.

****
Không có nghề nào thảnh thơi bằng cái nghề đạp xe ba gác ở thị trấn này. Nói như vậy cũng hơi nghịch đời nhưng là sự thật. Thị trấn nhỏ bằng nắm tay, hàng hoá chẳng là mấy, quanh quẩn có mấy mối chính: đưa đón hàng ra chợ, chở hàng bến xe khách huyện ngày năm ba chuyến. Khách hàng với xe ba gác nhẵn mặt nhau, kêu xe vì quen biết, bà con, bao hàm sự chiếu cố cho những người lao động cùng khổ. Lúa đậu thì có mùa, đặng hay thất cũng tùy năm. Đặng thì sắm sửa bàn ghế tủ giường, có hàng chở tấp nập; thất thì ế dài cổ, lại loanh quanh xuống bến ghe kiếm vài chuyến chở bàng lợp nhà, đi vào xóm ruộng, giá bèo đường đất lồi lõm kéo hộc gạch, hai ba tên đi một chuyến mới kham nổi. Đoàn xe gần năm mươi chiếc, có số xe Ủy ban Thị trấn cấp khi đăng ký. Trung bình mỗi xe ngày được hai cuốc hàng, kiếm cỡ mươi hay mười lăm ngàn là nhiều. Gạo ngàn rưỡi một lít, tôm cá ngoài sông đem vô năm ngàn một ký, thịt thì năm ngàn nửa ký. Tính ra một nhân chạy xe nuôi cũng được một gia đình nhỏ. Thời gian do vậy rảnh rổi, đám xe ngồi tụ ba tụ tư hút thuốc đọc báo tán dốc (đặc biệt không được đánh bài, Công an huyện “ tóm ” ngay). Chiều xuống tắt nắng, bữa nào “sung” rủ rê nhau làm vài ba xị đế quê hương, ca hát um xùm trong mấy cái quán bình dân hột vịt lộn cháo gỏi vịt ở dọc đường đi hay gần bãi đậu xe.
Bến xe ba gác là bãi đất rộng gần cầu kinh. Cầu bê tông thấp, bắc qua con kinh nhỏ ngang chừng năm sáu thước, kinh chảy thông ra ngoài sông lớn cách thị trấn tám cây số. Kinh thì cạn, mùa khô lội qua được, mấy chiếc ghe hàng ngoài sông vô chợ bán phải cột dây kéo, hai người đi hai bên bờ kinh kéo mới vô bến chợ nổi. Hai bên bờ kinh trồng dừa rợp mát, mấy cây điệp lâu năm tỏa bóng cho đám xe đậu liền sát nhau chờ mối. Bến xe chỉ tụ họp được vào buổi sáng, sau đó chạy tứ tán, không cần tài, mối ai nấy chạy, chẳng có tên nào giành giựt nhau làm gì.
Trước khi ra xe, Hoành đã được ông Phạm dẫn đi giới thiệu với anh em trong đội, sau khi nhậu một trận kha khá. Ngày đầu đạp xe lên bến, chưa quen nên thấy cũng ngài ngại thế nào, Hoành ngồi thu lu trong thùng xe, hầu như chỉ có đọc báo, tờ báo cũng hết chữ để đọc.
Sớm đi chiều về hết mấy bữa xách xe không, bà Phạm hay hỏi han “chạy được không chú?”. Hoành nói cũng được năm ba ngàn cho bà yên tâm. Ông Phạm hiểu nghề hơn, bảo Hoành chịu khó cầu cả tuần mới khách. Ông gởi Hoành cho một anh bạn quen thường chạy chung, “ ít bữa nó có mối kêu cậu chở, riết quen dần thôi”.
Rồi cái ngày Hoành có được đồng bạc đầu tiên kiếm bằng mồ hôi của mình cũng tới. Cao hứng, chàng rủ hai ông bạn trong đám lại quán gỏi vịt làm một bữa ăn mừng. Ăn nhậu thì nhanh rồi, mấy ông bạn đời nào từ chối. Nhưng mấy ông ấy khi trả tiền đòi chia đều, không cho Hoành trả một mình, “ đây là lệ của anh em ta, vậy chơi mới bền”. Bữa ấy ham vui cả ba làm khá nhiều, ai cũng ngà say, đi về còn nghêu ngao dọc đường. Hoành cố gắng lắm mới về đến nhà, quán ông Phạm đã đóng cửa, chàng vòng ra cổng sau, đem xe vào cái lều che tạm để xe. Ánh đèn nhà dưới bỗng bật sáng, Hoành thấy cô con gái lớn ông Phạm đi ra hỏi có vẻ lo lo: “ chú nay về khuya dữ .”
“ À gặp anh em hơi quá chén một chút, cháu chưa đi ngủ à ?” Hình như Hoành nghe mình nói như vầy nhưng không hiểu cô nhỏ có nghe không. Chàng đem xe để ngay ngắn vào chỗ, có lẽ cố gắng và vì rượu bắt đầu ngấm, nên khi xe nằm yên thì người Hoành cũng ngã bật ra sau, nằm dài trên nền đất.
Cô nhỏ la khẽ, lay lắc người Hoành. Thoáng chút phân vân, rồi cô mạnh dạn cầm tay Hoành kéo dậy. Hoành hơi hơi tỉnh, theo đà ngồi lên, nghe mùi tóc cô gái phả vào mặt, một mùi thơm dễ chịu làm chàng bỗng tỉnh táo. “ Được rồi, để chú, cháu vào nhà đi, khuya rồi”. Cô gái chợt nhận ra mình còn nắm chặt tay người đàn ông, cô rụt tay về vội vã. Giọng cô ngắt quãng “ Chú lên gác được không?”
Hoành rán một hai lần rướn lên nhưng cuối cùng cũng phải nhờ tới cô nhỏ xốc nách phụ mới đứng lên được. Tới chân gác, chàng khoác tay ra hiệu cho cô nhỏ trở lên nhà trên rồi sật sừ vịn tay dựa bước từng bậc thang trong con mắt ái ngại của cô nhỏ còn đưng tần ngần chưa chịu bỏ đi.
Lên đến mặt sàn thì chịu hết nổi, Hoành lăn quay ra ván, soãi dài tay chân, cảm giác thật dễ chịu.
Không biết ông Phạm đã hay minh về chưa, Hoành bật ngồi dậy như quên một điều gì. Chàng bò ra cửa dòm xuống nghe tiếng lách cách ở cổng rào phía sau một lát thấy cô gái đi vào với cây đèn pin lóa sáng trên tay.
“Chú chưa ngủ hả? Chú say quá rồi, Cháu vào nhà đây”
Lời nhẹ, thoảng đến tai Hoành như một lời ru thật dịu dàng. Chàng quay người vào trong, hơi rượu trong mình bốc ra lan hết căn gác, chàng nghe mình thật tỉnh khọt, ráo hoảnh.
Ba cô con gái ông Phạm có cái tên ngồ ngộ đều lót bằng chữ Cẩm. Tên theo thứ tự Hai Ba Tư. Cô lớn Cẩm Hai, Cẩm Ba, và cô út Cẩm Tư. Như thứ hạng của một loại vải thổ cẩm người dân tộc. Mấy cô hơn nhau một hai tuổi gì đó, san sát nhau, và cái quán hủ tiếu của ông Phạm do vậy cũng có cái tên khác: quán Ba Cô. Câm Hai đậu sư phạm trung cấp, học đâu dưới tỉnh gần năm than buồn chán, bỏ ngang về nhà. Bà Phạm dễ tính cho nghỉ luôn, bà nói nghề giáo giờ nó cũng chả khá khẩm gì, lương không đủ nó may bộ đồ, huống hồ nuôi thân nó, con gái ở xa nhà mất công lo. Noi gương cô chị, Cẩm Ba cũng nghỉ ở nhà sau khi thi rớt Đại học. “ Về nhà buôn bán chắc ăn, theo tổ nghiệp, mai mốt tạo vốn cho chúng làm ăn buôn bán với người ta” bà Phạm nghĩ như thế. Ông Phạm xuề xòa, “ con gái lớn lên, lấy chồng, đẻ con, lo cho chồng con tốt là quý rồi, miễn mạnh giỏi ở đời, loanh quanh lẩn quẩn với mình là trời thương”. Nhưng ông lại nói riêng với Hoành nhận xét của mình về cô con gái đầu “con Hai nó sâu sắc hơn mấy nhỏ kia, nhiều đêm nó thường hí hoáy viết nhật ký hay thơ thẩn gì chả biết, ý chừng nó có tâm sự không muốn kể ai nghe”
Khuya, Hoành ngồi dậy đốt thuốc ngó mông xuống khoãnh vuờn sau. Ánh trăng vàng úa chen qua những nhành cây vẽ những hình thù quái dị trên mặt đất, như những hình nhân hình thú nhảy múa với nhau.

*****
Hằng sáng sớm lại đạp xe đi, trưa khi về khi vơ vất đâu đó, tiếp diễn cuộc sống như thế vài tháng qua, Hoành tưởng như đã ngụ cư thị trấn này từ lâu lắm. Chiều tối lại đạp lê về nhà với cơn rượu cuối ngày, tỉnh và say không biết, chui lên gác, vùi mùi mẫn trong nhưng cơn mê mộng kỳ dị. Không có đêm nào Hoành ngủ hết trọn từ tối đến sáng, chàng thường tỉnh vào giữa khuya và chờ sáng bằng những cuốn sách cũ mua ở hiệu sách độc nhất của thị trấn. Nhưng luôn luôn chàng vần nhớ khi trở về nhà, thường khoảng tám chín giờ tối, bao giờ chàng cũng thấy cô nhỏ Cẩm Hai ra mở cổng sau, đợi cho chàng đi khuất lên gác mới vào nhà. Có lần, Hoành bảo cô “ cho chú mượn chìa khóa cổng, khỏi làm phiền cháu ”. Cô nhỏ nhướng đôi mắt tinh nghịch:
“ Có chi phiền, chú giữ cho mất hả? Với lại có cái chìa, nhiệm vụ của cháu mà ”
“ Nhưng như thế thì không tiện, chú đi về bất thường mất công cháu chờ sao ?”
Cô nhỏ cười: “ Chờ cũng được, tốt nhất là chú lo về sớm ăn cơm nhà, đừng nhậu nhẹt lang thang chi mất sức khoẻ ”
“ Lâu lâu thôi, anh em bạn khó thối thác, nhưng về sớm cũng chẳng biết làm gì ”
“ Chú coi chừng cái gan của chú, khối người nghiện rượu chết vì gan cổ trướng “
“ Gan chú là gan chì mà ”
“ Gan lỳ thì có!” Cô nhỏ trêu.

Và ngày qua ngày, Hoành bỗng “ ghiền” cái hình ảnh cô nhỏ ra đứng ở cổng rào chờ chàng dắt xe vào, sau một ngày lao tác, hay say sưa chút đỉnh, về muộn. Nhiều bữa về không thấy cô, có lẽ đang bận phục vụ rên quán ăn, Hoành bỏ xe ngồi chờ một lát cô chạy xuống mở cổng rào cho chàng dẫn xe vào. Thường là câu xin lỗi nhẹ nhàng, chàng cũng chẳng bận tâm. Hoành nhắc lại vụ chìa khóa, có ý mượn cô đi làm cái chìa khác cho tiện. Cô ậm ừ rồi để vậy chẳng đưa cho chàng đi làm chìa, và chàng cũng không nhắc lại nữa, thôi sao cũng được. Sách báo trên gác gỗ Hoành vứt bừa bãi khi đi làm, thường chiều tối về được cô sắp xếp lại gọn ghẽ. Thỉnh thoảng cô mượn vài cuốn, chê “ đọc chán thấy mồ sao chú lại mê được, nó khô khan làm sao ấy”. “Thì sách đọc để ngủ mà”, Hoành cười. Chê vậy nhưng vẫn cứ mượn và không hiểu để đọc hay để ru ngủ.
Một tối Hoành vừa tính tắt đèn ngủ thì nghe tiếng ông Phạm đi xuống. Đây là điều lạ vì ông không thường xuống đây chỉ sai con cái mời Hoành lên nhà ăn cơm uống nước hoặc nhậu nhè chơi.
“ Gì đấy ông ?”
“ Có chuyện kiếm cậu, khoan ngủ đã, có việc này mình bàn tí”
“ Đựoc, gì vậy ? Quan trọng không ?”
“ Ối dào, chuyện nhà ấy mà”
“ Chuyện nhà của ông sao lại bàn với tôi, kỳ không”
“ Thì mình là anh em mà”
“ Ô kê chuyện gì ông thầy?”
Ông Phạm xuống giọng, “Này cậu, có người lại dạm hỏi con gái tớ đấy”
Hoành tự dưng nghe một cảm giác là lạ trong lòng, như mất mát một thứ gì ấy. Chàng nghe ông Phạm nói tiếp, “ Ông bà ngoại mấy nhỏ đã đồng ý nhưng tớ thấy nó còn khờ lắm, mới hăm mấy, vào cái thời của mình còn đi học nhõng nhẽo với mẹ. Vợ tớ nói con nó nhỏ sợ về làm dâu không chịu nổi ít bữa lại khăn gói về nhà thì mệt dữ. Này ông thấy sao ?”
Hoành cười xòa, “ Ông ơi, hết người lại đi hỏi tôi, tôi biết gì ba cái vụ cưới xin”
“Nhưng mình thử bàn nhau xem, tớ ngại nó chưa biết gì mà gã đi thêm tội”
“Tội gì, trước sau cũng vậy thôi. À, mà này ông đang nói đứa nào vậy ?”
“ Nhỏ giữa, vậy mới kỳ, con em lại vượt con chị.”
Hoành nghe mình thở ra, một lát, “ Chừng nào?”
“Đang coi ngày, nay mai ”
“Khi nào mới cưới ?”
“Cũng không lâu đâu, coi luôn ngày cứơi nội trong năm nay”
“Vậy hay rồi, ông lo làm gì, lấy chồng rồi biết cả. Hồi xưa cha mẹ mình lấy nhau có ai qua tuổi hai mươi đâu. Rồi đâu lại vào đấy”
“Tớ lại lo”
“Chồng nó thế nào?”
“ Chỗ quen biết, ruộng sâu trâu cái, nhà náy chà lúa, con trai út, hơn con nhỏ 4,5 tuổi gì đó, cũng người mần ăn”
“ Thế cũng cho nó, ông yên tâm đi. Con gái lớn để trong nhà như trái bom nổ chậm, lo được là nhẹ người, để sức lo tiếp nữa. Ông còn hai đứa nữa mà ”
“ Biết vậy nhưng phải lo âu. Con cái ở trong nhà mến tay mến chân”
“ Thì ông bà nuôi tất, không cần gã cho ai là yên chuyện” Hoành đùa.

Mấy hôm sau, Hoành nghỉ chạy xe ở nhà phụ đám hỏi. Nhà dọn dẹp lại sạch sẽ, thuê thêm mấy bộ bàn ghế, đồ trang trí, bông hoa, dây lụa xanh đỏ tím vàng giăng khắp nhà. Đằng nhà ông bà ngoại cũng đến phụ, mọi người ra vào nhộn nhịp, hớn hở. Ông Phạm tươi tỉnh hơn, cười bảo Hoành, “lâu lâu có dịp, tớ với cậu thử say một bữa coi”
Hoành gặp Cẩm Hai ở nhà dưới, cười trêu cô, “ sao để em gái qua mặt vậy?”
Cô nhỏ cười, “duyên ai nấy gặp, biết ai mà đợi mà chờ”
Bà Phạm ngồi gần đấy nghe, gắt nhỏ, “Con nhỏ này, lại xổ nho ra rồi, mầy không lo cái thân mày ấy, rồi cũng tới lượt ”
“ Con hả, má khỏi lo đi, còn lâu. Chừng nào chú Hoành lấy vợ xong cái đã ”
“ Mày hơi đâu mà lo cho chú mày, có người lo rồi’
“Đâu có ai chị, đang tính nhờ ông bà giới thiệu cho” Hoành nói xen vào.
“ Tùy chú thôi, tôi thì sẵn sàng làm mai cho chú, sợ chú không ưng”
“ Dân ba gác ai mà ưng”
“ Áy chú đừng tường bở, ông nhà tôi cũng ba gác đó thôi, cực nhọc nhưng có tiền, nhiều người ở đây muốn ra xe nhưng thị trấn không cho đó, có nhiêu thôi, sang đi sang lại có mấy chục chiếc, ba gác nhưng có giá lắm. À không chừng chú kiếm cô nào vừa ý rồi lập nghiệp đây luôn đi, thời buổi giờ ơ’đâu cũng lao động cả ”
“ Má sao vậy, chú là người ăn học chắc không chịu cảnh này đâu má” Cô nhỏ nói với mẹ.
Hoành cười, “ ở đây quá tốt rồi, nhưng từ từ mới tính chuyện khác”
“ Rồi đâu cũng vào đó thôi chú” Bà Phạm buông một câu như kết luận.

Đâu vào đó thôi. Đúng vậy. Buổi lễ hỏi sau đó cũng qua đi như lệ thường: tươm tất, lễ nghĩa, khay quả, hai họ, ông bà chứng miêng, tiệc tùng ăn uống rôm rả. Cẩm Ba “ma qui giê” trông lớn hẵn, như một cô thiếu nữ xinh đẹp với vẻ e ấp ngại ngần của buổi đầu mới thấy mình khôn lớn. Ông bà Phạm hỉ hả ra vào cười nói chào hỏi quan khách, nhận những lời chúc tụng của người quen, đám hỏi đầu đời cho con mà. Hoành được ngồi chung bàn trưởng tộc, có ông bà ngoại Cẩm Ba và mấy người em vợ ông Phạm. Rượu bia vừa phải, nhưng cả bàn hình như chỉ có ông Phạm và Hoành say sưa rót và hình như bàn tiệc chỉ còn lại hai người. Hoành liêu xiêu mò lên gác. Loáng thoáng nghe tiếng cô nhỏ Cẩm Hai nói theo như khói : “ Chú chưa say à"

******
Ông Phạm đi thành phố về đưa cho Hoành bức thư Dì Kim:
“ Tớ ghé vào buổi trưa Dì hỏi thăm cậu nhiều chuyện, hỏi sao lâu không về, bạn bè lại kiếm dì không biết đâu mà chỉ. Dì gởi cậu bức thư ”
Thư ngắn, chữ của Dì Kim vẫn rất đẹp: “ Gia đình dì đã được khám sức khỏe chuẩn bị xuất cảnh, rất tốt. Công việc anh Út không có người thay, còn ba tháng nữa mới lên đường, cháu chuẩn bị về sớm để nhận việc anh ấy giao cho, người khác nhận thì uổng lắm. Anh Phạm rất tốt, nhưng cháu phải nghĩ đến tương lai, ba cháu và các em ngoài Huế. Trả lời dì sớm để lo liệu. Dì Kim ”

Buổi sáng đạp xe ra bến, Hoành thấy đầu óc trống rỗng. Ngồi đọc lại thư dì Kim nhiều lần, mông mang những ý nghĩ rời rạn.
Gần nửa năm, một thời tưởng rồi sẽ qua yên ắng và bình ổn. Ngày và đêm lượn lờ giữa những cuộc vui say tỉnh chốùc lát, giữa những con đường cát xóm làng nghẹn từng vòng xe, giữa những chiều hôm âm u ở vùng bưng cỏ lát, giữa một ngày đã hết quay bánh trở về nghêu ngao khúc hát xưa cũ ngậm ngùi mùa dỹ vãng… Sẽ có một lúc nào khác nhưng thời gian ở đây chưa đủ để lãng quên.
Buổi tối trên gác thật êm. Hoành chưa nói gì về việc dời hỏi với ông bà Phạm, cũng phải lựa lời thôi, đàng nào thì sự việc ấy cũng xảy ra, không sớm thì muộn.
Có tiếng động nhẹ ở cầu thang vàmột khuôn mặt hiện ra, trước tiên là hai con mắt đen tròn: cô nhỏ Hai.
“ Gì đó cháu ?”
“ Cháu lên được không ?”
“ Lên đi, mượn sách hả ?”
“ Không, lên chơi ấy mà”
Cô nhỏ bước lại cái bàn nhỏ tay mân mê mấy cuốn sách.
“ Mới mua đó, có đọc thì mang đi”
“ Cháu còn, đọc mấy cuốn cũ chưa hết”
Không gian im, rộng giữa hai người, mặc dù cái gác nhỏ bằng nắm tay. Một lát.
“ Nghe chú sắp về lại thành phố”
“ Sao cháu biết”
“ Hồi trưa ăn cơm nghe ba nói với mẹ. Chú tính chừng nào ?”
“ Chắc nay mai, ông anh sắp đi nước ngoài, công việc không dễ kiếm được, phải tranh thủ”
“ Thành phố chắc là vui rồi” Một cầu nói không ăn nhập vào đâu.
“ Cũng vậy thôi. Có khi ở quê lại hay hơn”
“Chú đi ai cũng buồn” Một câu nói bâng quơ.
“Có người thôi, đâu phải ai ai. Nhưng trong số người buồn có cô bé Hai này không nhỉ ?”
“ Chắc chắn là có rồi. Chú không cảm thấy thế sao ?”
Im lặng một lát.
“ Chú đi chắc còn lâu mới trở lại ?”
“ Cũng tùy, nhưng đây xa thành phố bao nhiêu đâu, loáng cái là tới, về giờ nào chả được”
“ Sợ chú đi rồi quên luôn, xa mặt thì cách lòng, đàn ông mà”
“ Không đâu, chú rất biết ơn ba mẹ cháu”
“ Ba mẹ muốn chú ở đây, lập nghiệp lấy vơ, ba mẹ sẵn sàng gíup chú kể cả nhà cửa cơ ngơi làm ăn”
“ Biết vậy, nhưng cuộc sống mỗi người một khác, đâu như ý mình muốn là được”
“ Chú đi rồi nhớ ai nhất?”
“ Ai cũng nhớ”
“ Nhưng ai nhất ?”
“ Giờ thì chưa biết. À mà này sao bữa nay cháu lột lưỡi hả?”
Hoành đùa nhưng cô nhỏ không cười. Cô lặng lẽ chào, miệng lí nhí gì đó không rõ. Hoành gởi với theo mấy cuốn sách, “ cháu giữ lại đọc đi, chú không mang theo đâu ”. Không có lời nào đáp lại.

Sáng sớm Hoành thức dậy, lau chùi chiếc xe ba gác thật sạch xong cho vào ụ. Chàng bước lên nhà trên, kêu cà phê ngồi chờ ông bà Phạm.
Cuộc chia tay thật nhẹ nhàng. Dù ông bà Phạm tỏ ra rất lưu luyến, “Nhưng làm sao được, đó là một công việc không dễ có vào thời buổi này, với lại hợp với cậu hơn, nghề ba gác này chỉ để đỡ giấc thôi.”
“Lúc nào chán cậu cứ về đây, tớ rộng cửa chờ” Ông Phạm nói theo khi xe đò lăn bánh.

Bờ cây, đồng ruộng, đường bụi đỏ, những giọt mồ hôi lao lực, những ngày tháng dật dờ quanh quẩn thị trấn với lúa gạo đậu mè… Căn gác đêm neo lại nỗi cô độc, và đôi mắt to đen của cô gái nhỏ – âm thầm, sâu hút một nỗi niềm. Tạm biệt, một số ngày và tháng đã đi qua.

*******

Những chuyến vận tải hàng theo anh Út khắp sông rạch kênh đào vùng miền Tây Nam bộ không cho Hoành được ngơi nghỉ lâu. Mỗi chuyến đi dài hàng tháng, về bến đậu nghỉ chừng năm ba ngày để chuẩn bị một chuyến hàng khác. Hoành cuốn hút theo với công việc, vui thú với những bến bờ sông nước. Cuộc hành trình dọc dài theo sông Cửu Long ngược lên Nam Vang rồi lại xuôi về với những khối gỗ tròn nguyên liệu đem về cho Thành phố. Hoành hầu như không có thời gian để suy nghĩ cho những tính toan ban đầu về ông già, mấy cô em nhỏ ở Huế, về ông bà Phạm, cô nhỏ có đôi mắt to đen ở huyện lỵ yên lành.
Ông già viết thư vào báo tin vui hai đứa em đã thi đậu vào đại học, mùa sắn vừa rồi thu hoạch khá, đang xắt lát phơi để dành ăn độn với cơm vào mùa đông tới, chỉ ngặt không có tiền đóng học kỳ, bảo Hoành rán làm gởi ra, đừng lo gì vấn đề ăn ở hay di cư vô Nam. Dì Kim ứng trước cho Hoành một ít, cuối tháng lãnh lương đưa lại. Như thế cũng tạm yên lòng một phía. Nhưng nhiều đêm trên con tàu sông nước, Hoành vẫn chưa nguôi ngoai về một nỗi nhớ nhung không hình bóng, về một đôi mắt to đen hằng dõi mong nơi thị trấn ngày nào

Chỉ còn hơn tháng nữa là anh Út phải nghỉ để chuẩn bị đi, mọi việc anh đã bàn giao cho Hoành. Bây giờ là tháng cuối năm, tàu trở về thành phố chuẩn bị cho chuyến hàng Tết. Hoành tranh thủ buổi trưa chạy vê nhà Dì Kim. Dì Kim vẫn khoẻ, dì ngó Hoành với con mắt lạ lùng khác mọi lần. Dì cười cười bảo Hoành giờ thì chịu lấy vợ chưa. Hoành chưa hết ngạc nhiên thì dì trở ra đưa cho Hoành bức thư để ngỏ, không dán tem. Hoành nhận ra tuồng chữ ông Phạm.
“ Thôi quyết định đi ông tướng, tôi đang còn đây mấy bữa để tôi liệu cho xong. Đừng có mà gieo đau khổ cho người ta mang tội khó gỡ đấy”
Thư ông Phạm ngắn gọn có mấy dòng: “Hoành, con nhỏ lớn của tớ nó đau một trận suýt chết, cả nhà lo lắm. Chắc cậu cũng biết chuyện gì rồi. Cậu thu xếp về đây một chuyến. Không lẽ tớ lại đi lôi cậu về. Tớ có thưa chuyện với dì Kim. Này, cậu có muốn làm rể của tớ hay không ? Phạm.”


TỪ HOÀI TẤN
Hậu Nghĩa 07/5/1991

Không có nhận xét nào: