Kỳ 72 – 30.5. 2011 (Trích đăng từ 1.1.2010)
721 - Võ Thị Phận
CHUYỆN TÌNH CÓ THẬT “MẪN VÀ TÔI”
Cán bộ về hưu sinh 1938 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2009).
Chính là hình tượng thật được nhà văn Phan Tứ hư cấu thành nhân vật Mẫn trong cuốn tiểu thuyết “Mẫn và tôi”, cuốn tiểu thuyết kể lại một mối tình lãng mạn tuyệt đẹp trong thời chống Mỹ trên chiến trường miền Trung. Aáy là mối tình có thật giữa mình và nhà văn mà trong tiểu thuyết biến thành cô Mẫn và anh Thiêm.
Năm 1960 khi mình mới 20 tuổi làm giao liên cho quân du kích thì gặp gỡ nhà văn (sinh 1930 gốc Bình Định, cháu ngoại chí sĩ Phan Châu Trinh) lúc ấy được miền Bắc chi viện vào, được tổ chức gửi ở nhà cha mẹ mình mấy năm trời. Qua đó được phân công hướng dẫn giúp đỡ nhà văn trong mọi việc từ sinh hoạt đến đi thực tế, tham gia chiến đấu. Từ đó nảy sinh tình yêu, kết quả năm 1963 có được một mụn con trai.
Đến năm 1965 nhà văn được lệnh về Bắc chữa bệnh (sau phát hiện dính CĐDC) nên phải chia tay, để lại một chiếc nhẫn vàng cho người yêu nuôi con. Người yêu ở lại một tay nuôi con một tay tiếp tục chiến đấu, làm công tác binh vận. Con được đặt tên là Uẩn ý nói về một mối tình nhiều “uẩn khúc”.
Năm 1972 từ Hà Nội tác phẩm “Mẫn và tôi” ra đời, một tác phẩm kể chuyện tình yêu lồng trong chủ đề chiến tranh cách mạng miền Nam rất thành công hiếm có.
Sau ngày thống nhất đất nước, nhà văn trở lại Đà Nẵng làm chủ tịch Hội VHNT Quảng Nam – Đà Nẵng nhưng lại chưa bao giờ tìm về quê gặp lại cố nhân, nghe nói có lần năm 1977 đã về tới gần nhà cũ rồi không hiểu sao lại quay đầu bỏ đi. Có lẽ vì năm 1966 trở về Hà Nội ông đã… lấy vợ vốn là một cô sinh viên Nghệ An làm quen từ năm 1958 và đôi bên từng thề non hẹn biển trước khi ông vào Nam!
Còn cô Uùt Phận - Mẫn trong truyện vẫn ở vậy một mình một bóng ở quê nghèo lủi thủi nuôi con khôn lớn mà cũng chẳng lần nào đặt vấn đề ra Đà Nẵng – có xa xôi gì đâu – tìm gặp người xưa lấy một lần.
Năm 1995 nhà văn qua đời tại Đà Nẵng, “cô Mẫn” đã cho con trai ra dự đám tang xin phép gia đình “bên đó” được chít khăn tang cho người cha “không bao giờ cưới”. Nhưng ảnh người cha đó vẫn được thờ trên bàn thờ ở nhà mà người mẹ “hễ ngày nào giỗ ông thì đêm đó thế nào cũng chiêm bao thấy ông về.”
722 - Võ Thị Phục
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 31
Nông dân sinh 1951 tại Kiên Giang. Sống ở Trà Vinh (2010).
Mồ côi mẹ, cha lấy vợ khác nên từ 14 tuổi đã theo chị em đi thanh niên xung phong làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực vũ khí cho cách mạng trên chiến trường miền tây Nam bộ. Lớn lên lấy chồng cùng là đồng đội TNXP gốc Khmer.
Năm 1972 tổ chức định đưa vào hoạt động trinh sát nội tuyến trong lòng địch ở Đồng Tháp nên làm giấy tờ đổi tên là Phạm Thị Thắm. Nhưng rồi trong một trận càn bị thương nặng vào đầu khiến mất trí nhớ quên hết tất cả mọi chuyện đời mình, cả tên cũ lẫn quê hương bà con thân thuộc.
Sau 1975 mang tên mới theo chồng về quê chồng ở Trà Vinh làm ruộng sống rất nghèo khổ do bản thân bệnh hoạn mà lại sinh đến 8 con phải gồng gánh cưu mang. Hoàn toàn không nhớ gì về quê cũ nên không hề tìm về lần nào.
Vì thế ở quê nhà Kiên Giang xem như mình đã hy sinh hoặc mất tích nên đương nhiên trở thành liệt sĩ, mẹ kế thờ và lãnh tiền hỗ trợ hàng tháng.
Mãi đến năm 2008 các đồng đội cũ tổ chức đi thăm viếng, truy tìm tông tích bạn chiến đấu cũ – còn sống hoặc đã mất – mới phát hiện ra “liệt sĩ” Võ Thị Phục vẫn còn sống nhưng dưới tên khác Phạm Thị Thắm.
Từ đó đồng đội tìm cách giúp đỡ dần dà khôi phục trí nhớ, xây cho nhà tình nghĩa, xin thêm đất cho gia đình canh tác, tổ chức đưa về quê cũ thăm viếng bà con họ hàng làng mạc…
723 - Võ Thị Sẫm
MỘT LẦN THẮP 2.500 CÂY NHANG
Nông dân sinh 1940 tại Đồng Tháp. Sống ở Đồng Tháp (2010).
Có chồng bộ đội hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ nhưng mãi một thời gian sau 1975 mới được đồng đội cho biết hài cốt đã được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM. Tuy nhiên nằm trong hố chôn tập thể không xác minh được nhân thân nên nay được ghép vào khu mộ vô danh.
Từ đó hàng năm đúng ngày thương binh liệt sĩ 27.7 một mình lụm cụm mang cơm đùm cơm nắm lên thành phố thăm mộ chồng.
Đến khu mộ vô danh gồm 2.500 nấm mồ (trong tổng cộng 14.000 ngôi mộ cả nghĩa trang) lần nào cũng thế luôn đốt đủ 2.500 cây nhang khấn vái rồi cắm vào đủ 2.500 bát nhang trước 2.500 mộ với niềm tin sẽ có một cây nhang tìm đường đến được với chồng mình.
724 - Võ Văn Bảy
HUYỀN THOẠI QUẦN VỢT CHỌN CHẾT TRÊN QUÊ NHÀ
Đấu thủ quần vợt sinh 1931 tại Vĩnh Long – Mất 2002 ở TPHCM (72 tuổi).
Một tượng đài quần vợt VN cho đến nay vẫn chưa ai theo được bén gót chứ đừng nói vượt qua!
Trước và sau 1975 đã 23 lần đọat chức Vô địch miền Nam lẫn toàn quốc trong đó có nhiều lần liên tiếp (1953-75, 81-83) và cũng xấp xỉ 20 lần VĐ đôi nam (cùng Võ Văn Thành) ở miền Nam. Trong 22 năm thi đấu giải miền Nam chỉ chịu nhường chức VĐ cho người khác có 2 lần.
Từ đó một loạt kỷ lục khác được lập chung quanh “siêu” vận động viên quần vợt này: Cây vợt lớn tuổi nhất - 58 tuổi - vẫn còn ra sân dự giải TPHCM 1989 sau 33 năm thi đấu không gián đoạn kể từ năm 21 tuổi; Cây vợt được thăng hạng nhanh nhất khi mới bắt đầu vào nghề trong 3 năm đã lần lượt được thăng lên 3 hạng cao nhất rồi đoạt luôn chức VĐ; Cây vợt dự nhiều giải quốc tế nhất hơn 20 lần tham gia thi đấu các giải quốc tế lớn như SEA Games, Asiad, và cả Cúp Davis (vòng loại) trong đó từng nhiều lầøn đọat huy chương vàng đơn và đôi nam SEA Games…
Do không dính líu gì chế độ cũ làm công chức hay cảnh sát, quân đội như một số nhà thể thao cùng thời (lại có gốc gác xuất thân bần hàn ban đầu làm trẻ nhặt bóng bên rìa sân) nên sau 1975 vẫn được tiếp tục thi đấu và nhanh chóng trở thành cây vợt chủ lực của làng quần vợt nước nhà thống nhất. Nhất là trong tình hình miền Bắc rất yếu môn này, môn thể thao từng một thời bị liệt vào hàng “quý tộc” của “giai cấp bóc lột”!
Tiếp tục thống trị vị trí hàng đầu làng banh nỉ cả nước. Năm 1984 lúc đã 53 tuổi còn giành chức VĐQG – thêm kỷ lục nhà Vô địch già nhất – và còn đánh bại cả các đối thủ đến từ Tiệp Khắc (cũ) vốn thuộc đẳng cấp cao thế giới. Đến năm 1989 đã 58 tuổi vẫn còn ra sân dự giải TPHCM sau 33 năm cầm vợt không gián đoạn kể từ năm 21 tuổi.
Sau khi giải nghệ năm 1990 đã qua Mỹ định cư theo diện đoàn tụ gia đình. Nhiều năm sau bị phát hiện mắc bệnh ung thư thực quản bác sĩ xem như bó tay.
Thế là năm 2001 quyết định quay về nước trở về sống lại trong căn nhà nhỏ trong một hẻm nhỏ ở TPHCM, lặng lẽ tìm niềm vui lãng khuây kỷ niệm một thời tung hoành sân Cercle (nay là sân Cung Văn hóa Lao động TPHCM). Rồi thanh thản qua đời vài tháng sau.
Đáng tiếc cả 7 người con đều bị ông cấm tiệt không cho theo nghề cha vì buồn nghiệp thể thao vinh quang là thế mà cũng quá bạc bẽo, ít ra là ở VN chế độ nào cũng vậy!
725 - Võ Văn Nghi
ROBINSON VÙNG ĐẤT MŨI
Nông dân sinh tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2010).
Trong chiến tranh chống Mỹ là du kích ở huyện đội làm nhiệm vụ bảo vệ những “chuyến tàu không số” bí mật vận chuyển vũ khí vào chiến trường Nam bộ. Bị thương nặng ở đầu khiến trí nhớ giảm sút.
Sau chiến tranh xuất ngũ thương binh hạng I mất sức 70%. Lấy vợ, làm ruộng nuôi cá để nuôi con.
Khi tỉnh có chính sách khai hoang vùng đất mới lấn biển đã để vợ con ở lại đất liền tình nguyện đi làm người canh giữ vùng đất mới lấn biển còn hoang vu. Cất chòi sát bìa rừng làm nhiệm vụ giữ rừng giữ đất bồi phù sa mới tấp lên đồng thời tranh thủ nuôi tôm cua, sò huyết.
Một mình sống cô độc không khác gì “người rừng”, cách xa đất liền và cuộc sống văn minh 10 cây số đến được phải đi bằng xe máy lẫn xuồng máy. Không điện, không nước ngọt, không báo đài tin tức gì hết. Thỉnh thoảng vợ con mới chèo xuồng chở vào tiếp tế lương thực thực phẩm và đồ dùng cần thiết.
Vẫn bình thản sống đời du dân vùng “đất mũi”, nói sống cảnh này quen rồi từ hồi còn chiến tranh và nay nhờ vậy mà nuôi con tốt nghiệp đại học.
726 - Võ Văn Phước
CON NUÔI CỦA “KẺ THÙ”
Lao động sinh khoảng 1968 tại miền Trung. Sống ở Bình Dương (2010).
Tháng 3.1975 trong trận chiến giải phóng hoàn toàn miền Nam lan đến Phú Yên, cha là sĩ quan VNCH trúng đạn pháo tử trận, còn mẹ cũng bị xe cán chết trong lúc chạy loạn.
Còn lại một mình mới 8 tuổi đầu bơ vơ được một đại tá chính ủy cộng sản quê miền Bắc thương cảm nhận làm con nuôi đem theo trên đường chiến dịch tiến công Sài Gòn. Chính vì việc làm này mà đại tá đã bị cấp trên kiểm điểm là “nuôi con kẻ thù”!
Sau khi hòa bình lập lại, đến năm 1976 vị đại tá lại nhận lệnh đi truy kích tàn quân Fulro ở Tây nguyên rồi chuyển sang chiến trường biên giới Tây Nam đánh Khmer Đỏ nên phải gửi đứa con nuôi cho huyện đội Củ Chi chăm lo giùm. Trước khi chia tay hứa với con nuôi khi nào xong nhiệm vụ trở về sẽ nhận con lại đưa về Bắc nuôi như con ruột trong gia đình.
Nhưng người cha nuôi bộ đội sau đó cứ đi biền biệt từ chiến dịch này qua chiến dịch khác, có lần ghé ngang Củ Chi tìm con thì nghe nói đã theo một bà mẹ nuôi về quê rồi không biết ở đâu. Cuối cùng người cha được phân công về Bắc học chính trị rồi về hưu không còn có dịp vào Nam tìm con, có đăng báo tìm tin tức song không có kết quả.
Khó có kết quả cũng phải bởi người con nuôi lưu lạc qua nhiều gia đình nhận nuôi nơi này nơi khác mà lại đổi tên mới là Long, không được học hành đàng hoàng, lớn lên làm thợ đi làm thuê các tỉnh. Năm 1992 lấy vợ gái quê ở Bình Dương.
Cả cha nuôi lẫn con nuôi đều không nguôi nỗi nhớ nhau song không biết cách nào tìm được nhau mà cũng không biết có còn sống không.
Mãi đến năm 2008 qua chương trình tìm người thân của VTV1 mà cả hai mới được ôm chầm lấy nhau ràn rụa nước mắt trước sự chứng kiến của khán giả cả nước. Cả người cha nuôi cũng khóc ròng, người lính già kinh qua bao trận mạc cứ tưởng là chiến tranh đã làm khô cạn hết cả biển nước mắt nhân gian rồi!
727 - Võ Văn Thể
NGƯỜI NẤU VÀ BÁN CHÈ NGON NHẤT
Lao động sinh 1955 tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2009).
Ngày 28.4.1975 đúng 3 ngày trước khi kết thúc chiến tranh, bị trúng phải một mảnh đạn pháo bay lạc làm cụt mất cánh tay phải sát vai.
Trở thành nạn nhân chiến tranh tàn tật vào giờ thứ 25 của cuộc chiến vẫn kiên trì tìm cách vươn lên để sống, nhất là để lo cho mẹ già bởi mình lại là con trai duy nhất. Bằng cách chọn nghề nấu và bán chè theo nghề mẹ để làm kế sinh nhai.
Phải mất rất nhiều thời gian và công sức để tập nghề này – tập “tay nghề” một tay - từ việc nhào bột, vắt nước cốt dừa, bưng bê cả nồi chè nặng lên bếp nấu, rửa chén bát đến đẩy xe ra đường bán rồi đẩy xe lên dốc quay về với chỉ một cánh tay trái lành lặn trên cơ thể ốm o cân nặng chỉ 38kg.
Đều đặn hàng ngày thức dậy 3 giờ sáng bắt đầu nấu đến 6 nồi chè thập cẩm, bán từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều là hết. Ai cũng khen ngon, ít ra cũng ngon nhất khu vực Tân Định – Quận 1 TPHCM nên được thương mến tặng cho biệt danh “độc thủ chè”
Hơn 30 năm lầm lũi bán chè như thế nuôi một mẹ già 85 tuổi và một bà chị góa chồng 63 tuổi. Một tay – đúng là “một tay” làm hết tất cả - làm bằng 3-4 người đủ 2 tay khi không còn con đường nào khác: “Không có con đường nào là con đường cùng. Tôi là dân lao động gốc, không rèn tay mà làm nghề thì lấy gì ăn…”
728 - Vô Thường
LÃNG TỬ GUITAR
Nghệ sĩ Việt kiều Mỹ độc tấu guitar tên thật Võ Văn Thường sinh 1940 tại Phan Rang – Mất 2003 ở Mỹ (64 tuổi).
Mê nhạc từ nhỏ song không có điều kiện học nhạc bài bản nên đành mày mò tự học đàn mandoline sau đó chuyển qua guitar. Lớn lên bị gọi đi lính trường sĩ quan Thủ Đức, ra trường về làm ngành tâm lý chiến ở bộ phận bình định nông thôn tại quê nhà Phan Rang.
Bắt đầu biểu diễn đánh guitar (thùng) nghiệp dự tại các CLB lính Mỹ ở Phan Rang. Từng đoạt giải cuộc thi đánh guitar Quân khu 2 (vùng Tây nguyên). Lấy vợ có 2 con gái.
Trong biến cố 30.4.75 tháo chạy qua Mỹ không kịp mang theo vợ con.
Trên xứ người làm nghề mở cửa hàng bán đồ trang tri nội thất tủ giường, bàn ghế. Kinh doanh thành công mở đến 5 cửa hàng như vậy. Có lúc còn nhảy ra mở vũ trường nữa, là người mở vũ trường hải ngoại đầu tiên – vũ trường Ritz – năm 1985.
Đột ngột năm 1986 từ bỏ tất cả, bán hết cơ sở làm ăn để quay về tìm lại niềm vui nghệ thuật ngày xưa là đam mê guitar, đặc biệt chuyên đánh bằng tay trái rất hiếm hoi.
Năm 1987 cho ra 2 đĩa CD độc tấu guitar thùng đầu tiên được hoan nghênh, từ đó ra hàng loạt đĩa tương tự rất ăn khách. Ngoài ra còn sáng tác một số ca khúc đưa vào đĩa kèm tự hát giọng trầm khản.
Được dư luận lẫn giới chuyên môn đánh giá nghệ thuật guitar tuy mang tính nghiệp dư không đúng trường lớp song chơi đàn rất “có hồn” đậm chất tài tử phá cách phóng khoáng đầy truyền cảm chứ không bài bản khô cứng kiểu cổ điển.
Sự truyền cảm có lẽ đến từ tâm sự một đời người phiêu bạt cô đơn: Vợ và 2 con gái bị kẹt lại nơi quê nhà, vợ sau đó đi theo người khác nên bên này mình đành chấp nhận lấy vợ mới (cũng biết sáng tác nhạc, đã ra 2 đĩa CD) tìm niềm an ủi song đến năm 1999 đôi bên cũng lại chia tay! Cũng từ đó còn thường xuyên đóng góp quỹ từ thiện giúp trẻ mồ côi VN sống ở các trại tị nạn Đông Nam Á.
Năm 2000 hai con gái được qua đoàn tụ gia đình, giúp con lập gia đình. Năm 2002 có về quê hương làm một đĩa “Tình ca Vô Thường/Giọt nước mắt Vô Thường” ngay tại VN như muốn góp phần nào xoa dịu nỗi buồn lưu vong bấy lâu:
“Đêm thức giấc quanh đây trời đất lạ
Ta một mình biết nói với ai đây.
Bao ưu phiền ray rứt bấy lâu nay
Thân lạc loài viễn xứ mấy ai hay.
Dòng nước mắt no đầy kiếp lưu đày
Ly rượu này chưa uống sao ta say?”
(Giọt nước mắt lưu đày, 1987)
Và
“Một quê hương trước khi nhắm mắt không hiểu có thấy lại hay không? Một cuộc đời toàn những hạnh phúc phù du, người đây mà vợ con một ngả, 12 năm…”
Trở lại Mỹ không bao lâu thì ra đi vì bệnh ung thư phổi.để lại gia tài đồ sộ quý giá gần 180 đĩa độc diễn guitar – một kỷ lục VN - trong 16 năm tìm thấy hạnh phúc âm nhạc cuối đời.
729 - Vũ Anh
CHIẾN SĨ ĐIỆP BÁO KIÊM KỶ LỤC GIA CẮT BÓNG
Nghệ nhân tên thật Nguyễn Quốc Tài sinh 1929 tại Lai Châu. Sống ở TPHCM (2009).
Quê quán gốc Sa Đéc nhưng cha lưu lạc giang hồ ra tới tận miền Bắc sinh ra mình.
Từ nhỏ đã mê nghệ thuật “cắt bóng” (dùng kéo cắt hình chân dung nhìn nghiêng người khác trên giấy bóng láng màu đen loại học sinh thường dùng làm môn thủ công). Đến năm 1944 được đưa về Hà Nội học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương càng có điều kiện phát triển nghề này.
Năm 1948 quay về quê hương miền Nam vào bưng biền Đồng Tháp Mười tham gia cách mạng chống Pháp. Tại đây có dịp trổ tài cắt bóng cho các nhân vật cộng sản nổi tiếng trong đó có cả ông Lê Duẩn sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN.
Sau 1954 được phân công ở lại miền Nam hoạt động. Về Sài Gòn bấy giờ mới tận dụng hành nghề cắt bóng để hoạt động ngầm. Năm 1957 với nghề tay trái mưu sinh này đã lập kỷ lục cắt bóng nhanh nhất trong 38 giây xong một hình chân dung dù mình chỉ là nghệ sĩ cắt bóng thứ tư xuất hiện trong lịch sử môn nghệ thuật đường phố này.
Trong những năm 60 là đồng đội hỗ trợ nhà tình báo đại tá Phạm Ngọc Thảo hoạt động trong lòng địch cho đến khi ông này bị mật vụ chế độ cũ thủ tiêu năm 1965 (là nguyên mẫu nhân vật chính của bộ tiểu thuyết trường thiên sau được quay thành phim “Ván bài lật ngửa” của tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý tức Trần Bạch Đằng).
Sau 75 về hưu tiếp tục hành nghề cắt bóng tại các hội chợ, triển lãm cả nước dù đã gần 80 tuổi. Trong hơn 50 năm làm nghề hiếm quý này tự hào đã cắt hình chân dung cho khoảng 1,5 triệu lượt nguời. Ngoài ra từ đó còn góp công xây dựng thêm nghệ thuật tranh cắt giấy VN xem như một hình thái phát triển rộng và tổng hợp nghệ thuật cắt bóng.
Năm 2006 tự phá kỷ lục cắt bóng nhanh nhất nước với chỉ còn 23 giây một hình chân dung. Chỉ lo sau mình e rằng môn nghệ thuật này sẽ thất truyền thôi!.
730 - Vũ Bằng
ĐIỆP VIÊN BỊ TỪ CHỐI
Nhà văn tên thật Vũ Đăng Bằng sinh 1913 tại Hà Nội – Mất 1984 ở TPHCM (72 tuổi).
Từng tham gia kháng chiến chống Pháp, gia đình là cơ sở điệp báo ở nội thành Hà Nội. Riêng mình đã có quá trình tham gia viết báo, viết cả phóng sự lẫn tiểu thuyết, truyện ngắn, biên khảo văn hóa, dịch thuật nên được xem là một cây bút đa năng.
1954 theo làn sóng di cư vào Nam, bỏ lại người vợ và con trai đầu lòng. Sau này người ta mới biết lúc đó ông được quân đội cộng sản giao nhiệm vụ hoạt động tình báo bí mật nằm vùng tại Sài Gòn.
Vì thế ở Sài Gòn bên ngoài hành nghề viết báo làm vỏ bọc, viết đủ thể loại trên báo hàng ngày trong đó đôi khi phải viết một số bài theo hướng chính quyền Sài Gòn nhằm che mắt địch. Đặc biệt có mặt mạnh nữa về mặt quản lý quán xuyến cả tờ báo, làm tòa soạn lo cả mặt nội dung lẫn hình thức, có khi “ôm”cả 3 tờ báo ngày cùng lúc.
Lấy vợ mới sinh được 6 con.
Năm 1967 được tin vợ cả ở Bắc qua đời trong cảnh chờ chồng vô vọng, mà chồng lại phụ bạc lấy người khác. Từ nỗi đau một mình tự biết đó đã làm nên thiên tuyệt bút “Thương nhớ mười hai” bút ký hoài niệm bóng dáng Hà Nội và người thương một thời in năm 1971 (ngoài ra sự nghiệp đỉnh cao còn tác phẩm “Món lạ miền Nam”, “Bốn mươi năm nói láo”…).
Sau 30.4.1975 rơi vào cảnh ngộ oái oăm là không kịp thời xác minh được đầy đủ nhân thân và quá trình hoạt động tình báo ngầm cho cộng sản miền Bắc (hoạt động bí mật nên rất khó truy nguyên sớm được, cần có thời gian) nên không được hưởng chế độ gì. Thậm chí còn bị nghi “đầu hàng địch” do từng có một số bài viết báo…chống Cộng!
Năm 1978 có được cán bộ làm giấy chứng nhận mình là điệp viên tại chỗ song vẫn không được chấp nhận là điệp báo viên cách mạng do chưa đủ cơ sở chứng minh.
Từ đó thành ra mang mặc cảm bị bạn bè người thân ngày xưa ngoài Bắc xem như kẻ “phản bội”, gia đình cũ phê phán “phụ tình”, bạn bè miền Bắc vào cũng e ngại không dám đến thăm sự mang tiếng quan hệ với kẻ theo địch. Còn mình cũng không dám về thăm quê để thắp nén hương cho người vợ cũ vì “biết nói thế nào với anh em ngoài đó?”
Mặt khác, bị cấm hành nghề làm báo phải bươn chải kiếm sống rất vất vả: “Sau 30.4 mọi người thấy rõ đấy, tôi làm tình báo nhưng đâu có báo công, đâu có nhận lãnh huân chương huy chương gì mà sống bằng nghề nuôi heo ở chân cầu Tân Thuận.” Lại bị vợ sau trách móc làm việc không công cho cách mạng làm gì tới mức nay không nuôi nổi vợ con.
Rốt cuộc chết trong cảnh nghèo túng, uất hận mang tiếng nhơ oan ức. Thậm chí khi gia đình đăng cáo phó còn bị chính quyền không cho phép ghi là “nhà văn” mà bắt phải thay bằng từ “ông” bình thường!
Mãi đến năm 2000 – 16 năm sau – Bộ Quốc phòng mới chính thức có văn bản qua xác minh công nhận nhà văn là chiến sĩ quân báo “có công cách mạng” – là “cơ sở khai thác tin tình báo địch” -- trong cả một thời kỳ dài từ 1952-75.
Tiếp theo năm 2007 được truy tặng huân chương, Giải thưởng Nhà nước, sách giáo khoa mới đưa tên vào văn học sử!
(Còn tiếp)
http://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/ho-so-hau-chien/hshc-ki-72
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét