Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

BÁNH KHOÁI AN TRUYỀN

 PHẦN 2
                                                         
                                                               Hoàng hôn trên đầm Chuồn ( Nguồn : vov.vn)

 
     An Truyền là một làng nằm ven đầm Chuồn, một đầm thuộc hệ thống phá Tam Giang, gần cửa biển Thuận An, nên làng cũng gọi là làng Chuồn. Trước thế kỷ thứ XIX, An Truyền thuộc tổng Vỹ Dạ, đầu thế kỷ XX thuộc tổng Quảng Xuyên, nay thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang.
Để đi đến làng Chuồn có thể đi qua cầu Vỹ Dạ sang đường 49, rồi rẽ phải sang đường Ngọc Anh chạy đến ngã tư cắt ngang đường tránh cầu Lim1. Đi quá ngã tư 10m thì rẽ trái. Hay đi qua cầu An Cựu, chạy về cầu vượt Thủy Dương. Đến đây rẽ tay trái lên đường tránh Cầu Lim. Gần cuối đường sẽ gặp ngã tư giao cắt với đường Ngọc Anh. Nhìn qua phải sẽ thấy con đường chạy thẳng  tới trước mặt, có biển đề xã Phú An. Đây là con đường dẫn đến làng An Truyền. Con đường bên phải đi về xã Phú Mỹ.



Đầu làng phía tay phải là trường trung học cơ sở Phú An



Đối diện với trường Phú An là cổng làng Triều Thủy, láng giềng của làng An Truyền



Đường chính trong làng khá hẹp, dẫn đến đình làng bên tay phải và đi tới một chút là chợ làng bên tay trái.



Chợ làng đông đúc vào buổi sáng, buổi chiều vắng vẻ. Chợ trông ra hồ sen trước đình, nay khô cạn

Như đã nói trong Phần 1, lão Trần không tham gia chiến trận tàn sát lũ cá kình, mà đi tìm di tích văn hóa. Lão nhờ Thọ, K9, chở đi một vòng, chụp vài tấm ảnh. Nhưng chiều nay lão Trần rủ lão Kongkong quay lại làng Chuồn để cho lão phó nhòm biết đường sá và tác nghiệp. Nhưng dường như lão này lại dự định khi biết đường sẽ dẫn bạn nhậu về - đúng là chỉ đường cho hươu chạy ! Ngày nay văn hóa ăn nhậu lan tràn khắp cả nước. Còn nhớ thời sinh viên có một định nghĩa hài hước được truyền miệng: hạnh phúc là sự thỏa mãn của các lỗ. Ngày nay hình như định nghĩa ấy đã trở thành triết lý sống của toàn xã hội.

Nói đến làng An Truyền thì người ta nhớ đến câu nói dân gian "họ Hồ làm quan, họ Đoàn làm giặc". Chính sử triều Nguyễn thì gọi biến cố anh em Đoàn Hữu Trưng mưu toan giết vua Tự Đức và đưa con của Hồng Bảo lên làm vua là "giặc chày vôi" còn sử ngày nay thì ca ngợi cuộc nổi dậy của những người xây Vạn Niên Cơ và lấy tên của thủ lĩnh họ Đoàn này đặt cho một con đường trong thành phố (đường chạy ngang trước mặt nhà thờ Phủ Cam, chạy vòng sang phải đến gặp đường Trần Phú ở ngã ba Thánh Giá). 

Đoàn Hữu Trưng (1844-1866) là một thanh niên thông minh, hay chữ nổi tiếng khắp làng, cho nên mặc dầu chưa đỗ đạt gì thì đã lọt "mắt xanh" của Tuy Lý Vương Miên Trinh. Vương cho Trưng vào vương phủ để học, và  Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, nhà thơ tài danh của đất kinh thành đã gả con gái là Thể Cúc cho chàng. Nhưng chàng thì mộng làm đại sự, nên đã tụ họp bạn đồng chí hướng lập ra Đông Sơn Thi Tửu Hội, để uống rượu, làm thơ, bàn chuyện chính sự, và tuyển mộ binh sĩ.

Nhân khi dân tình ta thán vì công trình xây lăng vua, Đoàn H Trưng bàn với mẹ của Đinh Đạo (con của Hồng Bảo, đúng ra tên Ưng Đạo, nhưng bị đổi theo họ mẹ vì Hồng Bảo hai lần âm mưu giành ngai vàng, bị giam và chết trong ngục) tổ chức đàn chay cho Hồng Bảo ở chùa để tập họp binh sĩ. Đêm 16 tháng 9,năm 1866, quân binh nổi dậy kéo qua công trường xây lăng. Đoàn Trưng tự đóng giả làm quan tham tri bộ Công, giả lệnh vua bắt Nguyễn Văn Xa và Nguyễn Văn Chất, hai đốc công quá khắc nghiệt về triều trị tội. Dân phu mững rỡ bắt trói Nguyễn Văn Xa, còn Nguyễn Văn Chất do vắng mặt nên thoát nạn. Đoàn H Trưng cho dân phu đang cầm chày giã vôi nghỉ việc, nhưng họ lại hăng hái kéo nhau đi theo binh lính của Đoàn Trưng về thành nội.

Quân dân kéo về được Hữu quân Tôn Thất Cúc mở cửa thành. Thị vệ chống trả. Đoàn Trưng chém bị thương Vệ Úy Nguyễn Thịnh và Chỉ Huy Sứ Phạm Viết Trang. Chưởng Vệ của vệ Long Võ là Hồ Oai thấy quân họ Đoàn đông bèn rút lui vào điện Càn Thành, nơi vua ngủ, và giữ chặt cửa. Đoàn Trưng không vào được bèn tập hợp quân ở điện Thái Hòa, cho người đi rước Đinh Đạo đến để đưa lên  ngôi. Nhưng Hồ Oai đã kịp gọi các vệ quân khác vào cứu giá. Quân nổi dậy không chống cự nổi quân triều đình. Anh em Đoàn Trưng bị bắt. Cả nhà bị trị tội. Riêng Đoàn H Trưng và Đoàn Tư Trực bị xử lăng trì. Cả nhà Đinh Đạo, từ mẹ đến vợ, con đều bị xử tội chết.

Hai lão Trương, Trần được một người địa phương chỉ cho mộ của Đoàn Trưng, Đoàn Trực nên lội ruộng đi tìm. Nhưng khi tìm ra lại hỏi một người khác nữa, một bà già đang giã trầu trước cửa, thì bà này nói đó là mộ của "ông cậu", được thờ ở đình làng. Các ông họ Đoàn được chôn đâu đó trên núi không ai biết. Họ Đoàn ngày nay có tới sáu nhà thờ họ. Không biết nhà thờ nào thờ các ông.



Hai ngôi mộ với cửa mộ là hai đốm trắng phía bên kia đám ruộng đầy nước được cho là mộ hai ông họ Đoàn, nhưng một bô lão khẳng định là không phải.



Bà già đang "xoáy" trầu bảo đó là mộ "ông cậu", còn mộ mấy ông họ Đoàn không ai biết ở đâu. Bà là người  trong gia tộc họ Đoàn.



Nhà thờ có biển đề Từ đường Đoàn Tộc Cận Kênh, vì còn những nhà thờ họ Đoàn khác.


Nhà thờ họ Đoàn Cận Kênh

Nhưng Đoàn Trưng lại có liên  hệ với họ Hồ, dòng họ phát sinh ra các đại quan, đại trí thức của thời đại. Em vợ của Đoàn Trưng, con của Tùng Thiện Vương là Thức Huấn kết hôn với hầu tước Hồ Đắc Tuấn, sinh ra Hồ Đắc Trung (1861 - 1941) làm quan thượng thư nhiều bộ (bộ Lễ kiêm bộ Công, rồi bộ Học kiêm bộ Hộ) dưới thời vua Duy Tân. Ông Trung như vậy gọi ông Trưng là dượng. Ông Thượng Thư có chị gái là Hồ Thị Nhàn xuất gia với pháp hiệu Diên Trường và trở thành tỳ kheo ni đầu tiên của ni bộ (đoàn hể các nữ tu sĩ) Phật giáo miền Trung. Ni sư cũng là người xây dựng chùa Trúc Lâm và cúng dường cho Hòa Thượng Giác Tiên. Một người con gái của ông Trung là Hồ Thị Hạnh sau khi kết hôn một thời gian cũng đi tu và trở thành một tu sĩ xuất chúng, sáng lập nhiều ni viện, cô nhi viện, đồng sáng lập Đại học Vạn Hạnh, ra báo Liên Hoa, dịch thuật nhiều kinh sách. Đó là sư bà Diệu Không. Chị của sư bà là Hồ Thị Huyên, mẹ của nhà bác học Bửu Hội, cũng xuất gia là sư bà Diệu Huệ. Một chị khác là Hồ Thị Chỉ, người yêu của vua Duy Tân, nhưng sau lại trở thành Ân Phi của vua Khải Định.

Các con trai của Thượng Thư Hồ Đắc Trung cũng là những người tiếng tăm lừng lẫy: Hồ Đắc Khải là Thượng Thư bộ Hộ dưới triều vua Bảo Đại, bác sĩ Hồ Đắc Di, hiệu trưởng trường Đại Học Y Hà Nội, Hồ Đắc Điềm, tiến sĩ Luật, Phó chánh án Tòa án Nhân Dân Tối Cao, Hồ Đắc Liên, kỹ sư, Cục Trưởng Tổng Cục Địa Chất, Hồ Đắc Ân, tiến sĩ Dược. Cháu của ông Thượng Thư là Hồ Đắc Hàm, Đốc Học trường Quốc Học.



Nhà thờ họ Hồ Đắc



Bên trái nhà thờ là ngôi chùa làng - có nhiều Phật tử đang sinh hoạt



Bên cạnh chánh điện là tăng xá khá lớn



Văn Miếu (còn gọi là Văn Chỉ) của làng, thờ những người dân trong làng đỗ đạt cao và làm quan


Mấy đứa trẻ trong làng chạy theo Trương Kongkong đòi chụp ảnh



Con hói tưới ruộng này  là một nhánh của sông Như Ý, và nguồn là sông Hương



Quán cà phê của làng, nằm gần con hói, trông cũng ra dáng "văn nghệ" không kém quán trong thành phố.
Hai lão lò dò hỏi đường ra Đồng Miệu ở ven đầm Chuồn. Con đường đi ven đầm bằng đất gồ ghề và đầy rác rưởi.



Miếu Khai Canh ở Đồng Miệu, sát bên đầm Chuồn



Đầm Chuồn nơi có ruộng ô, là nơi nuôi cá với những nhà chồ là nhà sàn trên đầm để canh giữ cá


Chiều xuống, những người làm nghề trên đầm trở về làng. Lão Thanh Kong kong hỏi thăm chỗ mua cá và chỗ nhậu.
Dân làng trả lời cứ ra đây họ sẽ chở bằng thuyền ra chồ. Họ sẽ lấy cá trong nò ra nấu nướng tại chỗ, thường là  buổi chiều và có thể ở  lại nhậu suốt đêm.
Lão Trần nhớ tới bạn là Hồ Mừng, quê làng Chuồn, nay ở Bình Phước và đang ở nhà con tại Bình Triệu. Gọi điện thoại hỏi nhà, Hồ Mừng cho biết có người em ở đây. Hai lão tìm tới thì nhà đóng cửa.
 


Ngõ vào nhà Hồ Mừng



Nhà đóng cửa. Người em cũng đi ở chỗ khác




Trên đường đi ra đầu làng hai lão đi ngang nhà thờ Công Giáo. Hôm nay có lễ, bà con họ đạo tới rất đông



Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và ban phát sự bình an. Dĩ nhiên, sự bình an rất khó mà có được nhưng đó là niềm hy vọng của giáo dân.
Khi ra khỏi làng thì trời đã về chiều. Hai bên đường là đồng ruộng, mồ mả và . . .  rác.



Hoàng hôn trên cánh đồng An Truyền

Chưa bằng lòng với chuyến đi, mấy hôm sau, lão Trần lại tiếp tục tìm kiếm và cuối cùng cũng tìm được lăng mộ của cụ Thượng Thư Hồ Đắc Trung nằm bên cạnh tịnh thất Liên Tịnh, gần chùa Hồng Ân, trên đường đi lên đồi Thiên An.



Lăng mộ Thượng Thư Hồ Đắc Trung



Nhà thờ cụ Thượng Thư bên cạnh lăng mộ

Theo lời dân làng thì họ được cụ Thượng dạy cho phép tắc, lễ nghi cho nên lễ thu tế ở đình làng vào giữa tháng 7 âm lịch (16 -18) diễn ra rất bài bản, trang nghiêm. Trước đây, con cháu đi xa cũng thường trở về dự lễ, đoàn tụ với gia đình, thăm viếng làng xóm, thăm mồ mã tổ tiên trong dịp này.
Bánh khoái cá kình, bánh tét, rượu gạo, hải sản tươi sống, cọng với thói ăn nhậu tràn lan nhất định không thể tạo ra được tương lai tươi sáng cho làng Chuồn. Có lẽ lòng biết ơn tiền nhân, biết lễ nghĩa đối với bà con, láng giềng, biết giáo dục con cái nên người như cụ Thượng, nếp sống có đạo lý hướng thượng (không hướng về cái bụng) mới là niềm hy vọng cho tương lai sáng sủa của tất cả chúng ta.

Trương Văn Thanh
Trần Ngọc Bảo
http://www.art2all.net/chantran/chantran_tho/tranngocbao/banhkhoaiantruyen/banhkhoaiantruyen2.htm
Đăng lại bài của Trần Ngọc Bảo để nhớ làng quê Ngoại (Họ Đoàn) và quê Nội (Họ Hồ)

Không có nhận xét nào: