Khái quát
Theo bước chân của những nhà truyền giáo và thương nhân, văn hóa phương Tây đã đến nhiều vùng đất ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đông Nam Á... Ở Việt Nam, cùng với sự xâm lược của thực dân Pháp, văn hóa Pháp và phương Tây đã xâm nhập đất nước ta, ảnh hưởng nhất định đến tư tưởng và tình cảm các tầng lớp dân chúng thời ấy. Sự thay đổi về chế độ chính trị, sự biến động trong kết cấu xã hội, đổi thay về cuộc sống và tâm trạng đã tác động đến quá trình sáng tác, cảm xúc, suy nghĩ của người trí thức. Về mặt nghệ thuật, chủ nghĩa lãng mạn phương Tây (cùng một số trào lưu khác sau đó như tượng trưng, siêu thực) xuất hiện từ một thế kỷ trước đó đã để lại dấu ấn rõ nét và tạo nên một trào lưu nghệ thuật mới trong văn chương, hội họa, âm nhạc Việt Nam, trong đó mạnh mẽ nhất vẫn là ở lĩnh vực văn chương kể từ đầu thập niên 1930 trở đi.
Văn chương lãng mạn
Tuy chịu ảnh hưởng sâu đậm của phương Tây nhưng ở Việt Nam nghệ thuật lãng mạn không tạo nên trường phái, không có tuyên ngôn rõ ràng. Người ta nhận ra khuynh hướng ấy trong các tác phẩm văn thơ, trong một số quan điểm nghệ thuật và thẩm mỹ từ những phát biểu và tranh luận của nhiều cây bút thời bấy giờ. Trên văn đàn bắt đầu xuất hiện những cây bút mới, trước hết là phong trào Thơ mới và nhóm Tự Lực văn đoàn.
Thật ra mầm mống lãng mạn đã manh nha từ một số tác phẩm trước năm 1930 của Tản Đà, Đoàn Như Khuê, Tương Phố, Đông Hồ, Hoàng Ngọc Phách với Tố Tâm... Dưới ảnh hưởng của thơ ca Pháp, những tác giả thơ mới đã mạnh mẽ đi vào thế giới tâm hồn, đi vào cái tôi, cái bản ngã đậm chất riêng tư. Vả lại thơ mới xuất hiện đầu những năm 1930 giữa thời kỳ thoái trào cách mạng và khủng bố 1930-1931, khủng hoảng kinh tế cho nên những trí thức, viên chức thành thị, trong đó có những nhà thơ mới, lại dễ dàng tìm vào cái tôi hơn. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh viết: “Ngày thứ nhất - ai biết đích ngày nào - chữ tôi xuất hiện trên thi đàn Việt Nam, nó thực bỡ ngỡ. Nó như lạc loài nơi đất khách. Bởi nó mang theo một quan niệm chưa từng thấy ở xứ này: quan niệm cá nhân”. “Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh... Thực chưa bao giờ thơ Việt Nam buồn và nhất là xôn xao như thế”.
Chủ nghĩa lãng mạn đã tạo được một giai đoạn thơ ca giàu hương sắc với nhiều phong cách và cá tính sáng tạo phong phú. Chính Tố Hữu cũng nhìn nhận rằng thơ mới đã nói lên được “một nhu cầu lớn về tự do và về phát huy bản ngã”. Có người cho rằng đó là khuynh hướng thoát ly và tiêu cực. Thật ra những nhà lãng mạn chỉ trung thành với khuynh hướng đã lựa chọn của mình, dù có thể hoàn cảnh xã hội có tác động thật sự đến tâm hồn họ, thậm chí đôi khi tác động thật mạnh mẽ nữa.
Cũng chính tác động ấy mà Huy Cận đã nói đến nỗi “đau đời” và Nhạc sầu dù có làm rơi lệ nhưng vẫn ấm áp chất nhân văn rõ rệt. Nếu văn chương cổ điển là văn chương phi ngã thì ngược lại văn chương lãng mạn đưa vào đậm nét cái tôi cá nhân, khẳng định cái tôi một cách tích cực, xem cái tôi là một chủ thể sáng tạo được khai thác không hề vơi, đã cảm thụ thế giới thiên nhiên và con người qua trái tim giàu tình cảm. Sự xuất hiện cái tôi đồng thời đem đến cuộc đấu tranh đòi tự do cá nhân, giải phóng cá nhân đã là một yếu tố tích cực và tiến bộ. Xuân Diệu thể hiện nỗi khao khát được sống mạnh mẽ: Chân nổi gió cứ mặt trời thẳng đến và mong được nâng hồn mình lên Để hóng gió của ngàn phương thổi tới. Còn Phạm Huy Thông thì Muốn có đôi cánh tay vô ngần to rộng, Để ôm ghì cả vũ trụ vào lòng tôi. Lại nữa ở trong một xã hội nửa phong kiến nửa thuộc địa, các nhà thơ mới lại càng ra sức đấu tranh cho quyền tự do yêu đương, cho những cảm xúc phong phú, cho những mơ mộng xa vời, cho cái đẹp mang màu sắc chủ quan của mình. Huy Cận tìm lại những nét đẹp của dân tộc từ trong quá khứ, trong vũ trụ trăng sao; Xuân Diệu say sưa trong tình yêu đắm đuối; Lưu Trọng Lư tìm cái đẹp ở người tráng sĩ, ở con nai vàng ngơ ngác trong rừng thu; Thế Lữ theo gót hải hồ của người chinh phu hoặc mơ về tiên giới; Phạm Huy Thông đi tìm người anh hùng chiến bại; Thâm Tâm yêu người ly khách ra đi không trở về...
Trên những nẻo đường mới, nhà thơ lãng mạn tìm vào tình yêu. Thơ tình yêu tràn ngập trên báo chí, sách vở đương thời. Trong các nhà thơ mới, Xuân Diệu được xem là nhà thơ của yêu đương, là thi sĩ của tình yêu. Thơ của ông là bài ca sự sống. Dưới mắt ông, yêu là thái độ sống mãnh liệt và tình yêu đôi lứa là nguồn cảm hứng sâu sắc nơi ông. Xuân Diệu nồng nhiệt, say mê nên vội vàng, giục giã yêu đương “Gấp đi em anh rất sợ ngày mai”, “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi” để rồi thấy cuộc đời “nổi nênh, xiêu đổ, tan tác, tứ ly”. Còn ở Vũ Hoàng Chương, tình yêu là lẽ sống cao cả, ông đã ôm giấc mộng tình mà thảm thiết khóc than. Và ở chặng cuối đường ông không quên cái vị chua chát của tình yêu xác thịt để rồi tìm vào thơ say: Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mải, Chút ngây thơ còn lại cũng vừa chôn (Vũ Hoàng Chương) ...
Thơ lãng mạn vẫn có những bài thơ yêu đời, yêu cuộc sống, ngợi ca tình yêu trong sáng (Xuân đầu, Tặng thơ của Xuân Diệu; Chiều xuân, Tình tự, Áo trắng, Đi giữa đường thơm của Huy Cận; Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp; Tương tư, Hai lòng của Nguyễn Bính...) hoặc say đắm thiên nhiên, khao khát niềm giao cảm với cuộc đời. Người ta tìm thấy ở đó những nét đẹp hồn nhiên của tình yêu tuổi học trò, những kỷ niệm tươi thắm của một thời e ấp, say đắm ban sơ, của tuổi thần tiên thơ mộng... Nhưng sắc nét hơn cả ở thơ lãng mạn vẫn là cái tôi buồn bã và cô đơn - dưới mắt một số người đã trở thành yếu tính của lãng mạn. Cái buồn bã ấy đôi khi chỉ làbuồn xa vắng, buồn vẩn vơ, buồn mênh mông từ trong những hình ảnh quen thuộc của cảnh vật chung quanh, chẳng hạn tiếng gà trưa đều đi vào trong thơ Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, gợi nên một nỗi buồn rười rượi, một vẻ hoang vắng, đìu hiu và cô liêu: Mỗi lần nắng mới hắt bên song, Xao xác gà trưa gáy não nùng; Tiếng gà gáy buồn nghe như máu ứa, Chết không gian khô héo cả hồn cao. Vũ Hoàng Chương thì nghe buồn suốt cả cuộc đời: Mưa lùa gian gác xép, Ngày trắng theo nhau qua. Lá rơi đầy ngõ hẹp, Đời hiu hiu xế tà. Nhưng cái buồn ấy còn được đẩy tới bến bờ da diết, áo não nhất: nó bàng bạc khắp cả thời gian, không gian, đó là nỗi buồn nhân thế, dường như cũng thấm đẫm tự ngàn xưa như trong Kinh cầu tự, Lửa thiêng của Huy Cận ...
Nỗi cô đơn cũng là nét chủ đạo của văn chương lãng mạn. Những nhân vật cô đơn để lại dáng vẻ nổi bật, đó là Lamartine dưới gốc sồi trong buổi chiều hôm sau cái chết của Elvire, là René của Chateaubriand, Dũng của Nhất Linh, là “kẻ bộ hành ngơ ngác” của Thế Lữ, là nàng kỹ nữ của Xuân Diệu... Như vậy dễ nhận ra con người của văn chương lãng mạn là một cái tôi buồn vơ vẩn, cô đơn chán nản và “lịm người trong thú đau thương”(Lưu Trọng Lư). Thật ra cái tôi đó xuất hiện và đắm chìm trong hoàn cảnh xã hội lay chuyển, đổi thay đến ngột ngạt nên trở thành cô đơn, cách biệt, buồn thương: Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá, Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ...(Xuân Diệu) và đến đây ta đã có thể nghe tiếng khóc dài trong văn chương Việt Nam.
Người ta còn tìm thấy ở các tác phẩm lãng mạn tình yêu thiên nhiên, lòng yêu nước sâu sắc, tìm thấy rất nhiều hình ảnh quê hương, đất nước, nhiều màu sắc dân tộc, nhiều nét đẹp xưa, đậm đà hương vị làng quê, ở đó thấm đẫm tinh thần dân tộc, sáng lên tâm hồn và cốt cách Việt Nam: Huy Cận với Tràng giang; Xuân Diệu với Đây mùa thu tới; Tế Hanh với Quê hương; Hàn Mặc Tử với Mùa xuân chín, Đây thôn Vĩ Da; Đoàn Văn Cừ với Chợ tết; Anh Thơ với Chiều xuân; Nguyễn Nhược Pháp với Chùa Hương; Vũ Đình Liên với Ông đồ, Nguyễn Bính với Lỡ bước sang ngang... Hình ảnh đất nước trong thơ mới là hình ảnh của nước Việt Nam thanh bình, đẹp đẽ và đáng yêu hiện lên với tất cả trìu mến. Bên cạnh hình ảnh đó, các nhà thơ mới còn biểu lộ tâm sự yêu nước thầm kín. Họ nghĩ đến quê hương, đất nước, khao khát tự do, độc lập; đó là tâm sự con hổ của Thế Lữ, là hình ảnh khách chinh phu vừa đau xót vì cảnh mất nước vừa say mê cái đẹp của thiên nhiên, là giấc mộng anh hùng qua hình ảnh Kinh Kha quan tâm đến những người bị chà đạp trong xã hội. Tiếng thơ đau xót. quằn quại của họ có ý nghĩa một lời phủ nhận, phản kháng thực tế xã hội của chế độ phong kiến thực dân đương thời.
Trào lưu lãng mạn cũng đã có được những tác phẩm mang ý nghĩa nhân văn, tiến bộ. Có thể nhắc đến Nhớ rừng, Tiếng gọi bên sông của Thế Lữ; Con voi già của Phạm Huy Thông; Đôi bạn, Đoạn tuyệt của Nhất Linh, Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân... Người đọc nhận ra một Nhất Linh biết băn khoăn, dằn vặt đi tìm lý tưởng; một Khái Hưng sôi nổi, yêu đời, lạc quan trong cái xao xuyến của một lớp thanh niên cùng thế hệ; một Thạch Lam giàu lòng nhân ái... Tác phẩm của nhóm Tự Lực văn đoàn ngoài những tiểu thuyết lãng mạn còn có những tiểu thuyết phê phán mạnh mẽ lễ giáo phong kiến, đoạn tuyệt với cái cổ hủ, lạc hậu, xiển dương cái mới được lớp người trẻ đồng tình.
Cũng chính với lòng yêu nước đó, sau này một số nhà văn, nhà thơ lãng mạn đã dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng của dân tộc.
Âm nhạc lãng mạn.
Bối cảnh lịch sử và cơ sở xã hội để hình thành và phát triển âm nhạc cải cách tức là tân nhạc, trong đó có âm nhạc lãng mạn, cũng tương tự như ở lĩnh vực văn chương, hội họa. Có nghĩa là xuất phát từ bầu khí xã hội và làn gió Tây học đã lan đến các tầng lớp công chúng, nền tân nhạc hình thành và phát triển theo nhiều khuynh hướng khác nhau. Ở giai đoạn đầu của nền tân nhạc, âm nhạc lãng mạn đã có mặt và khẳng định được diện mạo riêng, tạo được vai trò và ảnh hưởng lớn lao đối với người nghe không chỉ trong giai đoạn ấy mà còn kéo dài đến ngày nay.
Sơ lược về sự ra đời của nền tân nhạc Việt Nam.
Cuộc xâm lăng của thực dân Pháp đã đưa luồng văn hóa phương Tây vào đất nước ta. Tuy ở trong một hoàn cảnh bị áp đặt song chúng ta vẫn xem đây là sự giao thoa và tiếp biến có tính chất quy luật giữa hai nền văn hóa. Chúng ta tiếp nhận và sau đó cải đổi để sáng tạo nên cái của riêng mình. Từ vốn liếng di sản âm nhạc dân tộc sẵn có, ta tiếp thu kỹ thuật sáng tác mới với nguồn cảm hứng thời đại mới để tạo nên âm nhạc cải cách, tên gọi ban đầu của tân nhạc.
Trong khi các phong trào ca hát lời ta điệu Tây diễn ra, các nhạc sĩ Việt Nam trong giai đoạn đầu của nền tân nhạc cảm thấy có nhu cầu sáng tác bài hát của chính mình trên cơ sở ký âm pháp Tây phương. Nhu cầu này có động lực tất yếu là sự đổi thay của xã hội, từ đó thị hiếu mới nảy sinh và công chúng đô thị ưa chuộng sự mới lạ trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc nói chung, ca hát nói riêng. Như vậy ngay từ những năm 1930 chúng ta đã có những sáng tác thuần Việt ra đời, trong đó có những bài hát chịu ảnh hưởng âm nhạc Tây phương song cũng không ít những bài hát mang ngôn ngữ âm nhạc dân tộc. Trong buổi đầu của phong trào tân nhạc, có nhiều nhạc sĩ hoạt động đơn lẻ song cũng có nhiều nhạc sĩ qui tụ thành từng nhóm do cùng sở thích, chủ trương và môi trường hoạt động. Những nhóm này đã có nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật; họ cũng là những người tiên phong trong phong trào sáng tác và phổ biến những bài tân nhạc đầu tiên, tạo được ảnh hưởng lớn lao trong quần chúng và có vai trò lịch sử nhất định trong quá trình hình thành và phát triển nền tân nhạc Việt Nam. Có thể kể đến những bài hát đầu tiên xuất hiện sớm trong phong trào tân nhạc như Bẽ bàng (1935), Nghệ sĩ hành khúc (1937) của Lê Yên; Tiếng sáo chăn trâu (1935), Bên hồ liễu (1936), Bóng ai qua thềm (1937) của Văn Chung; Xuân năm xưa (1936) của Lê Thương; Gió thu (1937), Tiếng hát đêm thu (1938), Biệt ly (1939) của Dzoãn Mẫn…
Thật khó xác định thời gian hình thành và xuất hiện của các nhóm nhạc, tuy nhiên theo hồi ức của các nhạc sĩ lão thành, có thể đó là những năm 1936-1940 - thời gian mà phong trào được thúc đẩy mạnh mẽ và tạo đà phát triển cho nhiều thập niên sau. Có thể kể đến các nhóm nhạc chính như sau:
- Nhóm Myosotis: Nhóm này gồm các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Phạm Văn Nhường, Trần Dư, Vũ Khánh... từng hoạt động từ nhiều năm trước đó trong các buổi họp mặt hoặc các buổi diễn từ thiện ở các rạp hát. Trong nhóm, nhạc sĩ Thẩm Oánh chủ trương trung dung, nghĩa là các bài hát cải cách theo ký âm pháp Tây phương nhưng có “ý nhạc Việt Nam” và “cảm tưởng thuần túy Á Đông”. Còn nhạc sĩ Dương Thiệu Tước chủ trương sáng tác theo “âm điệu Tây phương” cũng như nhiều nhà văn Việt Nam viết bằng tiếng Pháp vậy. Bên cạnh việc hòa nhạc, nhóm còn có hoạt động nổi bật khoảng cuối năm 1938 là xuất bản các bài hát của nhóm, đầu tiên là các bài như như Đôi oanh vàng, Hoa tàn, Phút vui xưa... và sau đó là Hồ xưa, Xuân về, Tiếng khóc trong phòng the, Thanh niên ơi...(Thẩm Oánh) và Tâm hồn anh tìm em, Một ngày mà thôi...(Dương Thiệu Tước).
- Nhóm Tricéa: Tên nhóm là cách chơi chữ: ba chữ (tri) C và ba chữ A, viết tắt của nhóm từ Collections des Chants Composés par des Artistes Annamites Associés (Tập hợp các ca khúc do nhóm nghệ sĩ Việt Nam sáng tác). Nhóm gồm các nhạc sĩ Văn Chung, Lê Yên, Dzoãn Mẫn, mà theo nhạc sĩ Thẩm Oánh, chủ trương “đi sát quần chúng” hơn. Văn Chung chịu ảnh hưởng của nhạc Trung Hoa nên dòng nhạc của ông mang tính chất Á Đông rõ nét. Còn Lê Yên và Dzoãn Mẫn thiên về bay bướm nhịp điệu, dòng nhạc mang âm hưởng phương Tây nhiều hơn. Nhóm qui tụ được một số nhạc sĩ khác, cũng xuất bản nhiều bài hát của nhóm khoảng từ năm 1939 trở đi như Khúc ca ban chiều, Trên thuyền hoa, Đóa hồng nhung, Hồ xuân và thiếu nữ, Bóng ai qua thềm của Văn Chung; Biệt ly, Sao hoa chóng tàn, Tiếng hát đêm thu, Một hình bóng, Một buổi chiều mơ, Trở lại cùng anh của Dzoãn Mẫn; Bẽ bàng, Vườn xuân, Một ngày vui của Lê Yên...
- Nhóm Phạm Đăng Hinh: Nhóm ra đời sau nhóm Tricéa do nhạc sĩ Phạm Đăng Hinh đứng đầu cùng nhiều nhạc sinh violon và violoncelle, thường biểu diễn các sáng tác của ông, từng ra mắt tại rạp Majestic, Hà Nội. Nhóm hoạt động một thời gian ngắn rồi ngưng, để lại một vài sáng tác như Đám mây hàng (tức là Cám dỗ), bài hát trong bộ phim Việt Nam Trận phong ba quay tại Hong Kong năm 1940.
- Nhóm Đồng Vọng: Nhóm qui tụ một số nhạc sĩ trẻ, phần lớn là hướng đạo sinh, thích ca hát và du ngoạn, hoạt động sôi nổi ở Hải Phòng. Đó là các nhạc sĩ Canh Thân, Hoàng Quý, Phạm Ngữ, Hoàng Phú (Tô Vũ), Lê Xuân Ái, Văn Trang... Một số nhạc sĩ xuất hiện trên sân khấu Nhà hát lớn Hải Phòng trong các chương trình kịch của nhà thơ Thế Lữ khi ông ra hoạt động cho Hội Ánh Sáng (nhóm Tự Lực văn đoàn) của đất cảng vào năm 1939. Vì là nhóm hướng đạo sinh nên nhiều tác phẩm của họ mang tính chất vui tươi, hùng tráng của lứa tuổi thanh thiếu niên. Phạm Ngữ có bài Trước cảnh cao rộng, Nhớ quê hương; Hoàng Quý có Chùa Hương, Tiếng chim gọi đàn, Trên sông Bạch Đằng, Dưới bóng thông xanh, Chiều xuân, Đêm trong rừng...; Canh Thân có Đi với tôi đến chốn trời xa, Khúc ca mùa hè...
Ngoài các nhạc sĩ nhóm Đồng Vọng, đất Hải Phòng còn có nhạc sĩ Lê Thương với Tiếng đàn đêm khuya, Một ngày xanh, Trên sông Dương Tử, Thu trên đảo Kinh Châu...; nhạc sĩ Văn Cao với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Suối mơ, Bến xuân, Thiên thai, Trương Chi, Buồn tàn thu...
- Nhóm Nam Định: Nổi bật trong số các nhạc đất thành Nam có Đặng Thế Phong với ba bài hát Con thuyền không bến, Đêm thu, Giọt mưa thu từng xuất hiện trong chương trình biểu diễn vở kịch Cái va của nhóm Vũ Trọng Can ở Nam Định và sau đó diễn tại rạp Olympia, Hà Nội.
- Nhóm Tổng hội Sinh viên: Trong sinh hoạt văn nghệ từ 1943-1945, hoạt động của Tổng hội Sinh viên đã gây dấu ấn sâu đậm trong phong trào tân nhạc. Trong cuộc tranh đấu chính trị chống thế lực ngoại bang Pháp - Nhật thời đó, tổng hội đã sử dụng tân nhạc như một phương thức tập hợp và kêu gọi thanh niên, gây tinh thần yêu nước mãnh liệt trong quần chúng. Hoạt động hăng say không mệt mỏi trong tổng hội có Lưu Hữu Phước với một sự nghiệp âm nhạc đầy đặn, qui mô với nhiều thể loại sáng tác phong phú. Đó là những bài sử ca hùng tráng như Ải Chi Lăng, Bạch Đằng giang, Hội nghị Diên Hồng...; những bài ca viết về thanh niên như Tiếng gọi thanh niên, Tráng đoàn Lam Sơn, Lên đàng...; những bài ca dành cho thiếu sinh như Gieo ánh sáng, Thiếu sinh hành khúc, Bạn đường...; ca tụng thiếu nữ như Việt nữ gọi đàn, Thiếu nữ Việt Nam...; những sầu niệm qua thời binh lửa như Kinh cầu nguyện, Hồn tử sĩ, Hờn sông Gianh, Đoàn quân ma...; lĩnh vực ca kịch có phổ nhạc trong kịch thơ Tục lụy của Thế Lữ và tiểu ca kịch Con thỏ ngọc...
Việc xuất hiện các nhóm nhạc cùng với việc xuất bản các bài hát tân nhạc đã thật sự hình thành phong trào sáng tác tân nhạc ở khắp các tỉnh trong nước. Tuy nhiên có một hoạt động có thể gọi là châm ngòi cho phong trào, đó là các cuộc diễn thuyết ủng hộ tân nhạc của một nhạc sĩ trẻ đất Huế là Nguyễn Văn Tuyên vào năm 1938 khi ông từ Sài Gòn ra hô hào ở đất Bắc. Được sự hỗ trợ của thống đốc Nam kỳ Rivoal, Nguyễn Văn Tuyên ra Hà Nội nói chuyện tại Hội Trí Tri vào tháng ba năm ấy. Tuy cử tọa đông đảo nhưng giọng nói khó nghe, vả lại bài hát cải cách đã có sẵn tại đây, nên lời kêu gọi của ông không mấy thuyết phục. Tại Hội Trí Tri Hải Phòng, trước số cử tọa không đông, ý kiến của ông đã được chia sẻ, nhất là khi nhạc sĩ Lê Thương trình bày một số bài hát của các tác giả đất Bắc. Sau đó nhân kỳ hội của Trường nữ học Hoài Đức, ông Tuyên còn trình bày nhạc mới tại rạp chiếu bóng Palace, được cử tọa tán thưởng bài hát Bông cúc vàng của ông.
Lúc này báo chí cũng đã bắt đầu hô hào và đăng tải những bài tân nhạc. Báo Ngày Nay ra ngày 31-7-1938 đăng bài hát Bình minh (thơ Thế Lữ) của Nguyễn Xuân Khoát. Tháng 9-1938 bài Con thuyền không bến đăng trên tạp chí Bạn Gái. Tiếp đó lần lượt xuất hiện trên báo Ngày Nay các bài như Bông cúc vàng, Kiếp hoa (thơ Nguyễn Văn Cổn) của Nguyễn Văn Tuyên; Hồn xuân của Nguyễn Xuân Khoát; Bản đàn xuân của Lê Thương; Khúc yêu đương của Thẩm Oánh; Đám mây hàng của Phạm Đăng Hinh; Đường trường của Trần Quang Ngọc... Ở miền Nam, tuần báo Thanh Niên cũng ủng hộ tân nhạc bằng loạt bài Phong trào nhạc mới của Lê Thương từ 25-3-1943 đến 26-8-1944; bài Tuyên ngôn về âm nhạc của ba tác giả Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê, Nguyễn Tôn Hoàn. Báo còn đăng các bài hát Hội nghị Diên Hồng, Thượng lộ tiểu khúc, Gieo ánh sáng, Hờn sông Gianh, Xếp bút nghiên, vở ca kịch Con thỏ ngọc...
Từ đầu năm 1939 một số bài tân nhạc đã được bày bán tại các hiệu sách. Các lớp dạy nhạc cũng được mở ra ở nhiều nơi: Nguyễn Thiện Tơ, Trần Đình Khuê, Dzoãn Mẫn, Dương Thiệu Tước (Hà Nội), Nguyễn Thông, Lê Ngát, Dzoãn Ân (Sài Gòn)... Ở miền Bắc cần nhắc đến hoạt động của nhóm Việt Nam nghệ sĩ đoàn, đứng đầu là Đàm Quang Thiện với chương trình biểu diễn ca nhạc ngày 20-3-1939; của Hội Khuyến nhạc Bắc Việt thành lập khoảng năm 1944 do nhạc sĩ Nguyễn Văn Giệp làm hội trưởng, được sự cộng tác của nhiều nhạc sĩ danh tiếng. Năm 1945, hội đã tổ chức thành công một cuộc đại hòa tấu long trọng nhân kỳ đại hội âm nhạc năm đó và tổ chức được cuộc thi sáng tác âm nhạc đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm 1944 đầu năm 1945, trong đó các bài đoạt giải thưởng là Việt Nam hùng tiến (Thẩm Oánh), Việt Nam minh châu trời Đông (Hùng Lân), Trung thu đất Việt (Tống Ngọc Hạp). Ở Sài Gòn cũng có những buổi hòa nhạc của Võ Đức Thu, Thái Thị Lang...
Lực lượng sáng tác tân nhạc ngày một đông đảo ở khắp các tỉnh thành. Tại Huế có các nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Hữu Ba, Văn Giảng, Lê Quang Nhạc, Ngô Ganh, Lê Cao Phan... Tại Đà Nẵng có La Hối, Dương Minh Ninh, Phan Huỳnh Điểu...
Xuất phát điểm của dòng ca khúc lãng mạn.
Khi nhắc đến sự ra đời của trào lưu âm nhạc lãng mạn, chúng ta không thể tách rời trào lưu này với hoàn cảnh đất nước vào giai đoạn lịch sử ấy. Nó có cơ sở xã hội rõ rệt. Dưới chế độ thuộc địa, các thành thị đông đúc hơn, thương mại được củng cố; viên chức, tiểu chủ, trí thức, giáo viên, sinh viên học sinh, nhà văn, nhà báo... đông dần lên và hình thành tầng lớp mới. Song từ những năm 1920 trở đi, với các chính sách của thực dân Pháp, đời sống của họ trở nên bấp bênh nên nảy sinh bất mãn với chế độ. Tầng lớp này bắt đầu phân hóa; một bộ phận giương cao ngọn cờ tư sản dân tộc, một bộ phận khác đi theo phong trào cách mạng dân tộc. Thất bại của khởi nghĩa Yên Bái (9-2-1930) đã xói mòn con đường của phong trào tư sản. Cùng với sự khủng bố, đàn áp của thực dân, nền kinh tế bị khủng hoảng đe dọa cuộc sống khiến tầng lớp này hoang mang, dao động, buồn rầu, u uất. Tất cả tâm trạng đó được giãi bày trong văn chương, âm nhạc như một cách thoát ly thực tế. Chủ nghĩa lãng mạn do vậy đã trở thành chốn nương náu êm đềm cho một số nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ. Bắt đầu xuất hiện nơi họ nhu cầu tình cảm mới, thị hiếu thẩm mỹ và rung động mới. Âm nhạc lãng mạn Việt Nam phát triển từ trong bối cảnh đó.
Chính ngay từ bước đầu giai đoạn hình thành nền tân nhạc Việt Nam, đặc biệt trong những năm từ 1935-1938 trở đi, chúng ta thấy xuất hiện rất sớm những tác phẩm lãng mạn trong số rất nhiều ca khúc ở nhiều thể loại. Chúng ta dễ dàng nhận ra sự khai sinh dòng ca khúc lãng mạn có tiền đề thứ nhất là sự tiếp thu luồng âm nhạc phương Tây (ca khúc lãng mạn châu Âu thế kỷ XIX và nhạc nhẹ cổ điển) cùng với chủ nghĩa lãng mạn phương Tây đang xâm nhập vào đất nước; đồng thời tiền đề thứ hai quan trọng không kém là thành tựu rực rỡ của văn chương lãng mạn Việt Nam vào thời kỳ này (đặc biệt phong trào thơ mới và nhóm Tự Lực văn đoàn) đã tác động và tăng nguồn lực cho âm nhạc lãng mạn. Nhiều tác giả đã chọn khuynh hướng lãng mạn và trung thành với lựa chọn đó. Bên cạnh những bài sử ca, bài ca cách mạng, ca khúc lãng mạn đã chiếm được cảm tình của quần chúng, được đông đảo người yêu nhạc nghe, hát và truyền lại cho các thế hệ sau.
Rõ ràng xuất phát điểm của dòng ca khúc lãng mạn chính là thời điểm ra đời của nền tân nhạc Việt Nam. Cùng với sự tác động và nguồn ảnh hưởng từ các tiền đề trên, dòng nhạc này ngày càng phong phú để có thể tự khẳng định khuynh hướng, tính chất cũng như chủ đề, nội dung rõ nét. Âm nhạc lãng mạn đã được phổ biến rộng rãi trong cả nước ngay từ khi ra đời, sau đó do hoàn cảnh chia cắt đất nước năm 1954, âm nhạc lãng mạn thời tiền chiến chỉ còn được phổ biến trong các đô thị ở miền Nam.
Trong đời sống âm nhạc ở các đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975, dòng ca khúc lãng mạn đã có vị trí xứng đáng do giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ của nó, đã tác động và khơi nguồn sáng tác cho nhiều lớp nhạc sĩ kế tiếp chọn lựa khuynh hướng này. Mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, bên cạnh nhiều khuynh hướng âm nhạc khác ra đời, âm nhạc lãng mạn, trữ tình vẫn không bị đánh mất giá trị và vai trò của nó; âm nhạc lãng mạn vẫn là chỗ dựa tinh thần cho nhiều tâm hồn thanh niên bơ vơ, lạc lõng giữa cuộc chiến tàn khốc.
NGUYỄN PHÚ YÊN
Theo bước chân của những nhà truyền giáo và thương nhân, văn hóa phương Tây đã đến nhiều vùng đất ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đông Nam Á... Ở Việt Nam, cùng với sự xâm lược của thực dân Pháp, văn hóa Pháp và phương Tây đã xâm nhập đất nước ta, ảnh hưởng nhất định đến tư tưởng và tình cảm các tầng lớp dân chúng thời ấy. Sự thay đổi về chế độ chính trị, sự biến động trong kết cấu xã hội, đổi thay về cuộc sống và tâm trạng đã tác động đến quá trình sáng tác, cảm xúc, suy nghĩ của người trí thức. Về mặt nghệ thuật, chủ nghĩa lãng mạn phương Tây (cùng một số trào lưu khác sau đó như tượng trưng, siêu thực) xuất hiện từ một thế kỷ trước đó đã để lại dấu ấn rõ nét và tạo nên một trào lưu nghệ thuật mới trong văn chương, hội họa, âm nhạc Việt Nam, trong đó mạnh mẽ nhất vẫn là ở lĩnh vực văn chương kể từ đầu thập niên 1930 trở đi.
Văn chương lãng mạn
Tuy chịu ảnh hưởng sâu đậm của phương Tây nhưng ở Việt Nam nghệ thuật lãng mạn không tạo nên trường phái, không có tuyên ngôn rõ ràng. Người ta nhận ra khuynh hướng ấy trong các tác phẩm văn thơ, trong một số quan điểm nghệ thuật và thẩm mỹ từ những phát biểu và tranh luận của nhiều cây bút thời bấy giờ. Trên văn đàn bắt đầu xuất hiện những cây bút mới, trước hết là phong trào Thơ mới và nhóm Tự Lực văn đoàn.
Thật ra mầm mống lãng mạn đã manh nha từ một số tác phẩm trước năm 1930 của Tản Đà, Đoàn Như Khuê, Tương Phố, Đông Hồ, Hoàng Ngọc Phách với Tố Tâm... Dưới ảnh hưởng của thơ ca Pháp, những tác giả thơ mới đã mạnh mẽ đi vào thế giới tâm hồn, đi vào cái tôi, cái bản ngã đậm chất riêng tư. Vả lại thơ mới xuất hiện đầu những năm 1930 giữa thời kỳ thoái trào cách mạng và khủng bố 1930-1931, khủng hoảng kinh tế cho nên những trí thức, viên chức thành thị, trong đó có những nhà thơ mới, lại dễ dàng tìm vào cái tôi hơn. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh viết: “Ngày thứ nhất - ai biết đích ngày nào - chữ tôi xuất hiện trên thi đàn Việt Nam, nó thực bỡ ngỡ. Nó như lạc loài nơi đất khách. Bởi nó mang theo một quan niệm chưa từng thấy ở xứ này: quan niệm cá nhân”. “Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh... Thực chưa bao giờ thơ Việt Nam buồn và nhất là xôn xao như thế”.
Chủ nghĩa lãng mạn đã tạo được một giai đoạn thơ ca giàu hương sắc với nhiều phong cách và cá tính sáng tạo phong phú. Chính Tố Hữu cũng nhìn nhận rằng thơ mới đã nói lên được “một nhu cầu lớn về tự do và về phát huy bản ngã”. Có người cho rằng đó là khuynh hướng thoát ly và tiêu cực. Thật ra những nhà lãng mạn chỉ trung thành với khuynh hướng đã lựa chọn của mình, dù có thể hoàn cảnh xã hội có tác động thật sự đến tâm hồn họ, thậm chí đôi khi tác động thật mạnh mẽ nữa.
Cũng chính tác động ấy mà Huy Cận đã nói đến nỗi “đau đời” và Nhạc sầu dù có làm rơi lệ nhưng vẫn ấm áp chất nhân văn rõ rệt. Nếu văn chương cổ điển là văn chương phi ngã thì ngược lại văn chương lãng mạn đưa vào đậm nét cái tôi cá nhân, khẳng định cái tôi một cách tích cực, xem cái tôi là một chủ thể sáng tạo được khai thác không hề vơi, đã cảm thụ thế giới thiên nhiên và con người qua trái tim giàu tình cảm. Sự xuất hiện cái tôi đồng thời đem đến cuộc đấu tranh đòi tự do cá nhân, giải phóng cá nhân đã là một yếu tố tích cực và tiến bộ. Xuân Diệu thể hiện nỗi khao khát được sống mạnh mẽ: Chân nổi gió cứ mặt trời thẳng đến và mong được nâng hồn mình lên Để hóng gió của ngàn phương thổi tới. Còn Phạm Huy Thông thì Muốn có đôi cánh tay vô ngần to rộng, Để ôm ghì cả vũ trụ vào lòng tôi. Lại nữa ở trong một xã hội nửa phong kiến nửa thuộc địa, các nhà thơ mới lại càng ra sức đấu tranh cho quyền tự do yêu đương, cho những cảm xúc phong phú, cho những mơ mộng xa vời, cho cái đẹp mang màu sắc chủ quan của mình. Huy Cận tìm lại những nét đẹp của dân tộc từ trong quá khứ, trong vũ trụ trăng sao; Xuân Diệu say sưa trong tình yêu đắm đuối; Lưu Trọng Lư tìm cái đẹp ở người tráng sĩ, ở con nai vàng ngơ ngác trong rừng thu; Thế Lữ theo gót hải hồ của người chinh phu hoặc mơ về tiên giới; Phạm Huy Thông đi tìm người anh hùng chiến bại; Thâm Tâm yêu người ly khách ra đi không trở về...
Trên những nẻo đường mới, nhà thơ lãng mạn tìm vào tình yêu. Thơ tình yêu tràn ngập trên báo chí, sách vở đương thời. Trong các nhà thơ mới, Xuân Diệu được xem là nhà thơ của yêu đương, là thi sĩ của tình yêu. Thơ của ông là bài ca sự sống. Dưới mắt ông, yêu là thái độ sống mãnh liệt và tình yêu đôi lứa là nguồn cảm hứng sâu sắc nơi ông. Xuân Diệu nồng nhiệt, say mê nên vội vàng, giục giã yêu đương “Gấp đi em anh rất sợ ngày mai”, “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi” để rồi thấy cuộc đời “nổi nênh, xiêu đổ, tan tác, tứ ly”. Còn ở Vũ Hoàng Chương, tình yêu là lẽ sống cao cả, ông đã ôm giấc mộng tình mà thảm thiết khóc than. Và ở chặng cuối đường ông không quên cái vị chua chát của tình yêu xác thịt để rồi tìm vào thơ say: Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mải, Chút ngây thơ còn lại cũng vừa chôn (Vũ Hoàng Chương) ...
Thơ lãng mạn vẫn có những bài thơ yêu đời, yêu cuộc sống, ngợi ca tình yêu trong sáng (Xuân đầu, Tặng thơ của Xuân Diệu; Chiều xuân, Tình tự, Áo trắng, Đi giữa đường thơm của Huy Cận; Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp; Tương tư, Hai lòng của Nguyễn Bính...) hoặc say đắm thiên nhiên, khao khát niềm giao cảm với cuộc đời. Người ta tìm thấy ở đó những nét đẹp hồn nhiên của tình yêu tuổi học trò, những kỷ niệm tươi thắm của một thời e ấp, say đắm ban sơ, của tuổi thần tiên thơ mộng... Nhưng sắc nét hơn cả ở thơ lãng mạn vẫn là cái tôi buồn bã và cô đơn - dưới mắt một số người đã trở thành yếu tính của lãng mạn. Cái buồn bã ấy đôi khi chỉ làbuồn xa vắng, buồn vẩn vơ, buồn mênh mông từ trong những hình ảnh quen thuộc của cảnh vật chung quanh, chẳng hạn tiếng gà trưa đều đi vào trong thơ Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, gợi nên một nỗi buồn rười rượi, một vẻ hoang vắng, đìu hiu và cô liêu: Mỗi lần nắng mới hắt bên song, Xao xác gà trưa gáy não nùng; Tiếng gà gáy buồn nghe như máu ứa, Chết không gian khô héo cả hồn cao. Vũ Hoàng Chương thì nghe buồn suốt cả cuộc đời: Mưa lùa gian gác xép, Ngày trắng theo nhau qua. Lá rơi đầy ngõ hẹp, Đời hiu hiu xế tà. Nhưng cái buồn ấy còn được đẩy tới bến bờ da diết, áo não nhất: nó bàng bạc khắp cả thời gian, không gian, đó là nỗi buồn nhân thế, dường như cũng thấm đẫm tự ngàn xưa như trong Kinh cầu tự, Lửa thiêng của Huy Cận ...
Nỗi cô đơn cũng là nét chủ đạo của văn chương lãng mạn. Những nhân vật cô đơn để lại dáng vẻ nổi bật, đó là Lamartine dưới gốc sồi trong buổi chiều hôm sau cái chết của Elvire, là René của Chateaubriand, Dũng của Nhất Linh, là “kẻ bộ hành ngơ ngác” của Thế Lữ, là nàng kỹ nữ của Xuân Diệu... Như vậy dễ nhận ra con người của văn chương lãng mạn là một cái tôi buồn vơ vẩn, cô đơn chán nản và “lịm người trong thú đau thương”(Lưu Trọng Lư). Thật ra cái tôi đó xuất hiện và đắm chìm trong hoàn cảnh xã hội lay chuyển, đổi thay đến ngột ngạt nên trở thành cô đơn, cách biệt, buồn thương: Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá, Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ...(Xuân Diệu) và đến đây ta đã có thể nghe tiếng khóc dài trong văn chương Việt Nam.
Người ta còn tìm thấy ở các tác phẩm lãng mạn tình yêu thiên nhiên, lòng yêu nước sâu sắc, tìm thấy rất nhiều hình ảnh quê hương, đất nước, nhiều màu sắc dân tộc, nhiều nét đẹp xưa, đậm đà hương vị làng quê, ở đó thấm đẫm tinh thần dân tộc, sáng lên tâm hồn và cốt cách Việt Nam: Huy Cận với Tràng giang; Xuân Diệu với Đây mùa thu tới; Tế Hanh với Quê hương; Hàn Mặc Tử với Mùa xuân chín, Đây thôn Vĩ Da; Đoàn Văn Cừ với Chợ tết; Anh Thơ với Chiều xuân; Nguyễn Nhược Pháp với Chùa Hương; Vũ Đình Liên với Ông đồ, Nguyễn Bính với Lỡ bước sang ngang... Hình ảnh đất nước trong thơ mới là hình ảnh của nước Việt Nam thanh bình, đẹp đẽ và đáng yêu hiện lên với tất cả trìu mến. Bên cạnh hình ảnh đó, các nhà thơ mới còn biểu lộ tâm sự yêu nước thầm kín. Họ nghĩ đến quê hương, đất nước, khao khát tự do, độc lập; đó là tâm sự con hổ của Thế Lữ, là hình ảnh khách chinh phu vừa đau xót vì cảnh mất nước vừa say mê cái đẹp của thiên nhiên, là giấc mộng anh hùng qua hình ảnh Kinh Kha quan tâm đến những người bị chà đạp trong xã hội. Tiếng thơ đau xót. quằn quại của họ có ý nghĩa một lời phủ nhận, phản kháng thực tế xã hội của chế độ phong kiến thực dân đương thời.
Trào lưu lãng mạn cũng đã có được những tác phẩm mang ý nghĩa nhân văn, tiến bộ. Có thể nhắc đến Nhớ rừng, Tiếng gọi bên sông của Thế Lữ; Con voi già của Phạm Huy Thông; Đôi bạn, Đoạn tuyệt của Nhất Linh, Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân... Người đọc nhận ra một Nhất Linh biết băn khoăn, dằn vặt đi tìm lý tưởng; một Khái Hưng sôi nổi, yêu đời, lạc quan trong cái xao xuyến của một lớp thanh niên cùng thế hệ; một Thạch Lam giàu lòng nhân ái... Tác phẩm của nhóm Tự Lực văn đoàn ngoài những tiểu thuyết lãng mạn còn có những tiểu thuyết phê phán mạnh mẽ lễ giáo phong kiến, đoạn tuyệt với cái cổ hủ, lạc hậu, xiển dương cái mới được lớp người trẻ đồng tình.
Cũng chính với lòng yêu nước đó, sau này một số nhà văn, nhà thơ lãng mạn đã dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng của dân tộc.
Âm nhạc lãng mạn.
Bối cảnh lịch sử và cơ sở xã hội để hình thành và phát triển âm nhạc cải cách tức là tân nhạc, trong đó có âm nhạc lãng mạn, cũng tương tự như ở lĩnh vực văn chương, hội họa. Có nghĩa là xuất phát từ bầu khí xã hội và làn gió Tây học đã lan đến các tầng lớp công chúng, nền tân nhạc hình thành và phát triển theo nhiều khuynh hướng khác nhau. Ở giai đoạn đầu của nền tân nhạc, âm nhạc lãng mạn đã có mặt và khẳng định được diện mạo riêng, tạo được vai trò và ảnh hưởng lớn lao đối với người nghe không chỉ trong giai đoạn ấy mà còn kéo dài đến ngày nay.
Sơ lược về sự ra đời của nền tân nhạc Việt Nam.
Cuộc xâm lăng của thực dân Pháp đã đưa luồng văn hóa phương Tây vào đất nước ta. Tuy ở trong một hoàn cảnh bị áp đặt song chúng ta vẫn xem đây là sự giao thoa và tiếp biến có tính chất quy luật giữa hai nền văn hóa. Chúng ta tiếp nhận và sau đó cải đổi để sáng tạo nên cái của riêng mình. Từ vốn liếng di sản âm nhạc dân tộc sẵn có, ta tiếp thu kỹ thuật sáng tác mới với nguồn cảm hứng thời đại mới để tạo nên âm nhạc cải cách, tên gọi ban đầu của tân nhạc.
Trong khi các phong trào ca hát lời ta điệu Tây diễn ra, các nhạc sĩ Việt Nam trong giai đoạn đầu của nền tân nhạc cảm thấy có nhu cầu sáng tác bài hát của chính mình trên cơ sở ký âm pháp Tây phương. Nhu cầu này có động lực tất yếu là sự đổi thay của xã hội, từ đó thị hiếu mới nảy sinh và công chúng đô thị ưa chuộng sự mới lạ trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc nói chung, ca hát nói riêng. Như vậy ngay từ những năm 1930 chúng ta đã có những sáng tác thuần Việt ra đời, trong đó có những bài hát chịu ảnh hưởng âm nhạc Tây phương song cũng không ít những bài hát mang ngôn ngữ âm nhạc dân tộc. Trong buổi đầu của phong trào tân nhạc, có nhiều nhạc sĩ hoạt động đơn lẻ song cũng có nhiều nhạc sĩ qui tụ thành từng nhóm do cùng sở thích, chủ trương và môi trường hoạt động. Những nhóm này đã có nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật; họ cũng là những người tiên phong trong phong trào sáng tác và phổ biến những bài tân nhạc đầu tiên, tạo được ảnh hưởng lớn lao trong quần chúng và có vai trò lịch sử nhất định trong quá trình hình thành và phát triển nền tân nhạc Việt Nam. Có thể kể đến những bài hát đầu tiên xuất hiện sớm trong phong trào tân nhạc như Bẽ bàng (1935), Nghệ sĩ hành khúc (1937) của Lê Yên; Tiếng sáo chăn trâu (1935), Bên hồ liễu (1936), Bóng ai qua thềm (1937) của Văn Chung; Xuân năm xưa (1936) của Lê Thương; Gió thu (1937), Tiếng hát đêm thu (1938), Biệt ly (1939) của Dzoãn Mẫn…
Thật khó xác định thời gian hình thành và xuất hiện của các nhóm nhạc, tuy nhiên theo hồi ức của các nhạc sĩ lão thành, có thể đó là những năm 1936-1940 - thời gian mà phong trào được thúc đẩy mạnh mẽ và tạo đà phát triển cho nhiều thập niên sau. Có thể kể đến các nhóm nhạc chính như sau:
- Nhóm Myosotis: Nhóm này gồm các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Phạm Văn Nhường, Trần Dư, Vũ Khánh... từng hoạt động từ nhiều năm trước đó trong các buổi họp mặt hoặc các buổi diễn từ thiện ở các rạp hát. Trong nhóm, nhạc sĩ Thẩm Oánh chủ trương trung dung, nghĩa là các bài hát cải cách theo ký âm pháp Tây phương nhưng có “ý nhạc Việt Nam” và “cảm tưởng thuần túy Á Đông”. Còn nhạc sĩ Dương Thiệu Tước chủ trương sáng tác theo “âm điệu Tây phương” cũng như nhiều nhà văn Việt Nam viết bằng tiếng Pháp vậy. Bên cạnh việc hòa nhạc, nhóm còn có hoạt động nổi bật khoảng cuối năm 1938 là xuất bản các bài hát của nhóm, đầu tiên là các bài như như Đôi oanh vàng, Hoa tàn, Phút vui xưa... và sau đó là Hồ xưa, Xuân về, Tiếng khóc trong phòng the, Thanh niên ơi...(Thẩm Oánh) và Tâm hồn anh tìm em, Một ngày mà thôi...(Dương Thiệu Tước).
- Nhóm Tricéa: Tên nhóm là cách chơi chữ: ba chữ (tri) C và ba chữ A, viết tắt của nhóm từ Collections des Chants Composés par des Artistes Annamites Associés (Tập hợp các ca khúc do nhóm nghệ sĩ Việt Nam sáng tác). Nhóm gồm các nhạc sĩ Văn Chung, Lê Yên, Dzoãn Mẫn, mà theo nhạc sĩ Thẩm Oánh, chủ trương “đi sát quần chúng” hơn. Văn Chung chịu ảnh hưởng của nhạc Trung Hoa nên dòng nhạc của ông mang tính chất Á Đông rõ nét. Còn Lê Yên và Dzoãn Mẫn thiên về bay bướm nhịp điệu, dòng nhạc mang âm hưởng phương Tây nhiều hơn. Nhóm qui tụ được một số nhạc sĩ khác, cũng xuất bản nhiều bài hát của nhóm khoảng từ năm 1939 trở đi như Khúc ca ban chiều, Trên thuyền hoa, Đóa hồng nhung, Hồ xuân và thiếu nữ, Bóng ai qua thềm của Văn Chung; Biệt ly, Sao hoa chóng tàn, Tiếng hát đêm thu, Một hình bóng, Một buổi chiều mơ, Trở lại cùng anh của Dzoãn Mẫn; Bẽ bàng, Vườn xuân, Một ngày vui của Lê Yên...
- Nhóm Phạm Đăng Hinh: Nhóm ra đời sau nhóm Tricéa do nhạc sĩ Phạm Đăng Hinh đứng đầu cùng nhiều nhạc sinh violon và violoncelle, thường biểu diễn các sáng tác của ông, từng ra mắt tại rạp Majestic, Hà Nội. Nhóm hoạt động một thời gian ngắn rồi ngưng, để lại một vài sáng tác như Đám mây hàng (tức là Cám dỗ), bài hát trong bộ phim Việt Nam Trận phong ba quay tại Hong Kong năm 1940.
- Nhóm Đồng Vọng: Nhóm qui tụ một số nhạc sĩ trẻ, phần lớn là hướng đạo sinh, thích ca hát và du ngoạn, hoạt động sôi nổi ở Hải Phòng. Đó là các nhạc sĩ Canh Thân, Hoàng Quý, Phạm Ngữ, Hoàng Phú (Tô Vũ), Lê Xuân Ái, Văn Trang... Một số nhạc sĩ xuất hiện trên sân khấu Nhà hát lớn Hải Phòng trong các chương trình kịch của nhà thơ Thế Lữ khi ông ra hoạt động cho Hội Ánh Sáng (nhóm Tự Lực văn đoàn) của đất cảng vào năm 1939. Vì là nhóm hướng đạo sinh nên nhiều tác phẩm của họ mang tính chất vui tươi, hùng tráng của lứa tuổi thanh thiếu niên. Phạm Ngữ có bài Trước cảnh cao rộng, Nhớ quê hương; Hoàng Quý có Chùa Hương, Tiếng chim gọi đàn, Trên sông Bạch Đằng, Dưới bóng thông xanh, Chiều xuân, Đêm trong rừng...; Canh Thân có Đi với tôi đến chốn trời xa, Khúc ca mùa hè...
Ngoài các nhạc sĩ nhóm Đồng Vọng, đất Hải Phòng còn có nhạc sĩ Lê Thương với Tiếng đàn đêm khuya, Một ngày xanh, Trên sông Dương Tử, Thu trên đảo Kinh Châu...; nhạc sĩ Văn Cao với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Suối mơ, Bến xuân, Thiên thai, Trương Chi, Buồn tàn thu...
- Nhóm Nam Định: Nổi bật trong số các nhạc đất thành Nam có Đặng Thế Phong với ba bài hát Con thuyền không bến, Đêm thu, Giọt mưa thu từng xuất hiện trong chương trình biểu diễn vở kịch Cái va của nhóm Vũ Trọng Can ở Nam Định và sau đó diễn tại rạp Olympia, Hà Nội.
- Nhóm Tổng hội Sinh viên: Trong sinh hoạt văn nghệ từ 1943-1945, hoạt động của Tổng hội Sinh viên đã gây dấu ấn sâu đậm trong phong trào tân nhạc. Trong cuộc tranh đấu chính trị chống thế lực ngoại bang Pháp - Nhật thời đó, tổng hội đã sử dụng tân nhạc như một phương thức tập hợp và kêu gọi thanh niên, gây tinh thần yêu nước mãnh liệt trong quần chúng. Hoạt động hăng say không mệt mỏi trong tổng hội có Lưu Hữu Phước với một sự nghiệp âm nhạc đầy đặn, qui mô với nhiều thể loại sáng tác phong phú. Đó là những bài sử ca hùng tráng như Ải Chi Lăng, Bạch Đằng giang, Hội nghị Diên Hồng...; những bài ca viết về thanh niên như Tiếng gọi thanh niên, Tráng đoàn Lam Sơn, Lên đàng...; những bài ca dành cho thiếu sinh như Gieo ánh sáng, Thiếu sinh hành khúc, Bạn đường...; ca tụng thiếu nữ như Việt nữ gọi đàn, Thiếu nữ Việt Nam...; những sầu niệm qua thời binh lửa như Kinh cầu nguyện, Hồn tử sĩ, Hờn sông Gianh, Đoàn quân ma...; lĩnh vực ca kịch có phổ nhạc trong kịch thơ Tục lụy của Thế Lữ và tiểu ca kịch Con thỏ ngọc...
Việc xuất hiện các nhóm nhạc cùng với việc xuất bản các bài hát tân nhạc đã thật sự hình thành phong trào sáng tác tân nhạc ở khắp các tỉnh trong nước. Tuy nhiên có một hoạt động có thể gọi là châm ngòi cho phong trào, đó là các cuộc diễn thuyết ủng hộ tân nhạc của một nhạc sĩ trẻ đất Huế là Nguyễn Văn Tuyên vào năm 1938 khi ông từ Sài Gòn ra hô hào ở đất Bắc. Được sự hỗ trợ của thống đốc Nam kỳ Rivoal, Nguyễn Văn Tuyên ra Hà Nội nói chuyện tại Hội Trí Tri vào tháng ba năm ấy. Tuy cử tọa đông đảo nhưng giọng nói khó nghe, vả lại bài hát cải cách đã có sẵn tại đây, nên lời kêu gọi của ông không mấy thuyết phục. Tại Hội Trí Tri Hải Phòng, trước số cử tọa không đông, ý kiến của ông đã được chia sẻ, nhất là khi nhạc sĩ Lê Thương trình bày một số bài hát của các tác giả đất Bắc. Sau đó nhân kỳ hội của Trường nữ học Hoài Đức, ông Tuyên còn trình bày nhạc mới tại rạp chiếu bóng Palace, được cử tọa tán thưởng bài hát Bông cúc vàng của ông.
Lúc này báo chí cũng đã bắt đầu hô hào và đăng tải những bài tân nhạc. Báo Ngày Nay ra ngày 31-7-1938 đăng bài hát Bình minh (thơ Thế Lữ) của Nguyễn Xuân Khoát. Tháng 9-1938 bài Con thuyền không bến đăng trên tạp chí Bạn Gái. Tiếp đó lần lượt xuất hiện trên báo Ngày Nay các bài như Bông cúc vàng, Kiếp hoa (thơ Nguyễn Văn Cổn) của Nguyễn Văn Tuyên; Hồn xuân của Nguyễn Xuân Khoát; Bản đàn xuân của Lê Thương; Khúc yêu đương của Thẩm Oánh; Đám mây hàng của Phạm Đăng Hinh; Đường trường của Trần Quang Ngọc... Ở miền Nam, tuần báo Thanh Niên cũng ủng hộ tân nhạc bằng loạt bài Phong trào nhạc mới của Lê Thương từ 25-3-1943 đến 26-8-1944; bài Tuyên ngôn về âm nhạc của ba tác giả Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê, Nguyễn Tôn Hoàn. Báo còn đăng các bài hát Hội nghị Diên Hồng, Thượng lộ tiểu khúc, Gieo ánh sáng, Hờn sông Gianh, Xếp bút nghiên, vở ca kịch Con thỏ ngọc...
Từ đầu năm 1939 một số bài tân nhạc đã được bày bán tại các hiệu sách. Các lớp dạy nhạc cũng được mở ra ở nhiều nơi: Nguyễn Thiện Tơ, Trần Đình Khuê, Dzoãn Mẫn, Dương Thiệu Tước (Hà Nội), Nguyễn Thông, Lê Ngát, Dzoãn Ân (Sài Gòn)... Ở miền Bắc cần nhắc đến hoạt động của nhóm Việt Nam nghệ sĩ đoàn, đứng đầu là Đàm Quang Thiện với chương trình biểu diễn ca nhạc ngày 20-3-1939; của Hội Khuyến nhạc Bắc Việt thành lập khoảng năm 1944 do nhạc sĩ Nguyễn Văn Giệp làm hội trưởng, được sự cộng tác của nhiều nhạc sĩ danh tiếng. Năm 1945, hội đã tổ chức thành công một cuộc đại hòa tấu long trọng nhân kỳ đại hội âm nhạc năm đó và tổ chức được cuộc thi sáng tác âm nhạc đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm 1944 đầu năm 1945, trong đó các bài đoạt giải thưởng là Việt Nam hùng tiến (Thẩm Oánh), Việt Nam minh châu trời Đông (Hùng Lân), Trung thu đất Việt (Tống Ngọc Hạp). Ở Sài Gòn cũng có những buổi hòa nhạc của Võ Đức Thu, Thái Thị Lang...
Lực lượng sáng tác tân nhạc ngày một đông đảo ở khắp các tỉnh thành. Tại Huế có các nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Hữu Ba, Văn Giảng, Lê Quang Nhạc, Ngô Ganh, Lê Cao Phan... Tại Đà Nẵng có La Hối, Dương Minh Ninh, Phan Huỳnh Điểu...
Xuất phát điểm của dòng ca khúc lãng mạn.
Khi nhắc đến sự ra đời của trào lưu âm nhạc lãng mạn, chúng ta không thể tách rời trào lưu này với hoàn cảnh đất nước vào giai đoạn lịch sử ấy. Nó có cơ sở xã hội rõ rệt. Dưới chế độ thuộc địa, các thành thị đông đúc hơn, thương mại được củng cố; viên chức, tiểu chủ, trí thức, giáo viên, sinh viên học sinh, nhà văn, nhà báo... đông dần lên và hình thành tầng lớp mới. Song từ những năm 1920 trở đi, với các chính sách của thực dân Pháp, đời sống của họ trở nên bấp bênh nên nảy sinh bất mãn với chế độ. Tầng lớp này bắt đầu phân hóa; một bộ phận giương cao ngọn cờ tư sản dân tộc, một bộ phận khác đi theo phong trào cách mạng dân tộc. Thất bại của khởi nghĩa Yên Bái (9-2-1930) đã xói mòn con đường của phong trào tư sản. Cùng với sự khủng bố, đàn áp của thực dân, nền kinh tế bị khủng hoảng đe dọa cuộc sống khiến tầng lớp này hoang mang, dao động, buồn rầu, u uất. Tất cả tâm trạng đó được giãi bày trong văn chương, âm nhạc như một cách thoát ly thực tế. Chủ nghĩa lãng mạn do vậy đã trở thành chốn nương náu êm đềm cho một số nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ. Bắt đầu xuất hiện nơi họ nhu cầu tình cảm mới, thị hiếu thẩm mỹ và rung động mới. Âm nhạc lãng mạn Việt Nam phát triển từ trong bối cảnh đó.
Chính ngay từ bước đầu giai đoạn hình thành nền tân nhạc Việt Nam, đặc biệt trong những năm từ 1935-1938 trở đi, chúng ta thấy xuất hiện rất sớm những tác phẩm lãng mạn trong số rất nhiều ca khúc ở nhiều thể loại. Chúng ta dễ dàng nhận ra sự khai sinh dòng ca khúc lãng mạn có tiền đề thứ nhất là sự tiếp thu luồng âm nhạc phương Tây (ca khúc lãng mạn châu Âu thế kỷ XIX và nhạc nhẹ cổ điển) cùng với chủ nghĩa lãng mạn phương Tây đang xâm nhập vào đất nước; đồng thời tiền đề thứ hai quan trọng không kém là thành tựu rực rỡ của văn chương lãng mạn Việt Nam vào thời kỳ này (đặc biệt phong trào thơ mới và nhóm Tự Lực văn đoàn) đã tác động và tăng nguồn lực cho âm nhạc lãng mạn. Nhiều tác giả đã chọn khuynh hướng lãng mạn và trung thành với lựa chọn đó. Bên cạnh những bài sử ca, bài ca cách mạng, ca khúc lãng mạn đã chiếm được cảm tình của quần chúng, được đông đảo người yêu nhạc nghe, hát và truyền lại cho các thế hệ sau.
Rõ ràng xuất phát điểm của dòng ca khúc lãng mạn chính là thời điểm ra đời của nền tân nhạc Việt Nam. Cùng với sự tác động và nguồn ảnh hưởng từ các tiền đề trên, dòng nhạc này ngày càng phong phú để có thể tự khẳng định khuynh hướng, tính chất cũng như chủ đề, nội dung rõ nét. Âm nhạc lãng mạn đã được phổ biến rộng rãi trong cả nước ngay từ khi ra đời, sau đó do hoàn cảnh chia cắt đất nước năm 1954, âm nhạc lãng mạn thời tiền chiến chỉ còn được phổ biến trong các đô thị ở miền Nam.
Trong đời sống âm nhạc ở các đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975, dòng ca khúc lãng mạn đã có vị trí xứng đáng do giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ của nó, đã tác động và khơi nguồn sáng tác cho nhiều lớp nhạc sĩ kế tiếp chọn lựa khuynh hướng này. Mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, bên cạnh nhiều khuynh hướng âm nhạc khác ra đời, âm nhạc lãng mạn, trữ tình vẫn không bị đánh mất giá trị và vai trò của nó; âm nhạc lãng mạn vẫn là chỗ dựa tinh thần cho nhiều tâm hồn thanh niên bơ vơ, lạc lõng giữa cuộc chiến tàn khốc.
NGUYỄN PHÚ YÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét