Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Giai thoại văn chương nghệ thuật trong 'Midnight in Paris'

Bộ phim được đề cử Phim hay nhất tại Oscar năm nay dường như là thiên đường đối với những ai say mê văn chương nghệ thuật. Đây là món quà đạo diễn Woody Allen dành tặng một Paris mà ông yêu quý.

Mỗi khán giả đều có thể đặt mình vào vị trí của nhân vật chính Gil Pender, do Owen Wilson thủ vai, một nhà biên kịch Hollywood say đắm văn chương. Anh đến Paris trong một kỳ nghỉ cùng người vợ chưa cưới Inez. Gil ôm ấp giấc mơ trở về những năm 1920, thời của những nghệ sĩ vĩ đại như Ernest Hemingway, Scott Fitzgerald, Pablo Picasso… Phép màu đó cuối cùng đã xảy ra. Paris của Woody Allen sau nửa đêm tràn ngập sự huyền bí, cuốn hút Gil vào một thế giới mà anh mơ ước, để rồi sau đó, anh nhận ra rằng, những con người anh gặp trong đó, lại mơ ước một thế giới khác trong một quá khứ khác. Ai cũng trốn chạy thực tại.
Midnight in Paris là tấm bản đồ du lịch hữu ích cho những ai muốn tìm kiếm Paris ở góc độ văn chương nghệ thuật.
Poster phim Midnight in Paris. Ảnh: Sony Pictures Classics.
Hemingway và câu nói nổi tiếng về Mark Twain
Hemingway là nhân vật văn học trò chuyện nhiều nhất với Gil trong phim. Khi Gil lần đầu tiên gặp văn hào Mỹ trong một quán rượu, Hemingway đã hỏi: “Anh thích sách của tôi?”, Gil nói: “Thích ư? Tôi yêu chúng”. Hemingway hỏi tiếp suy nghĩ của anh về Mark Twain. Gil ngừng lại một lúc và nói: “Tôi nghĩ ông có thể khẳng định rằng Huckerberry Finn là cội rễ của nền văn học Mỹ hiện đại”. Câu nói này chính xác là rất quen thuộc, bởi nó chính là lời của Hemingway ngoài đời, ông viết như vậy trong cuốn hồi ký Những ngọn đồi xanh châu Phi vào năm 1935.
Người tình của Picasso
Trong phim, người tình của danh họa là một nhân vật hư cấu có tên Adriana (Marion Cotillard đóng), người sở hữu nhan sắc tuyệt trần. Adriana có thể coi là “gương mặt đại diện” cho những mối tình của Picasso. Danh họa Tây Ban Nha kết hôn năm 1918 với một vũ công ballet người Nga, sau đó 9 năm lại có một người tình 17 tuổi. Nhà nhiếp ảnh, họa sĩ Dora Maar là người tình lâu năm của Picasso trong những năm 30 và 40 của thế kỷ trước. Sau đó ông chuyển mối quan tâm sang một nữ sinh viên nghệ thuật kém mình 40 tuổi. Người tình cuối cùng và sau đó trở thành vợ thứ hai của ông là Jacqueline Roque.
Bức tranh La Baigneuse của Picasso
Khi Hemingway lần đầu dẫn Gil đến nhà Gertrude Stein, nhà văn Mỹ và cũng là nhà sưu tầm nghệ thuật đang sống ở Paris, thì trông thấy Stein và Picasso đang tranh cãi về một tác phẩm mới của người họa sĩ. Stein cho rằng bức vẽ chỉ là cách nhìn đầy nhục dục của Picasso về người mẫu kiêm người tình của ông - Adriana, còn Picasso cho rằng bức tranh thể hiện chân thực vẻ đẹp của một Adriana mà ông biết. Đây là một tình huống hư cấu về một bức tranh có thật: bức La Baigneuse vào năm 1928, vẽ một dáng người nằm tắm nắng trên bờ biển.
Phòng khách nghệ thuật nổi tiếng của Gertrude Stein
Trong phim Stein được mô tả như một nhà văn, một “trọng tài văn chương”, người mà Hemingway tin tưởng về gu thưởng thức nghệ thuật và khuyên Gil nên mang tác phẩm cho bà đánh giá. Stein còn sưu tầm tranh cùng anh trai bà, Leo và hai người đã có bộ sưu tập quý giá gồm tranh của Picasso, Cezanne, Renoir và Matisse. Năm 1968, tờ New York Times đã gọi phòng khách nhà Stein là “Bảo tàng đầu tiên của nghệ thuật đương đại”. Trong Midnight in Paris, danh họa Matisse cũng tới đây một lần để bán vài bức tranh với giá vài trăm franc mỗi bức. “500 franc cho một tác phẩm của Matisse?”, Gil đã hỏi lại đầy ngạc nhiên khi nghe Gertrude Stein thông báo, và sau đó anh nói: “Ồ, nó cũng hợp lý đấy”.
Nàng Adriana - nhân vật hư cấu hấp dẫn nhất trong phim
Gil và Hemingway cùng lần đầu trông thấy Adriana, người tình của Picasso, ở nhà Gertrude Stein và đều bị nhan sắc của cô gái mê hoặc. Hemingway chóng tán tỉnh cô, còn Gil chỉ dám ngập ngừng bắt chuyện. Cũng là một chi tiết hư cấu khi Gil trở về thời hiện tại, tìm được cuốn nhật ký của Adriana, trong đó cô viết: “Tôi biết cả Hemingway và Picasso đều yêu tôi, nhưng vì một điều gì đó khó giải thích của con tim, tôi yêu say đắm một nhà văn Mỹ mà tôi mới gặp, anh tên là Gil Pender. Nhưng cuộc đời thật buồn, vì Gil lại sắp cưới một cô gái tên Inez nào đó”.
Mối quan hệ giữa Hemingway và vợ chồng Fitzgerald
Ngay đầu cuộc phiêu lưu của Gil, anh đã gặp liên tiếp Zelda Fitzgerald và người chồng nổi tiếng của bà, Scott Fitzgerald. Đôi vợ chồng giới thiệu anh với Ernest Hemingway. Zelda luôn cho rằng Hemingway ghét bà. Còn Hemingway cho rằng Zelda không xứng với Scott, làm chồng phân tâm trong sự nghiệp viết lách. Scott bị mắc kẹt giữa một bên là người phụ nữ anh yêu và một bên là người nghệ sĩ anh ngưỡng mộ. Mối quan hệ này là có thật. Trong cuốn hồi ký Hội hè miên man, chính Hemingway đã kể lại một trong những hoàn cảnh đó, khi Zelda trong cơn bực tức đã lên tiếng chất vấn về sự nam tính của Scott. Khi đó Hemingway đã phải trấn an Scott trong nhà vệ sinh của một ngôi nhà vùng quê nước Pháp, và quả quyết với tác giả của Gatsby vĩ đại rằng anh không hề thiếu nam tính.
Hemingway và vợ chồng Fitzgerald (dưới) trong phim. Ảnh: Sony Pictures Classics.
Zelda Fitzgerald
Zelda là nhân vật văn học đầu tiên chào đón Gil khi anh trở về thời quá khứ và lọt vào một bữa tiệc ở nhà của nhà văn Pháp Jean Cocteau. Sau đó bà đã ngay lập tức giới thiệu Gil với người chồng của mình, Scott, người làm Gil kinh ngạc vì… trùng tên với một nhà văn rất nổi tiếng, bởi lúc này Gil vẫn chưa biết mình đang ở năm 1920. Về sau, Gil bắt gặp Zelda, vừa uống thuốc ngủ quá liều và toan nhảy xuống sông Seine tự vẫn. Anh thuyết phục người phụ nữ này rằng Scott yêu cô biết bao. Tình yêu đó là có thật, tồn tại trong sự ngao ngán và phản đối của Hemingway, và cũng chính tình yêu này đã cản trở con đường văn chương của Scott Fitzgerald, đúng như Hemingway nhận định.
The Polidor - Nhà hàng nổi tiếng của các văn nhân
Tên tiếng Pháp là Cremerie-Restaurant Polidor, mở cửa năm 1845 ở Quận 6, Paris. Vào những năm đầu thế kỷ 20, nhà thơ Pháp Paul Valery, nhà văn Mỹ Jack Kerouac và nhà văn Ireland James Joyce là những khách hàng quen tại đây. Gil đã đến được đây vào năm 1920, và gặp Hemingway, một khách hàng quen khác, người đã cho anh lời khuyên về việc viết văn: “Không có chủ đề nào là kinh khủng nếu câu chuyện là đúng sự thật và văn phong sạch sẽ, trung thực”.
Djuana Barnes
Trong một bữa tiệc ở năm 1920, Gil đã nhảy điệu Charleston sôi động với một người phụ nữ mà sau đó anh mới biết là nhà văn Mỹ Djuana Barnes. Những năm 1920, Barnes đến Paris để viết bài cho một tạp chí về các nhà văn và nghệ sĩ tại đây. Bà đã có nhận định về James Joyce: “Ông là một trong những nhân vật đáng chú ý nhất của văn học đương thời”.
T.S. Eliot
Trong phim, việc Gil đi tới quá khứ nhờ những cỗ xe Peugeot cổ đến đón anh vào lúc nửa đêm là chi tiết giả tưởng và đạo diễn Woody Allen không có ý định giải thích mà muốn khán giả cứ thế chấp nhận. Trong chuyến đi cuối cùng của Gil, anh nhận thấy người hành khách trên chiếc xe Peugeot đang chào đón mình nói giọng Anh và giới thiệu tên là Tom Eliot, ngay lập tức Gil nhận ra nhà thơ nổi tiếng T.S. Eliot. Gil, như thường lệ, có chút nghi ngờ nhưng cũng rất hào hứng, anh nói: “Prufrock là bài tụng kinh của tôi đấy”, liên hệ đến tác phẩm nổi tiếng Bản tình ca của J. Alfred Prufrock của Eliot.
Owen Wilson và Marion Cotillard trong vai Gil và Adriana. Ảnh: Sony Pictures Classics.
William Faulkner
Vị hôn thê Inez vẫn cho rằng Gil hoang tưởng khi kể chuyện mình trở về quá khứ và khuyên anh đừng chìm đắm trong quá khứ nữa. Khi cãi nhau và sắp đi đến tan vỡ với Inez, Gil trích dẫn một câu nói của William Faulkner, tác giả Âm thanh và cuồng nộ: “Quá khứ không bao giờ chết, thậm chí nó không phải là quá khứ”. Câu này được Faulkner sử dụng trong cuốn Lễ cầu hồn cho một nữ tu vào năm 1951. Nhà văn Mỹ đến thăm Paris vào năm 1925 sau khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình. Ông đoạt giải Nobel văn chương vào năm 1949.
Salvador Dali và những người bạn
Ở nhà hàng The Polidor, Hemingway đã giới thiệu Gil với Dali, danh họa vĩ đại người Tây Ban Nha, nhân vật do Adrien Brody hóa thân đầy thú vị. Dali nói với Gil rằng gương mặt anh làm ông liên tưởng đến một con tê giác. Gil không phải là trường hợp đầu tiên. Dali bị loài tê giác hấp dẫn, và ông vẽ nhiều bức tranh về sừng tê giác. Trong cuộc trò chuyện, Dali giới thiệu Gil với nhà nhiếp ảnh Mỹ Man Ray và nhà làm phim Tây Ban Nha Luis Buñuel. Gil cố giải thích về việc anh đến từ tương lai nhưng các nghệ sĩ này, những người theo chủ nghĩa siêu thực, đặc biệt là Man Ray, đều cho rằng việc đó là hiển nhiên. “Đúng thế. Chính xác đấy”, Man Ray nói với giọng chắc chắn. “Anh sống giữa hai thế giới. Tôi không thấy có gì lạ”.
Nhà hàng Maxim’s
Đây là trung tâm của xã hội và ẩm thực của Paris thế kỷ 19. Eugene Cornuche, người chủ thứ hai của nhà hàng, đã biến nó thành một kiệt tác nghệ thuật theo chủ nghĩa Nouveau. Trong phim, Gil và Adriana đã đến thăm nơi này. Maxim’s cũng là nơi các văn hào như Marcel Proust hay Ernest Feydeau thường lui tới.
Âm nhạc của Cole Porter
Khi Gil bước vào phòng tiệc ở nhà Jean Cocteau ở đầu phim, giai điệu ca khúc Let's Do It của nhà soạn nhạc người Mỹ Cole Porter đang tràn ngập không gian. Gil quay lại và ngay lập tức trông thấy Porter đang ngồi bên cây đàn piano, vừa hát vừa liếc mắt đưa tình với các quý cô.
Tại lễ trao giải Oscar diễn ra vào 26/2, phim Midnight in Paris được đề cử ở bốn hạng mục gồm: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc cho Woody Allen, Kịch bản gốc xuất sắc, Thiết kế mỹ thuật xuất sắc. Phim có sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng như Owen Wilson, Rachel McAdams, Marion Cotillard, Adrien Brody và cả Phu nhân Tổng thống Pháp Carla Bruni. Poster phim lấy hình ảnh nền là bức The Starry Night của danh họa Hà Lan Vincent van Gogh.

http://evan.vnexpress.net

Không có nhận xét nào: