Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Cao Huy Khanh VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 – 2011: NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

Kỳ 85 –19.9.2011 (Trích đăng từ 1.1.2010, xem MỤC LỤC DANH SÁCH ở Kỳ 75)

851 - Đặng Thị Bích Ngọc

LIỆT SĨ SỐNG LẠI 34

Cán bộ về hưu tên cũ Nguyễn Thị Ngọc sinh 1952 tại Quảng Nam. Sống ở Tiền Giang (2011).

Mới 15 tuổi đã thoát ly đi du kích đánh Mỹ.

Chỉ không bao lâu bị thương nặng năm 1966 cứu chữa tại địa phương không hết nên cuối năm 1969 được đưa ra Bắc chưa tiếp.

Sau khi tạm lành bệnh được chuyển vào lại chiến trường Tây Nguyên rồi xuống Nam bộ làm ở bộ phận y tế chiến trường. Lại bị thương nữa may mà không chết song ảnh hưởng thần kinh.

Sau chiến tranh ở lại Tiền Giang làm ngành y tế song không nhớ gì về quảng đời đã qua lẫn quê hương gia đình thân thích.

Trong khi đó ở quê nhà mẹ mất, cha dượng không nhận được tin tức nên làm hồ sơ công nhận liệt sĩ năm 2001 theo tên cũ Nguyễn Thị Ngọc.

Trong lúc đó “liệt sĩ” vì bệnh dai dẳng đã được cho về hưu non năm 1982 ở tận Tiền Giang. Trí nhớ vẫn mơ hồ mờ mờ ảo ảo như người đi đêm.

Mãi đến năm 2011 không hiểu sao nhờ đâu mới dần hồi phục trí nhớ mình (từng) là ai ở đâu. Rồi từ đó lần mò tìm đường về thăm quê làm mọi người một phen… hết hồn!

852 – Lê Hoàng Khải

DẤU ẤN CÔ NHI VIỆN

Nông dân sinh khoảng 1960 tại Quảng Ngãi. Sống ở Quảng Ngãi (2011).

Năm 1968 trở thành trẻ mồ côi do cha mẹ trúng bom chết trên đường chạy loạn. Được người khác dắt díu chạy tiếp theo quán tính cùng đoàn người chạy loạn đi ăn xin khắp chợ, nhà ga Quảng Ngãi.

Cuối cùng được các xơ đưa về nuôi trong cô nhi viện Phú Hòa ở huyện Sơn Tịnh. Không nhớ cả tên cũ là gì nên mới được các xơ đặt tên mới ngày nay.

Sau hòa bình lập lại đã nhiều lần cất công đi truy tìm gốc gác tin tức gia đình cũ song đều không kết quả. Đành quay về quê mới Sơn Tịnh kiếm mảnh đất ở gần cô nhi viện xưa kia làm nông sống qua ngày.

Nhưng linh cảm thấy mình vẫn thiếu thốn tình thương gia đình nên mới nghĩ ra cách bù đắp bằng tình cảm cô nhi viện ngày nào từng ấp ủ nuôi dưỡng mình. Thế là quyết tâm noi theo tấm gương cô nhi viện ấy bằng cách tự xây dựng riêng cho mình một cô nhi viện nhỏ: Dùng nhà tranh vạch lá nông dân của mình để nuôi trẻ mồ côi đi “lượm” khắp nơi mang về! Đến nay đã nuôi 17 em như vậy, có em đã trưởng thành ra đời.

Để nuôi đủ đàn con không máu mủ, phải nai lưng làm đồng suốt ngày, làm lúa, tỉa bắp tỉa đậu, trồng mía trồng mì trên 10 sào đất nắng chang chang. Chiều rảnh thì tranh thủ chạy thêm xe thồ hay xe ba gác chở hàng kiếm tiền cho các “con” ăn học.

Không chỉ vậy còn hy sinh cả hạnh phúc đời riêng cho sự nghiệp “cô nhi viện tự phát” này: Lấy vợ được 2 tháng thì người vợ trẻ không chịu nổi cảnh nuôi “con người ta” nheo nhóc quá mệt mới đòi “ra riêng” nhưng chồng không đồng ý nên đôi bên phải sớm nói lời chia tay! Giải thích “Mình mà đi thì ai nuôi mấy đứa?”.

Đành chấp nhận “chết” tên “Ba Khải” một cái tên tiền định: Tên có từ hồi còn ở cô nhi viện do mình lớn thứ nhì trong nhóm trẻ mồ côi, còn nay là tên cha của tụi nhỏ vô gia đình vô gia cư nay đã tìm thấy mái ấm gia đình: “Điều tôi mong nhất là làm sao trên cuộc đời này không có những đứa trẻ phải vào cô nhi viện nữa.”

853 - Lê Khắc Hơn

LIỆT SĨ SỐNG LẠI 35

Thương binh sinh 1951 tại Thái Nguyên. Sống ở Cần Thơ (2011).

Thượng sĩ bộ đội chiến đấu ở Bến Tre và bị thương nặng ở đầu đúng vào ngày 30.4.1975.

Được đưa đi cấp cứu rồi chuyển qua Tiền Giang, Cần Thơ tiếp tục chữa trị trong thời điểm tình hình lộn xộn đơn vị ở Bến Tre không biết nên sau đó báo tử về quê Thái Nguyên công nhận liệt sĩ!

Nằm viện một thời gian dài ở Cần Thơ được chữa lành các vết thương bên ngoài nên được cho ra viện nhưng vết thương ở đầu vẫn còn nguyên gây bệnh mất trí nhớ.

Vì thế ra ngoài đời ngơ ngác không nhớ gì hết không biết mình là ai cũng không người quen bà con thân thích không thể cầu cứu nương nhờ vào đâu. Đành sống đời lang thang bụi đời làm đủ thứ việc để sống tạm qua ngày.

Đến năm 1991 gặp được một phụ nữ góa chồng (có 2 con đời trước) thương cảm đưa về nhà lấy làm chồng cùng làm bánh bông lan bỏ chợ. Sinh được 2 con.

Năm 2002 tình cờ một đồng đội cũ gặp được mới truy ra gốc tích quê hương, gia đình cũ rồi tìm cách báo về Thái Nguyên cho bà chị dâu biết.

Bà chị dâu vào tìm gặp rồi đưa về thăm quê sau 36 năm lưu lạc mất tích. Bấy giờ được làm lại giấy tờ hồ sơ thì Cần Thơ mới chính thức cho… nhập hộ khẩu!

854 - Lê Lý

CẢI ĐẠO TIN LÀNH VẪN XÂY CHÙA

Thường dân Việt kiều Mỹ sinh 1933 tại VN. Sống ở Mỹ (2008).

Di tản năm 1975 qua Mỹ.

Bước đầu bơ vơ trên đất lạ xứ người nên chấp nhận bỏ đạo Phật gia truyền cải đạo Tin Lành để được nhà thờ hỗ trợ nuôi con. Nhưng trong thâm tâm vẫn luôn thầm tụng kinh niệm Phật cố giữ niềm tin truyền thống khỏi bị mất gốc.

Vì thế khi con cái thành đạt cả rồi mới thương mẹ tìm cách xây cho mẹ một ngôi chùa ngay tại Texas nơi gia đình cư ngụ bởi biết đó là “giấc mơ cả đời” của mẹ.

Từ đó bà đã về VN hai lần năm 2005 và 2006 để chọn lựa kiểu dáng và vật liệu đưa sang Mỹ dựng nên một ngôi chùa nhỏ “đúng nghĩa và đúng kiểu” cho mình tu hành cuối đời.

Chùa đã khánh thành năm 2008.

855 – Lê Quang Ánh

“CÁNH TAY THÉP” CỦA NGƯỜI CHA

Bộ đội về hưu sinh 1940 tại Hà Nội. Sống ở TPHCM (2008).

Vào bộ đội năm 1963 từng chiến đấu trên những mặt trận ác liệt Khe Sanh, đường 9 Nam Lào rồi chuyển qua làm lính vận chuyển xăng dầu đường Trường Sơn. Vợ cũng là thanh niên xung phong rồi làm giao liên.

Sau chiến tranh về nhận nhiệm vụ tại Hà Nội.

Sinh được 3 con trong đó có một con gái sinh năm 1981 cũng là năm mình 50 tuổi bỗng nhiên tóc bạc trắng là một dấu hiệu dính CĐDC mà không biết. Cho nên cháu bé sinh ra đã bị di chứng CĐDC thân hình bé nhỏ chỉ cao chưa tới 1m, hai chân bại liệt không đi đứng được, 2 bàn tay co quắp.

Con không đi đứng được nên bố phải bồng bế lo mọi việc cho con từ làm vệ sinh đến thay áo quần, ăn uống, lên gác xuống gác. Vợ già cũng bệnh hoạn, còn hai con đầu đã lập gia đình ở riêng nên rốt cuộc chỉ còn mình ông bố lo cho em.

Rồi con lớn chút nữa ham học nên bố phải chiều con tự tay mình bồng con đi học Bồng bế con gái bằng 2 tay phía trước chứ không cõng trên lưng, may mà em bị bệnh nên chỉ nặng chưa tới 30kg!

Bồng con đi như vậy suốt thời gian học tiểu học. Đến cấp 2 mới kiếm được chiếc xe đạp chở con đến trường, qua cấp 3 mới có chiếc xe máy cũ thay vào, sau đó mới bế con vào lớp. Dù đã lớn tuổi vẫn cắn răng bế con lên mấy thang lầu vào lớp rồi quanh quẩn ngoài sân trường chờ tan trường lại đón con bồng về nhà, có khi gặp trời mưa gió phải đi cả tối mịt mới về.

Nhẫn nại lặng lẽ đưa con đi đi về về tất cả bằng 2 “cánh tay thép” của người thương binh tưởng giống như anh bộ đội ngày nào “chân trần chí thép”!

Nhưng con đường đi học của con ngày càng dài ra bởi có khi em phải học 2 năm mới xong một cấp lớp do bị bệnh tật hành hạ, nhất là vào mùa đông lạnh giá thường xuyên bị đau nhức các khớp xương toàn thân. Cũng vì thế năm 1994 bố phải xin chuyển cả gia đình vào TPHCM sinh sống tránh cái lạnh miền Bắc đồng thời tiện cho em vào Làng Hòa Bình của bệnh viên Từ Dũ.

Tuy nhiên bây giờ bố phải làm việc gấp đôi mỗi ngày 4 đợt bế con đi và về, ngày bế vào Làng làm quen với cuộc sống chung cùng bạn bè đồng cảnh ngộ, tối bồng đi học bổ túc.

Mất tới 17 năm dài như vậy con mới tốt nghiệp phổ thông bấy giờ thì bố đã gần còm lưng xệ vai gánh nặng tuổi tác. Con thấy vậy thương bố đã già rồi sợ không còn đủ sức bồng bế mình đi học nữa nên thôi không dám thi vào đại học.

May thay năm 2008 em được nhận vào lớp học nghề cắm hoa mỗi tuần chỉ đi học một buổi nên “người bố vĩ đại” – lời của em – mới đủ sức tiếp tục hành trình bế con đi học. Với ước mong con ra nghề mở shop bán hoa tại nhà để tự nuôi thân một khi “cánh tay thép” của bố đã xuội lơ không còn bồng bế em nổi nữa trên bao dặm đường đời vạn lý ngược xuôi...

856 – Lê Quang Chọn

3 THẾ HỆ UNG THƯ XƯƠNG

Nông dân sinh 19512 tại Thanh Hóa. Sống ở Thanh Hóa (2009).

Năm 1971 vào bộ đội lên đường chiến đấu ở mặt trận Nam Lào. Đến 1972 bị thương khá nặng (thương tật 51%) song vẫn theo đơn vị tiếp tục lên bám trụ Tây Nguyên cho đến ngày toàn thắng.

Sau 1975 xuất ngũ về quê làm ruộng, lấy vợ.

Nhưng vợ 3 lần mang thai đều sinh ra con dị dạng chết sớm. Mãi đến năm 1978 mới sinh được một con gái rồi 2 con trai nữa năm 1982 và 1985.

Tuy nhiên đến năm 1993 đứa con trai đầu bị phát hiện mắc bệnh ung thư xương phải cắt cụt một chân vẫn bị di căn lên phổi qua đời năm 1995. Tiếp đó cô con gái đầu 15 tuổi cũng dính căn bệnh này và cũng phải cưa cụt một chân may mà còn chống nạng sống sót .

Tới năm 2003 đến lượt đứa con trai thứ hai cũng lâm bệnh y hệt khiến cha mẹ chạy vay nợ tứ tung để cho con hóa trị song cuối cùng cũng lại phải cưa một chân nhưng cũng chỉ kéo dài sự sống được đến năm 2007. Nhà đã nghèo càng nghèo hơn một cái bát ăn cơm lành lặn cũng không có.

Tất cả lúc bấy giờ mới biết đều là hậu quả từ người cha cựu chiến binh nhiễm CĐDC từ chiến trường Tây Nguyên. Vì thế bản thân người cha lâu nay mang đủ thứ bệnh trong người mà không hiểu do đâu từ bệnh tiểu đường đến phù não cũng như thoái hóa cột sống một biến chứng khác của ung thư xương phải trải qua 2 lần phẫu thuật cắt bỏ 2/3 dạ dày.

Người mẹ đau lòng quá sinh ra mắc bệnh tâm thần thường xuyên lên cơn hoảng loạn thành người điên luôn!

Chưa hết, cô con gái sau này được một trai làng làm nghề hớt tóc thương cảm lấy làm vợ nhưng sinh con lại tiếp tục là một cháu bé bị… dị tật cột sống nữa. Chồng buồn chán quá bỏ đi khiến bị nhà chồng ruồng rẫy đành ôm con về nhà cha mẹ chưa biết ngày nào bóng ma ung thư xương trờ tới!

857 – Lê Quang Luận

CẦM NHẪN CƯỚI ĐI TÌM HÀI CỐT ĐỒNG ĐỘI

Lao động nghèo sinh năm 1946 tại Hà Đông. Sống ở Hà Tây (2006).

Năm 1967 cùng thanh niên trai tráng trong làng đi bộ đội vào Nam chiến đấu. Lăn lộn trên chiến trườøng miền Trung, Tây Nguyên, Nam Lào, Nam bộ.

Năm 1982 ra quân với một mảnh đạn còn nằm trong bã vai. Về quê làm cán bộ thuế, lấy vợ sinh 2 con.

Nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó cả 2 vợ chồng lâm vào cảnh thất nghiệp, mình bị cho nghỉ vì lý do sức khỏe vết thương cũ tái phát, còn vợ do nhà máy làm ăn thua lỗ giải thể. Thế là vợ chồng lăn lưng vào làm đủ thứ nghề chân tay kiếm sống nuôi con nhỏ, bản thân chạy xe ôm, bốc vác, phụ thợ hồ, vợ thì buôn bán lặt vặt ngoài chợ. Cả nhà sống chui rúc trong căn nhà xập xệ tạm bợ rộng chỉ 9m2.

Nhưng khổ không sợ mà sợ đêm về không ngủ không yên giấc vì “Cơm đói, sống khổ tôi chịu được nhưng chẳng giấc ngủ nào được trọn vẹn vì hình ảnh đồng đội cũ cứ ập về làm tôi cứ thấy họ còn nằm trơ vơ đâu đó trên gò đất, bờ sông hoặc sâu hun hút trong cánh rừng tràm bạt ngàn…”

Lòng cứ mãi day dứt như thế nên năm 1993 quyết định giao chuyện nhà lại cho vợ để mình đơn thân độc mã tìm về lại chiến trường xưa ở miền Nam đi tìm hài cốt, mộ phần đồng đội một thời cho trọn lời thề năm xưa “ai còn sống thì lo cho người đã chết”. Ra đi mà trong tay tiền bạc mang theo chẳng bao nhiêu khiến vợ thương cảm tháo cả chiếc nhẫn cưới đưa cho chồng mang theo phòng ngừa khi hữu sự!

Kết quả chuyến đi đầu tiên vào tận Quảng Nam tìm được hài cốt một đồng đội. Qua năm 1995 tiếp tục vào Đà Nẵng tìm nữa, được thêm 21 bộ hài cốt khác.

Sau 14 năm lặn lội truân chuyên như thế đã tìm được tổng cộng 61 hài cốt đưa về Bắc, báo tin cho hơn 300 gia đình thân nhân liệt sĩ biết.

Dù vậy người thương binh già chạy xe ôm vẫn chưa chịu dừng bước mà “Còn sức là tôi còn đi” với niềm tin tâm linh sâu sắc chẳng quản ngại gian khổ hiểm nguy bom mìn còn nằm đâu đó bên cạnh các huyệt mộ: “Mình đi đưa anh em về tất đã có anh em dưới đó bảo vệ, không chết đâu mà sợ”!

858 - Lê Thị Bích Hường

NỮ ANH HÙNG “KHÔNG CHẾ ĐỘ”

Nông dân sinh 1941 tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2009).

Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ phải đi chăn trâu cho nhà người để có cơm ăn qua ngày.

Năm 1962 gia nhập lực lượng dân quân xã tham gia trực hiến, đi rà phá bom mìn, vận chuyển bảo vệ các chuyến hàng hóa quân sự đưa vào phục vụ chiến trường miền Nam.

Cuối tháng 8.1966 máy bay Mỹ ném bom vùng này bị bắn rơi 2 chiếc trong đó có một thiếu tá phi công Mỹ nhảy dù thoát chết rơi xuống trên một quả đồi. Bản thân mình đang đi chăn trâu gần đó nhìn thấy nên chạy đến trong tay chỉ cầm một chiếc liềm vẫn xông đến bắt sống!

Thế là vinh quang tột đỉnh đến với người nữ anh hùng dân quê 100%: Được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huân chương, kết nạp Đảng cùng một loạt huân huy chương và bằng khen khác, cử đi báo cáo chiến công khắp nơi…

Rồi được cử đi học văn hóa bổ túc đào tạo thành cán bộ song đến nơi mới biết đương sự… mù chữ nên đành chịu, phải trả về đơn vị cũ dân quân xã!

Cuối năm 1968 gặp và lấy chồng là một thanh niên xung phong địa phương.

Sau 1975 dân quân lẫn thanh niên xung phong giải tán, 2 vợ chồng về quê làm ruộng sinh sống hoàn toàn không được hưởng chế độ gì cả.

Riêng mình dù một thời vinh danh anh hùng song lại không thuộc biên chế quân đội chính quy nên không có quy chế đãi ngộ lâu dài. Đã vậy, sau này địa phương mình ở bị chuyển qua xã khác (do phân chia lại địa giới các xã) nên xã cũ “quên” mất mình mà xã mới thì coi như không biết!

Hai vợ chồng chỉ còn biết cắm mặt xuống đất mà sống, bản thân mình phải đi mót củi gánh ra chợ bán, đi chặt cây chuối về thái ra nuôi lợn. Sinh được 2 con lớn lên đều vào Nam làm lụng kiếm sống để lại 2 vợ chồng già lủi thủi trong căn nhà xập xệ dột trước dột sau.

859 - Lê Thị Thắm

NỮ HỌA SĨ “NHÍ” VẼ BẰNG… CHÂN!

Học sinh sinh 1998 tại Thanh Hóa. Sống ở Thanh Hóa (2010).

Sinh ra đã không có 2 tay do di chúng CĐDC từ bà ngoại từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên.

Không chỉ thế, cơ thể ốm yếu của em trải qua bao vất vả mới sống được: Gần 2 tuổi mới biết trườn, 3 tuổi mới tập đi chập chững, 4 tuổi mới nói được…

Lên 5 tuổi đòi đi học mẹ phải nài nỉ xin cho vào trường mẫu giáo, rồi vào tiểu học.

Rất chịu khó ham học nên cần cù luyện tập viết bằng… chân trái kể cả khi lên viết bảng đen chỉ đứng một chân (phải) làm chỗ tựa để chân (trái) kia cặp viên phấn vào mấy ngón chân viết lên bảng.

Vậy mà lại viết chữ nắn nót… đẹp nhất lớp!

Từ đó còn phát hiện ra năng khiếu… vẽ tranh với những đường nét in đậm cảm xúc độc đáo. Một bức tranh như vậy đã đoạt giải nhì trong cuộc thi do Hội Mỹ thuật Thanh Hóa tổ chức năm 2007.

Hiện tiếp tục dùng một chân tập đánh vi tính chân kia “nhấp” con chuột để theo kịp các anh chị lên lớp cấp 2.

860 - Lê Triết

BỊ ÁM SÁT CẢ 2 VỢ CHỒNG

Nhà báo Việt kiều Mỹ sinh 1929 tại VN – Mất 1990 ở Mỹ (61 tuổi).

Qua Mỹ sau 1975 chuyên viết bình luận cho tuần báo Văn nghệ Tiền phong.

Tuy đây chỉ là tờ báo chuyên về văn nghệ giải trí song đôi lúc không tránh khỏi đụng chạm với một số tổ chức chống Cộng cực đoan. Từ đó năm 1990 cả 2 vợ chồng đã bị bắn chết trên ô tô khi vừa về đến nhà ở bang Virginia.

Trước đó vào năm 1989 họa sĩ trình bày của báo Đỗ Trọng Nhân cũng đã bị bắn chết trên xe hơi của mình cùng tại bang này.

Thủ phạm tự nhận là “Diệt Cộng Hưng quốc Đảng” (VOECRN) song cảnh sát Mỹ điều tra không tìm ra ai cả!

(Còn tiếp)

http://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/hshc-ki-85

Không có nhận xét nào: