Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

TẢN MẠN LÚC 0 GIỜ : SỰ BÌNH AN MỖI NGÀY MỘT HIẾM


Hạnh phúc là được sống trong sự bình an. Bắt đầu từ đời sống cá nhân,  như ai đó nói đại ý có tiền có thể mua được chiếc giường đủ tiện nghi, êm ấm nhưng không mua được giấc ngủ, là họ nói không sai. Đã có những cuộc tình có hai người nhưng nhiều hơn một mộng, khập khiễng lủng cà lủng củng cho đến một ngày...bất an, bất ổn!
       Sự bình an bây giờ hiếm hoi lắm. Tối qua coi người ta chiếu lại đoạn băng do camera ghi được. Thằng ăn trộm đột nhập một căn nhà vào ban đêm. Nó lục lọi và ra chiều thất vọng vì cuối cùng chỉ cuỗm được có một cái máy tính xách tay và mở cửa chuồn ra ngoài sau khi tiếc ngơ ngẩn vì có tới 4 chiếc xe máy mà nó không bắn khóa được. Tên ăn trộm, ngươi tiếc cái chi? Có biết rằng thoát được ra ngoài là thoát được sự bất an cho ngươi không? Những người trong nhà ngủ ngon giấc chỉ mãi sáng sớm mới biết mình đã qua những giờ phút cực kỳ bất an! 
      Tôi nhìn thấy và cảm thấy bất hạnh của sự lo âu khi ra đường giữa dòng xe cộ dày đặc chạy bất kể chết. Vào quán tiệm, đau ốm vào nhà thương...đều có cảm tưởng nó thiếu bình an sao đó, do đã từng phát hiện hàng tấn thịt thối chảy nhớt bốc mùi của bọn con buôn hám lời tung vào thị trường cùng với bánh kẹo, rau trái nhiễm độc khác. Những lỗi không thể hiểu nổi của các thầy thuốc như đau bên trái cắt bên phải, đau ruột thừa cắt tử cung...Đã có những "làng ung thư" xung quanh một nhà máy...Không ít vụ vợ đốt chồng chồng cắt cổ vợ, thầy hại đời con gái của trò, đại gia giật nợ, lừa đảo...đã làm cho sự bình an vốn hiếm lại càng hiếm thêm. 
      Trên internet thấy hàng loạt vụ xả súng vào đám đông, hiếp dâm du khách, đánh bom liều chết...mới hay sự bất an không có biên giới quốc gia, không phụ thuộc vào sự nghèo khổ hay chậm tiến! Người dân Hy Lạp tôi nghĩ là khó ngủ lắm khi đứng trước nguy cơ thảm họa đất nước bị phá sản? Thu nhỏ bất an lại, có bao nhiêu cặp đôi thật sự tìm thấy bình an bên nhau?
       Sáng tinh mơ này, coi clip của một bác sĩ phản ành lại những gì xảy ra trên Đường số 7 tháo chạy từ Pleiku về Tuy Hòa của những người lính VNCH thuộc 3 tỉnh Kontum, Pleiku, Phú Bổn tháng 3 năm 1975. Hình ảnh dạo đó là do những người lính nào đó chụp được, xét cho cùng chúng cũng là đoạn nối dài những hình ảnh chiến tranh đã có 20 năm trên đất nước tôi, nhưng những gì có trên tỉnh lộ 7 khi đó quá bi thảm.
       Hiện nay ở VN đang có chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của một số nhà báo có cái tâm to hơn chính kiến, nhiều những người 40-50 qua chương trình này đã được đoàn tụ với người thân thất lạc nhau trên con đường số 7 vào ngày N bi thảm năm xưa khi mà họ mới chỉ là những đưa bé chưa biết cả tên cha mẹ. Cám ơn sự nhân hậu của các nhà báo đài VTV, cám ơn thái độ khách quan đáng kính trọng của người thầy thuốc khi nói về một giai đoạn bi thảm đã qua của đất nước này. Coi cả hai thứ trên là coi với trái tim của một người VN, không có một hoài niệm mang tính lịch sử nào mặc dù tôi cũng từng là một sĩ quan trong quân đội VNCH…Chiến tranh xảy ra trên đất nước tôi khi tôi mới ở tuổi lên mười và nó chỉ chấm dứt (?) khi tôi gần bốn mươi, tôi muốn quên những gì mình đã thấy, muốn những thế hệ sau không phải sống những giờ phút bất an đó nữa.
      Điều làm tôi xúc động là lời bình thẳng thắn và khách quan của ông bác sĩ, đó chính là suy nghĩ của tôi ngay từ năm 1969 khi phía Mỹ chịu ngưng ném bom bắc vĩ tuyến 17 và  ngồi vào bàn hội nghị. Họ tính đường rút quân sau một hiệp định thay vì phải tháo chạy mà họ biết điều này rất có thể xảy ra và đó sẽ là một trang đen trong lịch sử Mỹ. Phải nói thành thực rằng tôi không đồng tình với sự hiện diện của lính Mỹ tại miền Nam VN, là người tốt nghiệp ban Sử Địa ĐHSP, nhãn quan của tôi là người Mỹ hay tìm ra những cái cớ chông chênh để hiện diện ở nhiếu nơi, và trong tất cả những dính líu của Mỹ với nước ngoài đều dựa trên lợi ích của chính họ, và hễ cứ viện trợ ở đâu thì y như rằng người Mỹ sau đó sẽ bị chống ở đó. Nói một cách nào đó thì sự phản bội đồng minh là điều người Mỹ thường làm, tôi thù ghét sự phản bội vốn là thái độ thấp kém của một nhân cách thấp kém. Suy nghĩ này của tôi có từ trước 1975.
      Bây giờ hòa bình đã 38 năm trên đất nước tôi, cuộc sống của chúng tôi còn thiếu rất nhiều thứ kể cả những tiện nghi bởi vì nước tôi còn nghèo. Nhưng với tôi, hạnh phúc là sự bình an bền vững để cho thế hệ các con, cháu tôi có một đời đáng sống là mang hết tâm trí của chúng ra lập thân lập nghiệp một cách độc lập và lương thiện. Không phải như cha ông chúng thời còn nhỏ đã nhìn thấy những bao bột mì, những thùng dầu ăn, bơ, phó mát làm từ hạt bông gòn (?) của nước ngoài tặng cho trong khi chúng tôi ăn gạo và rất ngán thứ bơ và phó mát này. Những thứ ấy sau 20 năm hiện nguyên hình là sự phản bội mà hình ảnh trên đường số 7 tôi coi sáng nay là một đáp số!

CAO THOẠI CHÂU
 http://caothoaichau.blogspot.com

Không có nhận xét nào: