Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

KỶ NIỆM 7 NĂM NGÀY MẤT THÁI NGỌC SAN

Ngày 19 tháng  6 Âm lịch hàng năm là ngày giỗ của Thái Ngọc San.
Thái ngọc San mất ngày 20 tháng 6 năm Ất Dậu (25/7/2005).
Nhân ngày giỗ, đọc lại một số bài viết của bằng hữu như là nén nhang tưởng niệm Thái Ngọc San 






Thứ Ba, 26/07/2005, 07:12 (GMT+7)
Một người nhân hậu đã ra đi!

TT - 0g45 ngày 25-7, anh Thái Ngọc San trút hơi thở cuối cùng trong phòng hồi sức cấp cứu Bệnh viện Huế. Bé Nhím, con gái anh, vuốt mắt cho anh trong tiếng khóc nấc: “Ba ơi, răng ba bỏ con mà đi”.
Không phải chỉ mình Nhím, tất cả chúng tôi đều cảm thấy anh bỏ cuộc đời mà đi vội vàng quá, tức tưởi quá.
Chỉ vì một tai nạn giao thông thật vô lý và vô duyên, trong nháy mắt, đã biến một con người mạnh mẽ, hữu ích trở thành một người bệnh thập tử nhất sinh, rồi cuối cùng chỉ còn một hình hài lạnh giá...
Anh San ơi! Bao nhiêu công việc ngổn ngang còn chờ anh đó. Chuyện festival nghề thủ công của Huế, chuyện nhà đất, tiêu cực… bao nhiêu người còn gửi gắm nơi anh. Chuyện cuối tháng bảy này đưa anh chị em thân hữu ở nước ngoài về Quảng Bình lập chương trình tín dụng để hỗ trợ đời sống chị em cựu thanh niên xung phong khó khăn, neo đơn… Việc gì anh cũng lao vào với tất cả nhiệt tâm, không biết sợ phiền, sợ khó là gì. Việc gì cũng vì người, giúp người, còn bản thân mình thì xềnh xoàng, giản dị; chẳng đòi hỏi gì hơn cái niềm vui chiều chiều ngồi với bạn bè, hát mấy bài bolero quen thuộc…
Trong đêm anh ra đi, chúng tôi không khỏi hồi tưởng những kỷ niệm mà anh để lại trong mấy mươi năm sống. Chúng tôi nhớ những bài thơ anh đã viết trong những ngày tháng đấu tranh trước 1975, trong lòng phong trào đô thị miền Nam; những ngày anh làm tạp chí Sông Hương; những ngày làm báo, tả xung hữu đột, đương đầu với bao nhiêu gian nan vất vả chỉ để thực hiện cái mơ ước một đời: chiến đấu với cái tham lam, giả dối, để bảo vệ những ước mơ, hi vọng về một cuộc sống tốt đẹp.
Lại nhớ mỗi lần cuối năm, anh luôn lo tính làm sao cho bằng hữu neo đơn, khó khăn có tiền ăn tết. Những anh em chưa nhận được nhuận bút, anh bớt phần mình để bạn kịp mua sắm tất niên. Cuộc đời ai cũng có lúc thăng trầm, nhưng lúc nào chúng tôi cũng có anh, người bạn trung tín, độ lượng và luôn thấu hiểu; một người bạn lớn mà ta không bao giờ sợ mất, dù trong những phút giây gian khổ nhất.
Nhưng bây giờ thì chúng tôi đã mất anh. Huế đã mất anh. Cuộc đời này đã mất anh. Đau đớn biết bao khi phải nói lời vĩnh biệt với một con người có một bản lĩnh sống như thế, có một tấm lòng nhân hậu với cuộc đời như thế.
Anh nhận được rất nhiều hoa và nước mắt, bởi vì anh đã cho đi nhiều như thế trong suốt cuộc đời mình. Linh hồn anh, trung trực và mạnh mẽ, xin hãy phù hộ cho những ai vẫn đang cần đến sự giúp đỡ của anh!                                                  
TRẦN THUỲ MAI

Trần Kiêm Đoàn

Nhớ về Thái Ngọc San - Đường đã rõ chân trần ta đi tới

Học trò Huế vào những năm 1960 có 3 nhóm: Nhóm "con nhà" gồm những cậu ấm "con trai của mạ" như Thái Kim Lan ở Đức nhắc trong một bài viết. Đó là những cậu bé và cô bé thuộc những gia đình công chức, thương gia có một đời sống vật chất tương đối thoải mái. Nhóm "đỡ khổ" gồm những cô cậu thuộc dòng dõi dân Huế cột cờ, có cha mẹ làm lao động hay buôn thúng bán bưng, cuộc sống tuy có phần vất vả nhưng đi học cơm đủ no áo đủ ấm. Và, cái nhóm "phiêu bồng" nhất là nhóm học trò từ nhà quê lên thành phố học. Phiêu bồng - vì tuy đưọc lên "dinh" học nhưng chỉ cần một trận thiên tai bão lụt, một vụ mất mùa lúa dưới làng là phải từ giã sách đèn về quê làm ruộng, giữ trâu.

Tôi là một học trò từ làng lên Huế học. Tuy cũng thuộc nhóm "phiêu bồng" nhưng vẫn còn hiên ngang có được một chiếc xe đạp "đầm" được người đời đương thời đánh giá là xe "bò ệt" có lẽ vì tuổi đời của nó đã vào đông. Thế mà khi gặp Thái Ngọc San tôi mới nhận ra niềm hạnh phúc "tư bản làng" của mình mà từ lâu tôi chưa rõ mặt. Thái Ngọc San không có xe đạp, phải đi bộ quanh năm.Tôi không còn nhớ ngày đầu gặp gỡ Thái Ngọc San như thế nào, nhưng không quên được nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt ốm o và khắc khổ của San trong đám học trò nhà quê của chúng tôi như: Đoàn Tuyền Châu, Trần Kiên Nhẫn, Đoàn Phạm Túy Linh, Trần Văn Hoà, Hà Thúc Quyết...

Tôi quen Thái Ngọc San vào những năm đầu 1960. Chiến tranh chưa lan vào thành phố Huế, nhưng bóng đen của chiến tranh đã bắt đầu lung lay những lũy tre làng quanh Huế. Không biết xuất phát từ nỗi lo, nỗi buồn, nỗi sợ chiến tranh đang vây bủa; vì muốn "làm le" với cô em hàng xóm hay thật sự có hồn thơ dấy lên từ đồng chua nước mặn mà lũ học trò làng của chúng tôi thuở đó đứa nào cũng bày đặt làm thơ. Làm thơ để khỏi làm thinh chứ không phải để thành thi sĩ. Bút nhóm đầu tiên Thái Ngọc San và tôi cùng tham gia là bút nhóm Mây Ngàn do Nguyễn Văn Châu ở Bãi Dâu làm khổ chủ. Khổ chủ vì Châu làm báo quên cả làm bài tập học trò, nên tuy xuất thân là một học trò ưu tú mà suýt chút nữa thi hỏng "đít lôm". Tập san viết tay ra nhanh hay chậm tùy tình hình. Nhưng vùng đất đó là sân chơi đầu tiên của tuổi học trò dễ thương và mơ mộng.

"Thằng thi hào" đầu tiên trong đám học trò làng chúng tôi bỗng thành danh, thành thi sĩ - vì có một bài thơ của nó đăng ở báo Văn Học xuất bản tại Sài Gòn - là Thái Ngọc San. Không biết về sau nầy, Thái Ngọc San có được giây phút nào hưng phấn và cảm thấy huy hoàng hơn là ngày anh được đứng vào hàng ngũ những đứa có thơ in trên sách báo văn học nghệ thuật chính quy như thời đó hay không. Bài thơ đó mang hơi hướng nồng nàn của tuổi trẻ. Hơn 40 năm qua rồi, tôi chỉ còn nhớ được một câu: "Đường đã rõ chân trần ta bước tới". Tôi đã nghịch ngợm sửa thành: "Đường chưa chộ co giò ta bỏ chạy" để chọc tân thi sĩ nên mới nhớ hoài.

Thái Ngọc San tuổi Đinh Hợi (1947), thua tôi một tuổi, nên thường bị đùa là "Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn". Có lẽ vì cái số nó "ứng" như thế nên tuy San rất nghèo, nhưng luôn luôn được bạn bè chìa tay rất rộng để đón. Người ta đón San vì thơ đã đành, nhưng trong vòng bè bạn thân tình mọi người dón San, thương quý San vì nhân cách. Từ thuở học trò, Thái Ngọc San đã sống một cách chân tình và thẳng thắn như cây sậy cô liêu. San nghệ sĩ nhưng không buông thả, nhạy cảm nhưng không thuần cảm tính, hừng hực lửa đấu tranh nhưng cũng đầy ắp yêu thương. Sự đam mê mang đậm tính nghệ sĩ của Thái Ngọc San là dám bất chấp quên mình vì nghĩa lớn. San sống cho niềm tin trong sáng của mình. Và tôi tin trong vòng bè bạn - những cô cậu học trò e ấp ngày xưa bây giờ là những ông cụ, bà cụ lục tuần - nhớ đến Thái Ngọc San như một người bạn chí tình: Chí tình với quê hương yêu dấu, chí tình với Huế, chí tình với bằng hữu và chí tình với niềm tin son sắt của chính mình. Sự chí tình đó một thời là chất keo buộc chặt tâm hồn chúng tôi với nhau trong những phong trào học sinh, sinh viên tranh đấu. Cái hào khí tuổi trẻ lan tỏa trên quê hương chẳng đội một chiếc nón nào vừa vặn.

Năm 1997, sau 15 năm xa quê dài bằng đời luân lạc của Kiều, tôi về lại Huế ngồi nhậu lai rai với Thái Ngọc San, Đoàn Phạm Túy Linh ở một quán cóc sau lưng trường bán công cũ, San cho biết là đang làm đại diện cho báo Thanh Niên. Vẫn với nụ cười ấm tình mà kiêu bạc, San nói bâng quơ: "Viết cho ra hồn mới nên viết!" Tôi chợt hiểu: Cái hồn thiên cổ của những người cầm bút. Mai kia ngày đó, nhưng hôm nay bây giờ, San đi rồi nhưng cái hồn trong những câu thơ, những dòng chữ của anh vẫn còn ở lại. Thái Ngọc San viết tương đối ít so với nguồn cảm xúc thường hiện rõ một cách đầy nhiệt thành trong lời nói và nơi dáng vẻ đầy xác tín của anh. Thơ Thái Ngọc San đượm chất lửa của tính chiến đấu, nhưng cũng óng ả nét dịu mềm đầy tình tự. Cũng có khi:
Đốt ngọn đèn lịch sử
Nổi trống dậy khắp Hoàng thành...

(“Lòng ngưỡng mộ”)
Nhưng cũng có lúc:
Có gì tan tác tựa phù vân
Một đời phù vân hay những ý nghĩ phù vân.

Một buổi tối, i-meo của Đặng Thanh Nhã từ Huế cho biết: "Anh Thái Ngọc San bị tai nạn xe đang nằm hôn mê ở bệnh viện cấp cứu, không biết có qua khỏi được không!" Và Nguyễn Văn Dũng báo tin cuối cùng: "Báo tin buồn: Thái Ngọc San mới chết lúc 1 giờ sáng. Bây giờ là 7 giờ ngày 25-7-2005."

Từ thành phố Sacramento, bang California trên đất Mỹ tôi hướng về quê hương để hình dung nỗi xót xa của gia đình, thân nhân và bè bạn quanh Thái Ngọc San trong lúc nầy. Nhớ Thái Ngọc San, chỉ còn biết đem thơ bạn ra đọc. Trong hai cõi riêng tư, vẫn còn chung tiếng hát một thời. Thời tuổi trẻ lên đường hát tràn đất nước và thời tuổi già nằm giữa quê hương hát tràn lên cây cỏ:
Tôi muốn hát cho cây cỏ nghe
Lời giun dế khóc trong đêm lửa cháy
Anh đi ngược chiều tôi không ngước mắt lên
Nhìn nắng đỏ phai hy vọng
Sao trời không mưa cho những cây khô
Rửa mặt mày lem luốc.

(“Về những con đường khô cây”)
San ơi! Bạn ra đi... trời Huế mình đang mưa rồi đó.

Về thôi! Có những hạt ngọc long lanh đâu đó trong đám bụi vĩnh hằng.

Sacramento, tháng 7-2005
Trần Kiêm Đoàn

© 2005 talawas


NẺO KHUẤT

tưởng tiếc Thái Ngọc San

Đã hẹn về. Tôi sẽ về
Sao anh chẳng đợi?!...

Nơi mỗi sớm mơi nắng Huế mỗi nồng thơm
Trên mỗi tàng cây trên mỗi con đường
Trên mỗi luống cày vỡ đất
Mỗi hạt giống mỗi vươn vai sung mãn
Mỗi làng mạc là mỗi phố xá đông vui
Mỗi đêm trăng là mỗi ngày hội lớn
Trên mỗi dấu tích còn hằn kỷ niệm
Từ mỗi nụ cười mỗi câu hát thân quen
Từ chiếc Angel già như con trâu cui
Từng chở tình rao chào đồng quê phố chợ...
Anh đâu có thể mang theo, tất cả
(Là khát vọng một đời
Sao anh nỡ bỏ, mà đi!...)

Đã hẹn về. Tôi sẽ về
Như bọn mình đã từng hạnh ngộ
Sau bao ngày bao tháng bao năm tứ tán
Dù sức vóc có mỏi mòn dần
Trước cửa đời mở ra mỗi ngày mỗi rộng
Nên tôi vẫn không tin
Anh dang dở một hành trình!

Đã hẹn về. Tôi sẽ về
Như năm ngoái mình gặp nhau
Kêu mi xưng tau sướng miệng
Làm như tuổi trẻ của mình còn quanh quẩn đâu đây
Cái thủa đãi nhau chắt từng hạt rượu
Từ chiếc thẩu Thạch Sanh
Cái thủa mình nghèo
Sống nhờ chén cơm Phiếu Mẫu
Giờ đương đủ ăn đủ mặc
Đủ sức tiếp đãi bạn bè
Không bằng nắm cơm anh từng ước vắt
Mà bằng những cốc thâm tình
(Là khát vọng một thời
Sao anh nỡ bỏ, mà đi!...)

Đã hẹn về. Tôi sẽ về
Sao anh chẳng đợi?!...

Nơi có dòng sông êm đềm bằng hữu
Bốn mùa không chảy đâu xa
Đường về nhà anh / một nhánh của sân ga
Đưa tứ xứ tụ tình cố cựu
Bây giờ anh chẳng chờ chẳng đợi
Chẳng nói một lời chia...

Đã hẹn về. Tôi sẽ về
Sao anh chẳng đợi?!...

Mặt trời mỗi sớm mơi mỗi mọc
Mà anh yên bề trong cỗ thiên thu
Anh ra đi mấy ngày trời Huế khóc
Thương anh một đời trầm mặc
Một đời chẳng màng chi chuyện lợi danh...

Sét xẹt ngang đầu qua mẫu tin nhanh
Tôi vẫn không tin anh chết
Tôi vẫn không tin căn phần anh hữu hạn
Anh chỉ chọn nhằm nẻo khuất, thảnh thơi đi...

ĐỨC PHỔ
25-7-2005

Vĩnh biệt Thái Ngọc San

  
Hôm nay chúng ta đi trên những con đường
Không phải “những con đường khô cây” *
Không còn “ in hằn dấu đạn” *
Và “ không có sự thù hằn nào giết được kỷ niệm” *
Không còn là những kẻ tìm kiếm quê hương trên đất nước mình đang sống


Chúng ta vẫn còn lại và gặp nhau
Sau nhiều năm như đứng ở hai bờ Hương giang
Ngậm ngùi cười
Ngậm ngùi khóc
Không phải là tiếng khóc và tiếng cười của những năm sáu mươi của thế kỷ trước
Khi chúng ta tạm cư trên lầu 2 Trường Kiểu Mẫu
Năm Mậu Thân ở Huế
Và chúng ta đã lập nên một sổ gia đình
với Ngữ, Quảng, Tụng, Hầu, Thuyên
để lãnh gạo


San ơi
dẫu biết rằng mỗi người chỉ sống một cuộc đời
dài hay ngắn
nhưng hôm nay
sao lạ lùng
chúng ta nói lời vĩnh biệt
Ôi vĩnh biệt bạn
Thái Ngọc San
Những con đường của bạn vừa trở lại
đầy hoa không sắc
nhưng ngát mãi hương thơm vĩnh cửu
nỗi niềm tình bằng hữu
của một kiếp người

Từ Hoài Tấn

25/7/2005

* : “ Về những con đường khô cây”  - Thơ Thái Ngọc San ( sáng tác năm 1968)

Bằng hữu bên bàn thờ Thái Ngọc San tại VP báo Thanh Niên ở Huế



Không có nhận xét nào: