Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn trong rừng thông (Photo: Nguyễn Đạt)
Trước 30 tháng 4, 1975, và bây giờ hẳn cũng vậy, rất nhiều người đã xem Bùi Giáng - Phạm Công Thiện - Nguyễn Đức Sơn là ba “kỳ nhân văn nghệ”; ba con người văn nghệ độc đáo, đặc dị, và lừng danh trong văn hoá - văn nghệ của Miền Nam tự do. Ở thị xã Bảo Lộc - tỉnh Lâm Đồng, người ta gọi Nguyễn Đức Sơn là “Người trồng thông quái dị”. Chúng tôi là bạn thân thiết với Nguyễn Đức Sơn từ những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Cuối thập niên 70, rời chùa Tây Tạng ở thị xã Thủ Dầu Một - tỉnh Bình Dương, Nguyễn Đức Sơn đưa gia đình lên cư ngụ trên trái đồi có Phương Bối Am của Thượng toạ Nhất Hạnh, hoang phế từ nhiều năm. Là người cầm bút, lại chỉ để sáng tác thơ, từ lúc ở Thủ Dầu Một, Nguyễn Đức Sơn chỉ biết mưu sinh bằng cách dạy kèm ngoại ngữ. Phượng, người bạn đời của nhà thơ, lúc đó sống nương nhờ dưới mái chùa Tây Tạng; Phượng là cháu vị sư trụ trì chùa này; ngôi chùa được xây dựng theo phong cách chùa chiền ở Tây Tạng. Cuộc sống của Nguyễn Đức Sơn trên trái đồi nằm cuối dãy núi Đại Lào hẳn nhiên là cuộc sống của người làm rừng làm rẫy, bám vào cỏ cây nương rẫy mà sống. Chúng tôi từng chứng kiến, Nguyễn Đức Sơn đẩy chiếc xe đạp cọc cạch, thồ đống củi cao hơn thân mình, từ đồi rừng ra chợ cách xa gần mười cây số để bán. Chỉ có cách kiếm sống như vậy, cho một gia đình đông con; làm sao Nguyễn Đức Sơn, với vợ yếu và đàn con thơ dại, không nhếch nhác tơi tả? Nhà thơ Thái Ngọc San, đã mất, sau khi lên thăm Nguyễn Đức Sơn ở đồi Phương Bối (tên do thầy Nhất Hạnh đặt), đã viết truyện ngắn “Bầy Thú Hoang Dã”, cho thấy cảnh sống của gia đình Nguyễn Đức Sơn lúc ấy không khác biệt bao nhiêu với đời sống của loài thú rừng. Hiển nhiên, qua cách nhìn nhận như Thái Ngọc San ở truyện ngắn này, là chỉ ghi lại cái bề mặt của cuộc sống Nguyễn Đức Sơn; và mặc nhiên với những trách cứ phê phán của người quan sát thiếu tâm tình. Từng gần gũi Nguyễn Đức Sơn nhiều ngày tháng, chúng tôi hiểu rõ nhà thơ Nguyễn Đức Sơn không hề có dã tâm của loài thú, để tạo nên cuộc sống như Thái Ngọc San đã ghi nhận; đó chỉ là một cuộc sống cực-chẳng-đã phải như vậy mà thôi, muốn khác đi cũng không được. Nguyễn Đức Sơn không biết làm gì khác để thay đổi cuộc sống như bầy-thú-hoang-dã; ông lại càng không thể tính toán, bon chen, giành giựt với nhân thế. Trên trái đồi rộng bốn - năm héc-ta, ông không biết và cũng không ưa trồng loại cây nào cho có lợi nhuận, ngoài cây thông mà ông yêu thích. Cũng vì Nguyễn Đức Sơn chăm chút, nuôi trồng thông từ mấy chục năm nay, trái đồi mang tên Phương Bối ở thôn Đại Lào - xã Lộc Châu, bây giờ gần như là nơi duy nhất để ngàn thông còn tồn tại trên cao nguyên hoang sơ Bảo Lộc. Nguyễn Đức Sơn đã bảo vệ tới cùng một tổ chim trên cây rừng Phương Bối bị đám người có hung khí tới phá phách. Lần đó Nguyễn Đức Sơn bị đám người này dùng dao đâm ông, chỉ nửa phân nữa là trúng con mắt. Dân cư quanh vùng biết Nguyễn Đức Sơn lúc nào cũng ưa đọc sách, nhưng thấy ông không cho các con ông đi học; biết ông, nửa đêm lạnh giá, xách đèn pin đi khắp đồi thông; nghe tiếng ông la hét cằn nhằn vợ con vang dội khắp bốn bề; nghe chính con ông kể chuyện những kiểu tra tấn đánh đập vợ con: treo con lên xà nhà; bắt lũ con nằm thành hàng để ông đi xe đạp cán qua; bóp cổ vợ; đập gậy sau lưng khi vợ đang vo gạo... Từ những chuyện như vậy, ông nổi tiếng là “Người trồng thông quái dị”; kinh khủng nhất, mọi người cho là ông vô tâm, tàn ác, không mảy may thương xót vợ con. Đây là một ngộ nhận đáng sợ đối với bất cứ người nào; huống hồ người đó lại là một nhà thơ. Không có chuyện tra tấn đánh đập vợ con như một hai người con của Nguyễn Đức Sơn đã nói; đấy là câu chuyện hoang tưởng của con ông mà thôi; chính Phượng xác nhận với chúng tôi như vậy. Nhưng nếu ai hỏi Nguyễn Đức Sơn chuyện này, thì ông lại xác nhận; không những như thế, ông còn tô vẽ thêm lên cho thật ghê rợn. Đây chính là một trong nhiều tính chất đặc dị của nhà thơ “kỳ nhân” Nguyễn Đức Sơn. Sự thật mà chúng tôi biết, Nguyễn Đức Sơn đầy tình cảm yêu thương con người, như mọi người thiện tâm khác. Lần Phượng bị bệnh thập tử nhất sinh, phải giải phẫu tại bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi ngồi bên ông, ngoài hành lang trước phòng giải phẫu. Ông rất căng thẳng chờ đợi kết quả phẫu thuật. Chợt có tiếng cô y tá kêu lớn tên ông: nước mắt ông tuột ra, chảy dài trên khuôn mặt. Ông ngỡ cuộc phẫu thuật thất bại, Phượng đã chết! Hoá ra không phải, cô y tá gọi ông để báo tin lành. Và Nguyễn Đức Sơn cẫng nhảy lên, như đứa trẻ vui mừng tột độ. Lần một đứa con của Nguyễn Đức Sơn bị bệnh nằm liệt giường, chúng tôi cũng có mặt trên đồi Phương Bối. Ông cuống cuồng, chạy xuống đồi, hỏi người này người kia để chữa chạy kịp thời cho con. Có người bày cách, cho người bệnh ăn thịt cóc sống. Ông hét vang như hoá điên, vì gặp ngay người bán thịt cóc đi ngang qua. Mang thịt cóc về, cho đứa con ăn ngay; chợt ông nhớ cả gia đình vốn ăn chay trường, ông vội vã thắp nén nhang niệm Phật, xin xá tội! Đứa con vừa nuốt miếng thịt cóc, lập tức nôn mửa thốc tháo. Ông lại cuống cuồng, lại chạy xuống đồi, kêu “xe ôm”, ôm con ngồi lên xe đưa vào bệnh viện. Ở bệnh viện, lúc đứa con đã an toàn, đã đi đứng trở lại; bấy giờ mới để ý: ông chỉ mặc cái quần cụt mà lại thủng rách cả đũng! Nhưng Nguyễn Đức Sơn lúc đó vui rộ lên, nói lắp bắp những câu hí lộng về cái quần thủng rách! Chúng tôi biết cả ba người văn nghệ độc đáo nhất của Miền Nam tự do, ba “kỳ nhân văn nghệ” như nhiều người đã gọi: Bùi Giáng - Phạm Công Thiện - Nguyễn Đức Sơn. Cả ba đều thương yêu hết mức con người. Bùi Giáng thì đã giã biệt cõi-hồng-trần từ lâu; Phạm Công Thiện mới qua kiếp nhân sinh, chắc hẳn lúc này hương hồn ông đã nhập vào con bướm trắng tung tăng trên cỏ.[*] Và Nguyễn Đức Sơn, lúc nào chúng tôi cũng hình dung ông đang chống gậy, đi mải miết giữa những hàng thông trên đồi Phương Bối; hình dung ông Ngàn sau / Phơ phất gò bông lau. [**]
Nguyễn Đạt
[*]Phạm Công Thiện, Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất. Xem bài: “Hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ...” của Hoàng Ngọc-Tuấn.
[**]Thơ Nguyễn Đức Sơn.
tienve.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét