Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

Người ngồi đợi trước hiên nhà

 
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
 
          Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, cuối năm 1954 – đầu năm 1955 ở quê tôi gần một nửa gia đình có người thân đi tập kết ra miền Bắc. Không khí làng quê chùng xuống vì tình cảnh kẻ Bắc người Nam. Những người đàn bà tiễn chồng tiễn con ra đi, mắt đẫm lệ, hẹn hai năm trở về mà lòng còn nghi ngại. Chính quyền “quốc gia” tiếp thu từ vĩ tuyến 17 trở vào và những người con đất Quảng từng hiến tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến chống Pháp đành phải lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, theo đơn vị vào Quy Nhơn, xuống chiếc tàu Ba Lan đang đợi sẵn. Nhiều người ra đi khi vừa lập gia đình, để lại những người vợ trẻ, có người mang bào thai trong bụng.
          Nhà ngoại tôi năm người ra đi trên những chuyến tàu năm ấy: ông ngoại, hai người con trai và hai người con rể. Mới một tháng trước đó, nhà ngoại rộn rã với đám cưới của dì Bảy. Dượng Bảy người Tam Kỳ, mồ côi cả cha mẹ, đi bộ đội, đóng quân ở làng tôi, thầm yêu dì, rồi đơn vị đứng ra làm lễ cưới. Chỉ một tháng sau là đơn vị chuyển đi, đôi người đôi ngả.
          Ra miền Bắc rồi vào lại miền Nam chiến đấu, dượng tôi vẫn tìm cách liên lạc với gia đình. Thỉnh thoảng một lá thư gói trong bọc ni-lông bé tí chuyển đến nhà tôi giữa đêm khuya mang theo tin tức của dượng như một niềm hy vọng đáp lại nỗi trông chờ mòn mỏi của dì. Năm dượng đi, dì tròn 20 tuổi. Suốt 20 năm sau đó, có những người ngỏ ý, dạm hỏi, dì vẫn không lung lạc, với niềm tin sẽ có ngày dượng trở về. Gần cuối cuộc chiến tranh, tin tức của dượng về nhà thường xuyên hơn. Hình như lời cầu nguyện của dì linh ứng để dượng tránh hòn tên mũi đạn nơi chiến trường.
         Nhà tôi gần đường số 1. Mỗi ngày, sau khi đi làm đồng trở về, dì tôi thường ngồi trên bộ phản gõ ngoài hiên nhìn ra con ngõ, nơi ngày xưa dượng cùng những người đồng đội lần đầu đến nhà tôi xin chỗ trú quân.  Tháng 4 – 1975, những đoàn xe Molotova nối tiếp nhau chạy ngang trước nhà tôi để chuyển quân vào mặt trận phía Nam. Dượng tôi ở trên một chuyến xe đó. Hai mươi năm, dượng không quên người xưa nhưng đã quên cảnh cũ. Khi đến địa phận huyện Mộ Đức, dượng đảo mắt tìm xóm nhà quê vợ nhưng không nhận ra vì cảnh vật đổi thay. Đến khi dừng lại hỏi nhà, thì xe đã chạy vượt qua gần năm cây số. Trên đường tiến quân, đâu thể quay xe trở lại, dượng chỉ kịp nhờ một người đi đường báo tin cho gia đình và gửi tặng dì tôi một chiếc nón bài thơ mua trên đường hành quân.
         Những ngày sau đó gia đình tôi nao nức trong niềm vui chờ đợi. Ông ngoại tôi mất sớm trên miền Bắc, ba tôi hy sinh trên chiến trường đã tám năm, nỗi đau dần nguôi ngoai. Nhà có năm người ra đi, ba người trở về, cũng còn là may mắn. Dì Bảy tôi lại ngồi trước hiên nhà mỏi mắt nhìn ra đường cái. Nhưng hai cậu tôi lần lượt trở về mà dượng Bảy vẫn không tin tức. Những chiếc xe chở bộ đội hồi hương chạy qua không dừng lại. Gia đình dò hỏi các nơi, mãi đến cuối năm 1975 mới nhận giấy báo tử: dượng ngã xuống trong trận đánh ở Xuân Lộc, cửa ngõ phía đông bắc Sài Gòn, chỉ mươi ngày trước khi chiến tranh ngưng tiếng súng.
          Như trong một câu chuyện cổ, người kỵ sĩ ra đi trên lưng chiến mã, nhưng ngày chiến thắng chỉ có chiến mã trở về mà không bóng dáng người trên lưng ngựa. Dì tôi nén nỗi đau vào bên trong. Nhà tôi lập bàn thờ cho dượng. Tôi đã nhờ người về tận xã Tam Thanh, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam tìm gia đình dượng, nhưng không ai còn nhớ tên người lính cũ Nguyễn Ngọc Linh. Gần đây dò tìm danh sách liệt sĩ trên mạng, cũng không có thông tin gì để tìm mộ phần của dượng.
         Ngày hòa bình, dì tôi đã qua tuổi 40. Vẫn có người đàn ông để ý đến dì, nhưng lòng dì không còn rung động. Bà ngoại tôi ngày một già yếu. Những người con trai của bà về thăm ít ngày rồi lại đi ra thành phố. Những người con gái theo chồng theo con. Chỉ còn mình dì Bảy ở lại chăm sóc bà, trông coi nhà thờ giữa khu vườn ít bàn tay vun xới.
         Bà ngoại mất, mấy năm trước dì vào Sài Gòn sống với em, nhưng được ít lâu, nhớ quê, lại về sống một mình trong ngôi nhà cũ. Dì lại tiếp tục những bữa cơm vắng lặng như mấy mươi năm trước. Và mỗi buổi chiều muộn lại ra ngồi trước hiên nhà nhìn con đường kéo dài như nỗi chờ mong trong vô vọng. Đêm đêm ngọn đèn điện trên gian thờ lập lòe theo tiếng kêu của thạch sùng, có cảm giác như thời gian ngưng đọng đã từ lâu lắm. Mỗi lần về thăm, ngồi bên mâm cơm đạm bạc với dì, tôi chợt nghĩ nếu ngày đó dì đi bước nữa, thì liệu bây giờ dì có được hưởng hạnh phúc không. Hay là hồi trẻ dì “tự túc” một đứa con, theo lời khuyên trong một lá thư đẫm tình thương yêu của dượng, hẳn nay có chỗ trông nhờ và nguồn an ủi.
         Mùa lụt năm ngoái, sau những trận mưa dữ dội là những cơn xả lũ ác nhơn, vùng quê tôi nước tràn trắng trời trắng đất. Nhà ngoại tôi nước ngập đến lưng cửa sổ, gần bằng trận lụt năm Giáp Thìn. Nhớ hồi đó, tôi còn nhỏ, nhà tôi đông người, thôn xóm cho ghe đến tận nhà chuyển người và gia súc lên vùng đồi cao. Lần này, chỉ có dì Bảy với người cháu gái, nửa đêm nước dâng vào nhà bất thần, may có vài người bà con ở gần đến giúp đỡ kê bàn ghế để có chỗ nằm cao hơn mặt nước, chờ đất trời thu nước xuống.
         Mùa lũ dữ rồi cũng qua, vườn rau xanh trở lại. Những ngày này, dì tôi, bà Lê Thị Thỏa, một trong bao người phụ nữ bình dị đã đi qua chiến tranh, năm nay tròn 80 tuổi, đang ngồi một mình đợi Tết ở ngôi nhà gần cầu Vĩnh Phú thuộc thị trấn Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Nguyện cầu hồn thiêng những người đã ngã xuống độ trì cho dì bình an, trường thọ.
 
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 19-1-15

Không có nhận xét nào: