Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

TƯỞNG NIỆM NHÀ THƠ HOÀNG TRÚC LY


HOÀNG TRÚC LY
14/4/1933 - 23/12/1983

Nhà thơ Hoàng Trúc Ly tên thật là Đinh Đắc Nghĩa, sinh năm
1933 tại Đà Nẵng, nguyên quán Bình Định. Sau khi đậu bằng
tú tài Pháp ông ghi danh vào trường Luật, nhưng chẳng được
bao lâu thì bỏ học vì bài giảng khô khan, không khí chật hẹp,
nóng bức, chẳng thoải mái của các giảng đường.
Tác phẩm tiêu biểu: tập thơ duy nhất  Trong cơn yêu dấu  và
một số các thi phẩm khác đăng rải rác trên các báo, tạp chí, tập
san ở miền Nam Việt Nam.
Thơ Hoàng Trúc Ly có nhiều bài sáng tạo mang sắc thái tuyệt
mỹ,  xuất thần với những ngôn ngữ,  thi ảnh tinh khôi,  đầy rung
cảm, trữ tình và tiềm tàng   ý niệm huyền học, triết học.
Hoàng Trúc Ly qua đời ngày 23 tháng 12 năm 1983 tại Sài gòn
vì tai nạn giao thông.
Tác phẩm:
- Trong cơn yêu dấu (Hướng Dương, 1963)
- Tiếng Hát Lang Thang (1967)
- Huyền Sử Một Kiếp Hoa (1967)
- Trạng Quỳnh

Trích thơ:

Sầu ca sĩ
tặng Thanh Thúy

Từ em tiếng hát lên trời
Tay xoa vòng tóc tay vòi âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống hồn anh
Lắng nghe da thịt tan tành sau xưa
Trời em tiếng hát lên từ
Âm ba tóc rối lững lờ vòng tay
Áo dài lùa nắng vào mây
Dấu chân hồng nhạn rụng đầy gió sương


Nhân dạng
Tôi còn yêu cho biển còn xanh
Mây còn bay cho chim cất cánh
Ngựa què rồi em cởi lưng anh
Tôi cứ yêu, khốn nạn cứ cười
Chim cứ bay cho mây gãy cánh
Em chết rồi ai ám sát tôi

Tiếp Theo Và Hết
anh sẽ bình yên mà chờ đợi
từ đau thương ấy đến bây giờ
từ mùa xuân rụng trên vừng trán
có phải tên người yêu là Thơ ?

hay là, hay là, hay là, ai ?
trong em : thú vật và thiên thần
anh mơ thượng đế khi yêu dấu
thể xác linh hồn không nói năng

anh sẽ vì em anh sẽ yêu
hai tháng hai năm hai buổi chiều
khi ngất ngư rồi anh sẽ chết
nhớ gì như nhớ bóng người yêu

và cón các anh còn các em
hoa ngón tay còn níu tóc thề
dâng em tất cả ôi hoàng hậu
ta biết còn gì trong cuộc mê ?

(Trong Cơn Yêu Dấu)

Phạm Công Thiện viết về thơ Hoàng Trúc Ly:
Thơ Hoàng Trúc Ly có ma lực kỳ quái của những câu phù chú.
Đối với Hoàng Trúc Ly, ngôn ngữ hãy còn mới tinh, mỗi chữ
đều mang một linh hồn, mỗi chữ là một sinh mệnh. Tôi gọi
Hoàng Trúc Ly là thi sĩ lớn, là nhà thơ bậc thầy của thi ca hiện
đại.


Nguồn:
HUỲNH ÁI TÔNG
VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975


CẢM ĐỀ THƠ HOÀNG TRÚC LY


- Tam Ích -


 


Mỗi một cuộc chiến tranh đều gây nhiều đổ vỡ lớn và nhỏ. Đồng thời nó kết thúc một số vấn đề và đưa lên thảm xanh một số vấn đề… Nó làm một việc khác nữa: vạch ra một biên giới – biên giới vừa làm tiêu chuẩn để mọi người tính sổ thời đại, vừa làm vị trí cho mọi người từ đó nhìn trước và nhìn sau. Nhìn sau coi những gì đã xong đi những quá trình… nhìn trước coi những gì sắp ra đời, sắp có mặt
Trạng thái ấy có thể nói về văn nghệ nữa – về thơ chẳng hạn…

Thơ có khi như gấm vóc: gấm vóc Á đông với tất cả những màu sắc cổ truyền thấp thoáng những màu sắc mới – mơ hồ, kín đáo, thoả mãn thị giác của những người đương hoài niệm và cũng đương hướng thượng… Đó là chuyện đã qua…
Thơ có khi là những thử thách nhiều hứa hẹn mà tương lai chờ đợi: một chân trời mới, một chân trời lạ. Muốn cho người đương thời và người đời sau khỏi lẫn sau trước trong thời gian, và bộc lộ tính chất đối kháng của cá tánh con người thời đại muốn li khai với quá khứ, thi nhân hiện đại gọi thơ họ là thơ tự do… Đây là chuyện bây giờ…

Vì vậy, bên này và bên kia biên giới có những người nhìn một số người – đồng thời đương định vị trí cho người và cho mình trong thi giới. Cũng có khi họ quên ý thức về vị trí của mình, của người, vì chiến tranh thường kết thúc mà cũng thường xoá thứ tự…
Có lẽ mọi thứ tự, mọi sự còn mất, mọi sự nên chăng trong văn nghệ sẽ ngã ngũ trong những giáo đường văn học. Nhưng đôi khi những giáo đường văn học trong lịch sử lại dựng lên ngoài tầm cân nhắc và tính toán của thông minh… hoặc sớm quá mà bỏ sót, hoặc trễ quá nên dư…

Nhưng – cũng lạ! – lại có người: một người thôi… một vài người thôi… làm thơ hay mà không kể đến sự có mặt của biên giới thời gian: biên giới không vạch được đường chân trời mà cũng mất tính chất một tiêu chuẩn. Nói một cách khác: thơ họ hay trong thời gian, thơ họ từ chối sự nghiệt ngã của sổ kế toán lịch sử, từ chối thế lực… xuyên tạc của danh từ…
Một trong vài người đó là Hoàng Trúc Ly.
Đọc thơ Ly, người ta không hiểu Ly có vị trí bên Hàn Mặc Tử với nhiều mẫu tượng trưng của Xuân Diệu, Huy Cận cũ – hay Ly có vị trí đặc biệt bên một vài nhà thơ tự do nổi tiếng nhất hiện thời.
Và thơ lục bát của Ly sẽ làm Nguyễn Bính chẳng hạn ngạc nhiên lắm: một bút pháp mới, một nhạc tính mới, kể cả một dân tộc tính mới – một thứ gấm vóc từ những chân trời xa lạ Á đông rất mới đượm một hương vị trừu tượng táo bạo của nhạc tính Âu tây đầy màu một nghìn lẻ… một hương vị siêu thực… xưa và bây giờ.

Nhà thơ ấy – xin nhắc lại – tên là Hoàng Trúc Ly. Nhà thơ ấy đã có mặt, đương có mặt, sẽ có mặt… Người thanh niên trí thức ấy một sớm từ chối vài cơ hội tiến thân thông thường… để say mê làm thơ và “giang hồ mê chơi quên quê hương”.
Thiên hạ sao, Ly vậy: khóc cho thân phận, khóc cho con người của riêng mình, của chung mình, khóc suốt đêm dài, đằng đẵng, không khô ráo…
Và một thiên tài trưởng thành đương đòi vị trí xứng đáng của mình trong thi giới hiện đại.

Hoàng Trúc Ly chưa làm khác, cũng chưa làm khác, vẫn chưa làm khác… Và kiên tâm.
Tôi thường nói về Ly rằng Ly còn trong tâm hồn một-cái-gì-đương… chưa vỡ: portent en lui un “abcès” qui devrait crever! Ngày nào có sự đổ vỡ trong tâm hồn con người ấy, chúng ta sẽ thấy một người đi một giai đoạn dài nữa trong văn thi giới. Ngày đó, nước mắt sẽ khô ráo: Ly sẽ chịu đựng thân phận mình, thân phận người. Rất can đảm. Ô Sisyphe!
Tôi tin thơ Ly lại sẽ có một nhạc tính mới nữa, và sẽ làm mọi người ngạc nhiên.

Hình như Baudelaire nói rằng đối tượng của văn nghệ là làm cho mọi người… nhạc nhiên. Le but essential de l’oeuvre-d’art est d’étonner… Ý của Baudelaire là như vậy.
Hoàng Trúc Ly đã và đang làm mọi người ngạc nhiên. Họ Hoàng sẽ còn làm mọi người ngạc nhiên – ít nhất là một lần nữa – về thiên tài của mình.
Tôi dùng danh từ “thiên tài” không dè dặt chút nào. Ly vốn khiêm tốn; nhưng cách đây gần mười năm, một trong những người bạn đường văn nghệ đầu tiên của Ly – là tôi – là người có quyền hãnh diện với chính mình, và hãnh diện cho cả văn và thơ hiện đại.

     (Đọc tại Đài Phát thanh Sài Gòn, tháng 12 năm 1962)

Không có nhận xét nào: