Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Đọc Sách Mới: “2013 VCL Tranh Vẽ Võ Công Liêm”

Phan Tấn Hải
dau_nguoi_tren_gia_ve-vo_cong_liem
Đầu người trên giá vẽ – Võ Công Liêm
Đó là một tuyển tập tranh vẽ và các bài lý luận về hội họa, một hình thức hiếm thấy. Không chỉ là cách vẽ hiếm thấy, chính cách lý luận trong các bài viết của Võ Công Liêm cũng rất mực hiếm gặp trong đời thường.
Anh là họa sĩ? Vâng, Võ Công Liêm là họa sĩ rất mực hậu hiện đại ngay nét vẽ của anh, nơi đó hình người và chân dung như những phóng ảnh đã biến dạng trong trí nhớ, dù là tranh vẽ trên giấy (như tấm “Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E” với những khuôn mặt dài, cơ phận trên mặt chệch nghiêng hư ảo) hay trên bố (như tấm “Bóng Tối” nơi những tảng màu phi hình dạng nằm chồng lên nhau cũng đầy ẩn nghĩa như bóng tối).

Tranh Võ Công Liêm là những tảng màu trong trí nhớ, trong mơ, nơi hình dạng không đủ hiện ra hình dạng. Thí dụ, tấm tranh “Ngươì Đàn Ông và Trăng” là một người ngồi, đầu trông như lười chiếc rìu và chúng ta không thấy trăng đâu cả, chỉ trừ vài lằn trắng như gợi ra.
Nhưng tấm tranh “Tiếng Động” gợi chúng ta nhớ tới trường pháí Futurism của các họa sĩ Ý thời đầu thế kỷ 20. Làm sao vẽ được tiếng động? Họa sĩ Võ Công Liêm đã chọn cách vẽ những tảng màu dọc như xô chạm vào nhau, như những bước chân đi…
Nơi trang cuối, tác giả tự giới thiệu như sau.
Sanh: 1943. Tại: Vỹ Dạ, Huế. VN Tự học vẽ: Vẽ những ám ảnh nội tại, những vóc dáng khác nhau qua đường nét phóng túng để diễn tả trọn vẹn tình yêu và tự do.
Tú tài văn chương (Quốc Học – Huế. 1960-1963)
Triết học Đông Phương (Sài Gòn, 1963-1965)
Hàm thụ Triết học Tây Phương (Cambridge, Anh quốc, 2000-2003)
Triển lãm tranh gia đình (Calgary, AB. Canada 2007)
Địa chỉ: lvocong@hotmail.com
tranh_vo_cong_liem
Hình chụp lại từ tập tranh của Võ Công Liêm.
Võ công Liêm cũng là một nhà lý luận về mỹ thuật. Trong bài tưạ đề “Modigliani: Họa Sĩ Không-Hóa” họ Võ đã viết về họa sĩ nổi tiếng này, trích như sau:
“…Thời gian sống ở Pháp Modi la cà khắp phố phường Paris, trao đổi hay thảo luận về hội họa với những bậc tài hoa, hay những bậc thầy mà Modi một thời ngưỡng mộ, ông thường ngồi cà phê nơi tụ hội văn nhân nghệ sĩ hay những hộp đêm, hầm rượu, say sưa tửu điếm. Modi ham vẽ như ham sống, đến đâu cũng vẽ, ông vẽ những đường nét như ‘vết chém’ qua chân dung của các nghệ sĩ như Diego Rivera, Picasso, Juan Gris, Jacques Lipchitz, Moise Kisling và Chain Soutine… với những nét bung phá đó, dần dần ông chuyển hướng qua đường nét ‘cổ-dài’ (long-necked nude) khởi từ đó Modi nghiên cứu và dồi mài đường nét ‘dài’ để tạo cho mình thế đứng riêng biệt. Qua những hình ảnh trong tranh người ta gán cho ông cái tên gọi họa-sĩ-phỉ-báng (le peintre maudit). Nhưng chính trong cái xấu xí (damnable) là cả một ngạc nhiên sau nầy khi mà người ta tìm thấy ‘chất liệu’ đó như một bản chất riêng biệt về cái bôi nhọ, chê bai mà Modi đã vẽ lên những hình tượng như thế.
Đời bỏ quên Modi, những đứa con tinh thần của Modi trở nên vô thừa nhận; điều đó có khác gì Van Gogh. Modi ngậm đắng lao vào đời như kẻ khốn cùng; mặc dù những năm gần đấy tiếng tăm Modi đã trở thành ‘huyền-sử-ca’ trong giới văn nhân ở Paris cũng như ở cố quốc.(nước Ý mắc cái nợ di sản của Modigliani) nhưng không phải những thừa nhận đó mà kéo Modi ra khỏi vũng tối, có những đêm say mướt dưới cơn mưa ở Montparnasse, lạnh, đói, thiếu thốn ‘poverty-stricken’ sống nương nhờ như kẻ vô gia cư vô điạ táng, một đời phóng đãng phủ quanh ông để rồi buột miệng: “Tôi say ngất ngư cho tới chết” (I am going to drink myself to death) Tiếng nói đó như thổn thức cho thân phận mình. Modigliani chấp nhận mọi thương đau để hoàn thành những tác phẩm mà Modi nuôi dưỡng từ khi dấn thân vào con đường hội hoạ, người đã trải qua những chặng đường khốc liệt nhất, kể cả những cuộc tình đi qua trong đời Modi. Những tác phẩm của ông chính là đời ông…” (hết trích)
Vâng, đúng như thế. Những tác phẩm của ông chính là đời ông. Câu này có lẽ cũng đúng cả cho Võ Công Liêm, một họa sĩ phức tạp cũng như những suy nghĩ rất mực triết học của ông.
Tập tranh không đề giá bán. Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn Quý IV - 2013
Độc giả quan tâm có thể liên lạc về: lvocong@hotmail.com.

Phan Tấn Hải
Nguồn: Võ Công Liêm gửi

Không có nhận xét nào: