Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

ĐỘT NHIÊN MÙA HÈ TRỞ LẠI

Truyện VÕ CÔNG LIÊM

Bên trời em có biết
Ta ứa lệ chiều nay.
(thơ: Nguyễn văn Ngọc)

I.
Chỉ trong vòng một tuần là chúng tôi chia xa trường lớp, bạn bè để nghỉ hè. Nhưng tôi đã nghỉ trước thời điểm đó. Buổi học cuối của tôi chắc buồn lắm, buồn phải xa cô giáo thân thương, xa kỷ niệm với đám học cũ; để cùng gia đình xuôi nam lập nghiệp.Tôi khóc khi nghe tin nầy; mẹ tôi âu yếm vỗ về. – Con ngại quá mẹ ơi. – Không đâu; bình thường thôi.Tiếng mẹ tôi như trấn an tôi, nhưng tôi vẫn sợ, sợ vào một nơi xa lạ, không bè bạn; liệu cảnh vật có gần gũi như mình đang sống ở đây không, tôi sợ mỗi khi nghĩ đến, nhất là cảnh biệt ly, tôi sợ mất luôn tiếng gà gáy ban trưa dưới bụi tre già, sợ mất thấy những nô đùa tuổi trẻ dưới mái trường xiêu vẹo, lợp nửa ngói nửa tôn, thỉnh thoảng ngọn gió chướng từ đâu quay về vén lớp ngói mốc nâu, quẳng xuống nền đất để xem trời có chịu ban thêm những ngọn nắng hanh nồng, rát bỏng dội lên đầu chúng tôi vào buổi học xế trưa hay những trận mưa triền miên để có cơ hội ở nhà được mấy ngày ăn cháo gạo ruộng với cá cấn, cá mại kho khô. Người bạn học gái cùng lớp tôi thường hay kể tương tợ điều đó cho tôi nghe mỗi khi qua cơn hoạn nạn…
Hôm nay đôi mắt tôi gầy, đứng giữa sân chơi nhìn trường, nhìn lớp mà lòng như rưng rưng điều gì. Có lẽ; - mình phải nói đôi lời trước khi đi, nhưng tôi không che nỗi sự bồi hồi.Tôi ngồi gục đầu xuống bàn, đoạn đứng dậy cầm trong tay bó hoa sen trắng, gói lá sen tươi bọc kín, tiến lên bục giảng, ấp úng:
- Thưa cô mẹ con gởi tặng cô bó hoa nầy. Tôi nói.
- Sao thế? Bửa nay có việc gì mà mẹ trò tặng hoa cho cô.Cô giáo nói.
Cả lớp nháo lên; họ chưa hiểu việc làm của tôi sáng nay, ngay cả cô giáo, tôi tần ngần như người mất hồn, vẫn im lặng không nói. Người ta đang đợi tôi phát biểu để hiểu lý do. Mặt trời bên ngoài tuôn vào cửa, xán vào mặt tôi, làm cho thần sắc tôi tái nhợt khi tôi ném cái nhìn xuống dưới, bọn chúng há hốc mồm nhìn tôi, hình như tôi khóc ? Tôi cúi đầu chờ câu nói của cô giáo, cô cầm bó hoa gậm vào chiếc bình bằng chai màu xanh lục, tôi thấy cô tôi đẹp khi đứng bên cạnh với nụ cười hiền hậu, cô trẻ đẹp nhưng chưa có chồng. Tại sao tôi có ý nghĩ nầy. Tôi cảm thấy dị; 10 tuổi học lớp nhất mà biết rung động là sớm chăng? Tôi tự hỏi tôi. Rùng mình! Tôi nhìn cô, cô cười nhìn tôi, cả lũ bạn học nhìn tôi. Tôi nghe bọn chúng văng tục, quay đầu về phiá cô giáo.
- Thưa cô; con xin nghỉ học hôm nay. Ba mẹ con gởi lời cám ơn cô đã dạy con học cả năm vừa qua. Tôi nói.
- Ờ! Cô biết điều đó rồi. Về thưa với ba mẹ trò là cô cám ơn. Cô giáo nói.
- Dạ thưa cô con xin nghỉ học luôn, gia đình con dọn vô nam làm ăn. Tôi nói.
Lớp học hôm đó tẻ nhạt, cô giáo buồn, cả lớp đều buồn.Buồn xúc động; riêng tôi cúi gầm người như chờ đón điều gì may ra xoa dịu được phần nào. Tôi thấy họ nhìn tôi với đôi mắt khác hơn bình thường, tôi đoán không nhầm là rồi đây họ không còn gặp lại tôi cũng như tôi sẽ không còn gặp lại họ.
Buổi học cuối; chia tay thầy cô, chia tay bạn học cũ, lòng tôi không khỏi bùi ngùi, chỉ thiếu đường khóc thành tiếng; cuối lớp tôi nhận ra người bạn học gái thường hay kể chuyện cho tôi nghe, ngồi rũ tóc nhìn xuống đất không buồn cười nói.Tôi không quan tâm về điều đó và lặng lẽ bước về nhà giữa hai hàng tre rì rào uốn mình theo gió.Tôi ngoảnh nhìn lui để tìm cái gì còn sót lại. Chỉ thấy bóng đứa con gái cùng lớp đi chậm ở cuối con đường đầy bụi mờ .

II.
Chuyến tàu điện về đêm ít khách; trong toa đâu chừng mười mấy người, ngồi rải rác trên ghế, qua mỗi trạm thì toa tàu trở nên trống vắng, buồn thiu. Hàng ghế trước; người đàn bà ngồi khoanh tay kê đầu vào cửa kính, dáng mệt mỏi , tóc phủ kín mặt, khó nhận ra già hay trẻ, hàng ghế giữa một ông già tóc trắng, da ngăm đen, ngậm vố đưa mắt nhìn ra ngoài, miệng lõm bõm nhả khói, cuối toa một người đàn ông tuổi chưa ngoài 40, trang phục cẩu thả, hướng mắt về phiá trước. Trong chốc lát tàu đến trạm, con tàu thở phào nhẹ nhõm sau một ngày nghiến bánh mệt nhọc, đây là trạm cuối bến của tuyến đường phi cảng, cửa tàu mở rộng nhưng chẳng thấy bao nhiêu khách rời bến đổ.
Đêm đen ngập cả không gian, lạnh ngắt của gió từ phương bắc thổi về, gió vuốt vào mặt khách đi đường, gây cảm giác ớn lạnh giữa đêm hè, những ngọn đèn màu sáng bạc rung rinh theo gió làm cho cảnh trí của phi trường trở nên “đèo heo hút gió”. Người đàn bà ôm gió đi vội, sau lưng khoảng cách không xa, người đàn ông đứng tuổi âm thầm đếm bước, theo chân nàng, tiếng giày gõ lên nền xi-măng nghe rõ. Cả hai đã vào phòng khách phi cảng. Họ tìm chỗ ngồi. Giờ đây mới nhận ra người đàn bà đó không phải già, khoảng chừng 30 ngoài, ăn vận thời trang cho nên trông trẻ hơn ra, nàng vuốt lại tóc, đặc xách tay lên đùi, trầm ngâm nhìn thẳng phiá trước, vài phút sau khách tứ phương kéo đến mỗi lúc mỗi đông và huyên náo hơn lúc nàng ở đây. Một người đàn ông lớn tuổi, đeo kính trắng, tóc cắt ngắn, kê đít ngồi cạnh nàng, cả hai điềm nhiên chả phải chào hỏi hay ngúc đầu thân thiện, mỗi người có một tâm tư khác nhau giữa lúc nầy.Nàng có linh cảm như ai đang nhìn mình? Người đàn ông đếm bước theo nàng trước đó, ngồi rút mình trong góc cuối, dán mắt đến người phụ nữ cùng đi trong chuyến tàu điện hôm nay. Nàng nhìn hắn và nhận ra tay nầy đứng đợi tàu ở thềm ga chính thành phố trên lộ trình ra phi cảng chiều nay.
- Chắc hắn là khách của chuyến bay nửa đêm? Ý nghĩ vụt qua rồi biến đi. Nàng trở lại trạng thái cũ, nhưng không; hắn không rời đôi mắt cú vọ rình mồi. Người thiếu nữ cảm thấy khó chịu như mình phạm tội, có kẻ theo dõi.Giờ đã điểm; hành khách lần lược trình vé ra sân bay. Phòng khách phi cảng trở lại cô độc và quạnh hiu. Chỉ còn lại một vài người vệ sinh đi nhặc rát và chùi, rửa những quầy hàng. - Ủa; sao người khách kia vẫn ngồi lại đó trong dáng bất động của khách đón đường bay. Phi cảng giờ chỉ có hai khách đợi, không biết họ đợi chuyến bay nào. Phụ nữ làm vệ sinh người Ấn độ, luồn chổi quét dưới chân nàng với cử chỉ bình thường lặng câm. Nàng đứng dậy, thẳng đến toi-lét, phút sau nàng mạnh dạn tiến đến người đàn ông theo đuổi nàng. Nhìn vào mắt người lạ.
- Xin lỗi ông là ai? Mà theo dõi tôi từ cả buổi hôm nay? Người phụ nữ nói.
Người đàn ông ngồi im không nói, mỉm cười, với đôi mắt thân quen làm cho nàng thêm ngạc nhiên. Đang rối trí; tưởng đến đây cảnh vắng người thưa thì may ra khuây khoả được phần nào, ngờ đâu lại gặp phải cảnh nầy, quả là xuất hành gặp giờ “tứ ly” tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Nàng hạ giọng nghiêm khắc.
- Xin ông vui lòng đừng nhìn tôi với đôi mắt như thế. Tôi không quen ông và ông là ai? Hình như ông muốn tang chứng điều gì? Xin ông! Người phụ nữ nói.
Hắn ngồi im không nói chỉ mỉm cười. Lần nầy hắn cười thỏa mãn như chụp được ý nghĩ của kẻ đối thoại, hắn tự tin. Đứng dậy, vuốt lại tóc và nhìn đăm chiêu vào người phụ nữ, lại mỉm cười không nói cái sự chần chừ của hắn càng làm cho người đối diện thêm nghi ngờ. Người phụ nữ quay gót bỏ đi như giận lẫy phải cất lời với loại người lãnh đạm, thờ ơ vô cớ như thế. Nhìn vào sắc diện của hắn, nàng không sợ. Dù ở đây không có một ai đứng ra can thiệp cho nàng.
- Nậm phải không? Người đàn ông nói.
- Xin lỗi ông; hình như ông gọi nhầm tên ai? Thiếu nữ nói.
- Quên rồi sao? Người đàn ông nói
Nàng chới với; bởi không thể có điều đó xẩy ra đột ngột như thế, Nậm tưởng cái tên ấy đã chôn vùi theo tháng năm, nàng có cảm giác như ai quật mồ.Tính thanh minh cái danh xưng để xoá đi cái ý tưởng của người lạ mặt nhưng lại thôi. Nậm hay Lynda cũng chẳng thay đổi được gì; chi bằng cứ đối diện với sự thật và biết đâu trong sự tình cờ nầy là một hoá giải cho nàng. Lynda hồi hộp đợi chờ.
- Không; tôi không nhầm. Người đàn ông nói.
Cái xác quyết của gã làm cho nàng sợ về hành tung của mình trước đây và những gì sắp xẩy ra trong đời nàng; Lynda rơi vào thế chẳng đặng đừng, không thể dối lòng, không thể chạy trốn dù quá khứ hay hiện tại, tất cả dưới ánh mặt trời, trong phút chốc trực diện với người lạ mặt, qua cử chỉ, lời nói làm nàng trở về với ký ức. – Hình như mình đã gặp đâu đây. Có phải thế không nhỉ? Lynda hồi cố nhưng vẫn không rõ hành trạng của người nầy. Rút cuộc Lynda thở dài với cuộc đời đã đi qua trong đời nàng. Tự nhiên Lynda cảm thấy gần gũi với người lạ mặt và can đảm hơn. Nàng đổi giọng và dịu dàng đặc câu hỏi.
- Anh có thể sơ lược vài điều về anh ? Và do đâu anh biết tục danh của tôi. Lynda nói.
Người đàn ông vui lên trong lòng và cảm thấy như ai mở khoá cho mình,cúi đầu đứng lặng như phút tưởng niệm chiến sĩ trận vong, Lynda thì nôn nao, bồn chồn như muốn biết ngay, biết rõ sự thể nó đi về đâu. Hắn ngước nhìn Lynda như hối tiếc, như bị đánh mất vật qúi; mà thực ra chưa một lần ghi dấu, nhưng không; kỷ niệm tuổi nhỏ vô tư nên khắc ghi dễ dàng, làm sao quên được.
- Tiến đây! học trò cô Hạnh, lớp 10 trường Phổ Thông cấp I, Huyện Lưỡi Cày. Nậm còn nhớ không? Buổi học cuối mùa hè năm ấy Nậm khóc khi chia tay tôi. Đó là kỷ niệm khó quên trong đời tôi. Người đàn ông nói.
Ngọn gió ở ngoài chạy ùa vào phòng đợi phi trường làm tóc Lynda bay ngang qua mặt, rối bời, đôi chân nàng đánh khớp trong ống quần, gây cho nàng cảm giác lạ lùng, Lynda bàng hoàng khi nghe về miền quá khứ xa xuôi đó. Không tưởng tượng nổi, cái xa xưa, mất hút thế mà còn đọng lại trong trí nhớ của Tiến và tại sao lại gặp gở ở chốn nầy một cách kỳ ngộ đến thế ? Lynda đứng, ngồi trong thế trầm tư, đôi mắt mơ hồ nhìn về cõi xa xăm kia …
Chuyến tàu điện đưa họ về thành phố qua tới nửa đêm. Sanh hoạt về đêm đã loang dần, nhường chỗ cho ngày mai sắp tới.
Sáng hôm sau; mặt trời vượt qua mấy cao ốc, rót xuống một thứ ánh sáng lóng lánh dội vào cửa kính. Tiến còn nằm trên giường với ý tưởng đêm hôm qua gặp Nậm ở Phi trường. Bỗng điện thoại reo.
- Alô! Tiến đây. Được rồi; đến ngay .
Lynda ngồi đợi Tiến. Tâm hồn nàng cảm thấy hứng khởi hơn lúc nào. Sau hơn 20 năm định cư ở đây, sống bên mẹ và người cha kế, sau khi Lynda ly dị chồng người bản xứ. Cảnh tình đó không làm cho nàng hạnh phúc mà ngược lại gây thêm đau khổ. Lynda muốn thoát ly.Thân; người cha ân nhân của mẹ con Lynda không còn là ân nhân mà trở nên ân oán.Thân có đôi mắt “dzê” với Lynda từ lâu nay. Đó là nỗi buồn ở phi cảng Thiên Lý đêm hôm qua. Không ngờ gặp Tiến giữa lúc nầy như phép lạ. Xoa dịu những uẩn khúc trong người nàng.
- Ăn sáng chưa? Lynda nói.
- Cho tách cà phê đen. Tiến nói với người hầu bàn.
Cả hai đem tâm tình viết lịch sử, không thiếu một chi tiết nào.Kể hết như trút niềm đau. Tiến còn độc thân, chàng luôn luôn cảm thấy đời mình như lạc bước giang hồ, tứ cố vô thân, tất cả chìm dưới lòng biển cách đây cũng gần 25 năm. Còn lại mình Tiến giữa chốn phong ba. Đôi mắt Lynda ướt đẫm. Họ nhớ về một mùa hè đã qua, chắc khó tìm lại được ở một nơi không bao giờ có mùa hạ ấm.
Ngoài trời ngọn nắng tháng năm không nồng lắm, da trời xanh lơ lơ nhưng không phải màu xanh của ngày nào. Họ mơ về lại chốn xưa …

III.
Từ ngày vợ chết, ông Hai trở nên tuyệt vọng, chả thiết gì về đời sống, sống lủi thủi một mình, bửa ăn, bửa nhịn, cứ nhớ về tình xưa với vợ hiền. Nhiều lúc ông đi lang thang ở ngoài phố chợ như chó ốm kiếm thức ăn thừa. Ông đi thơ thẩn, nghĩ suy và đâm ra thương nhớ vợ. Ông rươm rướm nước mắt. Ông nghỉ hưu được hai năm sau cái chết của vợ. Khi hai vợ chồng bên nhau là đã sắp xếp kế hoạch về già của hai người. Ông Hai hơn vợ đâu chừng hai tuổi thì khoảng cách để hợp nhau ăn hưu cũng không xa. Hai đứa con; Thuận trai đầu và Châu gái út, cả hai đã lập gia đình. Hai ông bà cảm thấy tự do cho tuổi xế chiều và mong sao thụ hưởng trọn vẹn trước khi về với ông bà. Hai vợ chồng ông Hai tính như thế cũng hợp lý, “cày sâu, cuốc bẫm” ở xứ người lao lực lắm, không nhẽ tới tuổi, bó tay không thụ hưởng để đền bù cái giá ra đi ngày nào. Do đó hai ông bà mong được hồi hương sống và chết cho gần mồ mả cha ông. Nhưng mộng chưa thành thì bà bỏ ông ra đi một mình. Ông Hai ngồi nhìn trời mông lung như chó tháng rưỡi, ngơ ngáo! Giờ ngồi ăn cục thịt cũng không vui. Ông thường tâm tình với bà điều đó, nhưng giờ đây tâm tình với ai. Rõ khốn! Cái xứ nầy ngó thế mà bạc, cảnh đời đổi ngược; cha mẹ ở một nơi, con ở một nẻo, may mà bọn chúng thỉnh thoảng ghé thăm cái thân già, nếu mà chúng quên thì cũng đành chịu, kêu ai bây giờ. Ông Hai nhìn sự thế mà buồn cho phận mình.
Ông Hai quyết định đi thôi. Ông đi để thoả mãn hai điều ước, điều thứ nhất là thực hiện giấc mơ cho vợ. Điều thứ hai, ông đi như chạy trốn khỏi bốn bức tường, trốn khỏi cái đám con tây hoá của ông. Cho nên ông gói ghém cái tài sản còn lại về thôn Trầu, huyện Lưỡi Cày làm cái chòi để dung dưỡng cái thân già với bà con nội ngoại. Nhớ lại; Tư Thông đâu có hướng ra đi để thoát thân như mình, cái thời đó giả không có một đồng dính túi, giờ đây có mấy sào đất, cửa nhà vẻ vang, thịt da đỏ rực, phè phởn so ra mình đâu có đáng gì. Thôi kệ; đã ước thì phải làm thôi. Ông Hai tự ái lắm. Cuối cùng ông mon men về định cư gần biển; cái đó vợ ông cũng thích lắm. Mỗi lần nghỉ phép là đòi đi tới vùng biển để phơi nắng, hứng gió. Biển quê thì giá nào cũng rẻ, tha hồ ăn tôm tươi, cá sống. Chơi kiểu Nhật Bổn sống thọ và nhàn hơn ăn thịt nặng tiền. Ông Hai ngúc ngắc cái đầu đắc ý. Cái chuyện nghỉ dưỡng già ở thôn Trầu coi như bỏ, ông tập trung về bãi Ruốt có người bà con bên vợ ngụ ở đó, có bề gì cũng dễ dàng cho ông.
Mụ Chót; chân đi khập khiễng ra đón ông Hai ở ngõ tre, miệng mụ móm,tay chân run rẩy trông yếu tệ, đôi tay gầy guộc nắm tay ông Hai hoan hỉ và nở nụ cười chân tình, con chó vàng ốm dơ xương đứng cạnh bên mụ Chót ve vẩy cái đuôi, trong gian bếp có một phụ nữ đi qua đi lại, phóng mắt nhìn ra ông Hai và mụ Chót như thử lắng nghe điều gì. Hai người chậm rãi bước vào căn nhà lá, ngọn nắng trưa xuyên thủng mái lá, tạo thành tia nắng thẳng nghiêng như đèn chiếu trên sân khấu . Thôi; cháu mụ Chót thả cái ấm chè nhôm với hai cái chén ăn cơm lên chiếc ghế gỗ, đoạn ngoảy lưng đi ra ngoài sân nhà. Đứng trước tình cảnh nầy ông Hai đượm nét suy tư lên đôi mắt, ông đưa mắt nhìn quanh,ngồi lặng yên không nói, mụ Chót rót nước mời ông Hai. Nhưng ông không khát.

Ở lại thăm quê nhà đâu được ba tuần, ông đáp chuyến bay khứ hồi về lại quê hương thứ hai, nơi mà vợ chồng ông Hai sanh ra hai người con và nay ông đầy đủ bộ sậu, con cháu đề huề.
Ông quay về để tiếp tục hành trình của kẻ tha phương, thường đi lang thang để tưởng nhớ người vợ bất ngờ gặp lại trên đất người vào một buổi chiều ở phi trường Thiên Lý ngày nào. Nhớ một mùa hè đã qua …

VÕ CÔNG LIÊM (ca.ab. mùa sen 5/2011)

Không có nhận xét nào: