Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Tác giả Võ Diệu Thanh

VanVN.Net - Tác giả Võ Diệu Thanh sinh ngày 15/3/1975. Quê quán: Châu Phong, Tân Châu, An Giang. Nơi ở hiện nay: Chợ Vàm, Phú Tân, An Giang. Đã xuất bản 3 tập truyện ngắn. Từng đoạt các giải thưởng văn học: giải C do UBTQ Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật  xét tặng; giải nhì văn học tuổi 20 do Hội Nhà văn thành phố HCM kết hợp với báo Tuổi Trẻ, Nhà xuất bản Trẻ tổ chức; giải nhì cuộc thi truyện ngắn Đồng bằng Sông Cửu Long; tặng thưởng truyện ngắn hay tạp chí Nhà văn năm 2011.

Tác giả Võ Diệu Thanh

UỐNG LẠI NHỮNG CƠN SAY

- Nhắm uống không nổi thì dẹp ngủ đi. Uống cái quần gì mà có ba ly gần hai giờ đồng hồ?
- Uống  cái quần què. Hè hè.
Tuội vừa nói vừa len lén ngắt chót lá rau tần  vò vò trong hai ngón tay rồi đưa lên mũi ngửi. Ông cười như người say dù ly rượu đầu tiên vẫn còn để y trước mặt. Bà vợ không có gì gấp, nhưng nhìn kiểu uống của chồng thấy chướng mắt, vừa hối vừa chửi.
Gấp làm gì, ông đã gấp hết một thời trẻ...
*
 Anh và những người bạn ra một luật. Ly rượu không được đứng yên dù nhóm nhiều hay ít người. Lúc đầu anh thật sự ngợp. Mới đó cái ly đã đi một vòng đáo lại trước mặt mình. Nhưng cái ớn đó qua rất mau khi liền theo ly rượu bạn gấp cho miếng mồi tinh thần.
- Tụi tôi thấy đời mình thật hãnh diện khi được chơi với một tài năng như anh.
Bạn quay sang mâm tròn.
- Mấy anh coi tranh của thằng chả rồi phải không. Ôi. Phải nói là coi xong cứ bần thần. Giải thưởng Mỹ thuật cấp Tỉnh, cấp khu vực đừng tưởng bở nghe. Tôi đoán là con đường anh đi còn dài. Mai mốt thành danh, chỉ cần anh nhắc lại với báo chí, tôi,  bạn anh từng dự đoán như vậy. Tôi nghĩ anh phải tìm tới những thành phố lớn. Những chỗ như vậy anh mới phát triển hết tài năng mình.
Miếng mồi tinh thần áng đầy bụng, đầy đầu. Không còn chỗ để chứa miếng mồi ê hề ngoài mâm. Anh ăn mồi tinh thần và đón ly rượu kế tiếp. Thành ra thấy rượu mạnh độ. Trong khi bạn còn tỉnh như sáo. Thấy mặt anh rần rần đỏ, bạn vừa nhai mồi vừa nói những lời rất ruột gan. Rằng đường vinh quang của anh còn xa, anh phải luyện nâng cao tửu lượng.  Mạnh đô mới chơi tới bến được với bạn bè đối tác. Mạnh đô mới sống khi người thương người ghét gì cũng đã lết bánh. Có sức, chơi không câu nệ mới biết được tâm ý lúc tỉnh lúc mê của cuộc đời. Biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Sống nhờ mạnh bạn bè nể. Sống nhờ lắc đầu khi tới vòng rồi  “tọa sơn quan hổ đấu” là hạng tiểu nhân. Hạng này bạn chỉ chơi một hai lần là tan hết.
Anh không muốn mình là hạng tiểu nhân. Nên anh phải tập uống. Lúc đầu uống ba ly đã thấy đất trời đổi chỗ. Anh tập tiếp. Phải nói là một kỳ công. Không hề tiểu xảo, kiểu uống ào ào rồi kiếm chỗ móc cho ói sạch. Cũng không lén lén bỏ vòng, không mượn cớ vợ gọi đặng kiếm đường rút. Người ta tới đâu mình tới đó. Rồi kế đó người ta phải lẹt đẹt chạy theo mình. Nhắc tới anh, người ta nói một câu. Thằng chả uống kinh thật. Chẳng hiểu là khen hay chê. Nhưng Tuội khoái.
 Sao bạn uống như anh mà nó ngày càng khám phá ra nhiều chân lý từ rượu. Uống cùng mâm anh mà nó ngày càng phát đạt. Anh uống thấy đầu óc nặng nề. Khi say buồn chán. Khi tỉnh càng ngao ngán. Thấy thiếu thiếu. Thèm được thấy bạn. Mà không. Thèm được nghe bạn ca tụng...  Bạn chỉ cách ăn miếng gì đó trước khi nhậu,  say sẽ đỡ mệt hơn. Nhưng ăn kiểu vậy nhậu không thấy say. Uống mà đầu óc tỉnh rụi. Nghe khen sơ sơ đã thấy nhột, thấy lãng. Uống vậy không “đã” miếng nào. Uống là phải cho say, phải cho lên mây. Phải sát phạt nhau. Tàn sát người và tàn sát mình…
*
Ông hỏi người đàn bà của mình.
- Chuột Sạ. Bà tin có ma không.
- Sao không.
- Ma men kìa. Nó ở lẫn quẫn đâu đây. Nó đợi tôi mê... bỏ vô ly rượu nào là quần què, cám xú, cháo lú, cứt chó, cứt bò. Đủ hết.
- Dám lắm, nhìn mặt ngu như heo.
Ông tin chắc như vậy. Khi đang ngất ngây với lời khen tặng của bạn, có những ly đầy mấy thứ đó đã vào ông. Không phải vào dạ dày mà xông thẳng trên đầu.
*
Anh có khi thấy lạ. Cùng uống với anh mà bạn về ngủ. Còn anh thì muốn đi quán khác, muốn uống tiếp, muốn vỗ ngực phùng mang . Rồi, anh hùng lết… trên sàn quán nhậu. Anh hùng xài tiền như nước dù tiền không đầy một giọt nước. Cùng uống mà tỉnh dậy bạn còn đi kiếm tiền được, anh thì nằm một đống, sợ ăn uống, sợ làm việc, sợ trò chuyện. Để rồi khi ngồi dậy được chỉ thèm bày mâm tiếp.
Có lẽ do bạn có con vợ biết chuyện. Anh ta hạnh phúc nên uống không say, tỉnh dậy không chán đời. Tuội thấy rất bức xúc cho đời mình. Tài năng mình sẽ bị thui chột vì con vợ ngu muội.
Vợ quê một đống chớ không phải một cục. Càng quê càng tỏ ra sành đời lão luyện. Điều đáng căm hận là cô ta được lòng ông bà già. Lúc nào cô ta cũng vênh vênh mặt. Anh muốn bước ra thành thị. Cô ta lắc đầu. Không quen, không ai lo cho ba má.  Mỗi lần nhậu về anh lừng khừng nhìn vợ, nhìn bờ hầm, bờ chuối, gốc mãng cầu gai… Trời ơi sao mà quê mùa dốt nát dữ vầy nè. Vậy là nhốt đời ta chốn ao tù nước đọng này sao.
*
Ông gật gù nhìn cảnh cũ. Ông rất thèm cầm cọ vẽ những cái quá đỗi quen thuộc. Muốn lắm. Có cảm giác chỉ cần chạm cọ vào giấy tranh sẽ hiện ra. Tranh đã hiện từ sâu trong lòng. Thôi đi, Nâu sẽ nhận ra ông là ai qua những bức vẽ… Ông biết Nâu sẽ nhận ra ngay dù chỉ một câu nói quen thuôc, thì nói gì một bức vẽ. Mọi sở thích ông đều đã bỏ, cả mùi rau tần ông cũng ngửi rất lén lút. Vậy thì vẽ làm gì…
Bà vợ nhìn  cái mặt ngố của chồng  buột  miệng.
-  Uống lẹ đi cho người ta dẹp. Công chuyện còn đăng đăng.
Hối làm gì. Tuội từng uống lẹ rồi. Uống như là đời này chỉ có hôm nay được uống. Phải uống riết riết đặng ngày mai chết. Ngày mai lại uống riết riết kiểu vậy. Vui uống, buồn uống, đoàn tụ uống, chia tay uống… Có một ngàn lẻ một lý do để bày mâm. Sao uống quyết liệt rồi mà vẫn không hết đám duyên cớ. Bây giờ ông uống rất từ từ. Mỗi ngày mất hai giờ để uống ba ly rượu. Hồi xưa uống nhanh mà cái bờ hầm đất sạt từng bựng lớn, ông cứ “ừ để đó” rồi thôi.  Ngày nay ông có thể be bờ hầm mỗi ngày.
Vậy là ông quyết định uống chậm, để nếm cho hết cái đắng cay…Để ông còn nhìn coi ma men nó tới từ hướng nào, nó lén bỏ vào ly ông cái món quần này quần nọ lúc nào..
*
  Tuội có cảm giác mỗi ly rượu đều đã được bỏ vào mấy chòm mây. Uống xong bay vù vù. Mọi thứ thật thấp bé dưới chân ta. Vừa ói ào ạt vừa bay. Vừa nhức đầu, hạ đường huyết vừa bay. Oằn oại bay. Bay từ trong mâm bay tới khi nằm lăn giữa nhà. Khi tỉnh dậy, rượu còn, mây đã tan. Hạ cánh an toàn nhưng lòng héo hắc. Không phải hạ xuống dương gian, hạ thẳng cái ót xuống địa ngục. Chỗ đó có con vợ. Mà hễ gặp vợ thì cho dù trong mình còn mây cũng phải rớt cái rầm xuống nơi tăm tối nhất.
Anh không thế quên được địa ngục đó. Má nói đã lựa cho anh con vợ đẹp nhứt xứ. Nhưng anh thấy vợ mình thua con nhỏ bán bia ôm. Anh thấy con nhỏ bán bia ôm bị anh trêu chọc nó trả lời còn trí tuệ hơn...
Một lần đi nhậu về, anh ngồi xuống cạnh vợ, kéo bành hai má cô. Cô hất tay anh. Anh kê mặt sát mặt cô hà những làn hơi đầy mùi rượu. Cô không bụm mũi mà châu mày.
- Mày chê tao hôi à. Ra đường người ta đội tao lên đầu, về nhà mày coi tao như cứt chó. Mà mày là cái thá gì?
- Vậy thì anh ra đường mà ôm họ. Về nhà chi. Ực cho nhiều vô rồi thúi thây lầy lụa.
Vợ  tiếp tục với công việc mình. Anh ôm nồi đập. Hốt chén đập. Đá bể cà ràng. Vợ xô ra. Anh hất vợ một bên. Chửi thề nhoi miệng. Ông bà già đang dắt nhau cho cá ăn ngoài hầm, nghe rổn rảng trong nhà, chạy riết vô. Nhưng rồi họ chỉ đứng lắc đầu trước thằng quý tử.
- Ba má còn đó mà ông chửi vậy coi được không?
-  Tao chửi đó. Chửi con đĩ mẹ mày luôn.
Chị cúi xuống lượm một chiếc dép nhào tới đập liên hồi lên mặt, lên đầu anh
 - Mất nết, hư thân, đồ chó …
Có lẽ chị muốn chửi đồ chó đẻ, mất dạy nhưng còn  ông bà già bên cạnh… Đập chồng một trận, người đàn bà ngồi khóc tấm tức.
- Ông uống rượu chớ đâu phải uống đồ dơ mà đầu óc u mê. Má tôi làm gì tới ông. Hả. Má tôi mang nặng đẻ đau, tốn cơm tốn gạo nuôi lớn tôi, gả về cho ông. Ông lại đem ra chửi trả ơn là sao.
Vợ hỗn thiệt. Tuội say nói khơi thôi chớ có ý chửi ai đâu. Dép, cái loại đạp dưới chân … nhè ngay  chỗ thờ ba thờ má của người ta mà nện. Anh đã thề chỗ nào có vợ chỗ đó không có anh..
Vì lời thề đó anh lặng lẽ rời xứ.
Nhưng rồi người anh hùng đã không đủ sức cầm cọ giữa thị thành. Không cầm nổi cái gì hết trừ điện thoại. Gọi cho bạn để nó cho mấy ly mây đặng có cái vẽ vời. Nhưng không một ý tưởng nào chui ra khỏi cái đầu đang nặng nề chuyện tiền nong. Tiền để nhậu là chính. Không vẽ được giống như gà mắc đẻ mà bụng không có trứng . Càng nhậu quạu hơn. Rồi một ngày lao vù vù với mấy ly mây anh đâm đầu vào xe đổ ngược.
Chết không chết. Sống không ra sống. Một thân lăn lộn cùng thương tật. Anh không dám nghĩ tới người thân. Ba má già quá rồi, có tới với anh được đâu. Hay lại biểu con vợ đi nuôi, lại phạm lời thề...
Những ly u mê từ những làm vua một cõi đã thấm quá dầy. Hay do nhận nhiều đơn vị máu lạ… Sau tai nạn, trong anh như có một cuộc cách mạng. Tâm tính anh khác đi. Vóc dáng đổi thay. Anh mập hơn những ngày còn ở nhà một khối lượng không hình dung được, da sần sùi, đen như than.  Một bữa đi ngang cửa kính một tiệm mỹ phẩm anh có đứng lại nhìn. Trong gương là cái thằng kềnh càng, đen thui, mặt lép, chân cà que, đứng nghinh nghinh. Chàng họa sĩ quê, nho nhã trắng trẻo ngày nào biệt tăm không hẹn ngày trở lại.
Tuội lặng lẽ xa lánh mọi người kể cả bạn. Vì đâu còn gì để bạn ca tụng. Qua đủ nghề,  nghề bán vé số cũng sống được với cái tật nguyền rất thật trên mặt, trên chân …
Nhưng những lời ca tụng như mới hôm qua, mới đó thôi…  Anh lại mua rượu, kiếm một thằng vé số khác đãi đằng nó. Nó khen thôi là khen:
- Ông già chịu chơi ác chiến.
 Ta già rồi sao? Dù vậy cũng thấy lâng lâng. Không còn xe để chạy bạt mạng sau khi bài hùng ca thấm vào máu, vào gan, vào não. Anh bò dài ra đường. Xe đi qua  ngừng lại đá, hất, kéo. Anh văng lên lề.
Bà ấy( lúc đó chưa thành vợ) nắm chân anh lôi lên vỉa hè. Đắp cho anh cái áo. Khuya chút còn đảo ra rờ rẫm coi còn sống hay đã chết…
Vậy là thành vợ thành chồng. Anh không hỏi bà vợ từ đâu tới. Vì anh cũng không muốn bà biết mình là ai…Bà không hỏi anh tên gì. Vì bà dễ dàng có cái để gọi anh. Là Móp, Móp Cà  Que, Móp sụi… Nó quá chừng hợp với bộ dạng anh…
*
Ông ngồi dậy sau một giấc ngủ. Nhà … chòi chỉ có mình ông. Chắc  vợ  đã ra mé bờ mẫu hái mấy đọt rau dịu. Sau một giấc ngủ con người của quá khứ thường tìm về. Ông nhìn lên nhà trên. Nâu bưng thau đồ từ nhà tắm ra. Cô cầm từng cái bâu áo giũ phạch. Nâu vẫn khỏe khoắn gọn gàng như mười năm trước. Kỹ lưỡng từng cái móc treo nồi. Giặt quần áo thì vò thiếu đều mòn vải. Nhìn khắp người Nâu thấy ngay chữ sạch sẽ. Có lẽ nhờ vậy mà cô sáng sủa. Nhưng cũng có khi nhờ cô có nước da trắng.
- Má, để con làm cho.
Cô để cái áo còn móc dang dỡ xuống thau chạy riết vô nhà. Khi trở ra trên tay cô cầm một cái bô. Chắc ông  già đi cầu, bà già bưng đổ. Bà già cũng vừa bước ra nhà nhìn xuống hầm.
- Má, ngoài nhà vệ sinh trơn lắm. Chân cẳng má yếu ớt, ra đây trợt té khổ lắm.
- Ừ, má biết. Nhưng thấy công chuyện ngồi hổng yên. Muốn đỡ con một tay.
- Không sao đâu má. Con định giặt xong thau đồ vô coi ba có đi cầu không. Con làm chút xíu xong hết hà.
- Chút xíu của bây hết cả ngày. Má muốn bây rảnh rang còn nghỉ ngơi. Đừng có ỷ. Con không dưỡng sức tới già bệnh tật khổ lắm. Không ai hoạn dưỡng đâu…
- Má lo xa quá. Con còn khỏe…
Nghe Nâu nói khỏe Tuội lại nhìn ly rượu. Không mồi màng gì hết mà thở nghe như mắc nghẹn. Có nhiều lần ông đã nhảy lên nhà đó, cầm cái bô, bưng thau quần áo ông già xuống sông giặt. Nhưng Nâu nhìn thấy đã te te giành lại.
- Thôi, cho anh ở có cái chòi nhỏ xíu mà bắt anh làm mấy chuyện dơ dáy này, tội chết.
- Chị làm ơn. Cho tôi được coi ông già như ba… Làm phước đi.
Nâu chép miệng.
- Phải chi anh ấy cũng có hiếu như anh. Thiệt tình, đàn ông mà hẹp hòi. Đi được cái biệt luôn. Một cái tin cũng không nhắn về. Vợ chồng mà giận chi dai dữ không biết.
Nhắc tới mấy ý đó, Nâu quay mặt nhanh, đi riết...
Ông muốn nói với má, với Nâu “anh về rồi” “con về rồi”. Nhưng ông không nói được…
Đầu óc ông như đang rệu rã, thành một thứ bùn. Ông ngập ngụa trong mớ lỏng bỏng đó. Cái cảm giác không biết mình nên làm gì, không thể làm gì giống như người ta đang bóp mũi ông. Ông thấy ngột ngạt, thở hụt hử. Tay chân như đang bị trói, bị trì. Toàn thân như dán sát xuống miếng vạt tre trong chòi. Mình mẩy đơ cứng như bị vùi sâu mấy tầng đất nặng. Ông kinh hoàng ngồi dậy. Tưởng như có thể bật lên một tiếng thét. Ông bây giờ không cho phép mình tìm cách chạy trốn cảm giác khó chịu bằng rượu. Mà thật ra rượu có giúp ông chạy trốn được không. Hay rượu sẽ bày ra tất cả ê chề. Không có rượu sức chịu đựng thật kỳ lạ. Ông hiểu được vì sao đàn bà chịu đựng giỏi.
Ông thường ngồi một mình rót rượu ra ly. Ông rót rất nhẹ như là để câu giờ. Ông cầm ly rượu lên nhìn nó. Ba ly hai tiếng, mồi chỉ là mùi thơm của tần dầy lá.
*
Anh lượm được cọng tóc bạc của mình. Anh chợt thấy ruột gan tròng trành. Không biết ba má đang mạnh hay đang yếu. Anh xách bị đi.  Bà vợ mếu. Bất giác anh nói cái tên quê lúc ngoái đầu nhìn lại. Không ý giấu, không ý chỉ đường.
Lúc về, Tuội không nghĩ là mình sẽ giấu mặt. Nhưng  anh cười với chị bán rau đầu xóm đã bị chị hấy một cái. Giống như gặp người điên hay gặp mấy gã dê xồm. Anh nói thôi không  nhìn bà con với ai hết. Những người quá đỗi quen thuộc này.
 Ông già chống gậy cộp cộp qua đường. Chiếc xe bóp kèn inh ỏi mà ông  già vẫn không hay. Tuội đã nhảy băng qua đường đẩy ông già té vô mấy bụi cỏ mần trầu um tùm.  Ông già chỉ hết hồn. Tuội thì xe cán nhéo mấy ngón chân.
Tuội được đưa về nhà. Anh định kêu ba, kêu má. Nhưng khi nhìn thấy Nâu anh cứng họng. Nâu và anh giờ như thiên nga và cóc ghẻ. Ông bà già chỉ những bức tranh của Tuội, nói như than.
- Con trai tôi vẽ đó. Nó giỏi lắm. Nhưng một lần đi…làm ăn xa chưa chịu về. Buồn vô phương. May mà còn con dâu hiếu thảo.
Tuội luôn tự hỏi. Liệu khi mình nói mình đây, với bộ dạng này, ông bà già có vui hơn không. Ông già hỏi chú từ đâu tới. Tuội nói từ một miền quê khác. Cha mẹ già lắm. Nhưng con hư nên cha mẹ từ. Con từ cha mẹ, chớ cha mẹ nào từ con chú ơi. Tuội nghe câu đó xong  ra bờ hầm ngồi một mình, nghe nước mắt chảy cuộn ngược vào lòng.
Chỗ anh ngồi khóc có đám rau tần dầy lá. Nó vẫn xanh um như hồi anh còn ở đây. Mọi thứ vẫn vậy chỉ có anh không còn là anh nữa. Nửa muốn đi, nửa muốn ở. Anh ra chỗ chòi coi cá ở, chờ ngày mình quyết định chính thức.
Đi ra đụng lưng đi vào đụng mặt. Tuội thấy Nâu giờ trẻ hơn hồi còn sống với Tuội. Đúng là Nâu đẹp. Bọn đàn ông dòm ngó từ xa, nguyền rủa cái thằng Tuội không con mắt. Người tiếp cận gần nhất là bạn. Bạn thường ghé thăm. Tuội định mừng bạn cũ nhưng bạn như không nhìn thấy Tuội, mà săm săm đi kiếm Nâu. Nâu gật đầu chào bạn rồi ra bờ chuối. Cô làm như mình đi bẻ cái gì đó trong đám chuối. Nhưng đâu có gì để bẻ. Bắp chuối không có. Chuối chín bói Tuội đã đốn mấy buồng từ sáng. Cô ngồi xuống khoanh tay nhìn hướng lối mòn. Chỗ có bụi rau tần dầy lá. Tuội mê mùi rau tần. Ăn cá kho, cá chiên gì cũng bẻ vài nhánh. Hồi Nâu trồng bụi này có nói “Chắc mùi nó đậm lắm.” Có khúc rún của Tuội chôn trên đó mà. Nghe nói mười lăm ngày khúc rún mới chịu rụng. Nâu vuốt từng lá rau tần. Không có Tuội, không ai ăn, lá nó như đám rừng.
Tuội đứng xa nhìn dáng Nâu, nghe mùi tần dậy đầy mũi.
Khi còn đang loay hoay giữa đi hay ở, nói hay im thì bà vợ  mò tới. Chỉ một cái tên quê, chị ta lại gặp Tuội ngay bến nhà anh. Tuội xuống bến vớt ít lục bình về ủ chân mấy gốc cây ăn trái trên bờ hầm. Phải nói là duyên còn.
Bà vợ được đưa về chòi. “Vợ con”. “Vợ tôi”.
Nâu ra chiều thương vợ Tuội.
- Chị ấy coi bộ thiệt thà. Mà sao anh kêu chị ấy là Chuột Sạ. Nghe tệ quá.
Ông tự hỏi mình có nhẫn tâm khi kêu vợ là Chuột Sạ. Cái tên rất tình cờ.  Có lần vô tình ông thấy chị ta hôi quá, bất giác nhớ tới chuột sạ, bất giác kêu bà là chuột sạ. Rồi thành tên. Người đàn bà đó ở dơ quá sanh ngớ ngẩn hay ngớ ngẩn mà đâm ra ở dơ. Ông lại nghĩ trời đày người đàn bà đó xuống đây là vì ông, nâng đỡ ông.
Vợ hay chửi, chửi nhoi ngay cả khi bụng không giận miếng nào. Nâu mấy lần rầy.
- Chị đừng có chửi anh ấy vậy, nghe kỳ lắm. Ảnh hiền khô. Chị làm quá có ngày ảnh bỏ chị à.
- Quen rồi. Mà bỏ tôi rồi nó đi đâu.
Ông thấy cũng phải. Bỏ vợ ai nấu cơm cho ông ăn. Cơm dù có được vo bằng bàn tay với những cái móng đầy đất. Màu đất đen thui có được do chị nàng ngứa gãi. Ngứa đủ chỗ, đầu, bụng, kẹt nách, háng, dưới nữa… Ôi thôi là gớm. Mà cái nước có pha tùm lum Tuội còn dám uống thì nói gì miếng cơm có mùi cáu bẩn.
*
Từ ngày có bà vợ trong chòi, Tuội không muốn nhìn lại cái rún chỗ bụi rau tần nữa. Một lần bỏ vợ, hối hận một đời. Mà ông thì chỉ có một đời nên không không còn chỗ để sai lầm tiếp diễn… Ngày nào cũng ba ly hai tiếng.  Ông bỏ thói quen ăn rau tần. Có khi thèm nhiễu nước miếng, ông bẻ một lá, vò nhẹ trong tay, đưa lên mũi ngửi… nuốt ực một cái rồi quên nó đi. Còn nhiều thói quen khác nữa ông cố tình chối bỏ.
Ông lấy lưới bọc lại miệng cống chỗ hầm thông với ruộng cho cá đừng đi, đóng lại cái nấc thang cây cầu lên nhà cho nó hết xộc xệch. Cất lại cái cầu trên bờ hầm cho Nâu với bà vợ dễ lên xuống hái rau muống. Nâu với vợ trồng hẹ, mướp, khổ qua xung quanh nhà, quanh bờ hầm. Ông xách nước tưới, làm giàn cho bọn dây leo. Những cái giàn thiệt đẹp. Như là để dành cho đám dây mướp thưởng thức cuộc sống chớ không phải chỉ để leo lên đó kết trái. Nâu mừng rưng rưng. Mà cũng buồn rưng rưng.
Điều đó làm mắt Nâu ngày thêm sâu thẳm.
Ông già thương Tuội như con. Nâu thương ông như... Tuội chợt  tự hỏi Nâu thương ông giống cái gì. Tuội có Chuột Sạ. Cũng giống bạn đang có vợ. Nhưng bạn tiếp đóng lại chỗ mái tole bị dột, Nâu không cho. Tuội leo lên đóng Nâu im re. Tuội đi đổ bô cho ông già, Nâu cũng im re. Ông già ỉa trây, Tuội bồng ẵm, rửa ráy Nâu cũng tán đồng. Có lúc Tuội nghĩ Nâu đã biết được bí mật.
Có lần thấy Nâu ngồi bên ảnh hai người sụt sịt: “ Người  gì mà bạc. Đi rồi là không nhớ đường về”. Nhờ vậy, Tuội mới biết chuyện mình là Tuội chưa bị “bể”
Tuội nói anh ta không thương chị đâu. Thương đã về lâu rồi. Chị gặp ai được, ưng người ta đi.
- Tui có chờ đợi gì đâu. Ở một mình không phải làm mọi cho ai hết cũng sướng.  Chuyện ông bà già, chuyện vườn tược, ao hầm giờ có anh dòm ngó tiếp rồi. Tôi đâu cần đàn ông nữa.
Nâu thật sự yên tâm khi có Tuội.
Tự nhiên một bữa bà vợ cằn nhằn.
- Móp, mợ Nâu nhìn ông kỳ kỳ.
- Ghen hả.
- Sao hổng ghen.
- Uống cái quần ... mà cũng ghen hả.
- Dù uống giống gì thì ông cũng là chồng tui.
*
Bà vợ đi bán giùm Nâu mấy nải chuối. Tuội đang khom lưng vít đất vô chưn mấy bụi già hương. Nâu kê ba cục đá bên hè nhà nấu nước mắm. Đang nấu người cứ bần thần nhìn hướng Tuội. Tuội có cảm giác cái nhìn của Nâu có thể trổ qua vải, lột sạch làn da cháy nắng, nhìn thấu cả những gì rất đỗi quen thuộc. Tuội ngừng tay nghe ngóng mùi mồ hôi của mình. Gió có đưa nó tới chỗ Nâu không? Nó có thể chỉ lối người xưa.
 Lửa nhiều, Nâu không hớt bọt, nước mắm tràn xuống lửa kêu xèo xèo, mùi dậy tới cuối hầm. Tuội bỏ len đi vô chòi, rót rượu xối  lên người. Anh bưng một ly ra chỗ Nâu. Cô luống cuống khoấy nước mắm mà không nói gì.
- Chị Nâu.
- Anh uống rượu mà ra đây chi?.
-Sao chị … cứ nhìn tôi miết vậy?
-Tôi… Không biết nói sao. Không thấy anh giống ai hết nhưng cứ có thấy có cái gì đó quen quen. Đứng ở xa ở gần cũng nhìn thấy vậy hết.
- Chị đừng có bết lại gần tui nghe.
- Sao vậy?
- Tui... ực vài ly- Tuội vừa nói vừa đưa ly rượu về phía Nâu- Dám đè chị trên bờ hầm.
- Anh...
Nâu bỏ nồi nước mắm chạy lên nhà. Có lẽ cô đã vùi mặt vô cặp gối cưới ngày nào khóc mướt.
Tuội đuổi theo tới bên cầu thang.
- Nâu ơi… Tôi…
 Rồi ông đứng lại. Đứng lại nhưng người ông nhoài hẳn lên nhà. Ông gục đầu xuống sàn nhà, thấy mình thèm khóc dù nước mắt không thể trào ra. Ông  bưng ly rượu lên nhìn nó, cười nhạt với nó mà ruột trong lòng như tan ra. Hơi thở như sắp ngưng lại. Tim đã rụng rồi. Ông thấy nó lăn trong ngực. Đôi chân thì cứ biểu hãy bước lên đó, ôm vào lòng dáng dấp quen thuộc của mình. Hãy siết chặt đừng buông... Nhưng ông chỉ lựng chựng bước lại nồi nước mắm, cầm cái vá khoáy tròn.
- Nâu, bà cứ khóc. Rồi bà cũng hết khóc.  Hãy xa lánh tôi để tôi được ở đây, bên ba má, bên…bụi tần dầy lá.
Đáp lời Tuội là tiếng ngọn lửa táp phừng phừng dưới đáy nồi.  Nồi nước mắm sôi ùng ục, ngày một dữ dội. Tưởng như không có gì làm nó ngừng lại được. Mùi của nó dầy trong gió, bay theo gió, xa lắm rồi.

Trích lại từ vanvn.net

Không có nhận xét nào: