Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

TIN BUỒN: Thi Sĩ Tô Kiều Ngân vừa ra đi…

  CHIA BUỒN
Chúng tôi vừa được tin :
Nhà thơ, nghệ sĩ TÔ KIỀU NGÂN đã qua đời vì bạo bệnh, hưởng thọ 86 tuổi.
Lễ nhập quan vào lúc 14 giờ ngày 20 tháng 10 năm 2012 ( nhằm ngày mồng 06 tháng 09 năm Nhâm Thìn ). Lễ động quan lúc 09 giờ sáng ngày 24 tháng 10 năm 2012 ( nhằm ngày 10 tháng 09 năm Nhâm Thìn ). Hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Hiện đang quàn tại tư gia số 57/6/4 Đường Điện Biên Phủ . Quân Bình Thạnh. Sài Gòn.
 
Chúng tôi xin chia buồn cùng tang quyến và cầu chúc hương linh ông sớm an vui nơi miền Cực Lạc.
Trần Áng Sơn - Triệu Từ Truyền - Từ Hoài Tấn - Nguyễn Miên Thảo - Viêm Tịnh - Phạm Tấn Hầu - Lê Ngọc Thuận - Cao Huy Khanh - Văn Viết Lộc - Nguyễn Lương Vỵ - Vũ Trọng Quang - Trần Hữu Dũng - Nguyễn Văn Trai - Giang Hải - Nguyễn Liên Châu - Nguyễn Vân Thiên và anh em văn nghệ quen biết ...

Lê Mộng Ngân tức Tô Kiều Ngân sinh năm 1926 tại Huế. Gia đình, bạn bè, giới thi ca ... bàng hoàng khi hay tin qua đời do bị ung thư phổi


“Tô Kiều Ngân sinh năm 1926 tại Huế. Tuổi trẻ của ông được nuôi dưỡng trong bầu không khí trang nghiêm cổ kính của thành phố buồn, thành phố của những dấu tích xa xưa, của bao nhiêu triều đại đã hưng phế, nay chỉ còn trơ lại một nội thành với những lăng tẩm u trầm, một giòng sông Hương “Nông chờ” tháng năm lạnh lùng trôi qua, biểu tượng niềm riêng, nỗi quạnh hiu của người dân xứ Huế.

Thuở còn cắp sách tới trường, Tô Kiều Ngân đã sớm tỏ có chất nghệ sĩ luân lưu trong huyết quản. Trò Ngân thường trốn học, đi chơi đó đây với cây sáo trúc không mấy khi rời tay.

Rồi chiến tranh Pháp Việt bùng nổ toàn diện, Tô Kiều Ngân cũng nghe theo tiếng gọi kêu khẩn thiết của tổ quốc, khăn gói lên đường tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông được sung vào ban kịch của Vệ quốc đoàn khu IV.

Một ba lô, một ống sáo, ông theo đoàn kịch đi lưu diễn khắp nơi, lang thang suốt từ Huế đến Thanh Hóa. Ông kể:

"Vì tính cách lưu diễn, nên chúng tôi đi hết nơi này tới  nơi  khác. Có cái thú là  những buổi chiều đi qua những làng mạc, những cánh đồng ruộng lúa bát  ngát, tôi say sưa thổi sáo, những bản hùng ca của Phạm Duy, lòng cảm thấy lâng lâng, chân bước nhẹ nhõm vô cùng. Cảnh đó, bây giờ không còn được hưởng nữa."

Ở ban kịch liên khu IV được một thời gian, ông xin tình nguyện chiến đấu tại mặt trận Đèo Hải Vân. Sau đó Tô kiều Ngân bị Pháp bắt năm 1948.

Sau 3 tháng bị cầm tù, ông được thả về. Lúc đó vào khoảng cuối năm 1948.

Từ đó, Tô Kiều Ngân bắt đầu hoạt động văn nghệ. Tác phẩm đầu tiên của ông là kịch thơ 4 màn “Ngã Ba Đường”, do ban kịch SÔNG Ô trình diễn trên sân khấu Huế. Tiền bản quyền tác giả đã giúp họ Tô mua được một chiếc xe đạp. Việc làm này đã chứng tỏ Tô Kiều Ngân là người rất căn cơ, không bừa bãi, thả lỏng, bốc đồng như hầu hết các nghệ sĩ khác. Ông là người biết điều hòa hai cuộc sống Nghệ sĩ và Thực tế.

Năm 1950 ông gia nhập quân đội. Năm 1952 ông đưa gia đình vào Nam. Tại đây, ông lần lượt viết cho các báo ĐỜI MỚI, NGƯỜI SỐNG MỚI, đồng thời ông cũng cộng tác với một vài tờ báo xuất bản tại Hà Nội như HỒ GƯƠM, GIÁC NGỘ…

Năm 1955 ông cùng Đinh Hùng và vài anh em nữa thành lập ban thi văn Tao Đàn trên đài phát thanh Sàigòn. Sau đó ông cùng Thanh Nam chủ trương tuần báo Thẩm Mỹ, rồi cộng tác với Sáng tạo, Văn Nghệ Tiền Phong, Tiểu Thuyết Tuần San v.v…

Ông thuộc loại viết nhanh và rất dễ dàng. Không kể ngày hay đêm, không cần bàn, ghế, bên máy in ông cũng có thể viết được. Ông nói: “Tôi viết theo hứng”.
Trích dutule.com
VŨ TRỌNG QUANG - VCV
vanchuongviet.org


Mời Thân hữu đọc Thơ Tô Kiều Ngân :



NHỚ HUẾ


Anh nhìn em như nhìn thấy quê mình

Ôi xứ Huế thân yêu chừ xa khuất

Nghe em ngâm những âm thanh trong vắt

Anh hình dung thấy bóng

Một con thuyền

Một giải sương mờ

Một khóm trúc nghiêng nghiêng…

Những kỷ niệm ngày xa xưa bừng dậy

Âm thanh ấy thoát từ câu mái đẩy

Tiếng "hò….ơ.." nghe đứt ruột, buồn sao

Biết mấy đau thương, cũng biết mấy ngọt ngào

Lưu luyến ngàn đời

Như không muốn dứt

Giàn mướp vàng con ong bay hút mật

Trưa thiu thiu chày giã gạo buồn tênh

Giọng hò ru em rười rượi cất lên

Em đã ngủ sao chị còn ru mãi

"À…a…ời..

Hai tay cầm bốn tao nôi

Tao thẳng,tao dùi, tao nhớ, tao thương"

Có phải trưa nay chị nhớ người thương

Nên mượn cớ ru em để ru lòng mình thương nhớ

Có phải ngàn năm thương thương, nhớ nhớ

Khiến tiếng đàn bầu thêm xé ruột bào gan

Tiếng Nam Ai rung tận đáy tâm hồn

Tiếng sáo Huế dài thêm thổn thức

Và tiếng em ngâm lơi lơi, dìu dặt

Chở buồn về vây phủ kín hồn anh

Bọn chúng mình bỏ Huế tha phương

Những thổ ngữ lâu ngày quên lững mất

Bỗng hôm nay em ngâm lên như nhắc

Ôi vui sao giọng Huế của quê mình

Tưởng như mình đang đừng ở Bao Vinh

Đang thơ thẩn bên bờ sông Gia Hội

Vỹ dạ , Kim Luông, Nam Giao , Đất mới…

Nghe thân yêu biết mấy tiếng quê ta

Nhớ giọng hò, điệu hát lời ca

Nhớ hường thầu đâu ngát đường Giao Thủy

Nhớ mái chèo khua bên bờ thôn Vỹ

Nhớ bánh bèo, cơm hến, nhớ chè sen

Nhớ phấn thông vàng rụng lối đi quen

Hột móc , hột muồng, trái sim, trái vả

Nhớ hồ Tịnh tâm thơm sen chiều hạ

Nhớ quít Hương Cần, nhớ cốm Hai lu

Nhớ bờ tre vọng mãi tiếng chim cu…

Ngâm nữa đi em bài thơ giọng Huế

Chúng ta sẽ đưa nhau về thăm quê mẹ

Bằng con thuyền êm ái của thanh âm

Ngâm nữa đi em, ngâm nữa đi em.

Cho vợi nhớ thương thầm….



Giọng Huế


Ngắt một chút mây trên lăng Tự Đức

Thả vào mắt em thêm một dáng u hoài

Đôi mắt ấy vốn đã buồn thăm thẳm

Thêm mây vào e tan nát lòng ai

Anh quì xuống hôn lên đôi mắt đó

Bỗng dưng sao thương nhớ Huế lạ lùng

Chắc tại em ngồi bên anh thỏ thẻ

Tiếng quê hương xao động đến vô cùng

" Hèn chi rứa? răng chừ? em sợ lắm"

Mạ ngày xưa cũng từng nói như em

Anh mất mạ càng thương em tha thiết

Như từng thương câu hát Huế êm đềm….

Cám ơn em đã cho anh nhìn lại

Giòng sông Hương trên bến cảng Sài Gòn

Nước như ngọc in bóng thuyền lấp lánh

Mái chèo khua vương nhẹ nhánh rong non


Nếu lại được em ru bằng giọng Huế

Được vỗ về như mạ hát ngày xưa

Câu mái đẩy chứa chan lời dịu ngọt

Chết cũng đành không nuối tiếc chi mô..


Vườn Huế



Xanh mấy từng xanh vườn của Huế

Trúc, cam, chanh, khế, lựu, thanh trà…

Áo cổ y phơi ngoài giậu nắng

Mùi thơm bông mộc thoảng bay xa


Khuôn mặt em đâu phải chữ điền

Trúc không che ngang mà che nghiêng

Để anh mượn cớ đi qua đó

Liếc trộm ra về dạ mới yên


Em vẫn ra vào như bó mơ

Sớm mai vườn ướt đẫm sương mờ

Đến trưa hoa nắng thêu ngoài ngõ

Và tối trăng về đậm ý thơ.


Anh đi qua đó mấy trăm lần

Chỉ dám đi qua không dừng chân

Nghe tiếng đàn em vang thánh thót

Đủ cho lòng một thoáng bâng khuâng


Cho đến ngày em đi lấy chồng

Anh qua vườn chỉ thấy vườn không

Vườn xưa giờ vẫn xanh ngăn ngắt

Có thấu lòng ai buồn mênh mông.





Đưa em về thăm Huế



Rất tiếc chưa đưa em về thăm Huế

Bằng con tàu chạy suốt mấy ngày đêm

Để em ngắm những rừng dừa xoả tóc

Bãi cát vàng sáng mát dưới trăng êm.



Tàu vẫn chạy trong đêm khuya vằng vặc

Bóng Trường sơn lồng bóng biển chập chùng

Ngọn tháp Hời chơ vơ trên đỉnh núi

In một chấm buồn vào xanh thẳm mênh mông.



Em sẽ đi qua sông Trà, sông Vệ

Qua Ngũ Hành sơn, trèo núi Hải vân

Đi hết bãi Lăng cô, Thừa lưu, Nướt ngọt

Huế thân yêu mỗi phút một thêm gần.



Đã đến nơi rồi, quê hương anh đó

Xanh xanh xanh, xanh núi, xanh sông

Trắng nón bài thơ, vàng mơ nắng lụa

Gốc phố khoe tươi đóa phượng hồng.



Em hãy đứng lặng yên một phút

Soi bóng mình dưới mặt nước Hương giang

Em sẽ hiểu, câu trả lời đã rõ

Sao giọng ngâm anh êm ái dịu dàng



Chuyến đò Thừa phủ không còn nữa

Cây đa xưa cũng khuất dấu bên bờ

Mấy o áo trắng đi đường khác

Thiếu tiếng cười, sông nước cũng tương tư



Chuông Thiên Mụ vẫn sớm hôm dìu dặt

Ngọn trúc mềm vẫn ngày tháng đong đưa

Anh muốn thu tiếng chuông chùa huyền diệu

Mở cho em nghe, hoà với tiếng “Hò….ơ”



Để em thấy trong phút giây nào đó

Mình muốn tan ra cùng với tiếng chuông tan

Để nhập điệu vào tận cùng cái đẹp

Của Huế thân yêu, của Huế mơ màng.



Bà con mình bỏ Huế đi cũng lắm

Nhưng người về mỗi lúc một thêm đông

Đi hay ở vẫn thiết tha với Huế

Vẫn bao lần nghe Huế nhói trong tim



Người ta có rất nhiều nơi để đến

Chỉ một nơi thân thiết để quay về

Thắp một nén hương thăm người xưa cảnh cũ,

Đủ nghe lòng ấm lại mới tình quê.

Không có nhận xét nào: