Đọc thơ Đinh Như Thúy - “Ngày linh hương nở sáng”
Người đọc : Khổng Đức
Người đọc thơ là thứ người hành hương xuất phát lên đường, giải bày
(The ready poetry is a kind of pilgrim setting out, setting forth)
Không cần phải dài dòng, mở sách “ Ngày linh hương nở sáng” là thấy ngay sự trưởng thành: không có lời giới thiệu ngu ngơ, cùng với lời tác giả rạch ròi như tập thơ “Phía bên kia cây cầu”. Mà chỉ có “Cõi ảo” thay cho lời nói đầu, thể hiện tâm tư và hoàn cảnh của con người sống ở “phố huyện (miền núi) tù túng ngột ngạt từng khối lặng yên không ngừng lớn chèn ép đam mê”…. Lại còn các thứ “mặt trời trùm phủ quầng sáng rọi soi cảm xúc…” Trong cái thế bị ức chế thì phản ứng phát sinh thành hành vi đề kháng - thứ đề kháng tinh thần yếu đuối là “hoa thơ nở bung”. Đó là điều kiện, là hiện tượng như Samuel Beckett từng nói, là cấp thiết cần phải nói, phải viết, viết nữa, viết hoài, nó như là mệnh lệnh vô hình đầy sức cưỡng chế bắt buộc (l’imperatif de dire) để hoàn thành tác phẩm nghệ thuật tượng trưng cho một thứ bi kịch của trí tuệ.
Thơ là tình cảm là tư tưởng thì không dễ gì hiểu được, vì tư tưởng tự đùa nghịch và lẩn trốn như rượu nóng trên bàn tay vụng về của nhà phân tích. Một tác phẩm đúng nghĩa là sự sáng tạo đầy đau khổ khó khăn, đầy máu (tôi không gọi là mồ hôi) và nước mắt, thì nó có tình chất lấp lánh như vầng hào quang hay như giọt sương long lanh… Nói như Thierry Maulnier: “ thực tại càng tan biến, càng ương ngạnh như những bóng ma, nó tự sáng và tắt như một vì sao tự hạn định khả năng tỏa sáng của mình. Và nói như người xưa thi nhân là thiên tài của sự hồi tưởng hay quay về với dĩ vãng – nhưng không phải quay về với dòng tình cảm nhớ nhung yêu đương sướt mướt của một cá thể, mà là để thấy rõ cái nhầy nhụa nôn mửa đầy đen tối ướt át dơ bẩn… của cả một thời đại, dù trong phạm vi nhỏ hẹp của một huyện một tỉnh ở miền núi xa xôi vẫn có thể là tiêu biểu cho cả một vùng rộng lớn, đất nước bao la. Thường là nó hướng về tương lai với hi vọng đợi chờ ánh sáng để an ủi… Nhưng đây chỉ có quay về với tuyệt vọng đau thương, giống như Orphee quay về chỉ để thấy mất mát…
Mặt đất đã bắt đầu đưa võng…Tất thảy, tất thảy đã không còn yên ổn… Mùa đã khô… Ngày đã không còn hoang hoải gió… Dã quì bình thản đợi hồi sinh…
Nhưng con người hiện thân của dã quì là “đàn bà” mang giấc mơ bất ổn chôn chân trên sườn đồi chờ mưa, chờ quên lãng… với niềm âu lo đồi hoang sẽ không còn là đồi hoang …, giống như Heidegger từng tiên báo: con người làm cho sự vật không còn nơi nương tựa. Nhiệm vụ của triết học, của nhà thơ là chìm trong “suy tư sự suy tư” trong những nhu cầu đòi hỏi, tự thấy như gánh nặng những đau khổ, đang trải qua sự khủng hoảng trí tuệ trầm trọng (J.M. Maulpoix):
Tự làm đầy minh bằng im lặng
Tự trò chuyện bằng vẻ mộng du
Tự thấy mình phung phí mình
Tiết kiệm mình, giễu cợt mình
Cứ những u mê mệt mỏi bất an
(Mơ vườn lạnh)
Nhưng khi con người còn hít thở khí trời, còn cử động đi đứng nằm ngồi có thể nào im lặng bất động, nên: Đằng sau nhịp thở êm / Đằng sau làn da ẩm / Đằng sau mịn màng mạch máu chảy sôi / Đang âm ỉ những gì không thể thấy… Những cơn đau không còn mơ hồ / Những cơn đau cứ nhói lên nặng nề. (Đơn giản chỉ là sự vắng mặt)
Chung qui với thân gái đơn côi như : Một cây đứng chờ ngọn gió.. đứng chờ ngọn lửa… được reo lên, …được ngùn ngụt cháy…
Không lẽ cũng tìm bình yên trong một giấc ngủ dài (Có phải tất cả kiếm tìm đều như thế)
Đã hay: Cái chết đẹp như câu hát / Cái chết đẹp như ánh sáng
Nhưng một khi định mệnh chưa cho, đâu có phải muốn là được, mà vẫn mãi mãi chịu cảnh “những ban mai không có mặt trời”. Tự thân là chiếc lá xanh đã ươm màu vàng để rồi tàn phai theo thời gian thành thiếu phụ (Chiếc lá).
Đến đây thơ lại thấm mùi triết, hay nói như M. Maulpoix: thơ là triết, là cái điều nó phê phán, phê phán ý nghĩa, phê phán tinh thần, phê phán ngôn ngữ. Thi ca đặt ngôn từ trong trạng thái phê bình; nó không thích đặt ra những qui luật, biến đổi thân phận, khát khao lý tưởng, nó trở về trong trần thế chúng ta. Hay nói khác hơn, thi ca dạy cho chúng ta đôi điều điên cuồng, nó không phải đơn giản là sự hổn loạn của lí trí, nhưng đối chiếu với đối tượng chọn lọc một sự quan trọng không có giá trị thực tại của cộng đồng. Một yếu tố tình cảm mê đắm theo mệnh lệnh của tình yêu sửa đổi mối liên hệ từ chủ thể đến thực tại; tái tổ chức thế giới tri giác xung quanh nó, bao quanh nó là một linh quang trở thành duy nhất không thay đổi được.
Điều mà nghệ thuật trình bày chỉ là phù hiệu, là ý tượng, ý nghĩa của nó không phải cái gì bày ra ở trước mắt, mà là ở phía sau, hay nói theo ngày nay là phải dấn thân đi sâu vào tác phẩm mới nhận thức được ngữ cảnh nước đôi (hay là song trùng ngữ cảnh). Đọc thơ “chuyện tháng tư”, tôi lại nhớ đến hai câu thơ điên điên (không nhớ là của ai):
Nễ tâm hỏa phát quang chi kỳ,
Chính thị lệ lưu khai thủy chi nhật.
Tạm dịch thành thơ : Phút giây bừng sáng lửa lòng
Là phút giây nước mắt khơi dòng trào tuôn.
Bài thơ chuyện tháng tư đơn giản vẫn nói lên được sự thể nghiệm sinh tồn. Trong nắng hạn người ta khao khát nước, trông chờ mưa – nhưng mưa ở đây là mưa của ngôn ngữ thơ, mưa của tâm tư nội tại, mưa của miền tây, miền đất đỏ: “mưa rơi đến đâu bụi tung lên thành quầng đỏ đến đó… Trên mặt đất nước bắt đầu ứ đầy đỏ ngầu tuôn chảy… Đến mùa sinh sôi nảy nở côn trùng; để rồi chết một cách lạ kỳ phi lí, đầy huyền bí không sao lý giải được.
Và chân lý phát sinh, khi người bạn nói: chỉ còn thiếu rắn; thế là rắn đã hiện ra mướt rượt lạnh ngắt luồn dưới cổ chân rồi dịch chuyển lên cao, lên cao mãi. Hình ảnh con rắn là con rắn đã dụ dỗ Adam Eva ăn trái cấm, đẩy con người vào sa đọa; hay nói như Jung là con vật hiện thân cho tâm hồn hạ đẳng, cho cái tăm tối.
Nhưng đâu có phải một chuyện tháng tư, mà trong tập Ngày linh hương nở sáng còn lắm chuyện tháng tư – vì tháng tư với VN đã thành hiện tượng lịch sử; đó là chưa kể với Miền Nam, Miền tây Cao nguyên, tháng tư là đầu mùa mưa, mùa của gieo trồng, nguồn sống của con người chỉ trông vào đó. Nên dù ngôn ngữ và ý nghĩa có thay đổi vẫn là tháng 4 như “những ám ảnh bất động”, tháng của những ve núi rền rĩ trong các vòm xanh…
Thơ ở đây cũng như toàn tập đều mang cái giọng điệu – tôi gọi là giọng điệu Như Thúy - Thúy đây ngoài nghĩa là xanh như họa sĩ vẽ bìa từng nắm vững, Thúy còn là sâu xa, thâm thúy, nên ngôn từ rất sáng sủa mà ý nghĩa thì vô cùng sâu sắc tối tăm. Hay nói như Maulpoix: Hãy nhận lấy cái trách nhiệm ẩn dụ tối tăm mà trong đó chúng ta lại tìm thấy sự sở hữu của mình. Có lúc tác giả giữ lại dưới cái nhìn một khoảng cách, có lúc lại đưa vào trong sự rối rắm chằng chịt :
Em nói: những con ve không để ai yên
….. Tất thảy đã cuốn xoáy giễu cợt chớt nhã
Nó xen kẻ ngôn từ lớn, ngôn từ nhỏ, nó rơi xuống trong sự mờ mịt hay trồi lên trên mặt, tự thay đổi ánh sáng theo giờ giấc và khung cảnh; nhưng luôn luôn hoạt động lôi sự tối tăm của chúng ta ra ánh sáng, hay hé mở cho chúng ta thấy một ít phát ngôn đơn giản, như :
Sao tiếng giục giã bền bĩ gọi trong từng nhịp đập
Sao vẫn chỉ ước muốn rã rời… Được thả trôi
Đến “ Kể lại chuyện tháng tư năm ngoái” – Một tháng tư đi về buôn Đôn: Lang thang vào rừng, Rừng đã thưa rích thưa rác. Rừng không có hoa dại… Không còn tiếng chim. Tất cả phải biến mất. Để chấm dứt. chính ở đây là quên đi cái gì đã xảy ra, không còn muốn nghe nói, chối bỏ sự nhớ lại trong thời gian cũng như trong tả tác, để chỉ còn lại “hiện tại đui mù, đui mù!” “Những sự vật không đặt đúng chỗ - Những bông hoa không nở đúng mùa”…
Còn “tháng tư, cơn nhức đầu và những hoảng loạn”: “Đừng riết nhau bằng đôi tay chứa đầy nọc độc /Chúng ta sẽ chết / Trước khi kịp hiểu những sai lầm // Những vòng lửa tóe vàng đắc thắng // Những ký ức xa xưa / Những ký ức như mưa / Còn yên nguyên trên mắt”
Dĩ nhiên thi ca là hay quay về với những hoài niệm, xa xưa hay vừa trôi qua. Từ Nostalgie của Tây phương vốn có nguồn từ tiếng nostos của Hi Lạp, có nghĩa là trở về. Và Pascal Quignard còn nói: Trở về là cái đáy của tâm hồn. Căn bệnh của trở về không thể mất được - hoài vọng cố hương là tật xấu đầu tiên của tư tưởng, bên cạnh sự đói khát của ngôn ngữ. “Tiếc tháng tư đã không là gì khác”. “ Tháng tư chỉ là tháng tư / Thời khắc mùa hè / Mọi âu lo tạm thời im phắc / Chỉ tiếng ve / Chỉ tiếng mưa..”
Nên phải đặt cách tra hỏi với sự nhấn mạnh đối tượng. Phải nói đến tận cùng sự lạ thường, hay làm thế nào tự tìm thấy sự hiện hữu của chúng ta. Thiết lập sự đối thoại im lặng. Đề cao sự thách thức. Rút ra sự lặng câm. Có khi phải lui về “dịu dàng nói lời từ biệt” “Những thảm hại của bao nhiêu mục ruỗng. Làm chúng ta vừa buồn nôn vừa chảy máu” .
Nhưng rồi loay hoay chúng ta cũng đã trải qua những ngày cuối của mùa hạ với sự thận trọng, cảnh giác, tiết kiệm, nêu cao tinh thần trách nhiệm. Để rồi cuối cùng cũng trở lại với mùa đông . Mùa đông với những lá trạng nguyên đỏ… đáng sợ nhất là mong muốn được buông tay … Làm sao có thể ngủ yên. Làm sao có thể nguôi quên.. Hỡi giọt giọt căng đầy Giọt giọt đắng cay mệt nhoài bất lực (Ngang qua Krông Bông).
Nhưng con người lại là thứ người mẫn nhuệ, sáng tác nghệ thuật là phải tồn tại, phải hiện hữu, thế tất phải tỏ thái độ, đó cũng là bản chất thiêng liêng của thi ca, hãy đọc thêm một số bài trong Ngày linh hương nở sáng là thấy rõ. “Em biết: chỉ cần em giữ để em đừng mê hoặc bước ra giữa hai lằn xe xuôi ngược vun vút. Em biết: em phải tự đi qua những trống rỗng như vực thẳm bất chợt mở ra toang hoác dưới chân. Em biết: em đang chết dần, bắt đầu từ đôi chân” (Những hoảng loạn của con chim sa lưới). Đúng là thân phận con người như con chim sa lưới, mất hết tự do, mà còn như kẻ sắp bước lên đoạn đầu đài… ”Vì chúng ta đã mang vác quá nhiều”. Và khi đi vào nội dung của đề tài này mới thấy Như Thúy đã khéo léo vận dụng sức mạnh của ngôn ngữ thi ca là chỉ biểu hiện, mà không phải nêu danh chính xác, hay cố tình né tránh. Thật ra đây là sự biến hóa của bản năng xung động đề kháng hay chống đối (resistance), với điều kiện là bản năng xung động xâm nhập sâu vào sự ức chế (repression).
“Thật lòng chúng ta tăm tối biết bao. … Nhìn hay không nhìn có khi nhìn mà không thấy không nhìn mà thấy cũng như bước vào và đứng yên có khi đứng yên mà tràn ngập cảm giác bước vào còn bước vào lại trống rỗng hay như đối đầu hoặc chạy trốn có khi nào đối đầu lại là chạy trốn không làm thế nào mà biết”. (Tôi xin mở ngoặc chút xíu để nói về đặc trưng cú pháp của Như Thúy, là trong ngôn ngữ thơ, cô giáo này hay sử dụng phép đối nghịch như câu vừa nêu, và còn lắm chỗ như “ vừa bí mật vừa phô bày, vừa đắm say vừa hờ hững… Sự nghịch lý làm nổi bật ý nghĩa, cái hình ảnh đối nghịch mời gọi duy trì tính năng động của mâu thuẫn nội tại – bình thường thì nó gây ra sự chú ý mạnh mẽ, từ vô nghĩa sanh ra ý nghĩa, từ phi lý đến hữu lý, nó cũng là sự dẫn dụ đưa đến chân lý). Chung qui vẫn là phản kháng khéo léo, kết thúc ở câu kết luận: Ngay lập tức chúng ta sẽ được toại nguyện, hai cánh tay mọc đầy lá, thân hình vặn vẹo những thớ gỗ và đôi chân mọc rễ bám sâu vào đất. Con người đã biến dạng thành cây cỏ. (Chúng ta đã mang vác quá nhiều).
Tinh thần phản kháng có thể nói là chủ đề của toàn tập Ngày linh hương nở sáng, tiêu biểu là từ “ngày nhiễm độc”. (Hư cấu của Như Thúy trong năm 2009, nhưng đến 2011 này nó đã thành hiện thực đau lòng). Tất cả đều đã nhiễm độc không phải chỉ mất lưỡi mà đi đến mất mạng. Mất lưỡi phải nuốt những suy nghĩ xuống bụng thai nghén rồi thành thơ “ Ngày linh hương nở sáng”.
Nhiệm vụ của nhà thơ là tỉnh thức và chú ý đến mọi nơi trong thế giới, là người luôn luôn sống với thế giới hiện hữu bên ngoài, mà thị giác không chuyển vào hư không, ngược lại chuyển vào nội tâm. Nó dừng lại trước những sự vật khiêm tốn và phát ngôn cho thế giới câm lặng. Nó nhắc nhở chúng ta cái to lớn của cuộc đời là hiện hữu ngắn gọn và tràn đầy giữa hai bờ vực thẳm. Nhà thơ là người nhìn thấy và nói lên điều đó, trong khi mắt lại nhắm vào vật khác. Cái nhìn của nó là đặt trên và trong sự mất mát. Nó là một sinh vật có cái nhìn sóng đôi, quay về với thiên nhiên nơi đang cư trú và quay về với hiện tại đang lẩn trốn, quay về với đồng loại, với thần thánh, quay về với thực tại và phi thực tại. Từ đó nó trương ra và vặn xoáy ngôn ngữ, nối lại những mâu thuẫn (J. M. Maulpoix).
Từ lúc cầm bút viết bài này, tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ là dắt dẫn bạn bè cũng như bạn đọc (nếu có) đi sâu vào việc tìm hiểu nội dung thơ “Ngày linh hương nở sáng”. Cuối cùng nhìn lại việc làm sáng tỏ vấn đề chẳng được bao nhiêu mà chỉ gây ra tối tăm thêm; có thể do tôi bất tài, hiểu sai hiểu lầm, hoặc cái nhìn của tôi quá chủ quan, chủ quan đến mức cực đoan, đó là căn bệnh truyền thống của dân xứ Quảng. Viết đến đây nghe cũng đã đuối, mà nội dung cũng tạm đủ, tôi xin mượn lời của J.P. Sartre để kết luận cho bài viết:
“ Cái cao độ của chủ nghĩa tồn tại là sự tự do của con người. Sáng tạo nghệ thuật là để thể hiện tinh thần tự do. Nghệ thuật là phi hiện thực nhưng lại phải phản ánh bộ mặt hiện thực của thời đại. Người làm nghệ thuật theo Sartre, là phải “dấn thân” thì với tập thơ “Ngày linh hương nở sáng”, Như Thúy đã mạnh dạn hơn ai hết, bỏ xa giới nam nhi, dấn thân sâu vào sự phản kháng, hay ít ra bộc lộ một thái độ rõ ràng như người lữ hành giữa sa mạc khát tìm nước thì Như Thúy khát tìm tự do. Vì tự do mà phát huy chức năng phê bình xã hội, thực hiện đúng thực chất của nhà nghệ thuật là nhà phê bình.
Và trước khi dừng bút hẳn, tôi muốn bàn riêng với Như Thúy như người thân trong gia đình (Khổng Đức cũng họ Đinh mà). Đã đành Ngày linh hương nở sáng trong khu vườn khá đẹp và hay, giống như tiếng hát của Orphee nảy sinh từ sự mất mát chỉ mong mỏi mang được đối tượng mất mát về với ánh sáng, thi ca mạo hiểm xông pha trong bóng tối và bàn bạc với nó; dùng nó đặt tên cho một bài thơ tiễn đưa người quá cố thì tốt, nhưng lại dùng đặt tên cho cả tập thơ thì theo óc mê tín khù khờ của Khổng Đức thì không nên.
Giờ thì xin gác bút, tuổi già dễ lú lẫn, trong bài viết có gì sơ sót mong các bậc cao minh thể lượng cho, rất cảm ơn.
Khổng Đức
(2-9-2011)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét