Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Phạm Duy và những bài hát im lặng


  • Nhạc sĩ Phạm Duy ký tặng sách cho khán giả trong đêm nhạc mừng sinh nhật 91 tuổi của ông
     tại nhà sách Phương Nam, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Gia Tiến

TT - Nhiều ngày sau khi bản thông báo đầu tiên (23-3) về chuyện gia đình nhạc sĩ Phạm Duy không cho phép sử dụng các tác phẩm của Phạm Duy ở mọi hình thức, được bố cáo trên một tờ báo lớn nhất của cộng đồng người Việt tại miền Nam Cali, Mỹ, với số bán gần 18.000 bản mỗi ngày, sự kiện này đã làm không ít người yêu âm nhạc xôn xao.
Thậm chí với tuyên bố bác bỏ thông báo đó của nhạc sĩ Duy Cường từ VN, dường như mọi chuyện vẫn đang là một điều khó hiểu.
Ðiều được lưu ý là trong bản tin này, danh xưng của bố cáo là "gia đình nhạc sĩ Phạm Duy" đã sử dụng cụm từ "sẽ không được sử dụng trên mọi phương diện" và đồng thời là sự răn đe khi nhắc đến "hình phạt chính là 250.000 USD cho mỗi vi phạm, và mức án tù". Ðây có lẽ là lý do khiến không ít những lời bình luận mang tính chỉ trích đã xuất hiện ở nơi công cộng, hoặc được lưu lại trên các trang mạng.
Như vậy là sau việc các nhạc phẩm Trịnh Công Sơn, giờ đây các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy đã bước vào việc có tình huống kiểm soát đặc biệt hơn mọi tác phẩm âm nhạc khác có sự quan tâm của người VN, bao gồm cả các tác phẩm của nước ngoài từ Tchaikovsky cho đến Paul McCartney.
Hậu trường của lời cảnh cáo
Xét về tình trạng hiện nay thì bố cáo được công bố ở Mỹ, không có nghĩa là có hiệu lực ở VN, nơi tất cả các bản quyền được phép của nhạc sĩ Phạm Duy đều do Công ty Phương Nam quản lý. Cho đến lúc này, việc sử dụng bản quyền tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy hiện vẫn diễn ra bình thường.
Thậm chí, ngay ở Mỹ cũng vẫn có vẻ bình thường nếu bạn là một người quen biết, thậm chí là mới mẻ với gia đình nhạc sĩ Phạm Duy cũng không sao, nếu gọi vào xin phép ở số 714-599-4167, miễn không liên quan gì đến D&D Entertainment. Chẳng hạn như live show của ca sĩ B.V. với vài bài hát diễn ra trước bố cáo vài ngày, vẫn được phép hát một cách vui vẻ.
Ở Mỹ, rất nhiều người ngạc nhiên về ngôn ngữ bố cáo cấm sử dụng các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy lần này. Thực tế là năm 2005, khi về nước, gia đình của nhạc sĩ Phạm Duy cũng từng bố cáo trên báo chí (cũng là báoNgười Việt) về chuyện đã giao độc quyền các tác phẩm cho Công ty Phương Nam trong 20 năm.
Nhưng trong lần đó, ngôn ngữ của thông tin đó cũng hết sức nhẹ nhàng, chỉ lưu ý rằng vì việc ký kết này nên những ai muốn sử dụng tác phẩm của Phạm Duy thì xin hãy liên hệ với Công ty Phương Nam.
Có thể hiểu rằng ngôn ngữ bố cáo đó, đã có sự xem xét và đồng ý của nhạc sĩ Phạm Duy, lúc còn sống. Nhiều nhà sản xuất âm nhạc sau đó cũng đã liên hệ với Công ty Phương Nam để sử dụng nhạc của Phạm Duy, cụ thể như hai trung tâm lớn ở Mỹ là Thúy Nga Paris và Trung tâm Asia. Mọi chuyện có vẻ như bình thường trước một cách kiểm soát bản quyền thông lệ. Thế nhưng bố cáo lần này đã gây một cú sốc. Cho dù có thể được châm chước là một sự hiểu lầm về tâm ý, nhưng hậu trường của bố cáo này vẫn đang râm ran với nhiều điều đáng nói.
Theo rất nhiều người trong giới văn nghệ VN tại Mỹ, thật ra lời cảnh cáo này nhằm vào ông Dũng Taylor, giám đốc Trung tâm D&D Entertainment. Trước đó không lâu, ông Dũng dự định tổ chức một chương trình tác giả Phạm Duy & Trịnh Công Sơn (theo sự biên tập của ca sĩ Thu Phương, hiện là vợ ông Dũng Taylor) vào ngày 31-3 này tại Saigon Performing Arts Center, Cali. Chương trình có tên là Ru tình.
Ðã có những cãi vã quanh chuyện tiền tác quyền giữa ông Dũng Taylor và đại diện gia đình Phạm Duy. Ông Dũng Taylor không cho biết số tiền cụ thể là bao nhiêu, nhưng ông có nói trên báo Người Việt ngày 28-2 là "một số tiền không nhỏ". Tuy nhiên, sau đó ông Dũng Taylor mượn sóng truyền thanh của một đài địa phương ở Cali để trách móc. Một nhà báo ở miền Nam Cali giấu tên nói rằng ông Dũng đã làm gia đình Phạm Duy tức giận khi tuyên bố ở ngoài rằng "được ông làm chương trình cho là may lắm rồi".
Chưa biết hoàn toàn thực hư ra sao, nhưng hiện người ta suy luận rằng bố cáo về việc cấm sử dụng nhạc Phạm Duy ở Mỹ có nhiều khả năng là từ chuyện này. Phía ông D&D Entertainment cũng đã im lặng thay đổi poster quảng cáo và cả ca sĩ, chẳng hạn như ca sĩ Uyên Linh sẽ thôi không diễn, mà chỉ còn các ca sĩ Khánh Ly, Tùng Dương, Hà Anh Tuấn, Thương Linh và Thu Phương trình diễn trong một nội dung được biên tập gần như hoàn toàn khác hẳn. Các bài báo được quảng cáo, giới thiệu cho chương trình cũng đã được lặng lẽ tháo xuống trên các trang web chính.
Rắc rối chuyện bản quyền
Trên Tuổi Trẻ (ngày 29-3), nhạc sĩ Duy Cường với danh xưng là người đại diện bản quyền chính thức của nhạc sĩ Phạm Duy tại VN đã bác bỏ bố cáo gây xôn xao này. Trong đó ông nhấn mạnh "cá nhân nào đó" đưa ra thông báo này sẽ phải tự chịu trách nhiệm.
Nhưng không đơn giản việc "cá nhân nào đó" có thể đủ thẩm quyền hay văn bản, để viện được các điều luật bản quyền của Chính phủ Mỹ cho ra một thông báo hết sức mạnh mẽ như vậy. Số điện thoại liên lạc được đăng trên báo Người Việt, được biết hiện do ông Duy Ðức, con trai của nhạc sĩ Phạm Duy, nắm giữ. Ngày 29-3, khi trả lời về việc thông cáo bản quyền này còn hiệu lực hay không sau tuyên bố của nhạc sĩ Duy Cường, ông Duy Ðức đã trả lời một cách nhã nhặn rằng: "Dạ thưa, mọi việc vẫn cứ như thông báo, không có gì thay đổi cả". Thậm chí, ông Ðức nói rằng sẵn sàng trả lời phỏng vấn qua email để giải quyết mọi thắc mắc.
Như vậy, dường như câu chuyện bản quyền của nhạc sĩ Phạm Duy đang có một vấn đề lớn hơn là việc bất đồng trong nội bộ gia đình về việc kiểm soát bản quyền, hay nói rõ hơn là về chuyện ai là người có quyền kiểm soát bản quyền hơn 1.000 bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy.
Những câu chuyện hậu trường đó không phải ai cũng biết hoặc quan tâm, đặc biệt là những khán giả yêu mến các tác phẩm của Phạm Duy. Nhưng với rất nhiều người, nội dung vừa được tung ra tại Mỹ, được coi là rất gay gắt của bố cáo lần này, đã làm không ít người cảm giác bị tổn thương. Một trong những lý do mà phản ứng của khán giả rộ lên, đơn giản vì nhạc Phạm Duy là một trong những lựa chọn hết sức quen thuộc của khán giả, của các phòng trà, sân khấu... ở trong nước. Những gì của ông đã là một phần trong đời sống tinh thần của họ. Vì vậy không ít người đã tức giận đến mức trách móc người đã mất, quên mất rằng những chuyện như vậy chỉ được sắp xếp bởi người còn sống mà thôi.
Và những bài hát im lặng
Những bài hát buộc phải im lặng dưới cái tên Phạm Duy, dường như chỉ là một cách làm có mục đích nhỏ, nhưng khá vội và được xem là thiếu cách suy tính chu toàn khiến cho nhiều người cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến nhiều điều quá lớn lúc này: Người nghe vừa mất một Phạm Duy nay lại mất cả các tác phẩm của Phạm Duy!
Cũng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trái tim nghệ sĩ của Phạm Duy cũng vẫn luôn khao khát một điều vĩnh cửu và giản dị, đó là được nghe giai điệu của mình vang lên trong đời sống, mặc nhiên và không toan tính. Trong một lần trả lời phỏng vấn vào năm 1996, khi được hỏi nếu cần phải gửi một lời cảm ơn quan trọng nhất đến ai đó trong đời mình thì ông chọn cảm ơn ai, nhạc sĩ Phạm Duy đã từng thốt lên rằng: "Xin cảm ơn tất cả những ai còn hát nhạc Phạm Duy".
Có thể tính cách của nhạc sĩ Phạm Duy không dễ gần trong đời thường để được yêu mến trọn vẹn, nhưng trái tim nghệ sĩ của ông thì rộng lớn và luôn đau đáu ước nguyện cống hiến tài năng của mình cho quê hương và con người VN. Vì vậy, đôi khi chút lời ngăn trở ở đời sau, dù chỉ là cho một mục đích nhỏ, nhưng nếu thiếu dè dặt, có thể làm đau tấm thịnh tình của khán giả vẫn đang dành cho ông. Và hãy tự hỏi sẽ làm đau biết bao nhiêu trái tim của người nghệ sĩ đã khuất.
TUẤN KHANH
TUOITREONLINE

Không có nhận xét nào: