Hồi vào sống ở Sài Gòn tôi mới 15 tuổi,
học hành, kết bạn, tập tành đọc sách và đam mê cái việc nghiệt ngã nhất trần
đời là viết lách, cũng có thể nói tôi là người lớn lên và sống bằng văn chương
miền Nam. Đó là thứ thực phẩm chẳng khác chi nước và cơm và những thứ linh tinh
khác cần thiết cho một con người. Đó còn là bàn tay vỗ về, là niềm kiêu hãnh
mỗi khi lòng tôi rung rinh chao đảo, mãi đến hôm nay.
Văn chương ấy là văn chương của một bối cảnh
lịch sử mới, trong đó có sự cuốn đi của hệ thống cai trị của Pháp chấm dứt một trang sử đen tối trăm năm nô lệ thay vào đó
là sự Mỹ hóa nhanh và cụ thể. Cảm hứng sáng tác của người cầm bút có một bước
nhảy vọt từ mô típ cái tâm với những phận nghèo cổ điển chuyển dần sang văn
chương của cái Tôi tiểu tư sản trẻ hiện sinh có góc cạnh, đôi khi có một
chút rườm rà cồng kềnh nhưng không trụi lủi như con chim bị vặt hết lông cánh
nhìn đã phát khiếp, nói chi ăn. Cái Tôi, trong thứ văn chương mà tôi tắm
mình trong đó đến già cũng chưa lên bờ, là to lớn lắm, nó đôi khi bệ vệ ngồi
hay hiên ngang đứng như pho tượng bốn mặt nhìn cho đủ bốn hướng. Tức là không
phiến diện, không lép kẹp kiểu con cá khô. Con người nhìn ra phía trước và nhìn
bốn hướng để tìm và chọn lấy cái không có sẵn hoặc bị lùa vào là thân phận.
Và văn chương miền Nam
là văn chương mang thân phận con người hết sức đa dạng. Tính nhân bản vì
thế mà là cái chất bao trùm lên, chảy lênh láng ra trong dòng văn chương này?
Đặt thành thể nghi vấn cho thay đổi nhịp câu viết chứ không phải một hoài nghi
cần tìm câu trả lời.
Khi nhà thơ và cũng là người thầy dạy học
của tôi, Nguyên Sa, tung ra hình ảnh này“Hôm nay Nga buồn như con chó ốm/
Như con mèo ngái ngủ trong tay anh” là ông đã tham gia vào lớp người
mở một khu vườn mới cho thơ tình giai đoạn đất nước vừa chia cắt, cái Tôi
trong thơ rất rõ nét và đậm nét, rất thơ và rất… người!
Trong trí nhớ tôi, mấy câu “Đời sống ôi
buồn như cỏ khô/ Này anh, em cũng tợ sương mù/ Khi về tay nhỏ che trời rét/
Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ” (Nhã Ca) như một chút “nổi loạn” của
giọng thơ nữ hiện nguyên hình tâm trạng bơ vơ rất có thực trong những năm cuối
thập kỷ 50 thế kỷ trước mà bấy giờ nỗ lực phá dỡ khuôn thước ước lệ của thân
phận đang bắt đầu.
Đất nước bị chia cắt, chẳng
bao lâu thì chiến tranh bùng phát ngày một khốc liệt và dai dẳng. Nguyễn Bắc
Sơn thật tình và ngay thẳng: “đời đã bắt kẻ làm thơ đi làm
lính/ mang trong đầu những ý nghĩ trong veo /xem cuộc chiến như tai
trời ách nước” thì đấy là tiếng nói thực của nhiều người lứa tuổi tôi
khi đó.
Rồi “Mai anh về em sầu thê
thiết/ Kỷ vật đây viên đạn màu đồng/ Cho em làm kỷ niệm sang sông/ Đời con gái
một lần dang dở” (Linh Phương) như một tâm trạng chung của nhiều thanh
niên cùng thời với tôi. Quà tặng này đưa trước hay đưa sau, khi người tặng
còn hay mất là một xúc động rất khác nhau về bề sâu cả bề rộng!
Thơ thuở ấy có nội hàm là những khát
vọng ẩn tàng một tuyệt vọng “... bởi ngày mai anh trở ra mặt trận/ ở đó, anh
không thiếu một thứ gì/ kể cả máu/ chỉ duy có thứ này/ hãy viện trợ cho anh/ đó
là giọt lệ em xanh biếc...” nhà thơ bị mất một chân vì mìn
nổ Luân Hoán đã viết như tiên tri thế ấy. Những thứ dùng để hạ sát
được nhà thơ mang làm tặng vật như tặng cho nhau một tâm trạng thừa mứa những
vô vọng nghịch lý của một thời: “Tặng cho em trái lựu đạn cay/ Hạch nước
mắt của thời đại mới/ Tặng cho em cuộn dây thép gai/ Thứ dây
leo của thời đại mới/ Đang leo kín tâm hồn ta hôm nay/ Đó là tình yêu
anh, em nhận đi đừng hỏi” (Trần Dạ Từ).
Thân mình mỏng manh như sợi chỉ mà thân phận
lại nặng nề như cái ba-lô trên lưng, Trần Hoài Thư viết: Đêm xuống đồi gặp
con nước nổi/ Súng đưa khỏi đầu/ Từng con một vượt sông…/ Anh lạc trên cánh
đồng trăng mênh mông/ Không biết nơi nào là cõi dữ/ Trên đôi vai anh nặng nề
lịch sử/ May mà còn em/ vầng trăng mười sáu/ anh giữ/ ở đáy ba-lô… Đáy
ba-lô thì chứa được bao nhiêu? Cả một gia tài gom lại còn có bấy nhiêu? Chiếc
ba-lô là ẩn dụ cõi sống và lỡ có sao thì đó là cõi chết hình như được báo
trước! Nhà thơ vốn là người bén nhạy hơn dân thường: “Và có thể nào đêm
nay không còn tiếng súng/ Không còn nghe tiếng còi hụ giới nghiêm/ Ba giờ sáng
xuống Ngã tư quốc tế/ Ăn một tô mì thơm ngát bình yên” (Phạm Cao
Hoàng). Thật tuyệt vời cho tô mì ăn vào phút đầu tiên của hòa bình!
Thời chiến tranh là nền cho nhiều bài thơ tình mang dấu ấn của nó, có điều là
tính hùng tráng hay bi tráng mà thôi. Và tôi (CTC) trong một bài thơ của mình
cũng góp một bộ trang phục riêng do tự mình may đo lấy theo kích cỡ riêng mình:
“Tôi là chiếc xe bò đã cũ/ Đường gập ghềnh tôi chở tôi đi/ Đường gập ghềnh
tôi chở tôi về/ Trên một chiếc xe bò đã cũ.”
Trong dòng thơ 20 năm ấy sừng sững hiện
tượng thơ Bùi Giáng độc đáo có một không hai trong thi ca VN. “rong
chơi, lãng mạn, tinh nghịch, nhẹ nhàng, hóm hỉnh, luôn là những lời vấn đáp lẩn
thẩn về ý nghĩa cuộc đời, về lẽ sinh tồn, về những chuyện phù du, dâu bể, ẩn
khuất khía cạnh dục tình khép mở. Tạo nên một mô-típ bạc mệnh hiện đại, có màu
sắc siêu thực có chất hoang mang của con người bất khả tri về mình, về người
khác trong cuộc sinh tồn hiện hữu...”.
Ngay từ thuở đầu thơ ấy tôi vẫn tự hỏi nên
đọc thơ Bùi Giáng vào lúc nào để thâu tóm được tinh túy của nó? Và câu trả lời
là... không biết, không thể biết, cần gì phải biết: “Về cổ lục cũ rồi
câu chuyện cũ/ Và cảo thơm không mới nữa bên đèn/ Và sương sớm hay chiều buông
liễu rũ / Biết thế nào mà nói lạ hay quen”. Và đây nữa cũng là Bùi Giáng: “Gặp
Bồ Tát cười vui như nắc nẻ/ Một hôm nào nương tử bước hai chân/ Vén xiêm áo cho
tượng thần mở hé/ Tòa thiên nhiên ngồi xuống cỏ vô ngần”.
Những bài thơ đấy của chúng tôi như
một sự bột phát cá nhân, không một định hướng nào, một sự khích lệ cũng không.
Chỉ là sự đối mặt một cách rất cá nhân giữa con người với chính thân phận của
mình!
Bây giờ tôi nói đến truyện ngắn gây
cho tôi ấn tượng nhất trong 20 năm văn chương miền Nam. Vào năm 1965 khi truyện ngắn
“Dọc Đường” của nhà văn Thanh Tâm Tuyền ra đời thì cũng là khi các thành thị
lớn nhỏ của Sài Gòn bị lọt thỏm trong chiến cuộc mà ngày và đêm trở thành ranh
giới cho không ít những phận người.
Không gian và cảnh tượng chỉ
là một buổi chiều chạng vạng ở một dãy phố chợ tạm bợ không có tên nằm dọc quốc
lộ chạy qua một khu rừng cao su cũng không được tác giả chỉ định một cái tên.
Và cũng như thế, những nhân vật của “Dọc Đường” cũng chỉ được gọi theo giới
tính, độ tuổi... hoặc một nét nhận dạng bất kỳ nào đó. “Ba người đàn
ông ngồi quay xung quanh cái bàn gỗ tròn trong quán và cùng hướng về phía quốc
lộ. Quán bằng lá nằm cuối dãy phố mươi lăm chiếc, sát cạnh con đường đất xe hơi
có thể vào ngăn phố với rừng cao su. Đầu trên dãy phố là đồn Dân vệ rào ba lần
thép gai trên treo lủng lẳng những ống lon rỉ”.
Đấy là nơi chốn và đây là những con
người của nơi chốn đó: “Người đàn ông ngồi ngoài cùng kế cây cột chống,
mặc áo lá quần xà lỏn, một chân co lên ghế, tay bưng ly cà phê uống từ hớp nhỏ.
Người đàn ông liền bên vận quần áo kaki sờn rách, đầu đội nón bẻ vành, chân đi
giày không vớ, cầm chiếc muỗng nhỏ xíu gõ nhịp lên bàn. Người ngồi tách riêng
một phía già hơn hết, tóc tiêu muối, vận quần lãnh đen bám bụi đỏ, áo túi trắng
ngả màu.”
Sống ở cái nơi như thế, trong bối
cảnh cuộc chiến tranh đã tới hồi gay cấn, điều quan tâm của nhóm người này là
một... con đường có những chuyến xe đủ loại chạy qua biểu hiện của sự thông
suốt liền lạc mà bất cứ lúc nào cũng có thể không còn như thế. Vào thời buổi
ấy, trời càng về chiều xe càng chạy bán sống bán chết cho kịp tránh bóng đêm
khi đường, rừng được “bàn giao”. Và sự quan tâm đến dòng xe của những người này
là để đánh bài bằng biển số.
- Nè, trả tiền ly cà-phê. Tao về cho sớm. Tối nay thế nào cũng có
hành quân.
Không khí chiến tranh được dẫn
vào chuyện đơn giản như một thói quen chờ đợi như vậy. Nghệ thuật hiển thị sự việc
của Thanh Tâm Tuyền là rất điêu luyện, chúng cứ lộ diện từ từ từng chút một, từ
câu nói vu vơ “Tối nay thế nào cũng có hành quân” đến “Đậu cái
này rồi về tía” ,“Tụi bay tuột dù hết rồi. Máy bay trực thăng đó.” Toàn
là những lời vô tư ngắn gọn phục vụ đánh bài như thế. Vài phút sau, tiếng động
cơ nổi rõ hơn, tới gần... Chiếc trực thăng bay sà thấp ngang qua quán. Hai
người dân vệ từ trong lối xóm trở ra, chân mang giày bó túm ống quần bám sình
vì bụi đất: một người đeo súng hai tay bưng trên miệng huýt vào chiếc lá tre
non kêu chít chít từng hồi như tiếng chim, một người quàng hai tay trên hai đầu
súng đặt nằm ngang cần cổ ngó phía trước, cả hai mặc đồ đen đội những chiếc nón
vải đen có lưỡi. Lính chuẩn bị co rút vào đồn vì đã tới giờ bóng đêm không là của
họ, còn một số người dân thì sửa soạn về ngủ tạm tại một thành phố gần đó, như
loài chim di trú trốn tuyết. Người đàn bà không có cái ưu tiên... được sợ chết
này, nói với chồng:
-
Mấy cha chỉ bầy chuyện đi chơi không à!
-
Mầy không thấy trực thăng quần nãy giờ sao mầy. Bộ mầy muốn tao chết…
-
Còn tôi dễ không chết hả.
-
Tao là đàn ông mầy nghe chưa? Ở nhà để lỡ như lần trước... Tao ở nhà… Đ. m. thứ
đàn bà ngu!
Ngay lúc ấy một chiếc xe có thể là cuối cùng từ từ đi qua hết đoạn
đường rào kẽm gai đậu trước quán hớt tóc. Người lơ xe nhảy xuống đất kêu vô
trong:
-
Xuống lẹ lên cha nội. Một
người đàn ông tay ôm bọc giấy dầu, lom khom bước xuống. Tới đất, người đàn ông
lại muốn trở lên, nói:
- Không phải đây…
- Không phải đây…
Vậy là đâu? Và chuyện bắt đầu hé lộ ra.
Chiếc xe rồ ga chạy thẳng vào. Người đàn ông đứng lại bên đường
ngơ ngác. Hắn vận bộ bà ba đen, chân đi săng-đan, tóc cắt ngắn, mặt mũi gồ ghề
xanh xao. Hắn ngửa mặt nhìn lên trời trông chiếc trực thăng từ phía rừng cao su
bay tới, đứng im rồi hạ thấp trên bãi trống bên kia đường. Một vài người nhìn
thấy người đàn ông bận bà ba đen ôm bọc giấy dầu đứng trước quán hớt tóc.
Anh
ta đi dần và dừng lại trước nhiều căn nhà mong tìm một chốn nương thân qua đêm.
Trước tiệm sửa xe máy, cố gắng cười gượng gạo hỏi:
- Giờ này còn xe trở xuống không anh?
- Giờ này còn xe trở xuống không anh?
- Có lẽ hết.
Và người đàn ông lại bước đi.... Hắn đứng ở đầu đường đất ngó
mông vào xóm, nhìn con lộ chạy ẩn giữa hai hàng cao su tối. Hắn bước vô quán,
ngồi bàn phía ngoài, đặt gói đồ lên một cái ghế. Người đàn bà mập từ sau bếp
bước ra nói:
-
Hết trơn nước đá rồi, cà phê cũng hết…
-
Thím cho ngồi nghỉ đỡ đón xe.
Người đàn bà ngó khách từ đầu tới chân. Lắng nghe khách nói và
bảo:
-
Có xe be tới đó.
Người đàn ông vội ôm gói đồ chạy ra lề đường. Hai chiếc xe be kềnh
càng rần rần từ trong rừng cao su, xe chạy chậm. Người đàn ông đưa tay lên cao
vẫy kêu: Cho quá giang… Hai người tài xế đưa tay vẫy chào và xe vẫn chạy.
Người đàn ông thất vọng lầm lũi trở vô quán. Người đàn bà chủ quán hỏi:
- Chú ở đâu
tới?
- Tôi đi
kiếm thằng em của tôi làm đồn điền cao su. Nhưng cái khổ là anh ta không nhớ tên nơi mình muốn đến.
- Chú nói
chuyện trời đất không à. Bộ khi không chú ngồi đó không cho tôi đóng cửa tiệm
đi ăn cơm hả? Chú tính chuyện gì?
Người đàn ông sửng sốt, giật hai tay ôm gói đồ vào bụng ngó trân
người đàn bà:
- Thím cho
tôi ngủ đậu. Thím làm phước. Người đàn bà kêu lên:
- Đâu có
được chú... Biết chú là người thế nào mà cho ngủ đậu. Lỡ đêm chú cắt cổ tôi
sao?
Người khách lạ, nhìn mọi thứ, là một người lương thiện bị đánh
đồng với những kẻ bất lương bởi người ta sợ hãi hơn là dành chỗ cho lòng nhân
ái
- Tôi đi
đâu? Thím nghĩ coi…
- Tôi không
biết. Mấy người rắc rối lắm.
Người đàn ông ngập ngừng bước ra khỏi quán tiến tới bên cửa một
tiệm sửa xe. Và điệp khúc lặp lại:
- Anh
Hai cho tôi ngủ đậu. Dưới đất cũng được. Mơi tôi đón xe về sớm.
- Bộ anh cho là tôi khùng hả. Cha này kỳ
quá…
Ngoài rừng trời chạng vạng nhá
nhem. Người đàn ông đi tới bên lề đường. Một vài tiếng đại bác nổ ầm ở xa. Hắn
gõ nhẹ lên cánh cửa rồi nghe ngóng... Trời cứ tối dần. Người đàn ông cúi
nghiêng xuống ngang mặt với lỗ hổng:
-
Tôi lỡ độ đường.(CTC nhấn mạnh)
-
Thôi mà chú, chú kiếm nơi khác. Tôi tu hành mà.
- Không đâu họ chịu cả. Bác làm phước thương con. Bỗng trong nhà có tiếng thiếu nữ ngắt
ngang:
-
Bà tôi nói thiệt mà.
- Tôi
thiệt tình mà cô Hai.
- Thiệt hay không thiệt cũng không ai
chứa người lạ trong nhà.
Một tiếng nổ ầm rung chuyển đất. Lỗ hổng đóng sập lại và tiếng chân chạy trong các nhà. Mọi cửa đều đóng vội. Những tiếng nổ tiếp theo còn cách xa. Người đàn ông dáo dác ngó ra đường. Trên trời phía rừng cao-su trái hỏa pháo bắn vọt lên lơ lửng vài phút rồi tắt. Tiếp theo một trái hỏa pháo khác. Người đàn ông đứng ôm bọc giấy bên lu nước...
Một tiếng nổ ầm rung chuyển đất. Lỗ hổng đóng sập lại và tiếng chân chạy trong các nhà. Mọi cửa đều đóng vội. Những tiếng nổ tiếp theo còn cách xa. Người đàn ông dáo dác ngó ra đường. Trên trời phía rừng cao-su trái hỏa pháo bắn vọt lên lơ lửng vài phút rồi tắt. Tiếp theo một trái hỏa pháo khác. Người đàn ông đứng ôm bọc giấy bên lu nước...
Đêm, súng nổ, nơi tạm yên ổn là mái
nhà và người đàn ông không có được. Anh ta không khùng khùng, anh ta lỡ độ
đường, một mình đứng giữa bóng đêm!
Thân phận con người càng đa dạng bao nhiêu thì nỗi cô đơn của nó
càng lớn bấy nhiêu. Và người viết truyện ngắn này – người làm văn chương nói
chung - lúc đó đã nhanh chóng và trung thực phản ánh trong tác phẩm của họ.
Sau này khi mọi sự đã lắng
xuống, tôi cũng có lúc thử tìm nhưng quả thật không thể nào nhìn thấy bộ
đồng phục trong dòng văn chương mà tôi viết ở đây. Tìm ra nguyên nhân thì
đó là... việc của người thưởng ngoạn hoặc của những nhà nghiên cứu có cái đầu tỉnh
táo!http://caothoaichau.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét