Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ: Tập thơ tri ân Nguyễn Trãi

Phan Tấn Hải

nguyen_luong_vy_2
Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đang ký tên vào tập thơ mới (Photo: PTH)

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ vừa xuất bản tập thơ mới, nhan đề “Tám Câu Lục Huyền Âm.” Và đây là tập thơ thứ bảy của ông.
Thi tập này được ghi là để “Tri ân tiền bối Nguyễn Trãi.”
Tập thơ dày 154 trang, bìa sau có chân dung tác giả do họa sĩ Trương Đình Uyên vẽ, bìa trình bày chung với Lê Giang Trần.

Trả lời phỏng vấn của Việt Báo, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ nói rằng các bài thơ trong tập này là sáng tác từ 2010-2013, trong đó có 32 bài — với thơ thể 6 chữ, công gọi là thơ lục ngôn, gồm 9 bài; thơ ngũ ngôn, gồm 8 bài; và rồi thơ thể 8 chữ.
Nhà thơ nóí, qua thi tập naỳ, ông muốn tìm về nguyên ủy tiếng Việt, và đặc biệt trong thể thơ mà ông gọi là “thơ lục ngôn bát cú,” ông sử dụng kỹ thuật mới về đối chữ.
Có thể thấy một điển hình của pháp đối này qua bài Dốc Trăng Cổ Xứ, do ông sáng tác tháng 12-2010, thử trích đoạn thứ ba của bài:
A ha ta về cố xứ
Dốc trăng gót lữ động tình
Tình buốt buốt vuốt ngực hú
Niềm lâng lâng đắp nắng thinh
Trăng lặn dốc mù địa phủ
Trời nhô bóng rợp thiên tinh
Một tràng kinh về đông đủ
Chiêm bao gió lú rùng mình…

(trang 9)
Người Việt thường quen với thơ bát cú thất ngôn (8 câu, 7 chữ), tuy nhiên thể thơ mới do Nguyễn Lương Vỵ thực hiện trong tập này không hoàn toàn là biến đổi từ thể cổ thi, nhưng nhóm 4 câu giữa bài đều hầu hết đã đối nghiêm chỉnh cả thanh lẫn nghĩa.
Như “niềm lâng lâng” đối với “tình buốt buốt”… Hay “trăng lặn dốc mù địa phủ” với “trời nhô bóng rợp thiên tinh.”
Tương tự, một số câu khác trong bài “Gửi Quốc Âm,” trước đó ông chụp lại một ảnh chữ Nôm từ tập Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi. Trong đoạn thứ VII của bài này, Nguyễn Lương Vỵ viết như sau:
VII.
Lá thu mưa đóa huyết thi
Đầu cây ngọn cỏ thầm thì
Chim bay về rợp võng nắng
Gió cuốn đi chớp quầng mi
Nghiêng tai nghe âm trổ nụ
Ghé mắt thấy chữ phương phi
Xoa tay nhặt năm tháng cũ
Mầm tươi vừa nhú diệu kỳ…
(tr. 17)

Thấy ngay hình ảnh: “Chim bay về” và “Gió cuốn đi”… hay “Nghiêng tai nghe âm trổ nụ” đối với “Ghé mắt thấy chữ phương phi”…
Nhưng không phảỉ phép đối kiểu cổ thi làm mất bản sắc Nguyễn Lương Vỵ. Vì thơ của ông vẫn có một sắc màu rất riêng: chữ cổ kính, nhưng câu rất mới; khổ thơ vuông vắn, kỷ cương nhưng nghĩa vẫn đau thương, trầm uất một kiểu rất riêng tư.
Chữ cổ kính như: dốc trăng cố xứ, dốc trăng khuyết đĩa dầu hao, chào cố xứ, phong dao mài thanh kiếm sắc, thủy cầm, mái đình tợ cổ cầm, giấc thạch cầm…
Nhưng biến thành những câu rất mới như:
Nhớ quá dốc trăng cố xứ
Hít một hơi ứ thiên cao…
(tr. 7)

Hay, cũng rất mới là các câu:
Nếp trán vết hằn tâm sự
Dốc trăng khuyết đĩa dầu hao…
(tr.7)

Trong khi đó, ngôn ngữ Nguyễn Lương Vỵ đã hiện thân rất mực mới lạ và đẹp tuyệt vời là trong lời ngợi ca Nguyễn Trãi:
Sống trong veo như nhật nguyệt
Chết tịch mịch tợ cổ câm
Bè mây trắng vang câu hát
Nước non trở giấc thạch cầm…
(Gửi Quốc Âm, tr. 11)

Hình như không mấy người ngợi ca Nguyễn Trãi thơ mộng như thế. Thi sĩ đã nhìn thấy nước non phải trở giấc thạch cầm vì thương cho tâm hồn trong veo như nhật nguyệt của Nguyễn Trãi…
Mặt khác, các khổ thơ Nguyễn Lương Vỵ đều vuông vắn, kỷ cương. Kể cả những bài thơ 6 chữ, hay bài 5 chữ, hay bài 8 chữ. Người đọc có cảm giác rằng thi sĩ họ Nguyễn đã cẩn trọng từng chữ, cân nhắc từng vị trí đối nghĩa, đối âm, đối chữ đơn hay đối chữ ghép.
Nhưng dù vậy, thơ Nguyễn Lương Vỵ không phải là kiểu cổ thi như người xưa. Trong thơ có những dòng nước mắt rất riêng, trong đó chữ như vang lên nỗi đau. Thí dụ, từ bài Niệm Khúc:
Không gian đưa tay vẫy
Thời gian nhón gót về
Ngã tư nằm lóng nghe
Ngã ba rao lạc giọng…
(tr. 88)

Phải chăng thi sĩ họ Nguyễn đã hít thở được với cả những không gian bên kia và thời gian ngoài nớ, để rồi sống nơi cõi này mà hệt như lơ lửng nơi ngã tư và nghe những ngã ba khản giọng vì tiếng gọi  từ “Gọi ta xưa biệt tích, Phải đâu trong u tịch” (cùng tr.88).
Đây là một tập thơ xuất sắc, và là những dòng chữ tuyệt vời mà Nguyễn Lương Vỵ có thể viết cho cụ Nguyễn Trãi.

Phan Tấn Hải
Nguồn: Tác giả gửi
Trích lại từ sangtao.org

Không có nhận xét nào: