Bùi Công Thuấn
Hội nghị những người viết văn trẻ Tp HCM lần III tổ chức tại TpHCM ngày 27,28,29.05. 2011 có 72 đại biểu nhà văn trẻ và khách mời. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhận xét :” Về lịch trình hoạt động của hội nghị lần 3 này, tôi thấy còn dàn trải và thiếu khoa học. Có lẽ là do tài chính hạn hẹp, cái khó bó cái khôn…”. Nhà văn Hải Miên đã chuẩn bị gì cho hội nghị ? Chị nói đùa thế này :” tôi cũng chuẩn bị vài câu chuyện cười địa phương để kể cho các bạn văn nghệ phòng khi cần phải giao lưu. Tôi thấy lịch trình hoạt động của hội nghị vui vui, kiểu như: "dung dăng, dung dẻ, dắt trẻ đi chơi". Nhiều nhà văn trẻ dự hội nghị bày tỏ cảm tưởng hội nghị là dịp gặp nhau, gặp được nhiều bạn văn là vui rồi. Là người “ngoại đạo” dõi theo hội nghị, tôi ghi nhận được đôi điều.
1.TP HCM có một đội ngũ đông đảo nhà văn trẻ. Trong đó nhiều người từ các tỉnh khác đến, tạo nên một diện mạo đa màu sắc (Đồng Chuông Tử, Nguyễn Ngọc Tư, Thu Trân…). Đội ngũ này hứa hẹn những tài năng và những thành tựu. Nhiều người trong số họ đã khẳng định được tài năng văn chương của mình như Nguyễn Danh Lam, Dương Thụy, Vũ Đình Giang, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyệt Phạm, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Nhã Thụy…[1]
2. Những tham luận ở hội nghị chưa nói được gì nhiều về văn chương trẻ TP HCM.
Bài viết “tản mạn” của TS Trần Hoài Anh mới dừng lại ở điểm tên tác giả tác phẩm, các giải thưởng văn chương, chưa chỉ ra được những giá trị của văn chương trẻ và những đóng góp cụ thể của nhà văn trẻ Tp HCM vào văn học chung của cả nước. Trần Hoài Anh có nói đến” những nhà văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh góp phần làm thay đổi diện mạo văn học đương đại của dân tộc.”Nhưng những đường nét diện mạo cụ thể là gì thì chưa được phân tích đánh giá. Xin đọc một nhận định của Trần Hoài Anh,:” Văn xuôi của những người viết trẻ Thành phố trong những năm qua cũng góp phần rất lớn trong đời sống văn học Thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Nhiều cây bút trẻ trước đây đã từng có những tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc trong sự tiếp nhận của bạn đọc cả nước như: Lại Văn Long, Phan Triều Hải, Phan Hoàng, Phan Thị Vàng Anh, Khánh Chi, Trầm Hương …tiềm năng và triển vọng của lực lượng viết văn trẻ thành phố là một chân trời đầy ánh sáng.” Tôi nghĩ, có lẽ nhà phê bình chỉ muốn đem đến niềm vui cho hội nghị, mà không có ý định công bố những nghiên cứu có giá trị học thuật gì về văn chương trẻ TpHCM trong giai đọan từ hội nghị lần II đến nay.
Nhà văn Huỳnh Mẫn Chi bộc lộ một quan điểm về văn chương đã quá cũ kỹ. Chị viết:” Sự thay đổi về đời sống sẽ làm chuyển đổi nền văn học TP.HCM. Thế nhưng trên đà chuyển đổi của cuộc sống, văn học phát triển còn quá chậm so với hiện thực. ..văn học thành phố ta phát triển còn thiếu nhịp đập của một thành phố đang phát triển mạnh nhất của cả nước”. Tôi không rõ nhà văn định nói gì khi viết :” văn học phát triển còn quá chậm so với hiện thực”. Phải chăng nhà văn muốn nói thành phố phát triển vượt bực về mọi mặt còn văn chương thì chưa ? Hay văn chương chưa phản ánh được sự phát triển của hiện thực đời sống thành phố? Phải chăng cứ đời sống vật chất khấm khá hơn thì văn chương cũng phải có những thành tựu tương xứng? Nhưng thế nào là thành tựu văn chương tương xứng? Được các giải thưởng quốc tế chăng? Tôi đoán rằng nhà văn cũng không hiểu điều mình nói. Sáng tác văn chương là sự nghiền ngẫm hiện thực, khám phá hiện thực, và là ánh sáng lương tri đi trước hiện thực. Văn chương theo đuôi hiện thực thì sẽ không còn là văn chương, nó sẽ biến thành báo chí hay sử học. Nhà văn còn quan niệm văn chương theo đuôi hiện thực như thế thì bao giờ văn chương mới cất cánh ?
Đồng Chuông Tử cố “lên gân” cho văn chương dân tộc Chăm :” Dân tộc Chăm là dân tộc yêu văn chương. Tâm hồn Chăm là tâm hồn đầy trần nghệ sĩ tính”. Các nhà thơ nhà văn Chăm “ tạo ra một diện mạo thơ, một dòng chảy lạ đậm đà bản sắc”. “Đồng thời hãnh tiến đóng góp vào nền văn chương Việt Nam, những câu thơ, những bài thơ, những tác phẩm thơ không trộn lẫn với ai”. Xin đọc một bài thơ của Đồng Chuông Tử:
ngọng ngịu ngày dài
thế đấy, cuối cùng ngươi cũng đã bay đi
quắp hết ta theo nốt
trú xứ này và cả nỗi vui con người trong ta
xác xơ và hoang vu trở lại
như vụ nổ hạt nhân được thả xuống từ trên cao
ngọn lửa xanh thơ mộng mang hình hài hủy diệt
vỡ tan ta rồi
không ai đủ quyền năng để xóa sạch buổi chiều ngoài tầm thông hiểu của trí tuệ
sau một loạt hành vi và chi tiết vừa khít cho mảnh sắp đặt lạ
lưu giữ chỉ làm đùn lên điếng đắng mùa màng
những giọt suối sông long lanh lảnh lót này sẽ rút vào thế giới vừa truất phế ta:
"kẻ chiến thắng cô đơn chiến lợi phẩm cô quạnh"
ngầu sóng ưu phiền
thế đấy, cuối cùng nàng cũng quắp con bay đi
cạn khô tinh thể ở lại
Thượng đế, cha thích nhìn sự héo hon rậm rạp lòng con sao?
Đọc bài thơ này, tôi không hề thấy đâu là chất “Chăm” của thơ Đồng Chuông Tử. Bài thơ không hề có chất liệu Chăm, không hề nói bằng kiểu ngôn ngữ Chăm, và không hề được viết bằng kiểu tư duy nghệ thuật Chăm. Trái lại tôi thấy trong bài thơ ấy bóng dáng rất nhiều nhà thơ dân tộc kinh, từ Chế Lan Viên đến Lê Vĩnh Tài, Phan Huyền Thư… Đồng Chuông Tử chưa vượt qua những nhà thơ cùng thời mình, nói gì bản sắc văn hóa Chăm.
Hải Miên bộc lộ một cái nhìn cự kỳ bi quan khi cô viết những ám ảnh của mình trước cái chết của nhà văn Trần Hoài Dương :” :” Người ấy chết như thế giữa một căn phòng tràn ngập sách, trong đó có những cuốn sách của mình. Đấng vô hình nào muốn gửi cho chúng ta thông điệp gì bằng cái chết đột ngột và cô độc ấy của một nhà văn, trong căn phòng đầy sách không một bóng người, không một hơi ấm sự sống nào ngoài chính sự sống vừa rời bỏ mình đi?Phải chăng nỗ lực của một nhà văn, hay nỗ lực của mọi nhà văn, bằng toàn bộ hành trình sáng tác của mình, như một bàn tay vẫy tha thiết và tuyệt vọng về phía con người, về phía sự sống, thì sự đáp trả cuối cùng là như vậy?”Tôi ngỡ rằng Hải Miên sẽ đi tiếp hành trình suy tư về nhà năn, nhưng không, cô nói thẳng ra cái tham vọng của mình :” nỗi khát thèm bất tử chính mình như một căn bệnh của bản thân tôi và giới sáng tác đã tỏ ra quá lộ liễu, vậy nên tôi xin được dừng lời”. Hóa ra nhà văn viết văn chẳng vì ai cả, ngòai nỗi khát thèm bất tử? Vậy thì sẽ còn ai đọc những trang văn ấy ! Người xưa từng nói “lập thân tối hạ thị văn chương” chẳng lẽ Hải Miên không biết điều ấy ?
Tham luận của Ngô Thị Hạnh có đem đến một chút ánh sáng cho hội nghị. Cô có những số liệu và những nhận định có sức thuyết phục. Cô cho biết : ”từ hội nghị nhà văn trẻ lần 2 đến nay, có hơn 40 tác phẩm được xuất bản và có bán trên thị trường sách Việt Nam (tư liệu đính kèm theo tham luận) với 20 nhà văn trẻ…Đặc biệt, nhà văn Phan Hồn Nhiên và nhà văn Dương Thụy, trong vòng 4 năm đã xuất bản 7 tác phẩm…Chất lượng thì khó bàn hơn, liệu một tác phẩm có số lượng phát hành cao nhất có phải là tác phẩm hay nhất? Câu trả lời là khá khó cho các người làm phê bình văn học và những độc giả đọc chỉ để thưởng thức…Yếu tố shock và sex liệu có nên bàn ở đây? Khi mà thị trường sách luôn rộng mở và dung nạp hai điều kiện này, vấn đề dễ dàng để cuốn hút sự tò mò của số đông. Thị trường sách hay cụ thể hơn là dư luận nóng lên với “Sợi xích” của Lê Kiều Như, nhưng bất kì ai, khi đã có dịp đọc tác phẩm này đều kết luận đây không phải là tác phẩm văn học. Và tác phẩm đó đương nhiên tự do nằm ngoài các tác phẩm được thống kê của những cây bút trẻ. Những tác phẩm của Keng, viết về giá trị “cô đơn” của người trẻ với nhiều mối quan hệ chằng chịt và phương tiện thể hiện ngôn từ… theo đánh giá chủ quan của tôi, có thể xem là tác phẩm ở giữa văn chương và ghi chép cảm xúc đơn thuần. Những tác phẩm như vậy cũng có số lượng người đọc nhất định và bản thân nó là một sự giải tỏa cần thiết cho một cá nhân. Người viết chưa ý thức về giá trị thẩm mỹ và nhân sinh mà một tác phẩm văn học cần mang lại.” Một hội nghị, rất cần những tham luận có giá trị thiết thực như vậy cả về thực tiễn sáng tác và những quan điểm đánh giá có tính tiên tiến. Cũng cần có những đánh giá thẳng thắn như : “Người viết chưa ý thức về giá trị thẩm mỹ và nhân sinh mà một tác phẩm văn học cần mang lại “ thay vì những lời lẽ có cánh như :” tiềm năng và triển vọng của lực lượng viết văn trẻ thành phố là một chân trời đầy ánh sáng.”
Trần Minh Hợp nói thẳng ra quan điểm làm văn chương của người trẻ, chẳng có lý tưởng gì to tát cả, ngoài mục tiêu thị trường và “giải phóng” cá nhân :” Cuộc sống hiện đại, đa chiều, đa phương đã đặt giới trẻ trước những cơ hội nhưng cũng lắm nguy cơ lớn nên người trẻ luôn tìm cách “giải phóng” mình, tìm những niềm vui trong cuộc sống và khẳng định giá trị bản thân… Chính vì thế, họ tìm đến với văn chương như một cách…
Những cây viết 7X, 8X nắm bắt nhanh nhạy những xu hướng văn chương và đặc biệt là nhu cầu đang cần của thị trường văn chương. Trần Minh Hợp cũng thú nhận mặt yếu kém của mình :” bản thân tôi, không được đào tạo văn chương thuần túy, những kiến thức về nghề viết còn mơ hồ và nếu không có sự chỉ dẫn của những người viết đi trước thì tôi khó lòng mà viết được một truyện ngắn hay thậm chí là một tản văn trọn vẹn.”Nếu nhà văn trẻ thực chất là như thế (từ ý thức sáng tạo đến trình độ) thì còn mong gì có được một nền văn chương ra hồn! làm gì có “một chân trời đầy ánh sáng “?
Tham luận của Phương Trinh dường như muốn “dạy đời” nhà văn trẻ thì phải. Cô viết :” Bạn có từng quan sát nửa ly nước không? Nửa ly nước chỉ có một. Nhưng có người bảo ly nước đầy phân nửa. Có người bảo ly nước vơi phân nửa. Sự khác nhau nằm ở cái nhìn của từng người.” Phương Trinh lấy lại ý bài thơ Cốc Nước Triết Học[2] của Matthew J.T.Stepanek ( không ghi nguồn.Có thể cô không biết Matie là ai!).Từ tiền đề ấy Phương Trinh “phê” văn của đồng nghiệp chỉ biết viết về nỗi cô đơn trong cuộc sống bươn chải ở thành thị. Sau Đó mượn lời của Andrew Matthews, rằng: “Nếu cuộc sống cho bạn một trái chanh, hãy pha nó thành một ly nước chanh”, Phương Trinh kêu gọi nhà văn trẻ :
” Bạn hãy hình dung trong màn đêm lạnh lẽo, u tối, một ánh lửa yếu ớt được nhen lên. Rồi ánh lửa ấy được truyền đi, truyền đi,… Có thể những ánh lửa đầu tiên sẽ tắt đi. Nhưng rồi ngọn lửa sẽ rực rỡ nếu được tiếp thêm ánh sáng. Cứ thế, những ngọn lửa được thắp và thắp lại, cho đến khi ánh sáng lan tràn… Để mỗi người chúng ta không cảm thấy mình phải sống mà là được sống. Sống đầy ắp. Sống tràn trề.Nhà văn trẻ, bạn có muốn làm những ngọn lửa luôn sáng?”. Thưa nhà văn Phương Trinh, trong sáng tạo nghệ thuật, chăng ai là thầy ai. Mỗi người tự tìm lấy lối đi ngay dưới chân mình. Mọi lời cao đạo giáo huấn đều lố bịch, bởi nhà văn nào dám nhận mình là người nắm được bí mật của sự sáng tạo, để sản xuất ra đều đều tác phẩm hay, tác phẩm tuyệt vời? Những người viết văn có kinh nghiệm biết rõ điều này, tài năng sáng tạo là của trời cho. Trời cho ai bao nhiêu thì được bấy nhiêu! Không biết đến bao giờ VN mới có nhà văn đạt giải Nobel? (Tôi không có ý nói nhà văn không đạt giải Nobel là không tài năng)
Trương Anh Quốc đọc Sự trở lại của vết xước, Giữa dòng chảy lạc, Oxford yêu thương, Bờ xám, Song Song…thì bày tỏ suy nghĩ của mình thế này :“Bây giờ giữa cuộc sống bao lo toan vất vả, việc kiếm sống đã tốn khá nhiều thời gian thì việc cho ra đời một cuốn sách cũng không phải là dễ dàng. Văn chương như là món giải trí cao cấp của những người biết chữ nghĩa. Biết thế nên tôi đọc sách mà không đòi hỏi tác giả phải thế nọ thế kia. Có khi mua nhằm cuốn sách không hay về vứt đó cũng cười mỉm rồi tự nhủ rằng khi nào không còn gì để đọc nữa thì sẽ đến lượt nó. Chín người mười ý, khen chê dở hay đâu lấy gì làm tiêu chuẩn. Văn chương là nghệ thuật. Hay dở do cách cảm từng người.”
Tôi nghĩ, dù là văn chương chỉ là món hàng như mọi hàng hóa khác trên thị trường thì người đọc (người tiêu dùng) có quyền đòi hỏi món hàng ấy phải có chất lượng đạt chuẩn và không có độc tố. Nhà văn không thể tung ra thị trượng “món hàng” kém chất lượng để đầu độc người đọc. Mọi thứ hàng hóa trong cõi đời này, đều có chuẩn đánh giá, hàng hóa văn chương cũng vậy. Không thể nói “Chín người mười ý, khen chê dở hay đâu lấy gì làm tiêu chuẩn”
3. Đọc những tham luận trên, tôi lấy làm tiếc rằng Hội nghị đã không giúp ích gì cho con đường sáng tạo của nhà văn, nhất là khi nhà văn trẻ còn bộc lộ quá nhiều điểm yếu trong nhận thức về văn chương, về mối quan hệ của văn chương với xã hội và với đời sống tinh thần của dân tộc. Ấy là chưa nói đến trải nghiệm những kiếp đời, chưa nói đến học tập những thế hệ đi trước. Thế kỷ 15, Nguyễn Trãi để lại Bình Ngô Đại Cáo như một diện mạo tinh thần của dân tộc, lừng lẫy với lịch sử và thời đại, Nguyễn Trãi được Unesco tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới. Thế kỷ 21 này, nhà văn trẻ nào sẽ khắc tạc được một chân dung dân tộc như thế cho ngàn sau ? Nhà văn trẻ nào đã có tầm nhìn như thế về thời đại và dân tộc mình, trước sự lấn át tứ bề của hội nhập toàn cầu hóa?
_____________________________________
[1] BCT đã có bài viết về các tác giả này trên phongdiep.net
[2]Cốc nước triết học- Matthew J.T.Stepanek
Nhìn mực nước ở lưng chừng cốc
Có người nói: “À, phải,cốc nước này đầy một nửa rồi!”
Nhưng một số khác khi nhìn cái cốc
Lại cho rằng: “Ồ, không,cốc nước một nửa vơi!”
Tôi hi vọng mình thuộc số những người
khi nhìn vào cốc nước của tôi
bao giờ cũng thấy chí ít đầy một nửa.
Trong cuộc sống điều này quan trọng vô cùng
bởi nếu bạn chỉ thấycốc nước của mình vơi đi một nửa
thì cũng có thể nó sẽ cạn tới đáy.
Phongdiep.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét