Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

BÀI PHỎNG VẤN VỀ TÌNH HÌNH VĂN HỌC TRÊN BÁO VĂN NGHỆ

Nhà thơ Ngọc Anh (NA) phóng viên báo Văn Nghệ TPHCM có bài phỏng vấn nhà thơ Vũ Trọng Quang (VTQ) trên báo Văn Nghệ Tân niên số 189 (09/02/2012)câu phỏng vấn và trả lời số 2 bị cắt bỏ, câu số 3 cũng bị lược bỏ; trang mạng này đăng toàn bộ 2 câu ấy.

NA: Theo khá sát tình hình văn học nói chung và văn học trẻ nói riêng, anh có thể cho biết văn học trẻ thế hệ 7X có những khác biệt cơ bản nào với thế hệ 8X, 9X,10X? (về lối viết, khả năng tư duy, sáng tạo…)? Trong số đó, gương mặt trẻ nào theo anh đánh giá là nổi bật hơn cả? Vì sao?

VTQ: Lứa tuổi 7x vào trong thập niên 90, với sự phát triển viễn thông chưa phổ biến lắm, thời ấy báo giấy thông tin dành văn chương cho tuổi đôi mươi khá mạnh, số lượng phát hành cao,

những vị chủ trương sống được, các cây bút trẻ có đất múa bút, đề tài thường là nhớ nhung hoài niệm hối tiếc tình yêu đầu đời tình yêu đôi lứa, dầu trên diện tích chỉ định chật hẹp; từ từ mềm và giảm đi; bây giờ internet phát triển rộng trong mọi lãnh vực, kéo theo sự lớn mạnh của văn học mạng, cuộc cách mạng viễn thông tạo điều kiện cho lớp tuổi 8x,9x, tha hồ bùng vỡ, tạo thêm vật liệu ngôn ngữ khác, khả năng tư duy sáng tạo gieo mở, cân não sức trẻ ở những người tài năng có dịp vươn tới, mặt bằng rộng tự do tràn bờ, mặt tiền thông thoáng tiên phong phóng tới.

Không thể nhìn bằng đôi mắt cá nhân để đánh giá sự nổi trội, nhất là đối với văn chương: vô chừng; với người này thì nhận xét giá trị, đối với người khác thì bĩu môi.

NA: Được biết, thế hệ những cây viết trẻ ngày nay gần như có rất nhiều cơ hội để chứng tỏ mình: tự do sáng tạo, tự do công bố tác phẩm (dưới nhiều hình thức),nhưng dĩ nhiên chất lượng mới là điều đáng bàn đến nhất. Vậy thì làm thế nào để có tác phẩm tốt trong khi “ảo tưởng hào quang” đã có biểu hiện ở rất nhiều người viết trẻ?

VTQ: Họ không có nhiều cơ hội đâu, làm gì có cơ hội nền văn nghệ quán tính lệ thuộc, làm gì có cơ hội thoải mái xuất hiện trên nền báo giấy chỉ huy, làm gì có cơ hội trên nền chỉ đạo của các nhà xuất bản, ( những tác giả có vị trí đôi khi phải ra vào khó khăn ) làm gì chứng tỏ tư duy sáng tạo, tự do công bố tác phẩm, làm gì đặt vấn đề chất lượng; còn may ở nơi các trang web, các blog là đất lành cho sự thể hiện thể nghiệm: tình cảm ý thức chính kiến được tự do phơi bày, dĩ nhiên nơi đây không thiếu gì rác, rác à?, nơi nào mà chẳng tồn tại, nhưng không gì phải hốt hoảng, cái gì giá trị sẽ được thời gian và đám đông gạn lọc. Hoan hô internet chứ.

Nói họ “ ảo tưởng hào quang “ thì hơi phiến diện, một số thôi, có người thích hào quang có người không, có người không muốn hào quang xuất hiện trên các trang báo, không màng gia nhập vào các hội văn nghệ, không bận tâm đến các giải thưởng ; “ ảo tưởng” thì không gì đáng phàn nàn, ảo tưởng mơ đến tưởng tượng, tưởng tượng là yếu tính của sáng tạo.

NA: Phê bình văn học gần như vắng bóng, đặc biệt là văn học trẻ ở thành phố Hồ chí Minh (điều này ai cũng biết)? Nhưng theo anh vì sao như thế?

VTQ: Điều này dễ hiểu, trong môi trường không được thông thoáng, cơ thể văn học thiếu máu thiếu oxy thì sự vắng bóng phê bình là đương nhiên, ngay những sáng tác còn phải tự biên tập, thỏa hiệp mỏng thì phê bình tịnh tiến theo sau làm sao tiến về phía trước, nói chung còn run tay bút, sợ đụng chạm, sợ kẻ đứng trên nhìn ngó xuống, sợ các tác giả cùng mặt phẳng nhìn thẳng vào; có người được gọi là nhà lý luận phê bình còn phủ nhận danh hiệu “ không dám đâu, tôi không phải là nhà lý luận phê bình, tôi chỉ cảm nhận thôi “. Họ hiện diện một cách vô hình.

NA: Theo dự đoán của anh, tình hình văn học trẻ năm 2012 sẽ tiến triển theo hướng nào? Vì sao?

VTQ: Văn học không phải là thời tiết nên không dự báo, nhưng có thể hình dung được, những người viết trẻ cá tính sôi nổi ( cả nông nổi ), sẽ mạnh dạn hành trình hành trang đi tới, đường hoàng đi tới, dầu có bị ngăn chận, dầu biết đi tới thường khi không tới, họ vùng vẫy dẫu trong cô đơn, dịu êm mà bạo liệt, lấy va chạm làm niềm hạnh phúc, va chạm với chính mình va chạm với tha nhân; với họ chứng tỏ là điều cần thiết. Và chắc chắn trên viễn thông đất lành chim đậu cất cánh bay bổng lên.

Bản do nhà thơ VTQ gửi.

Không có nhận xét nào: