Đây là chuyến
leo núi lần thứ tư của dân
làng Kiểu Mẫu Huế. Một số dân ngoài làng cứ hỏi: "Rứa chơ trên núi nớ
có chi khôn mà leo hết chuyến này tới chuyến khác rứa?" Xin trả lời:
"Không có chi cả." "Rứa thì leo làm chi? Có khùng khôn đó?" "Dạ có." Chỉ
có điều cái khùng ni vô hại cho những người ngoài cuộc cho nên lâu lâu
nổi khùng một chút như rứa không sao.
Cái ý tưởng điên khùng ni
là do Dũng Silk chợt nghĩ ra: "Người nào chưa leo núi Kim Phụng thì chưa
phải là dân Huế." "Du lịch tới Huế mà chưa leo núi Kim Phụng thì coi
như chưa biết Huế." Dĩ nhiên nói ra thì nhiều người sẽ phản đối, nhưng
hễ nổi lên một ý nghĩ, chưa biết đúng sai, hay dở mà đã bám giữ để biến
thành hành động âu cũng là cái "cố tật" của con người. Lịch sử cho thấy
loài người có vô số ý tưởng còn tai
hại
hơn!
Lão Cu bồi Sài Gòn, còn gọi là Cu Sài hay Cu Xìu nuôi ý
tưởng ni từ lâu, nhưng chỉ bây giờ, thừa lúc vợ vắng nhà lão mới dọt ra
Huế thúc giục mấy lão thổ địa xứ Huế cùng thực hiện. Lão Trương Công
Công, còn gọi là Cu Cong Cong đã lỡ hứa sẽ dẫn đường cho nên phải tham
gia mặc cho mặc cho tuổi đời đã tới 64, mặc cho
cái bệnh tiểu đường và thần kinh rối loạn nó hành. Lão Trần, còn gọi
là Cu Đơ, cũng phải vác ba lô lên đường để ủng hộ bạn bè, ủng hộ phong
trào rèn luyện thân thể mặc dù bản thân lão chẳng rèn luyện thể dục thể
thao chi cả.
Mọi người ai cũng nghĩ phải có thân thể tráng kiện
mới có tinh thần minh mẫn, còn lão Trần thì cho rằng cứ làm cho tinh
thần minh mẫn
thì
thân thể tráng kiện. Và đây là dịp để kiểm tra cái lý thuyết "ngẳng
đời" ni. Lão Cu Xìu cũng muốn nhân đây kiểm tra coi bấy lâu chơi quần
vợt (gọi tắt là chơi quần) có giúp vượt qua thử thách Kim Phụng không. O
Hạnh Cồn Hến, gòn gọi là Hạnh Ngô, hay O Bắp cũng muốn thử coi công phu
đi bộ bấy lâu có giúp phụ nữ tuổi cập kề 60, dạo chơi hòn núi cao nhứt
Huế không (427m). Nếu vượt qua cái test ni thì không còn ngán hòn nào
nữa!
Lão Cu Xìu còn rủ thêm một người em tuổi khoảng 50 mà cách
đây 30 năm đã từng đi rừng kiếm củi tham gia để nhớ lại thời "oanh liệt"
của những năm cuối thập niên 1970, cái thời ăn "cao lương" mà không
biết đó là "mỹ vị". Ngoài ra còn có người cháu tuổi đôi mươi, mần một
chuyến leo núi để thử sức
trai.
Những lần đi trước có anh Bụng dẫn đường. Lần này anh Bụng
bận nên giới thiệu anh Thái là người địa phương làm tour guide, nhưng
qua chuyến đi mọi người đều nghĩ lần sau sẽ không nhờ anh Thái "dắt"
nữa, vì phát hiện ra rằng anh ta mấy chục năm nay chưa hề leo lên núi.
Anh ta làm mọi người mệt "thắt họng" luôn vì lạc đường nhiều lần.
Chuyến
đi cũng bắt đầu từ nhà Trần Lão lúc 6:20. Cả bọn lên taxi đi lên cầu
Tuần. Đi trên đường tránh Huế khoảng hơn 1km nữa thì rẽ trái ở trụ điện
cao thế. Xe đi trên con đường đất gập gềnh khoảng 1km thì phải dừng.
Nhóm leo núi xuống xe, dàn hàng ngang và nhờ Trương Kongkong chụp tấm
hình đầu tiên có hậu cảnh là núi Kim Phụng. Lúc này đã hơn 7
giờ.
Từ trái qua là anh Thái dẫn đường, Tom (cháu của Dũng), Xê (em Dũng), o Hạnh, Bảo và Dũng Silk
Nhóm
leo núi hăm hở đi. Thanh Kong Kong chân dài cho nên vượt lên dẫn đầu.
Hơn nữa lão đã đi 3 chuyến rồi cho nên lần này lão cứ phom phom đi
trước. Dự tính nhóm sẽ đi đến lán trại của những người đi lấy nhựa thông tại chân núi trong vòng 45 phút, nhưng đi được hơn 1 giờ vẫn chưa thấy núi đâu và đã hết đường. Cả bọn biết bị lạc, phải đi lui lại. Và không phải đi lui 1 lần. Có
đoạn o Hạnh lưu ý đã đi qua lại 4 lần rồi. Lão Thanh Kongkong tỏ ra sốt ruột và "bấn loạn". Còn anh Thái tỏ ra "bình tĩnh" không kém, và "tỏ ra" chẳng biết đường sá chi cả! May sao, nhóm leo núi gặp một người đi rừng chuyên nghiệp dẫn đi một đoạn, chỉ cho lối đến cửa rừng mới rút lui.
Đoàn
leo núi mãi đến 9 giờ mới tới được lán trại để nghỉ ngơi, ăn uống chút
đỉnh. Như vậy là trễ 1 giờ so với dự kiến. Anh Thái giúp chặt cành cây
làm gậy chống. Và cả nhóm lại khởi hành, chụp thên một tấm hình ở chân
núi.
Xê, Dũng, Hạnh, Bảo, Tom và Thái
Lão phó nhòm nhờ người khác chụp nên mới nhào tới tạo dáng
Chân dung Dũng Silk trong rừng
Bây giờ mới biết thế nào là "mệt le lưỡi cóc"!
Nghỉ chân ở cửa rừng
Trần Lão bên tảng đá đánh dấu cửa rừng
Mặc dù cũng mệt le lưỡi, lão Trần làm ra bộ "ngon lành"
Đoàn bắt đầu leo dốc
O Hạnh tạo dáng bên cột mốc chỉ đường
Ở chỗ dừng chân này hai khứa lão không còn ngồi nỗi mà đành nằm ngửa than trời, ân hận vì tự mình
"hành thân hoại thể" như ri.
Dũng Silk "đề nghị" "hạ sơn" ở đây vì rứa là đã biết Kim Phụng, đã biết leo núi là ra sao rồi.
Anh
Thái thì cứ cắm đầu cắm cổ đi, không ngó ngàng chi tới ai cho nên thỉnh
thoảng có người la lên " Anh Thái ơi, dốc quá, dừng chân nghỉ một
chút," anh ta mới dừng lại.
Lão Trần thì "hả họng" mà thở, trong khi o Hạnh thì vẫn cười - o ni giỏi thiệt!
Chụp hình với cháu Tom mà trông o Hạnh như ngồi chơi với em
trai
Sau vài lần suýt lạc đường và lạc nhau, đoàn lên tới đỉnh Kim Phụng lúc 12 giờ trưa.
O Hạnh đứng trên một tảng đá cao, bên dưới là sông Hương và thành phố Huế, nở nụ cười kiêu hãnh vì đã chinh phục được Kim Phụng
O Hạnh là "nữ nhân" cao tuổi nhất làng Kiểu Mẫu dám leo tới đỉnh Kim Phụng
Anh
Cu Sài đã thực hiện được ý tưởng "điên khùng" của mình và chụp hình bên
cạnh tảng đá có tượng Phật, nơi cao nhất trên đỉnh Kim Phụng.
Lên đỉnh núi thì phải thay đổi mũ chứ!
Trần Lão cũng
có "quyền" đứng "hiên ngang" vì đây là lần thứ hai dạo chơi "trên đỉnh phù vân"
Thanh Kong kong có lẽ là người cao tuổi nhất Huế leo tới đỉnh Kim Phụng và giữ kỷ lục 4 lần leo núi
Trần Lão chứng minh leo núi được là nhờ cái tâm được rèn luyện để đối phó với những hoàn cảnh "thăng trầm" của cuộc đời.
Đoàn leo núi mắc võng nghỉ ngơi, ăn uống qua loa, một phần vì ăn không nỗi,một phần là bánh mì đem theo đã cạn, và nước cũng sắp
hết.
Đến 2 giờ thì mọi người đứng dậy chụp vài tấm hình rồi xuống núi.
Trương Công Công mặc áo có huy hiệu Kiểu Mẫu để chứng tỏ chuyến đi này có "màu cờ sắc áo" KMH!
Chuyến
đi xuống cũng không hề dễ dàng. Lão Thanh Kongkong đi trước mở đường
nhưng không biết do vô tình hay cố ý, lão đi chệch con đường cũ làm mọi
người bối rối và lạc nhau. Người này, người kia cất tiếng hú
gọi một hồi mới gặp nhau lại, bàn bạc, và quyết định cứ đi theo đường
của Thanh kongkong. May sao lão Thanh lần này tuy đi lạc nhưng lại tìm
ra con đường ngắn hơn để về lại lán trại lúc 3: 50, sớm hơn dự kiến. Cả
bọn ngồi nghỉ ngơi hơn nửa giờ. Lúc này ai cũng khát nước, nhưng mọi dự
trữ đều đã cạn sạch. Lão Thanh vô bếp kiếm được nước đã nấu sôi của
những người làm nhựa thông và lặng lẽ "chôm" 4, 5 chai. Để đổi lại Cu
Xìu đề nghị lấy ra những lon thịt hộp còn trong ba lô để tặng họ. Thế là
"công bằng" và mọi người yên tâm giã từ rừng núi.
Đi gần tới
điểm hẹn xe taxi, cả bọn ngồi xuống ngoái nhìn lại ngọn núi và hỏi nhau
là thực hay mơ. Hóa ra bọn mình đã trèo được lên đỉnh núi đó ư? Kể ra
cũng giỏi quá
hè!
Bi chừ còn muốn gì nữa ? À, muốn vài lon
cô ca ướp lạnh và một trận "mát xa". Mấy lon cô ca và bò húc thì có thể
mua được ở tiệm sát cầu Tuần. Còn matxa thì mỗi người tự lo. Cả bọn về
đến nhà Trần Lão lúc gần 6 giờ và giải tán ở đây, kết thúc một chuyến đi
nhớ đời, một "trải nghiệm" về Huế thú vị, kết thúc một thử nghiệm sức
bền, một cái test làm hài lòng mọi người.
Huế, ngày 3/8/ 2012
Trần Ngọc Bảo gởi qua mail
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét