Lần giở lịch: sắp vào năm thứ 7 ngày anh vĩnh viễn giã biệt độc giả và anh em bằng hữu.
Blog của Nguyễn Thị Ngọc Minh ghi chị hay tin đó là chiều 7-7-2005. “Song thất” năm 2011 theo âm lịch là 7-6. Như vậy, ngày nhớ Tuấn năm nay hội ngộ khá nhiều con số 7. Ngày 7-6 năm Ất Dậu, ngoài gia đình, bạn hữu, có một số độc giả thương quý những trang văn tài hoa về tình yêu -tuổi trẻ đã tự nguyện theo xe tang từ ngôi chùa ở Ngã Bảy tiễn biệt Hoàng Ngọc Tuấn lần cuối tại khu hỏa táng Bình Hưng Hòa đi.
Gia đình
Khi Hoàng Ngọc Tuấn vừa mất, một Tạp chí ở Mỹ có đề nghị tôi viết gì đó về anh. Tôi đã từ chối với lý do : gia đình không đồng ý. Hai chữ “gia đình” mang nghĩa khá mơ hồ. Nếu coi “gia đình” là “một chốn đi về”, một chỗ liên lạc nhanh nhất, thì với HNT, đó có thể là căn nhà nơi người mẹ và em ruột anh đang ở quật 10; là nhà tôi ( Võ Chân Cửu ) ở quận Gò Vấp, nhà Nguyễn Tôn Nhan ( đã mất cuối 2010 ) ở Bình Thạnh, hoặc nhà Trần Quốc Định ở khu Miễu Nổi Phú Nhuận. Anh Trần Quốc Định là người không sáng tác nhưng rất mê sách và thân thiết giới sáng tác lứa chúng tôi.
Khi Tuấn qua đời, thân thích ruột thịt phải khá mất công mới làm xong chuyện “vệt mực nào xóa bỏ thân tôi” – tức tấm giấy khai tử - theo cách nói của một người bạn thân khác của anh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngoài chuyện không hề có chứng minh nhân dân ( do anh không thích làm ) Hoàng Ngọc Tuấn cũng không có tên trong sổ hộ khẩu của bất cứ gia đình nào ! Nhưng khi đến làm tuần đầu tiên ở nhà người em ruột Hoàng Ngọc Tuấn , cả tôi, Nguyễn Tôn Nhan và Trần Quốc Định đều khá bất ngờ khi biết gia đình ruột thịt đã dành cho anh một chỗ riêng biệt trên lầu 2. Nơi đó có giường nệm, bàn viết, kệ đựng sách khá tươm tất. Tới nay, góc cư ngụ này vẫn được giữ nguyên. Tuấn giữ thời khóa biểu nơi về ngủ đúng theo lịch anh quy ước : 4 đêm liên tục ở nhà tôi, 2 đêm ở nhà Định ( trước đó mấy năm là nhà Nguyễn Tôn Nhan ); trong tuần có một buổi dành riêng cho người yêu là cô giáo H. Còn tại căn nhà chính, hàng tuần anh chỉ quay về có 1 lần để giặt đồ, và đút vào túi mẹ những đồng tiền để dành từ các khoản nhuận bút vu vơ mới lãnh từ báo chí.
Điên, điếc, đui !
Năm 1973, khi chụp chung bức hình kỷ niệm nhân ngày phát hành tập thơ Hòa âm cố quận của anh Vũ Phan Long ( do tôi coi in tại Sài Gòn mang ra ), tôi và Hoàng Ngọc Tuấn chưa thân nhau lắm. Hồi đó Tuấn mới đào thoát khỏi trường đào tạo sĩ quan Thủ Đức. Anh về Quy Nhơn tá túc tại nhà Nguyễn Mộng Giác, lúc này là Giám đốc Sở Học Chính Bình Định. Song thân Tuấn đều là người Huế nhưng sinh ra anh tại Buôn Ma Thuột. HNT có mấy năm theo học trung học đệ nhất cấp tại Trường Cường Để Quy Nhơn. Mối ân tình với miền “đất võ, trời văn” có lẽ bắt nguồn từ đó. Anh trở thành nhà văn nổi tiếng từ năm học dự bị trường đại học văn khoa Sài Gòn.
Sau lần họp mặt 1973, Hoàng Ngọc Tuấn lại trôi nổi vào Sài Gòn trốn lính. Thường gặp nhau ở quán cà phê Nắng Mới trước trường Đại học Vạn Hạnh nhưng anh và tôi chỉ vẫy tay chào nhau. Tôi ngồi một góc với nhóm bạn riêng. Lúc đó sách mới xuất bản của Hoàng Ngọc Tuấn thuộc diện “best seller”. Anh nằm đâu đó viết xong tập nào là đến giao thầy Thanh Tuệ - nhà xuất bản An Tiêm lấy tiền ngay. Khoảng giữa 1974 Hoàng Ngọc Tuấn bị quân cảnh bắt, phải mặc áo lính ra chiến trường. Lúc này Hoàng Ngọc Tuấn có loạt phóng sự về chiến tranh khá hay đăng trên tuần báo Tìm Hiểu ở Sài Gòn. Loạt bút ký chiến tranh này gần như ít ai nhắc đến vì tên tuổi và tác phẩm của anh gắn liền với đề tài tình yêu - tuổi trẻ. Mong là các nhà sưu tập, làm văn học sử có lúc sẽ gom, in lại loạt bài này của anh.
Sau biến cố 1975, cuộc sống khá điêu đứng nên chúng tôi vẫn chưa có dịp gần nhau. Ai nấy đều phải lo giải quyết vấn đề trước mắt: kiếm bữa ăn hàng ngày cho gia đình. Lao đao một thời gian, anh được nhà thơ Nguyễn Duy giúp kiếm cơm độ nhật bằng cách đi làm thầy giáo tại một trường bổ túc văn hóa dành cho Thanh niên xung phong tại Cần Giờ. Anh được cấp một Giấy Chứng Nhận có dán hình, và lấy đó làm giấy tùy thân, bùa hộ mạng cho mình.
Chẳng bao lâu, Hoàng Ngọc Tuấn đã bỏ trường, về lây lất ở nội thành. Có lẽ nhờ loạt phóng sự chống chiên tranh đã nói nên năm 1981, khi Hội nhà văn Tp.HCM được thành lập, anh được nằm trong danh sách hội viên đầu tiên. Thẻ chứng nhận hội viên có dán hình từ đó là tấm giấy tờ tùy thân giúp anh yên ổn, có thể đi “ngủ nhờ” ở nhiều nhà mà không sợ công an khu vực quấy rầy.
Năn 1976, tôi dỡ nhà dẫn vợ con đi kinh tế mới. Rồi không sống nổi nên về lại Quy Nhơn đi làm. Năm 1981 tôi đưa vợ con về lại Sài Gòn, cất lại căn chòi trên nền đất nhà cũ gần ga xe lửa Gò Vấp. Những người sáng tác còn lại ở Sài Gòn rất thương mến nhau, trừ những người tay đeo băng đỏ,. Lúc này cứ 2-3 ngày một lần thì Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Mộng Giác… Có khi có Cung Tích Biền, họa sĩ Khánh Trường lại hẹn đến căn chòi của tôi, cùng mang theo đồ nấu ăn, uống rượu “Cây Lý”. Thấy cảnh gia đình tôi không có giường nằm, Nguyễn Lương Vỵ cho một giường sắt cũ, anh Joseph Huỳnh Văn làm thợ mộc, chở về tặng một chiếc đi-văng... Từ đó, cứ chiều tối là Tuấn đến nhà tôi tá túc trên chiếc giường sắt. Riết rồi chiếc giường sắt nhỏ đó như dành riêng cho Hoàng Ngọc Tuấn. Anh tha hồ nằm nút liên tục những điếu “thuốc củi”, nghe tiếng tàu chạy, nghĩ ngợi vu vơ. Thuốc củi là tên gọi loại thuốc điếu do người nghèo Sài Gòn sáng chế bằng cách quất lá đu đủ khô trong giấy tập, một bó 50 điếu, đem bán đầy đường. Tôi kỹ lưỡng hơn nên chịu khó quấn thuốc rê trong giấy pơ-luya. Chắc mầm bệnh ung thư thanh quản khởi nguồn từ thuốc củi ?
Tôi sau đó thay đổi nhà nhiều nơi. nhưng hễ gia đình dọn đến đâu, cũng đều dành một góc dành riêng cho Hoàng Ngọc Tuấn đến ngủ. Sau 1986, đề tài giải trí, kiến thức trên báo cũng mở rộng hơn. Hoàng Ngọc Tuấn gần như không viết văn nữa. Tôi và anh có lẽ cùng hiểu sự im lặng khi không còn cho ra đời sách mới như ý mình nữa. Anh chỉ viết về bóng đá và dịch các mẩu chuyện từ báo nước ngoài để kiếm tiền sống lây lất. Hoàng Ngọc Tuấn vẫn đi lại bằng chiếc xe đạp trành, hàng ngày đến các tòa soạn đưa bản thảo, nhận phong bì nhuận bút do cô trực văn thư đưa, rồi đi kiếm một góc phố nào đó nguồi uống cà phê. Ngày nào nhận được nhiều nhuận bút, chiều về Tuấn đều kêu các con tôi tới, dúi vào chúng một khoản “khoái ăn sang”. Nều vui thì Hoàng Ngọc Tuấn rủ tôi ra quán cháo vịt nơi đầu ngõ, nói : hôm nay tao trả !
Khi tôi dọn nhà về đường Quang Trung, căn gác nhỏ được một kệ sách phân làm 2. Tôi làm việc và ngủ ở khúc trước, anh ở chiếc giường sắt phía sau. Mỗi người mỗi chỗ, ít nói chuyện. Mỗi sáng sớm, tôi xuống trệt pha 2 tách cà phê. Cả 2 ngồi với nhau cũng không nói với nhau câu nào. Gặp nhau ở quán 81 thì mỗi người ngồi một bàn.
Tôi giao thiệp rộng, có nhiều khách đến nhà. Khi Hoàng Ngọc Tuấn về nhà, gặp người lạ, thì sau khi cất xe, anh lẳng lặng xách bao đựng dụng cụ cá nhân lên gác. Anh sợ bị quất rầy nên dặn vợ tôi là nếu có ai hỏi đến anh, thì nói là “Ông đó điên, điếc, đui”. Riết rồi mọi người hiểu ý. Vợ tôi, vợ Nguyễn Tôn Nhan đôi lần cố giới thiệu với Hoàng Ngọc Tuấn một số bạn gái độc thân và khuyên anh lấy vợ. Nhưng Hoàng Ngọc Tuấn ra đều kiện: Cô nào chịu lấy tôi thì phải cam kết không được quản lý chồng như các bà. Tôi đi đâu, về nhà lúc nào không được theo dõi ! Nhiều bạn bè thấy kiểu sinh hoạt của Tuấn và sự “chìu bạn” của tôi, đều gọi “đó là 2 “thằng khùng”.
Còn thấy bóng hình
Khoảng sau Tết 2005, một chiều về nhà, Tuấn nói với vợ tôi: “Bà Cửu ơi, chắc tôi bệnh nặng lắm”. Anh về nhà ngủ thưa thớt hơn. Tìm hiểu, chúng tôi được biết anh đã phát bệnh ở tuyến vòm họng, đôi lúc bị hành phải rúm người lại. Khoảng tháng 4, gia đình đưa anh vào điều trị tại Chợ Rẫy. Bệnh nhân đông, phải nằm chung 3 người một giường. Phù Hư và Lê Ký Thương đứng ra làm sổ vận động người quen góp tiền để Hoàng Ngọc Tuấn chữa bệnh. Chị Thu Nguyệt, vợ một người bạn của tôi là giám đốc nhà xuất bản Trẻ. Chị có quen với Phó giám đốc Sở y tế nên chúng tôi nhờ can thiệp cho anh được nằm một giường riêng. Qua nhà văn Minh Quân, tôi mượn được một số sách đã in của Tuấn. Tôi liền nhờ chị Nguyệt ký cho tái bản nagy tập sách lấy tên “Hình Như Là Tình Yêu”. Khoản nhuận bút lúc đó là 15 triệu đồng, tôi mạnh miệng xin NXB ứng tiền trước. Ngày cầm tiền đến bệnh viện đưa, nói đó là tiền sách tái bản, Tuấn vui lắm. Nhờ khoản nhuận bút này, cùng khoản hổ trợ của Lê thị Kim cùng nhiều anh em thân hữu, kể cả các nhà văn nhà thơ ở xa gửi về, chúng tôi đưa Tuấn về điều trị tại bệnh viện tư nhân Vạn Hạnh ở quận 10. Anh được nằm một phòng riêng.
Theo trí nhở của Trần Quốc Định thì Hoàng Ngọc Tuấn mất ngày 4-6 âm lịch năm Ất Dậu. Trưa hôm đó, tôi tạt vào quán Đất Phương Nam.
Quán do anh Phan Binh, cũng là bạn Tuấn và chúng tôi làm chủ. Mọi người đang góp ý về bức tượng chân dung Hoàng Ngọc Tuấn mà nhà điêu khắc Thế Ninh mới nặn bằng thạch cao. Mới uống được 2 chai bia, sao tôi nghe nóng trong ruột. Tôi liền đứng dậy nói “để tao coi Hoàng Ngọc Tuấn hôm nay ra sao”.
Tôi hối hả rời thang máy vào phòng lúc Hoàng Ngọc Lộc, em trai Tuấn đang đỡ anh trên giường. Dây chuyền không còn thổi giọt ra bình sê-rum nữa. Lộc nói : tim anh còn ấm, nhưng chắc vừa “đi” rồi. Mắt Tuấn còn mở. Tôi lấy tay mình vuốt mắt Hoàng Ngọc Tuấn: Cửu đây Tuấn ơi. Mắt anh khép lại. Chắc là nãy giờ Hoàng Ngọc Tuấn còn nuối tôi?
Lúc này khoảng hơn 1 giờ trưa. Các bạn bè từ quán Đất Phương Nam sau đó cũng kịp phóng xe đến. Phạm Chu Sa, Phan Binh và Phù Hư cùng khiêng băng ca đưa Hoàng Ngọc Tuấn qua thang máy xuống nhà vĩnh biệt.
Tới khi đó, có lẽ tác giả “Hình Như Là Tình Yêu” thấy được bóng hạnh phúc khi cô giáo H. xin phép mẹ anh được quấn khăn tang để cùng lo hậu sự cho anh.
Ngay hội ngộ nhiều số 7 “ngưu lang chức nữ” 2011, nhớ thương nhà văn tài hoa Hoàng Ngọc Tuấn, chúng tôi mong có nhiều độc giả cùng mời anh ly rượu.
Ngồi: Vũ Phan Long - Nguyễn Mộng Giác - Hoàng Ngọc Tuấn.
Đứng: Lữ Quỳnh - Châu Văn Thuận - Đặng Tấn Tới - Tôn Thất Bút - Nguyễn Chí Kham - Phạm Mạnh Hiên - Võ Chân Cửu.
http://www.gio-o.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét