Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Phan Khôi, người đa tài

Tiếp sau Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh..., đến lượt Phan Khôi được mở hội thảo khoa học tại quê hương Quảng Nam hôm qua 6.10, đúng 127 năm ngày sinh của ông, để vinh danh một con người đa tài.

Người “gây sự”
 
Phan Khôi (người đội nón) chụp chung với Tố Hữu (bìa phải), Văn Cao (bìa trái) và Tú Mỡ tại Việt Bắc - Ảnh: gia đình cung cấp


GS Nguyễn Đăng Mạnh gọi Phan Khôi là người có cảm hứng “gây sự”. Cùng với đặc điểm chỉ nói lý không nói tình, bác học mà bình dân, hài hước châm biếm..., yếu tố “gây sự” đó đã làm nên một phong cách nghị luận, bút chiến độc đáo.
Những công bố gần đây của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân về di sản Phan Khôi càng làm sáng rõ hơn tầm vóc của “người gây sự”, người sở hữu di sản đồ sộ gồm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, khảo cứu, lý luận, phê bình văn hóa, văn học, dịch thuật... chứ không chỉ “đóng khung” ở hoạt động báo chí. Hơn 50 tham luận gửi đến hội thảo Phan Khôi và những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc do Sở VH-TT-DL và Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam tổ chức sáng qua 6.10, trong đó có 19 ý kiến trình bày, phát biểu trực tiếp tại hội trường, đã phác họa một Phan Khôi đa tài. Sự nghiệp học thuật của ông gây kinh ngạc ở hàng loạt lĩnh vực: nhà báo, nhà tư tưởng, người yêu quý lịch sử nước nhà, nhà ngữ học, nhà Trung Hoa học, nhà khoa học... Riêng lĩnh vực văn chương, ông tung hoành trên các mảng: phê bình (giai đoạn 1918 - 1941), sáng tác thơ (khởi xướng phong trào Thơ mới), văn xuôi (viết truyện bằng Hán văn, viết tiểu thuyết Quốc ngữ...), tiểu phẩm, hồi ký, dịch giả (dịch tác phẩm của Tư Mã Thiên, Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, dịch Kinh Thánh...).
Nhà giáo Phạm Phú Phong, Đại học Khoa học Huế, bình luận: Không phải ngẫu nhiên mà người Quảng có câu “lý sự quá Phan Khôi”. Và cũng không phải tình cờ mà Phan Khôi có biệt hiệu Tú Sơn, theo tiếng Pháp Tout Seul là “Cô độc”, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Q.Thắng. Thống kê trước đó của nhà nghiên cứu văn học Thanh Lãng cho thấy, trong 10 cuộc tranh luận trên văn đàn giai đoạn 1930 - 1945 thì Phan Khôi khởi xướng hoặc tham gia đến 5 vụ, với những vụ đình đám như Nho giáo, Quốc học, Truyện Kiều, Duy tâm - duy vật... Tính khí và bản lĩnh đó đã hun đúc nên phẩm chất của một trong những người tiêu biểu cho “Quảng Nam hay cãi”.
Những phát hiện mới
Lâu nay, bài thơ Tình già của Phan Khôi cùng bài viết giới thiệu Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ được cho là đăng tải trên tờ tuần báo Phụ nữ tân văn số 122 (ra ngày 10.3.1932). Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, bài Tình già đã in sớm hơn. Cụ thể, bài Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ được Phan Khôi đưa in trước tiên trong Tập văn mùa xuân (phụ trương của Báo Đông tây ở Hà Nội), ra mắt vào dịp Tết Nhâm Thân 1932. Sau đó chừng hơn một tháng, ở Sài Gòn, bài báo nói trên của Phan Khôi mới được đăng lại ở tuần báo Phụ nữ tân văn; bản đăng lại này bị kiểm duyệt bỏ mất trên 100 từ so với bản đăng lần đầu.
Nhà nghiên cứu Phan An Sa khá quyết liệt khi đề nghị xóa “án oan” về Phan Khôi, liên quan đến dịch thuật. Chuyện là, Phan Khôi dịch chữ pomme de terre (khoai tây) thành "khoai nhạc ngựa" trong truyện Một ông vua nước Cộng hòa, với chú thích rằng ông tránh chữ khoai tây vì chữ Hán gọi pomme de terre là mã - linh - thự. Nhưng lối dịch cắc cớ ấy do ông “cố ý”, như từng dịch chữ dinde (gà mái tây) thành "gà bừu". Tất cả chỉ để phản kháng thói quen hay sửa những chữ tiếng Tây, tiếng Tàu (sửa thuốc tây thành tân dược, chè tàu thành chè Trung Quốc...), nhưng viết bài phản đối thì các báo không chịu đăng. Vì thế, ông mượn chuyện dịch này để biểu lộ ý bực mình và mai mỉa chứ không phải “dịch lẩm cẩm” như một độc giả phê bình nặng nề. Những tư liệu này, nhà nghiên cứu Phan An Sa tìm thấy ở 2 mẩu ngắn lần lượt đăng trên tuần báo Cứu Quốc (Hà Nội) các số 2772 (ngày 5.8.1956) và số 2774 (ngày 19.8.1956).
Từ bước “khởi động” ở khía cạnh văn hóa dân tộc lần này, nhiều vấn đề khác liên quan đến lịch sử của nhân vật Phan Khôi sẽ được hé mở dần. Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN (đồng chủ trì hội thảo), khẳng định: Đây là bước tiến đáng khích lệ để tiếp tục làm rõ hơn những khúc ngoặt cũng như những đóng góp đối với nước nhà trong cuộc đời cụ. “Văn hóa là nền tảng, người có đóng góp vào văn hóa dân tộc thì không lý gì không yêu nước, không có những đóng góp ưu việt cho nước nhà. Sau hội thảo về văn hóa, chúng tôi thiết nghĩ cần phải có một hội thảo về Phan Khôi - một nhân vật lịch sử”.
Sẽ mở “hội thảo toàn diện”
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng kiến nghị tỉnh Quảng Nam cần quan tâm bảo tồn, phát huy những di sản liên quan đến Phan Khôi, tập hợp những dữ liệu để cùng các nhà chuyên môn xây dựng bộ toàn tập về Phan Khôi đầu tiên, kể cả việc đặt tên đường Phan Khôi tại Quảng Nam (hiện TP.Đà Nẵng đã thực hiện). Hội Khoa học lịch sử VN dự kiến mở hội thảo về Phan Khôi với phạm vi nghiên cứu toàn diện hơn vào năm 2017 tại Hà Nội, nhân dịp 130 năm ngày sinh Phan Khôi.
Ông Nguyễn Chín, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận xét hội thảo lần này đã góp phần đánh giá về những đóng góp của Phan Khôi trên lĩnh vực văn hóa dân tộc, giúp có thêm nhiều tư liệu quý và đánh giá khoa học có giá trị cao, toàn diện...
Ý kiến
“Phan Khôi là hiện tượng “kép”, có cả hoạt động sáng tác và phê bình, vừa mở đường vừa là chứng nhân, vừa khai phá vừa thúc đẩy, vừa là người anh hùng vừa đi ca ngợi người anh hùng, để lại những dấu ấn sắc nét trên dặm dài lịch sử phong trào Thơ mới 1932 - 1945”.
PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn, Viện Văn học Việt Nam
“Ở góc độ một người bình dân, với chúng tôi, ông Phan Khôi là một người tự do, đủ đầy khí phách của một nhà trí thức, một nhà văn hóa. Cần nói nhiều hơn nữa về khí phách của một nhà văn hóa ở Phan Khôi”.
GS Nguyễn Đăng Hưng
“Với tư cách một nhà báo, Phan Khôi đã để lại một sự nghiệp viết đồ sộ, không chỉ ở nội dung viết, mà còn ở cách viết. (...) Ông không chạy theo việc mô tả sự kiện, mà chỉ chú ý đến những vấn đề xã hội hoặc văn hóa đằng sau sự kiện đó”.
Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy
Phan Khôi (1887 - 1959) quê làng Bảo An, xã Điện Quang, H.Điện Bàn (Quảng Nam), xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Cụ thân sinh là phó bảng Phan Trân, Tri phủ Diên Khánh (Khánh Hòa) nhưng sau đó treo ấn từ quan về quê dạy học vì sự lộng hành của công sứ Pháp; mẹ là bà Hoàng Thị Lệ, con gái Tổng đốc Hoàng Diệu. Năm 1905, Phan Khôi tham gia các phong trào Duy tân, Đông du. Trong phong trào kháng thuế năm 1908, ông bị thực dân Pháp bắt và giam tại Quảng Nam đến năm 1914. Ra tù, ông hoạt động trên lĩnh vực báo chí và văn học ở Huế, Sài Gòn, Hà Nội...

 
Ảnh: T.L
Hứa Xuyên Huỳnh
 Thanh Niên Online

Không có nhận xét nào: