Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

TẠO RA HẠNH PHÚC


Thiền sư Ajahn Brahm
 

 
Nịnh hót có hiệu quả đấy
Tất cả chúng ta đều muốn được khen ngợi nhưng thật không may là chúng ta lại thường nghe lời chê bai. Tôi cho rằng như vậy là công bằng vì chúng ta thường hay chê bai người khác. Chúng ta ít khi khen ngợi ai. Hãy thử lắng nghe mình nói xem. 
Không có lời khen, không có sự củng cố tích cực các phẩm chất tốt, các phẩm chất ấy sẽ giảm sút và mất đi. Nhưng một lời khen ngợi vừa phải sẽ là một khích lệ lớn lao. Tất cả chúng ta đều muốn nghe mình được khen, chúng ta chỉ muốn biết chắc chắn phải làm gì để được nghe lời khen.
Có lần tôi đã đọc một bài báo về một nhóm trị liệu sử dụng sự củng cố tích cực cho những trẻ em mắc phải một chứng rối loạn về nhai nuốt hiếm gặp. Bất kỳ khi nào ăn thức ăn đặc những trẻ em này lập tức nôn ra. Khi có em nào nuốt và giữ được một ít thức ăn trong dạ dày được khoảng một phút thì nhóm này lập tức cổ vũ. Cha mẹ sẽ đội mũ giấy lên đầu và đứng lên trên ghế reo hò và vỗ tay, các cô bảo mẫu sẽ nhảy múa và tung lên trời những mảnh giấy kim tuyến đủ màu, có người sẽ tấu lên những bản nhạc mà các em yêu thích. Em nào giữ được thức ăn lâu trong bụng sẽ được đứng ở giữa để nhận sự chúc mừng. 
Các trẻ em đó bắt đầu giữ được thức ăn trong bao tử ngày càng lâu hơn. Niềm hạnh phúc khi mang niềm vui đến cho người khác kích thích hệ thần kinh của các em. Những em ấy rất thích được khen. Chúng ta cũng thế.
Người nào nói câu : “Nịnh hót chẳng đưa bạn tới đâu” thật là . . . nhưng thôi chúng ta nên tha thứ cho người ấy. Nịnh hót cũng có hiệu quả đấy, phải không các bạn?
 
Làm thế nào để trở thành một VIP
Trong năm đầu tiên ở tu viện tôi phải học cách xây dựng. Phần kiến trúc chính đầu tiên là dãy nhà gồm sáu phòng vệ sinh và sáu phòng tắm, vì vậy tôi phải học cách đặt đường ống nước. Để học, tôi mang bản thiết kế đến một hiệu bán thiết bị vệ sinh, đặt lên quầy và nói, “Nhờ anh giúp một chút.” 
Vì đó là một đơn đặt hàng lớn cho nên nhân viên quầy tên là Fred dành một ít thì giờ giải thích những bộ phận nào cần thiết, vì sao cần, và làm sao lắp ráp những bộ phận ấy. Cuối cùng thì nhờ sự kiên nhẫn, kiến thức phổ thông, và lời khuyên của Fred, việc lắp đặt hệ thống cấp thoát nước ở tu viện hoàn tất tốt đẹp. Viên thanh tra y tế ở ủy ban hành chính địa phương đến kiểm tra rất kỹ và phê chuẩn. Tôi cũng lấy làm sung sướng. 
Một vài ngày sau công ty gửi hóa đơn mua hàng đến. 
Tôi yêu cầu thủ quỹ thanh toán và gửi kèm một lá thư cám ơn, đặc biệt cám ơn Fred đã giúp đỡ trong bước đầu xây dựng tu viện.
Lúc ấy tôi không biết rằng ở một công ty bán thiết bị vệ sinh lớn như thế với nhiều chi nhánh khắp nơi ở Perth có một phòng kế toán riêng. Một nhân viên trong phòng mở thư của tôi ra xem và quá sức ngạc nhiên trước những lời khen ngợi nên đã mang thư ấy đến cho ông trưởng phòng. Thông thường khi nhận một séc thanh toán, người ta hay nhận kèm thư than phiền. Trưởng phòng kế toán cũng hết sức ngạc nhiên nên đã đem bức thư đến cho giám đốc điều hành toàn công ty. Ông giám đốc đọc thư và hài lòng đến độ nhấc máy điện thoại gọi ngay cho Fred đang ở quầy bán hàng ở một trong những chi nhánh và nói về bức thư đang nằm trên bàn làm việc của ông.
“Đây là thứ mà chúng ta luôn luôn tìm kiếm trong công ty đó Fred. Quan hệ với khách hàng! Đó là cách chúng ta đạt tới thành công.”
“Vâng, thưa ông!”
“Anh đã làm việc xuất sắc đó Fred à.”
“Vâng, thưa ông!”
“Tôi ước gì có thêm nhiều nhân viên như anh.”
“Vâng, thưa ông!”
“Anh đang hưởng mức lương nào? Có lẽ chúng tôi sẽ nâng lương cho anh.”
“Vâng, thưa ông!”
“Tốt lắm, Fred!”
“Cám ơn ông”
Sau diễn biến đó khoảng một hai tiếng đồng hồ, tôi đi đến cửa hàng đổi một bộ phận cho một công trình khác. Đứng trước tôi là hai anh chàng thợ ống nước với đôi vai to như cái hầm rút. Nhưng Fred đã nhìn thấy tôi. 
“BRAHM!” anh ta kêu lên và toét miệng cười, “Xin mời đến đây.”
Tôi được đối xử như một VIP. Tôi được đưa ra sau, nơi thông thường khách hàng không được tới, để lựa chọn bộ phận thay thế mà tôi cần. Ông bạn của Fred ở quầy nói cho tôi biết về cú điện thoại vừa rồi của ông giám đốc điều hành.
Tôi tìm được bộ phận tôi cần. Nó lớn hơn và đắt tiền hơn bộ phận tôi trả lại.
“Tôi phải trả cho anh bao nhiêu?” Tôi hỏi. “Giá cả chênh lệch bao nhiêu?”
Với một nụ cười ngoác tận mang tai, Fred trả lời, “Brahm, đối với thầy, không có chênh lệch gì cả!”
Thế thì lời khen cũng có ý nghĩa tài chính đấy chứ!

Nụ cười với hai ngón tay
Lời khen tiết kiệm được tiền bạc cho chúng ta, làm giàu có các mối quan hệ, và tạo ra niềm vui. Chúng ta cần ban phát cho xung quanh nhiều lời khen hơn nữa.
Người khó khen ngợi nhất là chính chúng ta. Tôi được dạy dỗ để tin rằng người nào tự khen mình sẽ trở thành tự cao tự đại. Không phải thế đâu. Họ trở thành người tốt bụng. Khen ngợi những phẩm chất tốt của mình cũng là tích cực cổ vũ những phẩm chất ấy. 
Khi tôi còn là sinh viên, thiền sư đầu tiên của tôi đã cho tôi những lời khuyên rất thực tế. Thầy bắt đầu bằng cách hỏi tôi làm việc gì đầu tiên sau khi thức dậy.
Tôi trả lời, “Dạ đi vào phòng tắm.”
Thầy hỏi tiếp, “Trong phòng có gương soi không?”
“Dạ có.”
“Tốt.” Thầy nói, “Vậy thì, từ nay,mỗi buổi sáng trước khi đánh răng hãy nhìn vào gương và cười với mình.”
“Thưa thầy.” Tôi bắt đầu phản đối. “Con là một sinh viên. Đôi khi con đi ngủ rất khuya, và khi ngủ dậy người con rất uể oải, Có những buổi sáng con nhìn con trong gương còn thấy sợ, huống chi là mỉm cười.” 
Thầy cười, rồi nhìn vào mắt tôi thầy nói, “Nếu con không cười được một nụ cười tự nhiên thì con đưa hai ngón tay trỏ vào hai khóe môi, chống lên như thế này.” Và thầy biểu diễn cho tôi xem.
Thầy trông hài hước không thể tưởng. Tôi bật cười. Thầy lệnh cho tôi phải làm. Và tôi làm theo.
Sáng hôm sau, tôi lê người ra khỏi giường và lảo đảo đi vào phòng tắm. Tôi nhìn tôi trong gương.  “Ờ” Không được đẹp cho lắm. Một nụ cười tự nhiên là không thể được. Thế nên tôi đưa hai ngón trỏ vào hai khóe môi rồi đẩy lên. Tôi thấy một khuôn mặt ngốc nghếch đang làm một trò điên khùng và tôi không nín được cười. Khi có một nụ cười tự nhiên rồi tôi thấy một chàng thanh niên đang mỉm cười với mình. Và tôi cười lại. Chàng thanh niên trong gương tiếp tục mỉm cười. Thế là chúng tôi cùng cười phá lên. 
Tôi tiếp tục thực tập mỉm cười trong suốt hai năm. Cứ mỗi buổi sáng dù tâm trạng thế nào khi bước ra khỏi giường thì chốc lát sau tôi đã mỉm cười với mình trong gương, thường thường là bằng cách dùng hai ngón tay. Những người xung quanh nói dạo này tôi hay cười. Có lẽ những cơ bắp xung quanh môi đã quen với tư thế ấy rồi. 
Chúng ta có thể thực tập chiêu cười với hai ngón tay trỏ bất cứ lúc nào trong ngày. Nó đặc biệt có hiệu quả khi chúng ta cảm thấy chán ngán, nản chí, hay phiền muộn. Người ta đã chứng minh rằng tiếng cười làm tiết ra chất endorphin vào trong dòng máu  của chúng ta, mà chất này lại làm tăng cường hệ miễn dịch và làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Nó giúp chúng ta nhìn thấy 998 viên gạch tốt trong bức tường của chúng ta, chứ không phải chỉ nhìn thấy hai viên gạch xấu. Và nụ cười làm cho chúng ta trông đẹp hơn.
Đó là lý do đôi lúc tôi gọi tu viện Phật giáo Perth là “Thẩm mỹ viện Ajahn Brahm”. 

Lời dạy vô giá 
Tôi có nghe nói rằng bệnh trầm cảm đã tạo ra một công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la. Điều ấy thật đáng buồn! Làm giàu dựa trên sự đau khổ của người khác dường như không hay cho lắm. Trong truyền thống khắc khổ của chúng tôi, các tu sĩ không được phép sở hữu tiền bạc, và chúng tôi không bao giờ đòi tiền cho những bài giảng pháp hay tư vấn hay bất cứ dịch vụ nào mà chúng tôi tình cờ cung cấp. 
Một hôm có một người phụ nữ Hoa Kỳ gọi điện thoại cho một huynh đệ của tôi, một thiền sư danh tiếng, để hỏi về việc học thiền.
Bà ta nói lè nhè trên máy điện thoại: “Tôi nghe thầy dạy thiền.”
“Vâng, thưa bà.” Thầy đáp một cách lịch sự.
“Thầy đòi bao nhiêu tiền?”
“Dạ không lấy tiền.”
“Vậy thì thầy dạy chẳng ra gì.” Bà ta trả lời và gác máy.
Cách đây vài năm tôi cũng nhận được một cú điện thoại tương tự từ một bà người Úc gốc Ba Lan.
Bà ta hỏi:”Có phải chiều nay ở trung tâm của thầy có một cuộc nói chuyện?”
“Vâng, thưa bà. Bắt đầu lúc 8 giờ.” Tôi trả lời.
“Phải trả tiền bao nhiêu?” bà ta hỏi.
“Thưa bà, không phải trả tiền. Miễn phí mà.” Tôi giải thích. Có một khoảng lặng.
Bà ta nói lớn giọng, “Thầy không hiểu ý tôi rồi. Tôi phải trả bao nhiêu tiền để được nghe buổi nói chuyện?”
“Thưa bà, bà không phải trả tiền. Miễn phí mà.” Tôi cố gắng  nói một cách nhẹ nhàng.
“Nghe cho rõ đây!” Bà ta la lớn ở đầu dây bên kia. “Đô la, xu, Tôi phải nhả ra bao nhiêu để được vào cửa?” 
“Thưa bà bà không cần nhả ra cái gì cả. Bà cứ việc đi vào. Hãy ngồi ở phía sau và ra về bất cứ khi nào bà muốn. Sẽ không ai hỏi tên hay địa chỉ của bà, sẽ không ai trao tờ rơi hay yêu cầu đóng góp hiến tặng gì cả. Buổi nói chuyện hoàn toàn miễn phí.”
Bà ta im lặng một chốc.
Rồi bà lại cất tiếng hỏi, tỏ vẻ thực tâm muốn biết, “Vậy thì quí vị được cái gì nào?”
“Hạnh phúc, thưa bà.” Tôi trả lời, “Hạnh phúc.”
Dạo này nếu có ai hỏi các buổi giảng pháp giá bao nhiêu tôi không bao giờ trả lời là miễn phí nữa.
Tôi nói các bài giảng là vô giá.
 
Việc này rồi cũng sẽ qua đi
Một trong những lời dạy vô giá đối với bệnh chán nản cũng là lời dạy đơn giản nhất. Nhưng lời dạy đơn giản cũng dễ bị hiểu lầm. Chỉ khi nào chúng ta cuối cùng thoát khỏi bệnh chán nản mới có thể hiểu một cách đầy đủ câu chuyện sau đây. 
Người tù nhân mới rất sợ hãi và chán nản. Những bức tường đá của xà lim hút hết mọi hơi ấm, những song sắt chế nhạo mọi lòng trắc ẩn; tiếng kêu ken két của thép khi cửa xà lim đóng lại khóa chặt mọi hy vọng. Lòng anh ta trĩu nặng khi thời hạn tù rất dài. Trên tường, phía trên đầu giường, anh ta thấy một dòng chữ viết nguệch ngoạc: Việc này rồi cũng sẽ qua đi 
Dòng chữ này nâng đỡ tinh thần anh cũng như nó ắt đã nâng đỡ tinh thần người tù trước anh. Dù gian khổ bao nhiêu đi nữa, anh cũng nhìn vào dòng chữ này và nhớ “Việc này rồi cũng sẽ qua đi.” Vào ngày anh được thả ra, anh hiểu được trọn vẹn sự thật của dòng chữ. Thời hạn ở tù đã hết, việc giam cầm đã qua đi.  
Khi trở lại cuộc đời bình thường, anh ta thường nhớ lại thông điệp ấy. Anh viết câu ấy trên nhiều mảnh giấy nhỏ và để ở đầu giường, trong xe, ở nơi làm việc. Dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu anh cũng không bao giờ nản lòng. Đơn giản là anh nhớ lại, “Việc này rồi cũng sẽ qua đi” và phấn đấu vượt qua. Những việc tồi tệ cũng không bao giờ diễn ra quá lâu. Khi hoàn cảnh thuận lợi diễn ra anh vui mừng nhưng không bao giờ mất cảnh giác. Anh luôn ghi nhớ, “Việc này rồi cũng sẽ qua đi”, vì vậy dù vẫn tiếp tục sống như thường, anh không bao giờ xem việc đó là điều đương nhiên. Những thời khắc tốt đẹp dường như diễn ra lâu một cách khác thường. 
Ngay cả khi anh mắc phải chứng bệnh ung thư, dòng chữ “Việc này rồi cũng sẽ qua đi” mang cho anh hy vọng. Hy vọng mang cho anh sức mạnh và thái độ tích cực để chiến thắng bệnh tật. Một hôm, chuyên gia y tế khẳng định, “bệnh ung thư đã qua đi.”
Vào ngày cuối cùng của cuộc đời, trên tử sàng, anh thì thào với những người thân, “việc này rồi cũng sẽ qua đi” và anh nhẹ nhàng đi vào cái chết. Những lời này là món quà yêu thương anh trao cho thân nhân và bạn bè. Họ học được từ anh rằng, ”khổ đau rồi cũng sẽ qua đi.”
Chán nản là một loại nhà tù mà nhiều người trong số chúng ta phải trải qua. “Việc này rồi cũng sẽ qua đi” giúp chúng ta có can đảm. Nó cũng giúp chúng ta tránh được một nguyên nhân quan trọng gây nên sự chán nản, đó là xem những giờ phút hạnh phúc là điều đương nhiên.
 
Hy sinh anh dũng
Khi còn làm giáo viên, một hôm tôi để ý tới một em học sinh mà trong kỳ thi cuối năm bị xếp hạng thứ 30 vì điểm thấp nhất. Tôi thấy em rất buồn về kết quả học tập cho nên đi đến kéo em này sang một bên.
Tôi nói với em, “Lớp có ba mươi học sinh thì thế nào cũng phải có người xếp thứ ba mươi. Năm nay, tình cờ, người đó lại là em, một người đã hy sinh anh dũng để không ai bị tiếng xấu là đứng cuối lớp. Em là một người rất tử tế, có lòng nhân ái. Em đáng được thưởng huy chương.” 
Cả hai thầy trò đều biết những lời tôi nói mang tính chất khôi hài, nhưng em nhăn răng ra cười. Em không còn xem đó là một điều bất hạnh ghê gớm nữa.
Năm tới kết quả học tập của em học sinh đó khá hơn, khi tới phiên một em nào đó hy sinh anh dũng.
  
Một chiếc xe đầy phân 
Những điều khó chịu như xếp cuối lớp trong học tập, vẫn thường xảy ra trong đời. Nó xảy ra cho tất cả mọi người. Sự khác biệt duy nhất giữa một người hạnh phúc và một người nản chí là cách mà họ đối phó với thảm họa.
Hãy tưởng tượng bạn vừa có một buổi chiều tuyệt diệu trên bãi biển với một người bạn. Khi trở về bạn thấy một xe phân to mà ai đó đã đổ ngay trước cổng nhà. Có ba điều biết được về đống phân này:
1. Bạn không đặt mua nó. Nó không phải do lỗi của bạn.
2. Bạn bị bí lối. Không ai thấy người đổ xe phân, cho nên bạn không thể gọi ai để mang nó đi chỗ khác.
3. Nó cực kỳ hôi hám. Mùi hôi làm thối cả nhà bạn. Nó hầu như không thể nào chịu đựng nổi.
Trong ẩn dụ này, chiếc xe phân đổ trước nhà bạn tượng trưng cho những biến cố đau buồn đổ xuống đầu chúng ta trong cuộc sống. Cũng giống như đống phân, có ba điều được biết về biến cố bất hạnh đó:
1. Chúng ta không đặt hàng. Nó không phải lỗi của chúng ta. Chúng ta nói, “Tại sao tôi phải chịu?”
2. Chúng ta bị bí lối. Không ai, ngay cả những người yêu thương chúng ta nhất, có thể mang nó đi chỗ khác (dù họ có thể cố thử).
3. Nó rất khủng khiếp, nó hủy hoại hạnh phúc của chúng ta, và nỗi đau do nó gây ra tác động đến toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Nó hầu như không thể chịu đựng nổi.
Có hai cách đáp ứng với hoàn cảnh bị bí lối bởi đống phân. Cách thứ nhất là bạn mang phân theo người đi khắp nơi. Chúng ta bỏ một ít vào trong túi, một ít trong ba lô, một ít trong va li, và một ít trong áo sơ mi. Chúng ta thậm chí bỏ một ít vào trong quần. Khi chúng ta mang phân đi, ta thấy ta dần dần mất bạn bè. Ngay cả những người bạn thân nhất cũng ít còn lui tới.
“Mang phân đi khắp nơi” dụ cho sự chìm vào trạng thái trầm uất, tiêu cực, giận dữ. Nó là một phản ứng tự nhiên, dễ hiểu khi đứng trước nghịch cảnh. Nhưng chúng ta mất rất nhiều bạn bè, vì lẽ tự nhiên và dễ hiểu là bạn bè không ai muốn gần gũi khi ta quá trầm uất. Hơn nữa, đống phân đâu có vì thế mà nhỏ hơn, và mùi hôi của nó lại càng lúc càng tệ hại hơn. 
May mắn thay có cách thứ hai. Khi có một xe phân đổ xuống trước mặt nhà, chúng ta thở một hơi dài, và rồi bắt tay làm việc. Chúng ta mang ra nào là xe cút kít, nào là chĩa, nào là thuổng. Chúng ta bắt đầu dùng chĩa xúc phân vào xe, đẩy nó ra sau nhà và đào lỗ chôn nó trong vườn. Đây là một công việc nhọc mệt và khó khăn, nhưng chúng ta biết không còn phương án hữu ích nào khác.
Đôi lúc chúng ta chỉ có thể đẩy đi một nửa xe cút kít mỗi ngày. Nhưng dù sao, khi ấy chúng ta cũng đang làm một cái gì đó để giải quyết vấn đề, còn hơn là cứ than van, chán nản. Ngày này qua ngày khác, chúng ta chôn phân xuống vườn. Ngày này qua ngày khác đống phân trở nên nhỏ đi. Có khi chúng ta phải mất nhiều năm, nhưng một buổi sáng sẽ đến khi chúng ta thấy rằng đống phân trước nhà đã biến mất hoàn toàn. Ngoài ra, một phép lạ có thể đã xảy ra trong một phần khác của ngôi nhà. Những bông hoa trong vườn đang nở rộ với nhiều màu sắc rực rỡ khắp nơi. Mùi thơm của nó lan tỏa ngoài đường khiến cho hàng xóm và khách qua đường đều mỉm cười sung sướng. Khi đó trái cây trong một góc vườn cũng trĩu xuống vì chúng trổ ra tươi tốt. Và trái cây có vị rất ngọt ngào mà các bạn không thể tìm mua được thứ trái nào giống như thế. Ta có rất nhiều quả để có thể chia sẻ với hàng xóm láng giềng. Và thậm chí có thể mời khách qua đường nếm thử mùi vị của trái cây do phép lạ. 
“Chôn phân đi” là một ẩn dụ cho thái độ đón nhận các biến cố đau buồn coi nó như phân bón cho cuộc đời. Đó là công việc mà chúng ta phải làm một mình, không ai có thể giúp đỡ chúng ta được. Bằng cách chôn nó trong vườn ở ngay trong trái tim ta thì đau khổ ngày một bớt đi.
Chúng ta có thể mất vài năm, nhưng rồi sẽ một buổi sáng sẽ đến khi chúng ta thấy không còn đau buồn trong cuộc sống và trong tim ta một phép lạ đã xảy ra. Hoa trái của từ tâm đã bừng nở khắp nơi và hương thơm của tình thương lan tỏa ra đường, lan đến hàng xóm láng giềng, đến bà con và ngay cả khách qua đường. rồi cây trí tuệ sẽ trĩu nặng cành, tốt tươi tuệ giác ngọt ngào  về bản chất của sự sống. Chúng ta có thể chia sẻ thứ trái cây ngon lành ấy một cách thoải mái ngay cả với khách qua đường mà không dự tính trước. 
Khi chúng ta đã nếm mùi đau khổ, học được bài học của nó, và vun trồng khu vườn của mình, chúng ta mới có thể mở rộng vòng tay ôm lấy một người nào đó đang đau khổ và nói một cách nhẹ nhàng rằng, “Tôi biết.” Họ sẽ nhận ra rằng chúng ta hiểu. Lòng từ ái bắt đầu. Chúng ta chỉ cho họ xe cút kít, chĩa, và thuổng, và rất nhiều sự động viên. Nhưng nếu chúng ta chưa vun trồng khu vườn của mình, chúng ta không thể làm được điều này.
Tôi đã biết có nhiều tu sĩ hành thiền rất giỏi, sống rất an lạc, thanh thản, và rất điềm tĩnh trước nghịch cảnh. Nhưng chỉ một vài người trong đó trở thành những người thầy có tầm cỡ. Tôi thường tự hỏi tại sao.
Bây giờ thì tôi nghĩ rằng những tu sĩ có một cuộc sống khá yên ổn, chôn ít phân, không trở thành những người thầy vĩ đại. Những tu sĩ nào từng gặp nhiều khó khăn, phải âm thầm chôn phân, và vun trồng được một khu vườn sum sê mới trở thành những người thầy vĩ đại. Họ có trí tuệ, có an lạc, và có lòng từ bi; nhưng những người có nhiều phân hơn thì có nhiều thứ để chia sẻ hơn với thế giới xung quanh. Thầy của tôi, Ajahn Chah, theo tôi, là vị thầy cao cả nhất trong tất cả các vị thầy, ắt là đã có cả công ty xe tải với cả đoàn xe đổ phân trước cửa nhà vào thời thầy còn trẻ.
Có lẽ bài học của câu chuyện này là nếu như các bạn muốn phục vụ thế giới này, nếu như các bạn muốn đi theo con đường của lòng từ bi, thì lần tới khi một bi kịch xảy ra trong cuộc đời, bạn có thể thốt  lên, “Ô kìa, lại có thêm phân bón cho khu vườn của ta!” 

Hy vọng quá nhiều 
Hy vọng cuộc đời không có đớn đau là hy vọng quá nhiều,
Thật là sai lầm khi hy vọng cuộc đời không có đớn đau,
Bởi vì đau đớn chính là nhằm bảo vệ cho cơ thể chúng ta.
Dù chúng ta có ghét bỏ nó bao nhiêu,
Và chẳng ai thích đớn đau,
Đớn đau thật là quan trọng,
Và,
Chúng ta nên  biết ơn sự đau đớn!
Làm sao chúng ta biết thụt bàn tay ra khỏi lửa?
Và thụt ngón tay để tránh lưỡi dao?
Thụt bàn chân để tránh gai nhọn?
Thế cho nên đau đớn rất quan trọng,
Và chúng ta nên  biết ơn sự đau đớn!
Tuy nhiên,
Có một loại đau không ích lợi cho mục đích nào,
Ấy là cái đau mãn tính,
Nó là cái loại đau đớn đặc biệt không nhằm bảo vệ,
Nó là lực lượng tấn công.
Một kẻ tấn công từ bên trong,
Một kẻ phá hoại hạnh phúc riêng tư,
Một kẻ tiêu diệt khả năng cá nhân,
Một tên xâm lược hủy hoại sự bình yên của mỗi con người,
Và,
Một sự quấy rầy liên tục cuộc sống!
Cái đau mãn tính là hàng rào mà tâm ta khó nhảy qua nhất,
Đôi khi, hầu như không thể vượt qua được.
Nhưng dù sao, ta cũng phải cố,
Và cố,
Và cố,
Vì nếu không cố, nó sẽ hủy hoại.
Và,
Trong trận chiến này, có vài điều hữu ích.
Sự hài lòng khi chiến thắng được đớn đau,
Thành tựu được hạnh phúc và bình yên, trong đời, mặc cho mọi sự.
Đó quả là một thành tựu,
Một thành tựu rất đặc biệt, rất riêng tư,
Một cảm giác về sức mạnh,
Sức mạnh ở bên trong
Phải trải nghiệm mới có thể hiểu được.
Vì thế cho nên, chúng ta phải chấp nhận đớn đau,
Ngay cả, đôi lúc là loại đớn đau mang tính hủy diệt.
Bởi vì nó là một phần trong kế hoạch của vạn vật,
Và tâm ta có thể đối phó,
Và tâm ta sẽ mạnh mẽ hơn qua sự thực tập.
                             Johnathan Wilson-Fuller
 
Lý do vì sao đưa bài thơ này vào đây, với sự cho phép của tác giả, là nó được viết khi Johnathan mới vừa chín tuổi!
 
Là một thùng rác 
Một phần công việc của tôi là lắng nghe người ta kể lể những khó khăn trong cuộc sống của họ. Thông thường, khi nghe những hoàn cảnh éo le phức tạp mà họ lâm vào, niềm cảm thông của tôi cũng làm cho tinh thần của tôi chùng xuống. Để giúp một người nào đó thoát khỏi hố sâu, đôi khi tôi cũng phải nhảy xuống để nắm lấy tay họ - tuy nhiên tôi luôn nhớ mang theo một chiếc thang. Sau cuộc chuyện trò tôi tươi tỉnh trở lại, luôn luôn như thế. Công việc tư vấn ấy không để lại một dư âm nào hết bời vì tôi đã được huấn luyện theo cách như thế. 
Ngài Ajahn Chah dạy rằng ông thầy tu phải là những thùng rác. Các thầy và đặc biệt là các vị đại đức trưởng lão phải ngồi ở tu viện để nghe người ta kể lể đủ thứ vấn đề, và chấp nhận mọi thứ rác rến của họ. Những vấn đề trong cuộc sống vợ chồng, những khó khăn trong việc dạy dỗ con cái, những cuộc cãi vả với anh em, các vấn đề tiền bạc – chúng tôi nghe vô số chuyện. Tôi không biết vì sao. Một ông thầy tu sống độc thân làm sao mà biết hết những vấn đề hôn nhân? Chúng tôi đã lánh xa trần thế để tránh những rác rến kia cơ mà. Nhưng vì lòng từ bi, chúng tôi ngồi và lắng nghe, chia sẻ sự bình an của chúng tôi, và tiếp nhận tất cả mọi rác rến.
Có một lời dạy của Ajahn Chah mà chúng tôi luôn ghi nhớ. Ngài khuyên chúng tôi phải là những thùng rác có đáy bị thủng. Chúng tôi tiếp nhận mọi rác rến nhưng không giữ lại.
Vì vậy, một người bạn tốt, hay một người tư vấn tốt, cũng giống như một thùng rác không đáy, chẳng khi nào quá đầy để không lắng nghe thêm những vấn đề của thế gian.
 
Có thể như thế là công bằng
Thường thường vào những lúc thất vọng, chúng ta thường nghĩ, “Thật là bất công. Tại sao lại là tôi cơ chứ?” Cuộc đời ắt sẽ dễ chịu hơn một chút nếu công bằng hơn.
Tôi có quen một người tù tuổi độ trung niên. Anh ta thường đến tham dự những cuộc nói chuyện của tôi ở nhà giam và một hôm xin gặp riêng tôi sau buổi nói chuyện.
Anh ta nói: “Thưa thầy, con không hề phạm tội mà người ta qui kết và bắt giam con. Con vô tội. Con biết nhiều phạm nhân cũng nói như thế và họ nói dối, nhưng con thì nói thật. Con không bao giờ nói dối với thầy, với thầy thì con không nói dối.” Tôi tin tưởng anh ta. Hoàn cảnh và cách nói năng của anh ta làm cho tôi hoàn toàn tin tưởng. 
Tôi bắt đầu nghĩ như thế thật là bất công, và tôi tự hỏi không biết mình nên làm gì để sửa đổi một điều bất công khủng khiếp như thế này. Nhưng anh ta cắt đứt những ý nghĩ của tôi.
Anh ta nhe răng cười và nói, “Nhưng thưa thầy, có nhiều tội lỗi khác mà con làm thì không bị bắt gặp, cho nên con nghĩ như vậy cũng công bằng.” 
Tôi cười đến thắt cả ruột. Anh chàng lém lỉnh này hiểu được luật về nghiệp còn hơn mấy sư mà tôi quen biết.
Có bao nhiêu lần chúng ta phạm một “tội”, một hành vi gây thương tổn cho người khác, một hành vi xuất phát từ một tâm địa hiểm ác, mà không bị trừng phạt? Lúc ấy chúng ta có kêu lên, “Thật là bất công! Vì sao tôi lại không bị bắt?” 
Tuy nhiên, khi chúng ta chịu khổ sở mà không có một lý do nào rõ ràng thì lập tức than van, “Thật là bất công! Tại sao lại là tôi cơ chứ?” Có lẽ, cũng là công bằng thôi. Giống như câu chuyện của người tù kia, có lẽ trong đời chúng ta đã phạm nhiều tội mà không bị bắt quả tang cho nên rốt cuộc, cuộc đời cũng công bằng.
  
Trần Ngọc Bảo
Trích dịch từ cuốn Who Ordered This Truckload of Dung? của Thiền sư Ajahn Brahm

Không có nhận xét nào: