Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Hàn Mặc Tử trong đời sống văn học miền Nam 1954-1975

(Toquoc)- Việc bỏ trống tư liệu ở miền Nam thời kỳ 1954 - 1975 đã làm cho nghiên cứu Hàn Mặc Tử (không chỉ Hàn Mặc Tử) của hiện tại rơi vào tình trạng thiếu tính triệt để, không chặt chẽ, đặc biệt là ở phần Lịch sử vấn đề. Bài viết khảo sát tư liệu miền Nam trước 1975 về Hàn Mặc Tử, phân loại theo vấn đề nghiên cứu nhằm đánh giá thành tựu của khu vực học thuật này đối với hiện tượng thơ ca đặc biệt Hàn Mặc Tử. Từ đó hướng tới tinh thần khách quan trước các giá trị khoa học trong diễn trình vận động của lịch sử.
 
Nghiên cứu Hàn Mặc Tử gặp phải sự ngăn cách về không gian địa lý - lịch sử trước 1975. Từ 1954 đến 1975, giai đoạn đất nước bị chia cắt, Bắc - Nam là hai thể chế chính trị, học thuật khác nhau đã có những “ứng xử” không giống nhau với không chỉ trường hợp Hàn Mặc Tử. Lịch sử nghiên cứu Thơ mới nói chung và Hàn Mặc Tử nói riêng ở miền Bắc thời kỳ này chưa được chú ý thỏa đáng bởi những nhiệm vụ chính trị quan trọng hơn. Ở miền Nam, Thơ mới, Hàn Mặc Tử được chú ý khá kỹ và đã có những thành tựu nhất định đóng góp vào quá trình diễn giải những giá trị của thời đại thơ ca này.
Từ sau 1975, những công trình nghiên cứu Thơ mới nói chung và Hàn Mặc Tử nói riêng vẫn còn bỏ trống khu vực tư liệu ở miền Nam. Trong khi, thực tế học thuật miền Nam đã có những thành tựu đi trước so với giới học thuật phía Bắc không chỉ đối với trường hợp Hàn Mặc Tử.
Hàn Mặc Tử được nghiên cứu như thế nào trong đời sống văn học miền Nam trước 1975? Đặt trong bối cảnh văn nghệ, triết học, mỹ học của miền Nam những năm trước 1975, chúng ta có thêm những góc nhìn bổ sung vào “bảng lược đồ” lịch sử nghiên cứu Hàn Mặc Tử, hoàn thiện hơn nhận thức về một hiện tượng đặc biệt của thi ca Việt Nam.

Tình hình học thuật miền Nam trước 1975
Tình hình nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học miền Nam thời kỳ 1954 - 1975 trên thực tế vẫn chưa có một công trình nào thực sự có tầm vóc, khách quan trong việc mô tả, lý giải và đánh giá. Từ việc khảo sát vấn đề Hàn Mặc Tử, nhìn lại tình hình nghiên cứu phê bình văn học ở miền Nam thời kỳ 1954 - 1975 có thể nhận thấy một số điểm sau:
Thứ nhất: Lý luận - phê bình miền Nam 1954 - 1975 vận động trong một bối cảnh hết sức phức tạp về mặt chính trị, tư tưởng, văn hóa. Điều này dẫn đến những diễn biến phức tạp trong triết học, mĩ học, văn hóa, tư tưởng học thuật và cả trong đời sống sinh hoạt của con người... Sự hiện diện của thế giới quan, giá trị quan, các quan điểm triết học, mĩ học khác nhau, tranh biện với nhau là nét tổng quát về tư tưởng học thuật miền Nam trước 1975.
Thứ hai: Có sự phân hóa mạnh mẽ về lực lượng nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học. Có thể nhận ra điều này từ sự ra đời của rất nhiều các tờ báo, tạp chí, tập san, nguyệt san, bán nguyệt san (Văn, Bách Khoa, Khởi hành, Nhận thức, Sáng tạo, Văn học, Tư tưởng, Trình bày...), các nhà xuất bản, một số trường đại học lớn ở Huế, Sài Gòn, Quy Nhơn, Đà Lạt, các chủng viện Phật Giáo... trong thời gian này ở miền Nam. Quy tụ và phân hóa xung quanh các tờ báo này là các học giả, các nhà nghiên cứu, các nhà tư tưởng, các giáo sư đại học (Nguyễn Văn Trung, Lê Tuyên, Đỗ Long Vân, Trần Đỗ Dũng, Đặng Phùng Quân, Lê Tôn Nghiêm, Trần Văn Toàn, Lê Thành Trị, Thanh Lãng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Huỳnh Phan Anh, Lý Chánh Trung, Đặng Tiến, Nguyên Sa Trần Bích Lan, Nguyễn Hiến Lê, Tam Ích, Phạm Thế Ngũ, Thế Phong, Nguyễn Tấn Long, Bằng Giang, Vũ Hạnh, Lê Huy Oanh, Nguyễn Kim Chương, Võ Long Tê, Nguyễn Mộng Giác, Bùi Xuân Bào, Nguyễn Xuân Hoàng, Đào Trường Phúc...).
Thứ ba: Nền nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học miền Nam phát triển trong bối cảnh có sự giao thoa, hiện diện của nhiều luồng tư tưởng, triết mĩ trong đời sống khoa học, văn hóa và tinh thần xã hội. Có thể nhận thấy sự hiện diện của triết học hiện sinh, phân tâm học và cơ cấu luận trong sinh hoạt học thuật, triết mĩ của miền Nam thời kỳ 1954 - 1975, kéo theo đó là các phương pháp nghiên cứu, phê bình ứng dụng các lý thuyết này với các mức độ khác nhau. Các học giả miền Nam thời kỳ này như Nguyễn Văn Trung, Lê Tuyên, Đỗ Long Vân, Phạm Công Thiện, Bùi Xuân Bào, Nguyễn Mộng Giác... hoặc là học trò của các triết gia, các nhà tư tưởng phương Tây, hoặc được đào tạo ở các trung tâm, các trường đại học danh tiếng ở Âu Tây. Mặt khác, do tồn tại nhiều lực lượng trong sinh hoạt tư tưởng, văn hóa, nên nhiều hệ thống tư tưởng, triết mĩ khác cũng có điều kiện phát triển. Tư tưởng Phật giáo, triết mĩ phương Đông và cả những đan xen giữa phương Đông, phương Tây cũng đã được nghiên cứu vào các trường hợp cụ thể như: Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đầy, Thơ ca cận đại và nỗi lòng thành thật của Hàn Mặc Tử - Lê Tuyên; Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương, Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung - Đỗ Long Vân; Văn học phân tích toàn thư - Thạch Trung Giả; Thế giới thi ca Nguyễn Du, Lịch sử tư tưởng Việt Nam - Nguyễn Đăng Thục; Việt Nam thi văn giảng luận - toàn tập - Hà Như Chi; Thả một bè lau - Thích Nhất Hạnh...
Thứ tư. Hoạt động nghiên cứu, lý luận - phê bình ở miền Nam thời kỳ 1954 - 1975 chịu tác động khá lớn từ sáng tác văn học. Xoay quanh các tờ báo, tạp chí, các nhà xuất bản, lực lượng sáng tác văn nghệ ở miền Nam cũng vận động trong một bối cảnh phức tạp của tư tưởng thẩm mĩ và triết học, đời sống nhân sinh như đã trình bày. Sự áp dụng các sáng tạo nghệ thuật mới hoặc ảnh hưởng trực tiếp từ các tác phẩm văn học phương Tây, sự cách tân một cách khá mạnh mẽ các hình thái văn học trong lịch sử văn học dân tộc đã tác động lớn đến sự nghiên cứu, phê bình của giới học thuật. Tiêu biểu cho điều này là sự ra đời của thơ tự do, tiểu thuyết mới, các sáng tạo từ cảm quan hiện sinh, các phức cảm đời sống...
Thứ năm. Đời sống lý luận - phê bình văn học miền Nam 1954 - 1975 có sự hiện diện của tất cả các thành tố của lịch sử văn học Việt Nam. Từ văn học dân gian đến văn học viết, từ văn học trung, cận đại đến hiện đại, ngay cả các tác giả ở miền Bắc đương thời cũng đều được chú ý nghiên cứu, được cơ cấu vào chương trình giáo dục ở các bậc học (xem Việt văn độc bản dành cho học sinh phổ thông, Các giáo trình viết cho sinh viên đại học như: Phê bình văn học: thế hệ 1932, sách tham khảo cho bậc trung học được tái bản như Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm...)
Lý luận - phê bình văn học miền Nam thời kỳ 1954 - 1975 đang là vấn đề lớn chưa có cái nhìn đại toàn, khách quan. Nhằm phục vụ cho vấn đề chính là Hàn Mặc Tử trong đời sống văn học miền Nam, một vài nhận thức trên có tác dụng như một phác thảo bối cảnh, trên đó vấn đề Hàn Mặc Tử được định hình và triển khai.

Hàn Mặc Tử trong ký ức người thân, bạn bè
Hàn Mặc Tử sinh ra tại Quảng Bình, học ở Huế, sống ở Quy Nhơn, làm báo tại Sài Gòn, thọ bệnh và mất tại Quy Hòa (Quy Nhơn). Lộ trình ấy nói lên sự gắn bó của thi nhân với miền Trung, duyên hải Nam Trung Bộ và miền Nam.
6h kém 15 phút, ngày 11 tháng 11 năm 1940, Hàn Mặc Tử đã được “siêu thoát” và bất tử nơi “cõi trời cách biệt” của niềm thơ và đạo, của đức tin và mĩ cảm lành thánh. Những kẻ ở lại chợt nhận ra nỗi cô độc của mình khi không còn người thơ ấy nữa. Ký ức về Hàn Mặc Tử bắt đầu sống lại. Báo Người mới, số 5, ngày 23/11/1940, chuyên đề đặc biệt về Hàn Mặc Tử là mốc khởi đầu cho hành trình trở về của thi nhân trong tâm tưởng bạn bè, thân hữu. Những bài viết tưởng nhớ Hàn Mặc Tử của Hoàng Diệp, Hoàng Trọng Miên, Chế Lan Viên, Trần Thanh Địch... đánh dấu sự lan tỏa của Hàn Mặc Tử trong đời sống văn học lúc bấy giờ.
Cùng với những bài viết về Hàn Mặc Tử trước 1945 là những hồi ức được viết lại nhân dịp các số báo, tạp chí ở Huế và miền Nam ra chuyên đề về Hàn Mặc Tử. Bắt đầu từ đây, bị ảnh hưởng bởi bối cảnh lịch sử, vấn đề Hàn Mặc Tử và tư liệu liên quan chủ yếu diễn ra ở khu vực Huế và Sài Gòn. Quãng những năm 50, các bài viết của Bửu Đình Ái Mỹ (Kỷ niệm Hàn Mặc Tử)1, Nguyễn Thị Như Lễ (Những điểm sai lầm về Hàn Mặc Tử)2, góp thêm những kiến giải, minh bạch hóa một số sự kiện liên quan đến thân thế, gia đình và các mối quan hệ của Hàn Mặc Tử. Trong những tư liệu hồi ức quan trọng phải kể đến Đôi nét về Hàn Mặc Tử của Quách Tấn3. Bài viết này của Quách Tấn cùng với Hàn Mặc Tử thân thế và thi văn4 của Trần Thanh Mại, là hai nguồn tư liệu quan trọng bậc nhất về Hàn Mặc Tử mà không một ai nghiên cứu về thi nhân không phải truy cầu, sử dụng (sau này có thêm hồi ký của Nguyễn Bá Tín cũng rất quan trọng: Hàn Mặc Tử, anh tôi, Hàn Mặc Tử trong riêng tư). Là người bạn thân thiết của Hàn Mặc Tử, Quách Tấn có cơ hội được găp gỡ, tiếp xúc và sở hữu nhiều tư liệu về người thi sĩ tài hoa bạc mệnh. Quách Tấn cũng là người được giao quyền quản lý di sản thơ ca Hàn Mặc Tử do gia đình thi sĩ giao phó. Do những tư liệu về Hàn Mặc Tử bị thất tán trong chiến tranh, hồi ức của Quách Tấn càng trở nên quan trọng, đem đến cho độc giả nhiều thông tin trong quá trình nghiên cứu Hàn Mặc Tử. Từ hồi ức của Quách Tấn, cuộc đời Hàn Mặc Tử hiện lên từ buổi mới chập chững bước chân vào làng văn với bút hiệu Phong Trần. Các chủ điểm lớn của Hồi ký này là: Tính bạn thiết tha, sâu sắc / câu chuyện bút danh của Hàn Mặc Tử / làm báo tại Sài Gòn / quá trình phát sinh, diễn biến của bệnh tật / những mối tình đau thương / những người bạn thân quý / những tháng ngày thọ bệnh / Quy Hòa và những ngày cuối cùng của định phận / cái chết / vụ án trích thơ Hàn Mặc Tử giữa Quách Tấn và Trần Thanh Mại / quá trình cải táng Hàn Mặc Tử từ Quy Hòa ra ghềnh Ráng. Nhìn vào chuỗi sự kiện, chúng ta thấy những mốc lớn trên sinh phận của Hàn Mặc Tử. Dĩ nhiên, trong những câu chuyện kể lại một cách thành thực của Quách Tấn cũng đã diễn ra nhiều tranh cãi, nhiều hoài nghi. Nhân vì thế mà vấn đề Hàn Mặc Tử càng không dễ để có những tiếng nói sau cùng.
Điểm lại một số bài viết ở dạng này, chúng ta có thể hiểu hơn về Hàn Mặc Tử trong tâm tưởng bạn bè. Trọng Miên trong bài Những ngày sống với Hàn Mặc Tử ở Sài Gòn cho rằng: “Hàn Mặc Tử dường như chỉ sống với những hình ảnh trong mộng tưởng, mải mê theo những vần điệu mà quên đi cuộc sống quanh mình. Tử không mấy khi để ý đến những hình thức vật chất, từ lối ăn mặc đến tiền bạc, anh bất chấp tất cả. Ngoài chuyện thơ văn, Tử không biết gì khác nữa… Tử theo một nếp sống thật hiền lành, yên dịu, ngoan ngoãn của một thư sinh chăm chỉ sách đèn”5. Đi qua đời Tử có biết bao bóng dáng khuynh thi. Ấy thế, “Tử giấu kín chuyện tình trong đời, và chỉ gửi gắm tấm lòng yên thương nồng nhiệt trong thơ”6. Cũng trong dòng ký ức của mình, Hoàng Diệp (Một vài kỷ niệm về Hàn Mặc Tử) nhớ về Hàn Mặc Tử qua các sự kiện: Vào Nam viết báo, Nhà Mạnh Thường Quân nghèo, Cố thủ ở Quy Nhơn và thọ bệnh, Hàn Mặc Tử ngâm thơ. Trong những hồi ức của Hoàng Diệp, ta thấy hiện lên một chân dung nhà thơ, nhà báo nghèo khó, túng thiếu nhưng luôn lạc quan, thành thật, yêu thương bạn bè và say mê thơ ca. Ra đi đầy đủ, trở về tay không với hình hài nhàu nát, những đồng tiền kiếm được từ làm báo (50 đồng một tháng - không ít so với thu nhập lúc ấy), nhà Mạnh Thường Quân nghèo đã dành cho bè bạn: “Tụi hắn chết đói nhăn răng ra cả trong ấy, mà mình để tiền làm chi”. Hoàng Diệp bình luận: “Có gì cao quý bằng và có gì đau xót hơn”7. Đặc biệt ở đây Hoàng Diệp đã nêu những ấn tượng khi Hàn Mặc Tử đọc thơ. Giọng đọc không có gì đặc biệt, nhưng đó là tiếng kêu rên của một linh hồn đang “ngất đi”, hết sức lực. Đó là những ngày Hàn Mặc Tử bị bệnh, trong cơn hấp hối, giờ phút mê say bừng lên như ngọn bấc sắp tàn. Hoàng Diệp viết trong nỗi buồn đã được báo trước: “Tôi nhận biết tiếng rên ấy, khi mọi người, mọi vật đều chìm đắm trong bóng tối kinh hoàng, tiếng rên ấy lại xuất hiện tự trong lòng tôi mà ra, đụng chạm bức tường không gian và âm thanh dội lại vào hồn tôi. Hàn Mặc Tử thiêm thiếp mãi và - không muốn khuấy động giấc mơ của chàng - tôi đã lặng lẽ ra đi trong buổi chiều ấy, lòng buồn như mùa thu và tê tái như sự biệt ly, tôi nuối tiếc một mảnh sao sắp rơi, chìm đắm giữa khoảng âm u”8. Hãy so sánh với sự cảm nhận của Trần Thanh Địch về giọng đọc thơ của Hàn Mặc Tử trên báo Người mới, số 5, ngày 23 tháng 11 năm 1940: “Giọng ngâm đều đều, xa xôi, có một vẻ quê mùa thế nào của bao nhiêu say sưa mê man. Và trong ấy phủ qua một lớp buồn ghê gớm”9. Còn Trọng Miên, trong ký ức về Những ngày sống chung với Hàn Mặc Tử ở Sài Gòn lại có ấn tượng: “Hình bóng Tử như một con cò đi đêm, cái đầu gật gù, vừa đi vừa ngâm thơ. Tiếng ngâm thơ trầm buồn của Tử đến trước rồi thân hình gầy yếu của chàng thư sinh mười tám tuổi mới hiện ra”10 .
Trong ký ức bạn bè, người thân, Hàn Mặc Tử là một người bạn, một thi sĩ, một thiên tài luôn được yêu kính và ngưỡng mộ. Tất cả tư liệu về Hàn Mặc Tử đều mất trong chiến tranh, đây là sự cố đáng tiếc nhất về Hàn Mặc Tử. Lượm lặt thông tin từ những người bạn, những bằng hữu thân tín, những nhà sưu tầm kỳ công không làm yên lòng những người có tham vọng soi chiếu vấn đề Hàn Mặc Tử một cách thấu đáo. Dẫu sao, từ góc nhìn hồi cố, những người đã sống sau ngày thi nhân ra đi vẫn cảm thấy sức ảnh hưởng, tầm vóc của một bậc thiên tài đã dâng hiến mãnh liệt đời mình cho thi ca, nghệ thuật.

Nghiên cứu, phê bình thơ ca Hàn Mặc Tử
Đây là phần quan trọng nhất làm nên diện mạo của vấn đề Hàn Mặc Tử trong đời sống văn học miền Nam trước 1975.
Nhìn lại, quãng những năm 1941 - 1942, khi Hàn Mặc Tử, thân thế và thi văn của Trần Thanh Mại ra đời, sau đó là Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân11, Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan12, Việt Nam thi ca luận của Lương Đức Thiệp13... chúng ta sẽ thấy vấn đề Hàn Mặc Tử đã được quan tâm một cách công phu từ khá sớm. Kéo theo những sự kiện này là một vụ án văn chương đầu tiên ở nước ta giữa Trần Thanh Mại và Quách Tấn xung quanh việc trích thơ Hàn Mặc Tử. Vụ án này đã thu hút được đông đảo sự chú ý của công chúng. Tờ Dân báoTràng An14 đã tích cực chuyển tải những tranh luận của hai tác giả này cùng với sự đóng góp quan điểm của Hoài Thanh, Nguyễn Tiến Lãng, Ngô Tỵ. Một số sự kiện khác như Kiểu Thanh Quế Phê bình Hàn Mặc Tử của Trần Thanh Mại trên Tri tân15, Diệu Anh Nói chuyện thơ nhân quyển Thi nhân Việt Nam 1932 - 1941 trên Thanh Nghị16... đều có liên quan đến việc kiến giải Thơ mới và Hàn Mặc Tử.
Giai đoạn 1954 - 1975 ở miền Nam, nghiên cứu về Hàn Mặc Tử, cần phải nhắc đến những tên tuổi như: Võ Long Tê, Lê Tuyên, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Xuân Hoàng, Bùi Xuân Bào, Đào Trường Phúc, Đặng Tiến, Thế Phong, Thái Văn Kiểm, Nguyễn Kim Chương, Phạm Đán Bình, Thanh Lãng, Hà Như Chi, Huy Trâm, Bằng Giang, Châu Hải Kỳ, Trần Văn Bảng, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Tấn Long, Thi Vũ, Phạm Công Thiện, Lý Chánh Trung, Lê Huy Oanh, Lê Đình Bảng... Những tên tuổi đã hoạt động văn nghệ, học thuật một cách say sưa, có chủ kiến và phương pháp trong đời sống văn học miền Nam trước 1975.
Nhằm nhận diện cụ thể hơn những gì đã được nghiên cứu về Hàn Mặc Tử trong thời kỳ này, chúng tôi chọn cách phân chia theo vấn đề dựa trên những trọng tâm mà các nhà nghiên cứu lưu ý.

Cội nguồn của xúc cảm thẩm mĩ trong thơ Hàn Mặc Tử
1. Những chuyển hóa huyền nhiệm trong đau thương
Tiêu biểu cho hướng nghiên cứu này là Huỳnh Phan Anh với bài viết Hàn Mặc Tử hay là sự hiện hữu của thơ17. Toát lên từ bài viết của Huỳnh Phan Anh là tư tưởng “bi quan định mệnh”, hoài nghi về sự hiện hữu của kiếp người. Con người không thể tránh được những thất bại, những đổ gãy, đau thương, cái chết trên hành trình của thân phận. Hàn Mặc Tử là người thể nghiệm/kinh nghiệm điều đó một cách rõ rệt và đau đớn nhất. Phần trọng tâm của bài viết, Huỳnh Phan Anh chỉ ra “thơ là kinh nghiệm của đau thương”18. Đau thương trước hết là một chất sống, một kinh nghiệm hiện hữu của Hàn Mặc Tử. Chất sống đau thương chuyển hóa thành chất thơ, thi phẩm - một chỉnh thể nghệ thuật. Chỉnh thể nghệ thuật ấy không có chỗ cho những ngụy tín. Nó tinh ròng một xác tín đớn đau, cất lên từ vũng cô liêu, từ xác thân tàn rữa, từ linh hồn tan tác, từ nỗi chết kinh hoàng, từ biết bao “ám ảnh không được cứu rỗi” (Nguyễn Thanh Tâm). Chính vì không dung nạp ngụy tín nên thơ Hàn Mặc Tử không cần giải thích, biện hộ, “nó đã là lời chú giải cho chính nó”.
Cũng chú ý đến kinh nghiệm thẩm mĩ của Hàn Mặc Tử nhưng cái nhìn của Lê Tuyên bình thản hơn và ít có sự bi quan như Huỳnh Phan Anh. Lê Tuyên trong bài Thi ca cận đại và nỗi lòng thành thực của Hàn Mặc Tử đã đặt ra câu hỏi: “Nếu đau thương là hiện thực của cuộc đời, nếu đau thương gắn bó với chúng ta trong từng nhịp sống, lay động chúng ta trong những cơn thức tỉnh xót xa thì phải chăng đau thương đã hàm chứa một ý nghĩa huyền nhiệm”. Ông cho rằng, sở dĩ chúng ta chưa bao giờ lãnh hội được ý nghĩa huyền nhiệm của đau thương là “vì chúng ta chưa bao giờ được hưởng thú đau thương mà trái lại chỉ là những kẻ chạy trốn đau thương. Vì chạy trốn cho nên phải bị vây, vì trốn đi đâu cho thoát cuộc đời đau thương”. Cho nên “vấn đề của con người không phải là trốn khổ mà phải tìm trong sự thống khổ ý nghĩa của đời mình”. Hàn Mặc Tử là người đã sống trọn vẹn đau thương bằng hồn và bằng xác, đã “thấy được đau thương và sống được đau thương ngay trong hạnh phúc”. Đó là thứ kinh nghiệm khủng khiếp mà rất ít người như Hàn Mặc Tử có thể kinh qua để nảy nở thành nghệ thuật. Lê Tuyên đã áp dụng hiện tượng học hiện sinh để lý giải kinh nghiệm đau thương, hành trình tinh thần của Hàn Mặc Tử19.
Từ góc độ kinh nghiệm thẩm mĩ, Nguyễn Tấn Long chia định mệnh Hàn Mặc Tử thành 3 thời kỳ: Thời kỳ bình thản, Thời kỳ dao động, Thời kỳ xoa dịu. Tương ứng với ba thời kỳ này là những chặng đường thơ: Lệ Thanh thi tập, Gái quê (thời kỳ bình thản), Đau thương (Thời kỳ dao động), Xuân như ý, Thượng thanh khí, Duyên kỳ ngộ, Cẩm châu duyên (Thời kỳ xoa dịu)20. Nhìn chung, những luận giải của Nguyễn Tấn Long căn cứ trên cả hai phương diện: diễn biến của thân phận như một cá thể mang sử tínhThơ ca như sự hiện hữu của kinh nghiệm sử tính ấy (NTT nhấn mạnh). Lối làm việc của Nguyễn Tấn Long là phân tích, bình chú thơ Hàn Mặc Tử để minh chứng hoặc rút ra kết luận về những trạng thái tinh thần mà Hàn Mặc Tử phải kinh qua. Điểm đáng lưu ý là Nguyễn Tấn Long đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết của kinh nghiệm thân phận với những sáng tạo thơ ca như là phản ứng không thể không xuất hiện trong bối cảnh sống thực tế, hiện hữu của thi nhân.
Từ kinh nghiệm thẩm mĩ lý giải thơ Hàn Mặc Tử còn có bài viết của Thế Phong trong sách Hàn Mặc Tử nhà thơ siêu thoát21. Phần viết về “thẩm mĩ quan” của Hàn Mặc Tử nằm trong chương 5: Phân tích ba loại thơ triết học trong thơ Hàn Mặc Tử. Trong chương này có một phần mang tên: Triết lý siêu hình về thẩm mĩ quan. Tuy nhiên, sự lý giải của Thế Phong chưa đạt được như điều mà tác giả mong muốn.
Kinh nghiệm thẩm mĩ là cội nguồn của mĩ cảm sáng tạo, Nguyễn Kim Chương trong bài viết Hàn Mặc Tử đau thương và sáng tạo22 đã thể hiện được sự tinh tế và nhạy bén của mình trước các vấn đề thuộc về tâm lý học sáng tạo. Trong bài viết, Nguyễn Kim Chương cho rằng: “Với Hàn Mặc Tử, đau thương mang một nội dung lưỡng giá: nó làm cho nhà thơ suy nhược thể xác nhưng làm lớn dậy tâm hồn ông”23. Đau thương đối với Hàn Mặc Tử là “nguồn cảm hứng, là chất liệu của sáng tạo thơ nữa”24. Tất cả con người Hàn Mặc Tử, cả linh hồn và xác thể, cả cảm giác, tri giác và các giác quan khác đều sống trong đau thương: “Đối với Hàn Mặc Tử, “Hương thơm” là đau thương của khứu giác, “Mật đắng” là đau thương của vị giác, “Máu cuồng” là đau thương của thân thể rỉ ra để biến thành dòng chữ”25.
2. Từ sinh mệnh đau thương đến mĩ cảm của đau thương
Mĩ cảm là giai đoạn thứ ba trong hành trình tinh thần từ trải nghiệm đau thương chuyển hóa thành quan niệm thẩm mĩ và phát sinh mĩ cảm (kinh nghiệm đã được nâng cấp thành chất thơ). Những khía cạnh khác nhau của mĩ cảm được các nhà nghiên cứu chỉ ra trong thơ Hàn Mặc Tử có sự gắn bó mật thiết với vấn đề kinh nghiệm thẩm mĩ mà chúng ta đã nói tới ở trên.
“Khẩu cảm” là mĩ cảm nổi trội trong thi giới Hàn Mặc Tử. Mĩ cảm này biểu hiện thành thi ảnh với một hệ thống ngôn từ thuộc trường từ vựng của “miệng”. Bùi Xuân Bào trong bài Thi ảnh khẩu cảm trong thơ văn Hàn Mặc Tử đã chỉ ra các thi ảnh khẩu cảm của Hàn Mặc Tử: nhấp, hớp, nốc, uống, cắn, ăn, ngậm cứng, nhai ngấu nghiến, sặc sụa, mớm, mửa... Điều đặc biệt, nguồn thi hứng càng linh thiêng, càng “mĩ vì” bao nhiêu thì thi ảnh khẩu cảm lại càng được thi nhân sử dụng triệt để bấy nhiêu: “đề tài cao thượng bao nhiêu thì những khẩu cảm lại nhiều và mạnh mẽ bấy nhiêu”26. Tác giả tiếp tục khẳng định: “Những hình ảnh ấy có tính cách động, mãnh liệt và có một động lực hai chiều và được dùng nhiều nhất trong các đề tài xa với đời sống vật chất và liên hệ mật thiết nhất với đời sống tâm linh”27.
Điều gì là quan trọng nhất trong mĩ cảm của Hàn Mặc Tử? Không phải ái tình, không phải Thượng đế mà chính là thơ. Bùi Xuân Bào khẳng định: “Thơ là điều quan trọng nhất đối với Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử sống nhờ thơ và vì thơ, nuôi tâm hồn mình bằng thơ và cho rằng sứ mạng độc nhất của ông là làm thơ”28. Ái tình, Thượng đế chỉ là những nguồn thơ “mĩ vì” của Hàn Mặc Tử. Tất cả đều phải chuyển hóa thành thơ trong một cơ chế “lưỡng hướng” (G. Bachelald)29 của tinh thần: tiếp nhận nguồn thơ cao đẹp từ cuộc sống, vũ trụ và chuyển hóa (sáng tạo) thành thơ. Khẩu cảm là một cách thế mang tính tượng trưng về sự tiếp nhận nguồn thơ - sự trải nghiệm/thể nghiệm của thi sĩ.
Tan loãng là một trạng thái, một tâm thức, đến mức là một ám ảnh đặc biệt trong tinh thần Hàn Mặc Tử. Tập trung vào một số điểm nổi trội cho thấy “ý thức tiêu tán”, “tan loãng” trong tinh thần Hàn Mặc Tử, Phạm Đán Bình đã triển khai bài Tan loãng trong Hàn Mặc Tử trên các luận điểm: Thân thể rã rời / Xác hồn phân tán / Tình, cảnh tan vỡ và cuối cùng là Thế giới mới30. Đây là một hệ thống luận điểm cô đọng, giải quyết được vấn đề mà Phạm Đán Bình đề ra. Cái “Tan loãng” nơi xác thân Tử chính là sự đục khoét của con bệnh hiểm ác. Cơ thể ấy như một dải đất, cứ lở lói dần mòn, cứ tan rữa theo từng cơn gặm nhấm của lũ sâu trùng. Thi nhân đã biến tất cả nỗi đau thương trong cơn tan rữa ấy thành nguồn thơ, cuốn theo máu huyết, não cân. Nỗi đau thể chất chuyển hóa thành cơn “cuồng lưu” của tinh thần: “Hàn Mặc Tử dồn cả sức sống vào tâm hồn đang lúc thân xác tàn lụi. Tất cả chất sống tâm linh ấy lại ùa chảy vào thơ: Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút”31. Hồn là một thực thể đã bị tách biệt, bị tan loãng, bị trục xuất khỏi xác thân trong cuộc chiến tàn khốc của định mệnh.
Xác tan, hồn tiêu tán vẫn chưa nói hết trạng thái “tan loãng” trong tâm thức Hàn Mặc Tử. Ở đó, Phạm Đán Bình còn chỉ ra, tình, cảnh cũng tan vỡ. Những mỗi tình đau đớn và tang thương. Tình vỡ, nên cảnh cũng tan hoang, đành đoạn, “rút cục là một cuộc đổ vỡ toàn diện”32.
Đổ vỡ và tan loãng, nhưng Hàn Mặc Tử không chìm trong đống đổ nát của “Ngày phán xét” ấy. Thi nhân hướng đến một thế giới “Khải huyền”, sáng láng, nơi mọi nguồn khổ lụy đã được cứu giải.
Cũng chú ý đến mĩ cảm trong thơ Hàn Mặc Tử, Lê Huy Oanh trong bài Đọc lại chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử cho rằng: “Bài chơi giữa mùa trăng chứa đựng một trong những nguồn tư tưởng thiết yếu của Hàn Mặc Tử, thứ tư tưởng trong sạch, thánh thiện, được biểu dương bằng ánh vàng. Nó còn bày tỏ cái tư tưởng siêu thoát của Hàn Mặc Tử, kẻ vốn muốn xa lánh những cảnh ô trọc, trầm luân của cuộc sống thực tế, nên thường hay tạo cho mình những cõi mộng riêng để mà ẩn náu trong đó”33.
3. Đức tin và nguồn thơ Hàn Mặc Tử
Hàn Mặc Tử được nghiên cứu khá chu đáo từ góc độ tôn giáo. Bởi lẽ, thi sĩ là một Ky tô hữu đầy tín tâm và thơ Hàn Mặc Tử cũng ngập tràn sắc hương phong vị của miền thơ lành thánh. Có thể kể ra đây những tác giả đã có nhiều tâm sức cho Hàn Mặc Tử từ góc độ tôn giáo: Đặng Tiến (Đức tin trong thơ Hàn Mặc Tử)34, Võ Long Tê (Sứ điệp của một người phong hủi35, Một bài thơ khai bút đầu xuân của Hàn Mặc Tử36, Đọc Xuân như ý của Hàn Mặc Tử37, Hàn Mặc Tử - Thi sĩ của đạo quân thánh giá38, Kinh nghiệm thơ và hành trình tinh thần của Hàn Mạc Tử (L'Expérience poétique et l'itinéraire spirituel de Hàn-Mạc-Tử)39. Võ Long Tê là một nhà nghiên cứu có nhiều bài viết về Hàn Mặc Tử. Tuy nhiên, quan điểm nổi trội, bao trùm nhất của Võ Long Tê cũng như Đặng Tiến là khẳng định Hàn Mặc Tử là nhà thơ công giáo. Những nỗ lực của Hàn Mặc Tử tất cả đều hướng đến việc triển đạt ân sủng của Phúc âm, hiển lộ một cách trang trọng, linh diệu tinh thần Công giáo với đức tin mãnh liệt, lành thánh. Võ Long Tê đã quy Hàn Mặc Tử về phạm trù của một tín đồ công giáo, làm thơ để ngợi ca đức tin, tuyên tín về ân trạch và tụng ca những quang năng của các vì thánh cả. Cố gắng định vị Hàn Mặc Tử là một thi sĩ công giáo, một nguồn thơ phát xuất từ “đêm tối của đức tin” trong “khoái lạc của hồn đau” để thực hiện một “sứ vụ tông đồ”, Võ Long Tê vô tình đã làm nghèo đi chính đối tượng mà lẽ ra nếu không bị hạn chế trong tiên kiến tôn giáo hẳn Võ Long Tê sẽ nhận ra những giới hạn rộng xa hơn của thiên tài Hàn Mặc Tử.
Cũng thiên về hướng khẳng định Hàn Mặc Tử là thi sĩ của đức tin công giáo, Lý Chánh Trung nhắc lại quá trình chuyển hóa đức tin của mình ảnh hưởng từ Hàn Mặc Tử. Lý Chân (bút danh của Lý Chánh Trung) viết: “Sự đời phải cũng lạ, lúc ấy tôi còn nhỏ, chưa theo đạo, rất mê thơ. Nhờ đó mà tôi biết được Hàn Mặc Tử và biết được nhờ một người không Công giáo (ông Trần Thanh Mại) đã lặn lội sưu tầm tài liệu để viết một quyển sách về người thi sĩ cùi, sống trong đau thương, chết trong quên lãng. Thành ra nhờ một người không công giáo mà những tên cực thánh “Giê su”, “Maria” đã trở thành quen thuộc với tôi, qua những bài thơ bất hủ của Hàn Mặc Tử ... Mầu nhiệm, đau khổ và cứu rỗi của công giáo đã đến với tôi như vậy đó. Cuộc đời Hàn Mặc Tử không có gì là “thánh thiện” cả, nhưng sự đau khổ chịu đựng trong niềm tin đã thánh hóa tất cả. Giữa lòng quê hương Việt Nam, Hàn Mặc Tử là một nhân chứng chân thành của đức tin công giáo”40.
Nghiên cứu Hàn Mặc Tử từ góc độ tôn giáo còn có bài viết của Quách Tấn: Ảnh hưởng đạo Phật trong thơ Hàn Mặc Tử. Trong bài viết này, Quách Tấn cho rằng: “Hàn Mặc T là một nhà thơ thuần túy. Tử tìm vào đạo - đạo Thiên chúa cũng như đạo Phật chỉ để tìm nguồn an ủi khi bị tình đời phụ rẫy hoặc thể xác dày vò. Tôn giáo chỉ là những yếu tố phụ vào để làm cho thơ thêm giàu sang và trọng vọng”. Tôn giáo đi vào tâm hồn Hàn Mặc Tử bị “chế biến, pha trộn theo quan niệm và sở thích” của Hàn Mặc Tử”41.
Phạm Xuân Sanh trong bài Ảnh hưởng Phật giáo trong thi ca Việt Nam cũng cho rằng thơ Hàn Mặc Tử có nhiều màu sắc Phật giáo42. Phạm Xuân Sanh đã chỉ ra những ngôn từ, hình ảnh, âm hưởng hay mĩ cảm đến từ đức tin Phật giáo. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất lại chính là quan điểm của tác giả bài viết về vấn đề: “Hàn Mặc Tử có hẳn là nhà thơ tôn giáo không? Nghĩa là Hàn Mặc Tử có phải là một tín đồ điển hình cốt dùng thơ để phụng sự cho đạo của mình hay ông chỉ là một nhà thơ, trong khi ôm một lý tưởng thơ đi tìm cảm hứng đã gặp đạo và tìm được trong đạo nhiều đề tài, nhiều thanh sắc, tư tưởng để làm giàu cho thơ mình?”43. Từ đó tác giả khẳng định theo hướng thứ hai: “Hàn Mặc Tử là một thi sĩ có nhiều lý tưởng thơ và lý tưởng thơ này đã bao trùm cả niềm tin của ông về tôn giáo”44. Thêm một lý do nữa để Phạm Xuân Sanh khẳng định Hàn Mặc Tử không phải là nhà thơ tôn giáo chính là số lượng thơ có tinh thần tôn giáo rất ít so với tổng số thơ của thi sĩ trên nhiều chủ đề, cảm hứng… Mặt khác, ngay trong những bài có âm hưởng Thiên Chúa giáo lại cũng xen kẽ nhiều yếu tố Phật giáo. Vì thế, “đối với Hàn Mặc Tử, lý tưởng chính chỉ có thơ và tôn giáo là những yếu tố phụ làm giàu cho thơ…”45.
Đức tin là một phạm trù của tâm linh. Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Đạo Mẫu… hay những dấu vết khác trong thơ Hàn Mặc Tử không phải là cái đích cuối cùng của sự kiếm tìm, vượt thoát. Chúng tôi cho rằng, tất cả chỉ là những biểu tượng của giá trị, những quy chiếu có tính ước lệ về một cảnh trạng như ý trong trí tưởng của thi sĩ (nhất là người phải sống trong trùng trùng đầy đọa như Hàn Mặc Tử). Nếu Hàn Mặc Tử muốn tìm đến Thiên đàng, Niết bàn, Cõi Đâu Suất, Phượng Trì, xuất thế gian, cõi trời cách biệt… thì hẳn thi sĩ đã chẳng cùng Quỳnh Tiên chối bỏ động tiên mà trốn hết xuống trần. Giữa tôn giáo và thơ, thơ tôn giáo là những vấn đề không nhầm lẫn được. Thơ tôn giáo là thơ mà không phải là tôn giáo. Nó thuộc về hình thái nghệ thuật ngôn từ hơn là một thiết chế xã hội hay một hệ ý thức. Thơ tôn giáo, nghĩa là tôn giáo giữ vai trò như một định ngữ, làm nên tính chủng loại của thơ, phân biệt với các chủng loại khác: thơ tình yêu, thơ tuyên truyền… Tôn giáo giữ vai trò là véc tơ chỉ hướng khi xác định mĩ cảm và diễn biến tư duy của thi sĩ. Nhưng, sản phẩm cuối cùng không phải là một lời rao giảng, một thánh kinh, một giáo lý hay một tín điều, mà là một thi phẩm, một chỉnh thể nghệ thuật.
4. Cội nguồn phương Đông và phương Tây trong thơ Hàn Mặc Tử
Dấu ấn phương Đông, phương Tây trong thơ Hàn Mặc Tử có thể được biểu lộ ở mĩ cảm, kinh nghiệm thẩm mĩ, hình ảnh, biểu tượng, tôn giáo hay ngôn ngữ thơ… Tuy nhiên, biện biệt một cách cụ thể Hàn Mặc Tử là phương Đông hay Phương Tây phải nói đến Phạm Công Thiện và Tam Ích. Tam Ích khẳng định: “Hàn Mặc Tử, Bích Khê… hai người làm thơ tượng trưng và gần như không không vay mượn của chân trời mới Âu Tây một mẩu âm thanh nào... Có tượng trưng Âu Mỹ cũng có tượng trưng Á Đông. Tôi nghĩ rằng về thi phái tượng trưng Á Đông - thuần túy Á Đông - chúng ta có hai đại diện: Bích Khê và Hàn Mặc Tử”46. Như vậy, Tam Ích đã nhìn trên phương diện là phương pháp sáng tác, kiểu tư duy thơ tượng trưng, làm nên trào lưu, khuynh hướng tượng trưng trong thơ ca. Nhưng tác giả cũng khẳng định đó là lối tượng trưng Á Đông. Theo Tam Ích, thơ Hàn Mặc Tử là thơ tượng trưng Á Đông và nhạc tính trong thơ Hàn Mặc Tử là nhạc tính Á Đông, cho người Á Đông đọc.
Trái ngược với Tam Ích, Phạm Công Thiện lại cho rằng: “Đứng bên Quách Tấn có Hàn Mặc Tử, mặc dù Hàn Mặc Tử là nhà thơ phương Tây hơn cả những nhà thơ phương Tây, nhưng nhờ định mệnh tàn khốc và cơn đau linh thiêng đã xô đẩy Hàn Mặc Tử đến cảm thức Hố thẳm toàn triệt của buổi chiều vàng vọt của phương Đông, nhờ thế, Hàn Mặc Tử đã đến kịp với Quách Tấn trong tiết nhịp vĩnh cửu của Việt Nam... Hàn Mặc Tử là người chịu ảnh hưởng phương Tây một cách sâu thẳm và tốt đẹp nhất. Ở Việt Nam, tôi chỉ thấy một người tín hữu Ky - tô giáo đúng nghĩa: Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử là người tín hữu ky-tô giáo duy nhất”47.
Ảnh hưởng Baudelaire là sự cụ thể của ý hướng nghiên cứu về nguồn gốc phương Đông hay phương Tây trong thơ Hàn Mặc Tử. Tôn Thất Bút có bài Baudelaire và những thi nhân tiền chiến chỉ ra những điểm tương đồng về cuộc đời đau khổ, đầy đọa của hai thi nhân, những ám ảnh cuộc đời dẫn đến ám ảnh trong nghệ thuật: trăng, máu, người tình lơi lả, rạo rực. Ái tình và những đam mê của hai thi nhân là không cùng, không thỏa. Họ đi tìm những nguồn cảm xúc mới, những đam mê trong đau thương, trong xấu xa và tội lỗi, chết chóc. Tác giả nhận xét ở cuối bài viết: “Thi ca của Hàn Mặc Tử đã giàu âm điệu màu sắc và cảm giác, phải chăng người đã chịu ảnh hưởng và vay mượn thi hứng của Baudelaire?”48.

Nghiên cứu Hàn Mặc Tử trên một số phương diện hình thức nghệ thuật
1. Nghiên cứu Hàn Mặc Tử từ góc độ biểu tượng
Từ góc độ biểu tượng, Đào Trường Phúc trong bài Hàn Mặc Tử, trăng và thơ thực sự đã thâm nhập được vào những tầng vỉa rất sâu của cấu trúc biểu tượng, minh tỏ những mã thẩm mĩ huyền nhiệm và ghê gớm49. Đây là một bài viết có những suy tư sâu sắc về Trăng - Thơ Hàn Mặc Tử. Đặt ra một suy tư về thiên tài, nghĩa là người ta phải tìm đến những biểu hiện có tính ám ảnh làm nên phẩm tính của thiên tài. Hàn Mặc Tử là một trường hợp như thế: Thiên tài và Trăng. Thuở còn làm thơ Đường luật, trăng trong thơ Hàn Mặc Tử vẫn mang phẩm tính ước lệ như bao nhiêu thi sĩ khác. Nhưng cũng ở thời đấy, trăng đã mang một chút hơi hườm của sự quẫy đạp, phá cách. Phẩm tính của trăng lúc này là: “một sự pha trộn mà bây giờ nhìn lại người ta có thể nhận thấy dường như chỉ có một phần ba vì dụng ý, hai phần ba còn lại bắt nguồn từ một thứ ngoại ý thức thúc đẩy và quyến rũ thường trực nhà thơ”50. Như thế, cái quẫy cựa kia không phải là một dụng ý toàn tâm của thi sĩ, nó là một sự bộc phát của ngoại ý thức ngay từ đầu giai đoạn thi ca của Hàn Mặc Tử để thành hình, thành dạng, thành khối, thành yêu ma, thành thực thể vừa thống nhất lại vừa tách biệt với thi nhân ở chặng đường khủng khiếp phía sau. Trăng là một định mệnh của Hàn Mặc Tử. Nó ràng buộc, ám ánh làm nên chính phẩm cách thiên tài của thi nhân. Trong nhiều diễn giải của Đào Trường Phúc: trăng trong không khí êm đềm tỉnh táo… đặc biệt phối cảnh của trăng - hay là chính không gian hiện hữu của những trạng thức của trăng, cũng là trạng thức của tinh thần thi sĩ. Hàn Mặc Tử có biệt tài trong việc kiến tạo một không gian tĩnh, cô biệt với ngoại giới, nhưng tương thông một cách thanh thoát với tâm hồn thi sĩ. Thi sĩ giăng lên một bức màn mong manh, ngăn che thế giới tĩnh lặng của mình một cách mơ hồ. Toàn bộ phối cảnh của trăng thời kỳ đầu - một cõi giới tiên khởi của thi nhân bao chứa trong không gian tĩnh lặng ấy: “Hàn Mặc Tử đã vận dụng thiên tài của ông một cách rất đúng mức để trình bày trạng thái tĩnh của thiên nhiên mà ông quan niệm như vẫn hòa điệu với tâm hồn ông, đồng thời chi phối tâm hồn ông trong một tương quan chung thủy, thanh thoát. Cho nên khi ông khéo léo đưa vào trạng thái tĩnh ấy những chuyển điệu hờ hững, thì ông dễ dàng thành công với việc đặt cái yếu tố động này vào trong một môi trường ngoại ý thức, để cho cái yếu tố đó bỗng chỉ còn đóng vai trò của một yếu tố nền làm nổi rõ hơn trạng thái tĩnh mà thôi”51.
Sau một biến cố lớn, thơ Hàn Mặc Tử chuyển điệu, chuyển vùng sang một khí quyển khác. Người đọc có cảm giác bị “rơi hẫng” từ vùng không khí này sang vùng không khí khác. Trăng lúc này không còn là một thực thể ngoại giới, một khách thể của thiên nhiên nữa, mà trăng được “nhân linh hóa”, “quay cuồng trong những biến ảnh liên tiếp qua cái ống kính vạn hoa của một tâm thức mê sảng hoảng loạn”52. Trăng trong vùng khí quyển này là những biến ảnh “trên cái biên giới xa nhất của cơn mê sảng”: trăng trong vực thẳm đọa đày, trăng đồng thể và trăng xuất thể, trăng quạnh quẽ cô đơn, trăng yêu ma kì dị, trăng linh loạn rùng rợn, trăng âm u - sáng láng, trăng bám riết giày vò, trăng nhức nhối quằn quại, trăng rên siết, kêu thương, trăng cười, trăng khóc, trăng chạy, trăng ngã, trăng tan, trăng vỡ, trăng réo gào thảm thiết…
Tiếp theo Đau thương, Hàn Mặc Tử tiến đến một vùng khí hậu khác. Nơi đó, trăng “được nâng ra khỏi cái vũng ghê rợn của Đau thương, để được đặt, không phải trở lại cái thế giới huyền ảo cũ của Đà Lạt trăng mờ mà là vào một thế giới mới, êm đềm, thanh thoát, bao dung, đầy vỗ về, che chở”53. Đó không phải là sự bình tâm của sự giải thoát, “mà là thứ bình tĩnh đau xót của sự chấp nhận định mệnh, chấp nhận nỗi tuyệt vọng và quyết định tự giúp đỡ mình bằng một cách cuối cùng là đưa tâm hồn lên cõi siêu thoát, cao cả, êm đềm, cho dẫu có lờ mờ biết rằng đó chỉ là những ảo tưởng cuối”54. Như một sự trở về, “trăng trong chặng chót của chuyến phiêu du dài, đã mơ hồ khoác lại tấm áo rất xa xôi của những ngày đầu tiên”. Nhưng không, đó là một vùng không gian khác, một cõi giới khác - “một không gian và thời gian vĩnh cửu”.
Nghiên cứu biểu tượng trong thơ Hàn Mặc Tử còn được đề cập rải rác các bài viết khác. Bùi Xuân Bào hay Phạm Đán Bình thực tế cũng đã chạm đến biểu tượng Hồn, Xác hay Máu lệ trong thơ Hàn Mặc Tử. Tuy nhiên, theo chúng tôi, bài của Đào Trường Phúc là một bài sâu sắc về biểu tượng Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử. Và điều quan trọng, Đào Trường Phúc đã áp dụng phương pháp phân tích tâm lý của Phân tâm học để “khảo cổ” những tầng vỉa của biểu tượng Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử.
2. Nghiên cứu Hàn Mặc Tử từ góc độ ngôn ngữ thơ
Về ngôn ngữ thơ Hàn Mặc Tử, ngay từ năm 1939, Hoàng Trọng Miên đã đề cập đến trong bài viết: Hàn Mặc Tử: một thiên tài xuất hiện trong làng thơ. Nhận định về ngôn ngữ thơ Hàn Mặc Tử, Hoàng Trọng Miên cho rằng: “Lời thơ luôn luôn thanh cao chắc chắn, mạnh mẽ, danh từ rất giàu, rộng rãi, lựa chọn chín chắn, nhiều đặc sắc của Huế, những chữ nhịp đối bao giờ cũng kỳ đặc và làm khung rõ rệt cho cảnh trạng trí tưởng của thi sĩ”55. Nhận định này cho thấy sự chú ý của Hoàng Trọng Miên đến một vấn đề cơ bản, có tính bản thể trong thơ ca là ngôn ngữ. Với ngôn ngữ thơ Hàn Mặc Tử có lẽ phải cần nhiều hơn, rộng hơn, bài bản và công phu hơn nữa. Tuy nhiên, ngay từ những năm 1939, sự chú ý của Hoàng Trọng Miên là rất quan trọng và có ý nghĩa.
Giới học thuật miền Nam đã bước đầu chú ý đến vấn đề ngôn ngữ thơ Hàn Mặc Tử. Tuy nhiên, thành tựu nghiên cứu thực sự chưa xứng với tầm vóc của thi nhân. Hướng nghiên cứu này có thể nhắc đến Huy Trâm (Những hàng châu ngọc trong thi ca hiện đại56. Trong cuốn sách của mình, Huy Trâm nhận định: “Hàn Mặc Tử vẫn có lối làm thơ dễ dàng tự nhiên như thế. Nói theo kỹ thuật, ông ưa viết buông, nghĩa là lòng nghĩ sao thì hạ bút viết vậy. Có người chê là Hàn Mặc Tử viết “văng mạng”, chữ dùng còn sống, kém tác dụng. Tôi (Huy Trâm) lại cho rằng chính những lúc ông viết buông, hồn thơ thưởng lảng vảng quanh ngòi bút”57. Huy Trâm so sánh Hàn Mặc Tử với Vũ Hoàng Chương, Huy Cận: “Không dụng công như Vũ Hoàng Chương, không quá chải chuốt như Huy Cận, thơ Hàn Mặc Tử là một hơi thơ tự nhiên, những âm thanh réo rắt, lạ tai. Ông dùng chữ rất dễ dàng, đến nỗi lời thơ đầy điệp ngữ mà vẫn nghe rất trôi chảy, êm ái”58. Nhận định về hồn thơ và ngôn ngữ thơ Hàn Mặc Tử, tác giả này còn cho rằng: “Đọc thơ ông, hình như ta thấy cái hồn thơ bàng bạc khắp nơi, còn chữ nghĩa mang phần sắp xếp, kỹ thuật bị chìm xuống hàng thứ yếu”59.
Cũng chú ý đến ngôn ngữ thơ, Phạm Công Thiện cho rằng: “Chỉ có thi sĩ mới sống trước, sống tận bản thân tất cả những khả tính sắp hiện của vận mệnh dân tộc mình. Vận mệnh của Hàn Mặc Tử đã báo trước vận mệnh của Việt Nam. Thơ của Hàn Mặc Tử đã báo động cái gì rạn vỡ trong không khí quê hương. Không phải chỉ làm thơ với những danh từ và động từ chính trị là mới nói được con đường đi của dân tộc. Nhiều khi nói ngược lại hay nói những cái gì khác, như dùng những tiếng kỳ cục như thượng thanh khí, vỡ lở, trăng, châu lệ, đê mê, hoa bắp lay, cứng tợ si, chưa bưa, dại khờ, gánh máu đi trong tuyết, bời bời ruột gan, ớn lạnh, vân vân. Nhiều khi ăn nói thê thảm điên dại như Hàn Mặc Tử mà lại trỏ ngón tay vào đúng trái tim đen của vận mệnh Việt Nam và mở ra một hướng đi khác cho “sử linh tư tưởng” (chữ của Hàn Mặc Tử). Người hiểu được thì hiểu ngay lập tức, không hiểu được thì vẫn không hiểu được. Định mệnh tàn khốc, nhưng không có thực, giống như cơn bệnh hủi chỉ là cơn bệnh tưởng tượng của mặt trời, do mặt trăng lường gạt”60.
3. Nghiên cứu Hàn Mặc Tử từ góc độ bệnh lý học và định mệnh sau cái chết
Sự liên hệ từ bệnh tật đến thi ca, từ căn nguồn đau thương đến sáng tạo nghệ thuật đã gợi ý cho nhiều nhà khoa học tìm hiểu nguyên nhân cái chết của Hàn Mặc Tử. Bác sĩ Trần Văn Bảng đã kỹ công dò tìm và dựng lại bệnh án của Hàn Mặc Tử. Trần Đình Bảng đi tìm đáp án cho câu hỏi: Hàn Mặc Tử có thật mắc bệnh cùi không? Và từ các tư liệu có được ông đi đến khẳng định chắc chắn: “Thí nghiệm của bác sĩ người Pháp Gourvil là “Bịnh cùi có vi trùng”. Bệnh cùi của Hàn Mặc Tử là bệnh gì? Căn cứ vào các triệu chứng: Gò má ửng đỏ/Tai sùi/Biến chứng nhanh (từ 1936 đến 1940 đã tử vong)/Nhiều lần công phạt (phát)/Có vi trùng, Trần Đình Bảng kết luận: Hàn Mặc Tử mắc bệnh cùi cục. Từ một số căn cứ khác, Trần Đình Bảng còn nghi ngờ Hàn Mặc Tử có thể bị kiết lỵ và lao phổi. Đó mới là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của thi sĩ61.
Chết đâu phải là kết thúc sinh mệnh. Một số nghiên cứu khác còn chú ý đến định mệnh sau cái chết của người thi sĩ bất hạnh. Đó là vấn đề thực chất ngôi mộ của Hàn Mặc Tử. Trong ghi chép: Trần Văn Bảng viếng mộ Hàn Mặc Tử, Tác giả cho rằng: “Theo tôi nghĩ, ngôi mộ mới này không hợp với tâm hồn bản tính Hàn Mặc Tử”. Từ đó Trần Văn Bảng đưa ra đề nghị: “hãy đem di cốt của Hàn Mặc Tử trả lại cho trại cùi Quy Hòa, để ông được nương hồn nơi đất thánh. Hãy đưa mồ ông về gần mồ những người đồng bịnh để cho ông đỡ cô đơn”62. Không rõ Trần Văn Bảng đã thăm ngôi mộ nào? Năm 1958, Trần Văn Bảng thăm mộ Hàn Mặc Tử, tức là một năm trước khi được gia đình và Quách Tấn cải táng về ghềnh Ráng, đồi Thi nhân. Như thế, đó phải là mộ gốc. Nhưng nếu như thế tại sao lại phải nêu ra vấn đề trả lại di cốt Hàn Mặc Tử cho Quy Hòa? Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mộ Hàn Mặc Tử đã được cải táng một lần trước năm 1959? Vậy gia đình đã cải táng ngôi mộ nào năm 1959?
Cũng để tâm đến vấn đề này, năm 1967 nhân chuyến đi thăm mộ Hàn Mặc Tử, Trương Văn Ngọc đã được tiếp xúc với một số ý kiến cho rằng ngôi mộ hiện tại không phải là của Hàn Mặc Tử. Từ câu chuyện của người dẫn đường trong Quy Hòa, Trương Văn Ngọc đã đặt ra những nghi vấn: “cầu mong cụ Quách Tấn cho biết ý kiến của cụ về "Người nằm đó phải hay không phải Hàn Mặc Tử?"63.
Những nghi vấn về mộ phần Hàn Mặc Tử làm chúng ta xót xa. Một người đã sống trong cô độc, đã chết trong đau đớn, câm lặng, đã nhận vào mình muôn nỗi bất hạnh của đời vậy mà khi chết đi vẫn còn chưa hết đọa đầy.
*
Hàn Mặc Tử trong đời sống văn học miền Nam những năm 1954 - 1975 là vấn đề còn bỏ ngỏ trong lịch sử nghiên cứu Hàn Mặc Tử. Chính sự bỏ ngỏ này đã dẫn đến những cái nhìn chưa thật bao quát, thậm chí ngộ nhận, không triệt để về hiện tượng văn học này (và nhiều hiện tượng văn học khác).
Trở lại với vấn đề Hàn Mặc Tử trong đời sống văn học miền Nam có thể rút ra một số kết luận sau đây:
Thứ nhất: Các nhà khoa học miền Nam đã chú ý nghiên cứu Hàn Mặc Tử trên khá nhiều phương diện: từ đời tư, tiểu sử đến thơ ca nghệ thuật, từ cấp độ tác phẩm đến hình ảnh, biểu tượng, từ kinh nghiệm thẩm mĩ, mĩ cảm đến tư tưởng phương Đông, phương Tây hay vấn đề tôn giáo… Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn chưa giải quyết được hoặc giải quyết chưa triệt để khi vẫn còn những ý kiến khác nhau xoay quanh Hàn Mặc Tử.
Thứ hai: Các nhà nghiên cứu miền Nam đã nhận ra tầm vóc thiên tài của Hàn Mặc Tử với những xác quyết đầy tự tín. Các phương pháp phân tích tâm lý, tâm lý học sáng tạo, hiện tượng học, cơ cấu luận đã được ứng dụng với nhiều mức độ và thành tựu khác nhau. Có những công trình khá sâu sắc, nhưng cũng có những công trình chưa đạt đến được yêu cầu đề ra, cũng có những công trình mới chỉ dừng lại ở bình chú, cảm nhận so sánh thậm chí có người còn cảm nhận rất hời hợt về Hàn Mặc Tử.
Thứ ba: Những thành tựu nghiên cứu Hàn Mặc Tử ở miền Nam kỳ thực là một nền tảng quan trọng để vấn đề Hàn Mặc Tử tiếp tục được giải quyết sau 1975 đến nay. Điều đáng nói hơn là các học giả sau 1975 trong bối cảnh thống nhất của đất nước hầu như đã kế thừa di sản miền Nam (NTT nhấn mạnh). Kế thừa và đẩy vấn đề Hàn Mặc Tử đi xa hơn nữa, tạo nên những thành tựu quan trọng hơn đó là điều có thể nhận thấy trong lịch sử nghiên cứu Hàn Mặc Tử nhìn từ trước 1975 ở miền Nam và sau 1975 trên bình diện cả nước. Đây là vấn đề quan trọng để có cái nhìn vừa bao quát, vừa khách quan về tình hình nghiên cứu Hàn Mặc Tử xuyên qua các giai đoạn lịch sử, các ngăn cách không gian, thể chế… Các vấn đề mà giới học thuật miền Nam đã đặt ra, đã nghiên cứu giải quyết, dù triệt để hay chưa đã trở thành nền móng cho những nghiên cứu sau 1975. Tựu trung, đó là các vấn đề:
-                  Cội nguồn của xúc cảm thẩm mĩ trong thơ Hàn Mặc Tử: từ hành trình sống đến hành trình thơ
-                  Vấn đề tôn giáo, đức tin trong thơ Hàn Mặc Tử
-                  Các phương diện hình thức nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử
-                  Những nghi vấn về đời tư, tình ái hay bệnh lý, mộ phần…
Giới thiệu lại những thành tựu của học giới miền Nam giải tỏa ngộ nhận về những “phát kiến” sau 1975 về hiện tượng thơ “dị biệt” Hàn Mặc Tử. Đối chiếu với những gì giới nghiên cứu đã tổng kết về lịch sử vấn đề Hàn Mặc Tử cho đến thời điểm hiện tại (năm 2012 - kỷ niệm 100 năm sinh Hàn Mặc Tử) chúng ta thấy đó là một sự kế thừa sâu sắc của thành tựu nghiên cứu trước 1975 ở miền Nam. Trước một hiện tượng văn học của quá khứ, để có thành tựu mới có hai hướng triển khai, hoặc là phương pháp mới hoặc là tư liệu mới. Do vậy, việc giới thiệu lại này bổ sung tư liệu lịch sử vấn đề, để thấy được công việc nghiên cứu Hàn Mặc Tử cần phải tiến hành như thế nào, để tránh khỏi sự lặp lại cũ kỹ và sáo mòn. Mặt khác, sự giới thiệu này còn nêu lại những vấn đề đã được lưu ý từ trước 1975, nhưng đến nay vẫn chưa được nghiên cứu cụ thể. Chẳng hạn: Mĩ học Hàn Mặc Tử xét trên toàn bộ hành trình nghệ thuật của thi sĩ (không chỉ có Đau thương), Vấn đề mộ phần Hàn Mặc Tử (dường như đã bị lãng quên hay mặc nhiên thừa nhận?).... Không riêng gì hiện tượng Hàn Mặc Tử, thực tế Thơ mới đã có những thành tựu quan trọng ở Miền Nam trước 1975. Nắm được điều đó sẽ giúp người nghiên cứu Hàn Mặc Tử, Thơ mới thấy được lịch sử cụ thể vấn đề nghiên cứu, tìm ra hướng đi và khả năng đóng góp mới mẻ của mình, tránh khỏi sự ngộ nhận trong phát kiến, lối diễn đạt loanh quanh, cũ kỹ và bế tắc như hiện nay về Hàn Mặc Tử.
Nguyễn Thanh Tâm

----------------------------------------------
Chú thích
1.       Bửu Đình Ái Mỹ, Kỷ niệm Hàn Mặc Tử, Tinh hoa văn tập, số tết Canh Dần, Huế, 1950.
2.       Nguyễn Thị Như Lễ, Những điểm sai lầm về Hàn Mặc Tử, tạp chí Lành Mạnh, số 38, ngày 1/11/1959.
3.       Quách Tấn, Đôi nét về Hàn Mặc Tử, Văn, S, số 73, 74 ngày 7/1/1967.
4.       Trần Thanh Mại, Hàn Mặc Tử thân thế và thi văn, dẫn lại từ Hàn Mặc Tử hôm qua và hôm nay, Vương Trí Nhàn, Nxb Hội Nhà văn, 1996.
5.       Trọng Miên, Những ngày sống với Hàn Mặc Tử ở Sài Gòn, Văn, S, số 73, 74, ngày 7/1/1967, dẫn theo Hàn Mặc Tử tác giả và tác phẩm, Phan Cự Đệ, Nguyễn Toàn Thắng, tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Giáo dục, 2003, tr 88.
6.       Sđd, tr 89.
7.       Hoàng Diệp, Một vài kỷ niệm về Hàn Mặc Tử, trích Hàn Mặc Tử thi sĩ tiền chiến, Nxb Khai trí, S, 1968, dẫn lại từ Hàn Mặc Tử về tác gia và tác phẩm, Phan Cự Đệ, Nguyễn Toàn Thắng, tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Giáo dục, 2003, tr 114 - 117.
8.       Sđd, tr 117.
9.       Trần Thanh Địch, Những kỷ niệm về Hàn Mặc Tử, dẫn lại từ Hàn Mặc Tử về tác gia và tác phẩm, Phan Cự Đệ, Nguyễn Toàn Thắng, Nxb Giáo dục, 2003, tr 86.
10.    Trọng Miên, Những ngày sống với Hàn Mặc Tử ở Sài Gòn, Văn, S, số 73, 74, ngày 7/1/1967, dẫn theo Hàn Mặc Tử về tác gia và tác phẩm, Phan Cự Đệ, Nguyễn Toàn Thắng, tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Giáo dục, 2003, tr 87.
11.    Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, tái bản, Nxb Văn học, 2000.
12.    Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, tái bản, Nxb Văn học, 2005.
13.    Lương Đức Thiệp, Việt Nam thi ca luận, Khuê văn xuất bản cục, LXLXLII, tr 51 - 54.
14.     Dân báoTràng An là hai tờ báo đăng tải đầy đủ các thông tin, bài viết tranh luận xung quanh Vụ án trích thơ Hàn Mặc Tử: Chung quanh vụ án Hàn Mặc Tử (Trần Thanh Mại, Dân Báo, số 884 - 3/6/1942, 885 - 4/6/1942); Sách Hàn Mặc Tử của Trần Thanh Mại (Nguyễn Tiến Lãng, Dân Báo, 896, ngày 16/Juin/1942); Trích thơ không xin phép (I) (Quách Tấn, Dân Báo, số 900, 901, 902 ngày 22, 23, 24/Juin/1942); Vụ kiện trích thơ Hàn Mặc Tử (Hoài Thanh, Tràng An, số 23, ngày 4/6/1942 - tập mới); Trả lời cho ông Quách Tấn (Trần Thanh Mại, Dân báo, số 919, 920, ngày 16, 17/Juin/1942); Trích thơ không xin phép (II) (Quách Tấn, Dân báo, 921, 923, 926, ngày 18, 21, 24/Juillet/1942); Chung quanh sách Hàn Mặc Tử trả lời cho Quách Tấn (Trần Thanh Mại, Báo Tràng An, số 43, 1/8/1942); Trước tòa Nam án Thừa Thiên: Vụ án văn chương Hàn Mặc Tử đã kết liễu (Đơn ông Quách Tấn bị bác - Ông Trần Thanh Mại được kiện - Ngô Tỵ thuật, Dân báo, số 1035, ngày 9 Décembre 1942). Các bài viết này được đăng lại đầy đủ trên Tạp chí Văn học, S, Chuyên đề: Vụ án trích thơ Hàn Mặc Tử, số 195, phát hành ngày 05/12/1974.
15.     Kiều Thanh Quế, Phê bình “Hàn Mặc Tử” (của Trần Thanh Mại), Tri tân, số 46, tuần lễ từ thứ tư 13 đến thứ ba 19 Mai 1942, Phiên bản điện tử, Lại Nguyên Ân, Philippe Le Failler giới thiệu, tr 6 - 7.
16.     Diệu Anh, Nói chuyện thơ nhân quyển Thi nhân Việt Nam, 1932 - 1941, Thanh Nghị, số 19, ngày 16, Aout 1942, Phiên bản điện tử, Viện Viễn Đông bác cổ thực hiện, 2009, tr 5, 6, 7 và 23.
17.     Huỳnh Phan Anh, Hàn Mặc Tử hay là sự hiện hữu của thơ trong sách Đi tìm tác phẩm văn chương, Đồng Tháp xb, 1972.
18.     Sđd, tr 322.
19.     Lê Tuyên, Thi ca cận đại và nỗi lòng thành thực của Hàn Mặc Tử, Tập san ĐHSP, T2, Huế, Niên khóa 1961 - 1962 dẫn lại từ Lê Đình Bảng, Ở thượng nguồn thi ca công giáo Việt Nam - Miền thơ cầu nguyện, Nxb Phương Đông, 2009, tr 714.
20.     Nguyễn Tấn Long, Việt Nam thi nhân tiền chiến, Quyển hạ, Sống mới xb, S, 1969.
21.     Thế Phong, Hàn Mặc Tử - nhà thơ siêu thoát, Nxb Đồng Nai, tái bản, 2004 (trước 1975, sách mang tên: Hàn Mặc Tử - Quách Thoại, nhà thơ siêu thoát, Tủ sách Đại Nam văn hiến, 1960 - 1965).
22.     Nguyễn Kim Chương, Hàn Mặc Tử đau thương và sáng tạo, Văn học, S, số 196, ngày 20/12/1974.
23.     Sđd, tr 13.
24.     Sđd, tr 14.
25.     Sđd, tr 14.
26.     Bùi Xuân Bào, Thi ảnh khẩu cảm trong thơ văn Hàn Mặc Tử, Tập san KH Nhân văn, Tập 2, Hội đồng quốc gia KH SG, S, 1974, dẫn lại từ Hàn Mặc Tử về tác gia và tác phẩm, Phan Cự Đệ, Nguyễn Toàn Thắng, tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Giáo dục, 2003, tr 435.
27.     Sđd, tr 437
28.     Sđd, tr 435
29.    Bùi Xuân Bào đã áp dụng phương pháp “phân tích tiết điệu thi ảnh” của G. Bachelard với chú giải: “Với một cách có hệ thống hơn Phân tâm học, phân tích tiết điệu thi ảnh tìm các động tác của đối nguyên tính trong sinh hoạt tinh thần. Sự phân tích ấy tìm thấy lại sự phân biệt giữa những chiều hướng vô thức và những cố gắng của ý thức, nhưng quân bình hóa một cách đủ đầy hơn phân tâm học các chiều hướng đến những thái cực tương phản, sự cử động lưỡng hướng của tâm thần” (La Dialectique la durrée - Biện chứng thời gian). Theo phương pháp của G. Bachelard và luận giải của Bùi Xuân Bào, thi ảnh của Hàn Mặc Tử có tính “dịch thể” kết hợp theo “một biện chứng pháp của trí tưởng tượng”. Hướng nghiên cứu này dường như là một sự bổ khuyết, cân bằng lại những “lệch lạc” trong ý hướng nghiên cứu của Phân tâm học. Điều này rất gần với lý thuyết song hành của R. Jakovson, quan điểm “Cảm xúc đối nghịch” của L.X. Vugotsky hay Trường liên tưởng về ngôn ngữ mà F. Saussure nêu lên. Tất cả đều hướng tới một cơ chế biện chứng có tính chất “lưỡng hướng” trong mĩ cảm và tư duy của thi sĩ.
30.     Phạm Đán Bình, Tan loãng trong Hàn Mặc Tử, TC Văn, S, số 179, 1/6/1971, tr 31 - 41.
31.     Sđd, tr 34.
32.     Sđd, tr 39.
33.     Lê Huy Oanh, Đọc lại chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử, Văn học, S, số 196, ngày 20/12/1974, tr 52.
34.    Đặng Tiến, Đức tin trong hồn thơ Hàn Mặc Tử, Văn, S, 1/6/1967, In lại Văn số 179, 1/6/1971, tr 3 - 30.
35.    Võ Long Tê, Sứ điệp của một người phong hủi, T/C Đức Mẹ La Vang, số 7, Huế, 1962.
36.     Võ Long Tê, Một bài thơ khai bút đầu xuân của Hàn Mặc Tử, T/C Đức Mẹ hằng cứu giúp, số 20, 21, Huế, 1971.
37.     Võ Long Tê, Đọc Xuân như ý của Hàn Mặc Tử, T/C Đức Mẹ hằng cứu giúp, số 33, 34, Huế, 1972.
38.    Võ Long Tê, Hàn Mặc Tử - Thi sĩ của đạo quân thánh giá, Tạp chí Vĩnh Sơn, Huế, 1952.
39.     Võ Long Tê, Kinh nghiệm thơ và hành trình tinh thần của Hàn Mạc Tử (L'Expérience poétique et l'itinéraire spirituel de Hàn-Mạc-Tử (1972), Tập san: Bulletin de la Sociéte des Etudes Indochinoises, S, Loại mới, Bộ XLVII, số 4, quý 4 năm 1972, trang 567 - 632.
40.     Lê Đình Bảng, Ở thượng nguồn thi ca công giáo Việt Nam - Miền thơ cầu nguyện, Nxb Phương Đông, 2009, tr 714.
41.     Quách Giao st & bs, Nguồn đạo trong thơ văn, Nxb Phương Đông, 2007, tr 32 - 34.
42.     Phạm Xuân Sanh trong bài Ảnh hưởng Phật giáo trong thi ca Việt Nam, Văn học, S, số 38, ngày 15 tháng 5 năm 1965, tr 49 - 61.
43.     Sđd, tr 55.
44.     Sđd, tr 55.
45.     Sđd, tr 56.
46.     Tam Ích, Ý văn I, Lá Bối xb, S, 1967, tr 145 - 153
47.     Phạm Công Thiện, Ý thức bùng vỡ, Phạm Hoàng, S, 1970, tr 467 - 468.
48.     Tôn Thất Bút, Baudelaire và những thi nhân tiền chiến, Văn học, S, Giai phẩm ngày 1/5/1973, chủ đề: Thi sĩ Baudelaire, tr 44.
49.     Đào Trường Phúc, Hàn Mặc Tử, trăng và thơ, Văn, S, số 179, 1/6/1971.
50.     Sđd, tr 68.
51.     Sđd, tr 72.
52.     Sđd, tr 79.
53.     Sđd, tr 80.
54.     Sđd, tr 81.
55.     Hoàng Trọng Miên, Hàn Mặc Tử: một thiên tài xuất hiện trong làng thơ, Văn học, S, chuyên đề: Hàn Mặc Tử: Trăng và Thượng đế, số 196, ngày 20/12/1974, tr 32.
56.     Huy Trâm, Những hàng châu ngọc trong thi ca hiện đại (1933 - 1963), Nxb Sáng, S, 1969.
57.     Sđd, tr 22.
58.     Sđd, tr 23.
59.     Sđd, tr 24.
60.     Phạm Công Thiện, Một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình Hàn Mặc Tử, Văn, S, số 179, 1/6/1971, tr 52 - 54.
61.     Trần Văn Bảng, Bệnh tật và cái chết của Hàn Mặc Tử, Văn học, S, chuyên đề: Bệnh tật và cái chết của văn thi sĩ (Tản Đà, Nhất Linh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Hàn Mặc Tử), số 98, ngày 15/1/1969, tr 11.
62.     Trần Văn Bảng, Trần Văn Bảng viếng mộ Hàn Mặc Tử, Văn học, S, số 98, ngày 15/1/1969, tr 58.
63.     Trương Văn Ngọc, Nhân đi thăm mộ Hàn Mặc Tử, T/C Văn, S, số 179, 1/6/1971, tr 93 - 95.

http://vanhocquenha.vn/

Không có nhận xét nào: