(SHO). Nhiều người Huế đi xa quê, mỗi năm tết đến xuân về, ngoài
nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, cảnh vât,…da diết thì trong tâm
trí họ hình ảnh bánh tét làng Chuồn cũng trở thành một điều
gì đó không thể quên bởi cái hương vị quê hương đặc biệt không
lẫn vào đâu được đã tạo nên đặc trưng riêng của món ăn này.
Làng Chuồn hiện nay không thể nào đếm hết số lượng những nhà
làm bánh tét, trong đó có những nhà làm bánh tét gia truyền
như là nhà bà Huỳnh Tấm, ông Đoàn Rạng…Những người làm bánh
nay đã có tuổi, họ đều đã truyền lại nghề làm bánh cho con
cháu của mình. Một trong những địa chỉ đáng tin cậy cho những
người lần đầu đến đây đặt và mua bánh tét đó là nhà dì Huỳnh
Thị Hường (Xóm 6, An Truyền, Phú An). Dì Hường con gái của bà
Huỳnh Tấm, năm nay đã 55 tuổi.
Khi tìm đến nơi, từ ngay ngoài cổng chúng tôi đã nghe được mùi thơm
lừng từ trong nhà dì bay đến. Thì ra chúng tôi đến đúng lúc dì Hường
đang tiến hành công đoạn làm nhụy cho bánh tét. Dì Hường vừa làm vừa vui
vẻ chia sẻ: “tính đến năm nay thì tôi cũng làm bánh được 20 năm rồi,
nhờ có mẹ tôi bày vẽ cách làm bánh từ nhỏ, từ cách chọn nếp, chọn đậu
cho đến cách nêm, tẩm ướp gia vị hầu như là tôi đều làm rất giống mẹ.
Nhụy này tôi dùng thịt mỡ và đậu xanh đã luộc sơ qua cùng với ít tiêu,
hành hương và gia vị. Tùy theo khách đặt hàng mà dùng thịt mỡ hay thịt
nạc. Nhưng hầu như khách hàng rất chuộng thịt mỡ vì nó làm cho món bánh
ngậy và béo hơn. Chắc ai cũng nghĩ ngon hay dở là phụ thuộc nhiều vào
nhụy nhưng đối với riêng gia đình tôi để có được một đòn bánh tét ngon
thì phải kết hợp tất cả các công đoạn”.
Nói xong, dì xuống nhà đem các nguyên liệu còn lại để gói bánh lên như
lá chuối, nếp, dây ni lông để cột bánh. Dì tiếp tục bộc bạch: “bánh tét ở
làng tôi nói chung và gia đình tôi nói riêng, để tạo dựng được một
thương hiệu như hiện nay đó là nhờ vào nếp, nếp dùng để gói bánh là nếp
ngon, dẻo thơm đã có từ lâu đời. Gia đình tôi thường đặt nếp của anh
em, bà con để nếp không bị trộn lẫn với gạo, làm mất đi hương vị vốn có.
Còn lá dùng để gói bánh thường lá chuối sứ, chúng tôi không dùng lá
rừng như một số nơi khác. Tuy giá lá chuối có phần trội hơn các lá khác
nhưng bù lại bánh tét ở đây có màu xanh đặc trưng. Bánh thường ngày nấu
khoảng sáu tiếng bằng nước trong, còn dịp tết thì phải tới mười hai
tiếng để giữ bánh được lâu hơn ngày thường”. Vừa nói chuyện tay dì
vừa làm thoăn thoắt, chưa đầy mười phút thì dì đã làm xong sáu chiếc
bánh tét rồi.
Ngoài ra dì còn tâm sự với chúng tôi, nghề bánh tét này không
phải là nghề thu lời nhiều, bình thường một đòn bánh chỉ lời
từ 3 – 5 ngàn, tết thì lời 10 ngàn. Để duy trì chất lượng
bánh nên khác với những nhà trong làng, gia đình dì rất coi
trọng những chi tiết nhỏ nhặt như: củi nấu bánh phải là củi
dương, một thước như vậy có giá hơn một triêu đồng mà những
nguyên liệu này cũng mỗi năm một tăng nhưng giá bánh thì vẫn
vậy, vốn dĩ là lấy công làm lời. Nhà dì cũng chỉ làm bánh
từ tháng 8 đến tháng 2 bởi người ta thường ăn bánh tét vào
mùa lạnh. Dù vậy gia đình dì vẫn tiêp tục gắn bó với nghề
này vì nó được cái dì chỉ làm bánh rồi bỏ hàng cho người ta
đến lấy chứ không đi bán nên rất khỏe. Hơn nữa gia đình dì
cũng muốn giữ lại nghề truyền thống mà ông bà đã truyền cho.
Bánh tét dì Hường làm chủ yếu để mối cho các tiểu thương ở các chợ lớn
ở Huế như: chợ Đông Ba, chợ Bến Ngự, chợ Phú Bình, chợ Mai…Trung
bình ngày thường dì làm khoảng 150 đòn với giá mỗi đòn là 13 ngàn đồng.
Tuy rằng ở làng Chuồn vì cạnh tranh giữa các nhà mà có nhiều
người làm đòn bánh to hơn bằng cách dùng nếp rẻ, lá rẻ hay
gói nhiều lá nhưng đối với riêng gia đình dì bánh chỉ làm đúng một
kích cỡ. Và cũng như vậy dù có khách hàng đặt bánh thêm trong ngày dì
cũng làm đúng số lượng có khi chỉ nhận làm một nửa bởi theo dì
làm nhiều thì làm vội làm vàng sẽ làm hư bánh. Có lẽ chính
vì vậy gia đình dì mới trở thành thương hiêu làm bánh chất
lượng và uy tín ở làng Chuồn. Trong dịp tết Nguyên Đán Ất Mùi sắp
đến, số bánh nhà dì làm năm này sẽ tăng lên 2000 đòn, bánh chưng
khoảng 1500 cặp. Với số lượng như thế, gia đình phải thuê thêm nhân
công và giá trung bình mỗi đòn sẽ tăng lên 20 ngàn đến 25 ngàn. Sở điện
lực Thừa Thiên Huế cũng là một trong những địa chỉ đặt bánh tết quen
thuộc.
Trong thời tiết se lạnh thế này, chứng kiến không gian ấm cúng của con
cháu trong gia đình dì Hường ngồi bên nhau làm bánh, chúng tôi không
khỏi bồi hồi, xao xuyến bởi cái không khí ngày giáp tết đến với
nơi đây thật sớm. Nghề làm bánh này đã trở thành nghề gia
truyền. Trái ngược với những nhà bình thường trong làng, nhà
dì không truyền nghề cho con gái, con trai mà người con rể lại
là người nối nghiệp dì. Anh Đoàn Văn Vui là con rễ của dì Hường cho
biết: “thấy mẹ làm bánh tôi cũng phụ giúp mẹ thôi, nhưng qua một thời
gian tiếp xúc với nếp, với lá tôi càng thấy yêu thích và muốn học thêm ở
mẹ cách làm để có thể tiếp tục nghề truyền thống này”. Cô con gái Hồ
Thị Thùy Trang nhỏ tuổi trong nhà tuy không có ý định theo nghề
mẹ nhưng vẫn có tay nghề gói bánh khéo léo nhất nhà. Trong
khi đó vợ anh Vui tét bánh ra bằng một sợ gấc nhỏ, những lát bánh mỏng
bốc lên hương thơm nhẹ nhàng, cái bùi bùi của nhụy, dẻo thơm của nếp
làm ấm lòng những người khách ở xa như chúng tôi.
Bánh tét vốn là món quà dân dã, đậm đà hương vị của quê hương, đồng
nội mang đến cảm giác ấm lòng, xao xuyến những người khách xa quê
trở về. Đặc biệt hơn, bánh tét lại là một trong những vật phẩm không
thể thiếu được trên bàn thờ tổ tiên trong mỗi dịp tết về đã trở thành
một truyền thống văn hóa từ bao đời nay của người dân Huế nói riêng và
người Việt Nam nói chung.
Ảnh: Hồng Hải, Bài: Ngọc Na – Thu Vânhttp://tapchisonghuong.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét