Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG : Chiếc Lá Bồ Đề

Thầy Huyền Diệu ở xa về cho tôi một chiếc lá bồ đề. Chiếc lá hình trái tim, mỏng như một tờ giấy pơ-luya trong suốt in rõ những đường gân lá li ti như những đường chỉ tay. Cây bồ đề trong tiếng Phạn là pipala - tiếng Anh là peepul/pipal – là loại cây cổ thụ mọc nhiều trong rừng Ấn Độ.

Nhưng đây không phải chiếc lá bồ đề bình thường. Đây là chiếc lá từ cội bồ đề, nơi Đức Phật Thích Ca đã ngồi thiền định và thành đạo hơn 2.500 năm trước. Chính vì vậy mà cây pipala đã mang tên Bồ đề (Bodhi), để trở thành biểu tượng của tuệ giác. Trong những ngày xây dựng và trụ trì ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật, thầy Huyền Diệu nhiều lần nhặt lá bồ đề dưới gốc cây thiêng này, nơi tâm điểm của một hệ thống chùa quốc tế đại diện cho tấm lòng sùng kính từ gần 20 nước quy tụ về đây, hợp thành Bồ Đề Đạo Tràng (Bouddha Gaya) nằm trong thị trấn Gaya thuộc bang Bihar ở miền đông bắc Ấn Độ. Thường mỗi đêm có gió to, lá bồ đề rơi rụng trên mặt đất, sáng tinh mơ thầy trò “người làm vườn kiêm quét chùa” này phải dậy thật sớm để nhặt lá, trước khi những người dân địa phương ở quanh vùng và khách hành hương đến đây tìm lá như xin một món quà của Đức Phật.

Mang lá về chùa, thầy lại chọn ra những chiếc lá già đẹp nhất đem ngâm nước vo gạo khoảng gần một tháng thì vớt ra chỉ còn lại thân lá gân mềm. Thầy ép lá thật mỏng rồi dán lên một trang giấy giới thiệu lịch sử ngôi chùa Việt ở Bồ Đề Đạo Tràng. Mỗi lần về thăm quê, thầy lại mang lá và hạt bồ đề về làm quà cho những người ở nhà. Tôi vốn không hiểu biết về công việc của thầy, chỉ gặp thầy đôi lần, trong đó có một lần tình cờ đi cùng với thầy trong chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà Nội, nhưng hình như là một trong những người đầu tiên có cơ duyên nhận lá.

Hơn mười năm trước, hồi viết chung cuốn Danh lam nước Việt với anh Võ Văn Tường, nhờ đọc tài liệu và đi thực địa tìm cảm hứng, tôi biết ở nước ta có những ngôi chùa trồng cây bồ đề được ương giống hay chiết cành từ cây bồ đề trên xứ Phật, như chùa Trấn Quốc ở Hà Nội hay chùa Từ Đàm ở Huế. Nhưng tôi không bao giờ dám hái lá trên những cành cây thiêng ấy và cũng không nghĩ xin lá rụng về ép như thầy Huyền Diệu đã làm.

Bây giờ, tôi trân quý chiếc lá thầy cho, đem lồng trong khung kính đặt trước bàn viết, bên cạnh những kỷ vật mà tôi mang về sau những chuyến đi xa. Giữa hai trang viết, tôi lại tĩnh tâm nhìn thật sâu vào từng đường gân lá và thấy trên mặt lá hiện ra lúc thì như một mạng nhện tinh vi, lúc thì như một mê cung huyền bí. Có hôm tôi bừng thức tự hỏi về sự có mặt của chiếc lá trong căn phòng của mình: con đường nào đã đưa chiếc lá đến với tôi, và tại sao chính là chiếc lá này chứ không phải chiếc lá nào khác trong hàng nghìn hàng vạn chiếc đã mọc ra trên cây bồ đề mà thầy Huyền Diệu hàng ngày chứng kiến? Tuy nhiên, tôi tự kiểm thảo rằng mình chưa đủ lành sạch và tinh tấn để tiếp nhận mật pháp mà chiếc lá bồ đề chỉ dạy cho tôi.

Chiếc lá bồ đề cũng có một cuộc đời, một số phận. Từ khi được thầy nhặt lên dưới gốc cây, chiếc lá đã được tái sinh, sự hiện hữu của nó như kéo dài ra. Và tôi, hạnh phúc thay, là người được tham dự vào cuộc đời mới của nó. Đời chúng ta cũng như đời chiếc lá, một ngày nào đó ta cũng sẽ bay đi. Chỉ tiếc không có bàn tay bao dung nào như bàn tay thầy Huyền Diệu nhặt chúng ta lên cho được tái sinh. Chính chúng ta, ngay từ khi còn trên cây đời, khi chưa úa vàng, phải tự chuẩn bị cho một chuyến bay vào vô tận.

Tất cả những kỷ vật trên bàn viết của tôi đều được ghi nhớ ngày tháng và nơi chốn. Đó là những nơi mà tôi đã đi qua trong những chuyến đi được cuộc đời ban tặng. Riêng xuất xứ của chiếc lá bồ đề này là nơi tôi chưa hề đặt chân đến và vẫn ước mơ một ngày gặp gỡ. Các anh Hoàng Hưng, Trần Trọng Thức, Hồ Anh Thái… đã từng đến đó và kể lại những điều mắt thấy tai nghe. Còn tôi, tôi chỉ có chiếc lá này làm sợi dây liên lạc giữa tâm thức mình và đất Phật.

2007

In trong sách Bây giờ mà có về quê…, NXB Phụ Nữ, Hà Nội, 2011.

http://www.viet-studies.info

Không có nhận xét nào: