Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

Thơ Việt - nghĩ vài điều khi vọng nhìn từ 2010 đến nay

(Toquoc)- Tôi vẫn đọc thấy đâu đấy năm 2010 là một năm thơ sôi động, nhiều gương mặt sáng giá… Chỗ khác thì năm 2010 là năm trầm lắng của thơ Việt. Hai kiểu nói nghịch nhĩ ấy, thực ra với thực trạng thơ Việt Nam gần đây, cụ thể là từ 2010 đến nay, thì nói kiểu nào cũng trúng.


Martin Heidegger trong những suy nghĩ sâu thẳm quan niệm chỉ có thi gia và tư tưởng gia là những kẻ cư lưu ngàn đời canh giữ cho ngôi nhà của hữu thể. Trong đấy, Heidegger cho rằng thi gia là kẻ đi đường thẳng, có thể ngay lập tức trực nhập vào các kinh nghiệm bản nguyên của thế giới. Ngược lại, triết gia thường đến với các bản chất thế giới bằng con đường vòng, sau cả một quá trình dài vật lộn, trăn trở về thế giới bằng những hoạt động tư duy rất phức tạp. Thi gia và triết gia là hai kẻ độc hành bằng hai đường đi khác nhau, nhưng đều dẫn đến một đích - cái bản chất thế giới. Vì thế, bao giờ cũng vậy, thi gia và tư tưởng gia là những của quý hiếm, tinh hoa nhân loại chắt lọc ra. Mà đã quý hiếm, là tinh túy người thì hiển nhiên không lấy đâu ra mà nhiều. Cho nên, trên khắp thế giới, các dân tộc vẫn tự hào về các nhà thơ, nhà tư tưởng của dân tộc mình. Họ là con cưng, là tinh túy do một dân tộc chắt lọc ra, cô đúc nên, như kim cương bất tử, lấp lánh sáng xuyên thời-không.

Thế mà Việt Nam là một dân tộc thơ vì trên khắp phương tiện truyền thông, người ta vẫn thường nhận như vậy. Ở Huế, gần đây có tuyển 1000 nhà thơ Huế đương thời, rồi tuyển thơ các địa phương: Thơ tuyển Phú Thọ, Thơ tuyển Thái Bình… Có thể vì thế chăng mà chúng ta ít gặp triết gia, vì ra ngõ là gặp nhà thơ, gặp những “tinh túy” có thể cộng thông ngay lập tức với các bản chất. Thế nên cần gì những kẻ suy nghĩ vẩn vơ, vòng vo tam quốc, hệ thống nên cái này nọ mang tên là triết gia. Việt Nam không có triết gia (có chăng một chút các nhân vật trong Trúc lâm thiền phái khi xưa và Trần Đức Thảo gần đây là cận triết gia mà thôi).

Nhại thế để thấy rằng ở Việt Nam, cái căn tính dễ dãi, đơn giản hóa mọi vấn đề của cư dân tiểu nông, làng xã đã in hằn sâu vào suy nghĩ con người nơi đây, làm thành những nếp hằn mang tính lịch sử. Ở Việt Nam, một ngày không biết có bao nhiêu tập thơ được ra đời? Nhưng phần lớn là những cái tên lạ hoắc. Thơ in ra để cho, biếu, tặng… thì được, chứ bán thì rất khó, ngoại trừ vài cái tên thời danh.

Tôi vẫn đọc thấy đâu đấy năm 2010 là một năm thơ sôi động, nhiều gương mặt sáng giá… Chỗ khác thì năm 2010 là năm trầm lắng của thơ Việt. Hai kiểu nói nghịch nhĩ ấy, thực ra với thực trạng thơ Việt Nam gần đây, cụ thể là từ 2010 đến nay, thì nói kiểu nào cũng trúng.

Nói thơ Việt 2010 là một năm thơ sôi động, với nhiều gương mặt thì đúng quá đi rồi, với bao nhiêu cái tên kể mỏi miệng chưa hết: Phạm Thị Điệp Giang, Tằng A Tài, Yên Khương, Lam Hạnh, Jalau Anưk, Du Nguyên, Tuệ Nguyên, Nguyễn Phan Quế Mai, Lê Hưng Tiến, Tiểu Anh, Nhã Thuyên, Lưu Mêlan, Đỗ Trí Vương; Nhụy Nguyên, Phan Thị Vàng Anh, Vi Thùy Linh, Trương Đăng Dung, Lê Anh Hoài, Lê Hải, Vũ Thành Sơn, Phạm Tường Vân… Đó là chưa kể hằng hà sa số những nhà thơ, tập thơ mà tôi biết ra đời song “không một tiếng vang”. Nếu cứ “lấy thịt (giấy) mà đè người (thơ)” như tình hình xuất bản ở Việt Nam gần đây thì tôi chắc rằng người thơ cứ bẹp dí, siêu mỏng, siêu phẳng. Trong đó, đáng chú ý hơn cả có lẽ là Mai Văn Phấn với hai tập thơ Hôm sauĐột nhiên gió thổi (cuối năm 2009), đánh dấu sự bước qua chính mình để làm mới thơ của anh. Hội thảo thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn tháng 5/2011 vừa rồi là sự khẳng định vị trí thơ Mai Văn Phấn trong làng thơ đương đại.

Người ta còn nhắc đến nhiều các sự kiện ồn ào như trình diễn thơ trong ngày thơ Việt 2010. Sự xuất hiện tới tấp của các tác giả thơ trên văn học mạng mà Lưu Mêlan, Lê Vĩnh Tài là hai đại diện sáng giá… Đồng thời, hiện tượng Vi Thùy Linh với Phim đôi - tình tự chậm, sự xuất hiện ồn ã trên các phương tiện thông tin đầu năm nay đã có một ý nghĩa riêng. Nữ nhà thơ này, với những hoạt động năng nổ của mình cả trong và ngoài thơ đã khiến dư luận chú ý, tạo nên hiện tượng trong đời sống thơ nước nhà thời gian qua. Với sự quan tâm từ nhiều phía, cả giới phê bình thơ lẫn văn hóa, đại chúng, sự xuất hiện của Phim đôi - tình tự chậm cho thấy thơ vẫn sống theo kiểu của riêng nó.

Tất cả, rung chuông gõ trống, làm nên sự náo nhiệt nhất định của thơ Việt thời gian vừa qua.

Ngoài ra, năm 2010 còn có các hội thảo lớn, khẳng định (hay đúng hơn, củng cố) lại các vị trí đã được khẳng định, như hội thảo kỉ niệm lần thứ 90 ngày sinh của nhà thơ cách mạng đầu đàn: “Tố Hữu - thân thế và sự nghiệp". Hội thảo về "Thân thế và sự nghiệp nhà thơ Chế Lan Viên" nhân sinh nhật thứ 90 của ông. Đồng thời là các tuyển tập ra đời, xác định chắc chắn ngôi vị của các cây thơ đa đề vẫn tỏa bóng lâu nay như Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy, Hoàng Cầm…

Điểm qua cũng đã bấy nhiêu hiện tượng, vậy nói thơ Việt không ồn ào, sôi động sao được.

Trái lại, nếu nói thơ Việt năm qua trầm lắng thì cũng… không sai. Bởi vì, dù cho hiện tượng, sự kiện thơ rất nhiều nhưng nhìn từ 2010 đến nay, vẫn không thấy một sự kiện gì đáng để nói thơ gây ra chấn động trong đời sống văn hóa dân tộc. Các sự kiện thơ chỉ nóng trong giới thơ, sáng tác, phê bình với nhau chứ ít có ảnh hưởng mạnh tới xã hội. Nghĩa là thơ ca Việt Nam thời gian qua có một không gian hiện hữu rất nhỏ bé, nóng trong tiểu khí hậu chật chội. Thơ khá xa lạ đối với phần đông xã hội.

Điều này không phải vì các nhà thơ của chúng ta dở, bất tài mà có nhiều nguyên nhân. Cá nhân tôi luôn tin rằng, thời đại nào thì có người nghệ sỹ của thời đại ấy. Nhưng vì đâu nên nỗi nhà thơ Việt thì nhiều mà nhà thơ ưu trội, với những câu thơ “kinh người” lại hiếm. Nhà thơ của ta hiện nay cứ sàn sàn như nhau, nhòe lẫn vào nhau khó tìm ra bản sắc. Lý giải tình trạng này có thể xem mấy nguyên nhân sau:

- Yếu tố đầu tiên là sự cố ý làm lẫn lộn giá trị thi ca của các thế lực phi nghệ thuật, nhưng lại “định hướng” cho sự “phát triển” của nghệ thuật đã tạo ra nhiều thần tượng bằng đất thó. Các thần tượng ngụy tạo, “những đỉnh cao nghệ thuật được tạo dựng” đã làm xáo trộn nhiều chân giá trị. Điều này khiến cho những nhà thơ tài năng đôi khi bị vùi dập, nhẹ hơn thì bị lẫn vào trong một đám hỗn độn những nhà thơ bất tài.

- Yếu tố tiếp theo, là do tiếp nhận thơ Việt Nam vẫn rơi vào hệ hình truyền thống, lấy thơ vần vè cổ điển làm khuôn mẫu và vì thế dị ứng với các hình thức thơ mới. Việt Nam là một quốc gia tiền hiện đại có xen ghép yếu tố hiện đại và hậu hiện đại vì thế vấn đề tiếp nhận rất phức tạp. Người ta vẫn chưa quen với mỹ học của cái khác, chấp nhận cái không giống mình chưa phải là thói quen trong công chúng tiếp nhận ở Việt Nam hiện nay. Điều này, thể hiện rõ trong quan niệm đa chiều về thơ Việt hiện thời.

- Và một nguyên nhân rất quan trọng, làm cho tiếp nhận thơ Việt Nam rơi vào hỗn độn, đó là hoạt động phê bình thơ thiếu chuyên nghiệp và khoa học. Một nền phê bình phát triển sẽ giúp cho công chúng định hướng được các đối tượng thẩm mỹ chất lượng cao. Nhưng tại Việt Nam, phê bình văn học nói chung và phê bình thơ hiện nay chưa đảm đương được nhiệm vụ của mình. Nhà phê bình Việt Nam thiếu chuyên nghiệp, rất ít nhà phê bình có phương pháp phê bình mạch lạc, uyển chuyển. Những phê bình kiểu điểm sách theo dạng PR rất nhiều, kiểu như nấm sau mưa, nhưng quá nhiều nấm có khi lại làm ngộ độc công chúng tiếp nhận.

Phê bình văn học Việt Nam thường nặng về tính báo chí, khen chê theo ấn tượng chủ quan, bề mặt. Giới phê bình xuất thân trường ốc thì cứng nhắc, cứ lý thuyết áp vô một cách cơ giới, khiên cưỡng, tạo thành các sinh thể phê bình khô khan và vô nghĩa vì không chạm đúng bản chất. Đó là chưa kể phê bình vì tình cảm riêng vì sức ép bên ngoài văn học chi phối, hay vì kinh tế mà chất lượng phê bình bị biến chất. Kết quả là nhiều hiện tượng thơ “không đáng” lại được vinh danh quá mức… Các giá trị thơ ca vì thế mà lẫn lộn.

- Cuối cùng, ở một đất nước mà nhà thơ cứ mọc lên tua tủa như cỏ, mà ai cũng cho mình là tài thơ, có phong cách riêng, phá bỏ các chuẩn mực cũ, làm cách tân… Tất cả đều muốn “nổi”, muốn có vị trí trong làng văn nên người ta phải làm nhiều cách phi thơ để khẳng định thơ mình. Những hoạt động tiếp thị bên lề các phương tiện truyền thông, quảng bá thơ diễn ra rất sôi nổi. Người ta dựa vào quyền uy (nếu có), không thì tiền tài, nhẹ hơn là quan hệ, thậm chí là “phí tình”, đem cái “sắc” để tiến thân cho thơ (đáng ngại là có những kẻ có hầu hết các thế mạnh ấy). Tất cả tập trung vào một nhiệm vụ tối cao, tạo cho thơ mình một vị thế trong dư luận. Thế là xong, làm được việc ấy là trở thành nhà thơ có tài, được xã hội thừa nhận. Vẫn thấy nhiều nhà thơ cứ có một vài bài viết về mình (mà hầu hết theo lối bạn bè thù tạc), là bắt đầu có những phát biểu… “quá nhời”, “động trời”… Kiểu phát biểu của các tài năng cỡ lớn.

Những bộ óc siêu việt như Platon, Heidegger, Nietzsche luôn kỳ vọng vào sự thâm sâu của thơ ca. Nhà thơ ấy là kẻ tiếp thông với những thế giới huyền nhiệm, cao cả, vì thế là sứ giả của trời và người, phát ngôn viên của cái đẹp, của các bản chất. Nhà thơ chỉ quy phục nàng nghệ thuật. Nhưng ở Việt Nam, nhà thơ còn có thêm nhiều chức năng nữa, như giải trí, đấu tranh xã hội, tuyên truyền, giáo dục… những lĩnh vực mà đã có các loại hình văn hóa khác đảm nhiệm, nay thơ kiêm nhiệm hết. Heidegger, Nietzsche hiểu rằng thơ ca là con đường lữ hành độc đạo của kẻ sáng tạo cô đơn và kiên trinh. Đạo đức học của thơ ca là cất mình lên cao hơn cái thường ngày, biết im lặng để phát ngôn. Thơ hay tự nó sẽ tạo ra số phận cho mình. Thơ ra đời trước nhất vì cái riêng tư, cứu chuộc cho thân phận nhà thơ trên thập giá đời. Đi tận cùng cái tôi nhà thơ sẽ bắt gặp cái nhân loại trong đấy. Những Nguyễn Du, Hàn Mạc Tử, Bùi Giáng làm thơ trước nhất cho mình, sau đó, tự khắc đến với người. Những ồn ào náo nhiệt bên ngoài thơ, có thể, đã xô đẩy nàng thơ bay biến. Một tự tin đích thực với nhà thơ bây giờ nghĩ cũng là cần thiết, đạo đức học về im lặng trong thơ hẳn nhiên có thế giá của mình. Thơ hay tựa như suối nguồn mà những kẻ đọc khi đi qua ắt phải dừng lại thanh tẩy mình trong ấy.

Những yếu tố trên xoắn luyến vào nhau, cùng tồn tại, cùng “hoạt động” không ngừng làm cho thơ Việt bị méo mó đi rất nhiều. Kết quả là, thơ Việt Nam rơi vào tình trạng nhiều người làm thơ nhưng thiếu những trụ cột và không định hình được ngôi nhà thẩm mỹ thơ ca. Tình hình thơ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI vẫn còn nhiều điều đáng bàn và cần những cái nhìn nghiêm khắc để có một nền thi ca thực sự khởi sắc.

Huyền Minh

http://vanhocquenha.vn

Không có nhận xét nào: