* Lê Ngọc Trác
Nguyên Sa nằm trong số ít nhà thơ ngay từ buổi ban đầu công bố tác phẩm đã được những người yêu thơ đón nhận một cách trân trọng và đầy nhiệt tình. Nhiều thế hệ, những người trẻ tuổi, những người đang yêu đã chép vào sổ tay, lưu bút của mình những câu thơ tình đầy lãng mạng của Nguyên Sa:
"Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím"
(Trích "Tuổi mười ba" – thơ Nguyên Sa)
Nguyên Sa tên thật là Trần Bích Lan, nguyên quán ở cố đô Huế - một nơi cổ kính và đầy thơ mộng. Ông sinh ngày 01/03/1932 tại Hà Nội. Trần Bích Lan còn có bút danh là Hư Trúc. Năm 1953, ông đậu tú tài Pháp, du học tại Pháp, Nguyên Sa theo học triết tại đại học Sorbonne. Trong thời gian theo học tại Pháp, Nguyên Sa đã gặp Trịnh Thúy Nga. Hai người yêu nhau và thành hôn. Trịnh Thúy Nga là một nàng thơ của Nguyên Sa. Chúng ta bắt gặp những bài thơ tình rất đẹp của Nguyên Sa viết dành tặng cho Trịnh Thúy Nga, người yêu, người vợ của mình. Năm 1956, vợ chồng Nguyên Sa trở về Việt Nam . Ở Sài Gòn, Nguyên Sa dạy triết tại trường trung học Chu Văn An, Văn Lang, Nguyễn Bá Tòng... và đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông còn thành lập và điều hành trường trung học tư thục Văn học... Cùng với thiên chức của một nhà giáo, Nguyên Sa còn viết báo, làm thơ. Nguyên Sa qua đời vào ngày 18/04/1998 tại Hoa Kỳ. Nguyên Sa đã để lại cho đời những tác phẩm chính sau đây: Về thơ có Thơ Nguyên Sa tập 1, tập 2, tập 3, tập 4. Thơ Nguyên Sa toàn tập. Truyện dài có Giấc mơ 1, Giấc mơ 2, Giấc mơ 3; Truyện ngắn có Gõ đầu trẻ, Mây bay đi. Về biên khảo triết học và văn học có tác tác phẩm Descartes nhìn từ phương Đông, Một mình một ngựa, Một bông hồng cho văn nghệ. Về sách giáo khoa có Luân lí học, Tâm lý học...
Trên lĩnh vực sáng tác thơ, Nguyên Sa từ bỏ hẳn cách viết theo thể cổ truyền. Ngôn ngữ trong thơ của Nguyên Sa mới lạ, trẻ trung, sang trọng nhưng gần gũi, có độ rung và sức lan tỏa lớn, làm lay động tâm hồn nhiều, rất nhiều người yêu thơ. Nguyên Sa cho rằng: "Vần thơ nếu luôn luôn thật sát thì sẽ nhàm chán. Vần không sát hẳn, thậm chí lạc vận, nếu sử dụng đúng cách, đúng chỗ vẫn ra một bài thơ hay". Trong hồi ký của mình, Nguyên Sa đã viết: "Vần thơ có vần chỉnh vần thông, vần cưỡng áp và lạc vận. Vận chỉnh không cần sự hỗ trợ, không cần sự phối âm, nhưng sử dụng những nền âm thanh khác biệt có khả năng làm cho vần thông trở thành vần chỉnh, vần cưỡng và ngay cả vần lạc cũng được nắm tay giữ được trong khoảng không gian giữa trời, giữa đất mênh mông". Nhịp điệu trong thơ của Nguyên Sa có những nét riêng: Nhẹ nhàng, đằm thắm. Trong thơ Nguyên Sa đã sử dụng thể tỉ ứng, liên tưởng và so sánh một cách đầy mới lạ. Trong thơ, nhất là thơ tình, nhiều tác giả đã chọn lọc đưa vào thơ những hình ảnh, sự kiện, nhân vật cao sang. Nguyên Sa lại khác. Ông đã đưa vào thơ của mình những con vật gần gũi, làm hình tượng để so sánh. Nhưng, không phản cảm. Mọi người đều chấp nhận, cảm thấy thân thương trong cuộc sống. Những người yêu thơ rất thích những câu thơ ngộ nghĩnh, dễ thương của Nguyên Sa:
"Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chả là nước biển...
Tại sao Nga ơi, tại sao...
Đôi mắt em nghẹn như sát từng lần vỏ hến
Hơi thở trùng như sợi chỉ không căng
Bước chân không đều như chiếc thước kẻ ai làm cong
Ai dám để ở ngoài mưa, ngoài nắng!..."
(Trích "Nga" – thơ Nguyên Sa)
Và, một cách so sánh khác của Nguyên Sa đã cho chúng ta một bức tranh lung linh sắc màu của phương Đông đầy thơ mộng:
"... Anh nhớ em ngồi áo trắng thon
Ngàn năm còn mãi lúc gần quen
Em gầy như liễu trong thơ cổ
Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường"
(Trích "Em gầy như liễu trong thơ cổ"– thơ Nguyên Sa)
Từ cổ chí kim, thơ tình được viết bởi những nhà thơ tài hoa đều hấp dẫn đối với mọi lứa tuổi, nhất là đối với lứa tuổi chớm biết yêu, đang yêu. Chúng ta bắt gặp chính hình ảnh của mình trong thơ Nguyên Sa. Đó là tiếng lòng, nỗi niềm tâm sự kết nối yêu thương, là lời tỏ tình nồng nàn đầy ước vọng của con tim, đưa chúng ta vào thế giới mơ mộng của tình yêu:
"Không có anh lấy ai đưa em đi học về
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học
Ai lau nước mắt cho em ngồi khóc
Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa...
... Không có anh nhỡ một mai em khóc
Ánh thu buồn trong mắt sẽ hao đi
Tóc sẽ dài thêm mái tóc buồn thơ
Không có anh thì ai ve vuốt
Không có anh lấy ai cười trong mắt
Ai ngồi nghe em nói chuyện thu phong
Ai cầm tay mà dắt mùa xuân
Nghe đường máu rung từng cành lộc biếc
Không có anh ngỡ ngày mai em chết
Thượng Đế hỏi anh sao tóc em buồn
Sao tay gầy, sao đôi mắt héo hon
Anh sẽ phải cúi đầu đi về địa ngục..."
(Trích "Cần thiết "– thơ Nguyên Sa)
Với thi phẩm "Thơ Nguyên Sa" xuất bản và phát hành rộng rãi vào năm 1958 đã đánh dấu một thời kỳ chuyển hướng trong dòng chảy thi ca Việt Nam. Thơ viết về tình yêu của Nguyên Sa có một sức hút mãnh liệt. Nhiều nhà nghiên cứu văn học đánh giá bài thơ "Áo lụa Hà Đông" là một trong những bài thơ tình hay nhất của Nguyên Sa:
... Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng
Anh vẫn nhớ em ngồi đây, tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa
Gặp một bữa anh đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn
Thơ học trò anh chất lại thành non
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu
Em không nói đã nghe lừng giai điệu
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
Anh đã trông lên bằng đôi mắt chung tình
Với tay trắng em vào thơ diễm tuyệt
Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại
... Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng...
(Trích " Áo lụa Hà Đông "– thơ Nguyên Sa)
Nguyên Sa xuất hiện trên bầu trời thi ca Việt Nam từ những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ 20. Đến nay, đã gần 60 năm, đi qua thế kỷ, thơ Nguyên Sa vẫn giữ nguyên vị trí và sự yêu quý trong lòng những người yêu thơ. Nguyên Sa thật sự trở thành là một trong những nhà thơ lớn của Việt Nam trong hậu bán thế kỷ 20. Và, một nhà thơ thuộc trường phái lãng mạn.
Tài liệu tham khảo:
- Thơ Nguyên Sa (1958)
- Những nhà thơ hôm nay (Nguyễn Đình Tuyến – 1967)
- Nguyên Sa – thế giới tình yêu thơ mộng (Thái Tú Hạp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét