Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Cùng Cung Giũ Nguyên khám phá nỗi cô đơn

TS Phạm Văn Quang:

SGTT.VN - TS Phạm Văn Quang hiện đang là giảng viên khoa ngữ văn trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Ngoài luận án tiến sĩ về nhà văn Cung Giũ Nguyên, một cái tên tiêu biểu cho dòng văn học Việt Nam viết bằng tiếng Pháp nhưng "rất ít người biết tới dù đã có một thời nổi tiếng". Ông vẫn còn đang đeo đuổi nghiên cứu về đề tài này bởi một sự thu hút kỳ lạ và lòng yêu văn chương vô tận.
Sài Gòn Tiếp Thị trân trọng giới thiệu đến bạn đọc những trao đổi về một dòng văn học tuy chưa bao giờ là best seller hay có "độ nóng", nhưng nó vẫn là dòng chảy không ngưng nghỉ của văn học Việt Nam bởi nó đã được xác lập như một giá trị.
Nhà giáo, nhà văn Cung Giũ Nguyên: từ khắc kỷ đến hoài nghi về cuộc đời
Tình cờ tôi có gặp giáo sư Cao Huy Thuần, ông rất ngạc nhiên khi nghe tôi hỏi về Cung Giũ Nguyên. Ông nói không phải tôi là người duy nhất mới hỏi ông, vừa có vài người nữa, trong mấy ngày gần đây có nhắc lại nhân vật, mà theo ông "rất ít người biết tới dù đã có một thời nổi tiếng". Đó cũng là điều tôi thắc mắc vì sao ông lại chọn nhân vật này cho luận án tiến sĩ của ông bảo vệ tại Pháp?
 
TS Phạm Văn Quang
TS Phạm Văn Quang: Con người được biết đến tùy vào khung cảnh xã hội và lịch sử. Đối với nhà văn Cung Giũ Nguyên, tôi cho rằng có thể sử dụng khái niệm "được thừa nhận" thay vì "nổi tiếng", và việc ông được thừa nhận trong quá khứ, đặc biệt trong giới trí thức, có lẽ nhờ vào những hoạt động văn hóa, giáo dục và báo giới.
Không gian văn hóa và tri thức bị biến đổi kéo theo những chọn lựa của cá nhân; và biết đâu đó lại là cách chọn lựa hợp lí của nhà văn: ẩn mình giữa đô thị, một hình thức đại ẩn, theo cách nói của nhà văn.
Tôi hoàn thành luận án tiến sĩ năm 2007. Việc chọn đề tài cho luận án không phải là một công việc ngẫu nhiên vì, xét về mặt lý thuyết và phương pháp, đó là bước tiếp theo và chuyên sâu hơn của những gì tôi đã thực hiện trong giai đoạn làm thạc sĩ.
Chính lúc đó tôi nghĩ đến văn học Pháp ngữ và gặp được một số tài liệu về các nhà văn Việt Nam. Tôi quyết định chọn nghiên cứu trật tự diễn ngôn trong một số tiểu thuyết của Phạm Văn Ký, Phạm Duy Khiêm và Cung Giũ Nguyên.
Đây là ba tác giả của Việt Nam được đề cập nhiều nhất trên diễn đàn văn học Pháp ngữ thế giới lúc đó. Như vậy tôi chọn nhà văn Cung Giũ Nguyên cũng như hai nhà văn kia với mục đích tìm lại hay đúng hơn là khám phá di sản nghệ thuật sáng tạo của người Việt, đồng thời có cơ hội chứng kiến sự vận hành của tư duy Việt trong vỏ bọc ngôn ngữ Tây.
Ngoài Cung Giũ Nguyên, dòng văn học Việt Nam viết bằng tiếng Pháp còn có những nhân vật nào, và những giá trị về mặt ngôn ngữ thông qua tác phẩm của họ đã đóng góp thế nào cho nền văn chương thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, thưa ông?
TS Phạm Văn Quang: Năm 1953, nhà văn Pháp ngữ Nguyễn Tiến Lãng, con rể của cụ Phạm Quỳnh, đã có bài viết trên tạp chí Nouvelles littéraires bàn về việc hình thành một “trường phái văn học Pháp ngữ Đông Dương”, mục đích quy tụ những nhà văn trẻ sử dụng tiếng Pháp thời đó như Pierre Đỗ Đình (Đỗ Đình Thạch), Trần Đức Thảo, Phạm Duy Khiêm, Trần Văn Tùng, Phạm Văn Ký. Dù vậy, cho đến nay, những tác phẩm của họ, xét trên bình diện thiết chế, vẫn thuộc loại văn học ngoại vi. Đồng thời với họ, chúng ta có thể nói đến Nguyễn Phan Long, Đào Đăng Vỹ, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Nho, Vy Huyền Đắc, Nguyễn Đức Giang, Trịnh Thục Oanh, bà Lý Thu Hồ... Thế hệ trẻ hơn, từ những thập niên 1980 trở lại đây, có sự xuất hiện đặc biệt của nhiều nữ văn sĩ như Kim Lefèvre, Anna Moï (Trần Thiên Nga), Nguyễn Tuyết Nga, Bach Mai, Kim Đoan, Kim Thuý, Trần Nhựt Thanh Vân, Flament Ngoc Thu (Phạm Ngọc Thu), Linda Lê, Trần Huy Minh...
Tất cả đều có những đóng góp quan trọng vào tiến trình hình thành đời sống văn học Pháp ngữ thế giới nói chung và văn học Việt Nam nói riêng. Nhiều tác giả đã được trao giải thưởng cao quý (Phạm Văn Ký: Grand Prix du roman của viện Hàn lâm Pháp, Trần Văn Tùng: Grand Prix de l’Empire, bà Lý Thu Hồ: Prix littéraire de l’Asie, Kim Thuý: Grand Prix RTL-Lire, Linda Lê: Prix Fénéon, Prix Renaudot Poche…)
Nhà giáo, nhà văn Cung Giũ Nguyên (1909 – 2008). Ảnh: TL
Mọi tác phẩm đều có giá trị nhờ ngôn ngữ và đều tạo cho ngôn ngữ những cơ hội thể hiện giá trị của chính nó. Các nhà văn sử dụng ngôn từ như phương tiện chuyển tải ý tưởng và hiện tại hóa những đối thoại; Cung Giũ Nguyên đã từng phát ngôn: "Khi chúng ta diễn đạt ngôn ngữ, chúng ta nói những từ ngữ được cân nhắc, những từ ngữ được suy nghĩ, những từ ngữ thực, những từ ngữ có trách nhiệm […], những từ ngữ-hành động có khả năng tạo ra bản chất cuộc sống và nền tảng lịch sử". (Ý chí sinh tồn)
Nhà văn tìm thi vị trong sự "đam mê vui thú qua ngôn ngữ", nói theo kiểu Jean Michel Maulpoix. Chúng ta xác thực điều này nơi Phạm Văn Ký khi ông đặt ngôn ngữ vào cuộc đời và làm mới cuộc đời bằng ngôn ngữ: "Ta khởi đầu con đường tôi luyện văn học trên những bến đậu Paris, giữa những sạp sách cũ. Hỡi Tây Phương, ta đã trở thành nhà văn theo phong cách của ngươi. Ta chắt lọc từ đó một lối diễn đạt riêng có khả năng giải mã các vấn đề của ta bằng ngôn ngữ của ngươi: đó là những cuộc khai phá hình thức chứa đựng giai điệu của trí tuệ, gắn với ý nghĩa thanh tao, với âm vang mới lạ, với những tương giao thực sự, những hiệu năng cảm ứng ngôn từ của ngươi! Ta tham vọng quay về cội rễ cái Mỹ của ngươi" (Anh em ruột).
Thiết nghĩ một vài dẫn chứng trên cho thấy phần nào giá trị và những đóng góp của các nhà văn vào thế giới thẩm mỹ và không gian ngôn ngữ.
Về các tác phẩm văn học Việt Nam viết bằng tiếng Pháp của Cung Giũ Nguyên, ông đã nói: “Các tác phẩm tiểu thuyết của Cung Giũ Nguyên là hành trình chiêm nghiệm và suy ngẫm về thân phận con người hoà nhập với cộng đồng nhưng vẫn cô đơn với chính mình, chứng nghiệm hành trình của một con người cô đơn “bị lưu đày trên xứ sở” của mình”. Ông có thể nói rõ hơn về hành trình cô đơn này?
TS Phạm Văn Quang: Văn học và nhà văn quý mến sự cô đơn và lưu đày. Patrick Deville thậm chí đã nhìn nhận cô đơn như là yếu tính trong định nghĩa về nhà văn: “Tôi thực sự không có khả năng giải thích nhà văn là gì (...) Tôi chắc rằng trong định nghĩa này có yếu tố lưu đày và cô đơn, tự nguyện hay bắt buộc, và cũng có ý muốn không bám rễ với bất cứ thứ gì, hay bất cứ nơi nào trên thế giới. Nhà văn là những kẻ di trú trên con đường tìm kiếm những xứ sở xa xôi, nơi những giấc mơ của họ được thoả mãn" (“Que pourrais-je savoir de l’exil?”, Le Matricule des Anges).
Ý nghĩa của lưu đày đã được khai mở và phần nào soi sáng cuộc đời nhà văn của Cung Giũ Nguyên. Ông lưu đày đúng nghĩa về phương diện nguồn gốc gia đình (tổ tiên ông là người gốc Hoa). Nhưng trên hết, chúng ta thấy nơi ông một sự cô đơn văn học, trên cả phạm vi thiết chế và biểu tượng: phần lớn các tác phẩm Pháp ngữ của ông đều xuất bản ở nước ngoài. Nếu như hai tiểu thuyết đầu Le Fils de la Baleine (Kẻ thừa tự của ông Nam Hải – 1956) và Le Domaine maudit (Miền đất dữ – 1961) đều được nhà xuất bản Arthème Fayard của Pháp nồng nhiệt đón nhận, thì Le Boujoum (Thái Huyền) bản thảo hoàn thành năm 1980 nhưng mãi đến năm 2002 mới ra đời và do chính các học trò của nhà văn chịu trách nhiệm xuất bản tại Texas, Hoa Kỳ (Cung Giu Nguyen Center). Vấn đề tiếp nhận tác phẩm này cũng khó khăn, vì lý do ngôn ngữ và hình thức lối viết. Theo tôi, tác phẩm không dành cho đại chúng. Đó rất có thể là ý muốn của tác giả. Chấp nhận chân trời độc giả giới hạn là chấp nhận một lối đi riêng, một con đường vắng và rất dễ dẫn đến tình trạng cô đơn.
Từ lưu đày cội nguồn đến lưu đày văn phẩm, Cung Giũ Nguyên dẫn ta về khám phá sự cô đơn của căn cước chủ thể trong truyện kể, xuyên suốt chiều dài ba tiểu thuyết của ông.
Thái Huyền – cuốn sách không dành cho đại chúng (ảnh trái). Thủ bút Cung Giũ Nguyên gửi nhà văn Bửu Đáo – Ái Mỹ, phu quân của nhà thơ Tâm Tấn (ảnh phải).
Nhắc đến Cung Giũ Nguyên, không thể không nhắc đến nữ sĩ Nguyễn Thị Hoàng. “Scandal” với nữ sĩ này đã mở cho nhà văn một hành trình khác, vì trước đó ông vốn nổi tiếng mô phạm và được tất cả các giáo sư và học trò kính nể. Sau vụ này, ông thu mình cô độc trước những lời phỉ báng của đồng nghiệp. Nếu nghiên cứu của ông mà bỏ qua chuyện này, tôi thấy thật tiếc...
TS Phạm Văn Quang: Theo tôi, trước hay sau Cung Giũ Nguyên vẫn là con người mô phạm. Tôi không nghĩ rằng đồng nghiệp thực sự của ông khinh rẻ ông sau cuộc gặp gỡ giữa ông với cô Nguyễn Thị Hoàng. Có chăng thì, ở khía cạnh người nghiên cứu, sự kiện đó giúp tôi hiểu hơn bản chất của con người và tiến trình xây dựng hình ảnh con người.
Cuộc đời nhà văn đã chứng kiến nhiều ngộ nhận cho chính mình và cho cộng đồng mình nên việc ông thu mình lại không phải là một sự thất bại hay chạy trốn, mà có lẽ điều đó là cần thiết cho một cuộc siêu nghiệm.
Và phải chăng câu chuyện trên cũng dẫn đến lời tâm sự này: “Tôi là con người nội tâm, một con người suy tư – tư duy hơn là nói. Tôi muốn viết để tống khứ cái con ma trong tôi. Con ma đó là sự mặc cảm, sự khao khát, cả sự hèn yếu...” “Con ma” của Cung Giũ Nguyên, theo ông là gì?
TS Phạm Văn Quang: Như chị vừa nói, Cung Giũ Nguyên tự xếp mình vào hạng người hướng nội, có khuynh hướng rút lui về mình và hướng về tư duy. Chỉ khi con người bị cuốn hút vào thế giới nội tâm mới có khả năng khám phá “con ma” của mình. “Con ma” của Cung Giũ Nguyên có thể là ký ức dai dẳng hay cảm giác ám ảnh, nhưng cũng có thể là ý thức về một sự đau đớn nào đó khi bị tước đoạt.
Nhắc đến “con ma” của Cung Giũ Nguyên, tôi liên tưởng đến “con ma” của Phạm Văn Ký trong truyện ngắn Pháp ngữ Bóng ma xác thực (Fantôme de la précision) và thấy có một sự đồng nhất nào đó giữa hai nhà văn: “Đến lượt bạn hãy tin tôi đi. Sự thật thường thốt ra từ miệng những con ma. Nhưng con ma của tôi không giống những con ma khác: nó không lấp ló phập phờ; sức nặng cuộc đời đã buộc chặt nó vào thế gian; nó đáng giá những lo âu, hối hận, phiền muộn. Nó chưa chết hẳn”. Nghiên cứu văn học dưới góc độ phân tâm học sẽ giúp ta hiểu hơn tình trạng ám ảnh tâm lý tác giả.
Nhà văn Cung Giũ Nguyên cũng là một cây bút sắc bén của báo chí miền Nam bấy giờ. Xin ông cho biết thêm về điều này?
TS Phạm Văn Quang: Trong những hình thức giao thoa giữa các phạm vi hoạt động, đam mê với một loại tiếng Pháp trong sáng, Cung Giũ Nguyên khai mở trong thế giới báo chí, không chỉ ở một tiếng nói có khả năng giúp cho con người suy nghiệm chính xác về các giá trị văn hoá và đạo đức.
Từ năm 1939, Cung Giũ Nguyên là đồng chủ nhiệm nguyệt san Les Cahiers de la Jeunesse (Tuổi trẻ), rồi chủ bút nhật báo Le Soir d’Asie (Á châu buổi tối) xuất bản tại Sài Gòn. Chính trong nhật báo này, Cung Giũ Nguyên đã cho xuất bản chuyên mục nhiều kỳ Notes marginales (Tạp ghi bên lề). Các bài viết đó chứng minh một phong cách trưởng thành chất chứa sắc thái của một tinh thần trẻ bị chao đảo và xáo động bởi những biến động của thời đại, nhưng cũng mang vẻ diễn ngôn của tinh thần trách nhiệm và ý thức về các giá trị xã hội và nhân văn. Diễn ngôn văn học vì thế được cưu mang trước tiên trên nền tảng các yếu tố cơ bản mang tính giai thoại và nhạy cảm của những sự kiện đời thường, để rồi đạt đến đỉnh cao diễn ngôn xã hội. Độc giả có thể tìm thưởng thức phong cách đặc thù đó trong nhiều tạp chí khác như France-Asie (Pháp-Á), La Tribune (Diễn đàn)...
“Khi chúng ta diễn đạt ngôn ngữ, chúng ta nói những từ ngữ được cân nhắc, những từ ngữ được suy nghĩ, những từ ngữ thực, những từ ngữ có trách nhiệm (…), những từ ngữ – hành động có khả năng tạo ra bản chất cuộc sống và nền tảng lịch sử”.
(Ý chí sinh tồn – Cung Giũ Nguyên)
Báo chí với tư cách là không gian trao đổi, giao thoa và kết tụ những đặc trưng của một ngòi bút, một tiếng nói, một quan điểm, đã cho phép Cung Giũ Nguyên phần nào xác định hay giả định trước khung trời độc giả hay thế giới tiếp nhận của mình. Nghĩa là qua đó tác giả khẳng định khả năng tiến triển trên con đường văn nghiệp. Sự ra đời của tiểu luận Volontés d’existence (Ý chí sinh tồn) năm 1954 trong tạp chí France-Asie là một minh chứng cụ thể. Trong bối cảnh của Việt Nam đương thời, việc xuất bản trong các ấn phẩm định kỳ đã trở thành nền móng dọn đường cho các diễn ngôn mang tính chất hùng biện. Volontés d’existence chắc chắn vừa là một diễn ngôn văn học, vừa là diễn ngôn văn hoá và cũng mang sắc thái của một diễn ngôn về ý thức hệ.
Ngoài ra, Cung Giũ Nguyên còn cộng tác với nhiều tờ báo Việt ngữ như Đông – Pháp thời báo, Nam phong, Tiếng dân, Bạn đường, Tương lai tạp chí, Bách khoa... Ông cho đăng những sáng tác hay các bài viết về văn hoá. Chẳng hạn trong tạp chí Bách khoa, ông có loạt bài khảo cứu Ý niệm quốc gia trong thời đại mới hay những bài giới thiệu như Gauss – một thần đồng toán học, Toán số với càn khôn...
Theo ông, đến bao giờ dòng văn học Việt Nam viết bằng tiếng Pháp mới được dịch sang tiếng Việt và phổ biến ở Việt Nam?
TS Phạm Văn Quang: Công việc này còn tuỳ thuộc phần lớn vào các cơ quan thiết chế văn hoá trong chính sách phát triển giao lưu văn hoá và tri thức. Tác phẩm văn học là kết quả sáng tạo cá nhân nhưng đồng thời là một sự kiện xã hội, nó mang yếu tố xã hội và có vai trò chuyển tải văn hoá và lịch sử.
Dịch những tác phẩm của các nhà văn Pháp ngữ của chúng ta để phổ biến cho công chúng ở Việt Nam là hành động xây dựng ký ức cộng đồng, điều cần thiết cho xã hội tương lai. Trước mắt, chúng ta trông chờ ở những cá nhân thầm lặng và yêu quý di sản văn học này.
Chúng ta đã và đang tiếp nhận Phạm Văn Ký hay Linda Lê qua các tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt. Hy vọng một ngày không xa, độc giả sẽ có trong tay bản tiếng Việt của các nhà văn khác.
Viết là làm cho ngôn ngữ nảy sinh. Tuy nhiên, nếu không tính đến các tác giả thuộc thi phái biểu tượng hay siêu thực, thì từ nửa sau thế kỷ 20 xuất hiện rộng rãi loại “văn chương khó tính”; tác phẩm thể hiện “cuộc phiêu lưu của lối viết chứ không phải lối viết của cuộc phiêu lưu”, nói theo cách của Jean Ricardou. Trên văn đàn Việt Nam – Pháp ngữ, Cung Giũ Nguyên được xem là điển hình của thể loại này với tiểu thuyết Le Boujoum, một cuộc hội ngộ của các ký hiệu ngôn ngữ, một cuộc đi xuống để làm phục sinh ngôn ngữ; và ý nghĩa của tác phẩm được nảy sinh từ những cọ xát và phản chiếu giữa các ký hiệu. Chúng ta cũng có thể thấy lối viết này ở Linda Lê.
Tôi may mắn được tiếp xúc sớm với tác phẩm của Cung Giũ Nguyên và mong muốn được chia sẻ cảm nhận của mình với người khác. Một tác phẩm chỉ “sống” khi nó được đọc. “Đọc” tác phẩm với tất cả ý thức và dấn thân là cùng với tác giả tạo ra ý nghĩa cho tác phẩm và cho chính cuộc đời mình. Xem xét hành trình ngôn ngữ của Cung Giũ Nguyên trong Le Boujoum chỉ là một trong nhiều hướng tiếp cận tác phẩm. Hy vọng giá trị văn học của các tác giả Việt Nam Pháp ngữ sẽ được khám phá nhiều hơn.
thực hiện: Ngân Hà 


Cung Giũ Nguyên (1909 – 2008) sinh tại Huế, tổ tiên là người Phúc Kiến qua lập nghiệp tại Việt Nam giữa thế kỷ 19. Ông viết văn từ năm 1928, cộng tác với nhiều báo chí trong và ngoài nước. Năm 1938 – 1940 cùng với Raoul Serène, sau là giám đốc Hải học viện Đông dương, chủ trương nguyệt san Les Cahiers De La Jeunesse, Nha Trang. 1939: chủ bút nguyệt san song ngữ Tương lai tạp chí, Nha Trang. Năm 1940 – 1942: chủ bút nhật báo Le Soir D’Asie, Sài Gòn. Năm 1954: chủ bút tuần báo La Presse d’Extreme-Orient, Sài Gòn. Từ năm 1955 – 1975: hiệu trưởng trung học đệ nhị cấp bán công Lê Quý Đôn, Nha Trang. Năm 1972 – 1975: giáo sư thỉnh giảng viện đại học cộng đồng Duyên Hải – Nha Trang, trưởng phòng Pháp văn, phụ trách nội san Duyên Hải. Năm 1990 – 1999: giáo sư thỉnh giảng (ngôn ngữ và văn chương Pháp), khoa Pháp văn, Cao đẳng Sư phạm Nha Trang.
Tác phẩm: Một người vô dụng (tiểu thuyết, Sài Gòn, 1930); Nhân tình thế thái (truyện ngắn, Gia Định, 1931); Nợ văn chương (tiểu thuyết, Vinh, 1934); Volontés d’existence (tiểu luận, Sài Gòn, 1954); Le Fils de la Baleine (tiểu thuyết, Paris, 1956); Le Domain maudit (tiểu thuyết, Paris, 1961); bản dịch Der Sohn das Walfischs (Genf và Frankfurt, 1957); Kẻ thừa tự của ông Nam Hải (Hà Nội, 1995); Thái Huyền (tiểu thuyết, Hoa Kỳ, 2002) và trên bốn mươi đầu sách khác chờ xuất bản.

http://sgtt.vn

Không có nhận xét nào: