Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Vết ngứa trong tim

LTS: Thời sự văn hoá tuần này nổi lên những tranh cãi về một dòng nhạc đã được định hình và vẫn sống trong tâm thức người Việt. Sinh thời, Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… là những người đã tạo ra một xu hướng, trào lưu riêng trong nhạc Việt, nhưng chưa bao giờ họ phủ nhận dòng nhạc khác với mình. Vì vậy, việc một nhạc sĩ đương thời vừa lên tiếng dè bỉu “nhạc sến” thật sự là một hành vi “bất thường”.

Chuyện cuối tuần

Vết ngứa trong tim

SGTT.VN - Hoàng đế nhà Nguyên Hốt Tất Liệt (1215 – 1294) có tất cả, trong lịch sử xâm lược của mình. Nhưng vẫn có một điều làm ông mang nỗi hận cho đến lúc chết, đó là nước Đại Việt. Ba lần mang đại quân từng đè bẹp mọi quốc gia lân cận đến đất Nam, nhưng cả ba lần Hốt Tất Liệt chỉ nhận được tin dữ mang về.
Lệ Quyên, cũng như nhiều ca sĩ từ miền Bắc khác, đã thành danh và làm nên sự nghiệp từ dòng nhạc bolero. Ảnh: TĐ
Cay đắng vì không khuất phục được, cay đắng vì không hiểu sao mình không thể can dự vào giấc mơ ép dân Nam làm nô lệ cho mình, Hốt Tất Liệt luôn nhắc đến Đại Việt trong sự căm ghét, tận đến lúc trút hơi tàn. Trên giường bệnh, lịch sử ghi rằng Hốt Tất Liệt từng thở hắt và nói rằng “nước Nam như vết ngứa trong trái tim ta”.
Thật giản dị để hiểu được cảm giác này của Hốt Tất Liệt, khi nhìn thấy một dân tộc chân đất, giản dị và chừng như rất uỷ mị, yếu ớt, nhưng khi chạm vào, thì hoá ra đó là điều bất khả.
Người Việt, văn hoá Việt và những giá trị mang tính bản sắc địa phương luôn tiềm ẩn những giá trị độc đáo như vậy: nhỏ nhoi mà lớn lao, khuất nhưng không bao giờ tắt.
Nhạc sến – với nhiều tranh cãi từ cái tên gọi, cho đến việc làm đẹp cho nói bằng một cái tên đầy chất hiện đại là bolero – vẫn là một điệu đặc biệt khó tả trong âm nhạc, lẫn văn hoá miền Nam, kéo dài đến miền cây số của miền Trung. Và dù có nhận định như thế nào, yêu thương hay ghét bỏ, nhạc sến vẫn đã gắn liền với người miền Nam, trở thành một hình thái bản sắc riêng sống động, gắn liền với mọi thế hệ, và có thể dự đoán là ít nhất trong một thế kỷ nữa.
Về mặt học thuật, nhiều nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự gắn liền mạch sống của nhạc sến với vọng cổ, hò, lý… miền Nam, cũng như ngôn ngữ chịu nhiều ảnh hưởng của trào lưu văn chương nghệ thuật, có tính uỷ mị, thê lương hay chân thành, triết học từ thời đại của Tiểu thuyết thứ Bảy, từ đầu thập niên 30 thế kỷ 20.
Về mặt đời sống, nhạc sến là chuyến xe chất chồng và đầy đủ nhất lịch sử tâm hồn, hoàn cảnh, con người… của miền Nam từ năm 1954 cho đến 1975. Bất cứ nhà nghiên cứu xã hội nào cũng có thể tìm thấy một kho dữ liệu khổng lồ phản ánh trung thực mọi thứ về con người và toàn miền Nam. Nó là quá khứ, là chiêm nghiệm và đầy khả năng suy đoán đa chiều cho những ai sống trong nền văn hoá này, bất kể thế hệ nào, độ tuổi ra sao.
Nhưng cũng kỳ lạ, nhạc sến cũng là một loại “vết ngứa trong tim” của nhiều nhạc sĩ, ca sĩ… xuất thân hoặc được hưởng thụ từ dòng chảy này, vì dù có cố viết bắt chước lại, có mô phỏng hay trình bày lại, cũng khó mà chinh phục được, dù bề ngoài của sến thì rất giản đơn – và có thể cũng rất “bất thường”.
Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo cho rằng từ “sến” bắt nguồn từ “sen” trong “con sen” – từ gốc Pháp vào những năm 1930 – 1940 dùng để chỉ cô giúp việc ở miền Bắc. Còn nhà văn Lê Đình Bích cho rằng đó là tên một trong hai cây đàn chủ lực trong trình diễn âm nhạc tài tử ở Tây Nam Bộ (cây kia là guitar phím lõm). Theo ông, có thể thuở xưa, khi nghe một bản đàn tài tử cải lương chơi bằng đàn sến (ảnh) thật hay, người nghe đã thốt lên: “Chơi thế này mới gọi là sến!”, và “sến” dần trở thành tính từ đồng nghĩa với mùi mẫn, đi vào lòng người.
Hiện tại chứng minh rằng nhạc sến vẫn chiếm lĩnh ở mọi nơi, và dù khuất bao lâu, nó vẫn trỗi dậy như một điều không thể thiếu ở miền Nam, và xa hơn thế nữa. Cứ như là đến New Orleans thì nghe blues, và đến Nashville thì nghe country. Tôi đã từng đến miền Bắc, đi tìm để nghe những điều rất riêng của âm nhạc nơi này, và lạ thay, ngay ở các công viên giữa trái tim Hà Nội, tôi vẫn thấy người ta chơi đàn và hát nhạc sến một cách say mê.
Có ý cho rằng sến là một sản phẩm của thời chiến tranh nên uỷ mị, chán chường, nên giờ không hợp thời. Nhưng trên thực tế cũng có rất nhiều sản phẩm thật sự sinh ra từ thời chiến tranh, mà đã bị quên lãng hoàn toàn. Nhưng nói cho đúng, thì chiến tranh không sinh ra văn hoá, và chỉ có nền văn minh mới sản sinh ra âm nhạc trường tồn mà thôi. Bản thân âm nhạc không có giai cấp, chỉ có con người bị ràng buộc của nghèo nàn giai cấp mới ấn định thứ bậc cho cuộc sống mình.
Có ý cho rằng sến đã quá cũ, không nên làm sống lại, không nên lôi ra đời sống hôm nay. Nhưng phải chăng người Việt – với đa số – không thể thiếu nó trong không gian tồn tại của mình? Việc nó vẫn được chào đón, thậm chí là làm giàu cho các nhạc sĩ, ca sĩ, hơn cả các thể loại pop, rock, dân gian đương đại gì đó… cũng là một ví dụ đáng suy nghĩ. Nhưng sến xưa cũ thì đã sao? Đã hơn 300 năm từ ngày có nhạc của Mozart, người ta vẫn nghe lại với đúng hoà âm đó, hoà thanh đó và thậm chí càng cổ càng tốt, thì sao?
Hốt Tất Liệt cho đến chết vẫn chưa bao giờ gãi được vết ngứa trong tim mình, vì chỉ khi hiểu được Đại Việt, ông mới có thể thanh thản ra đi. Cũng như rất nhiều người đứng bên ngoài ánh sáng của nhạc sến và cay đắng vì những gì mình không cảm nhận được. Và Hốt Tất Liệt vẫn chết, Đại Việt vẫn ung dung tồn tại.
Nhưng tại sao, vẫn có một lớp người luôn nhân danh văn minh và trẻ trung để vùi dập một dòng nhạc, khi nó chỉ có một chức năng là giải trí cho con người? Câu hỏi vẫn chưa được trả lời, cho đến khi tôi vô tình đọc lại phần Những thói xấu của người Việt, về tật “tự giam hãm mình trong luỹ tre làng” để mở mắt nhân ái nhìn những đổi thay và khác biệt bên ngoài, dẫn đến việc ngu dốt chà đạp mọi thứ mình không thể kiểm soát được, chinh phục được. Ông Trần Huy Liệu vẫn nói đấy thôi, trong tập Một bầu tâm sự, xuất bản năm 1927.
TUẤN KHANH

Không có nhận xét nào: