Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Lê Thánh Thư Viết Trong Bóng Tối

Vũ Trọng Quang
 Đa phần thơ tập hợp vào Viết trong bóng tối. Amen (*) đã xuất hiện trên các mạng văn chương: tienve, vanchuongviet, damau, litviet; bây giờ văn bản hiện hữu trên Giấy Vụn chứng tỏ một thái độ, minh chứng ngoài luồng, ngoài thuồng luồng kinh kỳ, ngoài hệ thống gọi tên chính thống, mà chính thống để làm gì, để được nằm trong khuôn khổ trói buộc à ? Thái độ viết trong bóng tối là thái độ từ vị trí tọa độ âm u nơi mở đường cho chùm ánh sáng chiếu thẳng tới, không có sự từ từ rón rén mò mẫm mà mạnh dạn lao đến, đi mãi, có thể ngừng một chút ở giao lộ, vận động hành trình ánh sáng tiếp tục. Hai âm Amen thiêng liêng vừa là tiếng đồng vọng thánh ca chấm câu vừa là tiếng âm vang bắt đầu gieo mở; như tiếng thơ Lê Thánh Thư vang cường độ decibel qua màng nhĩ tai lừa: lừa mị, lừa lọc, điếc lừa…; mở trang sách mở ra cánh cửa dành cho sự đồng cảm, không cài then, nhưng không phải ai cũng mở được nếu không có password tâm hồn tâm trạng (Biết đâu có bàn tay nhám nhúa luồng tay vào trong khóa lại!).

Trong phần trả lời phỏng vấn trên litviet tác giả bày tỏ: “Hội họa mang cho tôi sự cứu chuộc, thơ ca mang lại cho tôi niềm an ủi” và “…Giữa hội họa và thơ, tôi cần cả hai để sống. Lao động chính là vẽ, lao động phụ làm thơ…”, có thể Lê Thánh Thư chân thật về quan niệm nghệ thuật, nhung tôi lại nghĩ khác, không có chính phụ ở đây, nhìn và xem trước tác của hắn, tôi thấy cả hai lĩnh vực đều tận tụy như nhau; nhìn bìa tập thơ do chính tác giả thể hiện và phần thi ca thể nghiệm đều cho thấy cần lao biểu đạt đồng hành, nhiều người biết  Lê Thánh Thư một họa sĩ tầm cở và cũng biết luôn một nhà thơ  Lê Thánh Thư đầy đam mê (ngay phong cách trả lời phỏng vấn trên litviet rất thi hứng thi tính), hai con người đều là chủ tịch trong một con người.

Mật độ những câu thư hai chữ và ba chữ có tỷ lệ chiếm ngụ nhiều hơn cả trong toàn sách, làm cho người đọc liên tưởng đồng dạng đồng dao, nhưng đồng dao nơi đây là đồng dao phi hồn nhiên suy nghiệm dành cho người lớn, mang yếu tố tổng hòa :bạo liệt, uất ức, dồn nén, bất đồng, ngao ngán, thất vọng, hy vọng, nghiêm trọng, đùa giỡn.

Đất liền
Há miệng
Bịt miệng
Em quên
Thuyền quyên
Tôi quên
Bút nghiên      
Tháng giêng
Còn nguyên
Cửa thiền
Thâm nghiêm
Cửa quyền
Tự biên
Tự diễn (trang 24)

Câu thơ hai chữ song song làm nghĩ đến đường ray xe lửa, hai đường song song không bao giờ gặp nhau, hay chỉ gặp nhau ở vô cực, yếu tính của con đường thi ca là sự mở không đến đi không tới; cô đơn gặp nhau chạm gió buốt phương Bắc, không áo ấm, không lạnh; cô đơn gặp nhau chạm nắng cháy phương Nam, hừng hực, không nản chí. Phần còn lại của độ dày tập thơ, là thế đứng những câu thơ tự do nhiều chữ, chỗ sống đứng (chứ không phải chết đứng, khi chết thì đứng và nằm đều như nhau)

Tiếng tù và cày xới hoàng hôn
Trên cánh đồng ngập tràn mộ chí
Đâu đây vẳng tiếng kêu
Phải tiếng linh hồn gọi nhau từ dưới ngược lên
Níu ngày chậm lại
Chậm tàn hương (trang 126)

(*)  Xuất bản quý 4/2011, gởi tặng độc giả

NGUỒN: vanchuongviet.org

Không có nhận xét nào: