Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Cao Huy Khanh: VIỆT NAM - HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 – 2011: NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ:

Kỳ 71 – 23.5. 2011 (Trích đăng từ 1.1.2010)

711 - Ung Thanh Hải
NOI GƯƠNG THẦY
Nhà giáo sinh tại Phan Thiết. Sống ở TPHCM (2011).
Trước 75 tốt nghiệp đại học ngành hóa học ra đi dạy học một thời gian thì bị kêu đí lính VNCH.
Sau 75 được đi dạy lại ở TPHCM.
Sau đó gia đình bên vợ bảo lãnh cả nhà đi Pháp, đã làm xong thủ tục nhưng cuối cùng quyết định cho vợ và 3 con đi còn mình ở lại sau khi chứng kiến một trường hợp vừa xảy ra làm lay động con tim: Thầy dạy đại học là GS Lê Văn Thới nổi tiếng qua đời mà đây là một ông thầy mình rất kính yêu, người từng học nước ngoài về nước dạy học, sau biến cố 30.4 vẫn tiếp tục ở lại phục vụ học trò.
Từ đó có suy nghĩ “Tôi là đệ tử ruột của thầy nên bị ảnh hưởng về quan niệm sống của thầy khá nhiều. Nên có ý nghĩ mình là người VN thì phải dạy học ở VN, cống hiến cho VN.”
Chấp nhận ở lại thui thủi một mình cặm cụi rèn luyện tay nghề dạy học ngày càng giỏi, được xem là một trong “tứ trụ” dạy hóa cấp phổ thông xuất sắc nhất thành phố. Học sinh tôn xưng là thầy “Hải Ung” trứ danh với nhiêu tuyệt chiêu dạy học trò đậu tốt nghiệp, đậu đại học đạt tỷ lệ cao. Ngoài ra còn hết lòng giúp đỡ học sinh nghèo, còn bỏ tiền túi ra đóng học phí cho các em.
Trời đâu phụ lòng người, năm năm sau khi con cái ở Pháp đã ổn định đời sống, vợ đã quay về sum họp sống đời hạnh phúc vợ chồng già bên các học trò yêu dẫu ra đời rồi vẫn luôn nhớ ơn thầy.

712 - Văn Đắc
HỌA SĨ TRANH… BẸ CHUỐI
Họa sĩ sinh tại Quảng Bình. Sống ở Đồng Hới (2011)).
Là bộ đội Trường Sơn thời chống Mỹ. Và chính từ trên chiến trường rừng núi mới tình cờ tìm thấy một loại nguyên liệu làm tranh độc đáo đầy tính dân tộc là… bẹ chuối chết khô từ vô vàn thân cây chuối bị bom Mỹ đốn ngã rạp tơi tả khắp nơi.
Từ đó trong những quảng nghỉ giữa chiến trận đã tranh thủ dùng bẹ chuối khô ghép lại thành tranh treo trong lán trại đồng đội.
Sau chiến tranh trở về đời thường tiếp tục phát triển thể loại tranh mang dấu ấn riêng này một cách bài bản, khoa học hơn. Trước hết phải lựa chọn số bẹ chuối lớn nhỏ dày mỏng thích hợp đem phơi khô từ đó sợi bẹ chuối “lên nước” thành những sắc màu tinh tế, sau đó cắt xén chúng để ghép lại tạo nên những hình tượng theo ý tác giả. Tất cả được dán lên tấm gỗ ép làm nền đạt độ bền lưu giữ rất cao hơn 30 năm không phai màu.
Nhiều lần đưa ra triển lãm được tặng giải thưởng. Tranh bẹ chuối nay là một sáng tạo “đặc sản” của đất Quảng Bình
Phát hiện sáng tạo từ chiến tranh, có điều lạ là tranh bẹ chuối đặc biệt rất phù hợp với nội dung đó – chiến tranh – khi thể hiện rất sống động những cảnh khói lửa chiến trường dữ dội khốc liệt nhờ tính khô khốc, thô mộc, sần sùi của chất liệu sợi bẹ chuối.

713 - Võ Khắc Lương
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 30
Thương binh sinh tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2007).
Tham gia chiến đấu ở miền Nam, sau 75 còn tiếp tục hành quân trên đất Campuchia rồi bị mất tích.
Ở quê nhà có người yêu – một cựu thanh niên xung phong – vẫn mỏi mòn chờ trông không chịu lấy chồng, nguyện chờ sao cho đủ 3 năm xem như mãn tang mới chịu lấy chồng. Trước ngày đoạn tang đã vào tận đơn vị người yêu ở Cà Mau mong tìm được đôi chút dấu tích, kỷ niệm người yêu.
Bất ngờ sau đó lại nhận được thư… người yêu kể lại sự tình: Trong trận đánh trên đất Campuchia, anh bị mù cả 2 mắt nên đi lạc đơn vị may sao được một gia đình bản xứ cứu giúp cưu mang, một thời gian dài mất trí đi lang thang, cuối cùng tình cờ được một ông thầy lang chữa khỏi khôi phục trí nhớ mới tìm cách liên lạc lại với đơn vị. Nhưng trong thư anh khuyên chị hãy đi lấy chồng vì mình giờ đã tàn phế như người bỏ đi rồi.
Lập tức chị ngược đường về Nam một lần nữa đưa anh về quê sum họp gia đình và… làm lễ cưới. Từ đó một mình người vợ đảm làm vườn đào ao nuôi cá nuôi chồng con cùng 8 người em.
Cuộc sống đang bắt đầu ổn định thì anh bị… tai nạn giao thông nằm viện mấy tháng trời, ra viện sức khoẻ người thương binh mù ngày càng suy giảm…

714 - Võ Ngọc Lan

HẠNH PHÚC THƠ NHẠC HUẾ CUỐI ĐỜI
Nghệ sĩ sinh 1938 tại Huế. Sống ở TPHCM (2011).
Là con gái làng Kim Long, quê hương sản sinh người đẹp nổi tiếng đất thần kinh qua câu thơ của vua triều Nguyễn “Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi”. Cộng với nhan sắc còn thêm khiếu làm thơ, ca hát từng biểu diễn trên đài phát thanh Huế.
Nhưng kiếp hồng nhan đa truân khi vào Sài Gòn lấy chồng phải gồng gánh nhiệm vụ làm vợ nặng nhọc nuôi 7 con mà chồng lại đèo bòng vợ bé nên không còn thời gian đâu cho thú vui văn nghệ thủa thanh xuân.
Sau 30.4.75 gánh nặng gia đình càng nặng thêm do chồng đi cải tạo, một mình lo hết chuyện nhà nuôi con cái, mẹ ruột, mẹ chồng và cả… vợ bé của chồng! Vẫn cam chịu làm đủ mọi việc thượng vàng hạ cám từ làm đồ mỹ nghệ mây tre lá đến khai hoang khu du lịch và kể cả có khi… đi rừng tìm trầm!
Chồng đi cải tạo về cùng các con lần lượt qua Mỹ. Dùng dằng muốn ở lại không được, cuối cùng cũng phải qua theo năm 1991.
Nhưng trên quê người phút chốc trở thành người… vô dụng do không hòa nhập được với cuộc sống mới, xã hội mới (không lái xe được), đành ở nhà làm một bà nội trợ lủi thủi khác hẳn hồi ở trong nước là một nội tướng một tay vun vén gia đình xây dựng cơ đồ. Có nguy cơ rơi vào trầm cảm.
May mắn sau cùng được cô con gái út hiểu được tâm sự đã dắt mẹ trở về quê hương 2 mẹ con sống với nhau, con gái làm kinh doanh ngành quảng cáo.
Từ đó như cá gặp nước, như hồi sinh hẳn bắt đầu lao vào hoạt động văn nghệ làm thơ (in 2 tập), viết văn (in 1 tập tùy bút), viết nhạc, biểu diễn ca Huế, ra đĩa CD thơ nhạc…
Tất cả đều xoay quay chủ đề quê Huế mến thương – “Mùa trăng Huế” tên tập thơ, “Niệm khúc cho mưa Huế” tên tập văn - : “Tôi đã ngẩng cao đầu đi giữa Huế với cái tâm trong sáng, với lòng yêu thương tha thiết… Mặc dù dòng chảy cuộc đời đưa đẩy nhưng nhờ trời có dịp đi đi về về tôi vẫn luôn gần gũi Huế để yên lòng nghĩ rằng dẫu Huế trải qua lắm phong ba bão táp nhưng tất cả rồi cũng qua đi… Còn đó Huế vẫn mãi nghìn năm…”

715 - Võ Tấn Thường
KIỂU NÀO CŨNG TỒN TẠI ĐƯỢC

Doanh nhân sinh khoảng 1940 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Mỹ (2011).
Đầu những năm 1960 vào Sài Gòn học đại học.
Năm 1966 theo phong trào Phật giá Ấn Quang (do thượng tọa Thích Trí Quang lãnh đạo) chống chế độ Thiệu - Kỳ. Từng biểu tình ngồi tuyệt thực trước chùa.
Sau đó bị gọi đi lính sĩ quan Thủ Đức, ra trường đưa về giữ đồn ở Quang Nam. Trong thời gian này không ham đánh đấm cũng không muốn ủng hộ chế độ Thiệu Kỳ – không theo phe nào! -- nên bí mật tìm cách liên lạc với phía quân du kích Việt cộng trong vùng thương lượng đôi bên cùng thỏa thuận tránh đối đầu chạm trán nhau sao cho cả 2 cùng có lợi!
Nhờ vậy sau 1975 được “đối tác” Việt cộng cũ xem là thành phần “tiến bộ”, “yêu hòa bình” nên bảo lãnh cho khỏi đi cải tạo.
Lập tức chạy về quê vợ Bến Tre “núp” nhờ ô dù thân nhân nhà vợ toàn dân cộng sản giúp mình an thân trong thời buổi quá rối ren này.
Được một thời gian yên ổn rồi liền dẫn vợ… vượt biên qua Mỹ!
Bắt đầu hành nghề cắt cỏ trên đất Mỹ rồi dần dần nhờ tài khôn ngoan xoay xở nhanh mồm nhanh miệng nhạy bén thị trường dần phất lên thành doanh nhân khá thành đạt.
Về hưu khi con cái đã thành đạt (có con về VN làm ăn) mới quay về VN thường xuyên, chủ yếu là quê hương Huế làm “đại gia” kinh doanh là phụ mà vui chơi em út là chính. Đặc biệt Tết năm nào cũng về làng bên kia phá Tam Giang đón giao thừa…

716 - Võ Thành Sơn
TÌNH CẦU THỦ
Cựu cầu thủ Việt kiều Mỹ sinh tại 1948 Sài Gòn. Sống ở Mỹ (2011).
Thuộc thế hệ cầu thủ bóng đá Miền Nam đang lên vào thời điểm trước Giải phóng 30.4.75, lúc đó là cầu thủ “lính kiểng” của các đội quân đội Tổng Tham mưu, Quân cụ. Cùng Đội tuyển VNCH dựï SEA Games đoạt HCĐ 1971 và HCB 1973. Nổi tiếng là tiền đạo có thể lực sung mãn và sức càn lướt mạnh mẽ với cú tuyệt chiêu “ngã bàn đèn” (tung người lên cao móc bóng qua đầu) dứt điểm cận thành ghi bàn.
Sau 75 tiếp tục thi đấu cho các đội bóng của chế độ mới ở TPHCM gồm đội Quận 5, Công ty Vật tư, Xi măng Hà Tiên, Sở Công nghiệp TPHCM (đội trưởng). Năm 1981 giành ngôi Vua Phá lưới với 15 bàn giải vô địch quốc gia qua mặt cả Cao Cường (đội CLB Quân đội tức Thể Công cũ) cầu thủ miền Bắc số 1 thời đó. Năm sau giải nghệ để năm sau nữa đi Mỹ đoàn tụ gia đình.
Tại Mỹ làm công ty điện tử nhưng vẫn không quên nghiệp bóng đá nên tham gia huấn luyện bóng đá cho thiếu nhi Việt kiều, tổ chức các giải bóng đá nghiệp dư dành cho Việt kiều.
Từ 2003 trở về thăm quê hương, đồng nghiệp cũ, từ đó qua Mỹ vận động quyên góp gửi về giúp đỡ các đồng đội cũ nay về hưu về già gặp khó khăn trong đời sống. Thường xuyên về nước hàng năm tổ chức đóng góp từ thiện cho các cựu cầu thủ miền Nam đồng thời tổ chức các giải bóng đá lão tướng…
Trên sân cỏ một thời nổi tiếng là cầu thủ “dữ dằn”, đá cứng, nóng tính thậm chí có lúc còn bị tai tiếng “bán độ” nhưng bây giờ lại trở thành một hình ảnh con người tình nghĩa nhân ái khác hẳn trong làng bóng đá nước nhà.

717 - Võ Thị Hợi
MỘT ĐỜI THUYỀN CON TỪ CHỐI LÊN BỜ

Ngư dân sinh 1929 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2008).
Cùng chồng sống bằng nghề thuyền nhỏ đánh cá trên thượng nguồn sông Thu Bồn dưới chân Hòn Kẽm.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đều tham gia ban đêm bí mật vận chuyển gạo muối cho cách mạng vào vùng chiến khu. Từng bị địch bắt tra tấn dã man nhưng kiên quyết không khai, chấp nhận “chịu đau thì mau về”! Trong 2 cuộc chiến đó chồng và 6 con đều lần lượt bỏ mình ra đi mãi mãi.
Sau 75 còn lại một mình với chiếc thuyền nan rách nát nghèo nàn mái tre nứa cặm cụi chở khách qua sông, kiếm cá vớt củi sống qua ngày. Không hề được hưởng chế độ gì vì mình đơn thân quê mùa thất học mà thủ tục nhiêu khê trước kia chỉ hoạt động ngầm theo kiểu giao kết “miệng” nên hầu như không có giấy tờ gì để làm hồ sơ, nếu có thì cũng theo chồng con mất hết rồi.
Sống cô đơn quạnh quẽ với nỗi niềm tủi phận như vậy nên bao nhiêu năm qua không hề rời đò bước chân lên bờ làm chi, cần mua gì thì nhờ mấy đứa học trò đi học qua đò mua giùm. Hơn nữa cũng không nỡ xa rời dù chỉ giây lát bàn thờ chồng con đặt trên thuyền, “gia tài” quý giá duy nhất của một đời đò con hẩm hiu lận đận.

718 - Võ Thị Kiển
BÀ GIÀ CHỊU CHƠI
Cán bộ về hưu sinh 1934 tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2011).
Nguyên là chiến sĩ trong đội quân tóc dài nổi tiếng ở Bến Tre thời chống Mỹ.
Thời đó, từ năm 1954 vừa chiến đấu vừa tham gia đội múa lân nữ xã Lương Hòa huyện Giồng Trôm – đội “lân tóc dài” – chuyên biểu diễn góp vui trong các dịp lễ lạc, mừng công.
Sau 75 đội lân này được khôi phục hoạt động từ năm 1981, là đội lân nữ duy nhất cả nước – trang phục quân giải phóng miền Nam mặc bà ba đen quấn khăn rằn đội mũ tai bèo - đến nay vẫn tiếp tục tụ tập trình diễn khi có yêu cầu lễ hội trong hoặc ngoài tỉnh.
Nay đã 78 tuổi – được gọi là “Má Năm Kiển” - vẫn giữ chức đội trưởng đội lân 16 người toàn nữ (trẻ nhất cũng đã… 50!) gánh vác nhiệm vụ nặng nhọc nhất diễn viên chính là đội đầu lân hơn 6kg múa quay cuồng cả tiếng đồng hồ!

719 - Võ Thị Kim Lũy
GIA ĐÌNH MẤT TÍCH TỪ CAMPUCHIA

Thường dân sinh 1960 tại Campuchia. Sống ở TPHCM (2009).
Lớn lên ở Campucia nhưng từ nhỏ gia đình đã phân tán do bố mẹ chia tay, cùng năm anh chị em bị phân tán mỗi người một ngả sống nhờ vào bà con họ hàng.
Năm 1970 nhiều biến cố lịch sử xảy ra ở miền Nam VN liên quan đến tình hình chính trị Campuchia đưa đến lệnh Campuchia trục xuất Việt kiều về nước khiến mình phải theo gia đình chú thím lên tàu về Vũng Tàu. Cuộc sống ngày càng khó khăn buộc có khi phải đi ở đợ cho nhà người khác, từ đó cũng mất liên lạc luôn với gia đình chú thím.
Giải phóng 30.4 mở ra một con đường mới gia nhập thanh niên xung phong từ TPHCM, tại đây gặp người chồng hiện nay.
Khi cuộc sống dần tương đối ổn định, bắt đầu đi truy tìm tông tích gia đình mình, từ TPHCM ngược lên tận biên giới Campuchia vẫn không tin tức. Năm 1982 mới tìm được gia đình chú thím.
Và mãi đến năm 2009 nhờ chương trình tìm người mất tích “Như chưa hề có cuộc chia ly” của VTV mới tìm lại được anh chị em mình sống ở An Giang sau 39 năm lưu lạc tha phương.

720 - Võ Thị Mỹ Phương
NI CÔ LƯU LẠC
Thường dân buôn bán nhỏ sinh 1968 tại Gia Lai. Sống ở TPHCM (2011).
Sinh ra trong chiến khu với bố mẹ hoạt động cách mạng.
Mới được 3 tuổi thì trong một trận càn bị quân đội chế độ Sài Gòn bắt đi (bố mẹ lúc đó đi công tác vắng mặt) đem về Pleiku chụp ảnh in truyền đơn rải xuống vùng mật khu để kêu gọi bố mẹ ra đầu hàng. Nhưng bố mẹ cắn răng chịu đựng mấùt con chứ kiên quyết không ra đầu hàng nên cuối cùng được một người lính chế độ cũ thương tình đem gửi cho một tịnh xá Phật giáo (dành cho giới nữ tu sĩ) ở Pleiku nuôi dưỡng.
Sau đó lại được chuyển về ở một tịnh xá khác ở Sài Gòn, được cạo đầu cho… đi tu luôn với tên mới là Ngọc Duệ. Nhưng vẫn được cho đi học tốt nghiệp phổ thông rồi đến năm 1997 cho ra ngoài làm con nuôi cho một gia đình làm nghề buôn bán ở TPHCM.
Trong lúc đó sau 75 bố mẹ chạy đôn chạy đáo đi tìm tung tích con khắp nơi không thấy, cứ ngỡ là bị đưa vào các cô nhi viện đâu ngờ đến… cửa chùa!
May sao qua chương trình tìm người thân thất lạc “Như chưa hề có cuộc chia ly” trên VTV3, đã nhận ra mẹ mình qua dấu hiệu “vết sẹo trên đùi phải” do chích thuốc nhiễm trùng hồi nhỏ được thông báo trên đài.
Lời kết của bà mẹ sau 27 năm tìm con: “Tôi tìm được con rồi dù có chết cũng toại nguyện.”
(Còn tiếp)
http://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/ho-so-hau-chien/hshc-ki-71

Không có nhận xét nào: