Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Tùy bút VÕ CÔNG LIÊM


THƯ ĐẦU NĂM
            Hay VẾT LĂN TRẦM

     Tôi thân quen một người bạn cao tuổi. Anh trước tuổi tôi đâu chừng 5 năm. Hai chúng tôi quen biết nhau chưa một lần bằng xương, bằng thịt. Chúng tôi thân quen qua văn thơ, thấy nhau qua hình ảnh và từ đó xem như thân thiện. Vắng thư thăm nhau là ’nhớ’. Già như chúng tôi mà gọi là nhớ thì tình quá đi thôi!
Gõ cửa nhà anh, bạn già Ân nhận ra tôi ngay; cười nói vui vẻ và tỏ ra ’welcome’.  Người trong hình khác với người ngoài đời nhiều lắm. Anh phúc hậu, rất mực là người biết điều, xử thế; đúng như văn phong anh viết mà tôi hình dung -văn tức là người- giờ thấy đúng thật. Anh mỉm cười chào tôi như người bạn đã quen nhau từ lâu. Tôi cười chào anh như người anh lớn tuổi của tôi. Ngồi chưa nóng đít, chưa hớp xong chén trà, anh hớn hở rủ tôi đi ăn ngay. -Tụi mình đi ăn, ở nhà tâm sự không thú. Bạn già nói. -Ăn gì sớm thế anh? Tôi nói. -Món nầy ngon lắm: Bánh cuốn Thanh Trì. Tôi muốn mời Trí. Đi thôi! Bạn già nói.
Bánh cuốn Thanh Trì làm tôi nhớ về Hà Nội một lần ghé lại và người bạn mời đi ăn món ngon ở đất Hà thành. Nói đến món ngon làm tôi liên tưởng đến Vũ Bằng. Thì ra ở khắp nơi đất nước ta đều có chi nhánh Thanh Trì, lan qua cả nước ngoài và rồi trở nên ’franchise’ như cầu chứng tại tòa. Ăn ở Hà Nội thấy ngon và lý thú nhờ sản phẩm, chất lượng, ’âm thanh’ trộn vào nhau cho nên Thanh Trì thành món ăn trứ danh. Trong nước; cùng một kiểu chế biến đúng bài bản, đúng con người nhưng âm thanh Thanh Trì mất gốc. Ra nước ngoài người đẹp Thanh Trì vẫn giữ đúng mẫu mực nhưng âm thanh lai căn, nhiều khi Thanh Trì không còn là danh xưng nguyên gốc mà trở thành Americancivilization không chừng. -Ngon lắm cậu thử xem. Bạn già mời. Hai thằng tôi cúi đầu ăn, thỉnh thoảng ngẩng lên cười thích thú, cười không phải ngon miệng, cười vì sung sướng gặp nhau.
Cái ngon của người đẹp Thanh Trì không cần phải rao báo, không cần phải rùm beng, không cần phải chứng tỏ. Ngon; giờ nằm trong bụi người ta cũng ’mò’ tới thưởng thức nhất là cái hay, cái đẹp. Thế nhưng nhiều chủ tiệm, chủ quan rằng phải hô hào thì lắm thực khách. Đúng! Đó là môi trường ẩm thực. Nhập và xuất. Còn như ông bạn già tôi cũng viết văn, làm thơ, làm báo và biết vẽ loẹt quẹt; đầy đủ bộ sậu mà thấy người ít đánh trống hoặc đòi ăn mãng cầu. Và đời vẫn biết tên ông rành rọt. Từ mấy chục năm nay là thế, mà đôi khi anh trở nên khiêm ái và lãnh cảm là khác. Tôi yêu cái ’style’ đó, tôi mến cái lòng hào hiệp thượng mã như thế, nghiền ngẫm tánh khí anh và được là bạn với anh, học ở nơi anh. Thật hãnh diện, thật hạnh phúc tôi.
Thế tại sao trong bài viết nầy lại đưa cái chuyện bánh cuốn Thanh Trì vào đây? Không ăn nhập gì cả. Dạ thưa; đó là cái cớ để chúng tôi có dịp nói chuyện đầu năm và ôn lại những vết lăn trầm lún trong bùn ở giữa ’food-court’ nầy.Vui thôi mà!  

Chí khí mà nói từ xưa nay cái chuyện văn vẻ của dân ta có những cái mà không đi lên được cũng do từ bản chất cố hữu, cứ thấy mình hơn thấy người; chưa nhận một giải thưởng (Nobel) gì cho mát mặt tổ quốc, nhận toàn giải ba-hoa-chích-chèo. Hồi xưa đi học cho rằng vua quan ta thủ cựu: nạn nhân đau khổ nhất là Nguyễn Trường Tộ,  nghe qua thấy cái kiểu cư xử ấy là võ đoán...Thế rồi thời gian trôi và lớn dần mà mình không lớn (lùn như tôi), máu tự hào vẫn còn nằm lì trong tế bào não, tế bào ngũ tạng và ngay cả trên tế bào da mặt. Hiện tượng tế bào đó gọi nôm na là  ’face-talk’ chớ không phải ’face-lift’. Ông bạn già tôi thắc mắc mấy cái từ tôi nói, có thể đi lạc vấn đề(?). Dạ thưa anh; tôi đọc được cái ’self’ của họ, mà cái self là cái đáng ghét. Cho nên nó hiện nguyên hình trên cái mặt đáng ghét đó. Tôi buồn mà không nói nên lời... Anh bạn già tôi đưa đi ăn bánh cuốn Thanh Trì là một gợi nhớ, nhớ về Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, nhớ về giòng văn chương tiền chiến, hậu chiến 1930/1945, giòng cách mạng văn học nghệ thuật 1938, giòng văn hóa Nam Bắc 1954/1975 và cho tới nay từ trong ra ngoài. Những lãnh vực đó ít nhiều vẫn còn duy trì một đức tính bảo thủ, cố cựu, nghĩa là không đứng lại, hay dựa cột ’đình’ nghe lời phải trái, để rồi bước ra khỏi vết-lăn-trầm. Không chịu khám phá cái mới mà chỉ đi tới đi lui, đôi khi vòng vo tam quốc qua mấy thập niên như trâu bò về chuồng. Thậm chí cổ vũ cái văn hóa cổ lỗ sĩ, hay là quá hoài niệm, nhớ người, nhớ ta mà tiếc nuối. Lạ quá; cứ đưa cái ’tôi’ đứng trước thiên hạ. Sao thế? Vì có ai hơn ta đâu! Ông nhà nước cũng thế; cái-ta là của ta, là đỉnh cao trí tuệ cho nên giữ ngôi vị ’Ta’ là ta. Mà cái-ta là cái chi chi, thế mà rủa cho lắm! Qúy vị văn, thơ, họa, nhạc cũng luôn luôn nghĩ là ta nhất trên đời. Cứ đua nhau thi thố, bắt thiên hạ phải biết cái-ta.Thật buồn cười! Nước ta chưa có Viện Hàn Lâm hoặc từ xưa đã lập Quốc Tử Giám rồi phế hưng mà mấy khi xem trọng, vì thế mạnh ai nấy làm, mạnh ai sáng tác, dù sáng tác rất bí-đái hoặc phải gồng, rặn con chữ cho kịp với chợ trời, đưa tới cái gọi là mất sáng tạo, mất cảm tác, bất luận là nó nằm trong bộ môn nào. Cứ phóng ra cái đã, xem giống cái gì đặc tên cái đó, chả phải mô-típ, mô-tơ chi cho mệt. Hay thuộc trường-phái-đặc-tên? Có một cái khổ khác là a-dzua rất ẩu. Thấy cái đám có tên tuổi ’ca’ là đua nhau ca chả biết con giáp nào cả. Bốc! đua nhau bốc, cái ẩu đó vô tình tiêm cho họ mũi thuốc ’hách’, thật ra họ không hách nhưng rồi phải hách vì đời ẩu, cho nên tự cho mình là đại thi hào, đại văn hào, đại họa sĩ, đại phê bình gia, bắt mấy vị đó phải sắm cái vai kịch, cái vai ’không cầu chứng tại tòa’. Viết đâu một vài cuốn sách, truyện, in ấn vài ba tập thơ, lý luận cho ra triết thuyết, vểnh cái mặt kênh kiệu ra dáng cao học; cho nên có nhiều vị không cho về nhà phách tấu, nói phét là thế. Lui! Cứ như là cả thế giới biết đến mình. Cái figuration đó ngó gai con mắt vô cùng . Rồi tịt ngòi không viết. Làm như ta đã viết lừng lẫy chừ viết làm chi, đủ để hậu thế rồi. Đại dzỗm! Hay tại cái bản chất truyền thống? Có thể. Nhìn những nhà văn hóa, văn nghệ nước ngoài (không có nước trong) mỗi khi được phỏng vấn hay đặc câu hỏi; thật tình không thấy họ như mình tưởng. Rất chân tình, không đỏm dáng. Những tay nhà giàu, nhà nghèo ở đây cũng thế, họ không có những tế bào như mình có. Khiêm nhường? Không! cái chất như thế. Với chúng ta thì lại khác, khác hẳn. Họ ùn ùn phong chức, nào là có chân trong đại học, trong văn học, trong trường, trong đời... ai ’bổ nhiệm cái danh xưng đó’  Không cần ai bổ nhiệm, tự có thôi mà! Nâng lên một bề dày tiểu sử  ’ồn  ào’, có như thế mới xôm tụ văn chương. Nhưng có thấy chi mô.
                 ”Ai tri âm đó mặn mà với ai” (ND). Đó mới là đại thi hào!
Ông bạn già tôi thấy tôi thao thao bất tuyệt. Lắng nghe rồi mỉm cười không nói. Hay người đã nhúng chàm nhiều lần trong đời? gác đũa ăn, ông bạn già tôi cứ điềm nhiên nhắp trà ’hoa nhài’ không nói hay góp ý, chắc ông muốn chơi cái câu ’im lặng là vàng’. Tôi buột miệng hỏi ông: - Anh trở lại làm báo, viết văn, làm thơ cho vui tuổi già ?. - Người ta làm rồi; mình lui cho họ làm hay hơn mình làm. Hơn thế nữa báo với cọp dần dần đi ra nghĩa trang nằm ngủ, người đọc thích đọc báo mạng nhiều hơn. Bạn già nói. Tôi suy nghĩ lời nói của người bạn văn. Đúng! đã gọi là ’mạng’ thì cần chi cái chuyện đăng với duyệt. Đăng hay không tùy ông chủ báo, thả vô đăng liền hay dầm dưa cũng tùy ở ông. Cảm tình viên? Hay dựa hơi cho thêm năng động? Duyệt trước khi đăng (posting) hay chả thèm duyệt. Ít có những nhà làm báo mạng chân chính như hôm nay. Cũng có một số mạng rất chăm chút, đọc, sửa trước khi đăng thì có mấy ’trự’ không ưa đi vào. Nói bỏ lỗi; một vài vị làm báo trình độ lỡ cỡ cho nên tự ái cao, cũng có cái-ta trong người, muốn cho mọi người thấy cái-ta nhưng thực ra chưa đáng có cái-ta đó. Tào lao lắm, nhiêu khê lắm, nói không ngạ. Mấy ông phê bình dịch thuật cũng thế. Cái thú ăn mãng cầu của mấy vị  như đỉnh cao...Qúy vị làm báo ngày nay cũng nên biết cho: thằng cầm bút, thằng ngồi bấm máy lia chia cả hai thằng chẳng có lợi nhuận gì nốt. Cả hai thằng ’free’; thế thì giữ độc quyền làm chi rứa? Ăn cái giải gì trong đó. Muốn độc quyền thì trả nhuận bút; ôm mà làm kỷ nghệ! Đó cũng là cái self-An-Nam ta. Thiệt khổ! Mấy ngàn năm rồi vẫn không chịu tắm rửa; ở thế chịu sao thấu? Cũng nên có cái ’courtesy’ với nhau cho vui vẻ đôi bên. Ích kỷ mà làm chó gì! Viết tục thì cho là chạm phong hóa, không sạch. Thế kỷ 21 rồi. Người ta ’make-love’ tỉnh bơ sao không nghe nói gì hết cả. Khoái lắm! nhưng đạo-đức-dzỗm một chút thôi mà. Uạ; sao lại chê bai, bài bác? Bài gởi đến bổn báo tự ý sửa, đổi chữ, đặc đề lung tung như mèo cào. Đại ẩu; chả phép tắc. Cái điều mất tự trọng là coi như phạm húy trường thi đó biết không. Thưa ngài (sir). Nói cho ngay cũng từ cái học vụ lỡ cỡ đó mà ra. -Thôi; ăn đi cả bánh nguội. Mấy ’dzụ’ đó tôi biết quá đi mà. Xưa tôi làm báo, trả nhuận bút đàng hoàng thế mà nhiều khi bị ’giũa’ toe tua. Sá chi cái buổi nhố nhăn này. Bạn già nói.
Nên có một viện Hàn Lâm hay viện Bảo Tàng sách báo cho Việt Nam. Thay vì viện Bảo Tàng súng ống. Kẻo không cái văn chương Việt Nam trở nên tạp-bà-lù. Za không ra ’da’. Pờ không ra ’phờ-ắt-fắt’ là Fờ. Có nhiều tác giả ký giao kèo dài hạn, một hai năm không cho ai vô ’chơi’; cắm dzùi. Cái kiểu nầy khác chi ’mạ lấy tiền rồi con ơi’. Nói vui thôi mà! Thời này ai cũng là ông vua của mình cả. Cái thời vi tính. Mạnh miệng lắm. E lệ cái giống gì. Biết rồi; khổ quá nói mãi... em chả!
Tôi đọc một câu này không biết của ai; quên! Hình như của S. Freud thì phải:
                          ”societal shit” tạm dịch: cứt xã hội. Hay!

                                                                 *

-  Mấy khi đến chơi ba bửa tết. Chú  ở lại nhà tôi ít hôm, bọn mình còn nhiều chuyện vui để kể. Bạn già nói. Thấy cái lòng chân của người bạn mà khó chối từ. Nhưng phải chối từ vì không đủ thời gian để nán lại, nhất là để bạn già phải bận lòng đón đưa giữa lúc nầy thấy không đẹp. Cả hai bọn chúng tôi đã là tuổi thất thập thì buồn chi chuyện ở với đi. Quá đủ rồi phải không ông bạn già của tôi ?
Tôi từ giả người anh tốt bụng, trở về cố quận. Suy ngẫm về mấy lời chân tình của người bạn văn; tấm lòng văn nghệ đáng qúy, nhất là được ăn  món bánh cuốn Thanh Trì ở đất lạ nơi đây. Chúng tôi chia tay lúc ấy trời cũng đã chập tối ./.

VÕ CÔNG LIÊM   (ca.ab. mồng7tết nhâmthìn 29/1/2012)      

Không có nhận xét nào: